Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Tám - Chuyện Giàu Và Nghèo
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
PHẨM TÁM
CHUYỆN GIÀU VÀ NGHÈO
Một ngày kia, khi năm Bậc Hiền Thần vào chầu Vua và khi họ đã an tọa, Vua hỏi: Senaka, ta sẽ hỏi hiền khanh một chuyện. Tâu Đại Vương, xin cứ hỏi.
Vua liền đọc vần kệ đầu trong vấn đề giàu nghèo:
Có trí khôn nhưng thiếu bạc vàng,
Hoặc giàu tiền lại kém khôn ngoan,
Se na ka, trẫm hỏi khanh nhé:
Bậc trí gọi ai tốt đẹp hơn?
Lúc bấy giờ vấn đề này được truyền lại từ đời này sang đời khác trong gia tộc Senaka, nên ông đáp ngay:
Quả thật, kẻ ngu hoặc trí nhân,
Vô văn phàm tục, hoặc đa văn,
Đều hầu hạ những người giàu có,
Dù họ cao sang hoặc hạ tầng,
Nhìn thấy điều này, thần mới nói:
Trí nhân thua kém kẻ giàu sang.
Vua nghe đáp xong không nói gì thêm ba vị kia mà nói với bậc Trí Giả Mahosadha ngồi bên cạnh:
Ta cũng hỏi con, Đại Trí nhân,
Bậc tinh thông vạn pháp trên trần:
Kẻ ngu lắm của, người khôn khó,
Bậc trí gọi ai tốt bội phần?
Bậc Đại Sĩ đáp:
Xin Đại Vương nghe đây:
Người ngu phạm tội, nghĩ suy rằng:
Trên cõi đời, ta thắng thế hơn,
Họ thấy đời này, không cõi kế,
Nên mang tai họa cả hai đường.
Điều này con thấy, nên con nói:
Bậc trí hơn xa trọc phú đần.
Nghe nói vậy, Vua nhìn Senaka và nói: Này hiền khanh, có thấy Mahosadha bảo bậc Trí Nhân là cao hơn cả đấy chăng?
Senaka đáp: Tâu Đại Vương, Mahosadha chỉ là một trẻ thơ, miệng còn hôi sữa, đã biết gì?
Và ông ngâm kệ:
Kiến thức không đem lại bạc vàng,
Cũng không gia thế hoặc dung nhan,
Hãy nhìn ngốc tử Go ri ấy,
Đang hưởng vinh hoa, đại phú cường,
Vì Đại vận chìu người hạ tiện.
Điều này thần thấy, mới thưa rằng:
Bậc Hiền Trí chịu phần hèn mọn,
Còn kẻ giàu tiền thắng thế hơn.
Nghe vậy, Vua bảo: Này Vương nhi Mahosadha, bây giờ con nghĩ sao?
Ngài đáp: Tâu Phụ Vương, Senaka có biết gì?
Lão chỉ như con quạ thấy nơi nào có thóc vãi, hay như con chó cố liếm cho hết sữa, chỉ thấy mình mà không thấy chiếc gậy đang sẵn sàng giáng xuống đầu.
Xin Phụ Vương hãy nghe đây:
Một người tiểu trí hóa mê man.
Bị nhiễm độc khi hưởng bạc vàng:
Nếu gặp tai ương, thành ngớ ngẩn,
Rủi may số phận đến không lường,
Nó vùng như cá phơi ngoài nắng,
Khi thấy điều trên, trẻ nói rằng:
Người trí hơn xa người có của,
Giàu tiền nhưng trí óc ngu đần.
Này Đại Sư, thế thì sao?
Vua bảo khi nghe Ngài nói vậy, Senaka liền đáp: Tâu Đại Vương, cậu ấy nào biết gì?
Chẳng nói gì đến người, mà ngay cả cây tốt tươi, đầy quả ngọt, chim chóc cũng bay đến đậu.
Rồi ông ngâm kệ:
Trong rừng, chim chóc tự mười phương,
Tụ tập trên cây có trái ngon,
Cũng vậy, người nhiều tiền lắm của,
Đám đông hám lợi đến quây quần.
Thấy vậy, thần nói: Người Hiền Trí,
Hèn kém, kẻ giàu thắng thế hơn.
Này Vương nhi, bây giờ con nghĩ sao?
Vua hỏi.
Bậc Trí Giả đáp: Lão bụng bự ấy nào có biết gì?
Xin Phụ Vương nghe đây.
Rồi Ngài ngâm kệ:
Kẻ ngu quyền thế chẳng hiền lương,
Dùng bạo lực khi chiếm bạc vàng,
Nó rống thật to tùy ý thích,
Quỷ nhân kéo nó xuống âm cung!
Thấy điều này, tiểu nhi xin nói:
Bậc Trí hơn xa trọc phú đần.
Vua lại bảo: Này Senaka?
Senaka liền đáp:
Mọi dòng nước đổ xuống Sông Hằng,
Đều mất tánh danh với giống dòng,
Đổ xuống biển, Sông Hằng cũng sẽ,
Không còn phân biệt được thành phần.
Vậy đời phục vụ người giàu của.
Nhìn thấy điều trên, thần nói rằng:
Người có trí chịu phần thấp kém,
Còn người giàu của chiếm phần hơn.
Vua lại bảo: Này bậc Trí Giả nghĩ sao?
Ngài liền đáp: Xin Phụ Vương nghe đây.
Rồi Ngài ngâm vần kệ:
Biển cả, người kia nói, lệ thường,
Muôn sông đổ xuống, đập không ngừng,
Vào bờ, nhưng chẳng bao giờ vượt,
Bờ nọ, dù hùng vĩ đại dương.
Cũng vậy, lời người ngu nhảm nhí,
Phồn vinh không thể vượt Hiền Nhân,
Thấy điều này, tiểu nhi xin nói:
Người trí hơn xa trọc phú đần.
Khanh nghĩ sao?
Senaka?
Vua hỏi.
Xin Đại Vương nghe đây.
Ông đáp và ngâm vần kệ:
Người giàu ở địa vị cao sang,
Có thể thiếu phòng hộ bản thân,
Nhưng nếu nói gì cùng kẻ khác,
Lời kia giá trị giữa nhân quần.
Trí khôn không thể gây uy tín,
Cho kẻ nào không có bạc vàng.
Thấy vậy thần nói: người hiền trí,
Thấp kém, người giàu thắng thế hơn.
Con nghĩ sao?
Vua hỏi.
Tâu Đại Vương, xin nghe đây.
Kẻ ngu si Senaka ấy nào có biết gì?
Rồi Ngài ngâm vần kệ:
Vì kẻ khác hay chính bản thân,
Kẻ ngu thường chẳng nói chân ngôn,
Chịu ô nhục giữa nơi quần chúng,
Đời kế nó rơi cảnh khổ buồn.
Vì thấy điều này, con trẻ nói:
Trí Nhân hơn trọc phú ngu đần.
Sau đó Senaka lại ngâm vần kệ:
Cho dù người đại trí khôn ngoan,
Thiếu gạo thóc, lâm cảnh khốn nàn,
Nếu có nói điều gì phải trái,
Cũng không giá trị giữa thân nhân,
Phồn vinh không đến nhờ tri kiến.
Nhìn thấy điều trên, thần nói rằng:
Người trí phải chịu phần thấp kém,
Còn người giàu của thắng phần hơn.
Vua lại hỏi: Vương nhi nói sao về việc này?
Bậc trí đáp: Senaka nào có biết gì?
Lão chỉ nhìn đời này, chứ không thấy đời sau.
Và Ngài ngâm vần kệ:
Chẳng vì mình, cũng chẳng vì người,
Bậc Đại Trí Nhân phải dối lời,
Người được tôn sùng trong hội chúng,
Đời sau hưởng hạnh phúc an vui.
Thấy điều này trẻ thơ xin nói:
Bậc trí hơn người trọc phú thôi.
Sau đó Senaka lại ngâm vần kệ:
Voi, ngựa, bò, vòng ngọc, nữ nhân,
Thấy nhiều trong các hộ giàu sang,
Để dành cho các người giàu hưởng,
Mà chẳng cần uy lực Thánh Thần,
Nhìn thấy điều này, thần dám nói:
Bậc Hiền thấp kém, phú gia hơn.
Bậc Trí Giả đáp: Lão ấy nào có biết gì?
Rồi Ngài ngâm kệ, tiếp tục giải thích vấn đề:
Người ngu hành động thiếu suy tư,
Nói những lời ngu xuẩn, dại rồ.
Vô trí bị quăng vì đại vận,
Như con rắn bỏ lớp da khô.
Thấy điều này, trẻ thơ xin nói:
Bậc trí hơn xa phú hộ ngu.
Khanh nghĩ sao?
Vua hỏi.
Senaka liền đáp: Tâu Đại Vương, trẻ thơ này nào biết gì, xin Đại Vương nghe đây!
Rồi lão ngâm kệ, vì tưởng rằng sẽ làm cho bậc Trí Giả không nói thêm gì được nữa:
Năm Trí Nhân là bọn chúng thần,
Thảy đều hầu cận đấng tôn quân,
Hết lòng kính trọng Ngài là chúa,
Là chủ nhân ông của thứ dân.
Như Đế Thích là Vua vạn vật,
Chính là chúa tể của thiên nhân.
Thấy vậy thần nói: người hiền trí,
Thấp kém, người giàu thắng thế hơn.
Khi Vua nghe vậy, liền nghĩ thầm: Điều ấy đã được Senaka nói thẳng ra, ta không biết con ta có bác bỏ được và nói gì thêm không đây.
Vì thế Vua hỏi:
Này, bậc Trí Giả nghĩ sao đây?
Tuy nhiên lý luận này của Senaka không ai bác bỏ được, trừ Bồ Tát thế là bậc Đại Sĩ liền bác bỏ ngay.
Ngài đáp: Tâu Phụ Vương, kẻ ngu ngốc kia nào biết gì?
Lão chỉ nhìn thấy mình mà không biết đến tính siêu việt của trí tuệ, xin Đại Vương hãy nghe đây.
Rồi Ngài ngâm kệ:
Người ngu nô lệ của người hiền,
Khi vấn đề này phát khởi lên,
Bậc Trí Giải đề khôn khéo lắm,
Kẻ ngu rối trí tựa cuồng điên.
Thấy điều này, trẻ thơ xin nói:
Bậc trí hơn xa kẻ lắm tiền.
Bậc Đại Sĩ đưa ra lý luận này biểu lộ đại trí của Ngài, chẳng khác nào Ngài đào được cát vàng dưới chân núi Tu Di hay đem vầng trăng tròn sáng tỏ lên bầu Trời.
Này Senaka, nếu được thì khanh cứ đối đáp lại đi. Nhưng cũng như kẻ đã dùng hết thóc gạo trong kho, Senaka ngồi yên, rầu rĩ, lòng phiền muộn không nói năng gì được nữa.
Nếu ông tìm ra được một lý luận khác, chắc cả ngàn câu kệ nữa cũng chưa hết chuyện Tiền Thân này, nhưng khi ông ấy không trả lời được nữa, bậc Đại Sĩ lại tiếp tục ngâm kệ tán thán trí tuệ, chẳng khác nào Ngài để dòng hồng thủy tuôn tràn:
Trí tuệ được sùng bởi thiện nhân,
Bạc vàng được chuộng bởi người trần,
Đắm say hưởng thụ bao tham dục.
Tri kiến Phật Đà thật tuyệt luân.
Vàng bạc chẳng bao giờ vượt quá
Trí cao siêu việt, tấu Vương quân.
Nghe xong Vua rất hoan hỷ với cách giải đáp vấn đề của bậc Đại Sĩ, đến độ Vua ban thưởng Ngài vô số tài sản và ngâm kệ:
Con đáp mọi câu hỏi của ta,
Pháp Sư độc nhất, Ma Ho Sa,
Ngàn bò cái, một voi, bò đực,
Tuấn mã kéo mười cỗ đại xa,
Mười sáu ngôi làng giàu đẹp nhất,
Hân hoan ta tặng thưởng con thơ.
Đến đây chấm dứt vấn đề giàu nghèo chương hai mươi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Phạm Hạnh - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Oán Hận
Phật Thuyết Kinh Uy Nghi Hình Sắc Của Pháp Hoa Mạn đà La - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Am La Nữ
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Ba - Phẩm Căn Bổn Phân Biệt - Kinh Phân Biệt đại Nghiệp
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Lớn - Phần Sáu - Kalì