Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Pháp Giới - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI BA

PHẨM PHÁP GIỚI  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng hào quang từ tướng lưỡi chiếu sáng khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, đến các cõi nước Chư Phật trong mười phương, bốn hướng trên dưới đều được chiếu sáng. Lại chiếu đến tám vạn bốn ngàn ức, hằng hà sa số Thế Giới Tịch mịch ở phương Đông.

Chư Phật khắp nơi tập họp thường giảng thuyết hạnh thù thắng của Bồ Tát, không có hàng Nhị Thừa, phân biệt Thế Giới đều có thứ tự, từ các cõi kia đến Thế Giới Ta Bà, sở dĩ như vậy, là vì phát nguyện giữ việc đếm thẻ không cho nhầm lẫn.

Phật bảo Tối Thắng: Hôm nay, ta nhớ lại lúc ở trong chúng hội của Đức Phật kia, có một ức Chư Phật cùng lấy thẻ.

Ta là người đứng đầu ở Thế Giới này, các Đức Như Lai: Từ Thị, Vô Cát, Sư Tử, Dũng Tuệ, Đức Phổ, Quảng Văn, Kim Nhan, Huyền Tịch, Bảo Hùng, Thường Bi, Thường Khiết, Hoằng Thệ, các Đức Phật như vậy đến một ức Như Lai, đồng thời nhận thẻ muốn đến Thế Giới Ta Bà này.

Đức Phật bảo Tối Thắng và chúng hội: Thế Giới Chư Phật không thể nghĩ bàn, thay hình biến hóa, thị hiện khắp nơi.

Các ông cho là Bồ Tát Từ Thị mới tu tập hạnh Bồ Tát sao?

Chớ nên nghĩ vậy, vì Bồ Tát Từ Thị tích tập hạnh nguyện Bồ Tát nhiều vô số kiếp. Trước tiên vì thệ nguyện thành tựu Chánh Giác nên mới tu tập hạnh mà ở thân sâu hoặc thị hiện khổ hạnh, hoặc thị hiện quang tướng, hoặc hiện Bồ Tát đệ tử của Đức Phật Thích Ca, tùy theo hạnh nguyện của người mà thuyết pháp cho họ.

Bấy giờ, Bồ Tát Từ Thị đang ở ngay tại chỗ ngồi, Phật bảo Di Lặc thị hiện hào quang của Phật và những người tùy tùng theo.

Lúc ấy, Di Lặc ẩn thân Bồ Tát, trở lại hiện ra hình Phật, cõi nước và chúng đệ tử không thể nghĩ bàn. Cả chúng hội đều thấy vậy khen ngợi việc chưa từng có. Vô hình tự nhiên, sắc tướng tự nhiên, các pháp tự nhiên, tất cả Chư Phật cũng tự nhiên. Khi ấy đại chúng thấy ở phương Đông có tám mươi bốn ức hằng hà sa số Thế Giới Tịch mịch, Chư Phật Thế Tôn ở đó thuyết giảng hạnh thù thắng của Bồ Tát, cùng một ngàn tám trăm pháp môn vi diệu.

Một ngàn tám trăm pháp môn vi diệu là gì?

Bồ Tát tu tập pháp môn Bản tịnh, nếu Bồ Tát vào được pháp môn này, không ở nơi giải thoát mà nhận sự chứng đắc của mình. Lại có pháp môn Vô ngôn thuyết, Bồ Tát vào được pháp môn này, vào cảnh giới hư không mà không ai có thể hay biết.

Lại có pháp môn Vô sở đắc, Bồ Tát chứng được pháp môn này, tuy có hóa độ chúng sinh mà không thấy có hóa độ. Lại có pháp môn Vô sở trì, Bồ Tát vào được pháp môn này, biết rõ bản tịch trong ngoài không chủ.

Lại có pháp môn Danh hiệu, Bồ Tát vào được pháp môn này, hiểu rõ tất cả các pháp rỗng không, không thật. Lại có pháp môn Thành tựu, Bồ Tát vào được pháp môn này, tuy ở trong hữu vi mà không chấp trước có tướng.

Lại có pháp môn Hóa thức, Bồ Tát vào được pháp môn này, hội nhập vào cảnh giới vô hình để giáo hóa vô hình. Lại có pháp môn Hiện hình, Bồ Tát vào được pháp môn này, thị hiện vô số hình để giáo hóa chúng sinh.

Lại có pháp môn Nhân duyên, Bồ Tát vào được pháp môn này, vì chúng sinh mà tạo ra các nhân duyên. Lại có pháp môn Pháp thanh, Bồ Tát vào được pháp môn này, chỉ nghe âm vang mà không thấy hình tướng.

Lại có pháp môn Ly hữu, Bồ Tát vào được pháp môn này, không thấy pháp có sinh diệt, thường đoạn. Lại có pháp môn giải thoát, Bồ Tát vào được pháp môn này, không thấy có Niết Bàn và đường đến Niết Bàn. Lại có pháp môn Thâm áo, Bồ Tát vào được pháp môn này, hiểu rõ Kinh Điển bí yếu của Như Lai.

Lại có pháp môn Vô Sắc tượng, Bồ Tát vào được pháp môn này, sẽ nhập định Vô Sắc để giáo hóa chúng sinh. Lại có pháp môn Vô quán hạnh, Bồ Tát vào được pháp môn này, biết được pháp Phật không giáo hóa cũng không nơi chốn để giáo hóa. Lại có pháp môn Sổ tức, Bồ Tát vào được pháp môn này, các pháp không có số, hiểu rõ hơi thở hay không hơi thở.

Này Tối Thắng! Đại Bồ Tát đạt được một ngàn tám trăm pháp môn vi diệu như vậy. Khi chúng hội được nghe các Đức Phật kia thuyết giảng pháp môn vi diệu này, thì tất cả các vị Bồ Tát ngay tại chỗ ngồi được tận tín pháp nhẫn, vô số chúng sinh hướng đến tiểu thừa đều pháp tâm Bồ Đề Vô Thượng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng với Di Lặc quả tướng hào quang vào miệng. Tâm đại bi của Như Lai mênh mông như vậy, giáo hóa chúng sinh không thể tính kể, đều làm cho chúng sinh đạt đến cảnh giới kiên cố.

Khi ấy, tất cả chúng hội đều suy nghĩ: Trước đây, chúng ta đều thấy Thế Giới Tịch mịch, nhưng lúc này bỗng nhiên không thấy nữa.

Chẳng phải cảnh giới ấy là huyễn hóa, sóng nắng, ảnh trong nước, cảnh trong mộng đều không chân thật sao?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của chúng hội, liền bảo Xá Lợi Phất: Thế nào?

Này Xá Lợi Phất! Ông đã từng nghe Như Lai nói về hạnh Thanh Văn là pháp hữu vi hay pháp vô vi, là pháp hữu lậu hay vô lậu. Là pháp chân thật hay pháp không chân thật. Là pháp hiện hay pháp chẳng hiện. Là pháp phiền não hay pháp không phiền não.

Là pháp hữu số hay pháp vô số. Là pháp có chấp hay pháp không chấp. Là pháp có tập hay pháp không tập. Là pháp sân giận hay pháp không sân hận. Là pháp xả hay pháp không xả. Là pháp phàm phu hay không phải pháp phàm phu. Là pháp Thánh Hiền hay không phải pháp Thánh Hiền. Là pháp ý chỉ, thần túc hay không phải pháp ý chỉ, thần túc.

Là pháp căn, lực. Giác đạo hay không phải là pháp căn, lực, giác đạo. Là pháp học hay không phải pháp học. Là Thanh Văn hay không phải pháp Thanh Văn. Là pháp Duyên Giác hay không phải pháp Duyên Giác. Là pháp Bồ Tát hay không phải pháp Bồ Tát. Là pháp Phật hay không phải pháp Phật.

Thế nào?

Này Xá Lợi Phất, ông đã từng nghe Như Lai thuyết giảng lời này không?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Không.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đối với chúng Thanh Văn, ta còn chưa nói là chấm dứt lậu và duyên chấp trước vào tưởng. Huống chi giảng thuyết là giáo pháp có nơi chốn, việc này không thể có.

Thuyết giảng giáo pháp đều không nơi chốn, không ngôn từ, không giảng dạy, không có tướng của pháp, pháp mà nói ra được thì đâu phải là pháp thật?

Thế nào?

Xá Lợi Phất! Hôm nay, ta nêu ví dụ người trí, nhờ ví dụ để hiểu. Ví dụ như người đàn ông mạnh khỏe nhìn lên hư không chẳng thấy hình tướng gì cả.

Nhưng ý người ấy, muốn chọn một khoảng không gian rồi dùng màu sắc để vẻ lên khoảng không gian đó những hình tướng: Trời, người, quỷ thần, Chiên Đà La, các loại súc sanh, sâu bọ côn trùng.

Thế nào Xá Lợi Phất! Ý định của người kia có thể thực hiện không?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể được, thật khó, không bao giờ làm được.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Sự giáo hóa quyền xảo của Như Lai không thể nghĩ bàn, thiết lập ngôn từ giáo nghĩa còn khó nơn việc kia.

Vì sao?

Vì tất cả các hành, pháp hữu vi hay vô vi pháp hữu lậu hay vô lậu, pháp đạo hay pháp tục, mười hai nhân duyên và sáu thân thức, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám chánh hành.

Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai, không hình tướng, không thể biết được. Cảnh giới hư không vắng lặng không hai. Các Đức Phật Thế Tôn du hóa khắp cõi, vì tất cả chúng sinh mà giảng thuyết. Giáo pháp thật không có tên gọi, chỉ là giả gọi, thật không văn tự giả là văn tự, thật không pháp tánh mà nói pháp tánh.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo để thích ứng với chúng sinh, tùy theo căn cơ của chúng để giáo hóa điều này mới rất khó. Giả sử có Tỳ Kheo tăng, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, hết tâm tin vào pháp như hư không vắng lặng nên tu hành đầy đủ nhờ có thể thành tựu tướng tốt của Như Lai. Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, thân cận cúng dường Chư Phật Thế Tôn.

Lại được các Đức Phật kia thọ ký pháp tổng trì, và lãnh thọ nghĩa thâm sâu vi diệu của pháp này rồi thuyết giảng truyền bá rộng rãi làm cho mọi người đều nghe hiểu. Đại Bồ Tát nên nhớ nghĩ đầy đủ bảy pháp không chấp trước.

Bảy pháp đó là: Hiểu tất cả hữu đều không thật có, không chấp vào hữu cũng không thấy hữu. Tuy hiện các hình tượng mà không có sắc tướng, không có Phật huống chi là sắc tướng.

Tất cả Thế Giới không đầu mối, huống nữa có nguồn gốc để có thể có thể suy tìm chăng?

Căn bản của chúng sinh không cùng tận. Ai có thể phát tâm truy tìm việc ấy, pháp tự nhiên sinh, pháp tự nhiên diệt, cũng lại không thấy có sinh có diệt. Các pháp như huyễn hóa, cũng lại không thấy như huyễn hóa sóng nắng, các pháp tự nhiên, các pháp không sinh, cũng lại không thấy có sinh, diệt, đoạn, thường.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thành tựu bảy pháp vô trước này thì có thể đầy đủ các hạnh, dần dần đạt đến quả vị Bồ Tát. Ngồi dưới cây Bồ Đề thâu phục được ma oán.

Bồ Tát tích chứa công đức, đầy đủ tướng sáng từ địa thứ nhất đến địa thứ mười trong giai đoạn ấy chưa từng thoái chuyển, thường được Chư Phật ủng hộ, được các hàng Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Lưu Lặc cúng dường hương hoa, các loại ca nhạc, y phục, tràng phan nên được tăng thêm công đức, trợ giúp oai thần đạt đến đạo Vô thượng Chánh giác.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Ta nhớ thuở xưa, khi tu Bồ Tát đạo, hoặc làm thanh niên. Hoặc làm Phạm Thiên, hoặc xuất gia tu pháp Sa Môn đã cúng dường hằng hà sa số Chư Phật, hoặc dùng đầu, mắt, đất nước, tài vật, vợ con, thuốc men, bốn việc để cúng dường.

Chỉ mong được nghe Chư Phật giảng dạy nghĩa của khổ, không, vô thường, sáu pháp vượt bờ, không, vô tướng, vô nguyện, hoặc được nghe về các pháp học giới, pháp hiền hòa nhẫn nhục, hoặc ở ẩn trải qua một kiếp mà không xuất hiện, hoặc vào thiền định thân tâm không bị lay động, đều do pháp bên trong chưa thành tựu.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Lúc đầu, ta đã từng được nghe pháp sâu xa vi diệu này của các Đức Thế Tôn nơi Thế Giới Tịch mịch. Các Bồ Tát đến trong hội này, ngay khi ấy đạt được pháp nhẫn Nhu thuận.

Khi ấy, tại chúng hội có hai vạn bốn ngàn chúng sinh đạt được pháp nhẫn bất khởi. Các Đức Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai cùng thuyết giảng rộng rãi giáo pháp thâm sâu, không nơi chốn, cũng không thấy có ngã, nhân, thọ mạng. Ta quán sát kỷ căn tánh của chúng sinh.

Nếu chúng sinh có tướng thì dùng pháp vô tướng để giáo hóa. Chúng sinh hữu niệm thì dùng pháp vô niệm để giảng dạy. Chúng sinh có ngại thì dùng pháp vô ngại để chỉ bày. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào khéo thọ trì đọc tụng pháp thâm sâu này, lại vì người khác mà giảng thuyết, thì công đức người ấy không thể tính kể.

Nếu có người tu đạo Bồ Tát, bằng tâm từ, bi, hỷ, xã thương yêu chúng sinh, nhằm chứng đắc quả vị Bồ Tát, thì thường phải tu tập thọ trì tụng pháp thâm sâu này. Có thiện nam, thiện nữ nào ở khắp tam thiên đại thiên Thế Giới mà thọ trì năm giới, thực hành mười diều thiện, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn không định cũng không bằng chỉ một lần nghe pháp sâu xa này.

Nếu không thể tư duy nhiều thì cũng có thể được bảy ngày. Nếu không thể tư duy được bảy ngày thì cũng tư duy được sáu, năm, bốn, ba cho đến một ngày, nếu không tư duy được một ngày mà chỉ trong một sát na cũng được.

Thế nào?

Này Xá Lợi Phất! Ai đối với hàng Thanh Văn như ông với số lượng đầy khắp trong Thế Giới nơi mười phương mà đem cúng dường bốn việc, y phục, thức ăn, dụng cụ, thuốc men từ ức ức kiếp, lại quá hơn ức ức kiếp thì phước đức đó cũng không bằng chỉ một lần nghe pháp sâu xa này.

Vì sao?

Vì tạng pháp của Bồ Tát là kho chứa pháp báu. Nếu giảng thuyết nghĩa của một câu, hay nghĩa của vô thường, khổ, không, vô ngã, ba pháp môn giải thoát và bốn trí, các hành vắng lặng của không, vô tướng, vô nguyện, các hành không sánh, không khởi, không diệt tận, Đại Bồ Tát như vậy tức là an ổn trong đức hạnh vô lượng, phước đức không thể hạn lượng không gì sánh bằng. Nếu có Bồ Tát dùng sắc thân tu pháp hữu vi, giáo hóa chúng sinh khiến cho họ thành tựu số nguyện.

Nhưng hạng kia chưa từng nghe đạo vô vi mà muốn thực hành pháp sâu xa của Bồ Tát thì việc này không thế được. Nếu có Bồ Tát tu tập định ý chánh thọ từ vô lượng pháp, giảng thuyết rộng pháp thâm diệu, thì được nghe pháp vô vi. Các pháp rỗng không đều không thật có.

Đây là nghĩa sâu xa không gì sánh bằng. Cho nên, Bồ Tát muốn làm đầy đủ hạnh nguyện của chúng sinh thì phải thuyết nghĩa này cho họ. Lại muốn tuyên dương tạng chánh pháp bí mật của Bồ Tát Như Lai, muốn khiến cho chúng sinh tu chứng được bốn quả vị thì phải thường tu học pháp thâm sâu này.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Thuở xưa, ta cầu học hạnh Bồ Tát nên thường tu tập sáu pháp vượt bờ, bốn tâm vô lượng, từ bi cứu giúp chúng sinh, giảng thuyết nghĩa Niết Bàn, hoặc bằng lời nói để diễn thuyết, hoặc bằng sự im lặng của Bậc Thánh, hoặc thị hiện thần thông, hoặc dùng phương tiện quyền xảo, hoặc dùng thần thông năm đạo, hoặc dùng một đạo đi khắp trong một đạo.

Hoặc hiện làm thân Bích Chi bay lên hư không, hoặc làm Thanh Văn nhận lãnh lời dạy bảo, hoặc hiện hình dáng trẻ nhỏ như chưa biết gì. Xá Lợi Phất nên biết Bồ Tát giáo hóa hiện ra khắp nơi không thể cùng tận. Tùy theo phong tục, tập quán của thế tục, tùy theo từng loài mà hội nhập, đi vào trong đất, trong nước, trong gió, trong lửa.

Bồ Tát biết rõ nguồn gốc của bốn đại đều không có chủ thể, biết rõ trong ngoài địa giới là vắng lặng. Thủy, hỏa, phong, giới cũng như vậy. Bồ Tát lại quán sát chúng sinh, người có tham, sân, si. Không tham, sân, si, có tâm ái dục. Không có tâm ái dục. Có ý kiêu mạn. Không có ý kiêu mạn. Có định ý. Không có định ý. Có loạn tâm. Không có loạn tâm.

Bồ Tát đều phân biệt rõ, hoặc dùng pháp quán sổ tức, hoặc quán bất tịnh, hoặc dùng pháp Niết Bàn diệt tận, hoặc dùng pháp hữu vi, vô vi, hoặc dùng pháp hữu lậu, vô lậu, hoặc dùng pháp thế tục, hoặc dùng đạo pháp, hoặc dùng thần thông lậu tận mà giáo hóa họ.

Ta từng ở trong Thế Giới thông tuệ, vì một chúng sinh mà ngồi thiền định suốt mười hai kiếp, thân tâm không lay động, không từ mệt nhọc để giáo hóa. Chúng sinh ấy chẳng phải người nào khác, không nên suy nghĩ nữa, nếu ông muốn biết người ấy thì nay chính là Bồ Tát Tối Thắng được sinh vào gia đình hào tộc ở Thế Giới thông tuệ. Đó là nhờ phước đức đời trước mà không sinh vào nhà bần cùng.

Một đời, hai đời cho đến trăm ngàn đời, mười hai trung kiếp. Thọ thân thường sinh vào nhà giàu sang, không ở chỗ hạ tiện. Ta nhập vào thiền định không xa vị ấy quán sát tâm họ. Ở trong trăm ngàn kiếp mà không hiểu một câu của pháp thâm sâu.

Sau đó vị ấy hoát nhiên đại ngộ, tâm ý khai mở tự hướng về ta, muốn nghe giáo pháp thâm sâu vô lượng, nên được diễn nói pháp tạng vô tận. Tạng vô tận nghĩa là phân biệt âm thanh, hoặc dùng một âm vang khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, hoặc dùng một câu thích ứng với tâm ý của tất cả chúng sinh, phát ra lời dạy hơn tiếng Phạm Thiên.

Lại có sáu thông tạng vô tận, đến Thế Giới Chư Phật nơi mười phương thân cận cúng dường Như Lai Thế Tôn, lãnh thọ pháp hiếm có thâm sâu vi diệu. Đối với pháp khó thực hành, dùng trí tuệ quyền xảo vượt qua cả tinh tấn, trì giới, nhẫn nhục, thiền định. Lại có tạng vô tận, có bốn ý chỉ.

Bốn ý chỉ là pháp hành vô lậu. Ý chỉ của pháp là con đường Niết Bàn. Ngoài ra, sự tu tập của phàm phu, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo, quả báo, quả vị, tu chứng đều không có thật, cũng không thấy có. Đó là tạng vô tận của Bồ Tát.

Sao là có thể vô tận?

Ánh sáng rực rỡ bình đẳng khéo giảng bản tánh là có thể cùng tận. Pháp tánh, tướng tu có thể tận. Sự ngay nghĩ của tâm có thể tận. Tư duy về năm ấm là có thể tận. Hiểu rõ mười hai nhân duyên là có thể tận. Biết bốn đại bên trong, bên ngoài là có thể tận.

Xá Lợi Phất thưa Đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải như thế, chẳng phải là Đức Như Lai đã rốt ráo cùng tận.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Lại có bốn pháp vô tận là pháp môn biện tài.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần