Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Sáu - Tu Tập Nghiệp Ba Mươi Hai Tướng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM SÁU
TU TẬP NGHIỆP
BA MƯƠI HAI TƯỚNG
Thiện Sinh bạch Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Phật đã dạy, thân lực của Bồ Tát khi nào được thành tựu?
Đức Phật bảo Thiện Sinh: Thiện nam tử! Bồ Tát lúc mới bắt đầu tu nghiệp ba mươi hai tướng, liền được thành tựu thân lực.
Thiện nam tử! Hành giả lúc tu tập hạnh nghiệp như vậy được gọi là Bồ Tát.
Vị Bồ Tát này được hai tam muội:
Một là tam muội giải thoát.
Hai là tam muội hiện hữu trong ba cõi.
Lại được hai tam muội:
Một là tam muội biết đời quá khứ.
Hai là tam muội sinh ra nhân của chánh pháp.
Thiện nam tử! Bồ Tát lúc bắt đầu tu tập hạnh nghiệp ba mươi hai tướng, cho đến lúc thành bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, trong khoảng trung gian, nghe nhiều Phật Pháp không biết nhàm chán.
Bậc Đại Bồ Tát khi tu hành nghiệp ba mươi hai tướng, lúc tu mỗi tướng, đều đem trăm phước trang nghiêm. Khi tu tập tâm bồ đề được năm mươi phước, và đến khi viên mãn lại được thêm năm mươi phước, vì thế gọi là một trăm loại phước đức.
Thiện nam tử! Tất cả phước đức của thế gian, không bằng công đức của một lỗ chân lông của Đức Như Lai. Công đức của tất cả chân lông của Như Lai, không bằng công đức của một vẻ đẹp trong tám mươi vẻ đẹp. Tụ hợp tất cả công đức của tám mươi vẻ đẹp, không bằng công đức của một tướng trong ba mươi hai tướng.
Tất cả công đức của các tướng, không bằng công đức của tướng bạch hào. Công đức của tướng bạch hào lại không bằng công đức của tướng Vô kiến đỉnh.
Thiện nam tử! Bồ Tát thường ở trong vô lượng kiếp, vì tất cả chúng sinh làm lợi ích lớn, chí tâm siêng năng làm tất cả nghiệp lành, vì thế thành tựu đầy đủ Như Lai vô lượng công đức.
Ba mươi hai tướng đó, tức là quả báo của tâm đại bi. Chuyển Luân Thánh Vương tuy cũng có ba mươi hai tướng, nhưng không được rõ ràng và hoàn bị như của Đức Phật. Nghiệp thể của ba mươi hai tướng đó tức là thân khẩu ý.
Chỉ có người ở ba châu: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Và Tây Ngưu Hóa Châu, mới có thể tu nghiệp ba mươi hai tướng đó, chứ không phải người Cõi Trời, hay người ở Bắc Câu Lô Châu, vả lại, phải là thân người nam, không phải là thân người nữ, mới được ba mươi hai tướng này. Các vị Đại Bồ Tát tu nghiệp ba mươi hai tướng được viên mãn, tức là viên mãn ba A tăng kỳ kiếp, sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện nam tử! Khi xưa ta ở nơi Đức Phật Bảo Đỉnh, viên mãn A tăng kỳ kiếp thứ nhất, ở Đức Phật Nhiên Đăng, viên mãn A tăng kỳ kiếp thứ hai, và ở Đức Phật Ca Diếp, viên mãn A tăng kỳ kiếp thứ ba.
Thiện nam tử! Ta ở Đức Cổ Phật Thích Ca Mâu Ni, mới bắt đầu phát tâm vô thượng bồ đề. Sau khi phát tâm, ta đã cúng dường Chư Phật, nhiều như số cát trong vô lượng Sông Hằng. Trồng các căn lành, tu tập đạo hạnh, gìn giữ giới luật, siêng năng, và nghe nhiều Phật Pháp.
Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ Tát sau khi tu nghiệp ba mươi hai tướng ấy, tự biết mình sẽ chứng đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, rõ ràng như xem quả Am Ma Lặc trong lòng bàn tay. Nghiệp ba mươi hai tướng tuy cố định, thế nhưng, khi tu tập các nghiệp này, không cần phải theo thứ tự nhất định.
Hoặc có người nói, Đức Như Lai trước tiên được tướng con mắt như mắt Ngưu Vương.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, ưa đem cặp mắt hiền từ nhìn chúng sinh, vì thế nên trước tiên được tướng mắt như Ngưu Vương, và kế đó được các tướng khác. Hoặc có người nói, Đức Như Lai trước tiên được tướng tám thứ Phạm âm, kế đó được các tướng khác.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, thường dùng lời nhỏ nhẹ, lời chào đón, lời chân thực, dạy dỗ chúng sinh, vì thế nên trước tiên được tướng tám thứ phạm âm. Hoặc có người nói, Đức Như Lai trước tiên được tướng Vô kiến đỉnh, kế đó được các tướng khác.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, cúng dường sư trưởng, Chư Phật, Bồ Tát, cúi đầu lễ bái, phá tâm kiêu mạn, vì thế nên trước tiên được tướng vô kiến đỉnh. Hoặc có người nói, Đức Như Lai trước tiên được tướng lông bạch hào, kế đó được các tướng khác.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, đã không dối gạt tất cả chúng sinh, vì thế nên trước tiên được tướng lông bạch hào. Ngoại trừ Đức Phật Thế Tôn, không người nào có thể nói rành rẽ nghiệp của các tướng đó như vậy.
Hoặc có người theo thứ lớp nói rằng: Đức Như Lai trước tiên được tướng lòng bàn chân bằng phẳng, và kế đó được các tướng khác.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, bố thí, giữ giới, tu tập đạo hạnh, tâm không lay động, vì thế nên trước tiên được tướng lòng bàn chân bằng phẳng. Được tướng ấy rồi, kế đến được lòng bàn chân có tướng bánh xe ngàn căm.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, cúng dường cha mẹ, Sư Trưởng, bạn lành, đúng như pháp ủng hộ tất cả chúng sinh, vì thế lòng bàn chân, bàn tay đều có tướng bánh xe ngàn căm. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng ngón tay thon dài.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, chí tâm thọ trì giới Ưu Bà Tắc thứ nhất và thứ tư, vì thế được tướng ngón tay thon dài, và tướng gót chân đầy đặn. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng hai vai đầy đặn.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, tùy thuận lời dạy của Sư Trưởng, cha mẹ, bạn lành, vì thế được tướng hai vai đầy đặn. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng màng lưới giữa các ngón tay và chân.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, đem pháp tứ nhiếp nhiếp thọ chúng sinh, thế nên được tướng màng lưới giữa các ngón tay và chân. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng tay chân mềm mại hơn các tướng khác của thân thể.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, dùng tay thoa bóp, tắm rửa thân thể của cha mẹ, sư trưởng, làm sạch cấu nhơ, lại dùng dầu thơm thoa xức, vì thế nên được tướng tay chân mềm mại. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng lông trên thân đều xoay lên về phía phải.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, thường dạy dỗ chúng sinh, khiến tu bố thí, giữ giới và làm các việc lành, thế nên được tướng lông xoay lên về phía phải. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng bắp đùi như Lộc Vương.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, chí tâm nghe pháp, chí tâm nói pháp, vì muốn phá tan các tội lỗi sinh tử, thế nên được tướng bắp đùi như Lộc Vương. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng thân thể tròn trịa, như cây Ni Câu Đà.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, thường bố thí thuốc men cho tất cả chúng sinh có bệnh, thế nên được tướng thân thể tròn trịa. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng cánh tay dài quá đầu gối.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, không bao giờ lừa dối tất cả Hiền Thánh, cha mẹ, sư trưởng, bạn bè, cùng bậc thiện tri thức, thế nên được tướng cánh tay dài quá đầu gối. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng Âm tàng của Tượng Vương, Mã Vương.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, thấy người sợ hãi liền che chở, nâng đỡ họ, thường sinh tâm hổ thẹn, không nói lỗi người, lại khéo che tội cho họ, thế nên được tướng Âm tàng như vậy. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng thân mềm mại, mỗi chân lông chỉ mọc một sợi lông.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, gần gũi người trí, ưa nghe và đàm luận chánh pháp, nghe xong vui vẻ tu hành, lại hay sửa sang đường xá, nhặt dọn gai góc, thế nên được tướng da thịt mịn màng, mỗi chân lông mọc một sợi long. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng thân màu hoàng kim.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, thường bố thí chúng sinh nhà cửa, giường chiếu, thức ăn, đèn đuốc, thế nên được tướng thân màu hoàng kim. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng bảy chỗ trên thân tròn đầy.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, dù chỗ đáng giận cũng không sinh lòng giận, vui vẻ bố thí những gì mà chúng sinh mong muốn, thế nên được tướng bảy chỗ trên thân tròn đầy. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng chỗ những khớp xương đều viên mãn.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, khéo phân biệt tướng lành dữ, lời nói không sai lầm, không nói lời vô nghĩa, thường nói pháp thích hợp với căn cơ chúng sinh, nếu không thì không nói, thế nên được tướng chỗ những khớp xương viên mãn.
Được tướng ấy rồi, kế đến được hai tướng:
Một là thân trên.
Hai là hai má, đều như tướng của sư tử.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, tự mình không nói đâm thọc, lại dạy người khác không nói đâm thọc, thế nên được hai tướng như thế.
Được tướng ấy rồi, kế đến được ba tướng:
Một là có bốn mươi cái răng.
Hai là răng thật trắng.
Ba là răng mọc khít và bằng nhau.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, dùng mười pháp lành giáo hóa, chúng sinh thọ rồi, tâm sinh vui mừng, lại thường ưa ca tụng công đức người khác, thế nên được ba tướng như vậy. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng bốn răng nanh trắng sạch.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, tu tập tâm từ bi của Cõi Dục Giới, thường hay suy ngẫm pháp lành, thế nên được tướng bốn răng nanh trắng sạch. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng vị giác thù thắng nhất.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, không đợi người xin rồi sau mới bố thí, thế nên được tướng vị giác thù thắng nhất.
Được tướng ấy rồi, kế đến được hai tướng:
Một là tướng nhục kế.
Hai là tướng lưỡi rộng dài.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, chí tâm thọ trì pháp Thập Thiện, đồng thời giáo hóa chúng sinh, thế nên được hai tướng như thế. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng Phạm Âm.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, tự mình không nói lời ác, dạy dỗ người khác không nói lời ác, thế nên được tướng Phạm âm. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng cặp mắt xanh biếc như Ngưu Vương.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, đem cặp mắt từ ái nhìn chúng sinh, thân thù bình đẳng, thế nên được tướng cặp mắt xanh như Ngưu vương. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng bạch hào.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, giảng nói chánh pháp, chân thực không hư dối, thế nên được tướng bạch hào. Được tướng ấy rồi, kế đến được tướng vô kiến đỉnh.
Vì sao?
Lúc tu hạnh Bồ Tát, trong vô lượng đời, thường cung kính lễ bái tất cả Hiền Thánh, Sư Trưởng, cha mẹ, tôn trọng, ca ngợi, cung kính, cúng dường, thế nên được tướng vô kiến đỉnh.
Thiện nam tử! Bồ Tát có hai hạng:
Một là tại gia.
Hai là xuất gia.
Bồ Tát xuất gia tu nghiệp ba mươi hai tướng, điều này không khó. Bồ Tát tại gia tu nghiệp ba mươi hai tướng, điều này mới khó.
Vì sao?
Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Mười Bảy
Phật Thuyết Kinh Ma Lợi Chi Thiên
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Tám - Phẩm Tinh Tấn Ba La Mật đa
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Ba Lê - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Quán Hai Vị Bồ Tát Dược Vương Dược Thượng - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười - Phẩm Phân Biệt Tà Chính