Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Năm - Phẩm Ruhaka - Chuyện Hoàng Tử Liên Hoa Tiền Thân Cullapaduma
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI
PHẨM NĂM
PHẨM RUHAKA
CHUYỆN HOÀNG TỬ LIÊN HOA
TIỀN THÂN CULLAPADUMA
Nàng chính là người ấy. Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư kể về một Tỳ Kheo thối thất tinh tấn. Hoàn cảnh chuyện này sẽ được trình bày trong Tiền Thân Ummadanti.
Bậc Ðạo Sư hỏi: Này Tỳ Kheo, có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời: Bạch Thế Tôn, con thấy một nữ nhân mặc áo quần rất đẹp, nên bị ái nhiễm và thối thất tinh tấn.
Bậc Ðạo Sư nói: Này Tỳ Kheo, các nữ nhân đều vô ơn, phản bội tình bạn. Các Bậc Hiền Trí thuở xưa, với tâm tư điên cuồng đến độ cho họ uống máu đầu gối phải của mình, trọn đời mang tặng phẩm hiến dâng cho họ, nhưng vẫn không chinh phục được tâm của nữ nhân.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra làm con trai của bà Hoàng Hậu chánh cung, khi đến ngày đặt tên, được gọi là Hoàng Tử Paduma Liên Hoa. Sau Bồ Tát, còn có sáu người em trai nữa. Bảy người ấy tiếp tục lớn lên, lập gia đình sống bên cạnh Nhà Vua.
Một hôm Vua đứng nhìn xuống sân thấy họ đi đến hầu Vua với một tùy tùng đông đảo, Vua sinh lòng nghi ngờ: Những người này có thể giết ta và cướp lấy Quốc Độ.
Nghĩ vậy, Vua cho gọi họ đến và nói: Này các con thân, các con không thể sống trong thành này. Hãy đi đến một chỗ khác, và sau khi ta băng hà, hãy trở về cai trị Vương Quốc, vì Vương Quốc là sở hữu của gia đình. Các con vâng theo lời cha.
Họ khóc than, đi về nhà, đem theo vợ con mình và nói: Chúng ta hãy đi bất cứ nơi nào và sống tại đấy.
Họ ra khỏi thành, lên đường, đi đến một chỗ hoang vu, không có đồ ăn nước uống, chịu đựng đói khát không nổi, và nghĩ: Chúng ta còn sống sẽ được nữ nhân khác. Họ giết vợ của người em út, chia thành mười ba phần, rồi ăn thịt. Bồ Tát và vợ lấy phần mình chia làm ba, để lại một phần và ăn hai phần.
Như vậy trong sáu ngày, họ giết sáu nữ thân để ăn thịt. Mỗi ngày kế tiếp Bồ Tát để lại một phần, vì vậy có được sáu phần. Ðến ngày thứ bảy, họ có ý định giết vợ của Bồ Tát.
Nghe vậy, Bồ Tát cho họ ăn sáu phần còn lại, và nói: Hãy ăn sáu phần này, ngày mai sẽ tính. Cho họ ăn thịt xong, khi họ nằm ngủ, Bồ Tát đem vợ chạy trốn.
Người vợ đi một lát, rồi nói: Thưa chàng, em không thể đi được. Bồ Tát cõng vợ lên vai, đi đến rạng đông, ra khỏi được cảnh hoang vu.
Khi mặt Trời mọc, người vợ nói: Thưa chàng, em khát.
Bồ Tát nói: Này hiền thê, không có nước.
Nghe nàng nói đi nói lại, Bồ Tát lấy gươm đâm đầu gối chân phải của mình và nói: Này hiền thê, không có nước uống. Ðây là máu đầu gối phải của ta. Hãy ngồi xuống và uống nó đi. Người vợ làm như vậy. Họ tiếp tục đi, đến Sông Hằng Hà hùng vĩ, họ uống nước, tắm, ăn các loại trái và rau v.v... rồi nghỉ ngơi tại một chỗ thoải mái.
Gần một khúc quanh của Sông Hằng, họ dựng lên một am thất và sống tại đấy. Một hôm, một tên cướp ở thượng lưu Sông Hằng, phạm tội phản nghịch Vua nên tay chân, tai mũi đều bị cắt đứt, bị quăng nằm trong chiếc xuồng nhỏ và thả trôi trên Sông Hằng Hà rộng lớn, rên la vì đau đớn, và trôi đến chỗ ấy.
Bồ Tát nghe tiếng than đau thương bi ai của nó, liền đi đến bờ Sông Hằng, kéo nó lên bờ, dắt nó đến am thất, và xức thuốc chữa trị vết thương.
Người vợ nói: Một đứa què lười biếng như thế này mà chồng ta lại mang từ Sông Hằng về để săn sóc và cứu sống!
Nói vậy xong, nàng khinh bỉ nhổ vào mặt người què ấy. Khi các vết thương của nó được lành mạnh, Bồ Tát cho nó ở tại am thất với vợ mình, rồi đem trái cây và các loại khác từ rừng về, nuôi nó và người vợ.
Trong khi họ chung sống như vậy, nữ nhân ấy sanh ái luyến người què, thông dâm với nó và muốn giết Bồ Tát với phương tiện ác độc, liền nói với chồng:
Thưa chàng, khi em ngồi trên lưng chàng ra đi khỏi khu vực hoang vu, em nhìn hòn núi này, và cầu xin như sau: Thưa vị thần núi, nếu con được sống an lành với chồng, con sẽ làm lễ cúng tạ Ngài! Nay thần ấy làm em hoảng sợ. Em phải làm lễ cúng tạ thần ấy. Bồ Tát không biết vợ mình lừa đảo liền bằng lòng, sửa soạn lễ cúng, giao cho vợ đĩa đựng đồ cúng, rồi leo lên chóp núi.
Người vợ nói với chồng: Thưa chàng, không phải vị thần mà chính chàng mới là vị thần tối thượng. Trước hết, em sẽ cúng dường chàng hoa rừng, đi nhiễu xung quanh chàng, đảnh lễ chàng, rồi sau đó em cúng lễ cho vị Thần núi.
Nói vậy xong, nàng đặt Bồ Tát đứng trên bờ vực thẳm, cúng dường Bồ Tát hoa rừng, đi nhiễu xung quanh, và làm như muốn đảnh lễ chồng, nàng đứng phía sau đánh Bồ Tát trên lưng, rồi xô Bồ Tát rơi xuống vực thẳm, và la lên vì thỏa mãn: Ta đã thấy cái lưng kẻ thù ta rồi!
Và nàng xuống núi đi với người què ấy. Bồ Tát rơi từ trên núi xuống vực thẳm nhưng bị mắc vào một chùm lá không có gai trên chóp cây sung nên không thể xuống núi được. Bồ Tát ăn trái cây sung và sống giữa các cành cây.
Một con kỳ đà chúa có thân to lớn, từ chân núi thường leo lên ăn trái của cây sung ấy. Nó thấy Bồ Tát và chạy trốn. Ngày sau nó lại đến, ăn những trái ở một bên cây rồi bỏ đi.
Nó đến nhiều lần như vậy cho đến khi nó kết thân với Bồ Tát và hỏi: Làm thế nào anh đến được chỗ này?
Khi được Bồ Tát nói cho biết lý do, nó nói: Thôi được, anh chớ sợ.
Rồi nó bảo Bồ Tát ngồi trên lưng mình, sau đó nó bò xuống núi, ra khỏi khu rừng, đặt Bồ Tát trên con đường lớn và nói: Hãy đi theo con đường này. Bồ Tát đi đến một ngôi làng nhỏ và sống tại đấy. Khi nghe tin Phụ Vương đã mệnh chung, Bồ Tát đi đến Ba La Nại, lên ngôi kế vị trong Vương Quốc thuộc quyền sở hữu của gia đình và trở thành Vua Paduma.
Nguyện theo mười Vương Pháp trị nước đúng luật, Bồ Tát cho xây sáu hội trường bố thí tại bốn cửa thành, tại chính giữa thành, tại trước cửa cung điện và mỗi ngày bố thí sáu trăm ngàn đồng tiền.
Trong lúc ấy, nữ nhân độc ác kia cõng người què trên lưng, đi ra khỏi rừng, xin ăn giữa con đường có người qua kẻ lại, thâu lượm cháo cơm để nuôi dưỡng người tình.
Có người hỏi: Người này là ai đối với cô?
Nàng nói dối: Mẹ người này là chị của cha tôi. Người này là anh họ tôi. Người ta cho tôi người này. Dầu cho chàng bị đọa đầy đến chết, tôi cũng sẽ mang chồng tôi trên vai đi khất thực, và nuôi dưỡng chàng.
Mọi người khen: Thật là người vợ trung tín với chồng! Từ đấy trở đi, người ta cho nàng cháo và cơm nhiều hơn trước.
Những người khác nói với nàng: Chớ sống như thế này. Vua Paduma trị vì ở Ba La Nại, công đức bố thí của Ngài vang dội toàn cõi Diêm Phù Đề. Vua thấy nàng sẽ hoan hỷ, và sẽ cho nàng nhiều tài sản. Hãy để chồng nàng ngồi trong cái giỏ này và cõng đi.
Họ cổ vũ nàng và cho nàng một cái giỏ tre. Người đàn bà ác hạnh kia đặt người què ngồi trên lưng mình, rồi đi đến Ba La Nại, xin ăn tại các nhà bố thí và sống như vậy.
Bấy giờ Bồ Tát thường hay ngồi trên lưng voi với trang sức lộng lẫy, đi đến nhà bố thí và sau khi tự tay bố thí cho tám hay mười người, Ngài lại đi về cung. Nữ nhân ác hạnh ấy đặt người què ngồi trong cái giỏ, mang nó trên lưng và đứng trên đường Vua đi qua.
Vua thấy họ bèn hỏi: Người này là ai vậy?
Thưa Ðại Vương, một người vợ trung tín.
Vua cho gọi nàng đến, nhận diện nàng, liền bảo đưa người què ra khỏi cái giỏ, và hỏi: Người này là gì của nàng?
Nàng trả lời: Người này là con của người chị cha tôi. Gia đình đó cho tôi và tôi nhận người này làm chồng tôi.
Các người không biết nội dung câu chuyện liền nói to: Ôi, thật là người vợ trung tín! Và họ tán thán nữ nhân ác hạnh ấy.
Vua hỏi thêm: Có phải người què này do gia đình cho nàng làm chồng không?
Nữ nhân ấy không nhận diện được Vua nên mạnh dạn nói: Thưa Ðại Vương, đúng vậy.
Và đây có phải là con Vua Ba La Nại không?
Nàng có phải là con gái của một vị Vua, là vợ của Hoàng Tử Paduma?
Sau khi dằn mặt nàng, Vua vạch mặt nàng: Chính nàng uống máu từ đầu gối của ta và vì luyến ái với người què này, nàng đã xô ta xuống vực thẳm.
Nàng nghĩ rằng ta đã chết, nhưng ta vẫn còn sống! Nay nàng đến đây với dấu hiệu tử thần in trên trán đấy!
Rồi Vua nói với các triều thần:
Hỡi các triều thần, trước kia các khanh hỏi trẫm và trẫm đã trả lời như sau: Sáu người em trai trẫm đã giết vợ họ và đã ăn thịt vợ họ. Nhưng trẫm đã bảo vệ vợ mình an toàn, đưa nàng đến bờ Sông Hằng, và sống tại một am thất. Ở đấy trẫm cứu một kẻ què bị xử tội chết và nuôi dưỡng nó. Còn nữ nhân đã sanh tâm luyến ái nó, và xô trẫm xuống vực sâu, không ai khác mà chính là nữ nhân ác hạnh này.
Nhưng trẫm đã tự cứu mình nhờ tỏ bày tình thân ái.
Còn người què bị xử tội chết không ai khác mà chính là tên này!
Rồi Bồ Tát đọc những bài kệ này:
Nàng chính là người ấy,
Còn ta không ai khác,
Người què chính là nó,
Bị chặt tay, chính nó.
Tuy vậy nàng vẫn nói:
Là chồng tôi lúc trẻ.
Ðàn bà thật đáng chết,
Chúng không có sự thật!
Hãy lấy một cái chày.
Ðánh chết tên khốn nạn,
Kẻ độc ác rình rập
Ðể cướp lấp vợ người.
Sau đó bắt người vợ
Ác độc, tà hạnh này,
Chấm dứt mạng sống nó,
Cắt cả mũi lẫn tai!
Bồ Tát không có thể dẹp được cơn phẫn nộ và ra lệnh trừng phạt chúng, nhưng rồi không thi hành như đã ra lệnh. Ðể làm nguôi giận, Bồ Tát bảo cột cái giỏ vào đầu nàng thật chặt, để nàng không cởi nó ra được rồi quăng kẻ què vào giỏ và đuổi cả hai ra ngoài Quốc Độ của mình.
Sau khi kể Pháp Thoại này, Bậc Ðạo Sư thuyết giảng các sự thật và cuối bài giảng, vị Tỳ Kheo thối thất đã đắc quả Dự Lưu.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Sáu anh em thời ấy là sáu vị Trưởng Lão, người vợ là thiếu nữ Cinca, người què phạm tội là Đề Bà Đạt Đa, con kỳ đà chúa là Ànanda, còn Vua Paduma là ta vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tam Mạn đà Bạt đà La Bồ Tát - Phẩm Một - Phẩm Năm Sự Che Lấp
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - phẩm Mười Năm - Phẩm Nhị Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh điều Tương Sĩ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Công đức Thâm Sâu - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - phẩm Bốn - Phẩm Vãng Sanh
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Hai
Phật Thuyết Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật đa - Phẩm Bốn - Phẩm Nhị đế