Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Một - Phẩm Thưa Hỏi Về Bốn Việc - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TU CHÂN THIÊN TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

PHẨM THƯA HỎI VỀ BỐN VIỆC  

TẬP BA  

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để được trí phương tiện thiện xảo, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp.

Những gì là bốn?

1. Chứng đắc thần thông.

2. Được trí tuệ không chướng ngại.

3. Đạt được trí biện tài.

4. Thệ nguyện luôn thanh tịnh.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được trí phương tiện thiện xảo, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp.

Đức Phật nói kệ:

Đã đạt được thần thông

Trí tuệ không chướng ngại

Trí biện tài như vậy

Hạnh nguyên đều thanh tịnh.

Thấy biết căn cơ người

Ứng hợp mà thuyết pháp

Người nghe tự lãnh thọ

Không nghi ngờ giải thoát.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để hội nhập vào pháp môn giải thoát, ở trong sinh tử mà không bị sắc dục lôi cuốn.

Những gì là bốn?

1. An trụ nơi pháp không. Nếu thấy người bị trói buộc liền độ thoát cho họ.

2. Đối với chỗ vướng mắc nơi các hành cũng dốc giúp họ giải thoát.

3. Đã đạt được vô nguyện, an ổn, khẳng định việc giáo hóa tất cả chúng sinh.

4. Với phương tiện thiện xảo, dùng trí tuệ thị hiện các pháp.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để hội nhập vào nẻo giải thoát, ở trong sinh tử mà không bị sắc dục lôi cuốn.

Đức Phật nói kệ:

Đã chứng đắc pháp không

Thoát khỏi sự trói buộc

Vô tướng được thành lập

Vượt khỏi mọi chấp trước.

Đã chứng được vô nguyện

An vui và quyết định

Tùy chỗ ở chúng sinh

Giáo hóa cho tất cả.

Dùng quyền tuệ dạy người

Trụ vào cửa giải thoát

Không dừng Cõi Vô Sắc

Vào thẳng nơi Niết Bàn.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để đạt được phương tiện thù thắng, chế ngự sự cao ngạo.

Những gì là bốn?

1. Thấy biết khắp các pháp giới.

2. Hiểu rõ nguồn gốc của sinh tử, dùng pháp để độ thoát muôn loài.

3. Biết thân là nguồn gốc của tham dục.

4. Tu tập đạt đến giải thoát, không nghi ngờ các pháp.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được phương tiện thù thắng, chế ngự sự cao ngạo.

Đức Phật nói kệ:

Quán khắp đều thấy biết

Tất cả các pháp giới

Tâm không có hạn lượng

Đã thấy sự bình đẳng.

Nếu nơi gốc của thân

Ở dục mà tự tại

Dùng phương tiện thù thắng

Ứng hợp để thuyết pháp.

Tất cả không chấp trước

Các pháp đều vắng lặng

Không sinh cũng không khởi

Mọi hiện hữu đều diệt

Không kiêu mạn, tự đại

Chế ngự mọi cao ngạo

Dùng các trí phương tiện

Khiến nhập vào Niết Bàn.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để được phương tiện nhân duyên nhận biết các việc đã làm.

Những gì là bốn?

1. Nhờ bố thí nên được phước đức là giàu sang.

2. Nhờ trì giới nên được sinh lên Cõi Trời.

3. Nhờ học rộng nên được trí tuệ lớn.

4. Nhờ tu chỉ quán nên xa lìa sinh tử.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được phương tiện nhân duyên nhận biết các việc đã làm.

Đức Phật nói kệ:

Bố thí được giàu sang

Đó chính là phước báo

Trì giới được sinh Thiên

Đó chính là phước báo.

Học rộng không tham dục

Tuệ lớn là phước báo

Thiền định không chấp trước

Đó chính là phước báo.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để được phương tiện về giới luật, xa lìa các kiến chấp.

Những gì là bốn?

1. Đối với pháp thường, tâm không chấp trước.

2. Đối với pháp vô thường, ý không thay đổi.

3. Thấy rõ pháp sinh khởi và nguồn gốc của sinh tử đều là do mười hai nhân duyên hòa hợp mà sinh ra. Đã thấy biết như vậy rồi nên không còn tạo tác về sinh tử.

4. Thấy các pháp sinh diệt và sinh tử diệt, hiểu rõ chính là do mười hai nhân duyên tan rã, hoại diệt. Đã thấy biết như vậy rồi thì ở trong ba cõi không còn tạo tác nghiệp hoại diệt.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được phương tiện nơi giới luật, xa lìa các kiến chấp.

Đức Phật nói kệ:

Đối với kẻ chấp thường

Chỉ rõ việc vô thường

Ở trong nẻo vô thường

Mà hiện bầy chánh pháp.

Hoặc vì hết thảy người

Giảng nói nghĩa nhân duyên

Người nghe mười hai pháp

Tâm đều được thanh tịnh.

Khắp tất cả mười phương

Thế Tôn đều thuyết giảng

Si là gốc sinh tử

Theo đó mà phát sinh.

Các pháp sinh khởi ấy

Cũng hoàn toàn không diệt

Nhân duyên đã dứt hết

Không còn mười hai duyên.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để đạt được phương tiện khéo léo, cứu giúp tất cả các loài.

Những gì là bốn?

1. Xem tất cả chúng sinh đều là chỗ thân thuộc, nhằm để chỉ dạy đạo.

2. Công đức đã tạo nên phải luôn tinh tấn thực hiện.

3. Ở trong sinh tử mà cầu đạt Niết Bàn.

4. Tùy theo sự ưa thích của chúng sinh để độ thoát, thực hành theo phương tiện thiện xảo, không bị ái dục làm cấu uế.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để đạt được phương tiện khéo léo, cứu giúp tất cả chúng sinh.

Đức Phật nói kệ:

Khiến tất cả chúng sinh

Trụ vững đạo bồ đề

Những công đức đã tạo

Không có ý muốn dừng.

Ở trong chốn sinh tử

Mà cầu đạt Niết Bàn

Theo mong muốn của họ

Nhân đó mà cứu độ.

Tâm ý thường nhớ nghĩ

Gần gũi nơi pháp này

Nhờ phương tiện thiện xảo

Hiểu rõ hết tất cả.

Chí thường luôn cứu giúp

Vô số các quần sinh

Nắm vững nhất thiết trí

Đều mau chóng chứng đắc.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để đạt được nguyện an lành, thân, ý luôn thanh tịnh.

Những gì là bốn?

1. Không tham lam keo kiệt.

2. Khi bố thí không lựa chọn, phân biệt.

3. Kiên trì giữ giới.

4. Hành động của thân ý thường nguyện hợp với đạo.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để đạt được nguyện an lành, thân, ý luôn thanh tịnh.

Đức Phật nói kệ:

Chất phác không keo kiệt

Giữ giới tịnh, không lỗi

Trụ vững không lay động

Ví như núi Tu Di.

Hành động của thân ý

Thường nguyện ở nơi đạo

Nên được sự an lành

Không lâu sẽ chứng đắc.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để được diệu lực nhẫn nhục, tâm không còn sân giận.

Những gì là bốn?

1. Đối xử với tất cả mọi người như cha mẹ thương con, cũng như thân mình không khác.

2. Nếu bị đánh, cắt, chích làm cho thân chịu đủ các thứ khổ thì xem như không có thân, không có lo buồn.

3. Đã hiểu rõ pháp không nên xa lìa các kiến chấp.

4. Thường tự ăn năn các việc làm ác của thân. Thấy lỗi lầm của người khác thì không luận bàn.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được diệu lực nhẫn nhục, tâm không còn sân giận.

Đức Phật nói kệ:

Xem chúng sinh như mình

Như cha mẹ thương con

Thường dùng tâm đại từ

Giáo hóa khắp muôn loài.

Nếu khởi tâm sân giận

Biết cách diệt trừ ngay

Đã hiểu rõ pháp không

Nên nhẫn nhục đệ nhất.

Nếu thân lầm xấu ác

Thường phải tự ăn năn

Thấy lỗi lầm của người

Hoàn toàn không xen vào.

Với tất cả chúng sinh

Ta đều độ thoát hết

Ngay cả lúc trong mộng

Chưa từng khởi tâm sân.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để được các pháp Ba la mật, đạt tới bờ giải thoát.

Những gì là bốn?

1. Tạo vô số phước đức.

2. Chỗ tạo tác nơi trí tuệ là không cùng tận.

3. Dùng một pháp Ba la mật để làm viên mãn các pháp Ba la mật khác.

4. Phát tâm tạo các công đức nhưng không mong cầu gì khác, chỉ cầu chứng đạt nhất thiết trí.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được các pháp Ba la mật, đạt tới bờ giải thoát.

Đức Phật nói kệ:

Tạo phước đức không chán đủ

Như các dòng chảy về biển

Tu tập trí tuệ vô cùng

Nên đã an trụ Phật thừa.

Chỉ dùng một Ba la mật

Viên mãn các Ba la mật

Phát tâm thực hành các việc

Thường mong cầu nơi chánh đạo.

Đã vượt sang bờ giải thoát

Các Ba la mật cũng vậy

Liền nhập vào thành Niết Bàn

Được như vậy chẳng gì khó.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh bị thiếu thốn.

Những gì là bốn?

1. Có kho báu vô tận.

2. Có giáo pháp vô cùng.

3. Đạt được thần thông.

4. Tâm bình đẳng như đại địa.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh bị thiếu thốn.

Đức Phật nói kệ:

Kho phước đức là vô cùng

Pháp giáo hóa cũng vô tận

Đạt trí thần thông vô ngại

Tâm bình đẳng như đại địa.

Pháp ấy thật khó suy lường

Đã được an trụ nơi đạo

Người ấy tạo nhiều lợi ích

Liền mau chứng được Phật đạo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần