Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thủ Thanh Dụ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH THỦ THANH DỤ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, có Tỳ Kheo một mình lặng lẽ tư duy:
Thế nào là ngã?
Ngã làm gì?
Cái gì là ngã?
Ngã trụ ở đâu?
Sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, Tỳ Kheo này đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy:
Thế nào là ngã?
Ngã làm gì?
Cái gì là ngã?
Ngã trụ ở đâu?
Phật bảo Tỳ Kheo: Nay ta sẽ vì ngươi mà nói hai pháp.
Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.
Thế nào là hai?
Mắt và sắc là hai. Tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là hai pháp.
Này Tỳ Kheo, nếu có người bảo rằng: Sa Môn Cù Đàm nói hai pháp, nhưng đó chẳng phải là hai. Nay tôi sẽ bỏ cái này để lập hai pháp khác.
Người kia chỉ nói suông, nhưng nếu gạn hỏi thì không biết và càng tăng thêm nghi hoặc, vì chẳng phải là cảnh giới của họ.
Vì sao?
Vì duyên mắt và sắc nên sanh ra nhãn thức.
Này Tỳ Kheo, mắt này là hình thịt, là bên trong, là nhân duyên, là cứng, là thọ. Đó gọi là nội địa giới, hình thịt của mắt.
Này Tỳ Kheo, nếu hình thịt của mắt, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, chất dịch từ mắt tiết ra, là thọ. Đó gọi là nội thủy giới hình thịt của mắt.
Này Tỳ Kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, phát ra ánh sáng ấm nóng, là thọ. Đó gọi là nội hỏa giới hình thịt của mắt.
Này Tỳ Kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc ở trong, hoặc nhân duyên, dao động nhẹ nhàng, là thọ. Đó là nội phong giới hình thịt của mắt.
Này Tỳ Kheo, thí như hai tay chập lại tạo thành âm thanh, cũng vậy duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức. Ba sự này hòa hợp sanh ra xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư.
Các pháp này chẳng phải ngã, chẳng phải thường, mà đó là cái ngã vô thường. Chẳng phải lâu bền, chẳng phải an ổn, đó là cái ngã biến dịch.
Vì sao?
Này Tỳ Kheo, vì nó là pháp thọ sanh có sanh, già, chết, tiêu mất.
Này Tỳ Kheo, các hành như huyễn, như sóng nắng, trong khoảnh sát na, tàn lụi, không thật đến không thật đi.
Cho nên Tỳ Kheo, đối với các hành vốn không, nên biết, nên hoan hỷ, nên suy niệm rằng, trống không là các hành thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch.
Trống không không có ngã, không có ngã sở. Ví như người mắt sáng tay cầm đèn sáng vào trong nhà trống, xem xét cái nhà trống ấy.
Cũng vậy, Tỳ Kheo, đối với tất cả hành trống không, tâm quán sát, hoan hỷ, rằng trống không là các hành. Trống không, không ngã và ngã sở, là các pháp được coi là thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch.
Cũng vậy, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm nhân duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp thành xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này vô ngã, vô thường, chi tiết cho đến không, vô ngã và ngã sở.
Tỳ Kheo, ý ngươi thế nào?
Mắt là thường hay là vô thường?
Bạch Thế Tôn, vô thường.
Phật lại hỏi: Nếu vô thường là khổ chăng?
Bạch Thế Tôn, là khổ.
Phật lại hỏi: Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong ấy thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?
Bạch Thế Tôn, không.
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử đối với mắt sanh nhàm tởm.
Nhàm tởm nên không ưa thích, không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
Tỳ Kheo ấy nghe Phật thuyết về Kinh thí dụ hai tay hợp lại phát tiếng, một mình đi đến chỗ vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung, … tự biết không còn thọ thân sau, thành A La Hán.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết - Phẩm Mười Một - Phẩm Hạnh Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Phóng Dật
Phật Thuyết Kinh Thi Ca La Việt Lạy Sáu Phương
Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Một - Phẩm Thưa Hỏi Về Bốn Việc - Tập Hai
VÌ THAM LAM MÀ MÓC MẮT TIÊN NHÂN
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Tám - Phẩm Vô Sở đắc - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Hai
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Chín
Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Tám