Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi - Phẩm Bảy Mươi Bài Kệ - Chuyện đại đế Kusa Tiền Thân Kusa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

 PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI  

PHẨM BẢY MƯƠI BÀI KỆ  

CHUYỆN ĐẠI ĐẾ KUSA

TIỀN THÂN KUSA  

Quốc Độ này hoan lạc ngập tràn. Đây là câu chuyện bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana Kỳ Viên về một Tỳ Kheo thối thất.

Chuyện kể rằng vị ấy thuộc dòng quý tộc, sống ở Sàvatthi Xá Vệ, vì nhiệt tâm tin vào chánh pháp nên ông xuất gia tu tập. Một ngày kia, ông vào thành Sàvatthi để khất thực, lại gặp một nữ nhân xinh đẹp liền đem lòng say mê ngay khi mới thấy nàng.

Bị tham dục chi phối, ông sống trong đau khổ, cứ để lông tóc, móng tay chân mọc dài ra, mặc các y trong lẫn y ngoài đều dơ bẩn, và héo mòn dần đến độ xanh xao khác nào cây liễu rũ với các đường gân nổi lên khắp mình mẩy.

Cũng giống như trên Thiên Giới, khi một vị Thiên Tử nào sắp đọa khỏi kiếp sống Thiên Thần, thường để lộ ra năm dấu hiệu quen thuộc, đó là: Các vòng hoa của vị ấy mang héo dần, xiêm y dơ bẩn, thân thể trở nên xấu xí, mồ hôi ở nách đổ ra và vị ấy không còn thấy lạc thú gì trong Thiên Cung nữa. Trường hợp các Tỳ Kheo ở thế gian cũng vậy.

Khi thối thất tín tâm trong chánh pháp, có năm dấu hiệu tương tự hiện ra: Hoa tín tâm héo úa, y chân chánh dơ bẩn, do bất mãn và các hậu quả của cái danh bất thiện mà thân thể các vị ấy trở nên xấu xí dần, mồ hôi bất tịnh cứ tuôn ra đầm đìa khiến họ không còn thấy lạc thú gì trong đời độc cư dưới gốc cây rừng nữa. Đó là những dấu hiệu đã xuất hiện ở vị này.

Vì thế Tăng Chúng đưa ông đến yết kiến bậc Đạo Sư, và thưa: Bạch Thế Tôn, kẻ này đang thối thất.

Bậc Đạo Sư hỏi có đúng không, và khi nghe ông thú nhận là đúng, Ngài bảo: Này Tỳ Kheo, đừng làm nô lệ cho tham dục. Đây là một ác nữ nhân, ông hãy chế ngự dục tham của ông đối với kẻ ấy, hãy hân hoan trong chánh pháp.

Chính vì mê say một nữ nhân, mà các Bậc Hiền Trí ngày xưa, mặc dù có đủ uy lực phi thường, cũng đã mất hết quyền năng và phải chịu khốn đốn đến suy tàn. Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

Ngày xưa tại Quốc Độ Malla, trong Kinh Thành Kusàvati, Vua Okkàka cai trị rất chân chánh. Đứng đầu mười sáu ngàn phi tần của Ngài là Chánh Hậu Silavatì.

Bấy giờ bà không sinh con cái gì nên dân chúng trong Kinh Đô cùng các triều thần tụ họp tại cửa cung, than vãn rằng Quốc Độ này sẽ bị diệt vong.

Vua mở cửa sổ ra phán hỏi: Trong Triều Đại trẫm, không có ai làm điều gì bất công trái đạo.

Tại sao các ngươi trách móc Trẫm?

Họ đáp: Tâu Đại Vương, quả đúng vậy, không ai làm gì trái đạo lý cả, nhưng Đại Vương không có hoàng nam để nối dõi. Một kẻ ngoại bang sẽ chiếm lấy Vương Quốc và hủy diệt đất nước này. Vậy xin Đại Vương hãy cầu tự để có hoàng nam trị nước cho đúng pháp.

Thế khi muốn cầu tự, trẫm phải làm gì?

Trước tiên, xin Đại Vương hãy truyền đưa ra đường một đám cung nữ ca múa hạ đẳng suốt trong một tuần lễ, xem đó như một lễ cúng tế Thần, rồi nếu có một nàng nào sinh được con trai thì tốt lắm.

Nếu không thì xin hãy đưa một đám nữ nhạc trung lưu và cuối cùng là đám nữ nhạc thượng hạng. Chắc hẳn giữa đám đông như thế sẽ có một nàng đầy đủ đức độ để sinh con trai.

Vua liền làm theo lời họ khuyên Ngài, và cứ đến mỗi ngày thứ bảy trong tuần, Ngài hỏi thăm đám người ấy trở về cung, sau khi đã hưởng thú vui chơi thỏa thích, xem có nàng nào thọ thai chưa.

Và khi tất cả bọn họ đáp: Tâu Hoàng Thượng, không có ai.

Bấy giờ Vua thất vọng kêu lên: Ta chẳng có được hoàng nhi nào cả. Dân chúng trong Kinh Thành lại trách móc Vua như trước.

Vua bảo: Tại sao các ngươi lại trách trẫm, theo lời các ngươi thỉnh cầu, nhiều đám nữ nhân đã được đưa ra trình diễn ngoài đường, nhưng không nàng nào thọ thai cả.

Vậy trẫm phải làm sao bây giờ?

Họ đáp: Tâu Hoàng Thượng, chắc hẳn đám nữ nhân này đều vô hạnh và thiếu đức cả. Chúng không đủ công đức để sinh con trai. Song vì chúng chưa thọ thai, vậy Hoàng Thượng đừng nản lòng, Chánh Hậu Silavatì là một nữ nhân đầy đủ đức hạnh. Xin hãy đưa Chánh Hậu ra đường, lệnh bà sẽ sinh hoàng nam.

Vua vui lòng chấp thuận, truyền lệnh đánh trống công bố rằng vào ngày thứ bảy kể từ hôm ấy, dân chúng phải tề tựu lại và Vua sẽ đưa Chánh Hậu Silavatì ra đường làm tế lễ. Rồi vào ngày thứ bảy, Vua truyền lệnh trang điểm Chánh Hậu thật lộng lẫy và rước bà từ cung ra đường phố biểu diễn.

Do uy lực công đức của bà, cung thất của Sakka Đế Thích Thiên Chủ nóng dần lên.

Thiên Chủ Sakka xem xét việc này có ý nghĩa gì, và nhận thấy Chánh Hậu đang khao khát một hoàng nam, liền suy nghĩ: Ta phải ban cho Chánh Hậu một hoàng nam. Rồi trong khi tìm hiểu xem có vị nào trên Thiên Giới xứng đáng làm con bà không, Thiên Chủ chợt trông thấy Bồ Tát.

Truyện kể rằng, vào thời ấy, sau khi đã hưởng hết thọ mạng ở Cõi Trời Ba Mươi Ba, Ngài Bồ Tát ước mong được tái sinh ở một cảnh giới cao hơn.

Sakka Thiên Chủ đền gần cửa cung Ngài, triệu Ngài ra bảo: Này Hiền Giả, Ngài sẽ phải đến cõi nhân gian, và thọ sinh làm hoàng nam của Chánh Hậu Vua Okkaka.

Rồi Thiên Chủ lại mời được một Thiên Tử khác đến và bảo: Hiền Giả cũng sẽ làm hoàng nam của Chánh Hậu. Và muốn rằng không có một nam nhân nào được phép làm tổn hại đức hạnh của Chánh Hậu, nên Sakka Thiên Chủ giả dạng làm một lão Bà La Môn, đi đến cửa cung.

Đám dân chúng, sau khi tắm rửa trang điểm cho mình xong, mỗi người đều thầm mong trong trí là sẽ chiếm được Hoàng Hậu nên tề tựu ngay tại hoàng môn, nhưng khi thấy Sakka Thiên Chủ họ cười ầm lên, hỏi Ngài tại sao đến đây.

Thiên Chủ bảo: Tại sao lại trách lão?

Thân lão già rồi, song dục tình vẫn không giảm xuống, nên lão đến đây với hy vọng đem được Hoàng Hậu về với lão, giả sử lão chiếm được bà.

Cùng với những lời này, Thiên Chủ dùng thần lực tiến lên phía trước cả đám người ấy, và vì công đức của Ngài tỏa ra, không ai có thể đứng trước mặt Ngài được, và ngay lúc Chánh Hậu mới bước ra khỏi cung, được trang điểm cực kỳ rực rỡ uy nghi, Ngài liền nắm lấy tay bà và đưa đi mất.

Thế rồi đám người kia đứng trơ ra đó mạ lỵ Ngài, bảo: Thật là nhục nhã, một lão Bà La Môn đã biến đi mất cùng một bà Hoàng Hậu dung sắc tuyệt thế. Lão cũng chẳng biết chuyện gì là cân xứng với lão nữa.

Chánh Hậu cũng suy nghĩ: Một ông già đang bắt ta đi mất đây, bà cũng nổi giận và lại cảm thấy ghê tởm. Còn Vua đứng ở cửa sổ mở rộng, nhìn ra xem ai sẽ cướp được Hoàng Hậu mang đi, và chợt thấy đó là ai rồi, thì Ngài hết sức bất bình.

Khi Sakka Thiên Chủ vừa cùng bà thoát ra khỏi cổng thành, Ngài liền dùng thần lực hóa hiện ra một ngôi nhà ngay gần đó, cửa đã mở sẵn cùng với một bó củi khô.

Bà hỏi: Chỗ ở của lão đây chăng?

Tâu lệnh bà phải, trước kia lão ở đây chỉ một mình, nay có cả đôi ta. Lão sẽ đi quanh đây kiếm ít gạo về trong lúc ấy xin lệnh bà nằm nghỉ trên đống củi này.

Nói vậy xong, Ngài vỗ nhẹ trên người bà, khiến bà rúng động vì sự tiếp xúc với Thiên Chủ, rồi Ngài đặt bà nằm xuống đó, Ngài vừa đụng vào người bà là bà thiếp đi ngay.

Sau đó, Ngài dùng thần lực siêu phàm đưa bà lên Cõi Trời Ba Mươi Ba và đặt bà xuống trên thiên tọa trong một cung điện lộng lẫy nguy nga.

Vào ngày thứ bảy, ngay khi vừa thức giấc, bà ngắm cảnh huy hoàng này và hiểu rằng đây không phải là một Bà La Môn, mà chắc hẳn là chính Sakka Thiên Chủ.

Vào lúc này Sakka Thiên Chủ đang ngự trên bảo tọa dưới cây San Hô, được đoàn Thiên Nữ ca múa vây quanh. Bà liền bước ra khỏi Thiên sàng, đi đến gần đảnh lễ Thiên Chủ và kính cẩn đứng một bên.

Sau đó Thiên Chủ bảo: Ta ban cho bà một điều ước. Hãy chọn đi. Vậy xin Thiên Chủ ban cho thần thiếp một hoàng nam. Này Hoàng Hậu, không chỉ một mà thôi đâu. Ta sẽ ban hai Vương Tử cho bà.

Một người thông minh trí tuệ nhưng xấu xí, người kia đẹp tướng song lại ngu đần, bà muốn có đứa con nào trước?

Xin đứa con thông minh trước.

Bà đáp: Được lắm. Ngài bảo. Rồi đưa cho bà một cọng cỏ Kusa Cát tường, một chiếc thiên y cùng với gỗ Chiên Đàn, một đóa Thiên hoa San Hô và cây đàn Kokanada màu đỏ cánh sen.

Xong xuôi Ngài đưa bà trở lại mội cung của Hoàng Gia, đặt bà nằm xuống trên cùng một Vương sàng với Vua và chỉ lấy ngón tay Ngài đụng vào người của bà là ngay lúc ấy Bồ Tát nhập mẫu thai, còn Thiên Chủ lập tức trở về cõi của Ngài ngay.

Bà Hoàng Hậu hiền đức biết rằng bà đã thọ thai. Lát sau Vua tỉnh giấc thấy bà, liền hỏi ai đã đem bà đi. Tâu Thánh Thượng, chính Sakka Thiên Chủ.

Kia chính mắt trẫm thấy một lão già Bà La Môn mang khanh đi mất, tại sao khanh muốn đánh lừa trẫm?

Tâu Thánh thượng, xin hãy tin thần thiếp, chính Sakka Thiên Chủ đã đưa thiếp lên Thiên Giới. Trẫm không tin khanh đâu.

Lúc ấy bà đưa Vua xem cọng cỏ Kusa mà Thiên Chủ đã tặng bà và nói: Bây giờ xin Thánh Thượng tin lời thần thiếp.

Vua nghĩ thầm: Cỏ Kusa hái được khắp nơi, nên Ngài vẫn không tin bà. Bà liền đưa cho Vua xem các Thiên y của bà.

Thấy vậy Ngài tin bà và bảo: Này ái Hậu, nếu Thiên Chủ đem khanh đi thì khanh đã có thai chưa?

Tâu Thánh Thượng, thần thiếp đã có thai. Vua rất hoan hỷ và truyền cử hành lễ mừng thai phụ. 

Mười tháng sau, bà hạ sinh một hoàng nam, Triều Đình không đặt tên gì khác ngoài tên ngọn cỏ Kusa. Vào thời gian Vương Tử Kusa biết chạy một mình, bà lại có thai một Thiên Tử thứ hai, họđặt tên là Jayampati. Hai Vương Tử được nuôi dưỡng theo cung cách cao sang trọng vọng.

Bồ Tát thật vô cùng thông minh, không cần học với thầy nào cả, mà tự khả năng Ngài đã tài giỏi thành thạo mọi môn học thuật.

Vì vậy khi Ngài được mười sáu tuổi, Vua nóng lòng trao Quốc Độ cho Ngài, liền bảo Chánh Hậu: Này ái Hậu, khi trao Vương quyền cho Vương nhi, ta sẽ cử hành lễ thật trọng thể, ta muốn nhìn thấy Vương nhi được an vị trên ngai vàng khi ta còn sống. Nếu có công chúa ở xứ nào trong Cõi Diêm Phù Đề mà ái Hậu yêu mến, thì khi rước nàng ấy về đây, ta sẽ phong cho nàng làm Chánh Hậu của Vương nhi.

Vậy hãy thăm dò xem Vương nhi có yêu mến công chúa xứ nào chăng?

Bà ưng thuận ngay và cho một cung nữ đệ trình vấn đề lên Thái Tử để biết ý kiến Ngài. Nàng ấy đến trình Vương Tử mọi việc.

Nghe nói vậy, bậc Đại Sĩ liền suy nghĩ: Ta không được tốt tướng, hễ một công chúa diễm lệ nào dù được rước về đây làm tân nương của ta thì khi thấy mặt ta cũng sẽ nói: Mình sẽ phải làm gì với một người chồng xấu xí như thế này. Rồi nàng ấy trốn đi và chúng ta chỉ thêm mang nhục.

Vậy ta còn phải cần gì cuộc sống gia đình thế tục nữa?

Ta muốn phụng dưỡng song thân lúc còn sống và khi song thân từ trần, ta quyết xuất gia làm Ẩn Sĩ.

Vì thế Ngài đáp: Ta có cần gì Quốc Độ ngai vàng hay yến tiệc hội hè đâu?

Khi song thân ta từ trần, ta quyết xuất gia tu hành. Nàng cung nữ ấy trở về và kể lại với Chánh Hậu chuyện Ngài vừa nói. Vua rất buồn bực. Sau vài ngày lại gửi một chiếu chỉ khác, nhưng Vương Tử vẫn không chịu nghe theo. Sau ba lần từ chối lời đề nghị của Vua cha.

Đến lần thứ tư Ngài suy nghĩ: Quyết liệt phản đối mẹ cha mãi là điều không hợp lý, nên ta muốn bày một mưu kế gì đó. Rồi Ngài triệu người thợ vàng trưởng đoàn vào, đưa cho gã một số vàng và bảo gã làm bức tượng một nữ nhân. Khi gã đi rồi, Ngài lấy thêm vàng và chính tay Ngài nặn hình một nữ nhân.

Thật vậy, mục đích của Chư Phật bao giờ cũng được thành tựu. Bức tượng tuyệt đẹp vượt ngoài mọi lời lẽ con người miêu tả nó. Sau đó, bậc Đại Sĩ truyền đem xiêm y khoác cho tượng ấy và đặt trong cung thất.

Khi thấy bức tượng do người thợ vàng trưởng đoàn đem vào, Ngài chê bai, và bảo: Ngươi hãy đi tìm xem bức tượng đặt trong Hoàng Cung.

Gã thợ ấy bước vào, thấy bức tượng lên suy nghĩ: Chắc đây phải là một Thiên Nữ đến hưởng lạc thú cùng với Vương Tử.

Gã bỏ đi ra khỏi phòng mà không dám đưa tay ra về phía bức tượng ấy, rồi gã nói: Tâu Điện Hạ, trong cung Ngài có một Thiên Nữ cao quý của Chư Thiên, hạ thần không dám đến gần.

Ngài bảo: Hiền hữu, hãy đi đem bức tượng vàng ấy về đây. Được bảo đến lần thứ hai, gã mới đi mang bức tượng về. Hoàng Tử ra lệnh đem bức tượng do người thợ vàng đúc đặt vào trong cung thất bằng vàng.

Còn bức tượng do Ngài nặn thì được trang hoàng thật đẹp đặt lên một chiếc xe, đem đệ trình Mẫu Hậu và bảo: Khi nào con tìm ra được một nữ nhân như thế này, con xin lấy nàng làm vợ.

Mẫu Hậu triệu các Quốc Sư vào bảo: Này các hiền khanh, Vương Tử có đầy đủ công đức do Sakka Thiên Chủ ban cho ta, chàng phải tìm được một công chúa xứng đáng với chàng.

Vậy các khanh hãy đem bức tượng này đặt vào Vương xa phủ kín, đi khắp Cõi Diêm Phù Đề, hễ thấy công chúa của Vua nào giống bức tượng thì hãy trao tượng cho Vua ấy và bảo: Quốc Vương Okkàka sẽ làm hôn lễ với công chúa của Đại Vương. Rồi hãy thu xếp ngày trở về nước.

Thật tốt lành thay.

Họ đáp xong cầm bức tượng ra đi cùng một đoàn tùy tùng đông đảo. Trong cuộc hành trình ấy, dù đến Kinh Thành nào vào lúc hoàng hôn, đoàn người ấy cũng tụ tập lại rồi sau khi trang hoàng xiêm y, vòng hoa, nữ trang cho bức tượng, họ đặt tượng lên chiếc loan xa đưa ra bến tắm, còn chính họ trở lui, đứng bên vệ đường nghe ngóng người qua lại có bàn tán gì chăng.

Dân chúng thấy bức tượng vàng, bảo nhau: Bức tượng này chỉ là một nữ nhân cũng thật vô cùng diễm lệ, chẳng khác một vị Thiên Nữ.

Tại sao nàng đến đây, nàng từ đâu lại?

Trong Kinh Thành này của ta, không có ai sánh bằng nàng được. Sau khi tán dương sắc đẹp của tượng vàng, họ lại đi đường họ.

Các Quốc Sư bảo:

Nếu có một cô gái nào như thế ở đây, dân chúng sẽ bảo: Bức tượng này giống công chúa nọ, hoặc tiểu thư kia. Chắc tại đây không có cô gái nào như vậy cả. Họ liền đem bức tượng ra đi đến Kinh Thành khác. Trên bước giang hồ vô định, họ đến Kinh Thành Sàgala ở Quốc Độ Madda.

Lúc bấy giờ Vua Madda có bảy công chúa đẹp dị thường như bầy tiên trên Trời. Công chúa lớn nhất tên là Pabhàvatì Quang Huy, thân nàng chiếu tỏa ra các tia sáng như thể ánh bình minh. Khi Trời tối, trong phòng loan của nàng rộng chừng bốn cubit 1 cubit = 45 cm không cần thắp đèn, cả căn phòng cũng sáng rực lên.

Lúc bấy giờ, nàng có một bà nhũ mẫu lưng gù, sau khi đã bưng cơm lên hầu Pabhàvatì, lại muốn gội đầu cho nàng vào lúc Trời sẩm tối, bà ra đi múc nước cùng với tám nữ tỳ, mỗi người mang một bình đựng nước đến bến tắm, chợt thấy bức tượng, bà tưởng đó là Pabhàvatì liền kêu lên: Cô bé này tệ thật, cứ giả vờ muốn gội đầu và bảo ta đi múc nước, lại lẻn đi trước chúng ta, ra đứng ngoài đường kia kìa.

Đang lúc giận dữ, bà kêu lên: Tệ quá, nàng làm nhục gia phong, nàng ra đứng kia, trước cả bọn ta nữa. Nếu Đức Vua biết được, chúng ta sẽ chết mất. Nói xong, bà đánh vào má bức tượng, làm một khoảng lớn bằng lòng bàn tay bà bị nứt ra.

Khi thấy đó là một bức tượng vàng, bà bật cười đến bảo các nữ tỳ: Hãy đến xem ta đã làm gì kìa.

Ta tưởng đó là dưỡng nữ của ta, nên ta đánh nó, bức tượng kia thật có đáng gì nếu đem so với con gái ta?

Ta chỉ làm đau tay ta mà thôi.

Thế là các sứ giả của Vua chạy ngay nắm lấy bà bảo: Đây là chuyện gì bà bảo cho ta biết, con gái bà đẹp hơn tượng này sao?

Ta muốn nói đến Pabhàvatì, công chúa của Vua Madda, giá trị của tượng này không bằng một phần mười sáu của nàng ấy.

Họ vui mừng trong dạ, tìm lối vào cung nhờ người trình Vua rằng sứ giả của Vua Okkàka đang đứng ở cung môn.

Vua đứng dậy từ bảo tọa, ra lệnh cho họ vào chầu.

Khi vào, họ đảnh lễ Vua và tâu: Tâu Đại Vương, bổn Vương xin gửi lời hỏi thăm ngọc thể có được khang an chăng?

Họ được tiếp đón nồng hậu và khi được hỏi tại sao đến đây, họ đáp: Bổn Vương của chúng thần có một hoàng nam, Vương Tử Kusa rất dũng cảm, Đức Vua muốn trao Quốc Độ cho con nên sai chúng thần đến xin Đại Vương gá duyên công chúa Pabhàvatì cho chàng và nhận bức tượng vàng này làm sính lễ.

Nói xong, họ dâng lên tượng vàng ấy. Vua rất đẹp ý, nghĩ rằng được kết thân với một dòng Vua cao quý như vậy thật là vạn phúc.

Các sứ giả lại tâu: Tâu Đại Vương, chúng thần không dám chậm trễ ở nán lại đây, chúng thần phải về trình Đức Vua là chúng thần đã đi cầu hôn công chúa được rồi, Ngài sẽ đến đón dâu sau.

Vua chấp thuận, tiếp đãi họ rất nồng hậu, sau đó để họ ra về. Họ về cung trình lại mọi việc lên Đức Vua và Hoàng Hậu. Vua cùng đám tùy tùng đông đảo khởi hành từ Kusàvati dần dần theo thời gian đi đến Kinh Thành Sàgala. Vua Madda thân hành đón rước Ngài vào thành tiếp đãi rất trọng thể.

Hoàng Hậu Sìlavati là một nữ nhân thông thái, liền suy nghĩ: Do nguyên nhân gì mà có việc này?

Sau một hai ngày, bà bảo Vua: Chúng ta đang mong được gặp tân nương. Vua chấp thuận truyền triệu công chúa vào. Nàng Pabhàvati được phục sức cực kỳ lộng lẫy vàđám cung nữ theo hầu bước ra đảnh lễ Mẫu Hậu tương lai.

Vừa trông thấy nàng, Chánh Hậu liền suy nghĩ: Công chúa này tuyệt đẹp, còn con ta lại xấu xí, nếu nàng thấy con ta, nàng sẽ không ở dù chỉ một ngày, và sẽ trốn đi ngay. Vậy ta phải bày mưu mới được.

Bà liền nói với Vua Madda: Tân nương thực là đẹp đôi với hoàng nhi ta. Tuy thế hoàng tộc ta có một tục lệ cổ truyền, nếu nàng tuân theo luật đó, chúng ta sẽ rước nàng về làm hoàng phi.

Đó là tục lệ gì?

Trong dòng họ ta, người vợ không được phép nhìn chồng ban ngày cho đến bao giờ nàng thọ thai. Nếu nàng chịu làm theo đúng như vậy, chúng ta sẽ đón nàng về.

Vua hỏi công chúa: Này con yêu quý, con có làm thế được chăng?

Tâu Phụ Vương, được. Nàng đáp. Sau đó, Vua Okkàka đem nhiều sính lễ tặng Vua Madda và rước nàng cùng ra đi, Vua Madda tiễn đưa công chúa về nhà chồng cùng với một đoàn hộ tống thật đông đảo.

Còn Vua Okkàka, khi vừa tới thành Kusàvati, liền ban lệnh cho Kinh Thành trang hoàng thật lộng lẫy, tất cả tù nhân đều được thả ra, và sau khi làm lễ quán đảnh cho tân Vương cùng sắc phong nàng Pabhàvati làm Chánh Hậu, Ngài truyền đánh trống loan báo Triều Đại Vua Kusa ra đời.

Tất cả các Vua toàn Cõi Diêm Phù Đề có công chúa đều gửi đến triều cống Vua Kusa hoặc có Vương Tử thì gửi đến làm cận thần để mong bầu bạn với Ngài.

Bồ Tát lại có cả đoàn nữ nhạc đông đảo và trị dân thật oai phong lẫm liệt. Tuy vậy Ngài không được phép nhìn Pabhàvatì ban ngày, nàng cũng không được nhìn Ngài, chỉ ban đêm Ngài mới được tự do đi lại với nàng. 

Vào thời ấy, thân thể của nàng Pabhàvatì tỏa sáng lạ thường, song Bồ Tát phải rời hậu cung khi Trời còn tối. Vài ngày sau, Ngài thưa với Mẫu Hậu rằng Ngài muốn nhìn thấy Pabhàvatì vào ban ngày.

Bà từ chối, bảo Ngài: Con không nên ước muốn việc đó, phải đợi đến bao giờ nàng có thai đã.

Ngài van xin mẹ nhiều lần, vì thế bà bảo: Thôi được, con hãy đến chuồng voi đứng đó giả làm người quản tượng. Mẹ sẽ đem nàng lại đó, con sẽ tha hồ ngắm nàng, nhưng hãy cẩn thận đừng để nàng biết con.

Ngài thỏa thuận đi đến chuồng voi, Mẫu Hậu truyền làm lễ hội voi và bảo Pabhàvatì: Này con, ta hãy cùng đi xem bầy voi của đức phu quân con. Khi đem nàng lại đó, bà chỉ cho nàng tên của voi này, voi nọ. Trong lúc Pabhàvatì đi sau lưng Mẫu Hậu, Vua ném vào lưng nàng một cục phân voi.

Nàng tức giận bảo: Ta sẽ bảo Đức Vua chặt đầu ngươi. Nói xong, nàng lại càu nhàu với Mẫu Hậu khiến bà phải dỗ dành nàng bằng cách xoa lưng nàng.

Lần thứ hai Vua mong muốn nhìn thấy Hoàng Hậu, lại giả dạng làm người giữ ngựa trong chuồng ngựa, cũng như lần trước, Ngài ném cục phân ngựa vào mình nàng và khi nàng bực tức, Mẫu Hậu lại dỗ dành nàng.

Một ngày kia Pabhàvatì tâu với Mẫu Hậu là nàng mong muốn nhìn thấy bậc Đại Sĩ Bà từ chối lời thỉnh cầu của nàng và bảo: Thôi con đừng ước muốn như vậy nữa.

Nàng lại cứ nài nỉ bà mãi, cuối cùng bà bảo: Thôi được, ngày mai hoàng nhi sẽ làm đám rước trọng thể khắp Kinh Thành. Con cứ mở cửa sổ mà nhìn. Nói xong, hôm sau, bà ra lệnh cho Kinh Thành trang hoàng rực rỡ, rồi truyền cho Hoàng Tử Jayampati mặc hoàng bào, cỡi voi cử hành lễ khải hoàn rất trọng thể khắp Kinh Thành.

Mẫu Hậu cùng đứng nơi cửa sổ với nàng Pabhàvatì, bảo nàng: Con hãy xem cảnh huy hoàng của đức phu quân con.

Nàng bảo: Con đã được một Đấng Vương Quân thật xứng đôi vừa lứa với con. Lòng nàng vô cùng hoan hỷ. Song cũng ngày đó bậc Đại Sĩ giả dạng làm người quản tượng, ngồi sau Vương Tử Jayampati, khi nhìn thấy Pabhàvatì cho thỏa lòng ao ước, Ngài vui thích đưa tay làm bộ điệu trêu ghẹo nàng.

Khi con voi đi qua, Mẫu Hậu hỏi nàng có nhìn thấy Đức Vua chăng, nàng bảo: Tâu Mẫu Hậu, có thấy, song sau lưng Đức Vua là người quản tượng rất thô lỗ đã lấy tay làm điệu bộ trêu con.

Tại sao chúng lại để một người xấu xí, có dáng xui xẻo như vậy ngồi sau Đức Vua chứ?

Con ạ, chúng muốn sau Đức Vua phải có người cận vệ.

Nàng suy nghĩ: Người quản tượng này thật to gan, không tỏ lòng kính trọng Đức Vua tí nào, hay đó chính là Vua Kusa?

Chắc chắn vì Đức Vua xấu xí nên họ không muốn cho ta thấy mặt Ngài.

Thế là nàng rỉ tai bà nhủ mẫu lưng gù của nàng: Này nhũ mẫu, lập tức đi ra xem thử Đức Vua ngồi trước hay sau.

Làm thế nào ta biết được điều đó?

Nếu là Đức Vua thì Ngài sẽ bước xuống voi trước, nhũ mẫu sẽ biết được nhờ dấu hiệu này. Bà vú đi ra đứng xa xa nhìn thấy bậc Đại Sĩ bước xuống voi trước, và sau đó là Vương Tử Jayampati.

Bậc Đại Sĩ nhìn quanh, hết phía này đến phía kia, nhợt trông thấy bà lão gù lưng, biết ngay tại sao bà ta đã đến, liền triệu bà ta lại và nghiêm khắc bảo bà ấy không được tiết lộ bí mật của Ngài, rồi cho bà ta về.

Bà vú về và bảo Hoàng Hậu: Vị ngồi phía trước đã xuống voi trước tiên. Và Pabhàvatì tin bà ta ngay. Một lần nữa, Vua muốn thấy mặt nàng và cầu xin Mẫu Hậu sắp đặt việc ấy.

Bà không thể từ chối Ngài và bảo: Thôi được rồi, con hãy vào ngự viên. Ngài vào đó giấu mình trong hồ sen đến tận cổ, đứng dưới nước lấy lá sen che đầu và hoa sen che mặt.

Và Mẫu Hậu đem Pabhàvati vào ngự viên lức sẩm tối bảo nàng: Này con hãy nhìn cây này, chim kia, nai nọ. Như thế bà dụ nàng đi mãi cho đến khi nàng tới gần bờ hồ sen. Khi nàng nhìn thấy hồ phủ đầy năm loại hoa sen, nàng muốn tắm, liền bước xuống mé nước cùng các cung nữ. Trong lúc vui đùa nàng thấy hoa sen kia, liền đưa tay ra hái.

Lúc đó Vua rẽ lá sen ra, nắm lấy tay nàng bảo: Ta là Vua Kusa.

Vừa thấy mặt Ngài, nàng hét to: Kìa con quỷ đang chụp lấy ta. Rồi nàng ngất đi ngay, vì thế Vua thả tay nàng ra.

Khi tỉnh lại, nàng nghĩ thầm: Chúng bảo Vua Kusa đã nắm lấy tay ta, Ngài chính là người đã ném vào ta một cục phân voi trong chuồng voi, rồi một cục phân ngựa trong chuồng ngựa, cũng chính là người ngồi sau lưng voi và trêu ghẹo ta.

Ta còn làm gì nữa với một người chồng xấu xa dị dạng như vậy?

Nếu ta sống thì ta phải lấy người chồng khác mà thôi.

Thế là nàng triệu tập các quan đại thần đã hộ giá nàng đến đây, và bảo họ: Hãy chuẩn bị loan xa. Ngay hôm nay ta phải đào tẩu. Họ liền tâu chuyện này cùng Đức Vua.

Ngài nghĩ thầm: Nếu nàng không trốn được, lòng nàng sẽ đau khổ tan nát. Thôi để nàng đi, với tài năng của chính mình, rồi đây ta sẽ đưa nàng trở lại.

Thế là Ngài cho phép nàng ra đi, nàng liền về ngay Kinh Thành Vua cha nàng. Lúc ấy bậc Đại Sĩ đi từ ngự viên về thành và bước lên cung điện nguy nga của Ngài.

Thật ra chính là do kết quả một lời nguyền của nàng trong một đời trước mà nàng không ưng thuận Bồ Tát và cũng vì một nghiệp quá khứ của Ngài mà Ngài phải chịu xấu xí như thế.

Chuyện kể rằng ngày xưa tại ngoại ô thành Ba La Nại, ở tại phố trên phố dưới, một gia đình nọ có hai con trai và một gia đình kia có một con gái. Bồ Tát là cậu em trong hai anh em kia, rồi cô gái kết duyên với người anh. Còn cậu em không có gia thất, nên vẫn sống chung với anh.

Một ngày kia, nhà này nướng loại bánh hảo hạng, trong lúc Bồ Tát còn ở trong rừng, nên họ để dành cho Ngài một chiếc, rồi chia bánh ra ăn hết. Lúc bấy giờ một vị Độc Giác Phật đến khất thực ở nhà ấy.

Người chị dâu của Bồ Tát nghĩ rằng nàng sẽ nướng một chiếc bánh khác cho cậu em, nên đem chiếc bánh để dành phần cậu đưa cho vị Độc Giác Phật.

Ngay lúc ấy cậu trở về từ khu rừng, nàng bảo: Này chú em, đừng giận tôi đã đưa phần của chú cho vị Độc Giác Phật rồi.

Cậu em đáp: Chị đã ăn hết phần mình rồi lại đem cho phần ta đi, còn bảo sẽ làm cái bánh khác cho ta đấy!

Cậu liền giận dữ bước ra lấy lại chiếc bánh từ bình bát của vị Khất Sĩ. Nàng vội trở về nhà mẹ mình lấy một bơ tươi mới tan, có màu như hoa Champac hoa Sứ đổ đầy vào bình bát ấy, nó liền tỏa ra một làn ánh sáng.

Thấy vậy nàng cầu nguyện: Lạy Thánh Giả, ước gì khi con tái sinh, thân thể con sẽ phát ra một luồng ánh sáng, con sẽ được xinh đẹp và không bao giờ ở chung nhà với kẻ đê tiện này nữa.

Vì kết quả lời nguyền ngày xưa này, nàng không muốn gặp lại cậu nữa.

Và Bồ Tát khi thả chiếc bánh lại vào bình bát, đã khấn: Lạy Thánh Giả, dù nàng ở cách xa trăm dặm, cũng xin cho con có đủ uy lực bắt nàng về làm vợ. Vì cậu đã giận dữ lấy chiếc bánh, nên kết quả của nghiệp quá khứ ấy là cậu bị tái sinh rất xấu xí.

Phần Vua Kusa vô cùng đau khổ khi Pabhàvatì bỏ Ngài ra đi, đến độ các cung phi khác, dù đã phụng sự Ngài đủ mọi cách, Ngài cũng không còn lòng dạ nào ngó ngàng đến họ. Toàn cung điện Ngài thiếu mất Pabhàvatì trông thật vô cùng hiu quạnh.

Sau đó Ngài nghĩ thầm: Lúc này chắc nàng đã về đến thành Sàvala.

Và ngay sáng ngày hôm sau Ngài tìm đến mẹ, và thưa: Tâu Mẫu Hậu, con sẽ đi tìm Pabhàvatì về đây.

Xin Mẫu Hậu trị vì Quốc Độ thay con.

Và Ngài ngâm vần kệ đầu:

Đất nước này hoan lạc ngập tràn

Ngọc vàng châu báu, vật trang hoàng,

Thay con, Mẫu Hậu lên cai trị,

Con sẽ ra đi để kiếm nàng.

Khi nghe Ngài nói vậy, Mẫu Hậu bảo: Này Vương nhi, con phải thật hết sức tỉnh giác, nữ nhân là giống có tâm bất tịnh.

Sau đó, bà đổ đầy thực phẩm cao lương vào chiếc bát vàng và bảo: Vương nhi để dành lương thực lúc đi đường.

Rồi bà từ giã Ngài.

Cầm lấy bát thức ăn ấy xong, Ngài đảnh lễ Mẫu Hậu rất cung kính rồi nói to: Nếu con còn sống, con sẽ có ngày gặp mẹ. Và Ngài trở về cung thất của mình. Ngài trang bị năm thứ vũ khí cho mình, đặt một ngàn đồng tiền vào túi xách xong cầm cái bát thức ăn, chiếc đàn Kokanada và rời Kinh Thành. Ngài là người lực lưỡng, nên đến giữa trưa, Ngài đã đi được năm mươi dặm đường.

Sau khi ăn xong, còn nửa ngày Ngài đi thêm năm mươi dặm đường nữa, vì thế chỉ trong vòng một ngày Ngài đã đi được cả trăm dặm đường.

Chiều tối Ngài tắm rửa và vào Kinh Thành Sàgala. Khi Ngài vừa đến nơi thì do uy lực đức độ của Ngài, nên Pabhàvati không thể nằm yên trên Vương sàng mà phải bước xuống nằm trên sàn nhà.

Bồ Tát lúc ấy đã mệt lã vì cuộc hành trình, khi Ngài đang lang thang trên đường Ngài gặp một người đàn bà mời vào nhà nghỉ ngơi. Sau khi rửa chân xong, bà ấy mời Ngài đi ngủ.

Lúc Ngài đang ngủ, bà ấy lo dọn cơm cho Ngài, rồi thúc Ngài dậy ăn cơm, Ngài vô cùng đẹp ý nên đã cho bà ấy luôn cả ngàn đồng tiền và cái bát vàng.

Để lại chỗ đó luôn cả năm loại vũ khí, Ngài bảo: Ta cần phải đi vài chỗ nữa.

Khi cầm cây đàn lên, Ngài đi đến chuồng voi và gọi các người quản tượng: Hãy cho ta ở đây và ta sẽ chơi nhạc để các anh nghe. Họ đồng ý. Ngài liền đi ra ngoài, và nằm xuống.

Khi đã hết mệt mỏi, Ngài đứng dậy mở đàn ra, vừa hát vừa nghĩ: Dân chúng trong Kinh Thành sẽ nghe tiếng đàn.

Trong lúc Pabhàvati nằm trên sàn nhà, nàng nghe tiếng hát và suy nghĩ: Tiếng đàn này không thể của ai khác ngoài Vua ấy, nàng biết chắc Vua Kusa đã đến đây chỉ vì nàng.

Vua Madda cũng nghe tiếng đàn, liền nghĩ thầm: Gã kia chơi đàn thật du dương. Ngày mai ta sẽ gọi gã vào cho làm nhạc công.

Còn Bồ Tát suy nghĩ: Ta không thể nào thấy Pabhàvatì nếu ta ở đây, chỗ này không phải dành cho ta. Sáng hôm sau, Ngài dậy thật sớm, ăn điểm tâm trong nhà trọ xong, Ngài bỏ đàn, và đi đến người thợ gốm của Vua xin làm thợ học việc.

Một ngày kia, sau khi đổ đất sét vào đầy nhà, Ngài hỏi người kia xem Ngài có thể làm một số bình đất được chăng, người thợ gốm đáp: Được lắm. Ngài liền đặt cục đất lên bánh xe quay tròn.

Khi đã quay được rồi, bánh xe quay nhanh đến giữa trưa. Sau khi làm đủ mọi loại bình đất lớn nhỏ, Ngài bắt đầu làm một chiếc đặc biệt cho Pabhàvatì có nhiều hình vẽ trên đó. Thật vậy, mục đích của Chư Phật bao giờ cũng thành tựu.

Ngài quyết định chỉ một mình Pabhàvatì được thấy các hình vẽ này thôi. Khi Ngài phơi khô và nung các bình xong, ngôi nhà đầy cả đồ gốm.

Người thợ gốm ấy đem nhiều mẫu hàng đến cung Vua. Vua thấy đồ gốm liền hỏi ai đã làm ra chúng. Tâu Đại Vương, chính hạ thần.

Trẫm chắc không phải ngươi làm được, vậy thì ai làm?

Tâu Đại Vương, người thợ học việc của hạ thần. Không thể là thợ của ngươi được, phải thầy của ngươi mới đúng. Ngươi hãy học nghề với người ấy. Từ nay hãy để người ấy làm bình gốm cho các công chúa của trẫm.

Vua ban cho gã một ngàn đồng tiền và bảo: Hãy trao tiền này cho người ấy, và đưa các bình nhỏ đến các công chúa.

Gã cầm các bình nhỏ đến trao các công chúa, và thưa: Những thứ này làm riêng để các công nương chơi. Các công chúa đều có mặt để nhận quà tặng. Sau đó, người thợ gốm trao cho Pabhàvatì cái bình mà bậc Đại Sĩ đã làm riêng cho nàng.

Khi cầm lên, nàng nhận ra ngay hình vẽ nàng và nhũ mẫu lưng gù, và biết đó là công trình bằng tay của không ai khác ngoài Vua Kusa, nàng tức giận bảo: Ta không cần cái này, đem cho ai muốn lấy nó đi.

Các công chúa kia thấy nàng giận dữ đều cười bảo: Đại tỷ tưởng đó là công trình của Vua Kusa, chính người thợ gốm làm nó chứ có phải Vua ấyđâu, hãy nhận đi. Nàng không bảo cho các em biết vị Vua ấy đã đến đây và làm đồ gốm.

Còn người thợ gốm trao ngàn đồng vàng ấy cho Bồ Tát, và bảo: Này con, Đức Vua rất hài lòng vì con. Từ nay con phải làm đồ gốm cho các công chúa, còn ta sẽ đem chúng đến tặng các nàng.

Ngài suy nghĩ: Mặc dù ta ở đây, ta cũng không thể thấy Pabhàvati được. Ngài liền trả tiền lại người thợ gốm và đi đến nhà người đan giỏ cho Vua.

Sau khi trở thành thợ học việc với người này, Ngài làm một chiếc quạt bằng lá thốt nốt cho Pabhàvatì, trên đó Ngài vẽ một chiếc lọng trắng biểu tượng của Vương quyền, và lấy đề tài một phòng đại tiệc có nhiều hình người trong ấy, Ngài vẽ hình Pabhàvatì đang đứng giữa.

Người thợ đan giỏ đem những thứ thủ công do Vua Kusa làm đến cung điện.

Vua thấy, hỏi ai làm chúng như trước và ban một ngàn tiền vàng cho người này, rồi bảo: Hãy trao những mẫu đồ đan lát này cho các công chúa. Ngài lại trao chiếc quạt đặc biệt dành cho Pabhàvatì. Lần này cũng vậy, không ai nhận ra các hình vẽ.

Song Pabhàvatì, khi thấy chúng, liền hiểu ngay công trình của Vua Kusa, và bảo: Hãy đưa thứ này cho ai thích nó thì lấy đi. Rồi nàng giận dữ ném xuống đất. Các công chúa kia lại cười nàng. Còn người thợ đan giỏ đem tiền về trao cho Bồ Tát. Ngài nghĩ rằng nơi này cũng không phải chỗ dành cho Ngài ở được, nên Ngài trả tiền lại cho người đan giỏ rồi đi đến gặp người giữ ngự viên của Vua và trở thành thợ học việc.

Trong khi làm đủ loại vòng hoa, Ngài làm một vòng đặc biệt dành cho Pabhàvati, nổi bật với nhiều hình dáng khác nhau. Người giữ vườn lại đem đến Cung Điện. Khi Vua thấy, bèn hỏi ai làm các kiểu vòng hoa này. 

Tâu Đại Vương, chính hạ thần.

Ta chắc ngươi không thể làm được, vậy ai?

Muôn tâu, chính chú thợ học việc của hạ thần. Kẻ này không thể là thợ của nhà ngươi mà phải là tay thầy. Ngươi hãy học nghề với người này, từ nay người này phải kết vòng hoa cho các công chúa và trao cho gã ngàn đồng vàng này.

Khi ban tiền cho người thợ, Vua phán: Hãy đem các vòng hoa đến dâng lên các công chúa của trẫm. Còn người giừ vườn lại dâng lên Pabhàvati vòng hoa mà Bồ Tát đã làm riêng tặng nàng.

Ở đây nữa, nàng lại thấy giữa các hình ảnh khác nhau, có cả hình nàng và Vua, nàng lại nhận ra đó là công trình mỹ nghệ của Vua Kusa, nên nàng giận dữ ném xuống đất.

Các công chúa em nàng cũng cười nhạo nàng như trước. Người làm vườn đem ngàn đồng tiền về trao cho Bồ Tát và kể hết mọi sự tình đã xảy ra.

Ngài suy nghĩ: Chỗ này cũng không phải của ta. Ngài trả lại tiền cho người làm vườn rồi đi làm thợ học việc với hỏa đầu quân của Vua. Một ngày kia, người đầu bếp đem đủ loại cao lương mỹ vị đến dâng Vua, vào trao cho Bồ Tát một miếng thịt để nấu cho phần Ngài. Ngài nấu thịt tuyệt khéo, đến độ mùi thơm bay khắp Kinh Thành. Vua ngửi mùi thơm, hỏi thử xem người đầu bếp còn nấu thêm món thịt gì trong bếp chăng.

Tâu Đại Vương, không. Song hạ thần có trao cho người thợ học việc một miếng thịt xương đề nấu, chắc đó là mùi thịt mà Đại Vương vừa ngửi.

Vua truyền đem món thịt ấy đến và đặt một miếng lên đầu lưỡi, lập tức nó làm bừng dậy và rúng động cả bảy ngàn vị giác!

Vua say mê lạc thú được thưởng thức các cao lương nên trao cho người đầu bếp một ngàn đồng tiền và phán: Từ nay ngươi phải đem ngự thiện dâng lên trẫm và các công chúa do thợ Học Viện của ngươi nấu, ngươi đem phần của trẫm đến dâng trẫm, còn thợ học việc của ngươi thì đem dâng phần các công chúa.

Người thợ về kể lại mọi sự.

Nghe thế Ngài suy nghĩ: Nay ước vọng của ta đã thành tựu. Ta sẽ gặp được Pabhàvatì rồi. Lòng đầy hân hoan, Ngài trao ngàn đồng tiền cho người đầu bếp và hôm sau Ngài nấu các món ăn để dâng Vua, còn chính Ngài đi lên nội cung, nơi Pabhàvatì đang cư ngụ, gánh theo một gánh thức ăn cho các công chúa.

Pabhàvatì thấy Ngài đi lên với gánh nặng như vậy liền suy nghĩ: Ngài đang làm công việc của kẻ gia nô phục dịch thật không xứng đáng với Ngài tý nào. Song nếu ta để yên, Ngài sẽ tưởng ta đồng ý như vậy, rồi không chịu đi nơi khác, cứ ở tại đây mà nhìn ta chằm chặp. Ta phải lập tức nhục mạ phỉ báng Ngài và đuổi Ngài đi, không cho Ngài ở lại đây phút nào nữa.

Thế là nàng mở hé cửa ra, để một tay trên cánh cửa, tay kia đè lên then cửa và ngâm vần kệ nhì:

Ku Sa, Ngài phải chịu ngày đêm

Mang gánh nặng này thực chẳng nên,

Đất nước Ku Sa, mau trở lại,

Dị hình, ta chẳng chút ưa nhìn!

Ngài liền suy nghĩ:

Ta đã nghe được lời Pabhàvati nói rồi.

Lòng mừng khấp khởi, Ngài vội ngâm ba vần kệ:

Pab hà, say đắm bởi dung nhan,

Đất nước ta đâu thiết ngó ngàng,

Mỹ quốc Mạch  đa, niềm lạc thú,

Bỏ ngai, ta sống để tìm nàng!

Quang Huy kiều nữ, mắt mơ màng,

Sao chiếm lòng ta đến dại cuồng?

Hiểu rõ giang sơn là đất mẹ,

Điên rồ phiêu bạt khắp mười phương!

Mình khoác tấm da rực sáng ngời,

Vòng lưng đai quấn ánh vàng tươi,

Tình nàng, kiều nữ, ta khao khát,

Ta chẳng màng ngôi báu ở đời!

Khi Ngài đã nói vậy xong, nàng suy nghĩ: Ta phỉ báng Ngài chỉ vì muốn làm cho Ngài uất hận trong lòng. Song Ngài lại cố dùng lời lẽ hòa dịu với ta.

Giả sử Ngài bảo: Ta là Vua Kusa, và bắt lấy ta, thì có ai cản Ngài được?

E rồi có kẻ nghe lọt được câu chuyện giữa ta và Ngài nói đây. Thế là nàng vội đóng cửa lại và cài then kỹ bên trong. Còn Ngài cầm đòn gánh lên và đem thức ăn đến các công chúa kia. Pabhàvatì bảo nữ tỳ lưng gù đem cho nàng các món ăn do Vua Kusa nấu.

Bà vú đem lại và bảo:

Công chúa ăn đi nào.

Pabhàvatì nói: Ta không muốn ăn những thức ăn do Vua ấy nấu đâu. Bà hãy ăn rồi đi lấy thức ăn của bà nấu cho ta và đem lại đây. Song đừng nói cho ai biết Vua Kusa đã đến rồi đấy nhé. Bà vú lưng gù từ đó đem về ăn phần thức ăn của công chúa, và đưa cho nàng phần thức ăn của bà ta.

Cũng từ đó Vua Kusa không thể nào thấy nàng được lại suy nghĩ: Ta không biết Pabhà có thương yêu ta chút nào chăng, ta muốn thử xem nàng ra sao. Thế là sau khi đưa thức ăn đến dâng các công chúa kia, Ngài lại gánh thức ăn lên vai, bước ra đạp chân xuống sàn nhà cạnh cửa khuê phòng của Pabhàvatì, làm cho các dĩa thức ăn đụng nhau kêu loảng xoảng, rồi Ngài vừa hét lên vừa ngã nhào xuống đất mê man bất tỉnh giữa đống đồ đạc.

Khi nghe tiếng Ngài kêu lớn, nàng mở cửa phòng ra nhìn, thấy Ngài ngã quỵ dưới sức nặng của gánh đồ Ngài đang mang đi, nàng thầm nghĩ: Đây là vị Đại Vương ngự trị toàn Cõi Diêm Phù Đề, thế mà vì ta, Ngài đã chịu bao khổ sở ngày đêm. Bởi trước kia Ngài được nâng niu chiều chuộng kỹ lưỡng nên nay đã ngã nhào do gánh nặng thức ăn mà Ngài đang mang đây. Thôi để ta xem Ngài còn sống không.

Rồi bước ra khỏi phòng, nàng nghễnh cổ lên nhìn vào mồm Ngài xem hơi thở ra sao. Ngài phì nước bọt ra đầy miệng làm văng cả lên người nàng.

Nàng vội rút lui về phòng, và phỉ báng Ngài, khi nàng đứng bên cửa hé mở, nàng ngâm kệ sau:

Rủi thay phận kẻ mãi mong cầu

Thấy bị chối từ mọi ước ao,

Như Đại Vương, theo đòi thắm thiết

Tình kia chẳng đáp được đâu nào!

Nhưng vì Ngài đang si tình nàng đến độ điên cuồng, nên dù Ngài bị nàng phỉ báng, mạ ly đến đâu đi nữa, Ngài vẫn không tỏ vẻ oán hận mà chỉ ngâm kệ này:

Ai chiếm được người dạ luyến thương,

Dù tình đáp lại hoặc đơn phương,

Chỉ thành công ấy làm khâm phục,

Thất bại là bi thảm đoạn trường!

Trong khi Ngài nói như vậy, nàng vẫn không động lòng thương, còn đáp lại với giọng cương quyết như để xua đuổi Ngài đi bằng vần kệ sau:

Theo đuổi nữ nhi chẳng thuận lòng

Khác nào đào đá tảng trên đồng,

Lưỡi cày bằng gỗ giòn mau gẫy,

Hay đón gió bằng chiếc lưới không!

Nghe thế, Vua ngâm tiếp ba vần kệ nữa:

Như đá trơ trơ, quả dạ nàng,

Bề ngoài hiền dịu tuyệt trần gian!

Không lời thăm hỏi dù ta đến

Theo đuổi tình ai vạn dặm đàng!

Nàng cứ cau mày lúc ngắm ta,

Sa sầm dáng điệu, chúa kiêu xa,

Còn ta, chỉ một tên đầu bếp

Trong chốn cung đình xứ Mạch Đa.

Hoàng phi, ví thử xót thương người,

Hạ cố ban ta một nụ cười,

Ta chẳng còn làm đầu bếp nữa:

Ku Sa chúa tể ngự trên đời!

Nghe Ngài nói vậy, nàng nghĩ thầm: Ông Vua này thật cứ nói dai dẳng đến cùng. Ta phải tìm mưu nói dối để đuổi Ngài đi nơi khác.

Nàng liền ngâm kệ này:

Nếu thầy tướng số nói không sai,

Thì chính tiên tri đúng thế này:

Nàng bị chặt ra thành bảy mảnh,

Khi nàng lấy chúa Cát Tường đây.

Nghe vậy Vua cãi lại ngay:

Này ái Hậu, ta cũng đã hỏi ý các thầy tướng số ở xứ ta và họ tiên đoán chẳng ai có thể làm phu quân của ái Hậu trừ vị chúa công có giọng như sư tử, là Đại Đế Kusa, và theo trí hiểu biết của ta, ta cũng thấy những điều trên như vậy.

Ngài lại ngâm vần kệ khác:

Nếu thầy tướng số khác cùng ta

Nói những lời chân thật, quả là:

Nàng chẳng tôn ai làm chúa tể

Của nàng, trừ Đại Đế Ku Sa!

Nghe Ngài nói vậy, nàng tự bảo: 

Ta không thể làm nhục Ngài được!

Vậy dù Ngài chịu rời bỏ đi hay không thì có nghĩa lý gì đối với ta. Nàng liền đóng cửa lại để khỏi ló đầu ra nữa. Ngài đành gánh đồ đạc lên ra đi.

Tứ ngày ấy, Ngài không còn trông thấy nàng nữa và Ngài trở nên vô cùng chán nản với công việc bếp núc của Ngài. Khi ăn điểm tâm xong, Ngài phải chẻ củi, rửa bát dĩa, gánh nước rồi nằm nghỉ ngơi trên đống thóc. Ngài dậy thật sớm lo nấu cháo, rồi đem thức ăn đi phục dịch, và Ngài chịu đựng mọi sự hành hạ thân xác này chỉ vì quá si tình nàng Pabhàvatì.

Một ngày kia, Ngài thấy bà vú lưng gù đi ngang qua cửa bếp, liền chào bà. Vì sợ Pabhàvatì, bà vú không dám đến gần Ngài, chỉ làm ra vẻ đang vội vàng lắm.

Thế là Ngài chạy ngang đến gần bà ta, bảo: Này bà già gù?

Bà vú quay lại hỏi: Ai đấy nhỉ?

Già này chẳng dám nghe những gì Ngài nói đâu!

Ngài liền bảo: Cả hai chủ tớ ngươi thật quá ngang bướng!

Dù ta ở gần các người lâu nay, ta cũng chẳng nghe già nói gì về ngọc thể của nàng cả.

Bà gù đáp: Thế Ngài có quà gì cho già này chăng?

Ngài vội đáp: Giả sử ta cho ngươi quà, ngươi có gắng sức làm sao Pabhàvatì nguôi lòng và cho ta gặp mặt nàng chăng?

Nghe bà vú ưng thuận, Ngài bảo: Nếu ngươi làm được việc ấy, ta sẽ chữa cho lưng gù của ngươi thẳng lên, rồi tặng ngươi một vòng vàng đeo cổ.

Rồi để dụ bà vú, Ngài ngâm năm vần kệ:

Chuỗi vàng ta sẽ tặng cho già,

Khi đến Ku Sa, xứ sở nhà,

Ví thử Pa bhà thân yểu điệu

Rủ lòng hạ cố đoái nhìn ta!

Chuỗi vàng ta sẽ tặng cho già,

Khi đến Ku Sa, xử sở nhà,

Ví thử Pa bhà, nàng thục nữ,

Rủ lòng hạ cố nói cùng ta!

Chuỗi vàng ta sẽ tặng cho già,

Khi đến Ku Sa, xử sở nhà,

Ví thử Pa bhà, nàng thục nữ,

Rủ lòng cười hé nụ cùng ta!

Chuỗi vàng ta sẽ tặng cho già,

Khi đến Ku Sa, đất nước nhà,

Ví thử Pa bha thân yểu diệu,

Sẽ tươi cười diện kiến cùng ta!

Chuỗi vàng ta sẽ tặng cho già,

Khi đến Ku Sa, đất nước nhà,

Ví thử Pa bhà nàng thục nữ,

Đưa tay âu yếm đặt vào ta!

Nghe lời Ngài, bà vú bảo: Thôi xin Đại Vương đi cho rồi, chỉ trong vài ngày nữa thôi, già này sẽ đưa nàng đặt vào tay Đại Vương! Đại Vương sẽ thấy già này đắc lực ra sao. Nói vậy xong, bà già quyết định hành động ngay. Vừa đi đến gặp Pabhàvati, bà làm bộ lau chùi phòng nàng thật sạch, không còn sót một chút bụi nào, rồi cởi đôi hài của nàng ra, bà quét dọn cả phòng nàng.

Sau đó, bà già đặt một chiếc ghế cao cho bà ở ngay bực cửa để giữ kỹ phía ngoài cửa, rồi trải nệm trên một chiếc ghế thấp cho nàng, bà bảo: Này công chúa yêu ơi, để già bắt chấy trên đầu nàng nhé!

Bà đặt nàng ngồi đó, kê đầu vào lòng bà, xoa nhẹ cho nàng một lát rồi bảo: Ô kìa, ta bắt được nhiều chấy quá?

Bà già bắt được vài con chấy trên đầu bà, đặt lên đầu công chúa, rồi nói về bậc Đại Sĩ với lời lẽ yêu thương, bà ca ngợi Ngài qua vần kệ này:

Công nương này chẳng thấy lòng vui

Nhìn chúa Ku Sa chút nữa rồi,

Dù chẳng thiếu gì, Ngài phục dịch

Kiếm tiền như nấu bếp tôi đòi.

Pabhàvatì liền nổi giận với bà gù ngay. Thế là bà vú già nắm cổ nàng đẩy vào phòng, còn bàđứng phía ngoài đóng cửa lại, đứng sát vào sợi dây thừng kéo cửa.

Pabhàvatì không thể tới gần chụp bà vú được, phải đứng sát cửa và mắng nhiếc bà vú qua vần kệ khác:

Mụ già nô lệ lưng gù vậy

Sao dám buông lời quái dị thay!

Xứng đáng được ta truyền cắt lưỡi

Bằng thanh kiếm ngọt nhất đời này!

Bà già gù cứ đứng sát như vậy vào sợi dây thừng buông thả xuống và bảo: Này, nàng chỉ là người vô dụng, lại đối xử tàn tệ thế kia, chứ sắc đẹp của nàng có ích lợi cho ai chăng?

Nói xong, bà già cao giọng nêu rõ mọi công đức của Bồ Tát, vừa thét to bằng giọng khàn khàn của một người lưng gù qua mười ba vần kệ sau:

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy gắng làm cho Ngài đẹp ý,

Vinh quang Ngài vĩ đại cao vời!

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy cố làm cho Ngài đẹp ý,

Triều Ngài hưng thịnh nhất trên đời.

Pab hà hởi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy cố làm cho Ngài đẹp ý,

Quyền uy Ngài vĩ đại trên đời.

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy cố làm cho Ngài đẹp ý,

Quyền Ngài cai trị rộng khắp nơi.

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy cố làm cho Ngài đẹp ý,

Ngài là vị Đại Đế hùng oai.

Pab hà hỡi, chờ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Giọng của Ngài như sư tử hống,

Hãy làm toại ý đẹp lòng Ngài.

Pab hà hỡi, chờ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy cố làm cho Ngài đẹp ý,

Giọng Ngài trong trẻo vút ngân dài.

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy cố làm cho Ngài đẹp ý,

Giọng Ngài trầm lắng tận lòng ai!

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy cố làm cho Ngài đẹp ý

Giọng Ngài êm dịu quá, nàng ôi!

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy cố làm cho Ngài đẹp ý

Giọng Ngài như mật rót vào tai!

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy gắng làm cho Ngài mãn nguyện,

Vì Ngài có cả một trăm tài.

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy gắng làm cho Ngài mãn nguyện

Ngài, Vua Sát Đế Lỵ anh tài!

Pab hà hỡi, chớ quý yêu người

Vì dáng bề ngoài, hảo tướng thôi.

Hãy gắng làm cho Ngài đẹp ý,

Ku Sa Đại Đế, chính là Ngài!

Nghe bà vú nói vậy, Pabhàvatì đe dọa: Này mụ già gù lưng ơi, sao mụ la to thế kia?

Nếu ta chụp được mụ thì ta sẽ cho mụ biết tay ta là chủ đấy nhé.

Bà vú đáp: Lâu nay già vị tình nàng nên đã không tâu trình Phụ Vương về việc Vua Kusa đến đây. Được rồi, hôm nay già sẽ đi trình Đức Vua cha. Bà ta cũng cất cao giọng để hăm he nàng. Vì sợ có người nghe lọt chuyện này, nên nàng đành hoà dịu với bà già gù lưng ấy. Thế là Bồ Tát không còn cách nào nhìn thấy nàng được nữa.

Sau bảy tháng ròng rã, Ngài đâm chán ngán cảnh giường thô cơm hẩm, Ngài suy nghĩ: Ta cần gì nàng nữa chứ?

Sau bảy tháng ở đây, ta chẳng còn cách nào được giáp mặt nàng, nàng thật quá nhẫn tâm tàn ác. Thôi ta quyết đi về thăm song thân ta mà thôi.

Vào lúc ấy Sakka Thiên Chủ xem xét vấn đề này và nhận thấy Vua Kusa đã bất mãn đến độ nào rồi, nên Ngài suy nghĩ: Sau bảy tháng Vua Kusa không còn biết làm sao gặp mặt Pabhàvatì, ta cố tìm cách gì để giúp Ngài thấy được nàng.

Sau đó, Sakka Thiên Chủ sai các Thiên Sứ đi yết kiến bảy vị Quốc Vương khác làm như thể vừa từ Kinh Đô Vua xứ Madda đến và tâu: Nàng Pabhàvatì đã rời bỏ Vua Kusa và trở về nhà Phụ Vương nàng. Vậy xin Đại Vương hãy đến cầu hôn nàng gấp. Cứ mỗi Quốc Vương, Thiên Chủ đều gửi riêng một thông điệp như vậy.

Mỗi vị Vua kia đều đi đến Kinh Thành cùng một đoàn tùy tùng đông đảo, và đều không biết lý do đến đây của các Vua khác.

Các vị liền hỏi nhau: Tại sao Đại Vương đến đây?

Và khi khám phá được các sự việc đang diễn tiến ra sao, các Vua ấy đều nổi giận và bảo: Quốc Vương này có ý muốn gả một nàng công chúa cho cả bảy chúng ta ư?

Hãy nhìn xem lão đối xử tồi tệ mức nào.

Lão nhạo báng chúng ta khi bảo: Hãy cưới nàng làm Vương Hậu. Vậy lão phải gả Pabhàvatì cho cả bảy chúng ta hoặc là phải chiến đấu với chúng ta mà thôi. Các Vua ấy liền gửi thông điệp cho Vua Madda về việc này và bao vây Kinh Thành.

Khi nghe thông điệp, Vua Madda lo ngại và hỏi ý kiến Quần Thần: Ta phải làm sao đây?

Quần Thần đáp: Tâu Chúa Thượng, bảy Vua này đến đây tìm công chúa Pabhàvatì. Nếu Chúa Thượng từ khước việc gả nàng, các vị ấy sẽ phá thành xông vào kinh đô, rồi sau khi tiêu diệt chúng ta xong, họ sẽ chiếm Vương Quốc của Chúa Thượng. Vậy, trong khi thành chưa bị phá vỡ, ta hãy trao công chúa Pabhàvatì cho họ.

Rồi quần thần ngâm kệ này:

Như thể bầy voi trận vẻ vang

Dàn binh sừng sững, giáp bào mang,

Trước khi chúng dẫm tan thành lũy,

Xin chúa mau mau gửi cống nàng!

Vua nghe vậy liền phán: Ví thử trẫm trao Pabhàvatì cho bất cứ một Vua nào, thì đám Vua kia sẽ giao chiến với trẫm. Vậy không thể nào gả nàng cho bất cứ một ai cả. Sau khi bỏ rơi vị chúa tể tối cao của toàn Cõi Diêm Phù Đề, nàng phải lãnh lấy phần thưởng do việc nàng trở về nhà. Trẫm sẽ giết nàng và phân thây làm bảy mảnh để tặng cho bảy vị Vua này mỗi người một phần.

Nói xong Vua ngâm kệ khác:

Chặt Pa bhà bảy khúc cho cân,

Ấy chính lời nguyền của trẫm ban

Cho bảy Vua kia, người một mảnh,

Những người đến giết Phụ Vương nàng!

Lời nói này của Vua được truyền vang khắp cung điện.

Các tỳ nữ của Pabhàvatì đến bảo nàng: Người ta đồn rằng Chúa Thượng sẽ truyền chặt công chúa ra bảy mảnh rồi gửi cho bảy vị Vua ấy?

Nàng kinh hồn bạt vía, vùng đứng lên từ chỗ ngồi, rồi được các cô em gái hộ tống đến cung thất của Mẫu Hậu.

Bậc Đạo Sư ngâm kệ để giải thích vấn đề:

Diễm lệ, dù da nhuốm sắc đen,

Bà hoàng vụt cất bước chân lên

Trước đoàn thị nữ theo hầu cận

Mình khoác lụa tơ, tiếng khóc rền.

Nàng bước vào yết kiến Mẫu Hậu, đảnh lễ bà xong liền cất lời than vãn:

Mặt phấn điểm trang, này soi gương sáng

Khéo gắn khung ngà, quyến rũ, giờ đây

Bao nét trắng trong biểu lộ thơ ngây

Sắp bị các Vua quăng nằm rừng vắng.

Làn tóc đen huyền cuộn tròn duyên dáng

Thật dịu mềm, ngào ngạt tỏa Chiên Đàn,

Kền kền tìm, dù che kín rừng hoang

Dùng móng vuốt xé tan, tung theo gió.

Đôi tay, đầu ngón sơn màu đồng đỏ,

Tẩm trầm hương sực nức mịn lông măng,

Chặt vứt rừng hoang bởi chúa kiêu căng,

Loài sói chụp tha về hang dấu kín.

Đầu vú tròn như chà là muồi chín,

Ngàt đàn hương người đốn ở Kà Si,

Sơn cẩu đến gần, chắc sẽ kéo đi,

Như đứa trẻ ôm ghì bầu sữa mẹ.

Đôi mông đầy, dáng căng tròn, mạnh khỏe,

Quấn quanh vòng đai rực rỡ vàng ròng,

Chặt vứt rừng hoang bởi chúa kiêu hùng,

Loài sói chụp tha về nơi muốn dấu.

Mãnh thú săn mồi: sài lang, sơn cẩu,

Hễ một khi chúng ăn thịt Pa Bhà,

Không thể nào còn phải chịu chết già.

Nếu các Võ Vương đến tử viễn xứ,

Chặt tấm thân này của nàng thục nữ,

Xin lấy xương con, đốt với lửa nồng,

Ở một nơi nào xa lánh bụi hồng.

Rồi mẹ lập một vườn hoa gần đó,

Mẹ trồng khóm Ka Ni kà ra nhỏ,

Khi đông tàn, cây ấy sẽ đơm hoa,

Và mẹ ôi, khi mẹ nhớ con thơ,

Mẹ hãy chỉ vào hoa mà kể lể: 

Ái nữ Pabhà ngày xưa là thế.

Như vậy, nàng quá kinh hoàng vì sợ chết nên cứ than khóc nỉ non với mẹ nàng. Còn Vua Madda ra lệnh cho đao phủ đến, đem theo cái rìu và tấm thớt. Việc đao phủ sắp đến được đồn vang động khắp Hoàng Cung, Mẫu Hậu nghe tin lão đến, liền vùng dậy khỏi chiếc bảo tọa của bà, và đi vào yết kiến Vua, lòng tràn ngập đau buồn.

Bậc Đạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ vấn đề:

Khi nhìn tấm thớt với gươm trần

Đã đặt trong vòng tử tội nhân,

Mẫu Hậu như Thiên Thần đứng dậy,

Vội đi tìm gặp Đấng Vương Quân.

Rồi Mẫu Hậu ngâm kệ sau:

Với gươm này, chúa tể Mạch Đa

Sẽ giết nàng công chúa nõn nà,

Rồi gửi tấm thân nàng, mỗi mảnh

Mỗi Vua cừu địch để làm quà.

Vua cố trấn an bà và phán: 

Này ái Hậu nói gì thế này?

Công chúa của ái Hậu đã từ bỏ vị Đại Đế của toàn Cõi Diêm Phù Đề chỉ vì duyên cớ Vua ấy xấu xí, và cam phận chịu chết nên vội trở về nhà trước khi dấu chân nàng được xóa sạch trên con đường nàng đã đi qua. Vậy thì nay nàng phải gặt hái lấy hậu quả của lòng ganh tị do sắc đẹp của nàng gây ra đó thôi.

Sau khi nghe Vua nói, Mẫu Hậu đến gặp con gái và than thở như vậy:

Con chẳng nghe lời nói của ta

Đã khuyên con phận đẹp duyên ưa,

Nay thân con phải Vương màu máu,

Con sẽ chìm vào Cõi Dạ Ma.

Số phận kia ta phải gánh mang

Hoặc chung cùng gặp lắm bi thương,

Vì làm ngơ trước lời khuyên tốt,

Bỏ các lời răn của bạn vàng.

Ví thử hôm nay con sánh vai

Cùng Hoàng Tử dũng cảm anh tài,

Đại Vương trang điểm toàn vàng ngọc,

Sinh trưởng Ku Sa xứ sở Ngài,

Thì hẳn bạn bè không hộ tống

Con đành mau bước xuống tuyền đài.

Khi trống đánh, Vương Tượng thét vang,

Trong cung đình, giữa chốn trần gian,

Còn nơi nào nữa ta tìm thấy

Hạnh phúc cao hơn được hởi nàng?

Khi bầy ngựa hí, các ca nhân

Rền rĩ điệu buồn với chúa công,

Lạc thú như vậy trong bảo điện

Còn gì đâu để sánh ngang bằng?

Khi tiếng sơn ca hòa tiếng công

Cò kêu, hạc sếu gọi lừng vang,

Như vậy Cực Lạc sao tìm được

Nơi khác hay chăng, mẹ hỏi nàng?

Sau khi trò chuyện với nàng như vậy qua các vần kệ này, Mẫu Hậu suy nghĩ: Giá bây giờ có Vua Kusa ở đây, thì Ngài sẽ đuổi bảy Vua kia cao chạy xa bay và sau khi giải thoát con gái ta khỏi chịu khổ hình, lại sẽ đem nàng đi về nước.

Rồi bà ngâm kệ:

Nay ở đâu người dẫm nát tan

Nước thù và chiến thắng cừu nhân?

Ku Sa cao thượng đầy mưu trí

Sẽ cứu nhà ta khỏi đoạn trường!

Lúc ấy Pabhàvatì suy nghĩ: Mẫu Hậu không đủ lời lẽ để tán dương Vua Kusa.

Ta sẽ cho mẹ ta biết Ngài đang ở đây làm hết mọi việc của một kẻ đầu bếp, và nàng ngâm kệ này:

Bậc chiến thắng tiêu diệt kẻ thù,

Kìa trông! Ngài đã đến bây giờ!

Ku Sa cao thượng đầy mưu trí

Sẽ giết cừu nhân cứu liễu bồ!

Mẫu Hậu liền suy nghĩ:

Chắc con ta quá kinh hoàng vì sợ chết nên nói lảm nhảm đây, rồi bà ngâm kệ:

Phải chăng con đã hóa điên rồ,

Như kẻ si cuồng nói vẩn vơ?

Ví thử Ku Sa đà trở lại,

Thì sao con chẳng nói cùng ta?

Nghe nói lời này, Pabhàvatì suy nghĩ: Mẹ ta không tin lời ta. Bà chẳng biết là Ngài đã trở về và đang sống tại đây từ bảy tháng nay. Ta muốn chỉ cho mẹ thấy việc này.

Thế là nàng vừa dắt tay mẹ vừa mở cửa sổ, dang tay chỉ về phía Ngài và ngâm kệ:

Mẹ trông! Kẻ nấu bếp đằng kia

Đai quấn ngang lưng thật chỉnh tề,

Đang cúi rửa nồi niêu, bát dĩa,

Nơi bầy công chúa ngự phòng khuê.

Chuyện kể rằng lúc bấy giờ Vua Kusa nghĩ thầm: Hôm nay tâm nguyện của ta sẽ thành tựu. Thực vậy Pabhàvatì đang kinh hoàng vì sợ chết, nên sẽ báo tin ta đang ở đây. Vậy ta phải rửa bát dĩa và đem cất hết. Rồi Ngài đi lấy nước về và bắt đầu rửa bát.

Lúc ấy mẹ nàng mắng nhiếc nàng qua vần kệ:

Con hạ tiện dòng dõi phải chăng?

Đường đường là một vị công nương

Hạ mình yêu lấy tên nô lệ

Điếm nhục Mạch Đa tận tủy xương!

Còn Pabhàvatì suy nghĩ: Chắc mẹ ta không biết rằng chỉ vì ta mà Ngài đã sống khổ như thể này bấy lâu nay.

Và nàng ngâm kệ nữa:

Hạ tiện, con đâu phải giống dòng!

Con thề chẳng điếm nhục hoàng tông,

May thay, Ngài chẳng là nô lệ,

Ngài kế vị Ok Ka Đại Vương.

Bấy giờ nàng nói tiếp để tán tụng uy danh Ngài:

Hai vạn Sa Môn vẫn cúng dường,

Chính là Thái Tử Ok Kà Vương,

Con thề, Ngài chẳng là nô lệ,

Người mẹ thấy đang đứng dưới tường.

Ngài thắng cân đai hai vạn voi,

Con thề, Ngài chẳng phải nô tài,

Ngài là Vương Tử Ok Kà Đế,

Người mẹ thấy đang đứng đó rồi!

Ngài thắng cương hai vạn ngựa nòi,

Con thề, Ngài chẳng phải tôi đòi,

Ok Kà Vương Tử là Ngài đó,

Người mẹ thấy đang đứng giữa Trời!

Ngài vẫn cầm cương hai vạn xe,

Ngài không nô lệ, đấy con thề,

Ngài là Vương Tử Ok Kà Đế,

Người mẹ thấy đang đứng dưới kia.

Hoàng ngưu hai vạn, vẫn cầm cương,

Ngài chẳng là nô lệ, tiện dân,

Mà chính Ok Kà Ka Thái Tử,

Là người mẹ thấy đứng bên đường.

Ngài lấy sữa tươi hai vạn bò,

Con thề, Ngài chẳng phải gia nô,

Mà là Thái Tử Ok Kà Đế,

Người mẹ thấy đang đứng dưới nhà.

Như thế là cảnh huy hoàng của bậc Đại Sĩ đã được nàng tán dương qua sáu vần kệ.

Lúc ấy Mẫu Hậu suy nghĩ: Con ta nói một cách chắc chắn đầy tin tưởng. Hẳn là đúng vậy, nên bà tin lời nàng và đem kể cho Vua nghe đầu đuôi câu chuyện.

Vua vội vã đến gặp Pabhàvatì và hỏi: Có thật là Vua Kusa đã đến đây như chuyện chúng đồn chăng?

Tâu Phụ Vương, quả đúng vậy. Đã bảy tháng nay Ngài làm hỏa đầu quân cho các công chúa.

Vua cha không tin lời nàng, liền chất vấn bà già lưng gù và khi nghe bà kể mọi việc trong chuyện này, Vua quở trách con gái qua vần kệ này:

Như thể voi kia giả ểnh ương,

Đến đây Thái Tử đại hùng cường,

Con sai lầm quá và khờ dại,

Dấu chuyện, song thân chẳng tỏ tường.

Vua đã quở trách công chúa như vậy xong, vội vã đi tìm Vua Kusa và sau các lễ nghi chào hỏi thông thường giữa hai vị, Vua nhìn nhận sự xúc phạm của mình và ngâm kệ này:

Vì trẫm không nhìn thấy được ngay

Đại Vương giả dạng đến như vậy,

Toàn gia trẫm trót làm sai phạm,

Đành phận xin tha thứ lỗi này!

Nghe lời này, bậc Đại Sĩ suy nghĩ: Nếu ta nói nặng lời với Vua cha thì lòng Ngài sẽ đau đớn nát tan ngay. Nên ta muốn nói lời an ủi vỗ về Ngài thôi.

Rồi vừa đứng giữa đống bát dĩa, Ngài vừa ngâm kệ:

Hỏa đầu quân, muốn đóng tròn vai,

Mình chính đã làm việc trái sai,

Ví thử thân này, Ngài chẳng biết,

Yên tâm, lỗi ấy chẳng do Ngài!

Sau khi Vua cha được nghe những lời ân cần như vậy, liền trở về cung triệu Pabhàvatì đến, bảo nàng đi thỉnh cầu Vua Kusa thứ lỗi, và Ngài ngâm kệ:

Mau lên, cô bé quá khù khờ

Cầu khẩn Đại Vương thứ tội cho,

Mong ước Ngài nguôi cơn thịnh nộ,

Vui lòng cứu lấy mạng đào tơ!

Nghe lời Vua cha dạy như vậy, nàng liền được cả đoàn công chúa và cung nữ hộ tống đi đến gặp Ngài.

Đúng ngay lúc Ngài đang đứng trong bộ áo quần nô dịch, thấy nàng tiến về phía mình, Ngài nghĩ thầm: Hôm nay ta quyết đánh tan lòng kiêu mạn của Pabhàvatì và khiến nàng phải nằm mọp dưới chân ta trong đám bùn. 

Rồi Ngài đổ xuống đất hết cả thùng nước mà Ngài đã đem đến đó, dẫm chân lên một khoảng rộng bằng cái sàn nhà đập lúa, làm thành một đám bùn. Nàng vừa bước tới liền trượt té dưới chân Ngài, phải nằm phủ phục trong đám bùn mà xin Ngài thứ tội.

Bậc Đạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ vấn đề này:

Pa bhà trong dáng điệu Thiên Thần

Vâng lệnh truyền kia của Phụ Vương,

Đầu cúi xuống, tay ôm chặt lấy

Đôi chân của chúa tể hùng cường.

Rồi nàng ngâm các vần kệ sau:

Chuỗi ngày đêm thiếp sống xa Ngài,

Hoàng thượng, giờ đây đã hết rồi,

Nhìn thiếp cúi hôn chân Chúa Thượng,

Xin đừng thịnh nộ nữa, Ngài ôi!

Thần thiếp giờ xin hứa với Ngài,

Nếu Ngài hạ cố để vào tai,

Chẳng bao giờ lại vì sao nữa

Thiếp dám làm sai phạm đến Trời!

Song nếu lời xin bị khước từ,

Phụ Vương liền giết mạng con thơ,

Gửi đi từng mảnh thân tan tác

Khắp các địch Vương để tặng quà!

Nghe vậy, Vua nghĩ thầm:

Nếu ta bảo nàng: Việc này nàng phải tự lo liệu đấy chứ, chắc tim nàng phải tan nát mất. Thôi ta chỉ muốn nói lời lẽ an ủi nàng.

Và Ngài ngâm các vần kệ đáp lời:

Ta nguyền vâng lệnh của nàng ban,

Đem hết tâm can để cứu nàng,

Ta chẳng thấy lòng hờn giận nữa,

Quang Huy ngọc nữ, chớ kinh hoàng!

Này nghe ta nói, hỡi công nương,

Ta cũng trao lời hứa thật chân:

Ta sẽ không làm gì xúc phạm

Chẳng bao giờ nữa, với nàng thương!

Ta phải chịu bao nỗi muộn phiền

Vì yêu nàng quá, hỡi người tiên!

Ta nguyền giết hết bầy Vua chúa,

Cùng với nàng, ta lại đẹp duyên!

Vua Kusa lúc ấy tràn đầy niềm tự hào của một bậc Đế Vương khi thấy nàng như thể một thị nữ của Sakka Thiên Chủ đang hầu hạ Ngài, Ngài nghĩ thầm: Trong lúc ta còn sống đây, còn kẻ nào dám đến cướp mất tân giai nhân của ta được chứ?

Và Ngài liền vùng dậy giữa sân Hoàng Cung, bảo: Toàn dân Kinh Thành này hãy nghe lệnh truyền báo hiệu ta ngự đến đây.

Rồi Ngài nhảy múa, reo hò, và vỗ tay kêu lớn: Nay ta muốn bắt sống chúng, hãy bảo quân hầu đem bầy ngựa đến thắng vào các cỗ xe của ta.

Rồi Ngài ngâm vần kệ sau:

Đi mau, thắng tuấn mã nhu thuần

Vào các cỗ xe khéo điểm trang,

Rồi hãy nhìn ta anh dũng tiến

Đánh cho tan tác bọn cừu nhân.

Bấy giờ Ngài từ giã Pabhàvatì và bảo: Việc đi tội các quốc thù của nàng là trách nhiệm của ta. Còn ái khanh hãy đi tắm rửa, điểm trang rồi lên cung của mình mà nghỉ.

Phần Vua Madda gửi các quan cố vấn đến làm vệ sĩ danh dự cho Ngài. Quân thị vệ buông màn quanh Ngài ngay tại cửa bếp và đem bọn thợ hớt tóc đến chăm sóc Ngài.

Khí râu mép của tóc Ngài đã được tô điểm, và gội đầu xong xuôi, Ngài được phục sức đầy đủ mọi vẻ lộng lẫy cùng với đám tùy tùng vây quanh, Ngài bảo: Ta muốn bước lên cung điện.

Vừa nhìn quanh tứ phương, Ngài vỗ tay, hễ Ngài nhìn tới nơi nào là mặt đất nơi ấy rung chuyển, và Ngài thét lớn: Này hãy xem uy lực của ta vĩ đại biết dường nào!

Bậc Đạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ vấn đề này:

Công nương nội điện chúa Madda,

Chiêm ngưỡng Ngài đang đứng phía xa

Chẳng khác mãnh sư chồm đứng dậy,

Đôi tay đấm giữa khoảng bao la.

Sau đó Vua Madda đưa đến cho Ngài một con voi đã được luyện thuần thục có thể giữ vững bình thản khi bị tấn công, và voi ấy được trang hoàng thật rực rỡ.

Vua Kusa ngự lên lưng voi với chiếc lọng trắng che đầu Ngài, và ra lệnh đem Pabhàvatì đến đó, đặt nàng lên ngồi sau lưng Ngài xong, Ngài rời Kinh Thành bằng Đông Môn, được cả đoàn đầy đủ bốn đạo quân hộ tống, và ngay khi thấy các lực lượng của quân thù, Ngài thét lớn: Ta là Vua Kusa, kẻ nào khôn hồn muốn sống hãy nằm móp xuống sát đất?

Rồi Ngài rống lên ba lần tiếng hống sư tử và hoàn toàn đánh bại đám địch quân.

Bậc Đạo Sư ngâm kệ giải thích vấn đề này:

Ngự mình voi, bà hoàng ngồi sau chúa,

Vua Ku Sa lâm trận, giọng vang rền,

Muôn loài nghe sư tử rống gầm lên,

Địch Vương thảy bàng hoàng, vùng tán loạn.

Vệ sĩ, bộ binh, pháo, xa, mã, tượng

Nghe tiếng Ku Sa, rủ liệt hãi hùng,

Chúng rã rời và tháo chạy đường cùng.

Đế Thích ngắm chiến trường, lòng hoan hỷ

Tặng Hoàng Đế Ku Sa viên ngọc quý

Ve ro can là mỹ hiệu bảo trân.

Chiến thắng rồi, Vua nhận lấy ngọc thần,

Ngất nghểu ngự mình voi, về thị trấn

Của Mạch Đa, các địch Vương bắt sống

Bị gông xiềng, đem đến trước Phụ Vương:

Xin chúa công hãy ngắm các cừu nhân

Nay nằm đó, tùy nghi quyền sinh sát,

Chúng chiến bại đầy đắng cay chua chát,

Nay chúa công tàn sát cứ thỏa lòng,

Hay thả ra lần nữa hưởng hồng ân.

Quốc Vương đáp:

Các địch Vương này thuộc về Thiên Tử,

Nào phải quyền ta. tùy Ngài xử sự,

Chỉ Ngài là chúa tể của thần dân,

Xin giết đi hoặc thả chúng thoát thân

Khi nghe nói vậy, bậc Đại Sĩ nghĩ thầm: Ta còn làm gì được với đám người này một khi chúng chết cả rồi?

Không nên để cho chúng mất công đến đây mà chẳng được kết quả gì. Pabhàvatì còn có bảy cô em gái đều là công chúa của Vua Madda, ta muốn cho chúng kết duyên với bảy Vương Tử này.

Rồi Ngài ngâm kệ:

Bảy nàng công chúa tựa Tiên nga

Tuyệt thế giai nhân đẹp mắt ta,

Gả các nàng cho Vua bảy nước

Để làm phò mã của Vương gia.

Quốc Vương đáp:

Ngự ngôi tối thượng, trước toàn dân,

Quyết định Ngài nay phải vẹn tròn,

Xin gả công nương theo Thánh ý,

Ngài là Chúa tể của Quần Thần.

Thế rồi Quốc Vương truyền lệnh trang điểm các công chúa thật đẹp và cử hành lễ vu qui cho mỗi nàng được kết duyên với một Vua kia.

Bậc Đạo Sư ngâm năm vần kệ đề làm sáng tỏ vấn đề:

Ku Sa sư tử hống vang rền

Đem Mạch Đa công chúa kết duyên

Cả bảy nàng ban phần bảy vị,

Anh hùng sánh với gái thuyền quyên.

Hoan hỷ đón bao nỗi ước mơ

Từ bàn tay chúa tể Ku Sa,

Bảy Vương Tử nọ liền hồi giá

Trở lại Triều Vua mỗi nước nhà.

Cầm lấy bảo châu tỏa sáng bừng,

Xa giá Ku Sa trở lại cung

Rước về ngọc nữ Pabhà ấy,

Hoàng Đế KuSa, bậc đại hùng.

Cùng ngự vào trong một bảo xa,

Sánh đôi Vương giả trở về nhà,

Chẳng ai sáng chói hơn người khác,

Vì cả hai đồng đẹp tuyệt mà!

Mẹ hiền ra đón rước hoàng nhi,

Từ đó Quân Vương với ái thê

Hạnh phúc lứa đôi cùng tận hưởng,

Nước nhà hưng thịnh, lạc tràn trề.

Khi bậc Đạo Sư chấm dứt pháp thoại này, Ngài thuyết giảng các Thánh đế và nhận diện tiền thân: Vào lúc kết thúc các Thánh đế, vị Tỳ Kheo thối thất đã chứng Sơ Quả Dự Lưu: Thời bấy giờ Phụ Vương và Mẫu Hậu là song thân trong Hoàng Gia ngày nay, Vương đệ là Ànanda, bà nhũ mẫu gù lưng là Khujjutarà, nàng Pabhàvatì là thân mẫu của Ràhula, và Đại Đế Kusa chính là ta.

*** 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần