Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Hai - Phẩm Mười Ba La Mật - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM HAI

PHẨM MƯỜI BA LA MẬT  

TẬP BỐN  

Thế nào là Bồ Tát thông hiểu Thanh Văn, Bích Chi Phật thừa?

Bồ Tát nên quán như vậy: Nếu hành pháp này thì đắc quả Tu Đà Hoàn, hoặc đắc quả Tư Đà Hàm, hoặc đắc quả A Na Hàm, hoặc đắc quả A La Hán, đầy đủ sáu thông, không còn các kết sử, hướng đến đạo Niết Bàn, không còn trói buộc. Hoặc hành pháp này chứng đắc Duyên Giác, tự độ, tự thoát, tựa như tê giác.

Các pháp như vậy, Bồ Tát khéo dùng trí tuệ nên đều thông đạt. Tuy thông đạt như vậy nhưng Bồ Tát không thủ chứng.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát suy nghĩ: Nay các loài chúng sinh nương nhờ ta. Ta phải gầm lên tiếng sư tử thệ nguyện độ thoát họ. Do vậy, nay hết thảy chúng sinh còn sinh tử nhiều như rừng rậm nơi đồng hoang hiểm nạn ta chưa độ xong, thì không nên tự độ thoát mình khỏi sinh tử nguy hiểm. Đây là Bồ Tát khéo hiểu đạo Thanh Văn, Duyên Giác thừa.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu Đại Thừa?

Bồ Tát học tất cả các loại Kinh Pháp, giới luật do Chư Phật chế một cách rốt ráo không sót, nhưng Bồ Tát không thủ đắc về chỗ mình học, không thủ đắc sự học đạo, cũng không thủ đắc về tất cả các pháp đã học. Không vì nhân duyên như vậy mà rơi vào đoạn kiến. Đây là Bồ Tát thông hiểu chánh đạo đại thừa.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu pháp lìa xa nghiệp ma?

Đại Bồ Tát hoàn toàn lìa xa tri thức ác và cũng chẳng đến những xóm làng, Quốc Độ thọ trì đọc tụng ngoại điển, chú thuật Lộ Già Dạ Đa. Đối với sự tham cầu lợi dưỡng, cung kính ân trọng, Bồ Tát biết rồi liền lìa xa bỏ tất cả, cũng hoàn toàn lìa bỏ các thứ kết sử, các phiền não mê hoặc hay làm chướng ngại đạo, thanh tịnh của Bồ Tát. Bồ Tát tu pháp mô đối trị, đoạn trừ các thứ đó một cách rốt ráo. Đây là Bồ Tát thông hiểu pháp lìa xa nghiệp ma.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu trí tuệ không điên đảo?

Đối với tất cả các đạo thuật, kỹ nghệ của thế gian, Đại Bồ Tát đều đọc hiểu.

Vì sao?

Vì muốn thành tựu mọi lợi ích cho chúng sinh. Chẳng vì muốn được sự hiểu biết, mà chỉ vì hiển dương ánh sáng chánh pháp và công đức tối thắng của Như Lai.

Đối với các pháp bên ngoài, Bồ Tát không sinh tưởng công đức ưu thắng, luôn chỉ hiểu rằng Kinh Giáo của Như Lai mới là thâm diệu tối thắng, các luật Tỳ Ni là công đức vô lượng. Do vậy, Bồ Tát không chấp giữ nơi pháp tà kiến ngoại đạo cho là thanh tịnh. Đây là Bồ Tát đạt được trí tuệ không điên đảo.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát đạt được trí tuệ không ai bằng?

Trí tuệ của Đại Bồ Tát đối với thế gian này, hoặc ma, hoặc Phạm, hoặc Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc người, hoặc Trời… khắp cả mười phương, không một ai có trí tuệ sánh bằng. Chỉ trừ Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, ngoài ra không có trí tuệ nào hơn trí tuệ của Bồ Tát.

Trí tuệ của trời, của Phạm, của người, của ma… khắp cả thế gian không thể sánh với trí tuệ của Bồ Tát. Đây là Bồ Tát đạt được trí tuệ không ai sánh bằng.

Này thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp bát nhã Ba la mật viên mãn.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại đủ có mười pháp thông hiểu Phương tiện Ba la mật.

Những gì là mười?

1. Thông hiểu phương tiện hồi hướng mãn nguyện.

2. Thông hiểu phương tiện chuyển đổi các ngoại đạo.

3. Thông hiểu phương tiện chuyển đổi các độc của trần cảnh.

4. Thông hiểu phương tiện điều phục nghi, hối.

5. Thông hiểu phương tiện cứu tế chúng sinh.

6. Thông hiểu phương tiện kéo dài mạng sống chúng sinh.

7. Thông hiểu phương tiện thâu nhận.

8. Thông hiểu phương tiện xứ chẳng phải xứ.

9. Thông hiểu phương tiện khuyến hòa, chỉ dạy, dẫn dắt, tạo lợi ích an vui.

10. Thông hiểu phương tiện cúng dường, thừa sự.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện hồi hướng mãn nguyện?

Này thiện nam! Nếu thấy hoa quả không có chủ, chẳng thuộc của ai, Bồ Tát liền dùng hoa quả ấy cúng dường Phật cùng chư Bồ Tát, ngày đêm sáu thời. Đem nhân duyên đạt được công đức này hồi hướng lên quả vị bồ đề vô thượng.

Nếu thấy các thức hương, vật báu, nghĩa không có chủ, chẳng thuộc của ai, Bồ Tát ngày đêm sáu thời liền đem cúng dường rồi hồi hướng lên quả vị bồ đề vô thượng. Nghe trong các Kinh nói về sự cúng dường đủ các loại thắng diệu đặc biệt, rồi hết lòng hồi hướng đến khắp cả Chư Phật Thế Tôn trong mười phương Thế Giới, tất cả Bồ Tát, tất cả chúng sinh có nghiệp thiện tu hành bồ đề.

Do thâm tâm tùy hỷ hồi hướng lên bồ đề vô thượng nên đối với tượng Phật, tháp Phật, Bồ Tát đem hoa quả cúng dường, liền hồi hướng nguyện cho các chúng sinh lìa xa sự phá giới, tập khí cấu uế. Nguyện cho các chúng sinh được hương giới định tuệ thơm ngát của Như Lai.

Nếu khi cúng dường Phật bằng cách quét dọn, nguyện cho các chúng sinh được đầy đủ oai nghi đoan chánh.

Nếu đem cờ, lọng cúng dường Tam Bảo, đều hồi hướng nguyện cho các chúng sinh lìa xa tất cả phiền não bức bách.

Nếu vào Chùa, nguyện cho các chúng sinh vào Chùa Niết Bàn.

Nếu ra khỏi Chùa, nguyện cho chúng sinh vượt thoát lao ngục sinh tử nguy khốn.

Nếu khi mở cửa, nguyện các chúng sinh mở cửa đường thiện.

Nếu khi đóng cửa, nguyện cho chúng sinh đóng chặt cửa đường ác.

Nếu khi ngồi nghỉ, nguyện cho các chúng sinh được ngồi nơi Đạo Tràng.

Nếu khi tắm rửa, nguyện cho chúng sinh lìa được phiền não cấu bẩn.

Nếu khi uống nước, nguyện các chúng sinh lìa được mọi sự hôi thối.

Nếu khi rửa chân, nguyện các chúng sinh lìa được phiền não chướng.

Nếu dùng cành dương, nguyện cho chúng sinh trừ mọi thức bất tịnh.

Ra, vào, động, tịnh… nguyện thân ta đây tạo lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh trong sáu đường.

Nếu khi lễ Phật, nguyện các chúng sinh sớm thành tựu thân Phật, được tất cả trời, người cung kính.

Đây là Bồ Tát thông hiểu đầy đủ phương tiện hồi hướng mãn nguyện.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện hồi chuyển ngoại đạo?

Đại Bồ Tát hóa làm Đạo Sĩ, Phạm Chí, Ni Kiền, thường ở những nơi chốn có pháp ngoại đạo, vì nhân duyên muốn chúng sinh kia theo học Kinh Pháp được thành tựu mà nghĩ rằng: Những chúng sinh ấy có nhiều kiêu mạn. Nếu ta làm Pháp Sư đến giáo hóa, họ sẽ không tin thọ.

Do vậy, trước hết ta phải xuất gia làm đệ tử ngoại đạo, theo họ tu học, tinh tấn dũng mãnh, oai nghi tinh tế, chắc chắn sẽ vượt hơn đồ chúng ngoại đạo. Nhờ đa văn, nhờ khổ hạnh, ta mới có thể làm Pháp Sư ngoại đạo, lời nói có giá trị, biện tài đầy đủ, đáng được tôn trọng.

Biết họ tin mình rồi, Bồ Tát mới phê phán đạo của họ, chỉ ra những lầm lỗi của họ như vậy: Này Nhân Giả! Đạo của ông học chẳng phải là đạo thanh tịnh, chẳng phải lìa dục, cũng chẳng phải là nẻo xuất ly, chẳng thể diệt trừ chướng ngại. Sau khi làm cho hàng tà đạo ấy hồi chuyển, Bồ Tát mới đem chánh pháp an lập cho họ.

Vì hàng Tiên đạt năm thông, Bồ Tát thọ trì phạm hạnh, tu phạm hạnh này tinh tấn dũng mãnh, chắc chắn đạt được pháp thuật ngoại đạo. Bồ Tát dũng mãnh như vậy, thành tựu được Tam Muội Tam Ma Bát Đề, vượt hơn hẳn các Tiên đạt năm thông của ngoại đạo. Vì các Tiên Nhân, Bồ Tát làm đại Pháp Sư được đời sùng kính. Biết thời cơ đem lại sự thành tựu đầy đủ cho các ngoại đạo đã đến, Bồ Tát liền phê phán, chỉ những lỗi lầm nơi hiện pháp của họ.

từ thiền định ấy, Bồ Tát hồi chuyển họ như vậy: Này Nhân Giả! Đạo này chẳng thanh tịnh, chẳng phải là pháp xuất ly, cũng chẳng thể diệt trừ tất cả chướng ngại. Từ pháp như vậy, hồi chuyển họ xong, Bồ Tát đem chánh pháp của Phật an lập cho họ. Đây là Bồ Tát thông hiểu phương tiện hồi chuyển ngoại đạo.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát hồi chuyển các độc nơi trần cảnh?

Đại Bồ Tát thấy các chúng sinh đắm nhiễu tham dục, vì muốn dứt trừ nhân duyên tham dục ấy nên Bồ Tát tạo phương tiện hóa thành người nữ tuyệt sắc, dung mạo đoan chánh, đầy đủ tướng hảo hơn người nữ khác. Thấy người nữ ấy, chúng sinh liền khởi tham đắm, mê say ái lạc. Đến giờ ngủ nghỉ thọ lạc, bỗng nhiên người nữ ấy chết, chỉ trong khoảnh khắc biến thành thây hôi thối, bất tịnh đáng ghét.

Chúng sinh thấy liền kinh sợ, hoảng hồn, khổ não, nhàm chán cực độ, suy nghĩ: Thây hôi thối này, ai có thể trừ bỏ?

Khi ấy, Bồ Tát đứng trước người đó nói pháp, khiến được quyết định, khiến vào chánh vị, tùy theo ba loại bồ đề mà được một loại. Đây là Bồ Tát thông hiểu phương tiện hồi chuyển các độc nơi trần chảnh.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện đoạn trừ nghi, hối?

Đại Bồ Tát thấy chúng sinh này tạo tội nghũ nghịch cùng các loại nghiệp tội bất thiện khác, Bồ Tát đến nơi ấy, hỏi: Này Nhân Giả! Vì sao ngươi sầu buồn, không an lạc, tâm không ổn định, như kẻ mất thần?

Đáp: Thưa Hiền Giả! Tôi đã tạo các nghiệp về tội nghịch, do nhân duyên này nên nay tôi mất thần, lòng lo sợ không ổn định. Vì tội này mà đời vị lai tôi sẽ thọ các khổ não, thọ các điều không lợi ích.

Khi đó, Bồ Tát ghi nhận lời ấy. Vì nhân duyên này, trước muốn họ tin thọ nên Bồ Tát hiện thần thông. Thấy thần thông ấy, người này tin, rồi ở bên Bồ Tát được niềm vui lớn, sinh tâm tin hiểu, kham nhận lời pháp.

Khi họ tin như vậy rồi, Bồ Tát liền đối trước người đó dùng sự biến hóa, hóa làm cha mẹ mà nói: Nhân Giả thấy không?

Cha mẹ của ta cũng bị ta sát hại.

Hại cha mẹ xong, Bồ Tát lại dùng thần thông hóa hiện trước người ấy khiến họ hoan hỷ, nghĩ rằng: Người có đại thần thông như vậy còn giết cha mẹ, huống gì là ta. Khi ấy, Bồ Tát vì chúng sinh nay mà thuyết giảng pháp yếu, khiến cho nghiệp tội của họ biến chuyển mỏng nhẹ như lông hồng. Đây là phương tiện thiện xảo đoạn trừ nghi, hối của Bồ Tát.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện cứu tế chúng sinh?

Đại Bồ Tát nếu thấy chúng sinh tạo nghiệp ác mà có khả năng nghe, nhận chánh pháp. Khi ấy vì giáo hóa họ nên Bồ Tát khéo dùng thần thông.

Như người cần được độ bằng thân Vua, Bồ Tát liền hiện thân Vua.

Hoặc người cần được độ bằng thân tể tướng, Bồ Tát liền hiện thân tể tướng.

Hoặc người cần được độ bằng thân hàng Sát Lợi giàu sang, Bồ Tát liền hiện thân đó.

Hoặc người cần được độ bằng thân trời, Bồ Tát liền hiện thân trời.

Hoặc có chúng sinh cần được độ bằng lời nói mềm mỏng, Bồ Tát liền dùng lời nói mềm mỏng giáo hóa họ.

Hoặc người cần được độ bằng thân Kim Cang, Bồ Tát liền hiện thân Kim Cang.

Hoặc có chúng sinh cần được độ bằng sự kinh hãi, Bồ Tát liền hiện sự kinh hãi để độ.

Hoặc có người cần được độ bằng sự đánh đập, mắng chửi, trói buộc, Bồ Tát liền hiện các việc ấy để độ.

Hoặc có chúng sinh muốn tạo sự ngỗ nghịch, đánh đập, gây hại, Đại Bồ Tát thấy những việc ấy liền sinh tâm thương xót, suy nghĩ: Những chúng sinh này muốn đến não hại ta.

Bồ Tát thấy rõ chúng sinh này như xem quả A ma lặc trong bàn tay, sinh tâm lo lắng, suy xét: Nay thân ta đây, thà thọ khổ lớn nơi địa ngục A tỳ, để chúng sinh ấy được vào vô dư Niết Bàn, được giải thoát.

Bồ Tát thấy chúng sinh ấy tạo các nghiệp tội, do nhân duyên này, sau khi xả thân đây, họ liền thọ khổ báo trong địa ngục A tỳ, khi ấy Bồ Tát sinh tâm thương xót, vì lòng từ bi nghĩ nhớ chúng sinh ấy mà dùng sự trị phạt để chiết phục họ, sau đó mới dạy cho họ sám hối. Đây là phương tiện thiện xảo cứu tế chúng sinh của Bồ Tát.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện kéo dài thọ mạng chúng sinh?

Đại Bồ Tát nếu thấy chúng sinh không được lợi dưỡng, không có uy lực, chẳng biết được diệu pháp của chư Thánh, tìm cầu sự ăn uống nhưng chẳng đủ để nuôi thân miệng. Khi ấy Bồ Tát vì những người này mà chỉ dạy đạo lý văn chương, kỹ nghệ, toán số, cùng các loại pháp thuật ứng hợp với từng người, khiến cho họ được đủ sống được tồn tại. Đây là Bồ Tát thông hiểu phương tiện kéo dài thọ mạng cho chúng sinh.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện thâu nhận?

Đại Bồ Tát nếu được các loại châu báu nhiều, lớn như núi Tu Di, đều vì chúng sinh mà thọ nạp. Đối với vật cỏn con cũng vì chúng sinh mà thọ nạp.

Vì sao?

Vì Bồ Tát suy nghĩ: Do những chúng sinh này tham lam keo kiệt, nắm giữ chặt chẽ, tham đắm không chán. Vì nhân duyên tham lận mà lưu chuyển, chìm đắm trong biển lớn sinh tử. Giống như những dòng sông đều chảy ra biển lớn, những chúng sinh này bị đọa vào ba đường ác cũng lại như vậy.

Vì an lạc, lợi ích của chúng sinh này cho nên Bồ Tát thọ nhận vật bố thí, không vì tư lợi, không vì lợi nhuận cho bản thân mà thọ giữ vật thí cũng không sinh tâm tham. Chỉ vì tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh cùng hưởng. Chỉ vì cúng dường Phật, Pháp, Tăng Bảo. Chỉ vì cứu giúp chúng sinh nghèo khổ. Vì khiến cho đàn việt được hoan hỷ, được lợi ích. Đây là phương tiện thiện xảo thâu nhận của Bồ Tát.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện xứ phi xứ?

Đại Bồ Tát nếu thấy chúng sinh có đại oai lực, có khả năng thành tựu quả vị bồ đề vô thượng mà thực hành các hạnh cầu đạo Thanh Văn, Bích Chi Phật một cách tin tấn, dũng mãnh.

Khi ấy, Bồ Tát từ chỗ như vậy mà tạo phương tiện khiến cho người đó xả bỏ, chỉ rõ về đạo Đại Thừa khiến cho tu hành. Nếu không tin thọ thì Bồ Tát phải thị hiện sự tranh chấp lớn để hàng phục họ. Đây là Bồ Tát thông hiểu phương tiện xứ phi xứ.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện khuyến hóa lợi vui?

Đối với những ai chưa phát tâm bồ đề, Đại Bồ Tát có khả năng làm cho họ phát tâm. Người đã phát tâm mà biếng nhác, uể oải, Bồ Tát làm cho tinh tấn. Người không trì giới, Bồ Tát khiến cho trì giới. Nếu người làm ít điều lành mà tự cho là đủ, Bồ Tát phát khởi phương tiện khiến cho làm đủ các điều thiện.

Nếu thấy chúng sinh vin vào giới đã phạm có thể sám hối, do nhân duyên tâm bế tắc mà trụ nơi bất an, không vui. Khi ấy Bồ Tát vì chúng sinh này nói rộng pháp yếu, khiến họ được sám hối, diệt trừ tội ấy. Như vậy là Bồ Tát thông hiểu phương tiện khuyến hóa, lợi vui.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu phương tiện thừa sự, cúng dường?

Đại Bồ Tát được xuất gia rồi, không có người cúng dường thì nên biết đủ cái hiện có như pháp.

Ở một mình nơi thanh vắng, tịch tĩnh, khởi niệm tư duy: Nay ta làm thế nào để cúng dường, thờ kính Đức Như Lai?

Tư duy như vậy, tâm tâm không gián đoạn. Bồ Tát nghĩ cúng đủ mọi thứ, nguyện được cúng dường thờ kính Tam Bảo, chỉ bằng cách thực hành viên mãn sáu pháp Ba la mật.

Ở trong một niệm, vận tâm cúng dường, xả bỏ mọi thứ quan trọng. Đây là thí Ba la mật.

Vận tâm cúng dường duyên theo các chúng sinh mà phát tâm này. Đây là giới Ba la mật.

Ở trong tâm ấy, luôn an tọa, an lạc, đây là nhẫn Ba la mật.

Ở trong tâm ấy không mệt mỏi, đây là tinh tấn Ba la mật.

Ở trong tâm ấy không tán loạn, không động, đây là thiền Ba la mật.

Ở trong tâm ấy suy nghĩ cúng dường đầy đủ các loại, đây là bát nhã Ba la mật.

Như vậy là Bồ Tát thông hiểu phương tiện thờ kính, cúng dường.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần