Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bốn - Phẩm Hai - Phẩm Bốn Bài Kệ Số Hai - Chuyện ẫn Sĩ Kassapa Chậm Trễ Tiền Thân Kassapamandiya
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG BỐN
PHẨM HAI
PHẨM BỐN BÀI KỆ SỐ HAI
CHUYỆN ẪN SĨ KASSAPA CHẬM TRỄ
TIỀN THÂN KASSAPAMANDIYA
Trẻ khờ dại có điều sai trái. Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo lớn tuổi.
Tương truyền một nhà quí phái trẻ tuổi ở Xá Vệ thấy hậu quả xấu xa của các tham vọng tội lỗi, được bậc Ðạo Sư cho nhập giáo đoàn, và do tinh tấn tu tập pháp môn thiền quán, chẳng bao lâu đạt Thánh Quả.
Về sau, khi mẹ mất, ông đưa cha và em trai vào giáo hội và cả ba người cùng trú tại Kỳ Viên.
Khi mùa mưa bắt đầu. Nghe nói tại một trú xứ trong làng kia họ có thể được cúng dường pháp y dễ dàng, cả ba người đều đến đó nhập hạ và sau khi mùa kiết hạ chấm dứt, họ về thẳng Kỳ Viên, vị Tỳ Kheo trẻ bảo chú tiểu yên lặng đưa vị Tỳ Kheo già đi, còn chính ông đi nhanh trước để đến Kỳ Viên sửa soạn phòng xá.
Vị Tỳ Kheo già đi thực chậm, chú tiểu cứ thúc đầu vào, dùng sức kéo thầy đi và la lên.
Nhanh lên thầy! Tỳ Kheo già nói. Người cứ ép ta mà kéo ta đi tới trong khi ta không muốn đi như thế. Rồi ông quay lại, bắt đầu đi từ khởi điểm. Họ cứ cãi nhau như thế. Mặt trời đã lặn và bóng tối đã kéo tới.
Vị Tỳ Kheo trẻ sau khi quét tước lều, đổ nước đầy các bình vẫn chưa thấy họ đến, liền cầm đuốc đi tìm. Khi gặp họ, ông hỏi vì sao họ chậm trễ như vậy. Vị Tỳ Kheo già cho biết lý do.
Ông bảo họ nghỉ rồi chậm rãi đưa họ đi tiếp. Thế là hôm ấy, ông không có thì giờ để đến tham bái Đức Phật.
Vì thế, hôm sau, khi ông đến tham bái Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi vào chỗ xong, bậc Ðạo Sư hỏi: Ông về đến lúc nào?
Bạch Ngài, hôm qua.
Ông về đến từ hôm qua mà hôm nay mới đến tham bái Ta ư?
Bạch Ngài, vâng.
Trả lời như thế xong, ông kể lại lý do. Bậc Ðạo Sư quở trách vị Tỳ Kheo lớn tuổi kia.
Không phải chỉ bây giờ ông ấy mới làm như thế. Ngày xưa ông ấy cũng đã làm thế rồi. Giờ đây chính ông bị ông ấy làm phiền. Ngày xưa ông ấy đã làm phiền các trí giả.
Rồi do yêu cầu của vị Tỳ Kheo ấy, Ngài kể một chuyện đời xưa.
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì xứ Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra trong một gia đình Bà La Môn, tại một thành phố ở nước Kàsi. Khi Ngài lớn lên thì mẹ Ngài mất.
Sau khi thực hiện các nghi thức tang lễ, Ngài đem bố thí hết tất cả tiền bạc trong nhà, Ngài mặc quần áo cũ rách xin của người khác, mang cha và em trai đi sống cuộc đời Đạo Hạnh của một ẩn sĩ tại vùng Tuyết Sơn.
Tại đó, Ngài trú trong một khu rừng an lạc và sống qua ngày bằng cách mót lượm, ăn rễ cây, trái rừng.
Bấy giờ, ở vùng Tuyết Sơn, suốt trong mùa mưa, mưa rơi không dứt. Không thể đào bới củ, rễ, không thể hái lượm trái rừng gì được cả và lá bắt đầu rụng đi, các nhà tu khổ hạnh phần lớn đều phải rời bỏ dãy Tuyết Sơn và tìm đến trú tại nơi có người ở.
Bồ Tát cũng thế, Ngài cùng cha và em trai dời về sống nơi có người ở, và khi vùng Tuyết Sơn bắt đầu ra hoa, kết trái trở lại thì Ngài cùng cha và em quay về chỗ ẩn dật của mình trong dãy Tuyết Sơn. Khi họ còn cách lều không xa thì Trời chiều, Ngài rời họ và nói.
Cha và em cứ thủng thẳng mà đi. Con phải về trước để lo sắp xếp các thứ trong chỗ ở của chúng ta.
Vị ẩn sĩ trẻ kia cứ thấy cha tiếp tục đi thật chậm, liền thúc đầu vào hông cha. Người cha nói.
Ta không thích cái lối ngươi đưa ta về nhà như thế đâu!
Rồi ông quay trở lại và bắt đầu đi từ chỗ hồi nãy. Họ cứ tranh cãi như thế và Trời đã tối đen. Bồ Tát quét lều, xách nước xong, liền cầm một cây đuốc và quay lại tìm.
Khi gặp cha và em, Ngài hỏi tại sao họ quá chậm trễ như thế. Người em liền kể lại việc cha đã làm. Nhưng Bồ Tát vẫn yên lặng đưa họ về nhà.
Sau khi đã cất chứa các vật dụng cần thiết của người tu sĩ, Ngài đưa cha đi tắm, rửa và xức dầu thơm vào hai bàn chân cha, chà tẩy lưng cha.
Rồi Ngài đem ra một chảo than hồng và khi cha Ngài khỏe khoắn trở lại, Ngài ngồi bên cạnh cha và bảo: Thưa cha, bọn trẻ cũng giống như cái bình lọ bằng đất, chẳng mấy chốc là vỡ ngay và khi đã vỡ thì không thể nào chắp gắn lại được.
Người già nên kiên nhẫn chịu đựng chúng khi chúng có điều sai quấy. Và để khuyến dụ cha Ngài tên là Kassapa, Ngài đọc hai bài kệ sau đây.
Nếu trẻ dại nói làm sai trái,
Phần người khôn nhẫn nại bền lòng
Người hiền tranh cãi chóng xong,
Kẻ rồ tan vỡ như hòn đất khô.
Kẻ cầu học biết cho mình lỗi,
Chẳng hề phai, tỏ mối thân tình,
Như mang gánh của em anh,
Và làm nhẹ bớt xung quanh láng giềng.
Bồ Tát khuyên cha như vậy. Và từ đó trở đi Ngài luôn luôn giữ mình trong giới hạnh.
Kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân.
Bấy giờ, vị Tỳ Kheo lớn tuổi này là người cha ẩn sĩ, chú tiểu là chú bé ẩn sĩ, còn ta là người con đã khuyến dụ cha mình.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Hai Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Như Lai Tam Muội - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Bốn - Phẩm Tám - Kinh Pasùra
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Vô Tận Tạng