Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Mười Hai - Phẩm Nguyệt Thủ Thọ Quyết

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM NGUYỆT THỦ THỌ QUYẾT  

Vua A Xà Thế có một vị Thái Tử tên là Nguyệt Thủ, tuổi vừa lên tám.

Thái Tử cởi chuỗi ngọc đeo trên cổ, đem tung lên Đức Phật, mà thưa rằng: Con dùng công đức này nguyện cầu đạo vô thượng chánh chân. Con dùng gốc thiện ấy để khi Đức Như Lai Tịnh Giới thành Chánh Giác, nguyện được ở cõi ấy làm chủ bốn châu thiên hạ, Chuyển Luân Thánh Vương để được trọn đời cúng dường Đức Như Lai và chúng Tỳ Kheo.

Sau khi Đức Phật diệt độ, con phụng trì Xá Lợi, thọ nhận Kinh Điển. Về sau, con mới được thành đạo Vô Thượng Chánh Chân, làm Tối Chánh Giác.

Thái Tử vừa tung chuỗi ngọc lên hư không, liền trở thành lầu các bảy báu sáng rỡ, bốn phương, bốn góc trên dưới ngang bằng, nghiêm chính vi diệu. Ở bên trong lầu đài ấy đặt bốn chiếc giường báu trải toàn lụa là năm sắc của Cõi Trời. Đức Như Lai ngồi lên đó, tướng tốt trang nghiêm. Khi ấy, Đức Phật liền cười.

Đức Thế Tôn cười thì có vô số không thể giới hạn trăm ngàn sắc hào quang từ trong miệng Ngài phát ra, chiếu soi không thể nghĩ bàn, không có bờ cõi, thấu đến các Cõi Phật, lên tận cõi Phạm Thiên. Cung điện của ma, ánh sáng mặt trời, mặt trăng tự nhiên mờ khuất. Ánh sáng ấy trở lại soi sáng quanh thân Ngài vô số vòng, rồi theo đỉnh đầu vào trở lại.

Hiền Giả A Nan liền đứng dậy, sửa áo bày vai phải, qùy gối, chắp tay dùng kệ khen:

Vượt tất cả trí tuệ

Siêu việt mọi cản ngăn

Hiểu rõ hết quần sinh

Tâm, hành mọi căn nguyên

Để phân biệt gốc ngọn

Mà ứng thời nói Kinh

Soi khắp đời xin nói

Vì sao cười lặng thinh?

Mười phương bao chúng sinh

Tất cả ở trước Ngài

Người nhiều vô số ức

Từng người khó hỏi han

Đấng Thánh Sư Năng Nhân

Mới kham giải nghi hoặc

Lành thay, nguyện giảng nói

Xót thương cớ gì cười?

Chư Phật đời quá khứ

Trụ lập chỗ tối thắng

Thế Tôn đời vị lai

Nhiều như cát Sông Hằng

Phân biệt biết sáu đường

Đấng tuệ độ vô cực

Vì sao hiện mỉm cười?

Xin Ly Cấu giải nghi

Ánh sáng hơn trời trăng

Che lấp cung Phạm Ma

Thông suốt đến Thiết Vi

Chiếu vượt các đỉnh núi

Yên ổn khắp chúng sinh

Khô kiệt, các lao nhọc

Khéo nói trừ phiền não

Cớ gì lại mỉm cười?

Đến đây, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Ông thấy Thái Tử Nguyệt Thủ không?

Tôn Giả A Nan đáp: Thưa vâng, con đã thấy.

Đức Phật nói: Hôm nay, Nguyệt Thủ ở trước Đức Phật trồng các cội công đức, dùng để khuyến cầu đạo Vô Thượng Chánh Chân. Thái Tử tu hạnh Bồ Tát, từng chút một sẽ thấm dần dần.

Đến khi Đức Như Lai Tịnh Giới thành Phật thì vị Thái Tử này sinh vào Cõi Phật kia làm Chuyển Luân Vương. Ông cúng dường, phụng sự Đức Tịnh Giới Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, trọn đời luôn lấy bố thí làm chỗ an trụ.

Sau khi Đức Phật diệt độ thì ông cúng dường Xá Lợi, thống lãnh chánh pháp. Sau khi chánh pháp diệt tận thì ông mất, để sinh lên Cõi Trời Đâu Suất.

Rồi ở chính kiếp ấy, ông được thành đạo vô thượng chánh chân, thành Tối Chánh Giác, hiệu là Nguyệt Anh Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư Vi Phật Chúng Hựu, cõi nước, thọ mạng của Đức Phật, các chúng Tỳ Kheo cũng giống như Thế Giới của Đức Tịnh Giới Thế Tôn không sai khác vậy.

Bấy giờ, những người đến trong hội, các vị Bồ Tát Đại Sĩ ở các Thế Giới phương khác cùng với Bồ Tát Phổ Thủ đều đến cõi Nhẫn này nghe nói lời ấy.

Họ bạch Đức Phật: Bồ Tát Phổ Thủ có thể đi đến thì sẽ quan sát thấy xứ sở đó. Xứ sở ấy đều là các Đức Như Lai không có khiếm khuyết, các Đức Phật Thế Tôn lại chẳng nhọc sức lo nghĩ.

Vì sao?

Thưa Đức Thế Tôn! Bồ Tát Phổ Thủ đã giáo hóa không có đường ác, chẳng đau khổ, chẳng nhàn nhã và không có việc ma, tội lỗi, trần uế. Chỗ ấy có khu vực, quận, nước, huyện ấp, gò đống, xóm làng, thành quách. Ở chỗ ấy chánh điển được lưu bố khắp nơi. Nhìn thấy xứ sở ấy, Đức Như Lai du hóa, cư trú không có hư không.

Đức Thế Tôn bảo: Đúng vậy. Đúng vậy.

Này các thiện nam! Đúng như điều đã nói. Nay Kinh Điển này đã tuyên bố khắp nơi, thì đó chính là sự an trú của Đức Như Lai.

Lại nữa, này các thiện nam! Thuở xa xưa thời Đức Phật Định Quang, ta đã được thọ ký vào đời ấy. Ta trải tóc lên đất, Đức Định Quang Như Lai đạp lên tóc ấy mà đi. Ta dùng hoa sen tung lên cúng dường nên đạt được pháp nhẫn.

Đức Phật thọ ký cho ta: Sau vô số kiếp ông sẽ được làm Phật hiệu là Năng Nhân Như Lai.

Như vậy, này các thiện nam! Khi ấy Đức Phật Định Quang bảo các Tỳ Kheo: Các ông chẳng nên đạp trên đất ấy đi qua.

Vì sao?

Vì đây chính là chỗ đất Thần Thánh Tháp Phật của trên Trời và thế gian. Vị Bồ Tát trải tóc lên nơi ấy mà thành tựu được pháp nhẫn.

Ai muốn dựng lên tháp ở đây?

Các vị Thiên Tử kia có đến hàng tám mươi ức người, cùng lúc thưa: Chúng con sẽ dựng lên.

Bấy giờ, trong chúng hội có một vị trưởng giả tên là Hiền Thiện, bạch với Đức Thế Tôn: Con sẽ dựng Chùa, tháp ở chỗ đất ấy.

Đức Phật nói: Được đấy.

Này các thiện nam! Ông trưởng giả Hiền Thiện ngay ở chỗ ấy, cho xây dựng ngôi tháp bảy báu trang nghiêm đầy đủ.

Làm xong, ông lại đến chỗ Đức Phật hỏi Ngài: Ở tại đất ấy, con đã dựng lên tháp bảy báu thì phước đi về đâu?

Đức Như Lai Định Quang đáp: trưởng giả nên biết! Bồ Tát Đại Sĩ đạt được nhẫn bất khởi, chỗ đất ấy giống như bánh xe, xuống tận bờ mé đất, tất cả chúng sinh nhận lấy bụi đất đều như là Xá Lợi nên cúng dường, rồi mới bay lên Trời Tam Thập Tam, trong ấy đất đầy cả bảy báu, đem bố thí Chư Phật. Nếu muốn đem công đức đó so với phước đức xây dựng Chùa Tháp thì chẳng bì kịp nhau.

Phước xây dựng Chùa Tháp rất nhiều, khó kể xiết. Trưởng giả ở đây đã trồng cội gốc các công đức, như nay ta thọ ký cho vị Bồ Tát đó sẽ làm đạo vô thượng chánh chân. Nếu ông ấy làm Phật cũng sẽ lập đại đạo cho ngươi.

Này các thiện nam! Ý các ông nghĩ sao?

Bấy giờ trưởng giả tên Hiền Thiện đó phải chăng là ai khác ư?

Chớ có nghĩ thế.

Vì sao?

Vì trong hội chúng đây có một trưởng giả tên là Thọ Hạnh nay được ta thọ ký cho: Vào đời vị lai, ông sẽ thành Phật Đạo, hiệu là Thiện Kiến Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Vi Phật Chúng Hựu.

Vì vậy, nên các thiện nam, thiện nữ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ, nữ cư sĩ, hoặc đứng hoặc ngồi chép Kinh Điển này, thọ trì, đọc tụng, vì người khác thuyết giảng thì ở chỗ đất ấy xuống tận bờ cõi đất, tất cả các hạt bụi đều là chúng sinh, thêm nữa đất này đều như Xá Lợi.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đạt được nhẫn thành tựu được các đức cũng lại như vậy.

Thế nên, Đức Phật ân cần phó chúc bảo các ông rằng: Nếu có thiện nam, thiện nữ đem bảy báu chứa trong tam thiên đại thiên Thế Giới này ra bố thí cho Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ngày đêm đều ba lần mà chẳng biếng nhác, bố thí như thế cho đến một kiếp hoặc hơn một kiếp, chẳng bằng thọ trì Kinh Điển này.

Vua A Xà Thế trừ các hồ nghi không có do dự, sạch các ấm, cái, phân biệt tất cả các pháp bình đẳng. Hoặc chép, hoặc đọc, thọ trì phúng tụng, nghe Kinh tin ưa, ghi chép vào tre, lụa, xếp đặt Kinh quyển giữ gìn trang nghiêm, thọ trì thành thạo, khiến cho chánh pháp này trụ được lâu dài thì phước công đức này hơn sự bố thí kia rất nhiều, chẳng thể kể xiết.

Đức Phật nói: Này các thiện nam! Nếu có người ở trăm kiếp phụng trì cấm giới, biết dừng biết đủ mới được ở nơi thanh vắng, chí ưa chẳng xả. Nếu người ấy nghe Kinh này, tin ưa theo thì phước công đức này hơn cả việc giữ cấm giới kia. Nếu có người ở trong trăm kiếp tu hành nhẫn nhục, dù cho tất cả chúng sinh mắng nhiếc, đánh đập, cho đến đánh bằng gậy đau đớn mà đều nhịn nhục.

Nếu có người lại được nghe Kinh này mà tin ưa theo thì phước công đức ấy siêu việt hơn cả người tu nhẫn nhục kia. Nếu có người trăm kiếp tu hành tinh tấn, cúng dường tất cả loài chúng sinh, chẳng yêu quý thân mình cùng tuổi thọ, cũng chẳng bằng nghe được Kinh này mà hoan hỷ tin nhận.

Nếu có người ở trăm kiếp tu hành thiền định, có kẻ gây nhiễu loạn mà chẳng bị mê hoặc, cũng chẳng bằng nghe Kinh này hoan hỷ tin nhận. Nếu có người ở trăm kiếp tu hành trí tuệ, học rộng, hiểu thông, không chỗ nào không đạt, giả sử họ được nghe phẩm cứu cánh bản tịnh tâm sướng tự nhiên của Kinh Điển này mà hoan hỷ tin theo, thọ trì, phúng tụng thì phước công đức ấy siêu việt hơn sự tu tuệ kia, có thể nhanh chóng kiến lập các thông tuệ vậy.

Khi ấy, các vị Bồ Tát đều bạch Đức Phật: Kính thưa Đức Thế Tôn! Chúng con đã thọ nhận Kinh Điển ấy rồi, ở tại các Cõi Phật chúng con đi qua, ở trụ xứ nào chúng con cũng sẽ tuyên bố.

Vì sao?

Vì tuyên bố các Kinh Điển này là làm Phật sự.

Lúc ấy các vị Bồ Tát lại tung hoa lên khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, đồng thời cũng khen ngợi: Giả sử Kinh Điển này được lưu truyền khắp cõi Diêm Phù Đề, lại ở đời lâu dài thì chánh pháp của Đức Như Lai Năng Nhân thành tựu Bồ Tát Phổ Thủ sẽ khiến cho còn mãi.

Chúng con chưa từng xem xét, nghe được Kinh này như vậy, giả sử có nghe được thì chúng con chẳng thể báo đáp ân của Đức Phật cùng Bồ Tát Phổ Thủ. Chúng con sẽ dùng vật gì để lập sự cúng dường lớn. Thiện nam nào theo người nghe Kinh Điển ấy thì ân kia khó mà báo đáp.

Giả sử có người muốn gặp Đức Như Lai để nghe Kinh này thì xem như người ấy đã gặp Thế Tôn. Giả sử muốn cúng dường Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác thì phải cúng dường vị thiện nam ấy. Nếu nhìn thấy thiện nam, thiện nữ ấy thì phải chiêm ngưỡng họ như Đức Phật Thế Tôn.

Các vị Bồ Tát bàn bạc như vậy rồi, mỗi vị đều trở về nước của mình. Mỗi người đều tự ở trước Đức Như Lai của họ, vì mọi người thuyết giảng lại giáo pháp mà họ vừa thọ lãnh. Ở trước Đức Phật của mỗi đất nước kia, họ mở đường dẫn lối, khai hóa vô số quần sinh, khiến họ phát ý đạo vô thượng chánh chân.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần