Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Hai - Phẩm Nghiệp Tương ưng - Kinh Ni Kiền
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI
PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
KINH NI KIỀN
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật du hóa tại Thích Ki Sấu, trong Thiên Ấp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng:
Các Ni Kiền thấy như vậy, nói như vậy: Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch.
Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên. ta liền đến các vị ấy.
Đến rồi liền hỏi:
Này các Ni Kiền, phải chăng các vị thấy như vậy, nói như vậy: Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch.
Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên?
Họ trả lời rằng: Đúng như vậy, Cù Đàm.
Ta lại hỏi các vị Ni Kiền kia rằng: Các vị tự có tịnh trí hay không, để biết rằng, trước kia ta có hay không có?
Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác?
Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận.
Và nếu đã diệt tận thì sẽ được đã diệt tận vĩnh viễn?
Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?
Họ trả lời rằng: Không phải vậy, Cù Đàm!
Ta lại hỏi các Ni Kiền kia rằng:
Các vị tự mình không có tịnh trí để biết rằng:
Trước kia ta có hay không có?
Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác?
Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận.
Và nếu đã diệt tận thì sẽ được đã diệt tận vĩnh viễn?
Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?
Nhưng các vị lại nói rằng: Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên.
Này các vị Ni Kiền, nếu các vị tự có tịnh trí để biết rằng:
Trước kia ta có hay không có?
Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác?
Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận.
Và nếu đã diệt tận thì sẽ được đã diệt tận vĩnh viễn?
Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?
Thì này các Ni Kiền, các vị mới có thể nói như vậy: Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên.
Này Ni Kiền, cũng như có người mà thân thể bị trúng tên độc. Vì trúng tên độc nên rất đau đớn. Người ấy được quyến thuộc yêu mến xót thương, muốn đem lại sự thiện ích, an ổn, nên lập tức mời vị y sư nhổ tên đến. Vị y sư liền lấy dao bén để giải phẫu vết thương.
Do sự phẫu thuật vết thương nên lại rất đau đớn. Sau khi giải phẫu vết thương, liền tìm mũi tên. Khi tìm mũi tên, lại càng rất đau đớn. Tìm được mũi tên, liền lập tức nhổ ra.
Lúc nhổ ra y lại càng đau đớn thêm. Nhổ mũi tên ra rồi, đậy vết thương lại và băng bó. Khi băng bó vết thương, lại càng đau đớn hơn. Sau khi nhổ được mũi tên ra, người ấy khỏe mạnh, không bệnh hoạn, các căn không hư hoại, bình phục như cũ.
Này các Ni Kiền, người ấy có sẵn khôn ngoan nên liền suy nghĩ như vậy: Ta trước kia bị trúng tên độc. Vì trúng tên độc nên rất đau đớn. ta được quyến thuộc yêu mến xót thương, muốn đem lại sự thiện ích, an ổn, nên lập tức mời vị y sư nhổ tên đến. Vị y sư liền lấy dao bén để giải phẫu vết thương. Do sự phẫu thuật vết thương nên lại rất đau đớn.
Sau khi giải phẫu vết thương, liền tìm mũi tên. Khi tìm mũi tên, lại càng rất đau đớn. Tìm được mũi tên, liền lập tức nhổ ra. Lúc nhổ ra lại càng đau đớn thêm. Nhổ mũi tên ra rồi, đậy vết thương lại và băng bó. Khi băng bó vết thương, lại càng đau đớn hơn.
Ta sau khi mổ mũi tên ra rồi, được khỏe mạnh, không bệnh hoạn, các căn không hư hoại, trở lại bình thường như cũ.
Cũng vậy, này Ni Kiền, nếu các vị có tịnh trí, vậy có biết rằng: Trước kia ta có hay không có, trước kia ta tạo ác hay không tạo ác?
Ta bị chừng ấy khổ là hết hay bị chừng ấy khổ vẫn chưa hết.
Nếu hết rồi sẽ được hết khổ vĩnh viễn?
Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo được các thiện pháp tu tập và tác chứng chăng?
Thì này các Ni Kiền, các vị mới có thể nói rằng: Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh diệt mà không tạo nghiệp mới nữa, thì các nghiệp ấy sẽ chấm dứt. Các nghiệp đã chấm dứt thì các khổ sẽ chấm dứt, các khổ đã được chấm dứt thì đã đạt đến khổ biên.
Ta hỏi như vậy mà không thấy các Ni Kiền có thể trả lời ta rằng: Này Cù Đàm, đúng như vậy hay không đúng như vậy.
Lại nữa, ta hỏi các Ni Kiền rằng: Nếu các vị Ni Kiền có sự tinh cần bậc thượng, có sự khổ hành bậc thượng.
Bấy giờ các Ni Kiền có phát sanh sự khổ bậc thượng chăng?
Họ trả lời ta rằng: Đúng vậy, Cù Đàm.
Nếu có sự tinh cần bậc trung, có sự khổ hành bậc trung.
Bấy giờ các Ni Kiền có phát sanh sự khổ bậc trung chăng?
Họ trả lời ta rằng: Đúng vậy, Cù Đàm.
Nếu có sự tinh cần bậc hạ, có sự khổ hành bậc hạ.
Bấy giờ các Ni Kiền có phát sanh sự khổ bậc hạ chăng?
Họ trả lời ta rằng: Đúng vậy, Cù Đàm.
Như vậy là, nếu các vị Ni Kiền có sự tinh cần bậc thượng, có sự khổ hành bậc thượng. Bấy giờ các Ni Kiền có phát sanh sự khổ bậc thượng.
Nếu có sự tinh cần bậc trung, có sự khổ hành bậc trung. Bấy giờ các Ni Kiền có phát sanh sự khổ bậc trung.
Nếu có sự tinh cần bậc hạ, có sự khổ hành bậc hạ. Bấy giờ các Ni Kiền có phát sanh sự khổ bậc hạ.
Nếu giả sử các Ni Kiền có sự tinh cần bậc thượng và khổ hành bậc thượng, bấy giờ các Ni Kiền ấy dập tắt sự khổ bậc thượng. Có sự tinh cần bậc trung và khổ hành bậc trung, bấy giờ các Ni Kiền ấy dập tắt sự khổ bậc trung.
Có sự tinh cần bậc hạ và khổ hành bậc hạ, bấy giờ các Ni Kiền ấy dập tắt sự khổ bậc hạ. Hoặc làm như vậy, hoặc không làm như vậy, mà dập tắt khổ cùng cực và các nỗi khổ rất nặng nề, thì nên biết các Ni Kiền ngay trong đời này mà gây ra khổ.
Nhưng các Ni Kiền bị si mê che lấp, bị si mê trói buộc, nên nói thế này: Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh diệt mà không tạo nghiệp mới nữa, thì các nghiệp ấy sẽ chấm dứt.
Các nghiệp đã chấm dứt thì các khổ sẽ chấm dứt, các khổ đã được chấm dứt thì đã đạt đến khổ biên.
Ta hỏi như vậy mà không thấy các Ni Kiền có thể trả lời ta rằng: Này Cù Đàm, đúng như vậy hay không đúng như vậy.
Lại nữa, ta hỏi các Ni Kiền rằng: Các vị Ni Kiền, nếu có nghiệp mang lại lạc báo thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành khổ báo chăng?
Họ trả lời ta rằng: Không thể, thưa Cù Đàm!
Các vị Ni Kiền, nếu có nghiệp mang lại khổ báo thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành lạc báo chăng?
Họ trả lời ta rằng: Không thể, thưa Cù Đàm!
Các vị Ni Kiền, nếu có nghiệp báo trong đời hiện tại, thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành ấy mà chuyển thành quả báo đời sau chăng?
Họ trả lời ta rằng: Không thể, thưa Cù Đàm!
Các vị Ni Kiền, nếu có nghiệp báo đời sau thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành quả báo đời hiện tại chăng?
Họ trả lời ta rằng: Không thể, thưa Cù Đàm!
Các vị Ni Kiền, nếu có nghiệp báo không chín, nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành quả báo chín chăng?
Họ trả lời ta rằng: Không thể, thưa Cù Đàm!
Các vị Ni Kiền, đó là lạc nghiệp báo, nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành, mà chuyển thành khổ báo được.
Này các Ni Kiền, khổ báo nghiệp. Nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần hay nhân sự khổ hành mà chuyển thành lạc báo được.
Này các Ni Kiền, hiện báo nghiệp. Nghiệp ấy không thể nhân sự tinh tấn và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành hậu báo được.
Này các Ni Kiền, sanh nghiệp báo. Nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành hiện báo được.
Này các Ni Kiền, nghiệp không chín, nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành quả báo chín.
Này các Ni Kiền, nghiệp báo chín. Nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển đổi thành khác đi được. Vì vậy, này các Ni Kiền, sự nỗ lực của quý vị là hư vọng, sự tinh cần ấy là trống rỗng, chẳng đạt được gì cả.
Các Ni Kiền ấy liền trả lời ta rằng:
Thưa Cù Đàm, chúng tôi có tôn sư tên là Thân Tử Ni Kiền có nói thế này: Các Ni Kiền, nếu các ngươi trước kia đã tạo tác ác nghiệp. Những nghiệp ấy đều có thể nhân sự khổ hành này mà bị diệt tận. Nếu nay hộ trì thân, khẩu, ý. Nhân đó không còn tạo ác nghiệp nữa.
Ta lại hỏi các Ni Kiền kia rằng: Các vị tin Tôn Sư Thân Tử Ni Kiền, mà không chút nghi ngờ sao?
Họ trả lời ta rằng: Cù Đàm, chúng tôi tin tôn sư Thân Tử Ni Kiền, không hề có nghi hoặc.
Ta lại hỏi các Ni Kiền kia rằng: Có năm pháp đem lại hai quả báo trong đời này. Đó là tín, lạc, văn, niệm, kiến thiện quán.
Các Ni Kiền, có phải chăng người ta tự có sự hư dối mà nói rằng: Điều này đáng tin, đáng nghe theo, đáng suy ngẫm, đáng chiêm nghiệm kỹ?
Họ trả lời ta rằng: Đúng như vậy, thưa Cù Đàm!
Ta lại bảo các Ni Kiền kia rằng: Đó là lời dối trá, sao đáng tin, sao đáng nghe theo, sao đáng suy ngẫm, sao đáng chiêm nghiệm?
Nghĩa là, người ta tự có sự hư dối mà nói rằng: Điều này đáng tin, đáng nghe theo, đáng suy ngẫm, đáng chiêm nghiệm kỹ. Nếu các Ni Kiền nói như thế thì đối với pháp như thật có năm điều đáng khiển trách, chất vấn, là đáng ghê tởm.
Những gì là năm?
Nay những điều khổ, lạc mà chúng sanh này cảm thọ đều do sự tạo tác trước kia Nếu đúng như vậy thì các Ni Kiền trước kia tạo các ác nghiệp. Bởi thế nên nay các Ni Kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ nhất của các Ni Kiền.
Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do sự hội hợp. Nếu đúng như vậy thì các vị vốn hội hợp các điều ác. Bởi thế nên nay các Ni Kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ hai của các Ni Kiền.
Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do định mạng. Nếu đúng như vậy thì các Ni Kiền có định mạng ác. Bởi vậy cho nên nay các Ni Kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ ba của các Ni Kiền.
Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do kiến. Nếu đúng như vậy thì các Ni Kiền vốn có ác kiến. Bởi vậy cho nên nay các Ni Kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ tư của các Ni Kiền.
Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do Tôn hựu tạo. Nếu đúng như vậy thì các Ni Kiền vốn có một Tôn hựu hung ác. Bởi vậy cho nên nay các Ni Kiền phải thọ khổ cùng cực. Đó là điều đáng ghê tởm thứ năm của các Ni Kiền.
Nếu các Ni Kiền vốn do tạo tác nghiệp ác hội hợp, ác định mạng, ác kiến, ác Tôn hựu, vì thế mà các Ni Kiền nay phải lãnh thọ khổ cực trọng đại. Đó là vì những việc ấy nên các Ni Kiền là những người đáng ghê tởm.
Pháp mà ta tự tri, tự giác và nói cho các vị, dù là Sa Môn, Phạm Chí, hoặc Thiên, Ma, Phạm và những kẻ khác trên thế gian đều không thể hàng phục được, đều không thể chế ngự được.
Thế nào là pháp mà ta tự tri, tự giác và nói cho các vị, không thể bị Sa Môn, Phạm Chí, hoặc Thiên, Ma, Phạm và những kẻ khác trên thế gian có thể khuất phục được?
Có thể làm cho ô uế được, và có thể chế ngự được?
Nếu có Tỳ Kheo xả bỏ thân nghiệp bất thiện để tu thiện nghiệp nơi thân. Xả bỏ khẩu, ý nghiệp bất thiện, tu thiện nghiệp nơi khẩu, ý.
Vị đó đối với sự khổ đời vị lai liền tự biết ta không có khổ đời vị lai, được sự an lạc như pháp mà không xả bỏ.
Vị ấy hoặc muốn đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do sự tập hành bằng dục, hoặc muốn nỗ lực đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do sự tập hành bằng xả dục.
Vị ấy nếu muốn nỗ lực đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do tập hành bằng dục, vị ấy tu tập sự tập hành bởi dục ấy và sau khi đã nỗ lực thành tựu, sự khổ liền chấm dứt.
Vị ấy nếu muốn đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ bằng sự tập hành bởi xả dục, tức tu tập sự tập hành bởi xả dục ấy, và sau khi nỗ lực đã thành tựu, sự khổ liền chấm dứt.
Bấy giờ nếu Tỳ Kheo ấy suy nghĩ như thế này: Tùy theo sự tạo tác, tùy theo sự thực hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. Nếu tự tinh cần khổ hạnh mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hạnh ấy.
Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hạnh. Sau khi đã tinh cần khổ hạnh, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hạnh nữa.
Vì sao thế?
Này các Tỳ Kheo, những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hạnh, việc ấy không xảy ra.
Này Tỳ Kheo, cũng như người thợ làm tên, dùng kềm để uốn tên. Khi cây tên đã thẳng thì không còn dùng kềm nữa.
Vì sao thế?
Vì việc phải làm trước đó nay đã xong rồi, nếu còn dùng kềm nữa, việc ấy không đúng.
Cũng vậy, Tỳ Kheo suy nghĩ như thế này: Tùy theo sự tạo tác, tùy theo sự thực hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. nếu tự tinh cần khổ hạnh mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hạnh ấy.
Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hạnh. Sau khi đã tinh cần khổ hạnh, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hạnh nữa.
Vì sao thế?
Này các Tỳ Kheo, những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hạnh việc ấy không đúng.
Này Tỳ Kheo, cũng như có người thương nhớ, say đắm, trông chờ săn đón một người nữ kia, nhưng người nữ ấy lại nói chuyện với một người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ.
Người ấy do đó mà thân tâm phát sinh khổ não, buồn rầu không?
Tỳ Kheo đáp: Thật như vậy, bạch Thế Tôn! Vì sao thế?
Vì người kia thương nhớ say đắm và hết sức trông chờ săn đón nữ nhân mà nữ nhân ấy lại nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ, thân tâm người ấy làm sao khỏi sanh ra khổ não buồn rầu.
Này Tỳ Kheo, giả sử người kia suy nghĩ thế này: Ta thương nhớ săn đón suông người nữ kia, nhưng người nữ ấy lại nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ.
Nay ta có nên vì việc ấy tự gây khổ não và tự gây ưu phiền mà dứt trừ sự thương nhớ say đắm người nữ kia chăng?
Người ấy sau đó vì sự tự gây khổ, tự gây sầu não liền dứt trừ sự thương nhớ say đắm người nữ ấy?
Nếu người nữ kia vẫn còn nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ, người ấy sau đó có thể nào sẽ còn sanh ra khổ não, rất buồn rầu chăng?
Tỳ Kheo đáp: Không còn nữa, bạch Thế Tôn.
Vì sao thế?
Vì người ấy đối với nữ nhân kia không còn tình thương nhớ say đắm nữa. Giả sử nữ nhân kia vẫn còn nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ. Nếu cho rằng người kia vì thế mà thân tâm lại còn sanh khởi khổ não, rất buồn rầu, điều ấy không đúng.
Cũng thế, bấy giờ Tỳ Kheo suy nghĩ thế này: Tùy theo sự tạo tác, tùy theo sự thực hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. nếu tự tinh cần khổ hạnh mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hạnh ấy. Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hạnh.
Sau khi đã tinh cần khổ hạnh, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hạnh nữa.
Vì sao thế?
Này các Tỳ Kheo những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hạnh việc ấy không đúng.
Vị ấy lại nghĩ như thế này: Nếu có những nguyên nhân để đoạn trừ các khổ não kia, ta liền đã đoạn trừ rồi, nhưng đối với dục ta vẫn còn như cũ chớ chưa đoạn được. Nay ta hãy tìm cách đoạn được dục.
Vị ấy vì để đoạn dục, bèn sống cô độc, ẩn dật nơi rừng vắng, hoặc đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ, sườn núi, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đi vào rừng sâu, hoặc ở giữa bãi tha ma.
Khi vị ấy đã sống nơi rừng vắng rồi, hoặc là đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ yên lặng, trải Ni sư đàn, ngồi kiết già, dựng thân ngay thẳng, phản tỉnh không hướng ý niệm ra ngoài đoạn trừ tham lam, tâm không còn não hại.
Thấy của cải và tư cụ sinh sống của người khác, không còn móng khởi tham lam, muốn sao cho được về mình. Vị ấy đối với tham lam đã tịnh trừ tâm ý.
Cũng vậy, đối với sân nhuế, tùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn do dự đối với các thiện pháp, vị ấy đối với nghi đã tịnh trừ tâm ý.
Vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái vốn làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đệ Tứ Thiền, thành tựu và an trụ.
Vị ấy đạt được tịnh tâm thanh tịnh, không nhơ uế và không phiền nhọc như vậy, nhu nhuyến và khéo léo an trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng thẳng đến lậu tận trí thông.
Vị ấy biết như thật rằng: Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, và biết như thật đây là khổ diệt đạo.
Cũng biết như thật rằng: Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy thì tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu.
Giải thoát rồi liền biết là giải thoát, biết như thật rằng: Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Đức Như Lai với chánh tâm giải thoát như vậy thành tựu được năm điều tán thán như pháp, không tranh cãi, khả ái, khả kính.
Những gì là năm?
Chúng sanh kia thọ lãnh khổ vui đều do sự tạo tác trước kia. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có nghiệp vi diệu từ trước. Bởi vậy nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ nhất mà Như Lai đạt được.
Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do hiệp hội. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có sự nghiệp hội vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự hiệp hội vi diệu, sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ hai mà Đức Như Lai đạt được.
Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do định mạng. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có định mạng vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ ba mà Đức Như Lai đạt được.
Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do kiến. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có kiến vị diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ tư mà Đức Như Lai đạt được.
Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do đấng Tôn Hựu tạo tác. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có Tôn Hựu vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ năm mà Đức Như Lai đạt được.
Đó là Như Lai vốn có từ trước nghiệp vi diệu, sự hội họp vi diệu, định mạng vi diệu, kiến vi diệu và Tôn Hựu vi diệu và tạo tác vi diệu của Tôn Hựu. Do đó mà Như Lai được năm điều tán thán. Có năm nhân duyên làm cho tâm sanh ưu khổ.
Những gì là năm?
Đó là dâm dục triền, do dâm dục quấn chặt nên tâm sanh ưu khổ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi hoặc. Do nghi hoặc quấn chặt, nên tâm sanh ưu khổ. Đó là năm nhân duyên làm tâm sanh ưu khổ. Có năm nhân duyên để tâm diệt ưu khổ.
Những gì là năm?
Như do dâm dục triền nên tâm sinh ưu khổ, trừ dâm dục triền rồi thì ưu khổ liền bị tiêu diệt. Vì dâm dục triền nên tâm sanh ra ưu khổ, ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt và thường trụ bất biến. Đó là sở tri của Bậc Thánh, sở kiến của Bậc Thánh.
Cũng vậy, với sân nhuế, thùy miên, nghi hoặc triền. Do nghi hoặc quấn chặt nên tâm sanh ra ưu khổ. Nếu trừ được nghi hoặc triền rồi thì ưu khổ liền bị tiêu diệt. Vì nghi hoặc quấn chặt nên tâm sanh ra ưu khổ, trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trụ bất biến. Đó là sở tri của Bậc Thánh, sở kiến của Bậc Thánh. Ấy là năm nhân duyên để tâm diệt trừ ưu khổ.
Lại nữa, còn có pháp khác ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trụ và bất biến, là sở tri của Bậc Thánh, là sở kiến của Bậc Thánh.
Thế nào là còn có pháp khác ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh không phiền, không nhiệt, thường trụ và bất biến, là sở tri của Bậc Thánh, sở kiến của Bậc Thánh?
Đó là tám chi Thánh đạo, tức từ chánh kiến đến chánh định. Ấy là còn có pháp ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trú và bất biến, là sở tri của Bậc Thánh, sở kiến của Bậc Thánh.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ Kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Bảy - Phẩm Tứ Tướng - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Sáu Năm Siêng Tu Khổ Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kiêu Mạn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn