Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Năm - Phẩm Hai Mươi - Bài Kệ - Chuyện đại Vương Sivi Tiền Thân Sivi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI NĂM  

PHẨM HAI MƯƠI

BÀI KỆ  

CHUYỆN ĐẠI VƯƠNG SIVI

TIỀN THÂN SIVI  

Nếu thí tài gì thuộc thế nhân. Chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về lễ vật cúng dường tối thượng. Trường hợp này đã được kể đầy đủ trong chương tám. Tiền Thân Savìra. Song tại đây vào ngày thứ bẩy, Vua dâng đủ tất cả vật cúng dường và thỉnh cầu lời tùy hỷ. Tuy nhiên, bậc Đạo Sư ra đi mà không tán thán công đức của Vua.

Sau buổi điểm tâm, Vua đi đến Tịnh Xá và hỏi: Bạch Thế Tôn, vì cớ gì Thế Tôn không đáp lời tùy hỷ hôm ấy?

Bậc Đạo Sư nói: Thưa Đại Vương, hội chúng kia không thanh tịnh.

Ngài lại tiếp tục thuyết pháp, ngâm vần kệ bắt đầu bằng câu: Người hạ tiện sẽ không lên Thiên Giới Pháp Cú. Vua đầy hoan hỷ bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Như Lai bằng cách dâng chiếc thượng y của xứ Sivi trị giá một ngàn đồng tiền. Sau đó Vua trở về thành.

Ngày hôm sau trong Chánh Pháp Đường, Tăng Chúng nói về chuyện ấy: Này các Hiền Giả, Vua Kosala đã cúng dường lễ vật tối thượng, và chưa hài lòng với việc ấy, nên sau khi Đấng Thập Lực thuyết giáo cho Vua ấy, Vua liền dâng chiếc y của xứ Sivi trị giá cả một ngàn đồng tiền vàng.

Quả thật Vua không hề thỏa mãn với việc cúng dường!

Bậc Đạo Sư bước vào, và hỏi các vị đang bàn việc gì khi ngồi đó. Tăng Chúng trình với Ngài.

Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, bố thí ngoại tài quả thật là điều có thể thỏa đáng được, song các bậc Trí Nhân ngày xưa đã bố thí cho đến khi khắp cả Diêm Phù Đề đều vang danh lừng lẫy, mỗi ngày bố thí cả sáu trăm ngàn đồng tiền, vẫn chưa thỏa mãn với việc bố thí ngoại tài, và nhớ lại câu phương ngôn: Hãy đem cho cái gì ta yêu quý nhất và từ tâm sẽ sinh khởi, cho nên các vị ấy đã móc đôi mắt mình ra tặng những kẻ nào đòi xin chúng. Cùng với những lời này. Ngài kể một chuyện quá khứ.

Một thuở nọ, khi Đại Đế Sivi cai trị tại Kinh Thành Aritthapura trong Quốc Độ Sivi. Bậc Đại Sĩ sinh ra làm Vương Tử. Triều thần đặt tên Ngài là Vương Tử Sivi.

Khi Ngài lớn lên, Ngài đi đến Takkasikà học tập tại đó, xong trở về chứng tỏ tài năng kiến thức của Ngài trước Vua cha nên được phong làm phó Vương.

Lúc Phụ Vương băng hà, Ngài lên ngôi Vua và từ bỏ các ác đạo, Ngài hành trì Thập Vương Pháp và trị dân rất chân chánh. Ngài truyền xây sáu bố thí đường tại bốn cổng thành, giữa Kinh Thành và ngay cửa cung của Ngài.

Ngài bố thí rất hào phóng mỗi ngày sáu trăm ngàn đồng tiền vào các ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm, Ngài chẳng hề quên thăm viếng các bố thí đường để xem xét bố thí được thực hành ra sao.

Vào một ngày trăng tròn kia, chiếc lọng Hoàng Gia đã được giương lên từ sáng sớm và Ngài ngự trên ngai vàng suy ngẫm về các thí vật Ngài đã ban phát.

Ngài tự nghĩ: Trong tất cả các tài vật bên ngoài, chẳng có món gì ta không đem cho hết, song cách bố thí này chưa làm ta hài lòng. Ta muốn bố thí vật gì thuộc về bản thân ta.

Ðược rồi hôm nay ta đến bố thí đường phát nguyện rằng nếu có người nào không xin một vật gì đó ngoài thân ta, lại nói rõ tên một phần thân thể ta, nếu người ấy muốn nói đến chính quả tim ta, ta sẽ quyết lấy dao xẻ phăng lồng ngực ta và chẳng khác nào ta nhổ lên một cộng sen từ hồ nước phẳng lặng, ta sẽ móc lấy quả tim ta đang chảy máu từng cục đem cho người ấy. Nếu người ấy muốn xin thịt ta, ta sẽ xẻ thịt ra từ thân thể và cho nó, như thế ta dùng cái dao mà khắc chạm tấm thân này.

Người đó cứ nói đến máu của ta, ta sẽ lấy máu ta nhỏ từng giọt vào miệng người đó, hoặc đổ đầy một chén rồi đem cho, hoặc nữa, giả sử có ai bảo: Hạ thần không làm nổi việc nhà, xin hãy đến làm gia nô tại nhà hạ thần, ta nhận mình là nô lệ và ta sẽ làm hết các việc nô dịch. Hoặc giả có ai đó xin đôi mắt ta, ta sẽ móc mắt ra cho nó như người ta lấy lõi của cây dừa nước.

Ngài nghĩ thầm như vậy:

Nếu thí tài gì thuộc thế nhân,

Dẫu là đôi mắt, chẳng hề ban,

Giờ đây ta sẽ đem ban bố,

Lòng chẳng hãi kinh, thật vững vàng.

Thế rồi Ngài tắm mình với mười sáu bình nước hoa thơm và trang sức cực kỳ lộng lẫy và sau một buổi cơm đầy cao lương mỹ vị, Ngài ngự lên một con voi được tô điểm cân đai rất rực rỡ đưa Ngài đến đại bố thí đường.

Khi Sakka  Ðế Thích Thiên Chủ nhận thấy quyết tâm của Ngài liền suy nghĩ: Vua Sivi đã cương quyết đem đôi mắt Ngài bố thí cho kẻ nào ngẫu nhiên đến xin Ngài.

Thế Ngài có đủ hùng lực để thực hiện việc đó hay chăng?

Thiên Chủ quyết định đi thử thách Ngài, nên giả dạng một Bà La Môn già mù mắt, Thiên Chủ đứng trên một chỗ cao, khi Đức Vua bước vào bố thí đường, Thiên Chủ đưa tay ra, kêu lớn: Vạn tuế Ðại Vương!

Lúc ấy Vua lái Vương tượng về phía Thiên Chủ, phán bảo: Này Bà La Môn ông nói gì vậy?

Thiên Chủ đáp: Tâu Ðại Vương, trên cõi thế gian này không nơi nào không vang dậy phương danh về từ tâm hào phóng bố thí của Ðại Vương. Nay lão đã mù lòa, còn Ðại Vương có đủ hai mắt. Rồi Thiên Chủ ngâm vần kệ đầu để xin một con mắt.

Chẳng có mắt, nên chính lão già,

Ðến xin con mắt, tự phương xa,

Lão cầu Chúa Thượng ban con mắt

Một mắt cùng nhau mỗi chúng ta.

Khi bậc Ðại Sĩ nghe lời này, Ngài suy nghĩ: Chính đó là chuyện mà ta suy nghĩ ở hậu cung trước khi ta đến đây kia! Ồ cơ duyên đến mới tuyệt diệu làm sao chứ!

Tâm nguyện của ta hôm nay sẽ được thành tựu, ta sẽ bố thí một tài vật mà chưa một người thế tục nào từng ban phát, và Ngài ngâm vần kệ thứ hai:

Ai đã dạy ông bước đến đây,

Ðể xin một mắt, lão ăn mày?

Ðây phần thân thể người cao trọng,

Chúng bảo xa lìa khó lắm thay!

Các vần kệ sau là do hai vị ngâm để đối đáp với nhau:

Lão Bà La Môn:

Suja Phu tướng, chính nơi đây,

Người gọi Magha cũng hiệu này,

Ngài dạy lão về đây yết kiến,

Van nài cho được một mắt ngay.

Thí tài tối trọng đại, mong cầu

Chúa Thượng ban già một bảo châu,

Xin chớ chối từ già một mắt,

Thí tài tối trọng, đứng hàng đầu,

Như lời thế tục thường hay nói:

Thật khó cho người dứt bỏ sao!

Vua Sivi:

Ước nguyện làm ông đến tận đây

Trong lòng ông khởi ước như vậy,

Cầu mong nguyện ước kia thành tựu,

Ðạo sĩ, cầm đôi mắt trẫm này!

Ông chỉ xin ta một mắt thôi,

Nhìn xem! Ta bố thí tròn đôi!

Hãy đi với nhãn quang hoàn hảo

Trước mắt nhìn theo của mọi người,

Vậy ước nguyện ông mong thực hiện

Giờ đây hẳn đã đạt thành rồi!

Ðức Vua đã nói nhiều như thế. Song nghĩ rằng nếu Ngài tự móc mắt của mình ra mà tặng ngay tại đó, vào lúc ấy, thì không thích hợp, nên Ngài đem vị Bà La Môn cùng vào nội cung với Ngài, và khi ngự lên ngai vàng, Ngài truyền lệnh triệu một vị phẫu thuật sư tên là Sivaka vào chầu.

Rồi Ngài phán: Khanh hãy lấy mắt trẫm ra. Lúc bấy giờ cả Kinh Thành vang dậy nguồn tin rằng Đức Vua muốn cắt đôi mắt Ngài ra để bố thí cho một lão Bà La Môn.

Sau đó vị đại tướng quân cùng với các viên quan khác và mọi người thân thuộc của Vua, từ trong Kinh Thành lẫn hậu cung đều tề tựu cùng nhau và ngâm ba vần kệ để xin Vua từ bỏ ý định trên:

Xin đừng cho mắt, tấu minh quân!

Chúa Thượng ôi, đừng bỏ chúng thần!

Bố thí san hồ, tiền, bảo ngọc,

Và nhiều vật khác quý vô ngần.

Cho bầy tuấn mã đủ yên cương,

Bảo kéo đoàn xa giá xuống đường,

Chúa Thượng truyền xua đoàn bảo tượng

Cân đai tuyệt mỹ rặt toàn vàng.

Các vật này xin Chúa Thượng ban,

Chúng thần mong hộ chúa bình an,

Toàn dân trung tín cùng xa pháp,

Tề tựu quanh Vương vị xếp hàng.

Vua lập tức đáp lời, ngâm ba vần kệ:

Tâm kẻ muốn ban bố, phát nguyền,

Về sau lại thấy chẳng trung kiên,

Cổ mình tự đặt vào thòng lọng

Che dấu nằm sâu dưới đất liền.

Tâm nào đã thệ nguyện thi ân,

Sau lại thấy lòng chẳng thuỷ chung,

Thật lỗi lầm hơn là tội ác,

Phải đày đọa ngục Dạ Ma cung.

Ðừng cho gì nếu chẳng ai xin,

Cũng chớ cho ai thứ chẳng thèm,

Vậy vật này đây hành khất muốn

Cầu xin, trẫm bố thí ngay liền.

Lúc ấy triều thần vừa hỏi: Vậy Chúa Thượng ước nguyện điều gì khi bố thí cặp mắt của Chúa Thượng?

Họ vừa ngâm vần kệ:

Thọ mạng, sắc, quyền lực, lạc hoan,

Ðâu là phần thưởng, tấu minh quân?

Lực nào thúc dục Ngài hành động,

Chúa Thượng Sivi của Quốc dân,

Sao lợi gì cho đời kế vậy,

Ngài đành bỏ cặp mắt mình vàng?

Vua đáp hội chúng qua vần kệ:

Như vậy, trong khi muốn cúng dường,

Ðích ta chẳng nhắm đạt vinh quang,

Nhiều con, nhiều của, nhiều Vương Quốc,

Ðể nắm quyền cai trị thế gian.

Ðây chính là con đường Thánh thiện,

Từ xưa của các Bậc Hiền Nhân.

Tâm ta nồng nhiệt hằng mong ước

Ðem mọi thí tài để phát ban.

Trước lời lẽ của bậc Ðại Sĩ, Quần Thần không đáp được nữa, vì thế bậc Ðại Sĩ ngâm kệ bảo Sivaka, vị phẫu thuật sư:

Bạn hiền, chí thiết, Sivaka,

Xin hãy làm theo lệnh của ta,

Bạn có đầy tài năng kỹ xảo,

Xin đem liền cặp mắt ta ra,

Vì đây là chính điều tâm nguyện,

Và tặng vào tay Khất Sĩ già.

Song Sivaka đáp: Tâu Chúa Thượng, xin Chúa Thượng suy nghĩ lại. Ðem cho cặp mắt không phải là chuyện tầm thường đâu!

Này Sivaka, trẫm đã suy xét kỹ rồi. Xin đừng trì hoãn hay nói chuyện gì nhiều trước mặt trẫm nữa.

Lúc ấy Sivaka suy nghĩ: Một phẫu thuật sư như ta lại lấy lưỡi dao đâm thủng cặp mắt một bậc Quân Vương thật chẳng hợp lý tí nào. Vì vậy vị ấy giã một ít cây thuốc, chà xát một đóa sen xanh với thứ bột ấy rồi xoa khắp lên mắt phải của Vua. Con mắt liền đảo lộn tròng, hết sức đau đớn.

Tâu Ðại Vương, xin Ngài hãy suy nghĩ kỹ, hạ thần có thể làm cho mắt bình phục được ngay. Này Hiền hữu, cứ làm tiếp đi, xin đừng trì hoãn nữa.

Vị ấy lại xát thứ bột kia vào mắt và xoa bóp cho thuốc thấm: Con mắt bật ra khỏi lỗ, nỗi đau đớn lại càng khốc liệt hơn trước nữa. Tâu Ðại Vương, xin Ngài hãy suy nghĩ lại, ha thần vẫn có khả năng phục hồi con mắt Ngài như cũ.

Khanh hãy làm việc nhanh lên! Lần thứ ba, vị phẫu thuật Sư xoa một thứ bột mạnh hơn nữa và xát vào. Nhờ công hiệu của thuốc này, con mắt đảo lộn và lăn ra ngoài lỗ mắt, dính lủng lẳng ở đầu sợi dây gân. Tâu Ðại Vương, xin Ngài hãy suy nghĩ lần nữa, nay hạ thần vẫn có thể phục hồi con mắt lại như trước.

Thôi nhanh lên. Nỗi đau đớn đến tột độ, máu chảy từng giọt, hoàng bào của Vua vấy toàn máu đỏ.

Ðám cung tần cùng triều thần quỳ xuống kêu van: Tâu Chúa Thượng, xin đừng hy sinh đôi mắt của Chúa Thượng. Cả đám người kêu gào thắm thiết.

Vua cố chịu đựng đau đớn và bảo:

Này Hiền hữu, hãy nhanh lên.

 Xin vâng, tâu Chúa Thượng.

Phẫu thuật Sư đáp, tay trái cầm lấy tròng mắt, tay phải cầm dao cắt đứt sợi gân và đặt con mắt vào bậc Ðại Sĩ.

Ngài nhìn con mắt phải ấy bằng mắt trái vừa cố chịu đau vừa phán: Này Bà La Môn hãy đến đây.

Khi vị Bà La Môn đến gần, Ngài nói tiếp: Nhãn quang Chánh Giác còn thân thiết hơn nhãn quang này cả trăm lần, à không, cả ngàn lần kia. Ðấy, các người đã hiểu lý do trẫm hành động như vậy.

Rồi Ngài trao mắt cho vị Bà La Môn, lão liền đưa tay ra đón lấy mắt đặt ngay vào chỗ mắt mình. Nhờ thần lực của vị ấy, con mắt dính chặt vào đó chẳng khác nào đóa sen xanh nở ra.

Khi bậc Ðại Sĩ dùng mắt trái nhìn thấy con mắt kia trên mặt của vị Bà La Môn, Ngài kêu lớn: Ôi tốt lành thay là việc bố thí con mắt này của ta. Rồi nỗi hân hoan sinh khởi trong tâm Ngài làm rung động toàn thân ngay giây phút ấy, Ngài lại bố thí luôn con mắt kia.

Ðế Thích Thiên Chủ cũng đặt con mắt này vào lỗ mắt của mình và từ cung Vua, Thiên Chủ ra đi, sau đó rời Kinh Thành trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người nhìn theo, rồi trở về Thiên Giới.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðại Sĩ ngâm một vần kệ rưỡi:

Si vi chúa tể giục Si Va

Hoàn tất tâm nguyện của Đức Vua,

Trao tặng Bà La Môn Tài Thí vật,

Y sư lấy cặp mắt Ngài ra,

Bà La Môn có liền đôi mắt,

Chúa Thượng giờ đây phải tối lòa.

Chẳng bao lâu, đôi mắt Vua bắt đầu mọc lại, trong lúc chúng xuất hiện từ từ, và trước khi lên đến đỉnh cao của hai lỗ mắt, một cục thịt lớn dần bên trong lỗ như thể trái cầu bằng lông thú, tựa hồ đôi mắt trên hình đứa trẻ nhồi bông, song nỗi đau đớn đã chấm dứt. Bậc Ðại Sĩ an nghỉ trong cung thất ít ngày.

Sau đó Ngài suy nghĩ: Một kẻ mù lòa còn dính líu gì đến việc trị nước nữa. Ta muốn giao Quốc Độ cho các triều thần, rồi vào ngự viên thành kẻ khổ hạnh, sống đời thanh tịnh.

Ngài liền triệu tập Quần Thần, nói cho hội chúng nghe những việc Ngài dự định làm.

Ngài phán: Một người sẽ ở bên ta để rửa mặt, chăm sóc ta làm những gì cần thiết và phải buộc một sợi dây để dắt ta đi về nơi ẩn dật.

Sau đó Ngài truyền gọi viên quan lái xe của Ngài đến và ra lệnh cho người ấy chuẩn bị Vương xa. Song triều thần không muốn Ngài ra đi bằng xe ngựa, họ đưa Ngài lên đường trong chiếc kiệu bằng vàng và đặt Ngài xuống bên cạnh bờ hồ, đứng vây quanh Ngài, canh phòng cẩn thận xong lại ra về.

Còn Vua ngồi trong kiệu suy nghĩ đến việc bố thí của mình. Lúc ấy chiếc ngai của Sakka Ðế Thích Thiên Chủ nóng rực lên.

Thiên Chủ xem xét và nhận thấy lý do kia: Ta sẽ ban thưởng Vua một điều ước, Ngài suy nghĩ, và làm đôi mắt của Vua bình phục trở lại. Vì thế Thiên Chủ đến chỗ ấy. Khi không còn cách xa bậc Ðại Sĩ mấy, Thiên Chủ cất bước đi đi lại lại quanh đó.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm các vần kệ sau:

Vài ngày qua cặp mắt vừa lành,

Bình phục dần nên lại hiện hình,

Ðại đế Sivi nuôi Quốc Độ

Triệu quan điều ngự của riêng mình.

Ngự quan, chuẩn bị chiếc Vương xa,

Rồi đến đây trình báo với ta,

Ta muốn vào khu rừng, thượng uyển,

Ðầy hồ sen súng mọc chen hoa.

Quan đặt Vua vào chiếc kiệu hoa,

Và đây, dừng kiệu ở bên bờ,

Su ja Phu tướng, Ngài Thiên Chủ,

Xuất hiện, chính là Ðại Sakka.

Ai đó?

Bậc Đại Sĩ kêu lên khi Ngài nghe tiếng bước chân kia.

Ðế Thích Thiên Chủ liền ngâm vần kệ:

Chính ta là Thượng đế Sakka,

Ta đến đây tham kiến nhà Vua,

Hãy chọn hồng ân, này Thánh Chúa,

Điều gì Ngài ước, nói cùng ta.

Vua đáp lời qua vần kệ khác:

Sinh lực, kho vô tận, bảo châu,

Ta đều bỏ lại hết đằng sau,

Thiên hoàng, ta chẳng mong gì nữa

Trừ chết, vì ta có mắt đâu!

Sau đó Thiên Chủ hỏi: Này Ðại Vương Sivi, Ngài cầu mong cái chết vì Ngài muốn chết hay vì Ngài mù lòa?

Tâu Thiên Chủ, vì ta mù lòa. 

Này Ðại Vương, tài vật bố thí tự nó không phải là hoàn toàn đầy đủ ý nghĩa, mà nó phải được bố thí với một cái nhìn hướng về đời sau. Tuy thế, vẫn còn có duyên cớ liên quan đến cuộc đời hiện tại này. Trước đây, người kia xin Ngài chỉ một mắt, Ngài lại cho cả hai, vậy Ngài hãy phát nguyện nói lời chân thật về việc đó.

Rồi Thiên Chủ ngâm kệ:

Chúa tể của loài lưỡng túc nhân,

Hãy nguyền nói đúng lẽ toàn chân,

Nếu Ngài tuyên bố lời chân thật,

Ðôi mắt Ngài nay sẽ phục hoàn.

Nghe lời này, bậc Ðại Sĩ đáp: Tâu Thiên Chủ, nếu Ngài muốn ban cho trẫm con mắt thì xin đừng cố tìm phương tiện gì khác nữa, mà hãy làm cho mắt trẫm phục hồi như là kết quả hạnh bố thí của trẫm thôi.

Thiên Chủ bảo: Này Ðại Vương, dù ta được chúng gọi là Ðế Thích, Chúa tể Chư Thiên, ta cũng không thể đem con mắt cho ai được cả. Tuy thế, nhờ thiện quả từ hạnh bố thí của Ðại Vương, chứ chẳng phải do việc gì khác, mà mắt của Ðại Vương sẽ được phục hồi đó thôi.

Tiếp theo, Vua ngâm kệ xác nhận việc bố thí của mình đã được thực hiện tốt đẹp chân chánh:

Loài nào bất kể, muốn cầu ân,

Hễ có ai nài nỉ lại gần,

Ai đến bất kỳ, xin bố thí,

Lòng ta cũng thấy thật thương thân:

Nếu lời Ðại nguyện này chân thật,

Cầu mắt ta nay sẽ hiện dần.

Ngay khi Ngài vừa thốt những lời này, một con mắt của Ngài xuất hiện ra trong lỗ mắt.

Sau đó Ngài ngâm đôi vần kệ để xin phục hồi con mắt kia:

Một Đạo Sĩ kia đến viếng ta,

Chỉ cần xin một mắt thôi mà,

Ta đà đem trọn đôi con mắt,

Bố thí La Môn Khất Sĩ già.

Hoan hỉ càng nhiều, lạc thọ tăng,

Chính hành động ấy đã ban phần,

Nếu lời nguyện ước này chân thật,

Mong được mắt kia cũng phục hoàn.

Lập tức con mắt thứ hai xuất hiện, song đôi mắt này không phải là tự nhiên hay của thần linh nào. Con mắt do Ðế Thích Thiên Chủ giả dạng Bà La Môn ban cho, không thể là con mắt tự nhiên mà có được, ta phải hiểu như vậy.

Còn về phương diện khác, thì một con mắt thần linh không thể hóa hiện ra bất cứ sinh vật nào đã bị thương tật. Nhưng thật sự cặp mắt này được gọi là nhãn quang toàn chân và tối thắng. Vào lúc chúng xuất hiện, toàn thể triều thần tề tựu lại nhờ thần lực của Ðế Thích Thiên Chủ.

Và Ðế Thích Thiên Chủ đứng giữa hội chúng, cảm hứng ngâm đôi vần kệ tán thán Đức Vua:

Ðại đế Sivi bảo dưỡng dân!

Bài ca Thánh thiện của minh quân

Cho Ngài được hưởng phần ân huệ

Vô giá này, đây cặp mắt thần.

Xuyên qua tường, núi, đá, đồng bằng,

Bất cứ vật gì đứng cản ngăn,

Ðôi mắt Ngài đây đều thấy suốt

Khoảng chừng trăm dặm ở mười phương.

Khi ngâm kệ xong, Ngài vụt đứng trên không trước hội chúng này cùng với lời khuyến giáo bậc Ðại Sĩ phải tỉnh giác tu tập, rồi Thiên Chủ trở về Thiên Giới.

Còn bậc Ðại Sĩ được đám tùy tùng vây quanh, ngự xa giá về Kinh Thành trong cảnh uy nghi trọng thể và Ngài bước vào cung điện mệnh danh Candaka hay khổng tước nhãn con mắt chim công.

Nguồn tin Đức Vua đã được phục hồi cặp mắt vang dậy khắp Vương Quốc Sivi. Toàn dân tập họp lại để yết kiến Ngài cùng với các cống vật trong tay.

Bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: Giờ đây hội chúng này đã tụ họp đông đủ, ta sẽ tán thán việc bố thí vừa rồi đã làm. Ngài truyền lệnh dựng lên một ngôi đình ngay cổng thành, nơi đó Ngài ngự trên một Vương tọa với chiếc lọng trắng Hoàng Gia che trên đầu Ngài, triệu tập các hội đoàn, dân chúng, quân sĩ lại.

Rồi Ngài phán: Này dân chúng Sivi, nay các người đã nhìn thấy cặp thiên nhãn này thì đừng có bao giờ ăn thứ gì mà không đem bố thí đi một ít!

Rồi Ngài ngâm bốn vần kệ tuyên thuyết pháp lành:

Nếu mình được gợi ý thi ân,

Nào ai có từ chối được chăng,

Dù đó là phần cao quý nhất,

Của mình, bảo vật giá vô ngần

Dân chúng Sivi hội họp đoàn,

Ðến đây, nhìn cặp mắt Trời ban!

Xuyên qua tường đá, đồi, thung lũng

Bất cứ vật gì đứng cản ngăn

Ðôi mắt ta đều trông thấy suốt

Một trăm dặm trải khắp mười phương

Từ bỏ thân mình giữa thế nhân

Là điều cao quý nhất trên trần,

Ta đem bố thí mắt phàm tục,

Nên được Trời cho cặp mắt thần.

Dân chúng này xem, hãy phát ban,

Nhường phần cho kẻ khác khi ăn,

Nếu làm việc ấy đầy tâm thiện,

Người sẽ sinh Thiên chẳng lỗi lầm.

Ðức Vua thuyết pháp qua bốn vần kệ này, và về sau cứ mỗi nửa tháng, vào ngày Trai giới, và mỗi ngày rằm Ngài lại thuyết pháp qua các vần kệ trên liên tục trước đám dân chúng đông đảo quây quần. Nghe lời ấy, dân chúng bố thí và làm nhiều thiện sự, cho nên đã đi lên gia nhập hội chúng Cõi Trời thật đông đúc.

Sau khi bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại này Ngài bảo: Như vậy, này các Tỳ Kheo, các bậc Trí Nhân ngày xưa không thỏa mãn việc bố thí ngoại tài, nên đã bố thí cho bất cứ người nào ngẫu nhiên đến xin chính cả đôi mắt của mình lấy từ đầu ra nữa.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Ànanda là phẫu thuật sư Sivaka, Anuruddha A Na Luật Đà là Thiên Chủ Ðế Thích, hội chúng của Đức Phật là toàn dân và ta chính là Vua Sivi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần