Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Tư Lượng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH TƯ LƯỢNG  

Như vậy tôi nghe!

Một thời, Tôn Giả Mahamoggallana sống giữa những người thuộc dòng họ Bhagga, tại núi Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển.

Ở đây, Tôn Giả Mahamoggallana Ðại Mục Kiền Liên gọi các Tỳ Kheo: Chư Hiền Tỳ Kheo! Thưa Hiền Giả! Những Tỳ Kheo ấy vâng đáp Tôn Giả Mahamoggallana.

Tôn Giả Mahamoggallana nói như sau:

Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo thỉnh nguyện: Mong rằng Chư Tôn Giả nói với tôi, mong rằng tôi được Chư Tôn Giả nói!

Nhưng nếu vị ấy là một người khó nói, đầy đủ những tánh khiến người ấy trở thành khó nói, khó kham nhẫn, không cung kính đón nhận khi được giảng dạy thì các vị đồng phạm hạnh nghĩ rằng, Tỳ Kheo ấy không đáng nói đến, nghĩ rằng Tỳ Kheo ấy không đáng được giáo huấn, nghĩ rằng không nên đặt lòng tin vào người ấy.

Chư Hiền, thế nào là những tánh khiến người ấy trở thành khó nói?

Chư Hiền, ở đây, vị Tỳ Kheo có ác dục, bị ác dục chi phối. Chư Hiền, Tỳ Kheo có ác dục, bị ác dục chi phối, như vậy là một tánh khiến trở thành khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo khen mình chê người. Chư Hiền, Tỳ Kheo khen mình chê người, như vậy là một tánh khiến trở thành khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo phẫn nộ, bị phẫn nộ chi phối. Chư Hiền, Tỳ Kheo phẫn nộ, bị phẫn nộ chi phối, như vậy là một tánh khiến trở thành khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân trở thành người có hiềm hận. Chư Hiền, Tỳ Kheo phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân trở thành người có hiềm hận, như vậy là khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân trở thành cố chấp. Chư Hiền, Tỳ Kheo phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân trở thành cố chấp, như vậy là khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo phẫn nộ, thốt ra những lời liên hệ đến phẫn nộ. Chư Hiền, Tỳ Kheo phẫn nộ khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội trở lại chống đối vị đã buộc tội mình. Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội trở lại chỉ trích vị đã buộc tội mình. Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội trở lại chất vấn vị đã buộc tội mình. Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn của mình. Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội không giải thích thỏa mãn hành động của mình cho vị buộc tội. Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo hư ngụy và não hại. Chư Hiền, Tỳ Kheo hư ngụy và não hại khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo tật đố và xan tham. Chư Hiền, Tỳ Kheo tật đố và xan tham khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo lừa đảo và lường gạt. Chư Hiền, Tỳ Kheo lừa đảo và lường gạt khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo ngoan mê và quá mạn. Chư Hiền, Tỳ Kheo ngoan mê và quá mạn khó nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả. Chư Hiền, Tỳ Kheo chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, như vậy là một tánh trở thành khó nói.

Chư Hiền, như vậy được gọi là những tánh khiến trở thành khó nói.

Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo không thỉnh nguyện: Mong rằng Chư Tôn Giả nói với tôi, mong rằng tôi được Chư Tôn Giả nói! Và nếu vị ấy là một người dễ nói, đầy đủ những đức tánh khiến người ấy trở thành dễ nói, kham nhẫn, cung kính đón nhận khi được nghe giảng dạy, thì các vị đồng phạm hạnh nghĩ rằng, Tỳ Kheo ấy đáng được nói đến, nghĩ rằng Tỳ Kheo ấy đáng được giáo huấn, nghĩ rằng nên đặt lòng tin vào người ấy.

Chư Hiền, thế nào là những đức tánh khiến người ấy trở thành dễ nói?

Chư Hiền, ở đây Tỳ Kheo không có ác dục, không bị ác dục chi phối. Chư Hiền, Tỳ Kheo không có ác dục, không bị ác dục chi phối, như vậy là một đức tánh khiến trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không khen mình chê người. Chư Hiền, Tỳ Kheo không khen mình chê người dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không phẫn nộ, không bị phẫn nộ chi phối. Chư Hiền, Tỳ Kheo không phẫn nộ, trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không phẫn nộ, không vì phẫn nộ làm nhân trở thành người hiềm hận. Chư Hiền, Tỳ Kheo không phẫn nộ. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không phẫn nộ, không bị phẫn nộ làm nhân trở thành cố chấp. Chư Hiền, Tỳ Kheo không phẫn nộ. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không phẫn nộ, không vì phẫn nộ thốt ra những lời liên hệ đến phẫn nộ. Chư Hiền, Tỳ Kheo không phẫn nộ. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội, không trở lại chống đối vị đã buộc tội mình. Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội không trở lại chỉ trích vị đã khiển trách mình. Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội không trở lại chất vấn vị đã buộc tội mình. Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội, không tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn của mình, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội, giải thích thỏa mãn hành động của mình cho vị buộc tội, Chư Hiền, Tỳ Kheo bị buộc tội. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không hư ngụy và não hại, Chư Hiền, Tỳ Kheo không hư ngụy và não hại. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không tật đố và xan tham, Chư Hiền, Tỳ Kheo không tật đố và xan tham. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không khi cuống và lường gạt, Chư Hiền, Tỳ Kheo không khi cuống và lường gạt. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không ngoan mê và quá mạn, Chư Hiền, Tỳ Kheo không ngoan mê và quá mạn. Trở thành dễ nói.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo không chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả, Chư Hiền, Tỳ Kheo không chấp trước thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả, như vậy là một đức tánh trở thành dễ nói.

Chư Hiền, như vậy được gọi là những đức tánh khiến trở thành dễ nói.

Chư Hiền, ở đây Tỳ Kheo cần phải tư lượng tự ngã với tự ngã như sau: Người này có ác dục, bị ác dục chi phối nên ta không ưa người ấy, không thích người ấy.

Và nếu ta có ác dục, bị ác dục chi phối, các người khác sẽ không ưa ta, không thích ta.

Chư Hiền, Tỳ Kheo khi biết vậy cần phải phát tâm như sau: Ta sẽ không có ác dục, sẽ không bị ác dục chi phối.

Người này khen mình chê người, nên ta không ưa người ấy, không thích người ấy. Và nếu ta khen mình chê người, các người khác sẽ không ưa ta, sẽ không thích ta.

Chư Hiền, Tỳ Kheo khi biết vậy, cần phải phát tâm như sau: Ta sẽ không khen mình chê người. Người này có phẫn nộ, bị phẫn nộ chi phối, nên ta không ưa người ấy. Ta sẽ không phẫn nộ, không bị phẫn nộ chi phối.

Người này phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân trở thành người hiềm hận nên ta không ưa người ấy. Ta sẽ không phẫn nộ, không vì phẫn nộ làm nhân trở thành người hiềm hận.

Người này phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân trở thành cố chấp nên ta không ưa người ấy. Ta sẽ không phẫn nộ, không vì phẫn nộ làm nhân trở thành cố chấp.

Người này phẫn nộ, thốt ra những lời liên hệ đến phẫn nộ nên ta không ưa người ấy. Ta sẽ không phẫn nộ, không thốt ra những lời liên hệ đến phẫn nộ.

Người này bị buộc tội, trở lại chống đối vị đã buộc tội mình, nên ta không ưa người ấy. Ta có bị buộc tội, sẽ không trở lại chống đối vị buộc tội mình.

Người này bị buộc tội trở lại chỉ trích vị đã khiển trách mình, nên ta không ưa người ấy. Ta có bị buộc tội, sẽ không trở lại chỉ trích vị buộc tội mình.

Người này bị buộc tội, trở lại chất vấn vị đã buộc tội mình, nên ta không ưa người ấy. Ta có bị buộc tội, sẽ không trở lại chất vấn vị đã buộc tội mình.

Người này bị buộc tội, tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn của mình, nên ta không ưa người ấy.

Ta bị buộc tội sẽ không tránh né vấn đề với một vấn đề khác, không trả lời ra ngoài vấn đề, và không để lộ phẫn nộ, sân hận bất mãn của mình.

Người này bị buộc tội, không giải thích thỏa mãn hành động của mình cho vị buộc tội biết nên ta không ưa người ấy. Ta bị buộc tội, sẽ giải thích thỏa mãn hành động của mình cho vị buộc tội biết.

Người này hư ngụy và não hại nên ta không ưa người ấy. Ta sẽ không hư ngụy và não hại.

Người này tật đố và xan tham nên ta không ưa người ấy. Ta sẽ không tật đố và xan tham.

Người này khi cuống và lường gạt nên ta không ưa người ấy. Ta sẽ không khi cuống và lường gạt.

Người này ngoan mê và quá mạn nên ta không ưa người ấy. Ta sẽ không ngoan mê và quá mạn.

Người này chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả nên ta không ưa người ấy, không thích người ấy.

Và nếu ta chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, các người khác sẽ không ưa ta, không thích ta.

Chư Hiền, Tỳ Kheo khi biết vậy, cần phải phát tâm như sau: Ta sẽ không chấp trước thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả.

Chư Hiền, ở đây, Tỳ Kheo cần phải quán sát tự ngã với tự ngã như sau: Không biết ta có ác dục, có bị ác dục chi phối không?

Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo quán sát và biết rằng: Ta có ác dục và bị ác dục chi phối, thì Chư Hiền, Tỳ Kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các ác, bất thiện pháp ấy.

Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo quán sát và biết rằng: Ta không có ác dục, không bị ác dục chi phối, thì Chư Hiền, Tỳ Kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.

Lại nữa, Chư Hiền, Tỳ Kheo phải quán sát tự ngã với tự ngã như sau:

Không biết ta có khen mình chê người hay không?

Ta không khen mình chê người. Các thiện pháp. Lại nữa.

Không biết ta có phẫn nộ, bị phẫn nộ chi phối không?

Ta không có phẫn nộ, không bị phẫn nộ chi phối. Các thiện pháp.

 Lại nữa. Không biết ta có phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân, trở thành có hiềm hận không?

Ta không có phẫn nộ, không vì phẫn nộ làm nhân, trở thành người hiềm hận. Các thiện pháp.

Lại nữa. Không biết ta có phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân, trở thành người cố chấp?

Ta không có phẫn nộ, không vì phẫn nộ làm nhân, trở thành người cố chấp. Các thiện pháp.

Lại nữa, không biết ta có phẫn nộ, thốt ra những lời liên hệ đến phẫn nộ?

Ta không có phẫn nộ, không thốt ra những lời liên hệ đến phẫn nộ. Các thiện pháp.

Lại nữa. Ta bị buộc tội, không biết ta có trở lại chống đối vị đã buộc tội ta?

Ta bị buộc tội, ta không trở lại chống vị đã buộc tội ta. Các thiện pháp.

Lại nữa. Ta bị buộc tội, không biết ta có trở lại chỉ trích vị đã buộc tội ta?

Ta bị buộc tội, ta không trở lại chỉ trích vị đã buộc tội ta. Các thiện pháp.

Lại nữa. Ta bị buộc tội, không biết ta có trở lại chất vấn vị đã buộc tội ta?

Ta bị buộc tội, ta không trở lại chất vấn vị đã buộc tội ta. Các thiện pháp.

 Lại nữa. Ta bị buộc tội, không biết ta có tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn của ta?

Ta bị buộc tội, ta không tránh né vấn đề với một vấn đề khác, không trả lời ngoài vấn đề, và ta không để lộ sự phẫn nộ, sân hận và bất mãn của ta. Các thiện pháp.

Lại nữa. Ta bị buộc tội, không biết ta có giải thích thỏa mãn hành động của ta cho vị buộc tội biết?

Ta bị buộc tội, ta có giải thích thỏa mãn hành động của ta cho vị buộc tội biết. Các thiện pháp.

Lại nữa, không biết ta có hư ngụy và não hại?

Ta không có hư ngụy và não hại. Các thiện pháp.

Lại nữa, không biết ta có tật đố và xan tham?

Ta không có tật đố và xan tham. Các thiện pháp.

Lại nữa, không biết ta có khi cuống và lường gạt?

Ta không có khi cuống và lường gạt. Các thiện pháp.

Lại nữa. Không biết ta có ngoan mê và quá mạn?

Ta không có ngoan mê và quá mạn. Các thiện pháp.

Lại nữa, Chư Hiền, ở đây Tỳ Kheo cần phải quán sát tự ngã như sau: Không biết ta có chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả không?

Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo quán sát và biết rằng: Ta có chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, thì Chư Hiền, Tỳ Kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ những ác, bất thiện pháp ấy.

Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo quán sát và biết rằng: Ta không chấp trước thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả, thì Chư Hiền, Tỳ Kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp.

Chư Hiền, nếu trong khi quán sát, Tỳ Kheo thấy rõ rằng tất cả các ác, bất thiện pháp chưa được đoạn trừ trong nội tâm, thì Chư Hiền, Tỳ Kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các ác, bất thiện pháp ấy.

Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo trong khi quán sát thấy rõ rằng tất cả các ác, bất thiện pháp đã được đoạn trừ trong nội tâm, thì Chư Hiền, Tỳ Kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp.

Chư Hiền, ví như một phụ nữ hay một đàn ông trẻ tuổi, trong tuổi thanh xuân, tánh ưa trang điểm, tự quán sát mặt mày của mình trong một tấm kính sạch sẽ và trong suốt, hay trong một bát nước trong sáng. Nếu người ấy thấy bụi bặm hay cấu uế trên mặt mình, thì người ấy tinh tấn đoạn trừ bụi bặm hay cấu uế ấy.

Nếu người ấy không thấy bụi bặm hay cấu uế trên mặt mình, thì người ấy sẽ hoan hỷ nghĩ rằng: Thật sự ta được điều tốt đẹp. Thật sự ta được thanh tịnh. Cũng vậy Chư Hiền, nếu trong khi quán sát, Tỳ Kheo thấy rõ rằng tất cả các ác, bất thiện pháp chưa đoạn trừ ở nội tâm, thì Chư Hiền, Tỳ Kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các ác, bất thiện pháp ấy.

Chư Hiền, nếu Tỳ Kheo trong khi quán sát thấy rõ rằng các ác, bất thiện pháp đã đoạn trừ ở nội tâm, thì Chư Hiền, Tỳ Kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học thiện pháp.

Tôn Giả Mahamoggallana thuyết giảng như vậy. Các Tỳ Kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Tôn Giả Mahamoggallana.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần