Phật Thuyết Kinh Vô Thượng Y - Phẩm Bảy - Phẩm Chúc Lụy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ THƯỢNG Y

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chân Đế, Đời Trần  

PHẨM BẢY

PHẨM CHÚC LỤY  

Phật bảo A Nan: Ông nên thọ trì pháp môn chân chánh này.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan quỳ dài bạch: Bạch Thế Tôn! Nay con theo Phật được nghe pháp sâu xa này, được chưa từng có, con lấy đầu thờ phụng thọ trì.

Bạch Thế Tôn! Nên gọi Kinh này là gì và thực hành ra sao?

Phật nói: Này A Nan! Kinh này gọi là Vô Thượng Y, cũng gọi là Vị Tằng Hữu và cũng gọi là Nhiếp Thiện Pháp, là Thanh Tịnh Hạnh, là Hành Cứu Cánh.

Này A Nan! Có mười cách để thọ trì Kinh này:

1. Biên chép.

2. Cúng dường.

3. Lưu truyền.

4. Lắng nghe.

5. Tự đọc.

6. Nhớ, trì.

7. Rộng nói.

8. Tự tụng.

9. Suy nghĩ.

10. Tu hành.

Này A Nan! Với mười cách này mà có thể thọ trì Kinh này, thì công đức chân chánh tụ lại sẽ vô lượng, vô tận.

A Nan! Ví như hạt châu như ý, xuất hiện nơi nào, thì tất cả các vật báu khác thảy đều xuất hiện theo. Người thọ trì Kinh này, cũng như vậy, tất cả pháp lành thảy đều được thành tựu.

A Nan! Ví như dựa từ nơi đất, các cây cỏ, các loại cây thuốc, đều được sinh trưởng. Các pháp lành cũng như vậy, đều nhờ nơi Kinh này mà được tăng trưởng.

Này A Nan! Ví như các pháp lành đã sinh, đang sinh, sẽ sinh, đều là chỗ để tóm thu và gìn giữ, không cho buông thả, hạnh không buông thả được xem là đệ nhất. Như vậy, những pháp được nói trong Kinh này, đề cập tới các hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, thì đó được xem là chỗ thâu tóm bậc nhất của Kinh này.

A Nan! Ví như Chuyển luân thánh vương, nếu còn ở đời, bảy báu thường theo sát. Như vậy, Kinh này cũng thế, nếu còn trụ ở đời, dòng giống Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo, sẽ liên tục không dứt.

Này A Nan! Nay ông có thể, lần lượt diễn rộng Kinh này, cho những hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân.

Vì sao?

Vì muốn cho tất cả các loài chúng sinh, trồng căn lành vào Như Lai xứ.

Sau khi ở trong đại hội, được nghe Phật nói Kinh này, pháp môn hiếm có này, Tôn Giả A Nan cùng với các vị Đại Bồ Tát, các vị Đế Thích, Phạm Thiên, các vị Trời hộ đời… thảy đều vui mừng hớn hở, tín nhận và phụng thờ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần