Phật Thuyết Kinh Tư Ha Muội - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH TƯ HA MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật cùng với đại chúng Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị, trú tại Vườn Trúc, nước Vương Xá. Bấy giờ, có con của trưởng giả Bà La Môn tên là Tư Ha Muội cùng với năm trăm đệ tử đều đi ra khỏi nước Vương Xá để đến vườn Trúc.
Chưa đến nơi, trông thấy Phật đi kinh hành, hào quang chiếu sáng khắp nơi người đời không thể có được, năm trăm đệ tử cùng nhau bàn luận: Phật trang nghiêm không ai bằng, oai thần đến như vậy.
Vì sao có được như vậy ở đời?
Do làm những hạnh gì, tích chứa công đức gì mà được thân này, nên đến thưa hỏi. Năm trăm đệ tử đều cung kính, run sợ, lông tóc dựng đứng, đến trước Phật làm lễ rồi lui qua một bên.
Tư Ha Muội ở trước, Bạch Phật: Thân Phật trang nghiêm như vậy, chẳng phải ở đời có được.
Vì sao được như vậy?
Do làm hạnh gì, tích chứa công đức gì?
Phật hỏi Tư Ha Muội: Do thấy điều gì mà nói thân Phật trang nghiêm như vậy, chẳng phải ở đời có được?
Tư Ha Muội liền ở trước Phật nói kệ thưa:
Dùng tưởng nhìn, không thể thấy
Đấng Trung Tôn khi kinh hành
Cất bước chân hoa sen hiện
Tướng trang nghiêm không thể lường.
Tuệ vô ngã hiện chánh pháp
Khắp mặt đất đều chấn động
Đất cao thấp đều bằng phẳng
Chỗ đất cao, làm cho thấp
Khi cất bước đi kinh hành
Đã kinh hành trên mặt đất
Thân đứng lại, đất chuyển phải
Đất xoay chuyển không thể biết.
Khi bước chân đạp xuống đất
Đi kinh hành liền không thấy
Dấu vết chân như bức vẽ
Tất cả tướng đều hiện rõ
Tướng bánh xe vô số sắc
Đều hiện rõ trên mặt đất
Những điều thấy, đời chẳng có
Vì thế biết rất tôn quý.
Không thể thấy ở trên đảnh
Ở bên trái hay bên phải
Ở phía trước hay phía sau
Tất cả chỗ đều không thấy.
Do nhân nào ý biết rõ
Do duyên nào trí hiểu biết?
Vì thế nên lấy làm lạ
Nguyện xin Ngài giải rõ cho.
Thân trí tuệ do đâu được?
Điều căn bổn làm sao đến?
Do thực hành những pháp nào?
Được thành tựu những quả gì?
Nguyện xin Ngài đoạn trừ nghi
Giải rõ cho chúng con hiểu
Làm sao được trí tuệ Phật
Để chúng con được phát tâm
Theo thứ lớp xin giải rõ
Các hạnh của Chư Bồ Tát
Để tự mình thành tựu việc
Đắc thần túc đến mười phương.
Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Tư Ha Muội! Những điều ông hỏi thật là thâm sâu, thật là thâm sâu, nhiều mối suy nghĩ, nhiều điều sâu kín, thương xót Trời người khắp mười phương, muốn độ thoát cho họ nên phát tâm Bồ Tát Đại Sĩ làm cho đều tinh tấn.
Phật bảo Tư Ha Muội: Ta sẽ giảng rõ cho ông. Ông hãy lắng nghe kỹ và lãnh thọ.
Tư Ha Muội liền thưa: Con xin lãnh thọ.
Phật dạy: Nếu thiện nam, thiện nữ nào thực hành sáu việc sau thì chưa phát tâm Bồ Đề, liền phát tâm.
Thế nào là sáu?
1. Nương theo Phật.
2. Vào chánh đạo không thối lui.
3. Trong tâm tự hiểu rõ.
4. Được gặp thiện tri thức để nương theo.
5. Thường có đại nguyện.
6. Không khiếp nhược, không nhàm chán trí tuệ.
Đó là sáu việc.
Khi ấy, Phật nói kệ:
Nếu có người nương Phật Pháp
Vào chánh đạo không thối lui
Thường nương tựa thiện tri thức
Liền do đó được đại nguyện
Trong tâm ý hiểu biết rõ
Được như vậy không khiếp nhược
Đều đầy đủ các trí tuệ
Như vậy mới lãnh thọ pháp.
Tư Ha Muội Bạch Phật: Do phát tâm nên có bao nhiêu tâm hoan hỷ?
Phật dạy: Do phát tâm Bồ Tát nên có sáu tâm hoan hỷ.
Những gì là sáu?
1. Do được tâm hoan hỷ nên không xa lìa Phật.
2. Được thọ ký vào chánh đạo.
3. Làm vị Y Vương chữa trị sanh già bệnh chết của người.
4. Ta làm vị dẫn đường đưa người ra khỏi sanh tử trong năm đường.
5. Ta làm vị thuyền trưởng cứu thoát người đang trôi nổi trong biển lớn.
6. Ta làm vị minh chủ phá tan mọi ngu si trong tăm tối.
Đó là sáu tâm hoan hỷ.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Do hoan hỷ, không lìa Phật
Được thọ ký vào chánh đạo
Làm Y Vương trị tất cả
Hạnh như vậy được vừa ý
Ở thế gian ta dẫn đường
Cho người ra khỏi ách nạn
Các sanh tử và lão bệnh
Tất cả người đều tham đắm
Ta thấy người rất cực khổ
Xoay chuyển đọa trong năm đường
Ta sẽ làm vị thuyền trưởng
Cứu vớt người trôi trong biển
Trong tăm tối làm minh chủ
Với người mù, cho mắt sáng
Người dua nịnh và ngu si
Tất cả đều được trí tuệ.
Tư Ha Muội Bạch Phật: Do được tâm hoan hỷ nên có bao nhiêu công đức được an nghỉ?
Phật dạy: Do phát tâm Bồ Tát, có sáu việc thân ý được an nghỉ.
Những gì là sáu?
1. Do thoát khỏi khổ nhọc trong địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ nên thân ý được an nghỉ.
2. Do được thoát khỏi tám điều tai nạn.
3. Do thoát khỏi các luận bàn nên không còn rơi vào chín mươi sáu loại tà kiến.
4. Được Chư Phật, A La Hán độ thoát.
5. Do được an trụ trong pháp khí đệ nhất, không còn lay chuyển.
6. Do an trụ trong lời Phật dạy, không bỏ mất Phật Đạo.
Đó là sáu công đức được an nghỉ.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Do ra khỏi các đường ác
Thân xa lìa tám nạn khổ
Các ngoại đạo không còn danh
Bọn như vậy đều xa lìa
Được Chư Phật và La Hán
Tất cả những bậc danh tiếng
Hóa độ làm phát tôn ý
Tất cả pháp cao quý nhất
Được ở trong các pháp khí
Tất cả Phật cùng với pháp
Cũng không bỏ lời Phật dạy
Do đó nên được vừa ý
Thể hư không có thể tận
Bóng, tiếng vang có thể thấy
Không bằng người dũng mãnh này
Hành vô biên không thể tận.
Tư Ha Muội Bạch Phật: Người phát tâm Bồ Tát còn phải thực hành các pháp nào?
Phật dạy: Người phát tâm Bồ Tát nên thực hành sáu việc.
Đó là:
1. Nên thực hành bố thí.
2. Nên giữ giới.
3. Nên nhẫn nhục.
4. Nên tinh tấn.
5. Nên nhất tâm.
6. Nên thực hành trí tuệ.
Đó là sáu việc nên thực hành.
Khi ấy, Phật liền nói kệ:
Người thực hành đại bố thí
Hoặc hành hạnh hộ trì giới
Hành nhẫn nhục và tinh tấn
Tu thiền định và trí tuệ
Liền trước Phật được thọ ký
Được hùng mạnh giữa loài người
Công đức này cao quý nhất
Các Bồ Tát nên thực hành.
Người như vậy đối tất cả
Hạnh đặc biệt không ai bằng
Ở nơi nào cũng tôn quý
Được vô số người cúng dường.
Tư Ha Muội Bạch Phật: Bồ Tát muốn chứng đắc vô sanh pháp nhẫn nên làm những pháp gì?
Phật dạy: Bồ Tát có sáu việc thực hành để mau chứng đắc vô sanh pháp nhẫn.
Thế nào là sáu?
1. Không xét đến thân mình.
2. Không xét đến người.
3. Không xét đến thọ mạng.
4. Không xét đến hình tướng.
5. Không xét đến không thường còn.
6. Không xét đến thường còn.
Đó là sáu việc mà Bồ Tát thực hành sẽ mau chứng đắc vô sanh pháp nhẫn.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Ngô, ngã, nhân cùng với thọ
Cũng không xét có hình tướng
Tâm không nghĩ có hay không
Bậc trí tuệ nên xa lìa
Miệng giảng nói pháp nhân duyên
Pháp nhân duyên vô sở hữu
Tất cả pháp không sanh khởi
Do đó nên đắc pháp nhẫn.
Tư Ha Muội Bạch Phật: Bồ Tát Đại Sĩ đã đắc vô sanh pháp nhẫn cần thực hành bao nhiêu việc để đắc nhất thiết trí?
Phật dạy: Bồ Tát Đại Sĩ đã đắc vô sanh pháp nhẫn có sáu việc để chứng đắc nhất thiết trí.
Những gì là sáu?
1. Được thân lực.
2. Được khẩu lực.
3. Được ý lực.
4. Được thần túc lực.
5. Được đạo lực.
6. Được tuệ lực.
Tư Ha Muội Bạch Phật: Thế nào là thân lực?
Phật dạy: Thân lực là bền chắc như kim cương, không có tỳ vết, lửa không thể thiêu đốt, dao không thể chặt được, tất cả mọi người không thể làm lay động. Đó là thân lực.
Thế nào là khẩu lực?
Phật dạy: Khẩu lực là có sáu loại âm thanh từ kim khẩu Như Lai thuyết ra, vang khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới. Đó là khẩu lực.
Thế nào là ý lực?
Phật dạy: Ý lực là làm cho trăm ngàn ức ma đến cũng không thể lay động một sợi lông của Phật. Đó là ý lực.
Thế nào là thần túc lực?
Phật dạy: Thần túc lực là dùng một ngón chân có thể làm chấn động ba ngàn đại thiên Thế Giới mà nhân dân trong đó không có kinh sợ. Đó là thần túc lực.
Thế nào là đạo lực?
Phật dạy: Đạo lực là mười phương Chư Phật thuyết pháp cho tất cả mọi người không có thiếu sót, tất cả đều được nghe. Đó là đạo lực.
Thế nào là tuệ lực?
Phật dạy: Tuệ lực là có thể hiểu biết việc làm, ý nghĩ của tất cả mọi người, hiểu biết thời hội họp. Trong khoảng khảy móng tay, bằng trí tuệ có thể biết, có thể thấy, có thể hiểu, tất cả đều thấy biết rõ. Đó là tuệ lực.
Bồ Tát Đại Sĩ đã được vô sanh pháp nhẫn, do sáu pháp này được nhất thiết trí.
Bấy giờ, Phật liền nói kệ:
Thân dũng mãnh không thể lường
Không có ai phá hoại được
Hoặc dùng lửa và dùng dao
Cũng không thể hại thân này
Tất cả người và đao binh
Hoặc dùng gậy và mắng chửi
Muốn hại thân không thể được
Cũng không làm động sợi lông
Âm thanh lớn vang Phạm Thiên
Ở trong đó không sợ hãi
Thuyết Kinh Pháp khắp Thế Giới
Không có thể ngăn cản được
Ý cao thượng khó sánh bằng
Tánh Bồ Tát thật tự nhiên
Một ức ma muốn quấy loạn
Cũng không thể làm động tâm
Thần túc lực đều đầy đủ
Làm chấn động cả Trời Đất
Người thành tựu thần túc lực
Liền biết là bậc tôn quý
Nếu đã được đạo giác ngộ
Liền biết là bậc tối tôn
Phật và pháp đều đầy đủ
Liền theo đó chuyển pháp luân.
Tư Ha Muội Bạch Phật: Đã thành tựu nhất thiết trí, Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác an trụ bao nhiêu pháp?
Phật dạy: Thành tựu nhất thiết trí, Thích Ca Như Lai an trụ sáu pháp.
Thế nào là sáu?
1. Mười chủng lực của Phật.
2. Bốn vô sở úy
3. Mười tám pháp bất cộng.
4. Có lòng đại bi.
5. Không ai có thể thấy được đảnh Phật.
6. Có ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại Nhân.
Đó là sáu pháp trụ.
Khi ấy, Phật nói kệ:
Phật lực là mười chủng lực
Bốn vô úy đều vượt qua
Vượt lên trên tất cả pháp
Làm đại tướng trong loài người
Được thành tựu tâm đại bi
Không ai thấy được đảnh Phật
Cho đến Trời và loài rồng
Tất cả người không thể thấy
Bậc như vậy tướng dũng mãnh
Có đầy đủ ba hai tướng
Tất cả đều được thành tựu
Liền chứng đắc bậc vô thượng.
Tư Ha Muội Bạch Phật: Đã chứng đắc nhất thiết trí, Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thực hành bao nhiêu pháp diệt độ?
Phật dạy: Đã chứng đắc nhất thiết trí, Thích Ca Như Lai thực hành sáu pháp diệt độ.
Thế nào là sáu pháp diệt độ?
Lúc đó Thích Ca Như Lai để lại năm phần không diệt độ.
Thế nào là năm?
1. Giới thân.
2. Định thân.
3. Trí tuệ thân.
4. Giải thoát thân.
5. Giải thoát tri kiến thân.
Đó là để lại năm phần không diệt độ. Vì thương xót mọi người nên Phật diệt độ. Bấy giờ, Thích Ca Như Lai dùng vô số việc tán thán, khen ngợi công đức của Tỳ Kheo Tăng, dạy người bố thí.
Vì thương xót nhân loại nên Phật diệt độ. Khi ấy, Thích Ca Như Lai tự làm tan hoại Xá Lợi của thân nát như hạt cải. Vì thương xót nhân loại nên Phật diệt độ.
Khi ấy, Thích Ca Như Lai nói với các Bồ Tát: Ta vì mong cầu đạo vô thượng Chánh Giác, thương xót nhân loại nên diệt độ. Khi ấy, Thích Ca Như Lai thuyết mười hai Bộ Kinh cho chúng sanh trong mười phương, làm cho họ đều hiểu rõ.
Thế nào là mười hai?
1. Văn Kinh.
2. Thuyết Kinh.
3. Thính Kinh.
4. Phân Biệt Kinh.
5. Hiện Kinh.
6. Thí Dụ Kinh.
7. Sở Thuyết Kinh.
8. Sanh Kinh.
9. Phương Đẳng Kinh.
10. Vô Tỉ Pháp Kinh.
11. Chương Cú Kinh.
12. Hàng Kinh.
Đó là mười hai Bộ Kinh.
Vì thương xót nhân loại nên Phật diệt độ.
Khi ấy, Như Lai giảng thuyết bốn tự quy.
Thế nào là bốn?
1. Chỉ lấy cốt yếu, không lấy thức.
2. Chỉ lấy pháp, không lấy thức.
3. Chỉ lấy tuệ, không lấy hình.
4. Chỉ lấy chánh, không lấy lời nói.
Đó là bốn tự quy, đã được nhất thiết trí Thích Ca Như Lai thực hành sáu pháp diệt độ này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba