Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Phẫn Nộ - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM PHẪN NỘ  

TẬP MỘT  

Không đáng giận, nổi giận

Không làm lành, làm ác

Họ chịu đau khổ ấy

Đời này và đời sau.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Cù Sư, nước Câu Xà Di.

Lúc bấy giờ, trong làng ấy có rất nhiều Tỳ Kheo ưa thích tranh chấp, đôi bên trợn mắt nhìn nhau, hủy nhục lẫn nhau.

Đức Thế Tôn biết được bảo các Tỳ Kheo: Hãy thôi! Các Tỳ Kheo chớ nên tranh chấp.

Vì sao?

Các thầy nên biết, oán ghét không chấm dứt được oán ghét, chỉ có nhẫn nhục mới chấm dứt oán ghét. Đó là chánh pháp Như Lai.

Vì sao?

Vào thời quá khứ lâu xa, vô số kiếp về trước, vua nước Ca Thi tên là Phạm Ma Đạt và vua nước Câu Tát La tên Trường Thọ. Lúc ấy, vua Phạm Ma Đạt tập họp bốn thứ binh như voi, ngựa, bộ binh, chiến xa tấn công vào lãnh thổ vua Trường Thọ.

Vua Trường Thọ nghe ngoài biên giới đang có quân mã đến, cũng vội tập hợp bốn thứ binh: Voi, ngựa, bộ binh, chiến xa, rồi đưa quân ra chiến đấu và bắt sống được vua Phạm Ma Đạt, đánh tan quân giặc.

Vua Trường Thọ nói với Phạm Ma Đạt: Ta tha mạng sống, ngươi hãy về nước, từ nay về sau chớ có làm phản.

Bị đuổi về nước không bao lâu, Phạm Ma Đạt lại tập họp bốn thứ binh: Voi, ngựa, bộ binh, chiến xa, tiến đánh nước Câu Tát La.

Vua Trường Thọ suy nghĩ: Lần trước chiến đấu, ta đã đánh tan quân giặc, bắt sống và tha mạng cho y, thế mà y không sửa đổi lỗi lầm, nay lại đến xâm chiếm nước ta. Sau đó, vua Trường Thọ chỉ đem theo vài kỵ binh nhẹ đi chiến đấu với quân Phạm Ma Đạt, nên bị quân Phạm Ma Đạt đánh tan. Vua Trường Thọ nhanh chân chạy thoát, dẫn theo được đệ nhất phu nhân và một vị quan hầu. Vua vào ẩn mình trong núi sâu, nơi không ai lui tới, sống ẩn dật vì sợ có người biết.

Bấy giờ vua Trường Thọ lại nghĩ: Ta ở chốn núi sâu không thể nào sống nổi. Vậy phải học thơ kệ, tập ca vịnh rồi vào nhân gian đi xin để nuôi sống. Nghĩ vậy, vua liền tập ca vịnh thơ kệ, tự học đánh đàn cầm, đàn sắt, làm cho lời ca lưu loát ăn nhịp với tiếng đàn. Rồi phiêu bạt nơi này chốn nọ, vua sống với nghề ấy.

Lúc bấy giờ, vị quan bậc nhất của vua Phạm Ma Đạt xuất than từ dòng Phạm Chí, nghe trong nước này có hai vợ chồng người ăn mày bị đói lạnh đang lang thang trong nhân gian dùng tiếng đàn cầm, đàn sắt đi xin ăn để kiếm sống, ông liền sai người kêu lại để nghe âm nhạc. Gã ăn mày vào nhà, hỏi thăm qua lại rồi liền trổi âm nhạc. Vị quan nghe xong, vui mừng hớn hở không kiềm chế được.

Ông liền bảo gã ăn mày: Hai vợ chồng ông nghèo khổ, rách rưới, thường thiếu quần áo, thức ăn, hãy ở lại đây dạy cho đám nhỏ học tập. Ta sẽ cấp dưỡng, không để vợ chồng ông thiếu thốn.

Lúc ấy, vị phu nhân đệ nhất của người ăn mày sắp đến ngày sinh.

Bà ta sinh ý nghĩ và nói với chồng: Thiếp vừa có ý nghĩ, ước chi ta có thứ binh chúng vây quanh thiếp vài vòng, với màn che trướng phủ, thiếp ngủ yên trong ấy. Thiếp muốn được uống nước rửa dao bén.

Ngài có những thứ ấy không?

Vua bảo vợ rằng: Những gì của hai ta đã bị Phạm Ma Đạt phá tan hết rồi.

Đất nước mất rồi thì làm sao có được bốn thứ binh chúng, với trướng màn đẹp, nước rửa dao bén?

Người vợ nói với chồng: Nếu Ngài không lo những món ấy thì thiếp chết, chứ sống làm gì?

Lúc bấy giờ vị quan liền kêu gã ăn mày bước ra trổi nhạc.

Tiếng đàn cầm hòa lẫn lời ca, cũng có lúc tiếng đàn cầm lỗi nhịp lời ca, hoặc lời ca không ăn khớp với tiếng đàn.

Vị quan liền hỏi: Ta thấy ông trỗi nhạc mà không được vui, vậy ông bị bệnh hay lòng có việc gì lo nghĩ chăng?

Người ăn mày đáp: Tôi không bệnh hoạn gì, chỉ trong lòng có việc lo nghĩ thôi.

Vậy, ông lo nghĩ chuyện gì, có thể cho biết được không?

Đáp: Vợ tôi đang mang thai, sắp tới ngày sinh, nên nàng nghĩ rằng nàng muốn có được bốn thứ binh chúng vây quanh vài vòng, với màn trướng đẹp, ngủ yên, muốn được uống nước rửa dao bén. Nếu được những thứ đó thì nàng sống, còn không thì nàng chết.

Xét trong hoàn cảnh như vậy thì tôi còn sống làm chi?

Vị quan bảo rằng: Ông hãy yên lòng, chớ có lo nghĩ. Ta sẽ tạm bày bốn thứ binh chúng.

Y như lời, vị quan liền cho bốn thứ binh chúng vây quanh mấy vòng với màn trướng đẹp, uống nước rửa dao. Ngay lúc ấy, bà sinh một bé trai dung mạo khôi ngôi khác thường, có tướng giàu sang.

Vị quan thấy vậy liền quỳ gối trước mặt phu nhân, ba lần khen: Ồ đẹp quá!

Rồi ông tuyên bố: Nước Câu Tát La lại sinh một Thánh chúa nối ngôi vua, từ nay đất nước được hưng thịnh.

Nói rồi, ông bảo binh lính là không ai được rao truyền việc ấy, nếu ai tiết lộ ra thì sẽ bị chém đầu.

Lúc bấy giờ, Phạm Ma Đạt trộm nghe vua Trường Thọ khảy đàn cầm đàn sắt đi ăn xin trong dân gian, liền sai người đi bắt, đem về nhốt vào ngục.

Thái Tử Trường Sinh dần dần khôn lớn, rồi đến các nhà các quan, Trưởng Giả giàu có, tự cầu nguyện mà nói: Xin các hiền sĩ hãy mở hội bố thí chia nhau làm điều lành.

Nếu có chút phước nào thì xin hồi hướng cho vua Trường Thọ để ông sớm thoát khỏi gốc khổ đau này!

Vua Phạm Ma Đạt lại trộm nghe, biết Thái Tử Trường Sinh là con vua Trường Thọ, đang xin ân cho cha trong dân gian bằng cách khuyên người làm việc lành, mong cho cha sớm thoát khỏi nạn khổ.

Vua Phạm Ma Đạt vô cùng giận dữ, liền đem Trường Thọ ra giữa chợ. Trường Sinh theo sau, cầm gươm bén lớn tiếng thưa với cha: Con đủ sức cứu cha thoát khỏi ách nạn trong thời gian này.

Vua Trường Thọ bảo: Hãy thôi đi con ơi! Người lập hạnh không thấy xấu cũng không thấy tốt.

Nghe nói thế, những người đứng chung quanh cho rằng: Vì biết mình sắp kề cái chết nên vua Trường Thọ thốt ra lời thật khùng đó.

Vua Trường Thọ trả lời những người đứng chung quanh: Trong những người hiểu biết, chỉ có đứa trẻ này mới hiểu lời tôi vừa nói.

Liền đó, vua Trường Thọ bị chém làm bảy khúc giữa chợ. Thái Tử Trường Sinh thấy trong thân mình, máu phun ra xối xả khắp cả người. Lòng Thái Tử căm giận nhưng không dám bộc lộ ra bên ngoài. Thái Tử lại đến nhà các quan cầu xin thương xót ban ân.

Thái Tử thưa: Cha tôi không có lỗi gì mà bị vua của quý vị giết chết một cách oan uổng. Thi thể cha tôi phơi bày, vất bỏ giữa chợ, không ai thu lượm hình hài tẩn liệm chon cất. Xin các hiền sĩ cùng tôi thâu lượm và xây bảy ngôi Tháp, cúng dường bằng hương hoa như phép tắc thông thường của thế gian.

Liền theo lời nói ấy, thi hài vua Trường Thọ được thu lượm, xây bảy ngôi tháp cúng dường.

Thái Tử Trường Sinh thầm nghĩ: Vua Phạm Ma Đạt bạo ngược vô đạo. Y đã xâm chiếm đất nước và dân chúng của ta, lại còn đem vua cha ta ra chém giữa chợ. Ta phải trốn ra khỏi nước này, nếu không, chúng bắt được ta thì không thoát khỏi chết chém. Thái Tử liền đưa mẹ trốn ra khỏi nước, đến địa phương khác. Ở đây, Thái Tử Trường Sinh lại học đàn cầm, đàn sắt với giọng ca dìu dặt.

Qua nơi này chốn nọ xin ăn để sống. Thái Tử dần dần trở về nước mình. vua Phạm Ma Đạt nghe nói có một gã ăn mày đi ăn xin có dẫn mẹ theo. Y khảy đàn cầm, đàn sắt xin ăn từng nhà. Lời ca tiếng đàn vang vọng dìu dặt ai nghe cũng say mê.

Vua liền sai người gọi gã vào cung sâu, đêm ngày vua nghe âm nhạc không biết thỏa mãn. Nhìn hình dung, tướng mạo, vua coi như con mình đẻ ra.

Lúc bấy giờ vua Phạm Ma Đạt sắp đi săn bắn. Thái Tử Trường Sinh đánh xe cho vua đi, Thái Tử cho xe đi vào những con đường đầy nguy hiểm, không người qua lại, không đi đường lớn, không có binh lính theo hầu.

Thái Tử suy nghĩ: Xưa y đánh phá nước ta, cướp đoạt dân ta, giết oan uổng cha ta, hôm nay nếu không báo thù thì còn ngày nào mới ra tay?

Rồi cho xe đi săn vào sâu trong núi. Lúc ấy Phạm Ma Đạt mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi, liền bảo người đánh xe: Hãy ngừng xe chỗ này. Ta rất mệt, muốn nghỉ lại một chút.

Theo lời vua, xe được ngừng lại.

Vua bảo người đánh xe: Hãy ngồi xuống. Ta muốn gối đầu trên bắp vế nhà ngươi. Vua liền gối đầu trên vế Thái Tử và ngủ thiếp đi.

Thái Tử Trường Sinh tự suy nghĩ, miệng nói như vậy: Vua Phạm Ma Đạt này là kẻ bạo ngược vô đạo, y đã xâm chiếm, cướp đoạt dân ta, giết cha ta oan uổng, ta muốn báo oán, chính là giờ phút này.

Nếu không giết thì còn ngày nào mới ra tay?

Thái Tử Trường Sinh tuốt gươm bén kề vào cổ vua, rồi lại ngừng tay vì nhớ lại lời di chúc của vua cha: Xưa, lúc sắp chết, cha ta có dạy ta: Con nên biết! Người lập hạnh chỉ quý điều tín nghĩa. Nếu làm trái lời cha dặn, thì con không phải là người con hiếu.

Cha ta còn dạy: Con chớ thấy lỗi người, cũng chớ thấy cái hay của người. Nếu ta giết tên vua này là trái lời dặn của cha ta!

Thái Tử liền tra gươm vào vỏ, đè nén cơn giận.

Lúc ấy vua Phạm Ma Đạt đang trong qua cơn chiêm bao thình lình thức giấc, thân thể ướt đẫm mồ hôi, khắp mình nổi ốc.

Thái Tử Trường Sinh hỏi vua: Vừa rồi vua đang ngủ, sao bỗng nhiên thức giấc sợ hãi như thế?

Vua bảo người đánh xe: Ngươi muốn biết phải chăng?

Khi nãy, ta vừa ngủ thiếp, chiêm bao thấy con vua Trường Thọ là Trường Sinh tay phải cầm gươm, tay trái nắm lấy đầu tóc ta, rồi đưa dao kề vào cổ ta, mà nói rằng: Ta muốn báo thù, ngươi có biết không?

Rồi trong chiêm bao vị ấy lại ăn năn trách móc, xưa, lúc vua cha ta sắp lâm chung có tha thiết dạy rằng: Chỉ có lòng nhẫn nhục mới chiến thắng oán thù. Vì vậy mà ta thức giấc trong sự sợ hãi.

Người đánh xe thưa vua: Xin vua cứ ngủ tiếp, chớ lo sợ hoảng hốt.

Vua có biết không?

Thái Tử Trường Sinh, con vua Trường Thọ, chính là tôi đây.

Xưa kia, vua cha tôi cai trị dân bằng luật pháp, không làm ai bị oan uổng. Còn bệ hạ thì bạo ngược, đã xâm chiếm nước tôi, cướp đoạt dân tôi, giết cha tôi chết oan uổng.

Nghĩ đến việc báo thù thì ở chốn núi sâu này chính là nơi thuận tiện, hôm nay không trả thù thì ngày nào mới làm được?

Đúng là khi nãy tôi có rút gươm kề vào cổ bệ hạ, nhưng tôi dừng tay vì nhớ lại lời cha tôi dạy bảo: Con nên biết người lập hạnh chỉ quý điều tín nghĩa, cẩn thận chớ nghĩ đến điều ác. Một khi điều ác đã nhiễm sâu vào người thì không bao giờ bỏ được.

Nếu làm trái lời di chúc của cha thì con không phải là đứa con hiếu. Vì vâng giữ lời dạy của cha tôi nên tôi đã tra gươm vào vỏ. Hôm nay, tội lỗi trước kia tôi không ghi nhớ. Tôi muốn sớm đưa vua về nước. Khi đến nơi rồi, ý vua muốn giết tôi cũng được.

Rồi hai người cùng ngồi xe trở về cung điện.

Vua Phạm Ma Đạt nhóm họp hết các quan mà bảo: Các khanh tính sao, nếu các khanh gặp Thái Tử con vua Trường Thọ?

Trong số các quan, có người nói: Nếu gặp y, thì trước chặt tay chân rồi đem giết đi.

Lại có người nói: Lột sống da nó rồi đem giết.

Lại có người nói lấy lửa đốt rồi dùng tên bắn. Họ tranh nhau nói, không thể kể hết.

Lúc bấy giờ, vua Phạm Ma Đạt bảo các quan: Thái Tử con vua Trường Thọ chính là người này. Các khanh chớ khởi lên ác ý, sinh tâm giết hại vị Thái Tử này.

Vì sao?

Vì nhờ người này mà ta còn sống đây.

Sau đó vua Phạm Ma Đạt liền cho tắm gội Thái Tử Trường Sinh rồi mặc y phục vương giả, đầu đội mũ Trời và gả một cô gái cho làm vợ, đưa trở về làm vua nước Câu Tát La.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Ngày xưa các vua luôn kiểm soát ý nghĩ để tự giữ mình. Tu tập hạnh nhẫn nhục như đất, coi kẻ thù như con đỏ, không gây oán thù, huống là các vị đều là con nhà dòng dõi, bởi lòng tin vững chắc mà xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba y pháp. Nhưng lại không thể thực hành nhẫn nhục, cho mình là phải, cho người là quấy. Chuyện bé xé ra to, hủy nhục lẫn nhau. Vì thế, không nên tranh chấp trong đại chúng.

Có vị Tỳ Kheo bước ra bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài phóng oai thần đến trong chúng Tỳ Kheo này mới biết vị nào ngay thẳng, vị nào tà vạy.

Người kia tự ý mắng nhiếc, không nghĩ đến cấm pháp. Chúng con có điều gì không bằng thì sẽ im lặng chịu đựng.

Đức Thế Tôn quán xét thấy các Tỳ Kheo kia không nghe theo lời Ngài dạy bảo, nên Ngài liền bay lên hư không mà về Tinh Xá.

Ở đây, Ngài nhóm họp Thánh Chúng mà nói bài kệ:

Không đáng giận, nổi giận

Không làm lành, làm ác,

Họ chịu đau khổ ấy,

Đời này và đời sau.

Không có tội lỗi mà cố tình gây ra tội lỗi thì đời này và đời sau phải chịu đau khổ.

Trước tự gây tội

Sau hại đến người

Kia đây hại nhau

Như chim sa lưới.

Trước tự gây tội: Hoặc có chúng sinh tâm thức điên đảo lầm lẫn, thường khởi ý nghĩ ác, không ngăn cấm nổi.

Cho nên nói: Trước tự gây tội.

Sau hại đến người: Người ta sinh khởi ý nghĩ ác, kết hiềm thù lâu ngày, thường tìm mọi cách suy nghĩ, tính toán, sau đó mới thể hiện điều ác ra bên ngoài. Đã sinh khởi niệm ác thì không còn nghĩ gì về đạo đức.

Cho nên nói: Sau đó mới gây hại đến kẻ khác.

Thầy Tỳ Kheo kia sinh khởi ý nghĩ ác, lại dùng bài kệ này để trả lời:

Kết nhiều oán thù

Tai họa lan tràn

Thật không có lỗi

Đâu còn oán thù.

Cho nên nói: Kia đây hại nhau.

Như chim sa lưới: Xưa, có con chim ưng đầu đàn rình bắt bầy chim sẻ, nhưng chỉ được mỗi một con, tên là Già Tần Xà Lộ, rồi nó vỗ cánh bay cao lên tận đỉnh núi cao.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần