Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðế Thích Sở Vấn - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH ĐẾ THÍCH SỞ VẤN  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe!

Một thời, Thế Tôn trú tại Magadha Ma Kiệt Đà phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà La Môn tên Ambasanda, Am Bà La trên ngọn núi Vediya Tỳ Đà Sơn phía Bắc ngôi làng, trong hang Indasàla Nhân Đà Sa La.

Lúc bấy giờ, Thiên Chủ Sakka Đế Thích náo nức muốn chiêm ngưỡng Thế Tôn.

Rồi Thiên Chủ Sakka suy nghĩ: Nay Thế Tôn ở tại chỗ nào, vị A La Hán, Chánh Ðẳng Giác?

Thiên Chủ Sakka thấy Thế Tôn trú tại Magadha, phía Ðông thành Vương Xá tại làng Bà La Môn tên Ambasanda, trên ngọn núi Vediya, phía Bắc ngôi làng trong hang Indasala.

Thấy vậy, Thiên Chủ Sakka nói với Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên: Này quý vị, Thế Tôn trú ngụ tại Magadha, phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà La Môn tên Ambasanda, trên ngọn núi Veidya, phía Bắc ngôi làng, trong hang núi Indasala.

Này quí vị, chúng ta hãy đến chiêm ngưỡng Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.

Xin vâng, mong an lành đến cho Ngài.

Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên trả lời Thiên Chủ Sakka.

Rồi Thiên Chủ Sakka, nói với Pancasikha Ngũ Kế, con của Càn Thát Bà: Này Khanh Pancasikha, Thế Tôn nay trú tại Magadha, phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà La Môn tên Ambasanda, trên ngọn núi Vediya phía Bắc ngôi làng, trong hang núi Indasàla.

Này Khanh Pancasikha, chúng ta hãy đến chiêm ngưỡng Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.

Xin vâng, mong an lành đến cho Ngài!

Pancasikha, con của Càn Thát Bà, vâng lời Thiên Chủ Sakka, cầm cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và đi theo Thiên Chủ Sakka.

Rồi Thiên Chủ Sakka, với Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên Tháp tùng xung quanh, với Pancasikha, con của Càn Thát Bà đi trước, như người lực sĩ duỗi cánh tay co lại, hay co lại cánh tay duỗi ra, biến mất ở Cõi Tam Thập Tam Thiên, hiện ra ở Magadha, phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà La Môn Ambasandà và đứng trên núi Vediya, phía Bắc ngôi làng.

Lúc bấy giờ núi Vediya chói hào quang rực rỡ, ngôi làng Bà La Môn Ambasandà cũng vậy, đều nhờ thần lực Chư Thiên.

Và dân chúng ở những làng xung quanh nói rằng: Núi Vediya hôm nay thật sự bị cháy, núi Veidya hôm nay thật sự có lửa đỏ rực, núi Vediya lại chói hào quang rực rỡ, làng Bà La Môn Ambasandà cũng vậy. Và dân chúng lo âu, lông tóc dựng ngược.

Rồi Thiên Chủ Sakka nói với Pancasikha, con của Càn Thát Bà: Này khanh Pancasikha, Chư Như Lai thật khó lại gần đối với người như ta. Các Ngài nhập Thiền, hoan hỷ trong Thiền, và với mục đích ấy, an lặng tịnh cư.

Vậy khanh Pancasikha trước tiên làm cho Thế Tôn hoan hỷ, sau sự hoan hỷ do khanh tác động, chúng ta mới đến yết kiến Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.

Xin vâng, mong an lành đến với Ngài!

Pancasikha, con của Càn Thát Bà vâng lời Thiên Chủ Sakka, cầm cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và đến tại hang núi Indasala.

Khi đến xong, Pancasikha đứng lại một bên và suy nghĩ: Ta đứng đây, không quá xa Thế Tôn, cũng không quá gần. Và tiếng sẽ được Ngài nghe.

Ðứng một bên, Pancasikha, con của Càn Thát Bà gảy cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục:

Ôi Suriya Vaccasa!

Ta đảnh lễ Timbaru,

Bậc phụ thân của nàng,

Ðã sanh nàng thiện nữ,

Nguồn hạnh phúc của ta,

Như gió cho kẻ mệt.

Như nước cho kẻ khát,

Nàng là tình của ta.

Như pháp với Ứng Cúng,

Như thuốc cho kẻ bệnh,

Như đồ ăn kẻ đói,

Thiên nữ với nước mắt.

Hãy dập tắt lửa tình!

Như voi bị nắng thiêu,

Tẩm mình hồ nước mát,

Có cánh sen, nhụy sen.

Cũng vậy, ta muốn chìm,

Chìm sâu vào ngực nàng.

Như voi bị xiềng xích,

Hất móc câu, gậy nhọn,

Ta điên vì ngực nàng,

Hành động ta rối loạn.

Tâm ta bị nàng trói,

Di chuyển thật vô phương,

Rút lui cũng bất lực,

Như cá đã mắc câu.

Hiền nữ hãy ôm ta,

Trong cánh tay của nàng!

Hãy ôm ta, nhìn ta,

Trong ánh mắt dịu hiền.

Hãy ghì chặt lấy ta,

Thiện nữ! Ta van nàng!

Ôi hiền nữ suối tóc,

Ái dục ta có bao!

Nhưng nay đã tăng bội,

Như đồ chúng La Hán!

Mọi công đức ta làm,

Dâng lên bậc La Hán,

Ôi kiều nữ toàn thiện,

Nàng là quả cho ta.

Công đức khác của ta,

Ðã làm trên đời này!

Ôi kiều nữ toàn thiện,

Nàng là quả của ta!

Vị Thích Tử thiền tu,

Nhất tâm và giác tỉnh,

Tìm cầu đạo bất tử,

Cũng vậy ta cầu nàng!

Như người tu sung sướng,

Chứng Bồ Ðề tối thượng.

Kiều nữ, ta sung sướng,

Ðược nhập một với nàng,

Nếu Thiên Chủ Sakka,

Cho ta một ước nguyện,

Ta ước nguyện được nàng,

Vì ta quá yêu nàng!

Như Ta La sanh quả,

Tuệ nữ, phụ thân nàng!

Ta sẽ đảnh lễ Ngài,

Vì sanh nàng vẹn toàn!

Khi được nghe vậy, Thế Tôn nói với Pancasikha, con của Càn Thát Bà: Này Pancasikha, huyền âm của ngươi khéo hòa điệu với giọng ca của ngươi, và giọng ca của ngươi khéo hòa điệu với huyền âm của ngươi.

Này Pancasikha, do vậy huyền âm của ngươi không thêm mầu sắc cho giọng ca, hay giọng ca của ngươi không thêm màu sắc cho huyền âm của ngươi.

Này Pancasikha, ngươi học tại chỗ nào những bài kệ liên hệ đến Phật, Pháp, đến A La Hán, đến ái dục như vậy?

Bạch Thế Tôn, một thời Thế Tôn an trú ở Uruvelà, bên bờ sông Neranjara Ni Liên Thiền, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi mới thành Chánh Ðẳng Giác.

Lúc bấy giờ, con yêu con gái của Timbaru, Vua Càn Thát Bà, tên là Bhaddà với biệt hiệu Suriya Vaccasà.

Nhưng bạch Thế Tôn, thiếu nữ lại yêu một người khác, tên là Sikhaddhi, con của Màtali người đánh xe.

Bạch Thế Tôn, con không có phương tiện nào khác để chiếm được thiếu nữ. Con cầm đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva, đến tại trú xá của Timbaru, Vua Càn Thát Bà.

Khi đến xong, con gảy đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ này, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục:

Ôi Suriya Vaccasa!

Ta đảnh lễ Timbaru,

Bậc phụ thân của nàng,

Ðã sanh nàng thiện nữ,

Nguồn hạnh phúc của ta,

Như gió cho kẻ mệt.

Như nước cho kẻ khát,

Nàng là tình của ta.

Như pháp với Ứng Cúng,

Như thuốc cho kẻ bệnh,

Như đồ ăn kẻ đói,

Thiên nữ với nước mắt.

Hãy dập tắt lửa tình!

Như voi bị nắng thiêu,

Tẩm mình hồ nước mát,

Có cánh sen, nhụy sen.

Cũng vậy, ta muốn chìm,

Chìm sâu vào ngực nàng.

Như voi bị xiềng xích,

Hất móc câu, gậy nhọn,

Ta điên vì ngực nàng,

Hành động ta rối loạn.

Tâm ta bị nàng trói,

Di chuyển thật vô phương,

Rút lui cũng bất lực,

Như cá đã mắc câu.

Hiền nữ hãy ôm ta,

Trong cánh tay của nàng!

Hãy ôm ta, nhìn ta,

Trong ánh mắt dịu hiền.

Hãy ghì chặt lấy ta,

Thiện nữ! Ta van nàng!

Ôi hiền nữ suối tóc,

Ái dục ta có bao!

Nhưng nay đã tăng bội,

Như đồ chúng La Hán!

Mọi công đức ta làm,

Dâng lên bậc La Hán,

Ôi kiều nữ toàn thiện,

Nàng là quả cho ta.

Công đức khác của ta,

Ðã làm trên đời này!

Ôi kiều nữ toàn thiện,

Nàng là quả của ta!

Vị Thích Tử thiền tu,

Nhất tâm và giác tỉnh,

Tìm cầu đạo bất tử,

Cũng vậy ta cầu nàng!

Như người tu sung sướng,

Chứng bồ đề tối thượng.

Kiều nữ, ta sung sướng,

Ðược nhập một với nàng,

Nếu Thiên Chủ Sakka,

Cho ta một ước nguyện,

Ta ước nguyện được nàng,

Vì ta quá yêu nàng!

Như Ta La sanh quả,

Tuệ nữ, phụ thân nàng!

Ta sẽ đảnh lễ Ngài,

Vì sanh nàng vẹn toàn!

Bạch Thế Tôn, sau khi nghe nói vậy, Bhaddà Suriya Vaccasà nói với con như sau: Này Hiền Giả, tôi chưa được thấy Thế Tôn tận mặt.

Nhưng tôi có nghe đến Thế Tôn, khi tôi đến múa tại thiện pháp đường của Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên. Vì Hiền giả đã tán dương Thế Tôn như vậy, vậy hôm nay chúng ta sẽ gặp nhau.

Bạch Thế Tôn, rồi con được gặp nàng, không phải hôm ấy, nhưng về sau.

Rồi Thiên Chủ Sakka suy nghĩ như sau: Pancasikha, con của Càn Thát Bà hoan hỷ đàm luận với Thế Tôn. Và Thế Tôn đối với Pancasikha cũng vậy.

Rồi Thiên Chủ Sakka nói với Pancasikha, con của Càn Thát Bà: Này khanh Pancasikha, hãy thay mặt ta, đảnh lễ Thế Tôn và nói: Bạch Thế Tôn, Thiên Chủ Sakka cùng với đình thần và thuộc hạ đầu diện tiếp tục đảnh lễ Thế Tôn. Xin vâng, mong an lành đến cho Ngài.

Pancasikha, con của Càn Thát Bà vâng theo lời dặn của Thiên Chủ Sakka, đảnh lễ Thế Tôn và nói: Bạch Thế Tôn, Thiên Chủ Sakka cùng với đình thần và thuộc hạ, đầu diện tiếp tục đảnh lễ Thế Tôn.

Này Pancasikha, mong hạnh phúc đến với Thiên Chủ Sakka, với các đình thần và các thuộc hạ!

Chư Thiên, loài người, Asurà, Nàgà, Gandhabba, đều ao ước hạnh phúc. Các loại chúng sanh khác cũng vậy. Như vậy, các Như Lai chào đón thượng chúng.

Ðược chào đón như vậy, Thiên Chủ Sakka bước vào hang Indasàla của Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng một bên. Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên cũng bước vào hang Indasàla, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên.

Pancasikha, con của Càn Thát Bà cũng bước vào hang Indasàla, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên.

Lúc bấy giờ, trong hang Indasàla, những con đường gồ ghề được làm bằng phẳng, những khoảng chật hẹp được làm cho rộng rãi, trong hang tối tăm có hào quang chiếu sáng, đó là nhờ thần lực của Chư Thiên.

Rồi Thế Tôn nói với Thiên Chủ Sakka: Thật là hy hữu, Đại Đức Kosiya!

Thật là kỳ diệu, Đại Đức Kosiya, tuy có nhiều trách nhiệm phải gánh vác, có nhiều công tác phải làm, mà vẫn đến đây được!

Bạch Thế Tôn, đã từ lâu con muốn đến để yết kiến Thế Tôn, nhưng bị ngăn trở bởi các công việc này, công việc khác phải làm cho Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, và do vậy không thể đến yết kiến Thế Tôn được.

Bạch Thế Tôn, một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi Xá Vệ, tại gốc Salala.

Bạch Thế Tôn, rồi con đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi nhập định và Bhunjàti, vợ của Vessavana đang đứng hầu Thế Tôn, đảnh lễ chắp tay.

Bạch Thế Tôn, rồi con nói với Bhunjàti: Này hiền tỷ, hãy thay mặt ta đảnh lễ Thế Tôn và thưa: Bạch Thế Tôn, Thiên Chủ Sakka với đình thần và thuộc hạ đầu diện tiếp tục đảnh lễ Thế Tôn.

Ðược nghe nói vậy, Bhunjàti nói với con: Thiện hữu, nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn. Thế Tôn đang an lặng tịnh cư.

Này hiền tỷ, khi nào xuất định, hãy thay mặt ta đảnh lễ Thế Tôn và thưa: Bạch Thế Tôn, Thiên Chủ Sakka cùng đình thần và thuộc hạ đầu diện tiếp tục đảnh lễ Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, không hiểu Bhunjãti có thay mặt con đảnh lễ Thế Tôn không?

Thế Tôn có nhớ lời bà ấy nói không?

Này Thiên Chủ, bà ấy có đảnh lễ Ta. Ta có nhớ lời bà ấy nói. Chính tiếng bánh xe của Ngài đã khiến Ta xuất định.

Bạch Thế Tôn, có Chư Thiên được sanh lên Tam Thập Tam Thiên trước chúng con, chính chúng con tận mắt được nghe Chư Thiên ấy nói như sau: Khi Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, Thiên Giới được hưng thịnh và Asurà giới bị suy vong.

Bạch Thế Tôn, chính con có thể thấy và xác chứng rằng khi nào Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, thì Thiên Giới được hưng thịnh và Asurà giới bị suy vong.

Bạch Thế Tôn ở đây, tại Kapilavatthu, có Thích nữ tên là Gopika, có lòng tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, và gìn giữ đầy đủ giới luật.

Thích nữ này, loại bỏ tâm niệm đàn bà, tu tập tâm niệm đàn ông, khi thân hoại mạng chung được sanh lên Thiên Giới, thiện thú, nhập chúng với Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, sanh ra làm con của chúng con. Và ở đấy, nàng được gọi là Thiên Tử Gopakà, Thiên Tử Gopakà.

Bạch Thế Tôn, lại có ba Tỳ Kheo khác sống Phạm Hạnh với Thế Tôn và sanh vào Càn Thát Bà giới hạ đẳng. Họ sống được bao vây thọ hưởng năm món dục tăng thịnh và thường hay đến hầu hạ săn sóc chúng con.

Chúng con được họ đến hầu hạ và săn sóc chúng con như vậy, Thiên Tử Gopakà mới trách la họ như sau: Chư thiện hữu, tai các Người ở đâu mà không nghe pháp của Thế Tôn.

Chính ta xưa là đàn bà, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, gìn giữ giới luật, loại bỏ tâm niệm đàn bà, tu tập tâm niệm đàn ông, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên Giới, nhập chúng với Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên, làm con của Thiên Chủ Sakka và được gọi là Thiên Tử Gopakà.

Chư thiện hữu, các Người tu hành Phạm Hạnh với Thế Tôn, được sanh vào Càn Thát Bà giới hạ đẳng. Thật là điều không mấy tốt đẹp, khi chúng con thấy những vị đồng môn lại phải sanh vào hạ đẳng Càn Thát Bà giới.

Bạch Thế Tôn, trong Chư Thiên bị Thiên Tử Gopakà trách mắng như vậy, hai vị Thiên, ngay trong hiện tại, chứng được chánh niệm và sanh làm phụ tá cho Phạm Thiên. Còn một vị Thiên sống thọ hưởng dục lạc.

Ta đệ tử pháp nhãn,

Tên gọi Gopakà,

Ta tin Phật, Pháp, Tăng.

Tâm niệm rất hoan hỷ.

Nhờ thiện pháp Chư Phật,

Sanh con thần Sakka,

Hào quang, sanh Thiên Giới,

Ðược tên Gopakà.

Ta thấy ba Tỳ Kheo,

Hạ Sanh Càn Thát Bà!

Ðệ tử Gotama,

Trước sanh làm con người,

Ta cúng dường ẩm thực,

Hầu hạ trú xứ ta.

Mắt Hiền giả ở đâu?

Không nắm giữ Pháp, Phật,

Chánh pháp tự giác hiểu,

Bậc pháp nhãn khéo giảng.

Ta chỉ hầu quý vị,

Ðược nghe pháp Bậc Thánh.

Ta là con Sakka,

Có thần lực hào quang,

Ðược sanh lên Thiên Giới.

Các người hầu Thế Tôn,

Sống phạm hạnh tối thượng,

Nay phải sanh hạ thân,

Mất Thượng Sanh Hạ Phẩm.

Ta nhìn thật khó chịu,

Thấy đồng môn Hạ Sanh

Với thân Càn Thát Bà,

Phải hầu hạ Chư Thiên.

Từ địa vị Cư Sĩ,

Ta thấy rõ khác biệt.

Trước bà, nay đàn ông.

Ta sanh Thiên, hưởng dục.

Bị Gopakà trách mắng,

Ưu phiền đồng phát nguyện,

Phải thăng tiến nỗ lực,

Không nô lệ cho ai!

Hai trong ba vị này,

Bắt đầu hành tinh tấn,

Nhờ Gotama dạy,

Chúng tẩy sạch tâm uế,

Thấy nguy hiểm dục vọng.

Như voi bỏ dây cương,

Các vị vượt Tam Thiên,

Vứt bỏ dục kiết sử,

Quỷ triền phược khó vượt,

Cùng Sakka, Pajàpati.

Hội chúng thiện pháp đường

Vượt quá vị đang ngồi,

Anh hùng ly dục cấu.

Thấy chúng khỏi lo ngại,

Vasava giữa Thiên Chúng,

Xem chúng sinh Hạ Phẩm,

Nay vượt qua Tam Thiên.

Suy tư lời ưu phiền,

Gopaka với Vàsava:

Đế Thích ở nhân giới,

Ðức Phật gọi Thích Ca

Ðã chinh phục dục vọng.

Chúng là con của Ngài,

Thất niệm khi mệnh chung,

Nhờ ta lấy chánh niệm.

Một trong ba vị ấy,

Mang thân Càn Thát Bà.

Hai vị hướng Chánh Giác,

Bỏ Thiên Giới, nhập thiền.

Ðừng đệ tử nào nghi,

Vị ở đây chứng pháp.

Chúng ta đảnh lễ Phật.

Vị vượt khỏi bộc lưu,

Ðã diệt trừ nghi ngờ,

Bậc chiến thắng muôn loài.

Chính ở đây, chứng pháp,

Tấn bước đạt thù thắng,

Hai vị đạt thắng vị,

Hơn phụ tá Phạm Thiên,

Ôi thiện hữu chúng tôi.

Ðến đây để chứng pháp.

Nếu Thế Tôn cho phép,

Chúng con hỏi Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn suy nghĩ: Ðã lâu, Sakka này sống đời trong sạch.

Câu hỏi gì Sakka hỏi ta, đều hỏi có lợi ích, không phải không lợi ích. Câu hỏi gì hỏi ta, ta sẽ trả lời. Và Sakka sẽ hiểu một cách mau chóng.

Rồi Thế Tôn nói bài kệ sau đây với Thiên Chủ Sakka:

Vàsava hãy hỏi ta,

Những gì tâm ngươi muốn!

Mỗi câu hỏi của ngươi,

Ta làm ngươi thỏa mãn. Sau khi được phép, Thiên Chủ Sakka hỏi Thế Tôn câu hỏi đầu tiên: Bạch Thế Tôn, do kiết sử gì, các loài Thiên, Nhân, Asurà, Nàgà, Càn Thát Bà, và tất cả những loài khác, dân chúng ao ước: Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng ta sống với nhau không hận thù.

Thế mà với hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý, họ sống với nhau trong hận thù?

Ðó là hình thức câu hỏi thứ nhất, Thiên Chủ Sakka hỏi Thế Tôn.

Và Thế Tôn trả lời câu hỏi ấy như sau: Do tật đố và xan tham, các loài Thiên, Nhân Asurà, Nàgà, Càn Thát Bà và tất cả những loài khác, dân chúng ao ước: Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng ta sống với nhau không hận thù. Thế mà với hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý, họ sống với nhau trong hận thù. Ðó là hình thức Thế Tôn trả lời cho câu hỏi Thiên Chủ Sakka.

Sung sướng, Thiên Chủ Sakka hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói: Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con diệt tận, do dự của con tiêu tan.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường