Phật Thuyết Kinh ương Quật Ma La - Phần Mười Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH ƯƠNG QUẬT MA LA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN MƯỜI HAI
Thế nên Như Lai có nói kệ:
Tinh cần các thiện pháp
Hàng phục các tâm ác
Người chậm trễ tu phước
Ý chắc ưa việc ác.
Kệ này Ta vì hàng Thanh Văn nói. Lại nữa, Như Lai tạng rất khó gặp, trong thế gian không có gì khó gặp bằng, biết được Như Lai tạng thì cần phải nhanh chóng quan sát.
Câu: Ý chắc ưa việc ác là tự tánh của Tỳ Kheo vốn thanh tịnh, nhưng tâm niệm do huân tập lỗi của ác tri thức với năm cấu dẫn đầu, có nhiều phiền não vây quanh trước sau.
Năm cấu là gốc có nhiều phiền não vây quanh là gì?
Đó là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi. Năm cấu này phá hoại tâm. Muốn tịnh trừ năm cấu gốc và các phiền não, thì phải siêng năng dùng phương tiện từ tự tánh làm thanh tịnh tâm lực.
Siêng dùng các phương tiện đưa đến việc không hề phỉ báng Kinh, không thành nhất xiển đề. Siêng dùng phương tiện tu tập tự độ. Vì ý nghĩa này, nên nói tâm kia có vô lượng khách trần phiền não, cần phải mau mau nhổ sạch gốc rễ của nó.
Ý dẫn đầu pháp
Ý chủ sanh pháp
Tâm ý tịnh tín
Nếu nói hay làm
An lạc đi theo
Như bóng tùy hình.
Ta vì Thanh Văn thừa nói bài lệ về ý này, cũng chính là nghĩa của Như Lai tạng. Nếu tự tánh là thanh tịnh, ý là Như Lai tạng dẫn đầu tất cả pháp, thì tất cả pháp là Như Lai tạng.
Hành động với tâm ý tịnh tín thì đoạn trừ tất cả phiền não, thấy được ngã giới. Ai tự tịnh tín có Như Lai tạng thì sau đó mới nói hay làm. Khi được thành Phật thì hoặc nói hay làm, là nhằm độ tất cả thế gian. Như người thấy bóng mình, thấy Như Lai tạng cũng như vậy. Thế nên nói như bóng theo hình.
Ý dẫn đầu pháp
Ý chủ sanh pháp
Tâm ý vì ác
Nếu nói hay làm
Các khổ đi theo
Như xe theo vết.
Kệ này nói về ý nghĩa phiền não. Ý theo pháp ác, là chỉ cho người bị vô số các thứ phiền não che phủ, tạo ra các việc ác, nên gọi là ác. Không biết tự tánh của Như Lai tạng tâm, nên cứ đi sâu vào vô lượng phiền não. Như vậy nói hay làm theo dấu chân uế trược không ngừng thì các khổ luôn luôn đi theo mãi không bao giờ hết.
Như bánh xe theo dấu chân nghĩa là do các dấu ác trong sanh tử luân hồi, tất cả chúng sanh mãi bị lưu chuyển trong ba đường ác, như bánh xe lăn theo chân thú kéo. Thế nên nói người chậm trễ làm phước thì tâm ưa thích việc ác.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi, như biết trong sữa có bơ nên nấu sữa để lấy bơ mà không nấu nước, vì trong nước không có bơ. Vậy nên, này Văn Thù Sư Lợi, chúng sanh biết có Như Lai tạng nên tinh cần trì giới, tịnh tu phạm hạnh. Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi, như biết núi có vàng nên đục núi tìm vàng mà không đục cây, vì trong cây không có vàng.
Như vậy, này Văn Thù Sư Lợi, chúng sanh biết có Như Lai tạng nên tinh cần trì giới tịnh tu phạm hạnh, nói là mình chắc chắn sẽ thành Phật đạo. Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi, nếu không có Như Lai tạng thì sự tu tập phạm hạnh sẽ không đạt được thành tựu. Như suốt kiếp nấu nước vẫn không thể có được bơ.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:
Thế Tôn, phạm hạnh có nghĩa gì?
Vì sao Như Lai lìa bỏ năm thứ dục lạc?
Ương Quật Ma La nói với Văn Thù Sư Lợi: Vô lượng Trời, người luôn nhận biết thường biết về những pháp bị đọa nên viễn ly các tưởng niệm về dục.
Phật bảo Ương Quật Ma La: Đừng nói như vậy, vì tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng, tất cả nam tử đều là anh em, tất cả nữ nhân đều là chị em.
Ương Quật Ma La bạch Phật: Thế Tôn, vậy sao Tịnh Phạn Vương, Ma Da Phu Nhân là anh em chị em mà làm cha mẹ?
Phật bảo Ương Quật Ma La: Đó là phương tiện thị hiện để độ thoát chúng sanh, nếu không như vậy thì không thể độ. Như vị Đại Vương có hai ngàn lực sĩ. Trong ấy có hai người dùng phương tiện hiện tướng phục tùng để vừa lòng Vua và làm vui vẻ mọi người. Chỉ có người ấy biết, ngoài ra không ai hiểu được.
Đức Phật cũng như vậy, thị hiện có cha mẹ để đồng với mọi người, sau đó độ được vô lượng chúng sanh, đưa họ ra khỏi biển sanh tử rộng lớn vô biên, nhưng chúng sanh ấy vẫn không biết. Như người nhảy múa biến hiện nhiều cách giữa mọi người để làm vui lòng họ.
Chư Phật Thế Tôn cũng như vậy, biến hiện ra nhiều cách để độ chúng sanh, mà chúng sanh ấy không thể biết được. Như nhà ảo thuật ở giữa mọi người tự cắt thân thể làm cho mọi người vui vẻ, nhưng thân thể ấy thật không có thương tổn. Chư Phật Thế Tôn cũng như vậy, tức như nhà ảo thuật biến hóa nhiều cách để độ chúng sanh.
Này Văn Thù Sư Lợi, Như Lai với Nhất thiết trí nhận biết tất cả, quan sát tất cả chúng sanh trong thế gian, từ vô thỉ đến nay ai cũng là cha mẹ, anh em, chị em với nhau, lên xuống vô thường, thay đổi tôn ty, như người nhảy múa chuyển biến nhiều cách, thế nên Như Lai tịnh tu phạm hạnh.
Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi, cõi của người đã phân chia đây kia khác nhau và cùng nhau tạo sự hoan lạc.
Vậy thế nào là cảm thọ lạc tự mình với thân phần khác?
Thế nào là không đạt được, không thành quả báo?
Nên biết rằng hoan lạc ấy là một tích tụ của bao nổi khổ lớn. Nữ có Phật tạng, nam cũng như vậy.
Vì sao cùng một tánh mà bị cấu nhiễm tham đắm?
Chỉ vì cùng một tánh, nên Như Lai đã tịnh tu phạm hạnh, trụ nơi tự địa, bất thoái chuyển địa, đạt được Như Lai địa.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, vì sao Như Lai không đem tất cả phạm hạnh ấy để xây dựng cho tất cả hàng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di?
Vì sao Thế Tôn lại nói cả Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di làm nhân cho chánh pháp, như bốn trụ của ngôi nhà.
Hiện nay Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di có người làm điều xấu ác, thế làm sao xây dựng họ ở trong giới luật của chánh pháp?
Đức Phật nói với Văn Thù Sư Lợi: Đấy là tưởng sai biệt, gọi là thế tục tưởng. Như Lai luôn xem tất cả chúng sanh như La Hầu La, thường muốn dẫn dắt đưa họ an trụ vào chỗ Phật, không có thứ bậc đó. Phật tưởng khác với thế tục tưởng ấy. Đây gọi là phi vấn luận.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, vì cõi của tất cả chúng sanh đều là một cõi, nên Chư Phật xa lìa sát sanh phải không?
Phật dạy: Đúng vậy! Thế gian sát sanh như người tự giết mình, giết cả cõi của mình.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, vì sao xem tất cả chúng sanh như La Hầu La, lại dạy về sự điều phục, sát phạt đối với những loại ác độc có trong cõi của chính mình?
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Thiện Nam Tử, đừng nói như vậy, Như Lai xem tất cả chúng sanh đều như La Hầu La. Ví như con người hằng ngày thường ăn uống vì ưa thích, nhưng xem trong một bữa ăn đã giết đến tám vạn con trùng, việc đấy lẽ ra gọi là sát sanh, nhưng không phải là sát sanh bất tịnh. Này Văn Thù Sư Lợi, nẻo lìa bỏ dứt trừ của Bậc Thánh có vô số các thứ dục lạc.
Thánh Nhân vì bị cái hại của dục nên chính là tự hại. Nếu như vậy thì Thánh Nhân có lỗi lầm là tự hại.
Nghĩa là vì tâm dục ái mạnh lên, nên đến gặp người khác nêu bày: Tôi dấy tâm ái dục, xin được chỉ dạy dẫn dắt, để tôi sanh hổ thẹn, tôi còn hay mất không cần nữa, chính là tìm những phương tiện để bày tỏ sự tự hại.
Người như vậy là hại cõi của mình chăng?
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thưa Thế Tôn, không! Người ấy do nhân đó nên công đức tăng trưởng.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Đúng vậy, Văn Thù Sư Lợi, vì sao các vị Thánh lại tự hại thân?
Vì do cái nhân rắn độc phiền não, Thánh Nhân còn vậy huống chi thân người khác. Phật từng thuyết giảng về các loại ác độc phá hoại chính pháp, như biết được phiền não của mình có lúc dấy khởi mạnh mà chỉ dạy kẻ khác làm được những việc khó khăn, thì đó chính là cúng dường cho cõi của mình. Như tự mình tìm cầu sự an vui rốt ráo, nên vứt bỏ cái vui của thân mạng gồm bao thứ dục lạc về ăn, mặc. Tự hại thân như vậy vì sự điều phục đó gọi là khéo biết Như Lai tạng.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, vì do từ Như Lai tạng nên Chư Phật không ăn thịt phải không?
Phật dạy: Đúng vậy! Tất cả chúng sanh luân chuyển trong cõi sanh tử nhiều đời từ vô thủy, cùng là cha mẹ, anh chị em với nhau, cũng như người múa thay đổi liên tục, thịt của ta và thịt của người là một loại, thế nên Chư Phật đều không ăn thịt. Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi, tất cả cõi của chúng sanh giới và cõi của ta là một cõi, chỗ thịt bị ăn chỉ cùng một loại, thế nên Chư Phật thảy đều không ăn thịt.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, vỏ sò quý, sáp, mật ong, da, tơ lụa có phải là thịt trong cõi của chính mình không?
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Đừng nói như vậy. Như Lai đã xa lìa tất cả thế gian, Như Lai không ăn, nếu nói Như Lai còn tập khí thân cận vật thế gian, thì không có sự việc này. Nếu thân cận là pháp phương tiện, nếu vật do triển chuyển mà đến thì có thể thân cận, nếu là nơi phát sanh ra vật thì không thể thân cận. Nếu do triển chuyển đến, nhưng xa lìa sát sanh thì tay có thể thân cận.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Nay trong thành này có một thợ da chuyên làm giầy da. Như người mua đem bố thí, đó là vật triển chuyển đến, Phật có thọ không?
Lại nữa, Thế Tôn, nếu bò, bò chúa tự chết, bị hàng Chiên Đà La lấy da, đem đến cho thợ làm da để làm giầy, rồi bố thí cho người trì giới.
Đây là vật triển chuyển đến, có thể thân cận không?
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu dùng da bò, bò chúa tự chết làm giầy da, đem bố thí thì người trì giới có được nhận không! Nếu không thọ nhận là pháp Tỳ Kheo, nếu thọ thì trái với từ bi, nhưng không phá giới.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, không thể dùng nước bất tịnh nấu ăn, Tỳ Kheo không được thọ nhận, nếu như vậy, hiện tại phải làm sao?
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Đây gọi là thế gian tưởng. Nếu có vị Ưu Bà Tắc thì dùng nước sạch làm thức ăn, mà không được làm hại trùng. Nếu không có Ưu Bà Tắc thì Chư Phật đối với việc ấy phải làm thế nào! Trên bờ, dưới nước, trong hư không đều có trùng, như vậy đối với việc làm sạch là ác, thế gian làm sao có được việc tu tịnh. Đây gọi là chẳng phải vấn luận.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, thế gian từ lâu cũng đã tự đặt ra sự việc không ăn thịt.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nếu lời nói ở thế gian tùy thuận theo Phật, nên biết đều là lời Phật.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn, thế gian cũng có nói tới giải thoát, nhưng giải thoát của họ không phải là giải thoát, chỉ có Phật Pháp mới chính là giải thoát. Họ cũng có nói tới xuất gia nhưng không phải là xuất gia, chỉ có Phật Pháp mới chính là xuất gia. Thế Tôn, thế gian cũng nói là ta không ăn thịt, nhưng họ không có cái ta thực và lại ăn thịt. Chỉ trong giáo pháp của Thế Tôn thì có ngã đích thực và không ăn thịt.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Ngươi muốn nghe thế gian tạo lập nhân của ngoại đạo không?
Ta sẽ nói cho ngươi rõ.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thế Tôn! Thưa vâng, xin được nghe.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Thời quá khứ cách đây vô lượng A tăng kỳ kiếp, có vị Phật Hiệu Câu Tôn Đà Bạt Đà La, xuất hiện ở đời, chính trong thành này. Bấy giờ, ở Thế Giới ấy, không có các thứ đá gạch, không có tên gọi ngoại đạo, chỉ có một pháp Đại Thừa.
Chúng sanh thời đó sống hoàn toàn an lạc. Khi ấy Như Lai sống lâu ở thế gian cho đến lúc nhập Niết Bàn. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, chánh pháp trụ thế được lâu dài, đến lúc chánh pháp sắp diệt, thì bậc trì giới giảm, kẻ phi pháp tăng.
Một Tỳ Kheo sống ở chốn A Lan Nhã tên là Phật Tuệ, được một thiện nhân cúng dường tấm y vô giá. Tỳ Kheo vì lòng từ mẫn họ nên thọ nhận y, sau đó bày ra cho các thợ săn cùng xem. Các thợ săn thấy y quý giá này nên sanh tâm trộm cắp, ngay đêm đó bèn bắt Tỳ Kheo này đưa vào núi sâu làm hại, lột hết quần áo trói tay vào cây to.
Cũng vào đêm ấy, có người Bà La Môn đi hái hoa, đến nơi A Lan Nhã, gặp phải cọp nên sợ hãi chạy biến vào rừng, thấy vị Tỳ Kheo thân hình chẳng có gì che phủ, tay lại bị trói vào gốc cây.
Trông thấy vậy, ông ta kinh sợ than: Ôi! Sa Môn trước đây thân mặc Ca Sa, mà nay lõa thể như thế này, vậy biết chắc Ca Sa không phải là nhân giải thoát.
Tự trói và đường khổ hạnh mới việc là học đạo chân chính. Người kia lẽ nào đang bỏ thiện pháp, vậy biết rõ đây chính là nhân của đạo giải thoát. Không hiểu chánh pháp, nên họ vất y phục, bỏ râu tóc, làm Sa Môn lõa hình. Từ đó phát sanh loại Sa Môn lõa hình.
Bấy giờ, Tỳ Kheo bị đám thợ săn mưu hại tự mở trói được, dùng vỏ cây nhuộm đá đỏ để mặc, kết cỏ làm phất để đuổi ruồi muỗi.
Lại có Bà La Môn đi hái hoa, thấy vậy nên suy nghĩ: Tỳ Kheo ấy bỏ y phục trước đây, mặc y phục như thế, cầm phất như vậy. Người ấy lẽ nào đang bỏ thiện pháp, vậy nên biết rõ đấy là đạo giải thoát. Họ liền học theo pháp ấy. Sa Môn xuất gia từ đó phát sanh.
Buổi chiều, Tỳ Kheo ấy xuống nước tắm rửa, nhân vì rửa vết thương trên đầu, nên dùng y ướt che trên vết thương.
Có tiều phu trông thấy vậy, suy nghĩ: Tỳ Kheo ấy trước đây mặc Ca Sa mà nay bỏ hết, vậy biết Ca Sa chẳng phải là nhân giải thoát, thế nên che tóc bỏ y phục, ngày đêm tắm ba lần, tu tập khổ hạnh, người ấy lẽ nào đang bỏ thiện pháp, vậy biết rõ đây chính là đạo giải thoát. Họ liền học theo pháp ấy, Bà La Môn khổ hạnh phát sanh từ đó.
Tỳ Kheo tắm xong, thân thể có nhiều vết thương nên bị đám ruồi ong bu theo, phải dùng tro trắng bôi lên khắp các vết thương, lấy y ướt che thân. Khi đó có người thấy vậy, cho như thế là đạo, nên học theo pháp ấy, Bà La Môn bôi tro từ đó phát sanh.
Khi Tỳ Kheo ấy đốt lửa hơ vết thương, vết thương quá đau đớn không thể chịu nổi, nên nhảy xuống vực tự sát.
Có người thấy vậy, suy nghĩ: Tỳ Kheo ấy trước đây mặc y tốt mà nay làm thế này, người đó lẽ nào đang bỏ thiện pháp, vậy nên biết nhào xuống vực là đạo giải thoát. Các pháp tu nhào xuống vực, thờ lửa từ đó phát sanh.
Như vậy, chín mươi sáu thứ đều do các biểu hiện của Tỳ Kheo mà phát sanh ra các vọng tưởng, tự nhận thức không giống nhau. Ví như có nước, tất cả nhìn nhau liền phát sanh ý tưởng xấu. Ý tưởng xấu đã sanh ra thì gây nên việc sát hại nhau. Chín mươi sáu loại đạo đều sanh ra những tư tưởng khác nhau cũng như vậy.
Như con nai đang khát tưởng bóng nắng là nước nên chạy theo cho đến chết. Khi chánh pháp đã diệt, nhân vì Tỳ Kheo kia mà phi pháp tưởng là pháp, cũng như vậy. Như thế, này Văn Thù Sư Lợi, tất cả những việc làm trên thế gian, về các hành động giới luật uy nghi, tất cả đều là Như Lai hóa hiện. Khi pháp diệt tận, việc như vậy phát sanh, như thế là chánh pháp bị diệt.
Này Văn Thù Sư Lợi, đối với ngã chân thật thế gian cho là như vậy, do tà kiến nên sanh ra những vọng tưởng khác nhau, tức là cho rằng giải thoát như vậy, ngã như vậy chính là xuất thế gian. Họ cũng không biết tới lời dạy ẩn dụ của Như Lai, nói vô ngã là lời Phật dạy, theo lời nói mà suy nghĩ, như nhân của ngoại đạo.
Những kẻ ở thế gian tùy thuận theo nẻo ngu hoặc còn kẻ xuất thế gian cũng mê muội về lời nói trí tuệ ẩn dụ. Thế nên Như Lai nói về nhất thừa trung đạo xa lìa cả hai bên, nói về ngã chân thật, Phật chân thật, Pháp chân thật, Tăng chân thật. Do đó, nói trung đạo là Ma Ha Diễn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Năm - Tịnh Phục Tịnh Vương
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Ba Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốn Quả - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Giáo Thắng Quân Vương