Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Bảy - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM BẢY  

CHUYỆN BẬC ĐẠI TRÍ VÔ SONG

TIỀN THÂN VIDHURAPANDITA  

PHẦN BA  

Khi bậc Ðại Sĩ trở lại, Punnaka nói: Xin Ngài đến đây, ta cùng khởi hành, Đức Vua đã trao Ngài cho tiểu sinh. Vậy phải theo đúng nhiệm vụ đó. Ấy là qui luật từ ngàn đời.

Bậc Trí Giả Vidhura đáp lại: Hỡi thiếu sinh, ta biết lắm, chàng đã chiếm được ta, Đức Vua đã giao ta cho chàng, ta xin mời chàng về nghỉ ngơi tại nhà ta ba ngày nữa để ta dặn dò các con ta.

Punnaka nghe vậy nghĩ thầm: Bậc Trí Giả này đã nói chân thật, đó là một đại phúc cho ta, ví thử Ngài có mời ta ở lại bảy ngày hay nửa tháng, ta cũng nên nhận lời ngay lập tức.

Thế là chàng đáp: Chuyện này cũng thuận lợi cho tiểu sinh, vậy ta cùng ở lại đó ba ngày, thưa bậc Trí Giả, nếu có việc gì cần giải quyết trong gia đình của bậc Trí Giả, xin chỉ dạy cho quý phu nhân và các công tử, hầu mong các vị được hạnh phúc sau khi Ngài đi rồi.

Nới xong Punnaka cùng bậc Ðại Sĩ đi về tư thất Ngài.

Bậc Ðạo Sư tả sự việc ấy như sau: Lòng đầy hoan hỷ và háo hức khát khao, chàng Dạ Xoa đi cùng bậc Trí Giả Vidhura, vị đệ nhất Hiền Giả, đưa chàng vào nội thất với đoàn bảo tượng và tuấn mã theo hầu.

Lúc bấy giờ bậc Ðại Sĩ có ba cung thất dành cho ba mùa, cung đầu tiên là Koñca, cung thứ hai là Mayùra, cung thứ ba là Piyaketa.

Bài kệ sau đây nói về ba cung ấy:

Chàng đã đến nơi chốn đại gia:

Koñca, Mayùra, Piyaketa,

Mỗi nơi một cảnh đầy hoan lạc,

Phong phú thức ăn uống cả nhà,

Trông giống Thiên Cung trên thượng giới,

Của Indra, Đại Đế Sakka.

Sau khi Ngài đến nơi, Ngài ra lệnh dọn một phòng ngủ và một chiếc bệ cao trên tầng thứ bảy của cung thất trang hoàng tráng lệ, trải Vương sàng và bày biện đủ cao lương mỹ vị xong, Ngài chỉ cho chàng năm trăm mỹ nữ như Tiên trên Trời, và bảo: Ðây là những tỳ nữ của chàng, chàng cứ ở lại đây đừng lo ngại gì cả.

Rồi Ngài trở về tư thất. Khi Ngài đi rồi, các mỹ nữ đem nhạc khí đủ loại ra ca múa tưng bừng trong lúc hầu hạ chàng Punnaka.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Các mỹ nữ điểm trang diễm lệ như các Thiên Thần, ca múa trò chuyện cùng chàng, mỗi nàng đều gắng sức đem hết mọi tài năng ra biểu diễn.

Bậc hộ trì Chánh Pháp ấy, sau khi cho chàng hưởng cao lương mỹ vị cùng nữ sắc, liền nghĩ đến việc cao quý bậc nhất, là mang chàng vào giới thiệu cùng phu nhân.

Ngài bảo phu nhân đã được trang điểm bằng hương Chiên Đàn cùng nhiều hương thơm khác đang đứng như một thanh bội hoàn bằng vàng ròng: Này phu nhân nghe đây, hãy gọi các nam tử đến ngay, hỡi phu nhân có đôi mắt đẹp màu hổ hoàng.

Anujjà nghe phu quân gọi liền bảo con dâu, một mỹ nhân có đôi mắt tuyệt trần, móng tay sáng rực như đồng: Này Cetà, nàng đeo vòng vàng lục lạc chẳng khác nào bào giáp, nàng là đóa súng xanh mơn mởn, hãy đi gọi các con ta lại đây.

Nàng ấy vâng dạ xong đi suốt cả cung thất, tập hợp các thân hữu cùng các công tử, công nương, lại bảo họ: Thân phụ quý vị muốn dặn dò quý vị đôi điều, đây là lần cuối cùng quý vị gặp được Ngài đấy. Công tử Dhammapàla Kumàra nghe vậy liền khóc, vội đi đến gặp thân phụ cùng các công tử em chàng. Khi vị cha thấy các con đến, không thể nào giữ được vẻ bình thản, liền ôm các con mắt đầy lệ, hôn đầu các con và ghì lấy trưởng nam vào lòng một hồi lâu.

Rồi Ngài nhấc con lên, bước ra khỏi cung thất, ngồi xuống tọa sàng đặt trên chiếc bệ cao, Ngài nhắn nhủ với cả ngàn công tử kia.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Bậc hộ trì chánh pháp, lòng không chút sợ hãi, hôn trán các con khi họ đến gần Ngài, và sau khi chào hỏi xong, Ngài bảo họ: Ta được Đức Vua giao cho chàng thiếu sinh này.

Ta thuộc quyền sở hữu của chàng rồi, nhưng hôm nay ta còn được tự do tìm thú vui riêng cho mình, rồi chàng sẽ đem ta đi đâu tùy ý, cho nên ta muốn nhắn nhủ các con đôi điều, vì làm sao ta ra đi mà không tìm cách cứu khổ các con được?

Ví như Janasandha, Vua xứ Câu Lâu, trịnh trọng hỏi các con: Các khanh xem cái gì thật cổ kính ngay trong thời thượng cổ?

Thân Phụ các khanh dạy bảo điều gì tiên khởi và tối thượng?

Rồi ví như nhà Vua bảo: Các khanh đồng đẳng với ta, ai trong các khanh lại không hơn một vị Vua đã chứ?

Các con sẽ kính cẩn đảnh lễ Vua và tâu: Xin Ðại Vương đừng nói vậy, không có luật lệ nào như thế cả, làm sao một con chó rừng hèn mọn lại đồng đẳng với một Vương hổ được?

Sau khi nghe thuyết giáo xong, các vị công tử, công nương, thân bằng, quyến thuộc, gia nhân, dân chúng đều không giữ được lòng bình thản, đồng khóc lớn khiến bậc Ðại Sĩ lại phải an ủi họ thêm nữa.  

IDHURA KHUYẾN GIÁO THÂN NHÂN  

Rồi sau khi đến với mọi người và thấy họ đã giữ yên lặng, Ngài nói: Này các con, đừng buồn khổ làm gì, các sắc pháp đều vô thường, vinh quang cuối cùng lại gây tai họa. Tuy vậy ta sẽ chỉ cho các con một cách đạt vinh quang, đó là chốn Triều Đình. Hãy chú ý lắng nghe cho kỹ.

Sau đó nhờ thần lực của một vị Phật, Ngài đưa họ vào một cảnh Triều Đình.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Khi ấy Vidhura thuyết pháp cho tất cả thân bằng lẫn cừu thù, quyến thuộc cùng thê tử, tâm trí Ngài viễn ly mọi sắc pháp: Này các vị hãy đến đây nghe cho kỹ trong khi ta nói về chốn Triều Đình, làm thế nào một nam tử vào chốn Triều Đình có thể đạt vinh quang.

Khi vào chốn Triều Đình còn là vô danh tiểu tốt, y không có thể có được vinh quang đâu, cũng không thể đạt vinh quang nếu y là một tên hèn nhát, ngu ngốc hoặc vô tâm.

Khi nào Vua nhận thấy đức độ của y, tài trí cũng như lòng thanh liêm của y, Vua mới tin tưởng y và không giấu y những điều bí mật của Ngài.

Khi nào được lệnh thi hành một việc gì, y không được ngần ngại, như một chiếc cân thật chính xác, với cán cân thật ngang bằng và như chiếc cân kia, nếu y sẵn sàng đảm trách mọi gánh nặng, y mới có thể ở chốn Triều Đình.

Bất kỳ ngày đêm, một Trí Giả cũng không ngần ngại gì khi được giao Quốc sự. Một người như thế mới có thể ở chốn Triều Đình.

Một bậc Trí Giả, khi được giao Quốc sự, bất kỳ ngày đêm cũng phải đảm nhận mọi nhiệm vụ. Một người như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Người nào thấy được đạo lộ dành cho Vua và thận trọng sắp xếp mọi việc thuận lợi cho Ngài, mà chính mình không dám bước vào đó, dù được mời làm như vậy, kẻ ấy mới có thể ở chốn Triều Đình. Ðừng vì một duyên cớ gì vui hưởng các lạc thú như Vua, mà phải theo sau hầu Vua trong mọi việc, một kẻ như thế mới có thể ở trong chốn Triều Đình.

Ðừng mặc y phục như Vua, cũng không mang tràng hoa, xức dầu thơm như Vua dùng, cũng không đeo các đồ trang sức như Vua hay nói giọng như Vua được. Bao giờ cũng phải tạo một dáng điệu khác, cách phục sức khác. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Nếu Vua đang vui đùa cùng các cận thần hay đang được các cung nữ vây quanh Ngài, thì vị cận thần không nên nói bóng gió với các cung phi ấy.

Người nào không dương dương tự đắc cũng không nhẹ dạ chóng đổi thay, mà phải thận trọng, luôn luôn biết tự chủ, người nào đạt được minh trí và quyết tâm, người như vậy mới có thể ở chốn Cung Đình.

Ðừng đùa cợt với các cung phi, cũng không nói chuyện riêng với họ, đừng lấy của cải trong công khố. Người như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình. Ðừng nghĩ nhiều đến việc ngủ nghỉ, cũng không ham rượu nồng quá độ, không giết hươu nai trong vườn ngự uyển, một kẻ như vậy mới ở được chốn Cung Đình.

Ðừng ngồi trên Vương Tọa, Long Sàng, Kim Đôn, Vương Tượng hoặc Vương Xa, vì nghĩ mình là kẻ có đặc quyền, một người như vậy mới có thể ở được chốn Cung Đình.

Ðứng e dè giữ mình quá xa cách Vua, nhưng cũng đừng quá gần gũi Ngài, luôn luôn sẵn sàng túc trực bên Ngài, tâu gửi đôi điều lên đấng chúa công. Ðừng xem Vua như một kẻ thường dân, không nên so sánh Vua với bất kỳ một ai khác.

Vua chúa rất dễ nổi cơn thịnh nộ, như con mắt dễ bị đau nếu đụng nhằm râu hạt thóc vậy. Vị Hiền Trí không nên nghĩ rằng mình đang được ân sủng, lại cả gan nói năng thô lỗ với Vua đa nghi.

Nếu vị ấy gặp được vận may thì cứ chụp lấy, nhưng đừng tin tưởng vào Vua chúa, phải luôn luôn biết phòng thân như đề phòng hỏa hoạn, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Nếu Vua sủng ái con hay em của Ngài rồi ban cho họ một vài thôn làng, thị thành hay vài triều thần làm tùy tùng của họ, thì kẻ đó phải biết yên lặng chờ đợi, đừng bảo là Vua khôn khéo hay lỗi lầm gì.

Nếu Vua tăng lương cho quan quản tượng hay vệ sĩ của Ngài, hoặc pháo binh hay bộ binh của Ngài vì nghe được các chiến công của họ, kẻ ấy đừng nên xen vào cản trở việc trên, một kẻ như vậy mới có thể ở được chốn Triều Đình.

Bậc Trí Giả phải biết giữ bụng bé như cây cung, nhưng lại biết uốn cong dễ dàng như cây tre. Đừng làm phật ý Vua, như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình. Phải biết giữ bụng bé như cây cung, mồm lặng thinh như loài cá, phải ăn uống chừng mực, can đảm và thận trọng. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Ðừng lui tới với nữ nhân quá nhiều, sợ rằng phải hao mòn sinh lực, kẻ ngu ngốc chính là nạn nhân của bệnh ho hen, đau nhức mình mẩy và tính trẻ con, đừng cười cợt thái quá, cũng đừng quá lặng lẽ, phải biết nói năng lúc thời cơ thuận tiện đến, lời nói phải khúc chiết, rõ ràng, được cân nhắc kỹ lưỡng.

Ðừng buông mình theo cơn nóng giận, cũng đừng chực sẵn sàng gây hận, lời lẽ phải chân thật, dịu dàng, không vọng ngữ và đừng nói năng nhảm nhí. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Phải biết tự rèn luyện, học hỏi, tự chủ, có kinh nghiệm trong việc giao thương, ôn hòa, dịu dàng, thận trọng, liêm khiết, khéo léo. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Ðối xử khiêm tốn với người trên, sẵn sàng nghe lời kẻ khác, đầy lòng kính cẩn, từ ái, sống dễ chịu với người xung quanh. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Phải biết lánh xa sứ giả của ngoại bang sai đến thương thảo, chỉ lưu tâm đến vị chúa tể của mình, đừng biết đến vị Vua nào khác.

Phải biết tôn trọng các Sa Môn, Bà La Môn đức độ và đa văn, phải biết cung phụng các vị ấy, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Phải biết cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn đức độ và đa văn đầy đủ vật dụng ăn uống, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Phải biết đến gần và thành tâm phụng sự các Sa Môn và Bà La Môn đức độ, đa văn, cầu mong đó là việc thiện chân chính của mình.

Ðừng tìm cách tước đoạt của các Sa Môn, Bà La Môn những vật được cúng dường cho họ trước kia và đừng tìm cách ngăn cản các khất sĩ vào lúc chẩn tế. Một kẻ công chính, đầy đủ đại trí, khéo léo sắp xếp mọi công việc, thông thạo mọi thời cơ, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Một người đầy nghị lực lúc làm việc, thận trọng khéo léo, có khả năng tiến hành công việc đến thành quả mỹ mãn, người ấy mới có thể ở được chốn Triều Đình.

Phải thăm viếng thường xuyên các sân đập lúa, đàn trâu bò, gia súc, ruộng nương, phải cho cân thóc thật kỹ lưỡng và cất vào vựa, phải bảo đong lường kỹ mỗi khi nấu nướng trong nhà mình.

Ðừng sử dụng hay đề bạt con hay em trai thiếu đức độ vững vàng, những con em như vậy không phải là những phần tử chân chính của giống nòi mình, phải xem chúng như chết rồi.

Phải đem y phục, vật thực cấp dưỡng cho chúng và bảo chúng ngồi im mà nhận lấy. Phải biết dùng ở cửa công những tùy tướng có đức độ vững vàng, khéo léo làm việc và biết đối phó lúc ngộ biến.

Một kẻ đức độ, vô tham, tận tụy với quân Vương, luôn có mặt bên Ngài và mưu cầu quyền lợi cho Ngài một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Phải biết rõ ý Vua, theo sát tâm tư Ngài, đừng bao giờ hành động trái ý Ngài, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Cung Đình, phải xoa dầu thơm và tắm cho Ngài, phải cúi đầu xuống khi rửa chân cho Ngài. Khi bị trừng phạt không hề tức giận, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn Triều Đình.

Phải biết cúi đầu chào một chiếc bình đầy nước hay cung kính thi lễ một con quạ, hơn thế nữa, còn phải ban phát đầy đủ cho mọi kẻ cầu xin, lúc nào cũng phải tỏ ra khôn ngoan và lỗi lạc.

Phải biết bố thí, tọa cụ, y phục, xe pháo, nhà cửa, tư dinh, phải tưới tràn đầy phúc lộc cho mọi người như một vầng mây lớn. Thưa quý vị, đó là cách để ở được chốn Triều Đình, đó là cách cư xử để được ân sủng của Vua chúa, để được vinh quang do các Ngài ban thưởng.  

CUỘC DU HÀNH CỦA

VIDHURA VÀ PUNNAKA  

Ba ngày trôi qua, bậc Ðại Sĩ thuyết giáo cho đám vợ con, bạn hữu cùng nhiều người khác đã xong. Khi biết thời hạn đã mãn, từ tinh sương, sau bữa ăn đầy cao lương mỹ vị.

Ngài bảo: Ta sẽ tạ từ Đức Vua và ra đi cùng chàng thiếu niên này. Rồi Ngài đi đến cung Vua, cùng với đám quyến thuộc vây quanh, đảnh lễ Vua rồi đứng sang một bên, nhắn nhủ đôi lời khôn ngoan, thực tiễn.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Sau khi nhắn nhủ thân bằng quyến thuộc xong, bậc Ðại Trí được đám thân hữu vây quanh, cùng đi đến cung Vua.

Ðảnh lễ dưới chân Vua và chúc tụng Vua rất kính cẩn xong, Vidhura chắp tay lại tâu: Thiếu sinh này muốn sử dụng thần theo ý chàng, nên sẽ đem thần đi xa. Thần xin bày tỏ đôi lời vì các thân bằng quyến thuộc còn ở lại, xin hãy nghe thần tâu, hỡi đấng Ðại Vương đã chinh phục bao cừu thù.

Xin Ðại Vương chăm sóc đám thê tử và tài sản trong gia tộc tiểu thần, để khi thần đã đi rồi, thân quyến của thần cũng không bị tàn mạt.

Vì khi quả đất rung chuyển, thì mọi vật trên đó đều rung chuyển theo và khi quả đất vững vàng, thì mọi vật mới vững vàng được. Vì thế thần thấy quyến thuộc của thần sẽ suy sụp theo sự suy sụp của thần. Thần nhận đó là lỗi của thần vậy.

Vua nghe vậy, liền bảo: Này bậc Trí Giả, trẫm không muốn khanh ra đi tý nào cả, vậy đừng đi nữa. Trẫm sẽ triệu chàng thiếu sinh ấy đến rồi lấy cớ giết gã đi và giấu nhẹm câu chuyện.

Ngài phát họa chuyện này qua vần kệ:

Này khanh, không thể bước đi ra,

Ðây chính điều cương quyết của ta.

Khi đã giết xong chàng trẻ ấy,

Khanh cần ở lại chốn này mà.

Ðây là thượng sách cho ta đó,

Bậc Ðại trí, xin chớ bỏ ta!

Bậc Ðại Sĩ nghe vậy liền kêu to:

Ý định như thế quả không xứng chút nào với Ðại Vương.

Rồi Ngài nói thêm:

Ðừng để tâm vào việc bất công,

Hãy tinh cần luyện tập thân tâm,

Ðúng theo Thánh Điển đầy thâm nghĩa

Ô nhục thay là việc ác gian,

Khi đã làm xong điều tội lỗi,

Con người đọa địa ngục sau cùng.

Chuyện này không phải lẽ công bằng,

Ðây chẳng phải là việc đáng làm,

Tâu chúa công, Vua là tối thượng,

Quyền uy với kẻ dưới tồi tàn,

Muốn đem giết nó hay thiêu sống,

Thần giã từ không dám hận sân.

Nói xong Ðại Sĩ kính cẩn vái chào Vua rồi khích lệ các cung phi, quần thần đôi lời, xong bước ra khỏi cung điện, trong khi họ không còn giữ được lòng can đảm, chịu đựng được nữa, cùng bật tiếng khóc to và dân chúng trong Kinh Thành đồng kêu lên: Bậc Ðại Trí đang ra đi cùng chàng tuổi trẻ, ta hãy mau mau ra tiễn Ngài lên đường.

Họ nhìn theo Ngài trong sân chầu, song họ bảo nhau: Ðừng sầu khổ nữa, vạn pháp đều vô thường, giả tạm, vậy hãy nhiệt tâm bố thí và làm các thiện pháp. Rồi họ trở lại, ai về nhà nấy.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Sau khi ôm hôn trưởng nam và đè nén nỗi đau đớn trong lòng, mắt đẫm lệ, bậc Ðại Sĩ bước vào cung thất.

Lúc bấy giờ có cả ngàn Công Tử, cả ngàn công nương, cả ngàn phu nhân, bảy trăm cung nữ, cùng nhiều nô tỳ, cận vệ, thân bằng quyến thuộc quỳ xuống khắp nơi, cả cung điện chẳng khác nào vườn cây sà la ngả nghiêng trong cơn cuồng phong bão táp báo hiệu giờ tận thế.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Gia quyến của Trí Giả Vidhura nằm phủ phục khắp cung điện như vườn cây Sàla ngã nghiêng tơi tả trong cơn bão táp.

Cả ngàn phu nhân, bảy trăm nữ tỳ dang tay ra than khóc trong cung của Vidhura. Các Hậu phi, Vương Tử, các Vệ xá, Bà La Môn, đang dang tay ra than khóc trong cung Vidhura.

Các quan quản tượng, vệ sĩ, quản xa, bộ binh, đều dang tay than khóc trong cung của Vidhura. Thần dân khắp chốn thành thị, thôn quê tụ tập lại đồng dang tay than khóc trong cung của Vidhura.

Sau khi an ủi quần chúng và hoàn tất mọi việc còn sót lại, bậc Ðại Sĩ khích lệ các hậu phi và chỉ bảo cho họ những gì cần chỉ bảo, Ngài đến gặp Punnaka cho chàng hay rằng Ngài đã làm xong mọi việc cần làm.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Sau khi hoàn tất mọi việc cần thiết trong cung thất và chỉ bảo thân bằng quyến thuộc thê nhi, quân sư xong, sau khi sắp đặt mọi công việc bên ngoài cần lưu tâm và thông báo mọi kho vựa trong nhà, kho gia bảo cùng nợ nần phải trả, Ngài nói với Punnaka: Chàng đã ở lại trong cung ta ba ngày rồi, ta đã làm xong mọi việc cần thiết, chỉ dạy vợ con xong xuôi, giờ đây ta hãy làm theo ý chàng, hỡi chàng Ca Chiên Diên.

Punnaka đáp lại:

Nếu Ngài đã hành động theo ý Ngài, đã chỉ bảo vợ con, tùy tướng xong rồi, thì than ôi, giờ đây Ngài đứng đó như người sắp vượt biển, cả một cuộc hành trình dài trước mắt Ngài. Vậy đừng sợ hãi gì, hãy nắm lấy đuôi tuấn mã cao sang của ta và đây là lần cuối Ngài thấy cảnh nhân gian.

Bậc Ðại Sĩ liền đáp lại: Ta còn phải sợ ai chứ, khi ta không hề làm ác đối với ai từ thân, ngữ, ý, thì làm sao ta gặp tai họa được?

Thế là bậc Ðại Sĩ can đảm như con Sư Tử kiêu hùng, lớn tiếng bảo: Ðây là cẩm bào của ta, đừng cởi nó ra nếu ta không cho phép.

Rồi với quyết tâm cao độ, Ngài thắt đai áo thật chặt, gỡ đuôi ngựa ra, hai tay nắm chặt lấy, thúc đôi chân vào hông ngựa và bảo chàng: Ta đã nắm đuôi ngựa rồi, này thiếu niên, thôi hãy đi đâu tùy ý chàng.

Lúc ấy Punnaka ra lệnh cho con ngựa có đủ trí khôn kia, nó liền nhảy vọt lên bầu Trời mang theo bậc Trí Giả.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau: Ngựa chúa mang Vidhura lên bầu Trời, chẳng bao lâu đến ngọn Hắc Sơn mà chẳng đụng vào cây cối núi non chập chùng.

Trong khi Punnaka đem bậc Ðại Sĩ đi như vậy, các con Ngài cùng nhiều người đến chứng kiến đi vào cung thất của Ngài. Khi họ không thấy bậc Ðại Sĩ đâu cả, họ liền khóc lóc thảm thiết và ngã sóng sượt như thể chân cẳng họ đã đứt lìa.

Rồi khi họ thấy và nghe bậc Ðại Sĩ đang lúc Ngài bay lên Trời mà chẳng rõ duyên cớ gì, họ lại than khóc đi thẳng vào hoàng môn, với đám dân chúng theo sau. Vua nghe tiếng than khóc rền rỉ liền mở cửa sổ ra hỏi tại sao họ than khóc như vậy.

Họ trình: Tâu Ðại Vương, đó chẳng phải là chàng Bà La Môn nào cả, mà chính thần Dạ Xoa giả dạng Bà La Môn mang bậc Trí Giả đi mất rồi. Không có Ngài, chúng thần không thiết sống nữa. Nếu Ngài không trở về trong vòng bảy ngày nữa, chúng thần sẽ chất gỗ hàng trăm hàng ngàn xe và tự thiêu cả cho rồi.

Vua nghe vậy liền đáp: Bậc Ðại Trí Giả có giọng nói êm dịu sẽ thuyết phục chàng trai kia bằng giáo pháp của Ngài và sẽ khiến chàng quy phục dưới nhân Ngài, chẳng mấy chốc Ngài sẽ trở về mang lại nụ cười cho bộ mặt sầu thảm của các khanh. Thôi đừng buồn rầu nữa.

Rồi Ngài ngâm kệ:

Thật Đại Hiền là bậc Trí Nhân,

Uyên thâm và đủ mọi tài năng.

Không lâu Ngài tự tìm đường thoát,

Ngài sẽ trở lui, chớ hãi hùng.

Trong khi đó Punnaka, sau khi đã đem bậc Ðại Sĩ lên đỉnh Hắc Sơn, liền nghĩ thầm: Người này còn sống thì ta không vinh hiển được, vậy ta sẽ giết y lấy quả tim đem về xứ Long Vương dâng cho Vương hậu Vimalà và sau khi chiếm được công chúa Irandatì, ta sẽ lên Thiên Giới.

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Khi đã đến nơi, chàng nghĩ thầm: Loài có trí hiện hữu trong nhiều đẳng cấp. Người này sống, ta chẳng ích gì, vậy ta hãy giết y và lấy con tim.

Rồi chàng lại nghĩ:  Nếu chẳng cần giết y bằng chính tay ta, sao ta lại chẳng làm y chết đi vì kinh sợ bằng cách hiện ra hình thù khủng khiếp. Thế là sau khi hiện hình ác quỷ, chàng đến gần nắm Ngài xuống đất, ngoạm Ngài trong miệng như thể sắp nuốt sống Ngài, nhưng bậc Ðại Sĩ chẳng hề dựng sợi tóc nào.

Chàng lại hiện hình sư tử và voi hung, lấy răng và ngà dọa tấn công Ngài. Khi Ngài chẳng tỏ ra khiếp sợ, chàng liền hiện hình đại mãng xà, to như chiếc thuyền lớn, hình máng xối, đến gần Ngài rít lên, cuộn thân quanh Ngài, phủ đầu Ngài bằng chiếc mào, Ngài vẫn chẳng tỏ chút gì sợ hãi.

Rồi chàng bảo: Nếu y đứng trên đỉnh núi và rơi xuống ta sẽ làm y tan vụn ra từng mảnh. Thế là chàng nổi trận cuồng phong, nhưng nó cũng chẳng lay động được đầu sợi tóc nào của Ngài cả. Rồi chàng để Ngài trên đỉnh núi, hiện hình con voi làm rung chuyển ngọn núi ngả nghiêng như thể cây chà là rừng. Nhưng dù vậy, chàng cũng không thể làm lay động được đầu sợi tóc nào của Ngài cả.

Sau đó chàng bảo: Ta sẽ làm tim y vỡ ra vì khiếp đảm khi nghe một tiếng gầm kinh khủng. Rồi chàng đi vào trong núi, rống lên một tiếng gầm khủng khiếp rền vang cả đất Trời nhưng bậc Ðại Sĩ cũng chẳng tỏ ra khiếp sợ, vì Ngài biết rằng dù chàng hiện hình Dạ Xoa, Sư Tử, Voi hay Long Vương, có làm mưa gió rung chuyển núi rừng hay vào trong núi gầm thét vang dội đi nữa, chàng cũng chỉ là một phàm phu, không là gì khác.

Chàng Dạ Xoa liền nghĩ thầm:  Ta không thể nào giết y bằng cách tấn công bên ngoài, vậy ta chỉ còn cách giết y bằng chính tay ta. Thế là chàng đặt bậc Ðại Sĩ lên trên đỉnh núi, còn chính chàng xuống chân núi đi lên từ lòng núi, như thể chàng xuyên sợi chỉ trắng qua hạt ngọc có xoi lỗ, với tiếng gầm lớn, chàng thô bạo chụp bậc Ðại Sĩ tung lên xoay tít, dựng đầu Ngài xuống phía dưới trong khoảng không chẳng có vật gì để Ngài có thể nắm lấy được.

Cảnh ấy được miêu tả như sau: Sau khi đến đó và vào trong núi, Kàtiyàna với tâm địa ác độc nắm lấy đầu dốc Ngài ngược xuống khoảng không gian bao la.

Trong khi Ngài lơ lửng như ở trên bờ địa ngục, cảnh tượng thật kinh hoàng, vô cùng nguy hiểm, khó vượt qua, Bậc Hiền Trí đệ nhất của toàn dân Câu Lâu vẫn không nao núng bảo chàng: Bản chất ngươi thật hèn hạ, mặc dù có lúc ngươi đã mang một hình tướng thật cao sang. Ngươi phóng dật tột cùng mặc dù mang hình hài một vị khổ hạnh tự chế, ngươi đang phạm một việc ác độc và kỳ quái, không có gì tốt đẹp trong bản chất của ngươi cả.

Tại sao ngươi lại giết ta, khi ngươi muốn thấy ta rơi xuống vực thẳm này?

Tướng mạo ngươi có vẻ siêu phàm, hãy cho ta biết ngươi là loại Thiên Thần gì?

Punnaka đáp lại: Có lẽ Ngài đã nghe danh thần Dạ Xoa Punnaka, là Đại Thần của Vua Kuvera. Có một Long Vương cai trị địa giới tên gọi Varuna, thật oai hùng, liêm khiết, có đầy đủ phong thái tốt đẹp cùng dũng lực.

Ta mơ ước công chúa, con của Ngài, một Long Nữ tên gọi Irandatì, vì yêu Nương Tử diễm kiều ấy nên ta đã quyết tâm sát hại Ngài đấy, thưa bậc Trí Giả.

Bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: Thế Giới này sụp đổ chỉ vì một việc hiểu lầm, tại sao một kẻ si tình Long Nữ lại muốn giết ta?

Ta phải biết tất cả sự thật của câu chuyện này mới được.

Rồi Ngài ngâm kệ:

Này chớ bị lừa, hỡi Dạ Xoa,

Nhiều người bị hại bởi lầm to,

Việc chàng yêu quý nàng Long Nữ,

Nào có liên quan việc giết ta?

Này hãy mau lên, thần đại lực,

Kể ta nghe mọi chuyện kia mà.

Punnaka liền đáp Ngài:

Vì yêu ái nữ đại Long Vương,

Ta hội ý thân tộc của nàng,

Và lúc ta cầu hôn thiếu nữ,

Nhạc gia đã nói với ta rằng

Các Ngài hiểu mối tình say đắm:

Ta sẽ ban chàng vị quý nương

Hình dáng yêu kiều, mắt diễm lệ

Nụ cười tươi đẹp ngát trầm hương.

Nếu chàng đem sính lễ Vương Gia,

Tim của Trí Nhân Vi dhu ra,

Chiếm được nhờ công bằng thắng trận,

Công nương được gả giá này mà,

Chúng ta không nhận quà gì khác.

Như vậy ta đâu bị đánh lừa?

Hỡi bậc chánh chân nghe thật kỹ,

Không gì lầm lẫn về phần ta.

Long Vương sẽ gả vị công nương,

Ðổi trái tim nhờ thắng chánh chân,

Chính bởi điều này ta đã quyết,

Giết Ngài theo cách chúng ta cần,

Nếu ta ném xác Ngài trong vực

Ta sẽ giết Ngài, lấy quả tâm!

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần