Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Năm - Phẩm Ba Bài Kệ Số Ba - Chuyện Con Chim ăn Trái đào Tiền Thân Jambu Khàdaka
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG BA
PHẨM NĂM
PHẨM BA BÀI KỆ SỐ BA
CHUYỆN CON CHIM ĂN TRÁI ĐÀO
TIỀN THÂN JAMBU KHÀDAKA
Ai đó ngồi cây đào đỏ hồng. Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Trúc Lâm về Đề Bà Đạt Đa và Kokàlika.
Bấy giờ, khi Đề Bà Đạt Đa bắt đầu mất vật phẩm cúng dường và thanh danh, Kokàlika đi từ nhà này sang nhà khác bảo: Trưởng Lão Đề Bà Đạt Đa là dòng dõi Sơ Tổ Hoàng Đế, thuộc hoàng tộc Okkàka, là hàng quý tộc đích truyền, đặc tài về mọi Kinh Điển, sung mãn thần thông, nói năng ngọt ngào, là một Luật Sư thiên hảo.
Hãy cúng dường Trưởng Lão, hãy giúp đỡ Ngài! Kokàlika ca ngợi về Đề Bà Đạt Đa bằng những lời như thế.
Mặt khác Đề Bà Đạt Đa lại ca ngợi Kokàlika như sau: Kokàlika vốn thuộc một gia đình Bà La Môn ở phía Bắc, ông sống đời tu hành, thâm nhập Kinh Điển, là một Luật Sư có tài. Hãy cùng dường ông ấy, hãy giúp đỡ ông ấy. Họ đi khắp nơi, người này ca ngợi người kia như thế để được nhận đồ ăn của từng nhà.
Một hôm, các Tỳ Kheo bắt đầu bàn tán chuyện ấy trong Pháp Đường: Này Hiền hữu, Đề Bà Đạt Đa và Kokàlika đi khắp nơi ca ngợi đức hạnh của nhau trong khi họ chẳng có đức hạnh gì cả, và cứ thế, họ kiếm được lương thực. Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi các Tỳ Kheo đang ngồi bàn tán việc gì.
Nghe họ thuật lại, Ngài dạy: Này các Tỳ Kheo, đây không phải lần đầu tiên các người ấy nhận được lương thực bằng cách ca ngợi nhau. Xưa kia, họ cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì xứ Ba La Nại, Bồ Tát là một Thần cây trong một khu rừng hồng đào Diêm Phù kia. Một con Quạ cái kia đậu trên cành cây của Ngài và bắt đầu ăn quả. Một con chó rừng đến, nhìn lên và theo dõi quạ.
Nó tự nghĩ: Nếu ta nịnh tên này thì có lẽ ta sẽ được ăn vài quả đấy!
Vì thế để nịnh Quạ, nó đọc bài kệ đầu:
Ai đó ngồi cây đào đỏ hồng,
Giọng ca thanh lịch rót vào lòng,
Dáng nàng uyển chuyển như công múa
Và vẫn ngồi yên, vẫn lặng không!
Quạ lấy làm tự mãn, trả lời bằng bài kệ thứ hai:
Kẻ nào gia thế cao sang
Mới khen kẻ khác là hàng quý cao.
Chàng cùng mãnh hổ khác nào,
Ðến đây! Ăn thứ tôi trao tặng chàng!
Ðọc xong bài kệ, Quạ rung cành cho vài trái rơi xuống.
Bấy giờ vị Thần của cây chứng kiến hai con vật đang ăn, sau khi nịnh hót ve vãn nhau như thế, liền đọc bài kệ thứ ba:
Quân nói dối, ta đây rõ quá!
Tên Quạ kia, tên chó rừng kia,
Chuyên ăn xác chết thối tha,
Nịnh nhau qua lại nghe ra om sòm!
Ðọc xong bài kệ, vị thần cây liền hóa ra một hình thù hung tợn đuổi cả hai con vật kia đi.
Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Bấy giờ, con chó rừng là Đề Bà Đạt Đa, con Quạ là Kokàlika, còn vị Thần cây kia chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba