Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Sáu - Phẩm Cảnh Giới Của Thức - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM SÁU

PHẨM CẢNH GIỚI CỦA THỨC  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ nơi tòa ngồi có một vị Bồ Tát tên là Hào Hiền, từ phương Đông, cách cõi này mười sáu hằng sa Quốc Độ, đi đến Thế Giới Ta Bà để được nghe và lãnh hội pháp Anh Lạc thâm diệu.

Lúc này Bồ Tát Hào Hiền liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật, quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con có điều muốn thưa hỏi, nếu được Thế Tôn cho phép thì mới dám nêu bày.

Đức Thế Tôn nói: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Ta sẽ vì Bồ Tát mà mỗi mỗi sự việc phân biệt, giảng giải đầy đủ.

Bồ Tát Hào Hiền thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là thức nắm giữ cảnh giới của thức?

Như Thế Tôn đã dạy: Thức theo hữu vi, không theo vô vi.

Rồi lại cho rằng: Thức theo vô vi, chẳng theo hữu vi.

Như thế thì có thức này, thức kia chăng?

Có thể gọi tên là cảnh giới của thức chăng?

Đức Phật bảo Bồ Tát Hào Hiền: Chẳng có thức nào từ pháp sinh ra cả.

Bồ Tát Hào Hiền thưa: Thế nào gọi là chẳng có thức nào từ pháp sinh ra cả?

Đáp: Thức chẳng phải là thức thường hằng mà là theo pháp nên có thức.

Lại hỏi: Thế nào là thức chẳng phải thường hằng?

Đáp: Nhận biết trùm khắp tất cả, ghi nhận hết thảy các pháp. Đó gọi là thức chẳng phải là thức thường hằng.

Lại hỏi: Thức có trí chăng?

Là không có trí chăng?

Đáp: Thức có trí như như. Thức không trí như như. Thức của hết thảy chúng sinh là có trí như như. Thức của các bậc Hiền Thánh tu học rốt ráo tất là không trí như như.

Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là hữu thức như như, vô thức như như.

Lại hỏi: Thế nào gọi là hữu thức, vô thức?

Thế nào gọi là hữu thức như như, vô thức như như?

Đáp: Có thể phân biệt đầy đủ về trí hữu thức và trí vô thức như như. Đó gọi là phân biệt về cảnh giới của thức.

Bồ Tát Hào Hiền thưa Đức Thế Tôn: Như Lai hôm nay nói về ý nghĩa của định, ý nghĩa của thức, khiến con càng tăng thêm hồ nghi.

Đức Phật bảo Bồ Tát Hào Hiền: Bồ Tát hãy hết sức lắng nghe và khéo suy nghĩ ghi nhớ. Hoặc có trí thức, chẳng phải trí thức. Hoặc có pháp thức, chẳng phải pháp thức.

Thế nào là pháp thức chẳng phải pháp thức?

Từ diệu nghĩa đệ nhất tột bậc đến quả vị Bích Chi Phật, đó gọi là pháp thức. Từ kiến địa, bạc địa, tánh địa, vô ngại địa, cho đến nhất sinh bổ xứ, đó gọi là pháp thức.

Pháp thức lại có năm pháp.

Những gì là năm pháp?

1. Hướng tới trí tuệ giải thoát.

2. Nhận biết thân mạng đời trước.

3. Hướng tới trí tuệ phân biệt.

4. Hội nhập pháp môn không.

5. Quán tưởng về gốc của tâm.

Đó gọi là năm sự việc thành tựu được pháp thức.

Lại cũng có năm sự việc cũng giúp cho pháp thức thành tựu.

Những gì là năm?

1. Tu tập phạm hạnh, không gần gũi ba độc.

2. Ở trong bào thai nhưng không nhiễm sinh tử.

3. Thực hiện các pháp vô tướng, không, vô nguyện.

4. Tu tập đạt thần thông, thần túc vô ngại.

5. Đứng vững nơi giác ý để thấu đạt nhất tướng vô tướng.

Đó gọi là những hỗ trợ để thành tựu pháp thức thanh tịnh.

Đức Phật bảo Bồ Tát Hào Hiền: pháp thức thanh tịnh lại có năm sự việc.

Những gì là năm việc?

1. Học thức không biến đổi, tư duy về các nẻo học vấn.

2. Dứt mọi học vấn dấu tích, không còn thấy nẻo hướng tới của các pháp.

3. Chẳng thấy có giáo pháp, cũng chẳng thấy không có giáo pháp.

4. Lại cũng không thấy tánh của đạo hay chẳng phải tánh của đạo.

5. Dấy khởi đạo ý hay chẳng dấy đạo ý.

Đó gọi là năm pháp góp phần làm thanh tịnh pháp thức.

Dùng định để quán pháp thức lại có năm sự.

Những gì là năm pháp?

1. Dùng định để dứt cấu uế từ gốc, không còn thấy nơi chốn.

2. Nhớ nghĩ đến vô lượng các pháp định ý không tịch.

3. Tạo lập gốc của đạo, không cùng với các hội đạo.

4. Tâm dứt mọi niệm mong cầu an tọa nơi Đạo Tràng.

5. Tu tập tạo các phước điền dứt sạch mọi vọng tưởng.

Đó gọi là năm sự giúp cho pháp thức thanh tịnh.

Pháp thức là vô sinh, cũng có năm pháp.

Những gì là năm pháp?

1. Thức quán quá khứ, không dấy tưởng sinh diệt.

2. Thức quán hiện tại chẳng thấy sinh diệt.

3. Thức quán vị lai không thấy sinh diệt.

4. Quán sát gốc ngọn của thức không thấy sinh diệt.

5. Thức quán tánh như không thấy sinh diệt.

Đó gọi là năm pháp giúp cho pháp thức thanh tịnh.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Hào Hiền: Để đạt đến đạo quả Chánh Giác của Như Lai, lại nên tu tập pháp thức, thông đạt mọi âm hưởng, có mười hạnh.

Những gì là mười hạnh không chấp vướng vào pháp giới, cùng không thấy gốc của thức?

1. Ở trong ấy luôn gồm đủ đạo hạnh thần túc. Muốn đạt được sự tu tập thanh tịnh về pháp giới và thức ấy, tâm ý lúc ban đầu phải vững chắc, kiên cố như núi, như tường đá. Dần dần dẫn đến việc tư duy về thân từ gốc, biết rõ về thân và lìa thân.

Đã lại lìa bỏ thân, biết rõ tâm và lìa tâm. Lại đã lìa tâm, biết rõ về không và lìa không. Lại lìa bỏ không, xong thì trở lại từ một ý cho tới trăm ngàn ý. Những ý chưa được chuyển hóa thì nên dốc sức tu tập chuyển hóa. Lại thông tỏ các pháp hóa độ là không chốn có. Đó gọi là pháp thức dấy khởi đạo hành thần túc.

2. Dùng thân thức không để tu tập các hành thân thức, hoặc dùng thân thức để tạo nên hành không thân thức. Thức khác thân thức, chẳng phải là thân thức. Đó gọi là pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

3. Ở đấy không có hai pháp, phân biệt về tất cả các pháp. Ở trong ấy thành tựu đạo quả Chánh Giác, không thấy thức sinh khởi. Thành Bậc Chánh Giác, đối với ức trăm ngàn số về quá khứ thảy có thể phân biệt. Nên giữ lấy các ấm, nhập, không làm mất gốc hành động và nẻo hướng tới của chúng sinh. Đó gọi là pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

4. Các pháp không chuyển hóa, không thấy sự biến dịch. Ở trong ấy thức luôn tạo lập chẳng thể tận cùng. Đó gọi là pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

5. Nơi thực hiện các pháp định để nhận rõ cõi không, lại tự mở rộng thân như cõi ấy không khác. Đó gọi là pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

6. Quán sát các Thế Giới cũng không thấy tận cùng. Tất cả Thế Giới thành cõi hay chẳng thành cõi thảy đều có thể thông tỏ. Đó gọi là pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

7. Phàm pháp giới thức thành hình tướng của năm ấm có sinh có diệt. Đó gọi là pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

8. Không vướng chấp vào pháp giới, chẳng thấy hình tướng. Thức quá khứ chẳng phải hiện nay, thức hiện nay chẳng phải quá khứ. Không thấy gốc ngọn của mọi nhân duyên hiện tại. Đó gọi là pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

9. Luôn phân biệt nhận rõ về tánh của các pháp cũng như nẻo hướng tới của hết thảy các pháp, không hề thấy những hang hốc ẩn dấu, che đậy, ý được thu giữ dứt tưởng cũng không dấy trí. Đó gọi là pháp thức tu tập các hạnh thần túc.

10. Các pháp không sinh, cũng không thấy có sự sinh diệt. Lại có thể tư duy về tính chất sinh diệt của các pháp. Bản tánh vốn như nhiên nhất tướng vô tướng.

Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là nẻo tu tập của Bồ Tát về các hạnh thần túc.

Đức Phật lại bảo các vị Tộc Tánh Tử: Lại có mười pháp để tạo được việc không tham chấp đối với pháp giới.

Những gì là mười pháp?

1. Như Lai là Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời nên có thể gồm đủ thân thức, tưởng của ba đời. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

2. Dùng ba pháp diệt để dần dà hóa độ chúng sinh. Không thấy diệt, cũng không thấy chẳng diệt. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

3. Phân biệt câu nghĩa, mỗi mỗi đều thông tỏ, lại dùng trí tuệ phương tiện để làm hiện rõ gốc của các nghiệp. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

4. Như Lai là Bậc Vô Thượng Chánh Giác nên luôn tư duy nhận rõ về bốn tuệ vô lượng, dứt mọi tưởng về đoạn diệt và hữu thường. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

5. Lại dùng trí tuệ thâm diệu hóa độ hết thảy chúng sinh, không rời bỏ lòng từ bi lớn lao. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

6. Quan sát hết thảy mọi loài chúng sinh đã được thuần thục hay chưa thuần thục, theo loài mà giáo hóa không lìa bỏ tánh của chúng. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

7. Như Lai Thế Tôn thực hiện các phương tiện quyền xảo để dốc độ hết mọi chúng sinh mà không thấy có sự hóa độ ấy. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

8. Trí tuệ Phật là vô lượng, không thấy có sự thành hoại. Có sinh có diệt không phải là bản thệ của Như Lai. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

9. Như Lai nhất tướng, không nhiễm đối với ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai. Tu hạnh không dựa cậy nên mới đạt đạo quả vô thượng bồ đề. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

10. Như Lai là Bậc Vô Thượng Chánh Giác, có thể đem vô số ức ngàn vạn kiếp dùng làm một ngày, nơi một ngày ấy hóa độ chúng sinh không thể tính kể hết được. Đó gọi là pháp thức tu tập hạnh vô ngã.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Hào Hiền: Về vô số A tăng kỳ kiếp thời quá khứ, tự nhớ nghĩ về việc tu hành pháp thức vô hình, có Đức Phật hiệu là Hoằng Thệ Vô Nguyện Như Lai, là Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác với mười tôn hiệu gồm đủ, đã thuyết giảng về các hạnh của pháp giới, đã dứt sạch mọi tham chấp vướng mắc. Về pháp giới ấy có một trăm lẻ bảy pháp.

Những gì là một trăm lẻ bảy pháp ấy?

Đó là Không mong đạt hạnh không. Không niệm về hữu thường. Quan sát thế gian xem như cảnh mộng. Tự dứt mọi phân biệt tôi ta. Không dấy thức sinh. Nhận rõ hình tướng của cảnh giới. Vĩnh viễn dứt trừ vọng kiến.

Tâm bố thí, cứu giúp luôn đầy đủ. Tâm luôn an định, ở nơi đông đảo không rối loạn. Thân thức, không thức, không dấy từng ấy tưởng. Có bao nhiêu số lượng Bồ Tát, không chấp vào danh hiệu, quan sát để nhận rõ các pháp chẳng phải một, chẳng phải hai.

Chúng sinh dấy khởi giận dữ, liền dùng phương tiện để nêu bày, dứt trừ gốc tu tập các hành của thân thức. Mười hai nhân duyên. Bốn chân lý trí tuệ của Bậc Giác Ngộ. Tư duy về gốc của khổ là có khổ thức chăng. Hoặc có lúc có thức, nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Hoặc lúc có thức, lìa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Hoặc lúc có thức chấp sắc nhưng thức không nhiễm. Hoặc lúc có thức chẳng chấp sắc, thức không nhiễm. Thức ấy vi diệu chẳng hề thoái chuyển, Bồ Tát với khả năng có thể thấu đạt.

Hoặc lúc có thức, không chấp âm thanh, thức không nhiễm, cũng dứt mọi âm hưởng nên gọi là thức thanh tịnh. Hoặc lúc có thức, chấp nơi hương, thức không nhiễm. Hoặc lúc có thức, không chấp vướng hương, thức không nhiễm, mỗi mỗi đều nhận rõ không làm mất Pháp thức.

Hoặc lúc có thức, chấp vướng nơi vị, thức không nhiễm. Cũng lại phân biệt rõ không làm mất thứ tự. Hoặc lúc có thức, vướng chấp nơi thân để có thêm vui thích, thức không nhiễm. Hoặc lúc có thức, không chấp nơi thân thêm vui thích, thức không nhiễm, mỗi mỗi phân biệt không dấy tưởng chấp trước.

Hoặc lúc có thức, thông tỏ các pháp có sinh có diệt, có pháp hữu vi, có pháp vô vi, có tịnh có loạn. Đó gọi là Đại Bồ Tát nhận rõ tánh của thức không hề bị cấu nhiễm.

Lại nữa, này các vị Tộc Tánh Tử! Nhận rõ về bốn tuệ vô lượng là từ, bi, hỷ, hộ xả làm cho chúng hiện diện đầy khắp hết thảy mọi nơi để thâu phục, cứu độ chúng sinh, cũng dứt mọi vướng chấp về sự cứu độ ấy.

Hoặc lúc có các vị Tộc Tánh Tử nhập định tam muội tu tập một pháp, hành hóa nhất pháp, liền đạt được trăm ngàn pháp môn tổng trì.

Như tiếng vang, như huyễn hóa, dần dần mới đạt tới các pháp định ý diệt tận. Thân hành hóa thanh tịnh không tạo gốc ác. Tâm luôn nhớ nghĩ về từ bi, không thực hiện các việc ác. Thông tỏ ba đời, dứt trừ mọi mối ràng buộc, vướng mắc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần