Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Nói Về Hai Hạnh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG

BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM NÓI VỀ HAI HẠNH  

Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, cần phải thành tựu phần trước và sau của bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát có hai hạnh: Thành tựu bát nhã Ba la mật và giáo hóa chúng sinh.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát giáo hóa chúng sinh như thế nào?

Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Từ khi mới được bát nhã cho đến sau cùng, phải lìa công dụng của tâm mà nói pháp không cùng tận, trong khoảng giữa ấy không bị gián đoạn. Làm cho các chúng sinh thoát khỏi quả báo đường ác trong ba cõi, tạo an vui cho các chúng sinh, khiến họ trụ đường lành và được ba quả Thánh.

Văn Thù Sư Lợi! Đó gọi là Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, giáo hóa chúng sinh.

Văn Thù Sư Lợi! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thành tựu vô vi, vô biên. Đó gọi là tự hành của Đại Bồ Tát.

Vì sao?

Vì đã thành tựu được tất cả công đức.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những pháp nào cùng với bát nhã Ba la mật và Đại Bồ Tát tương ưng?

Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Chỉ có nhất thiết chủng trí là pháp chân thật, xa lìa sự suy nghĩ so lường. Nó vi diệu, không tướng, đạo lý sâu xa, không thể thấy được và khó thông đạt. Nó thường trụ, vắng lặng, trong mát và cùng khắp.

Không phân biệt, không chấp trước, không chướng ngại. Chỉ thuận theo đạo lý mà không chấp thủ. Rất vắng, rất lặng, trong tất cả pháp, nó là vô thượng không gì sánh bằng.

Văn Thù Sư Lợi! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật và tu những pháp này sẽ cùng nhất thiết trí tương ưng.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật trong cảnh giới như thế nào?

Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật trong cảnh giới sâu xa, cảnh giới rộng lớn và cảnh giới công đức.

Văn Thù Sư Lợi! Cảnh giới sâu xa ấy thể của nó là vô vi, không thể cùng rời xa, không chấp hai bên, nó vượt qua các chướng ngại, tự tánh thanh tịnh, không thể đếm biết, không thể nghĩ lường, không cùng chung với hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Văn Thù Sư Lợi! Cảnh giới rộng lớn của Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật là tất cả công đức của Chư Phật Như Lai đều lấy hai pháp bát nhã Ba la mật và Ma Ha Ca Lâu Na làm thể. Nó lìa tướng phân biệt và dùng tâm vô công dụng để làm lợi ích chúng sinh đều tương xứng với ý kia không lúc nào rời nhau.

Văn Thù Sư Lợi! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật tương ứng với tất cả công đức. Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, với sức oai thần của Phật và có thể hiện ra tất cả hình tướng, tùy theo sự ưa muốn của mỗi căn tánh chúng sinh. Hoặc hiện lên Cõi Trời Đâusuất. Hoặc từ Cõi Trời Đâu Suất xuống.

Hoặc hiện vào thai. Hoặc hiện lúc mới sinh. Hoặc hiện đồng tử. Hoặc hiện dạo chơi nơi vườn. Hoặc hiện xuất gia. Hoặc hiện khổ hạnh. Hoặc đến cây Bồ Đề. Hoặc hiện thành Phật. Hoặc hiện chuyển pháp luân. Hoặc hiện Niết Bàn. Thị hiện tất cả như vậy là để đoạn trừ sinh tử cho chúng sinh.

Văn Thù Sư Lợi! Đó gọi là cảnh giới của Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn, thật hiếm có! Bát nhã Ba la mật sâu xa như vậy thì cảnh giới Chư Phật là không thể nghĩ bàn.

Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đúng như vậy, đúng như vậy, như lời ông nói! Bát nhã Ba la mật là pháp bất cộng, không thể nghĩ bàn.

Vì sao?

Vì chẳng phải là cảnh giới của tất cả phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác nên không thể thông đạt được. Trừ Phật Như Lai ra, không ai có thể đạt được.

Vì sao?

Vì nghĩa lý như như, sâu xa, tự tại, không động. Thuộc về cảnh giới vô lậu mà giáo hóa chúng sinh lợi ích viên mãn. Do đó gọi là cảnh giới của Chư Phật, nó vượt qua các ngôn ngữ thuộc về đệ nhất nghĩa, không có giác quán phân biệt, suy lường và không còn các thí dụ, nó đứng đầu trong tất cả các pháp, không trụ sinh tử, cũng không trụ Niết Bàn.

Văn Thù Sư Lợi! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật có năm việc không thể nghĩ bàn:

1. Tự tánh.

2. Phương xứ.

3. Trụ.

4. Nhất dị.

5. Lợi ích.

Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là tự tánh không thể nghĩ bàn?

Sắc tức là như, tìm cầu, không thể được. Lìa sắc tìm cầu như cũng không thể được. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy. Địa đại tức là như, tìm cầu, không thể được. Lìa địa đại tìm cầu như, cũng không thể được, tất cả thủy đại, hỏa đại, phong đại cũng đều như vậy.

Nhãn nhập tức như, cầu là không thể được. Lìa nhãn tìm cầu như cũng không thể được. Tất cả nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng đều như vậy.

Pháp có là như mà cầu, không thể được. Pháp không là như cũng không thể được. Hoặc ở Cõi Dục không thể nghĩ bàn, hoặc lìa Cõi Dục cũng không thể nghĩ bàn. Cõi Sắc và Vô Sắc cũng như vậy. Hoặc ở phương Đông không thể nghĩ bàn, hoặc rời phương Đông cũng không thể nghĩ bàn. Các phương Tây, Nam, Bắc, bốn góc trên dưới cũng vậy.

Trụ nơi an lạc không thể nghĩ bàn. Trụ nơi vắng lặng không thể nghĩ bàn. Tâm trụ ở có không thể nghĩ bàn. Tâm trụ ở không không thể nghĩ bàn. Ba đời Như Lai đều đồng ở một chỗ tự tánh thanh tịnh, pháp giới vô lậu. Hoặc một hoặc khác không thể nghĩ bàn. Thần lực trí tuệ đồng một pháp giới.

Phương tiện và trí tuệ cả hai đều bình đẳng, có thể vì lợi ích vô lượng chúng sinh, phải vượt qua cảnh giới ngôn ngữ, không thể nói năng, mà tùy thuận cho căn tánh chúng sinh, nên nói tất cả và thị hiện tất cả. Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp cũng tùy ý chúng sinh mà hiện ra như vậy.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những gì là ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp?

Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Tướng tốt của Như Lai rất nhiều, nói không thể hết.

Nhưng tùy thuận pháp thế gian mà lược nói là ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp:

1. Lòng bàn chân bằng phẳng.

2. Tướng đi ngay thẳng.

3. Chỉ dưới bàn chân có xoáy tròn như hình bánh xe có ngàn nan hoa.

4. Ngón tay khít thon dài, mềm mại, thẳng, không lộ xương.

5. Thân hình to lớn cân đối.

6. Kẻ ngón tay, ngón chân có màn da mỏng như ngỗng chúa.

7. Lòng bàn tay như màu hoa sen hồng.

8. Xương mắc cá không lộ.

9. Bắp chân như đùi nai chúa.

10. Thân mềm mại ngay thẳng.

11. Mã âm tàng.

12. Thân hình đầy đặn như cây Ni Câu Lô Đà.

13. Lông trên mình xoắn về bên phải.

14. Một sợi lông của mỗi chân lông trơn mướt bụi không thể dính.

15. Thân màu sắc vàng.

16. Quanh mình thường có hào quang chiếu ra một trượng.

17. Bảy chỗ đầy đặn.

18. Ngực như ngực Sư Tử.

19. Dưới nách của hai cánh tay đầy đặn.

20. Hai tay tròn thẳng như vòi con voi chúa và dài quá đầu gối.

21. Bốn mươi cái răng đều khít nhau và trắng như ngọc tuyết.

22. Bốn răng cửa giống như trăng non.

23. Trán như trán Sư Tử.

24. Đầu tròn trịa.

25. Cổ họng đầy đủ ngàn mạch.

26. Lòng ngực rắn chắc như Na La Diên.

27. Có nhục kế nổi lên tự nhiên trên đỉnh đầu.

28. Lưỡi dài và rộng như cánh sen.

29. Giọng nói vang rền như tiếng trống Trời Phạm Thiên.

30. Mắt xanh biếc như hoa Ưu Bát La.

31. Lông mi xanh xám như ngưu Vương.

32. Có sợi lông trắng giữa hai chặng mày.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là ba mươi hai tướng, Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đều có thể thành tựu công đức như vậy.

Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là tám mươi vẻ đẹp?

1. Đinh đầu không thấy được.

2. Xương đầu vững chắc.

3. Trán rộng bằng phẳng.

4. Lông mi dài cong như trăng non, xanh biếc như ngọc lưu ly.

5. Mắt rộng dài.

6. Mũi cao tròn thẳng và kín đáo.

7. Tai dài rộng, trái tay như bánh xe.

8. Thân rắn chắc như Na La Diên.

9. Thân không thể hoại.

10. Các chi tiết trên thân khít nhau.

11. Khi xoay mình nhìn lại cũng như voi chúa.

12. Thân có hào quang.

13. Thân điều hòa, ngay thẳng.

14. Trẻ mãi không già.

15. Thân thường tươi nhuận.

16. Tự bảo vệ thân không nhờ người khác.

17. Thân thể đầy đủ.

18. Các giác quan đầy đủ.

19. Dung nghi đầy đủ.

20. Oai đức vang xa.

21. Mọi người đều thích hướng đến.

22. Trụ xứ yên ổn không động.

23. Khuôn mặt đầy đặn.

24. Mặt rộng và bằng phẳng.

25. Mặt đầy đặn và sáng như vầng trăng tròn.

26. Không tiều tụy.

27. Đi đứng oai vệ như voi chúa.

28. Phong thái như Sư Tử chúa.

29. Tướng đi như ngỗng chúa.

30. Đầu như quả Ma Đà Na.

31. Sắc thân tươi sáng.

32. Mu bàn chân đầy đặn.

33. Móng tay, móng chân như màu hồng đỏ.

34. Lúc đi ấn văn hiện lên đất.

35. Đường chỉ trong lòng bàn tay xinh đẹp.

36. Đường chỉ văn rõ ràng không mất.

37. Chỉ tay rõ thẳng.

38. Chỉ tay dài.

39. Chỉ tay không bị đứt đoạn.

40. Tay chân vừa ý.

41. Tay chân màu trắng, hồng như màu hoa sen hồng.

42. Tướng khổng môn đầy đủ.

43. Dáng đi nhanh nhẹn.

44. Đi đứng không vội.

45. Đi đứng thong thả.

46. Rốn sâu và tròn đẹp xoay về phía bên phải như rắn cuộn tròn.

47. Lông màu xanh hồng như cổ khổng tước.

48. Lông mềm mại sạch sẽ.

49. Lông trên thân xoay về phía phải.

50. Miệng tỏa mùi thơm, lỗ chân lông cũng vậy.

51. Môi đỏ như quả Tần Bà.

52. Hai môi bóng láng đều nhau.

53. Lưỡi mỏng.

54. Tất cả chúng sinh thấy đều ưa chiêm ngưỡng.

55. Nói năng hòa nhã, vui vẻ tùy theo ý thích chúng sinh.

56. Bất cứ nơi nào cũng đều nói điều thiện.

57. Gặp họ chào trước.

58. Âm thanh hòa nhã, tùy sự ưa thích của chúng sinh.

59. Tùy theo ngôn ngữ của mỗi chúng sinh mà nói pháp.

60. Thuyết pháp chẳng chấp trước.

61. Coi chúng sinh bình đẳng,

62. Xem trước làm sau.

63. Pháp âm khế hợp với mỗi chúng sinh.

64. Trình tự thuyết pháp theo nhân duyên.

65. Không có chúng sinh nào nhìn thấy hết được tướng Phật.

66. Chiêm ngưỡng mãi không chán.

67. Đầy đủ tất cả âm thanh.

68. Hiện rõ sắc lành.

69. Người cương cường trông thấy đều cảm phục và người có tâm hoảng sợ trông thấy liền được an ổn.

70. Tiếng nói rõ ràng trong trẻo.

71. Thân chẳng nghiêng ngã.

72. Thân to lớn.

73. Thân cao ráo.

74. Thân không dơ bẩn.

75. Xung quanh có hào quang rộng một trượng.

76. Khi đi có hào quang chiếu trên thân.

77. Thân thanh tịnh.

78. Thân thể sáng và tươi nhuận như ngọc xanh.

79. Tay chân tròn trịa.

80. Tay chân có chữ đức.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần