Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Bốn - Phẩm Ba Bài Kệ Số Hai - Chuyện điều Tốt Nhất Tiền Thân Seyya

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BA  

PHẨM BỐN

PHẨM BA BÀI KỆ SỐ HAI  

CHUYỆN ĐIỀU TỐT NHẤT

TIỀN THÂN SEYYA  

Ðiều tốt nhất các khanh nên biết. Chuyện này do Bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một quan đại thần của xứ Kosala.

Ông này rất đắc lực cho Vua và người ta kể rằng ông làm hết mọi việc cần làm. Vì ông rất đắc lực nên Vua rất quý trọng ông. Các quan khác ganh tị, âm mưu hạ nhục và vu cáo ông.

Vua nghe lời họ mà không tra xét tội trạng. Dù ông rất đức hạnh và vô tội, Vua vẫn cho trói ông lại bằng dây xích và bỏ ông vào ngục. Ông sống cô đơn trong ngục, nhưng nhờ đức hạnh ông vẫn an tâm và nhờ tâm an tịnh, ông hiểu được những điều kiện của sự sống và ông đắc quả Dự Lưu.

Ít lâu sau, Vua nhận ra ông vô tội nên phá bỏ xiềng xích cho ông và tôn quý ông còn hơn trước kia nữa. Ông muốn được bày tỏ lòng tôn kính trước Bậc Ðạo Sư nên mang hương hoa đến Tịnh Xá, đảnh lễ Đức Phật rồi kính cẩn ngồi một bên.

Bậc Ðạo Sư Ân cần nói với ông: Chúng tôi có nghe ông gặp vận xui.

Ông thưa: Bạch Ngài, vâng, nhưng con đã làm cho vận xui ấy trở thành tốt, trong lúc ngồi tù, con đã đắc quả Dự Lưu.

Bậc Ðạo Sư bảo: Này Hiền hữu, không phải chỉ có ông là người đã đổi xấu thành tốt. Những Bậc trí giả ngày xưa cũng đã đổi cái xấu thành cái tốt như ông vậy. Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

Ngày xưa khi Brahmadatta là Vua xứ Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra là con của chánh Hoàng Hậu. Ngài lớn lên và được giáo dục tại Takkasilà. Khi Vua cha mất Ngài lên ngôi và giữ đúng mười điều luật của một vị Vua.

Ngài bố thí, hành thiện và chấp trì ngày trai giới. Một quan đại thần kia đã thông gian trong đám cung phi của Vua. Các tôi tớ biết được và kể cho Vua nghe, một người nọ đang tiến hành một âm mưu.

Nhà Vua khám phá ra đúng sự thật của việc ấy rồi gọi ông ta lại: Ðừng bao giờ để cho ta thấy mặt ngươi nữa. Vua bảo thế rồi đuổi ông ta đi. Ông quan bỏ đi đến Triều Đình của một vị Vua láng giềng, thế rồi mọi sự việc xảy ra như đã tả ở Kinh Tiền Thân Mahàsilava.

Ở đây cũng thế, vị Vua này ba lần thử ông, tin theo ông và dẫn một đạo quân lớn đến Ba La Nại để mong xâm chiếm.

Ðược tin ấy, các tướng lãnh của Vua Ba La Nại gần năm trăm vị đã nói với Vua: Ông Vua kia đã đến đây, phá hoại xứ sở để mong chiếm lấy Ba Na Lại.

Xin cho chúng thần đi bắt ông ta!

Ta không muốn giữ Vương Quốc bằng cách giết hại Vua bảo ðừng làm gì cả. Ông Vua cướp nước kia bao vây thành phố.

Các đại thần lại đến gần Vua và nói: Tâu Ðại Vương, xin hãy lưu tâm. Hãy cho phép chúng thần bắt ông ta!

Không được làm gì cả Vua phán. Hãy mở các cổng thành. Rồi Vua đoan nghiêm ngồi trên bệ, giữa các đại thần của Triều Đình.

Vua cướp nước vào thành, hạ các người giữ cổng rồi vào Cung Điện. Nơi đây, ông bắt giữ Vua và các triều thần, trói xích lại rồi tống tất cả vào ngục. Vua ngồi trong ngục thương xót kẻ cướp nước kia, nỗi xót xa cùng cực trào dâng trong Ngài.

Do lòng thương xót kia mà ông Vua nọ bỗng cảm thấy giày vò bứt rứt trong thân, cả người như bị thiêu đốt gấp hai lần lửa bỏng. Bị ray rứt xốn xang vì trọng tội, ông ta hỏi các cận thần vì sao như vậy.

Họ trả lời: Ngài đã bắt giam một vị Vua công chính, do thế mà Ngài bị như thế kia. Ông ta liền đến xin Bồ Tát thứ lỗi, giao trả lại Vương Quốc.

Ông nói: Vương Quốc của Ngài phải là của riêng Ngài. Từ nay về sau, xin hãy để các kẻ thù của Ngài cho tôi lo liệu. Rồi ông trừng phạt quan cố vấn xấu xa kia và quay trở về thành phố của mình.

Bồ Tát nghiêm trang ngồi trên bệ cao, trong lễ phục giữa đám triều thần, đọc cho họ nghe hai bài kệ sau:

Ðiều tốt nhất các khanh nên biết:

Việc tốt hơn hãy quyết lòng làm,

Kẻ kia, ta đối thiện tâm

Nên ta cứu tử được năm trăm người.

Khuyên các khanh, với đời hãy tỏ

Vẻ khoan dung đức độ, hiền hòa,

Cõi Trời, vào hết chẳng riêng

Dân Kà si hỡi, hãy liền nghe ta.

Như vậy, Bậc Ðại Sĩ ca ngợi đức hạnh về lòng từ bi đối với đại chúng. Sau đó, Ngài rời ngai vàng trong Kinh Thành đồ sộ Ba La Nại, rộng tới mười hai dặm để đi vào dãy Hy Mã Lạp Sơn và sống đời tu hành.

Bậc Ðạo Sư với Trí tuệ Toàn hảo, đọc vần kệ thứ ba:

Ta là Ðại đế Ba La Nại

Vua Kam sa, có bấy nhiêu lời:

Cung tên ta đã bỏ rời,

Thành người tự thắng, ta thời nên công.

Khi Bậc Ðạo Sư kể xong pháp thoại này, Ngài nhận diện tiền thân: Bấy giờ, Ànanda là ông Vua cướp nước kia, còn Vua xứ Ba La Nại chính là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần