Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi - Phẩm Bảy Mươi Bài Kệ - Chuyện Hai Hiền Giả Sona Nanda Tiền Thân Sona Nanda
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI
PHẨM BẢY MƯƠI BÀI KỆ
CHUYỆN HAI HIỀN GIẢ SONA NANDA
TIỀN THÂN SONA NANDA
Nhạc Thần, Thiên Tử, phải Ngài chăng?
Chuyện này do bậc Đạo Sư kể trong lúc đang trú tại Kỳ Viên, về một Tỳ Kheo phụng dưỡng mẹ mình. Hoàn cảnh đưa đến chuyện này cũng tương tự như trong Tiền Thân Sàma, tập bảy.
Nhưng vào dịp này, bậc Đạo Sư bảo: Này các Tỳ Kheo, chớ xúc phạm Tỳ Kheo này. Các Bậc Hiền Trí đời xưa, dù được thỉnh cầu thống trị toàn Cõi Diêm Phù Đề, cũng đã từ chối việc ấy và phụng dưỡng song thân. Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
Một thuở nọ, thành Ba La Nại được mệnh danh là Brahmavadhana. Thời ấy, Vua Manoja trị vì ở đó, và một Bà La Môn kia có thế lực và giàu sang, với tài sản lên đến tám trăm triệu đồng, nhưng không có con thừa kế. Bà vợ Bà La Môn ấy vâng lời chồng đi cầu tự.
Lúc ấy Bồ Tát từ giã Phạm Thiên Giới và nhập mẫu thai bà. Vào ngày sinh, Ngài được gọi tên Sona nam tử. Vào thời ấu nhi đã biết chạy một mình, một vị Thiên khác từ giã Phạm Thiên Giới và cũng nhập mẫu thai bà. Lúc ra đời, vị ấy được gọi là Nan Da nam tử.
Ngay khi hai nam tử đã được dạy đủ các Thánh Điển Vệ Đà và thông thạo mọi môn học thuật, vị Bà La Môn nhìn thấy hai con trai mình đầy đủ hảo tướng biết bao, liền bảo vợ: Này phu nhân, chúng ta cần sắp đặt việc hôn nhân cho nam tử Sona. Bà vợ chấp thuận ngay và thông báo việc này cho con trai.
Chàng đáp: Con sống đời gia đình thế này là vừa đủ rồi. Bao lâu cha mẹ còn sống, con muốn phụng dưỡng cha mẹ. Đến khi cha mẹ qua đời, con muốn lui về vùng Tuyết Sơn và thành người tu khổ hạnh.
Bà mẹ kể chuyện này với vị Bà La Môn và khi họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng không thuyết phục được con, liền bảo Nanda: Này con yêu, con hãy yên bề gia thất.
Chàng đáp: Con không muốn lượm những vật mà anh con đã vứt bỏ như thể một cục đờm. Con cũng nguyện khi cha mẹ từ trần, con cùng anh con gia nhập hội chúng khổ hạnh.
Song thân suy nghĩ: Nếu các con ta, dù còn thanh xuân, đã từ bỏ mọi dục lạc thân xác thì chúng ta lại càng phải sống đời khổ hạnh.
Và hai vị bảo: Này con yêu, sao lại nói chuyện làm người tu khổ hạnh sau khi cha mẹ qua đời?
Cả nhà ta đều muốn cùng phát nguyện xuất gia. Khi trình Vua về mục đích của mình, họ quyết định phân phát tất cả tài sản theo cách bố thí, giải phóng các gia nhân nô tỳ và đem tặng những tài sản xứng đáng thích hợp với đám thân quyến, rồi sau đó cả bốn vị khởi hành từ Kinh Thành Brahmavadhana đến lập thảo am trong vùng Tuyết Sơn ở một khu rừng đầy an lạc, cạnh một hồ nước được phủ năm loại sen, các vị sống đời khổ hạnh.
Hai anh em đồng săn sóc cha mẹ. Từ sáng sớm, hai vị đưa tăm xỉa răng và nước súc miệng cho song thân. Hai vị lại quét dọn cả am thất, đem nước uống, dâu rừng ngọt ngào để cha mẹ ăn, nước nóng, nước lạnh để tắm, kết tóc cha mẹ thành từng búi, xoa dầu thơm vào chân cùng phục dịch mọi việc tương tự.
Thời gian cứ trôi qua như thế, Hiền Giả Nanda suy nghĩ: Ta sẽ dâng đầy đủ mọi loại trái cây làm thức ăn cho cha mẹ. Thế là bất cứ loại trái cây nào hái được tại chỗ ấy ngày hôm trước và hôm trước đó nữa vị ấy đều đem dâng cha mẹ sáng sớm hôm sau. Hai vị dùng trái cây xong liền súc miệng và giữ giới kiêng ăn. Còn Hiền Giả Sona đi thật xa để hái trái chín ngọt về dâng cha mẹ.
Hai vị liền bảo: Này con yêu, chúng ta đã ăn từ sáng các thứ em con mang về và bây giờ chúng ta đang kiêng ăn nên không cần thứ trái cây này nữa.
Vì thế các thứ trái cây của Ngài không được dùng và phải bỏ phí cả. Ngày hôm sau và sau đó nữa cũng vậy. Và thế là do chứng đắc Năm Thắng trí, Ngài đã du hành thật xa để đem trái cây về, nhưng song thân từ chối phần ấy.
Sau đó bậc Đại Sĩ suy nghĩ: Cha mẹ ta giờ đây rất yếu ớt, và Nanda lại đem về toàn trái cây chưa chín hoặc mới chín cho cha mẹ ăn. Nếu thế này mãi, cha mẹ sẽ không sống lâu. Ta quyết ngăn cản em ta làm việc này.
Vì vậy Ngài bảo em: Này Nanda, từ nay về sau, khi em đem trái cây, em phải đợi đến lúc ta về, và hai chúng ta đều muốn dâng cha mẹ các thức ăn cùng một lần. Mặc dù đã được bảo vậy, Nanda vẫn muốn làm công đức riêng một mình, nên không quan tâm lời anh dặn.
Bậc Đại Sĩ suy nghĩ: Nanda hành động không đúng khi bất tuân lời ta. Ta muốn đuổi nó đi xa.
Rồi nghĩ rằng tự Ngài muốn chăm sóc cha mẹ, Ngài bảo: Này Nanda, em đã bỏ qua lời răn dạy và không lưu tâm đến lời nói của bậc Trí. Ta là huynh trưởng. Cha mẹ thuộc về trách nhiệm của ta. Ta muốn chỉ mình ta săn sóc cha mẹ. Em không thể ở đây được nữa. Hãy đi nơi khác.
Rồi Ngài búng các ngón tay vào mặt em. Sau khi bị đuổi như vậy, Nanda không thể nào ở lại trước mặt anh nữa, liền đến từ giã cha mẹ và thưa hết mọi việc xảy ra.
Sau đó lui về an thất riêng, ông chú tâm thiền định và ngay hôm ấy, ông phát khởi Năm Thắng trí và Tám thiền chứng.
Ông suy nghĩ: Ta có thể đi tìm loại cát quý từ chân núi Sineru Tu Di về rải khắp thảo am của anh ta và xin anh ta thứ lỗi. Và nếu anh ta chưa hồi tâm, ta sẽ đi tìm nước hồ Anottata về xin anh ta thứ lỗi. Và nếu anh ta cũng chưa hồi tâm bằng cách ấy, giả sử vì Chư Thiên, anh ta không tha thứ cho ta, thì ta sẽ đem Tứ Thiên Vương và Thiên Chủ Sakka ra xin anh ta thứ lỗi.
Và nếu anh ta cũng chưa hồi tâm, ta sẽ mang vị Đại Đế Manoja của toàn Cõi Diêm Phù Đề, cùng các Vương hầu khác ra xin anh ta thứ lỗi. Làm như vậy, danh tiếng về Đức Hạnh của anh ta sẽ vang dậy cả khắp Diêm Phù Đề, và sẽ sáng ngời mọi nơi như đôi vầng nhật nguyệt.
Lúc bấy giờ, nhờ thần lực, ông bay xuống Kinh Thành Brahmavaddhana đến trước cung môn của Vua và dâng sớ lên tâu Vua: Có một vị khổ hạnh muốn yết kiến Đại Vương.
Vua phán: Một vị khổ hạnh muốn gặp ta làm gì chứ?
Chắc vị ấy đến khất thực. Vua truyền bảo đem cơm cho ông, nhưng ông không dùng chút nào. Rồi Vua bảo cho gạo, y phục và các loại củ khoai, môn, nhưng ông cũng không muốn gì cả.
Cuối cùng Vua gửi một sứ giả đi hỏi tại sao ông đến, ông đáp sứ giả: Bần đạo đến để hầu hạ Đức Vua.
Khi nghe vậy, Vua gửi lời nhắn lại: Ta thiếu gì nô tỳ, bảo vị ấy hãy làm phận sự của một ẩn sĩ khổ hạnh.
Nghe vậy, ông nói: Nhờ thần lực riêng, bần đạo sẽ được quyền thống trị toàn Cõi Diêm Phù Đề, và xin dâng tất cả lên Đại Vương của các vị.
Vua nghe vậy liền suy nghĩ: Quả thật các vị khổ hạnh rất thông thái. Chắc chắn các vị ấy biết được vài mưu thần.
Sau đó Vua triệu ông vào yết kiến, mời ông ngồi lên bảo tọa, kính lễ và hỏi: Thưa Thánh Giả, chúng tâu với trẫm rằng Ngài sẽ được quyền thống trị toàn Cõi Diêm Phù Đề và muốn ban quyền ấy cho trẫm phải chăng?
Tâu Đại Vương, quả vậy.
Làm thế nào Thánh Giả đạt được việc ấy?
Tâu Đại Vương, không cần đổ một giọt máu của ai cả, dầu là một giọt vừa đủ cho con ruồi tý hon hút được, cũng không cần tiêu phí kho báu của Đại Vương, chỉ cần nhờ thần lực của riêng mình, bần đạo sẽ chiếm quyền thống trị và dâng hết lên Đại Vương. Chỉ cần ngay lập tức không chút trì hoãn, Đại Vương phải khởi hành ngay hôm nay.
Vua tin lời ấy và khởi hành ngay với một đạo quân hộ tống. Nếu đạo quân gặp Trời nóng, Hiền Giả Nanda dùng lực thần tạo bóng cây khiến cho Trời mát. Nếu Trời mưa, ông không để cho mưa rơi xuống đạo quân. Ông ngăn cản luồng gió oi nồng.
Ông phá bỏ gai góc trên đường đi cùng các thứ hiểm nguy khác. Ông làm cho con đường bằng phẳng như vòng tròn dùng trong pháp môn thiền Kasina, rồi trải một tấm da, ông ngồi kiết già trên không và cứ thế tiến dần phía trước đạo quân.
Theo cách này, trước tiên ông cùng đạo quân trên đến Vương Quốc Kosala, đóng trại gần Kinh Thành, gửi sớ lên Vua Kosala hoặc bảo tham chiến hoặc đầu hàng trước uy lực của ông.
Vua nổi trận lôi đình, quát: Thế thì trẫm không phải là Quốc Vương hay sao?
Trẫm sẽ chinh phạt các ngươi. Vua dẫn đầu bốn đạo quân và hai phe lâm trận. Hiền Giả Nanda trải tấm da hươu ra ngồi giữa hai đạo quân, dùng tấm da bắt hết mọi mũi tên do hai phe chiến đấu bắn ra, nên không có một ai trong quân đội nào bị thương vì trúng tên cả.
Đến khi tất cả số tên của họ đều dùng hết, hai đạo quân đứng ngẩn ngơ không còn biết nương tựa vào đâu nữa.
Rồi Hiền Giả Nanda đến yết kiến Vua Kosala và trấn an Vua: Tâu Đại Vương, xin đừng lo âu tuyệt vọng, không có nguy cơ nào đe dọa Đại Vương cả. Vương Quốc vẫn thuộc về Đại Vương. Chỉ cần Đại Vương thần phục Vua Manoja thôi. Vua tin lời Hiền Giả nói và thỏa thuận điều ấy.
Sau đó dẫn Vua ấy đến yết kiến Vua Manoja, Hiền Giả Nan da thưa: Tâu Đại Vương, Quốc Vương Kosala xin thần phục Đại Vương. Hãy để yên Quốc Độ ấy như cũ. Vua Manoja sẵn sàng chấp thuận và nhận sự quy phục ấy.
Vua cùng hai đạo quân tiến đến Quốc Độ Anga và chiếm Anga, sau đó chiếm Magadha trong Quốc Độ có tên ấy và nhờ các phương cách này, Vua trở thành bá chủ của mọi Quốc Vương toàn Cõi Diêm Phù Đề, rồi được Chư Hầu hộ tống đi thẳng đến thành Brahmavaddhana.
Bấy giờ, Vua chiếm được mọi Quốc Độ từ các Vua này trong bảy năm, bảy tháng, bảy ngày. Từ mỗi Kinh Thành, Vua truyền đem đủ thức ăn loại cứng, loại mềm và mời một trăm lẻ một Quốc Vương nâng chén rượu khải hoàn suốt bảy ngày đại lễ hội.
Hiền Giả Nanda suy nghĩ: Ta không muốn xuất hiện trước mặt Vua cho đến khi Ngài đã hưởng mọi lạc thú của Vương quyền thống trị trong bảy ngày. Rồi khi đi khất thực trong xứ Bắc Kuru, Hiền Giả an trú suốt bảy ngày ở Tuyết Sơn, ngay cửa vào Kim động.
Phần Hoàng Đế Manoja, vào ngày thứ bảy, sau khi ngắm cảnh đại vinh quang quyền lực của mình, tự nghĩ: Cảnh huy hoàng này không phải do cha mẹ ta hay người khác trao tặng. Nó xuất phát từ Ẩn Sĩ Nanda và rõ ràng đã bảy ngày trôi qua từ khi ta thấy Ngài.
Không biết nay vị hiền hữu đã ban ta cảnh huy hoàng này đang ở đâu trên đời này?
Và Vua nhớ đến Hiền Giả Nanda. Còn Hiền Giả Nanda khi biết Vua đang nhớ mình, liền xuất hiện trước Vua trên không.
Vua suy nghĩ: Ta không biết vị khổ hạnh này là người phàm hay Thần Thánh. Nếu là người phàm, ta sẽ dâng Ngài quyền thống trị khắp Cõi Diêm Phù Đề. Còn nếu Ngài là Thần Thánh, ta sẽ bày tỏ lòng tôn kính xứng đáng với Ngài.
Và để thử vị ấy, Vua ngâm vần kệ đầu:
Nhạc thần, Thiên Tử, phải Ngài chăng,
Hay ngẫu nhiên ta gặp Ngọc hoàng,
Hoặc một người thần thông quảng đại,
Ngự bao thành trị thật vinh quang.
Nay ta ao ước Ngài cho biết
Quý tánh phương danh thật rõ ràng.
Nghe lời Vua, Hiền Giả Nanda ngâm vần kệ thứ hai nêu rõ thân thế mình:
Ta chẳng Thiên Nhân, hoặc nhạc Thần,
Cũng không Thiên Chủ hoặc Quân Vương.
Ta là người đủ thần thông lực,
Sự thật nay ta đã tỏ tường.
Vua nghe vậy, nghĩ thầm: Ngài bảo Ngài là một người. Như vậy Ngài đã làm nhiều công đức cho ta lắm. Ta sẽ tỏ bày sự tôn kính tối cao với Ngài để Ngài đẹp ý.
Và Vua đáp lời:
Công đức Ngài ban bố chúng tôi
Làm sao nói hết được nên lời,
Giữa dòng mưa lũ tuôn ồ ạt,
Chẳng có trên đầu một giọt rơi.
Bóng mát Ngài làm cho chúng ta
Khi luồng gió đốt cháy bay qua.
Khỏi làn tên ác, Ngài bao phủ
Giữa biết bao cừu địch Quốc Gia.
Thật nhiều Quốc Độ lạc an tràn
Ngài bảo tôn ta Đại Đế Vương,
Hơn cả một trăm vị lãnh chúa
Trở thành tuân phục lệnh ta ban.
Những gì Ngài chọn giữa kho tàng
Hoan hỷ ta trao nhượng sẵn sàng:
Xe thắng đàn voi hay tuấn mã,
Cung tần xiêm áo đẹp trang hoàng,
Vương cung mỹ lệ nào Ngài thích
Đều sẽ trở thành của Đại Nhân.
Nếu muốn ngự cung Ma Kiệt Đà,
Hoặc là Quốc Độ xứ An ga
A van ti, trẫm vui lòng nhượng,
Hoặc đến trị dân Assaka.
Dẫu Ngài muốn một nửa giang sơn,
Trẫm nhượng với tâm hỷ lạc tràn,
Chỉ nói một lời điều ước muốn,
Tức thì vật ấy của Hiền Nhân.
Nghe vậy, Hiền Giả Nanda ngâm vần kệ giải thích ước nguyện của mình:
Vương Quốc ta nào có ước ao,
Kinh Thành, lãnh địa chẳng mong cầu,
Cũng không tìm kiếm nhiều tài sản
Từ chính bàn tay Đại Đế đâu.
Vị ấy nói tiếp: Nhưng nếu Đại Vương có lòng ưu ái ta, xin hãy làm theo lời thỉnh cầu của ta về việc duy nhất này:
Dưới quyền Ngài, ngụ lão song thân
Hưởng cảnh Am Tranh ở núi rừng,
Ta chẳng được làm gì phước đức
Với song thân ấy lão Hiền Nhân.
Nếu Ngài nói hộ điều ta muốn,
Hiền Giả So Na hết hận sân.
Vua liền bảo vị ấy:
Hoan hỷ, ta xin sẽ vẹn tròn
Lệnh Ngài, hỡi vị Bà La Môn,
Song ai là kẻ ta cần chọn
Để tiến hành ngay lệnh Đại Nhân?
Hiền Giả Nanda đáp:
Hơn trăm phú hộ, Bà La Môn,
Võ tướng oai quyền, danh vọng vang,
Đại Đế Ma no ja, đủ số
Làm ta thỏa nguyện ước hoàn toàn.
Vua lại bảo:
Thắng ngay tượng, mã vào Vương xa,
Từ trụ, càng xe, vẫy ngọn cờ
Theo gió, ta đi tìm Ẩn Sĩ
Trú nơi xa vắng, Kosiya.
Hộ giá theo hầu, bốn đạo binh,
Đại Vương tiến bước để đăng trình
Đi tìm chốn thảo am tươi đẹp
Ẩn Sĩ trú an với hạnh lành.
Các vần kệ này xuất phát từ trí tuệ Tối thắng.
Bấy giờ vào ngày ấy, Vua đến vùng thảo am, Hiền Giả Sona suy nghĩ: Lúc này đã hơn bảy năm, bảy tháng, bảy ngày từ lúc tiểu đệ ta ra đi khỏi nhà.
Bây giờ em ta đang ở đâu?
Rồi dùng thiên nhãn, Ngài nhìn thấy em, liền tự bảo: Em ta đang đến đây với một trăm lẻ một vị Vua và một đoàn hộ tống gồm hai mươi bốn đạo quân để xin ta thứ lỗi.
Các Vua này cùng đoàn tùy tùng đã chứng kiến nhiều thần thông do em ta biến hóa, và vì không biết gì về thần lực của ta, nên họ bảo: Vị ẩn sĩ giả mạo này quá tự cao về thần lực của mình và tự sánh mình với vị chúa tể của chúng ta. Do lời kiêu mạn này, họ sẽ đọa vào địa ngục. Vậy ta sẽ cho họ xem một điển hình về phép thần thông của ta.
Rồi đặt đòn gánh giữa không khí, chẳng chạm vào vai Ngài một khoảng chừng bốn phân, cứ thế Ngài du hành giữa khoảng bao la, bay ngang gần Vua, để đi lấy nước từ hồ Anotatta.
Nhưng khi Hiền Giả Nanda thấy Ngài đến, lại không có can đảm lộ diện, mà lập tức biến mất ngay nơi vị ấy đang ngồi, và tẩu thoát đi ẩn mình trong vùng Tuyết Sơn.
Tuy thế, khi Vua Manoja thấy Hiền Giả Sona đến gần trong dáng điệu uy nghi của bậc tu hành, liền ngâm kệ này hỏi:
Ai đi tìm nước giữa không gian,
Với bước chân kia thật nhịp nhàng,
Đòn gánh cách xa chừng một tấc
Chẳng hề đụng chạm tới mình vàng?
Khi nghe nói vậy, bậc Đại Sĩ liền đáp hai vần kệ:
So Na đạo sĩ chẳng bao giờ
Đi lạc ra ngoài luật ẩn cư,
Phụng dưỡng song thân ta sớm tối,
Ngày đêm không mỏi mệt ưu tư.
Khoai sắn, chùm dâu, ấy thức ăn
Trong rừng ta kiếm để đem dâng,
Đời đời ghi nhớ ơn hai vị
Xưa đã cho ta hưởng phước phần.
Nghe lời này, Vua muốn bầu bạn với Ngài, liền ngâm vần kệ khác:
Ta mong đến tận chốn Am Tranh
Đạo sĩ Ko si ya ẩn mình,
Hiền Giả SoNa xin chỉ lối
Đưa ta đến tịnh thất an lành.
Lúc ấy bậc Đại Sĩ dùng thần lực vạch ra một con đường mòn đưa đến thảo am và ngâm vần kệ này:
Đây lối Đại Vương hãy nhờ rành:
Đằng xa khóm lá đậm màu xanh
Giữa lùm mun mọc như rừng nhỏ,
Nơi ấy thảo am sẽ hiện hình.
Như vậy Bậc Hiền Trí đại hùng,
Chỉ đường cho các vị Vương Quân,
Xong Ngài vội vã về am thất,
Lần nữa du hành giữa cõi không.
Kế đó quét xong chốn thảo am,
Đi tìm nơi ẩn dật nghiêm đường,
Ngài vừa thức lão Hiền Nhân dậy,
Vừa tặng dâng cha một tọa sàng.
Ngài nói: Thánh Nhân hãy đến ngay,
Con xin cha tọa lạc nơi này,
Các Vua quý tộc danh lừng lẫy
Sắp ngự giá qua giữa lối này.
Như vậy sao khi vị lão niên
Nghe con đòi hiện diện cầu xin,
Vội vàng chân bước từ am thất
An tọa ở bên cạnh cửa tiền.
Các vần kệ này phát xuất từ trí tuệ Tối Thắng.
Phần Hiền Giả Nanda đi yết kiến Vua ngay khi Bồ Tát vừa đến am thất, vừa đem nước về từ hồ Anotatta, rồi Hiền Giả Nanda cắm trại không xa am thất ấy.
Sau đó Vua tắm rửa và phục sức vô cùng lộng lẫy, liền được một trăm lẻ một tiểu Vương hộ tống, vị Đại Vương cùng Hiền Giả Nan Da bước vào am thất trong cảnh huy hoàng trọng thể và cầu khẩn Bồ Tát tha thứ cho hiền đệ của Ngài. Lúc ấy phụ thân của Bồ Tát thấy vị Đại Vương ngự đến gần, liền hỏi Bồ Tát và Ngài giải thích vấn đề với cha.
Bậc Đạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ việc này:
Thấy Vua đứng đó đại vinh quang
Được hộ tống quanh bởi tiểu Vương,
Bậc lão Hiền Nhân liền cất tiếng
Hỏi thăm con trẻ chuyện trên đường:
Ai đến đây trong tiếng rộn ràng
Tù và, trống lớn nhỏ lừng vang,
Âm thanh làm các Vua hoan hỷ,
Ai đến đây ca khúc khải hoàn?
Ai đây đang đến thật huy hoàng,
Khăn quấn đầu cao dệt sợi vàng,
Như chớp sáng ngời, cung tiễn đủ,
Anh hùng trẻ tuổi thật can tràng?
Ai đây đang đến thật vinh quang,
Nét mặt vui tươi tỏa ánh vàng
Như đám lửa tàn, cành phượng vĩ
Sáng ngời đang cháy ở lò than?
Ai đến đây cùng chiếc lọng cao
Được giương lên thật khéo làm sao,
Lọng che với gọng sườn tô điểm
Xua ánh nắng gay gắt chói vào?
Ai kia xòe quạt để phòng thân,
Quạt kết lông đuôi trâu chúa rừng,
Như một vị Hiền Nhân Trí Giả
Cỡi lưng voi nọ dáng oai phong?
Ai đang đến rực rỡ, huy hoàng,
Các lọng giương cao trắng vẹn toàn,
Tuấn mã giáp bào dòng quý tộc
Vây quanh phải trái thật hiên ngang?
Ai kia đang đến tận nơi đây,
Được cả hơn trăm lãnh chúa này
Hộ tống một đoàn Vua quý tộc,
Sau lưng và trước mặt như vậy?
Các Vương xa với một đàn voi
Đám bộ binh cùng với đám ngựa nòi,
Ai đến với oai nghi chiến dấu,
Bốn đoàn quân bố trận kia rồi?
Ai đến cùng tất cả đạo quân
Theo sau hộ giá rộng mênh mông
Không hề gián đoạn, dài vô tận,
Như sóng đại dương vỗ chập chùng?
Ma no Đại Đế, với Nan Da,
Ngự giá đến đây viếng, hỡi cha,
Như thể In dra Thiên Chủ ấy
Đến đây thăm chốn ẩn am ta.
Hộ tống Ngài đang đến cả đoàn
Sẵn sàng tuân lệnh, thật hùng cường,
Không hề gián đoạn, dài vô tận,
Như sóng chập chùng giữa đại dương.
Đạo Sư lại ngâm:
Lụa tối cao sang, khoác cẩm bào,
Dầu trầm hương ngát điểm tô vào,
Các Vua này đến gần hai vị
Thánh Giả, dáng cung kính khẩn cầu.
Sau đó Vua Manoja kính lễ xong, ngồi xuống một bên, vừa trao đổi những lời chào hỏi ân cần, vừa ngâm đôi vần kệ:
Trẫm vẫn tin rằng các Thánh Nhân
Sống đời thịnh vượng lẫn an khang,
Kiếm nhiều mễ cốc cùng rau trái
Phong phú khắp nơi chốn trú an.
Hẳn các Ngài không bị bọ rầy,
Loài bò sát quấy nhiễu lâu nay,
Các Ngài tránh được bao phiền lụy
Do thú săn mồi ở chốn đây?
Các vần kệ sau đây do hai bên đối đáp nhau:
Ẩn sĩ:
Xin cám ơn Ngài, hỡi Đại Vương,
Chúng ta luôn thịnh vượng, an khương,
Kiếm nhiều mễ cốc cùng rau quả
Phong phú khắp nơi chốn náu nương.
Bần đạo cũng không bị bọ rầy,
Loài bò sát quấy nhiễu lâu nay,
Chúng ta tránh được bao phiền lụy
Do thú săn mồi đến chốn đây.
Các loại cây cao vẫn mọc đầy
Cho người Ẩn Sĩ sống như vậy,
Cũng không bệnh tật gây tai hại
Từng thấy xảy ra ở chốn này.
Bần đạo xin nghênh tiếp Đại Vương,
Dịp may nào chỉ lối đưa đường,
Trông Ngài hùng hậu, vinh quang quá,
Sứ mệnh gì mang, hãy tỏ tường?
Tin dook, Pi yal, các lá cây,
Ka su ma chín ngọt ngào thay
Như đường mật, kính dâng Ngài ngự
Thứ tuyệt hảo nhà có sẵn đây.
Và nước mát này ở động sâu
Ẩn mình trong một ngọn đồi cao,
Đại Vương, xin kính dâng bình nước
Ngài ngự cho lòng thỏa khát khao.
Đại Vương:
Trẫm đây cùng tất cả vị Vua
Xin nhận quà Ngài tặng chúng ta,
Song hãy lắng nghe lời sắp nói
Của hiền hữu, Trí Giả Nan Da.
Chúng ta tất cả bước theo hầu
Hiền Giả Nan Da đến khẩn cầu
Ngài chiếu cố nghe người khốn khổ
Van xin quy lụy đáp ơn sâu.
Nghe nói vậy, Hiền Giả Nanda đứng dậy từ chỗ ngồi, vừa định lễ cha mẹ và huynh trưởng, vừa ngâm kệ đàm đạo với đoàn tùy tùng của mình:
Xin cả toàn dân, lẻ một trăm,
Những người danh vọng Bà La Môn,
Các Vua Sát ly dòng cao quý
Sáng chói với tên tuổi lẫy lừng,
Cùng với Ma no ja Đại Đế,
Thảy đều công nhận việc cầu ân.
Dạ Xoa Thần ở thảo am này,
Các vị đang quy tụ ở đây,
Lão, ấu các sơn thần, Thổ Địa,
Lắng nghe ta nói chuyện như vậy.
Tiểu nhi xin kính lễ song thân,
Kế đến xin thưa bậc Thánh Nhân,
Tiểu đệ là em đây thuở trước
Ngài xem có mặt tựa tay chân.
Làm sao phụng dưỡng lão song thân
Ấy chính em cầu nguyện đặc ân,
Xin Thánh Nhân thôi đừng cản trở
Cho em làm Thánh sự riêng phần.
Ân cần phụng dưỡng cả song thân
Trước đã được làm bởi Thánh Nhân,
Người thiện tán đồng bao thiện sự,
Sao phiên tiểu đệ chẳng nhường phần?
Do vậy em đạt nhiều công đức,
Đạo lộ lên Thiên Giới sẵn sàng.
Nhiều người khác biết rõ nơi đây
Đạo lộ dành cho phận sự này,
Ấy chính con đường lên thượng giới,
Xin Hiền Nhân nhận thức như vậy.
Song bậc Thánh Nhân đã cản ngăn
Em làm thiện sự thế này chăng?
Khi em mong muốn nhờ công đức
Đem lại song thân trọn lạc an.
Khi được Nanda nói như vậy, bậc Đại Sĩ bảo: Các vị đã nghe những lời Nan Da phải nói ra. Giờ đây hãy nghe ta.
Và Ngài ngâm các vần kệ sau:
Các vị theo hầu tiểu đệ ta
Hãy nghe ta nói lượt bây giờ:
Kẻ nào đối xử đầy khinh bỉ
Nhũng bậc tiền nhân của mẹ cha,
Phạm tội ác cùng chư Trưởng Lão,
Tái sinh địa ngục đốt tiêu ma.
Song kẻ tinh thông đạo Thánh Nhân,
Con dường chân lý hiểu tinh tường,
Giữ gìn giới luật và công hạnh,
Quyết sẽ chẳng sa cảnh khổ buồn.
Anh em cùng các bậc thân sinh,
Tất cả do dây kết hợp thành,
Nhiệm vụ suốt đời luôn đặt nặng
Trên vai của vị trưởng hiền huynh.
Làm trưởng huynh, thiên chức nặng sao
Hân hoan ta gánh vác đi đầu
Như thuyền trưởng hộ phòng thuyền nọ,
Chân lý ta không hề lãng xao.
Khi nghe lời này, tất cả các Vua đều vô cùng hoan hỷ và nói: Hôm nay chúng ta đều biết được rằng toàn thể gia đình là trách nhiệm đặt lên người huynh trưởng.
Rồi các vị rời bỏ Hiền Giả Nanda và vừa chú tâm hướng về bậc Đại Sĩ, vừa ngâm hai vần kệ tán dương Ngài:
Tri kiến tìm ra tựa lửa bừng
Sáng ngời chiếu rọi giữa đêm trường,
Cũng như Thánh Giả Kosi ấy
Hiển lộ cho ta lý Chánh chân.
Như nhật thần kia chiếu ánh quang
Sáng ngời khắp mặt biển mênh mang
Phố bày hình thể bao sinh vật,
Dù chúng xấu xa hoặc thiện lương,
Cũng vậy Ko Si Ya Thánh Giả
Hiển bày chân lý với Quân Vương.
Như vậy là mặc dù từ lâu các Vua chúa đã tin tưởng vào Hiền Giả Nanda vì chứng kiến các kỳ tích thần thông của vị ấy, tuy thế bậc Đại Sĩ nhờ uy lực tri kiến đã phá hủy lòng tin của họ, khiến họ phải chấp nhận lời Ngài và do vậy tất cả đều trở thành những người hầu cận tuân phục Ngài nhất ở đời.
Lúc ấy Hiền Giả Nanda suy nghĩ: Đại huynh ta là một bậc Trí Giả tinh thông am tường Kinh Điển. Ngài đã chinh phục các vị Vua này và đưa họ về phía Ngài. Ngoài Ngài ra, ta không có nơi nương tựa nào khác. Ta chỉ còn biết khẩn cầu Ngài thôi.
Thế rồi ông ngâm vần kệ này:
Huynh chẳng lưu tâm dáng khẩn cầu,
Cũng không dang rộng cánh tay đâu,
Em mong làm kẻ hèn nô lệ
Đợi lệnh huynh ban, vội đến chầu.
Dĩ nhiên bậc Đại Sĩ không cảm thấy hờn giận hay oán thù đối với Nanda, nhưng Ngài đã hành động như một cách khiển trách em để hạ bớt lòng kiêu mạn của vị ấy khi phát biểu tự cao thái quá như vậy.
Nhưng bây giờ khi nghe những lời em nói ra, Ngài vô cùng hoan hỷ và muốn ban ân huệ cho em, Ngài bảo: Nay ta tha thứ hiền đệ rồi và sẽ cho phép hiền đệ chăm sóc cha mẹ.
Và Ngài ngâm kệ nêu rõ đức tính của hiền đệ:
Em thông Chánh Pháp, hỡi Nan Da,
Nhu các Thánh Nhân đã dạy mà:
Duy nhất quý cao là thiện sự,
Em làm đẹp ý thỏa lòng ta.
Mẹ cha xứng đáng được tôn thờ,
Em hãy nghe điều ta nói ra:
Nhiệm vụ phần em lo gánh vác
Mà không cảm thấy nặng bao giờ.
Mẹ cha ta bảo dưỡng lâu nay
Cũng để cầu mong hạnh phúc vậy,
Đến lượt Nan Da nay đã tới
Cầu xin khúm núm phụng thờ đây.
Vị nào trong nhị Thánh Nhân hiền
Mong muốn Nan Da phụng dưỡng riêng,
Xin nói một lời, và tiểu đệ
Phải theo hầu vị ấy ưu tiên.
Lúc ấy mẹ Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và bảo: Sona thân yêu, em con đã vắng nhà lâu nay.
Bây giờ rốt cuộc nó đã trở về, ta không đích thân hỏi thăm nó vì chúng ta đều nương tựa vào con cả. Song nếu con cho phép, bây giờ ta xin được ôm lấy nam tử thánh thiện này trong tay và hôn lên trán nó.
Rồi bà ngâm kệ này nêu rõ ý của bà:
So Na, cha mẹ dựa con đây,
Nếu được con cho phép việc này,
Mẹ sẽ ôm vào lòng của mẹ
Nan Da Thánh thiện quý cao vậy.
Sau đó bậc Đại Sĩ nói với mẹ: Này mẹ yêu quý, con cho phép mẹ rồi, mẹ hãy đi ôm lấy Nanda, con trai mẹ rồi ngửi tóc và hôn đầu nó để xoa dịu nỗi sầu trong lòng mẹ.
Thế là bà đi đến Hiền Giả Nanda và ôm choàng lấy con trước toàn thể hội chúng và ngửi tóc, hôn đầu con, làm tiêu tan mọi nỗi khổ trong lòng bà, và ngâm kệ nói chuyện với bậc Đại Sĩ:
Giống như cây yếu ớt bồ đề
Rung động vì cơn gió nặng bề,
Cũng vậy, tim ta vui rộn rã
Thấy Nan Da đã được quay về.
Dường như ta thấy lại Nan Da
Cũng chẳng khác nào một giấc mơ,
Hóa dại, vui mừng ta hét lớn:
Nan Da nay trở lại cùng ta!
Song nếu khi tàn giấc ngủ mê,
Thấy Nan Da ấy đã ra đi,
Tâm ta sẽ chịu bao giày xéo
Do nỗi buồn đau quá não nề.
Trở lại hôm nay với mẹ cha,
Nan Da rốt cuộc đã về nhà,
Thân yêu với mẹ cha đồng đẳng,
Nó tạo ngôi nhà với chúng ta.
Dù nghiêm đường quý mến Nan Da,
Hãy để em con ở tự do,
Con phục vụ nhu cầu lão phụ,
Nan Da cần trọn nghĩa cùng ta.
Bậc Đại Sĩ chấp thuận lời mẹ và nói: Con mong được như vậy.
Và Ngài khuyến giáo em: Này Nanda, em đã lãnh phận sự của người anh cả, quả thật mẫu thân chính là đại ân nhân của ta. Em hãy thận trọng chăm nom mẹ.
Ngài lại ngâm hai vần kệ tán thán công đức của mẹ hiền:
Là nơi nương tựa thật ân cần,
Mẹ đã nuôi ta với sữa nguồn,
Mẹ chính là đường lên thượng giới,
Mẹ thương hiền đệ nhất trên trần.
Mẹ đã chăm lo bảo dưỡng ta,
Mẹ nhiều ân huệ phát ban ra,
Mẹ là đường dẫn lên Thiên Giới,
Và mẹ yêu hiền đệ nhất nhà.
Như vậy bậc Đại Sĩ đã nêu lên công đức của mẹ qua hai vần kệ, và khi mẹ Ngài đã về chỗ ngồi một lần nữa, Ngài bảo: Này Nanda, em có một bà mẹ đã chịu đựng nhiều gian lao khó vượt qua. Cả hai ta đã được mẹ nuôi nấng rất nhọc nhằn. Này em hãy thận trọng chăm sóc mẹ và không được đưa thứ dâu chua cho mẹ ăn nữa.
Và để làm sáng tỏ cho hội chúng thấy rõ những công việc cực kỳ gian khổ được dành cho số phận bà mẹ, Ngài ngâm kệ:
Cầu nguyện khát khao một đứa con,
Mẹ quỳ trước mỗi một đền thần,
Bốn mùa thay đổi thường quan sát,
Khảo cứu thiên văn thật tận tường.
Hoài thai theo với khoảng thời gian,
Mẹ thấy lòng mong đợi dịu dàng,
Thoáng chốc hài nhi vô ý thức
Bắt đầu quen biết một thân bằng.
Suốt khoảng thai kỳ ngót một năm,
Mẹ chăm chút kỹ một kho tàng,
Rồi sau sinh hạ con yêu quý,
Ngày ấy vui lòng tiếng mẹ mang.
Với bầu sữa, mẹ hát ru con,
Xoa dịu hài nhi khóc nỉ non,
Ấp ủ trong vòng tay ấm áp,
Nỗi đau của trẻ được xua tan.
Trông nom trẻ tội nghiệp thơ ngây,
Sợ nắng gió làm hại trẻ đây,
Được gọi vú nuôi, thôi cũng được,
Nâng niu con trẻ cứ như vậy.
Tài vật nào cha mẹ có đây,
Mẹ dành cho trẻ để sau này,
Bà suy: Cũng có ngày con hỡi,
Gia sản may ra đến tận tay.
Hãy làm này nọ, bé yêu ơi,
Bà mẹ lo âu gọi thế hoài,
Khi trẻ thành người trai lực lưỡng,
Mẹ còn kêu khóc, thở than dài.
Nó liều lĩnh dám đi tìm gặp
Vợ láng giềng nhân lúc tối Trời.
Mẹ giận dữ la rầy cáu kỉnh:
Sao không trở lại lúc ban mai?
Nếu được nuôi đầy khổ nhọc vậy,
Mà người xao lãng mẹ hiền này,
Chơi trò gian dối, thì ta hỏi,
Còn đợi gì ngoài ngục đọa đày?
Nếu được nuôi đầy khổ nhọc vậy,
Mà người xao lãng phụ thân này,
Chơi trò gian dối, thì ta hỏi,
Còn đợi gì ngoài ngục đọa đày?
Kẻ nào tài sản quá mê say,
Tài sản mất đi cũng có ngày,
Còn kẻ thờ ơ xao lãng mẹ,
Hối hận vì tai hại đắng cay.
Kẻ nào tài sản quá mê say,
Tài sản mất đi cũng có ngày,
Còn kẻ thờ ơ thân phụ nó,
Hối hận vì tai hại đắng cay.
An vui nhàn nhã, với cười đùa,
Giải trí, là tài sản tại gia
Của kẻ chăm lo đầy tận tụy
Mẫu thân khi tuổi tác già nua.
An vui nhàn nhã, với cười đùa,
Giải trí, là tài sản tại gia
Của kẻ chăm lo đầy tận tụy
Phụ thân khi tuổi tác già nua.
Quà tặng cùng lời nói dễ thương,
Ân cần phục vụ cạnh song đường,
Nhiệt tình tâm trí luôn bình đẳng
Bày tỏ đúng thời, đúng chốn luôn.
Những đức tính này đối thế nhân,
Giống như mấu trục bánh xe lăn,
Nếu không có chúng, thì tên mẹ
Sẽ phải cầu xin với các con.
Từ mẫu cũng như nghiêm phụ ta
Phải đều được kính trọng tôn thờ,
Hiền Nhân tán thán người nào có
Những đức tính này tỏ lộ ra.
Song thân như vậy đáng tuyên dương,
Giữ địa vị cao cả khác thường,
Được gọi Phạm Thiên do Cổ Đức,
Uy danh hai vị lớn khôn lường.
Song thân hiền phải được tôn vinh
Xứng đáng từ con cái của mình,
Người dưỡng mẹ cha theo chánh hạnh
Là người có trí tuệ thông minh.
Đem dâng thức uống với đồ ăn
Sàng tọa và y phục xứng phần,
Phải tắm mẹ cha, dầu tẩm ướt,
Rửa cho sạch sẽ cả đôi chân.
Bậc trí tán dương các việc trên,
Làm con phụng sự mẹ cha hiền,
Hân hoan tràn ngập trên trần thế,
Thân hoại, an vui hưởng Cõi Thiên.
Như vậy bậc Đại Sĩ chấm dứt pháp thoại khác nào làm cho núi Sineru Tu Di rung chuyển. Nghe Ngài nói, tất cả các Quốc Vương cùng đoàn tùy tùng đến trở thành những kẻ mộ đạo. Vì vậy sau đó an trú hội chúng vào ngũ giới và khuyến giáo họ tính cần bố thí cùng các đức tính tương tự, Ngài bảo họ ra về.
Sau khi cai trị Quốc Độ một cách chân chánh, vào cuối đời tất cả các Vua ấy đều đi lên cộng trú với Chư Thiên. Hai Hiền Giả Sona và Nan Da suốt đời sống phụng sự cha mẹ và về sau được sinh Phạm Thiên Giới. Đến đây bậc Đạo Sư chấm dứt pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Thánh đế và nhận diện tiền thân.
Lúc kết thúc các Thánh đế, vị Tỳ Kheo phụng dưỡng mẹ được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu: Thời ấy, song thân là Phụ Mẫu trong Hoàng Gia, Hiền Giả Nanda là Ànanda, Vua Manoja là Sàriputta, một trăm lẻ một vị Vua là tám mươi đại Trưởng Lão và một số vị khác, hai mươi bốn đạo quân là đệ tử Đức Phật, còn Hiền Giả Sona chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Khổng Tước
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tướng Bất Thối
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Một - Trụ Duyệt Dự Sơ Phát ý - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bảy Mươi Ba - Kinh Ngựa đen đuôi Trắng
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thật Giác