Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH TUỆ ẤN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẦN BỐN  

Bấy giờ, Đức Phật vì Bạt Đà Tư Lợi Tuyên Na Lạp, phu nhân của Vua Bình Sa mà nói kệ:

Ta tự nhớ vô ương

Hằng hà sa số kiếp

Lúc ấy, ở đời có

Phật hiêu là Phước Minh

Truyền dạy ở thế gian

Thọ sáu mươi bảy kiếp

Chúng Tăng của Phật ấy

Cũng có vô ương số.

Lúc ấy, có Chuyển Luân

Vua tên là Tuệ Cương

Vua có hai người vợ

Một người tên Nguyệt Minh

Dục lạc không màng đến

Không chấp vào các pháp

Xuất gia đi học đạo

Hộ pháp một ức năm.

Như vậy không thể đếm

Vô số các Đức Phật

Sinh thời pháp sắp diệt

Hộ chánh pháp sau này

Mãi đến đời vị lai

Hằng hà sa Đức Phật…

Sẽ lại ở nơi ấy

Sinh ra giữ pháp sau.

Chuyển Luân Vương Tuệ Cương

Nhằm thời Phật A Súc

Vua cùng các phu nhân

Đều sinh ở nước ấy,

Đã giữ pháp thường còn

Mạng chung sinh thân nam

Ở Tu Ma Ha Đề

Gặp Phật A Di Đà.

Ưu Bà Di Ma Kiệt

Cùng tám ngàn thể nữ

Như khi pháp sắp diệt

Thường sẽ hộ pháp Phật,

Thân sau cùng sẽ được

Ba hai tướng như Phật

Ngồi trên tòa hoa sen

Đến trước Phật Di Đà.

Các thể nữ cúng dường

Sẽ như Vua Tuệ Cương

Như thế kiếp vị lai

Tất cả không ái dục,

Ở cuối đời vị lai

Tất cả sẽ thành Phật

Dạy dỗ cả Trời, người

Vì họ, nói chánh pháp.

Lúc ấy trong Cõi Phật

Không có việc ma chướng

Cõi ấy không ái dục

Cũng không ba đường ác.

Thường lấy vô ương số

Các Bồ Tát làm Tăng

Không nghe ở trong đạo

Có tên A La Hán.

Nếu có người muốn giữ

Pháp của các Đức Phật

Không muốn được danh tiếng

Chẳng mong được thọ mạng.

Người hành trụ như thế

Mau, gần thành Bồ Tát

Chí nguyện mình tự tại

Muốn sinh ở nước nào.

Giống như các Bồ Tát

Phải khởi ý cung kính

Ta khởi ý cung kính

Hộ pháp, không chỗ dựa

Hành giả làm như thế

Được lìa bỏ sinh tử

Ở thế gian chớ tạo

Thói quen tham đắm dục.

Ta ở vô số kiếp

Sở dĩ bỏ vợ con

Nước non và đầu, mắt

Vì lẽ cầu Phật Pháp.

Người không hạnh, nhận cúng

Phật Pháp vì thế hoại

Lần hồi khởi tranh đua

Vì muốn được cúng dường

Ngồi đến tám mươi ức

Người rơi lệ mà nói:

Nếu khi pháp sắp hết

Chúng ta, phải giữ pháp!

Lời nói động ba ngàn

Chư Thiên rải hoa khen:

Hay thay! Cho thế gian

Người mới nghe Kinh ấy

Tất cả cát Sông Hằng

Vô số các Cõi Phật

Đầy ấp các châu báu

Đều đem cúng dường Phật,

Không bằng tin chốc lát

Hiểu tam muội ấn này

Phước ấy muốn thí dụ

Không thể so với tuệ,

Không gắng sức vươn lên

Để được hạnh Bồ Tát

Nghe chánh pháp của Phật

Liền phát tâm Bồ Tát.

Nếu có người cung kính

Đối với tôn Kinh này

Người tạo hạnh như thế

Sẽ mau được thành Phật.

Khi ấy, Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vị lai sẽ có bao nhiêu người thọ trì tam muội này?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Di Lặc! Ở đời vị lai, hoặc có người trì tưởng khởi công đức, giả sử ta nói ra sẽ có người không thích.

Bồ Tát Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Mong Đức Phật thương xót cả mọi người, xin Thế Tôn nói cho điều ấy. Nếu có những Bồ Tát nào, tha thiết muốn học, thì Bồ Tát ấy, sẽ giữ gìn hạnh của mình, không để khuyết giảm tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Di Lặc! có Bồ Tát đã ở trước môt trăm Đức Phật, phát tâm Bồ Tát, nhưng sau đó làm hư hoại hạnh Bồ Tát.

Hoặc có Bồ Tát đã ở trước ngàn Đức Phật phát tâm Bồ Tát nhưng sau đó phát tâm Bồ Tát trở lại, chê bai Kinh Điển đại thừa và cũng không tìm hiểu Kinh ấy.

Hoặc có Bồ Tát, đã ở trước mười vạn Đức Phật phát tâm Bồ Tát nhưng sau đó phát tâm Bồ Tát trởi lại, không chê bai Kinh Điển đại thừa và cũng không đọc, không phúng tụng Kinh ấy.

Hoặc có Bồ Tát, đã ở trước một trăm vạn Đức Phật phát tâm Bồ Tát nhưng sau đó, phát tâm Bồ Tát trở lại, không chê bai Kinh Điển đại thừa và cũng không đọc không phúng tụng Kinh ấy.

Hoặc có Bồ Tát đã ở trước một ức Đức Phật, phát tâm Bồ Tát, nhưng sau đó phát tâm Bồ Tát trở lại, nghe và ghi chép Kinh Điển đại thừa mà trong lúc nghe Kinh ấy không hiểu gì cả!

Hoặc có Bồ Tát đã ở trước mười ức Đức Phật, phát tâm Bồ Tát, nhưng sau đó phát tâm Bồ Tát trở lại, có được Kinh Điển đại thừa biên chép đọc tụng Kinh ấy, nhưng lại không thể đắc pháp nhẫn, cũng không thể đắc tam muội này và cũng không thích tam muội này.

Hoặc có Bồ Tát đã ở trước tám mươi ức Đức Phật, nghe tam muội này, thọ trì, đọc tụng tam muội ấy. Đã phát tâm Bồ Tát ở trước tám mươi ức Đức Phật, có được Kinh Điển đại thừa, thọ trì biên chép đọc tụng.

Đạt được tam muội này, giữ vững không có vết nhơ, thực hành tam muội ấy không bao giờ bị ma quấy nhiễu, không bị phạm phải tội lỗi. Hoặc ở trong A tăng kỳ kiếp đã tạo ra các tội lỗi, hoặc bị nhức đầu, liền trừ hết tội ấy.

Hoặc loạn tâm ý, hoặc bị chê bai, hoặc bị coi thường, hoặc ít được cúng dường, trong một đời đều dứt hết tội lỗi ở đời trước của mình. Hoặc cúng dường A tăng kỳ Đức Phật, sau đó, không bao giờ yếu đuối, hèn nhát, tâm trụ vững trong sự hiểu biết rõ ràng.

Hoặc có Bồ Tát mắc tội trong ác đạo, sẽ sinh ra nơi không đoan chánh, nhưng sau đó, tội ấy được tiêu trừ. Hoặc nhiều bệnh tật, gầy yếu, hoặc không được người kính trọng, sinh trong nhà thấp hèn, sinh trong nhà bị coi thường, sinh trong nhà nghèo khổ, sinh trong nhà xa xôi hẻo lánh.

Sinh trong nhà bỏn sẻn, tham lam, sinh trong nhà ngoại đạo. Sinh cùng với kẻ oán ghét không thể sống chung. Sống chung với người không hiểu về mình, trong lòng nhiều mối lo toan buồn phiền.

Sinh trong nước nào, thì nước đó thường xảy ra chiến tranh. Sinh ở quận nào, thì quận đó thường xảy ra việc đánh nhau. Sinh ở trong huyện nào, thì huyện đó thường xảy ra việc đánh nhau. Sinh ở trong làng nào, thì làng đó thường xảy ra việc đánh nhau.

Sinh ở trong dòng họ nào, thì dòng họ đó thường chóng đối lẫn nhau. Sinh ở những nơi đánh nhau. Không gặp thiện tri thức. Chẳng từng nghe pháp. Thiếu thốn y phục, mùng mền, cơm nước, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang chữa bệnh, dù được, thì chỉ chút ít mà thôi.

Nói năng hợp với người thường, mà không hợp với hàng trưởng giả, họ cũng không thể hiểu ý mình. Đối với công đức, không thể làm cho tăng thêm. Luôn luôn sống trong lỗi lầm, luôn luôn bị người khác quấy rối, không thể nhận được những vật cúng dường.

Hoặc được nghe pháp, nhưng không hiểu. Hoặc thấy ác mộng, ngay trong mông, trừ được tội lỗi đời trước của mình, bị tội lỗi lung lạc, bị ma quấy nhiễu mà không biết việc của ma, thường ở chung với những người không ưa thích.

Nếu có y phục, mùng mền tốt đẹp, thức ăn uống ngon, thì đem biếu hết cho người khác. Đối với một trăm Đức Phật, tự mình tạo công đức, tâm không vết dơ, lúc ấy, những tội chướng kia thảy đều tiêu diệt.

Thế nên, chắc chắn lại càng chắc chắn hơn, bên trong khởi lòng lành. Người có khả năng đảm nhận Tứ hoằng thệ của Bồ Tát, đối vơi pháp sâu xa mầu nhiệm vẫn trụ vững vàng để hành hạnh. Người ở đời vị lai, sẽ giữ lấy pháp này.

Lúc ấy, Bồ Tát Khả Ý Vương và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, cùng với sáu mươi Hiền Giả lưu lại ở đời vị lai để giữ gìn pháp sau này.

Đức Phật liền nói kệ:

Chớ hành dua nịnh

Nương chấp nơi có

Phải chánh ý mình

Trì tuệ đi đứng.

Vào sâu pháp mầu

Trụ nhẫn bất động

Nên tạo hạnh ấy

Mau cầu tam muội.

Chớ nên nịnh bợ

Xa lìa chấp nhơ

Chớ tham các cõi

Thích việc đua tranh.

Nên hành bình đẳng

Ví như hư không

Hành giả như thế

Mười thứ lực quý.

Thường phải vững tâm

Trú nơi Bồ Tát

Nên học pháp mầu

Ẩn sâu của Phật.

Tất cả các thọ

Tâm tuệ không ham

Đã có hạnh này

Đắc tam muội quý.

Tâm thường bình đẳng

Đối với thương ghét

Gặp thiện tri thức

Như thấy Chư Phật.

Thích hạnh bố thí

Trong hành bình đẳng

Người có hạnh này

Mau rõ tam muội.

Tuệ Kinh sáng ngời

Báu không thể hết

Trụ tam muội ấy

Không thể tính kể.

Kinh ấy sáng ngời

Hơn ánh mặt trời

Nên nói Kinh ấy

Phải vào tôn tuệ.

Ví như Trời trăng

Các đèn báu sáng

Giống như mùa Đông

Tuyết trên núi cao.

Ví như Thích, Phạm

Cùng với Tứ Thiên

Ánh sáng Kinh ấy

Hơn hẳn với họ.

Kinh trừ phiền não

Và tội của tâm

Hàng phục các ma

Liền được an ổn.

Thần túc thấy khắp

Biết được mạng xưa

Biết rõ tất cả

Ý người muốn gì!

Ta nhớ đời trước

Trải vô số kiếp

Ái dục đều dứt

Tất cả không còn.

Lúc Phật khen ngợi

Nói ấn Kinh này

Phải học như ta

Không lâu sẽ được.

Nếu có hành giả

Biết chắc rỗng không

Trong tâm rõ không

Nó vốn tự nhiên

Người tạo hạnh này

Là chấp nơi không

Người giữ gìn pháp

Xa lìa nơi không.

Sau ta Niết Bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần