Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Lạc Vui - Tập Ba
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI
PHẨM LẠC VUI
TẬP BA
Trưởng Giả Cấp Cô Độc nghe danh hiệu Phật và Tỳ Kheo Tăng, khắp mình nổi ốc, vừa buồn vừa vui. Ông liền đến chỗ Phật, lễ lạy sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên.
Trong giây lát ông đứng dậy, bước ra bạch Phật: Cúi thưa Bậc Thiên Tôn, Ngài đi đứng tới lui vẫn nhẹ nhàng, khỏe mạnh chứ?
Mong được nghe lời Ngài để ở tại đây con được ngủ yên.
Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói bài kệ này cho ông Cấp Cô Độc nghe:
Tất cả được ngủ ngon
Phạm Chí được diệt độ
Không bị dục làm nhiễm
Thoát hẳn mọi ràng buộc.
Dứt hết điều xấu, tốt
Hàng phục phiền não trong
Dứt hẳn, được ngủ ngon
Tâm thức đều trong sáng.
Cẩn thận chớ đắm dục
Phải giữ gìn hạnh tu
Phải nghĩ bỏ thế gian
Quán sát việc vui sướng.
Cẩn thận chớ đắm dục, phải giữ gìn hạnh tu: Người học đạo không chịu khổ nhọc thì không thành công. Cần phải chịu đựng gian khổ rồi sau mới thành công. Cần lìa bỏ thiền thế tục và giải thoát thế tục, mà tu thiền vô lậu và giải thoát vô lậu.
Cho nên nói: Cẩn thận chớ đắm dục, phải giữ gìn hạnh tu.
Phải nghĩ bỏ thế gian, quán sát việc vui sướng: Người được cái vui nhỏ thì lại tìm cái vui lớn hơn.
Cho nên nói:
Phải nghĩ bỏ thế gian,
Quán sát việc vui sướng.
Như niềm vui thế tục
Và cái vui Cõi Trời
Đó gọi là ái hết
Mười sáu chưa được một.
Như niềm vui thế tục và cái vui Cõi Trời: Cái vui thế tục là cái vui cõi dục, cái vui Cõi Trời là vui Cõi Sắc. Chúng sinh hai cõi ấy sống trong đêm dài sinh tử, mê lầm trong năm đường, không biết đâu là bản chân, tham đắm quả báo của phước thiền thế tục, trôi lăn trong năm đường, giáp vòng thì trở lại đầu, cho là được đạo, diệt độ hoàn toàn, không còn sinh tử.
Cho nên nói: Như niềm vui thế tục và cái vui Cõi Trời.
Đó gọi là ái hết, mười sáu chưa được một: Người tu hành trước phải nhổ bỏ gốc ái dục, bẻ gãy hết cành lá, giữ tâm lo sợ việc chưa xảy ra, sau mới được vui vô lậu, tâm tự tại an nhiên. Thế nhưng trong mười sáu phần chưa được một phần.
Cho nên nói:
Đó gọi là ái hết,
Mười sáu chưa được một.
Hãy bỏ gánh nặng đi
Không tạo gánh nặng nữa
Gánh nặng khổ cuộc đời
Bỏ được vui sướng nhất.
Hãy bỏ gánh nặng xuống, không tạo gánh nặng nữa: Như người gánh nặng phải trải qua bao chỗ hiểm nạn, vật nặng mang gánh kia thật ra không có giá trị bởi nó không phải hàng hóa cần kíp cho thế gian. Chũng không phải vàng bạc, vật quý, xa cừ, mã não, châu báu, hổ phách. Đó không phải là hàng hóa cần yếu cho đời.
Người bên đường can ngăn: Vật mà anh đang gánh đâu phải là vật báu thật, sao không bỏ đi để tìm cái chân thật?
Người này liền bỏ đi, tìm cái chân thật. Quan sát chúng sinh cũng giống như vậy, là gánh nặng thân năm ấm đi trong cõi dục, trôi lăn trong sinh tử không thể ra khỏi được.
Bậc Thánh nói: Hiện nay ngươi mang thân năm ấm nhơ bẩn, hôi thối sao gánh vác nó làm gì?
Hãy mau bỏ đi, tìm cái nhẹ hơn.
Khi ấy chúng sinh liền tìm cách bỏ thân cõi dục mà thọ than cõi sắc.
Đã thọ thân cõi sắc rồi, Bậc Thánh đến dạy bảo: Cần bỏ thân này để đến với trí tuệ vô lậu, năm phần pháp tánh.
Cho nên nói:
Hãy bỏ gánh nặng đi xuống,
Không tạo gánh nặng nữa,
Gánh nặng khổ cuộc đời,
Bỏ được vui sướng nhất.
Dứt hết các ái dục
Và diệt tất cả hành
Diệt luôn gốc năm ấm
Không sinh lại ba cõi.
Như người tu hành quán sát bằng trí tuệ vô lậu, dứt bỏ ái dục cõi dục, ái dục cõi sắc, ái dục cõi vô sắc, nghiệp của thân, của miệng, của ý. Dứt hẳn ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, ba nghiệp của ý. Hiểu rõ gốc ngọn sinh khởi của năm ấm, không còn đắm mê các hành vi tạo tác trong ba cõi.
Cho nên nói:
Dứt hết các ái dục
Và diệt tất cả hành,
Diệt luôn gốc năm ấm,
Không sinh lại ba cõi.
Nghĩa sinh khởi thì vui
Bạn lành được phước vui
Kia diệt, vui vắng lặng
Xoay vần cho mọi người
Khổ lấy vui làm gốc.
Nghĩa sinh khởi thì vui, bạn lành được phước vui: Như người đi buôn gian khổ nhọc xác, xông pha mạo hiểm để có được của báu, bình yên trở về nhà, bà con họ hàng đón mừng. Nam nữ lớn nhỏ thảy đều hớn hở. Bạn bè cũng được nhờ ân. Nếu người ấy lại rộng lòng bố thí cho khắp tất cả mọi người không còn các khổ, lấy vui làm gốc. Bà con họ hàng vui sướng không thể lìa bỏ.
Cho nên nói:
Nghĩa sinh khởi thì vui,
Bạn lành được phước vui,
Kia diệt, vui vắng lặng,
Xoay vần cho mọi người,
Khổ lấy vui làm gốc.
Như lò lửa kia
Bốc cháy hừng hực
Dần dần tắt ngấm
Không biết lửa đâu?
Những người thấy điều đó
Ra khỏi bùn ái dục
Đi cũng không nơi chốn
Do được vui bất động.
Như lò than kia, bốc cháy hừng hực: Như thợ rèn đốt cháy sắt nóng. Nó nóng hừng hực không đến gần được. Do vậy, Bậc Thánh quán sát thấy lửa dâm, nộ, si của chúng sinh tự đốt cháy họ nhưng họ không hay biết.
Cho nên nói: Như lò than kia, bốc cháy hừng hực.
Dần dần tắt ngấm, không biết lửa đâu?
Như hòn sắt nóng kia lần lần nguội đi, không biết sức nóng tan biết đi đâu, cũng không biết cái lạnh từ đâu đến.
Cho nên nói: Dần dần tắt ngấm, không biết lửa đâu?
Người thấy những điều đó, ra khỏi bùn ái dục: Người tu hành được đẳng giải thoát không còn gì ngăn ngại, ra khỏi bùn sâu ái dục thì xa lìa bờ bến sinh tử.
Cho nên nói: Người thấy những điều đó, ra khỏi bùn ái dục.
Đi cũng không nơi chốn, do được vui bất động: Hạng người như vậy thì tinh thần mờ tối, thức thể nhập với không, cũng không còn biết Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc, trên dưới. Đến cũng không biết từ đâu, đi cũng không biết về đâu, giống như hòn sắt nóng dần dần nguội đi, không biết cái nóng tan biến về đâu, cũng không biết cái lạnh từ đâu đến.
Cho nên nói:
Đi cũng không nơi chốn,
Do được vui bất động.
Trong đó không nổi giận
Luôn thay đổi không ngừng
Dứt lo, không còn buồn
Lặng lẽ quán thế gian.
Trong đó không nổi giận: Giận làm nhiễm ô tâm người, không đến được đạo. Chỉ có người không còn phiền não mới thoát khỏi tâm giận dữ.
Cho nên nói: Trong đó không nổi giận.
Luôn thay đổi không ngừng: Ở đời người ta tạo nghiệp có nặng, nhẹ khác nhau. Hoặc có người thầm hứa với lòng là không gây ra kết sử, hoặc có người biết mà cố phạm để trần lao nổi lên.
Do vậy, Bậc Thánh dạy bảo kẻ hậu sinh, là bởi muốn người tu hành biết sửa đổi lỗi lầm cũ, dứt họa ngày mai. Người ưa thích tu học thì rèn tập sự quý báu của tâm chưa bị đọa lạc, sẽ đến được ngôi nhà thánh. Rồi sau đó mới biết sự đáng tôn sùng của Thánh pháp, pháp nhơ thì chớ gần.
Cho nên nói: Luôn thay đổi không ngừng.
Dứt lo không còn buồn: Như người tu hành nhổ sạch hết gốc lo buồn, nên tương ưng với gốc vui, lặng lẽ quán sát sự thay đổi của cuộc đời, như ngựa ảo ngoài đồng bởi nắng lóa.
Cho nên nói:
Dứt lo không còn buồn,
Lặng lẽ quán thế gian.
Có vui, không có khổ
Học rộng, hiểu chánh pháp
Nếu bị tổn hại gì
Là bởi người tham sắc.
Có vui, không có khổ, học rộng hiểu chánh pháp: Như người nhập định, đêm ngày thiền tư, tâm không lìa định, dạo chơi trong không, vô tướng, vô nguyện. Khi ấy, thân dù có gian khổ, nhưng tinh thần vắng lặng vô vi, không bị thương tổn. Như người tu kia không có tâm giận dữ, từ bi thương xót chúng sinh như mình, không khác.
Cho nên nói: Có vui, không có khổ, học rộng, hiểu chánh pháp.
Nếu bị tổn hại gì, là bởi người tham sắc: Như người tu học quán sát cội gốc thì thấy bệnh dâm, nộ, si là đầu mối mọi tai họa, đều khởi lên tâm ý tham dục, giận dữ, cùng nhiễm ô nhau, trở thành tai họa lớn. Không thể ra khỏi sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, nguồn gốc các tai họa.
Cho nên nói:
Nếu bị tổn hại gì,
Là bởi người tham sắc.
Không kết đời sống vui
Đại pháp biết gốc kết
Người nên biết vết kết
Tâm mọi người bị trói
Cũng trói bởi gốc sắc.
Người không kết sử thì dâm, nộ, si hết, không còn ưa thích thế tục bởi nó là gốc của các kết sử. Tâm oán thù giận dữ cũng không còn sinh khởi. Kẻ sáng trí suy xét và cắt đứt những thứ bệnh kia. Chính mình hết bệnh lại chữa trị cho kẻ khác khỏi bệnh. Cũng không còn dính mắc vào các sắc, tâm không lay động bởi khen chê, được mất.
Cho nên nói:
Không kết đời sống vui,
Đại pháp biết gốc kết,
Người nên biết vết kết,
Cũng trói buộc gốc sắc.
Tất cả chịu khổ nhục
Tất cả hưởng niềm vui
Tâm hơn, thua nổi dậy
Rốt cuộc không được gì.
Tất cả chịu khổ nhục, tất cả hưởng niềm vui: Khi gặp khốn đốn, thì tâm không thảnh thơi. Nhìn sắc mặt người thường sợ hãi thất chí.
Người thong dong thì muốn điều gì đều được ngay, như vang theo tiếng.
Cho nên nói: Tất cả chịu khổ nhục, tất cả hưởng niềm vui.
Tâm hơn, thua nổi dậy, rốt cuộc không được gì: Người ta sống ở đời khi giàu sang, lúc nghèo hèn không thường hằng, hoặc làm Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng về sau chuyển làm các vua nhỏ, khi cao lúc thấp, khi tôn quý lúc hèn mọn. Chỉ có đạo Thánh Hiền là không cao thấp sang hèn.
Cho nên nói:
Tâm hơn, thua nổi dậy,
Rốt cuộc không được gì.
Những ai muốn sống vui
Nhẫn được báo nhẹ kia
Nhẫn là nhẫn với người
Không nhẫn với các hữu.
Tóm lại, nói lược nghĩa ấy:
Không hại mà sinh hại,
Không não mà sinh não,
Không đáng giận mà giận.
Không oán mà gây oán.
Như trên không khác.
Những ai muốn sống vui,
Đáng mê lầm không mê
Mê là đối với người
Riêng ta không bị mê.
Những ai muốn sống vui
Mình không còn kết sử
Phải sống bằng niệm thực
Như tầng Trời Quang Âm
Thường ăn bằng ý niệm
Ý thân không tựa nương.
Thôn dã bị khổ vui
Kia đây không đốt cháy
Từng trải vui, có vết
Không vết, sao từng trải.
Thôn dã bị khổ vui, kia đây không đốt cháy: Người tu đạo nương tựa cạnh thành phố, làng mạc, hoặc ở chỗ đồng trống không có bóng người. Có khi gặp cảnh khổ, mọi người đau lòng, khi gặp cảnh vui thì cũng không lấy đó làm vui. Không khởi tâm vui, phát sinh mười hai thứ bệnh. Kia là chỉ sáu trần, đây là chỉ sáu giác quan.
Cho nên nói: Thôn dã bị khổ vui, kia đây không đốt cháy.
Có từng trải chuyện vui, có vết tích, không vết tích, sao có từng trải: Người ta sống trên đời này tâm thường buông lung, trước từng trải sau vui thì tăng thêm gốc tội. Có khi đọa vào địa ngục với từng trải vui kia. Không từng trải thì không có vết tích, cũng lại không có địa ngục từng trải vui.
Cho nên nói: Có từng trải chuyện vui, có vết tích, không có vết tích sao có từng trải?
Chỗ có Bậc Thánh Hiền
Không đắm dục nhơ bẩn
Dù cho gặp khổ vui
Vẫn không khởi tâm hại.
Chỗ có Bậc Thánh Hiền, không đắm dục nhơ bẩn: Bậc Thánh ở đời thường tự che giấu tung tích mình. Không đắm mê những ý tưởng tham dục, không sinh khởi chất bẩn tham dục. Thánh Hiền ở đây chỉ cho bậc A Na Hàm, A La Hán.
Cho nên nói: Chỗ có Bậc Thánh Hiền, không đắm dục nhơ bẩn.
Dù cho gặp khổ vui, vẫn không khởi tâm hại: Tuy gặp khổ, vui nhưng vẫn không khởi những ý tưởng mê đắm.
Cho nên nói: Dù cho gặp khổ vui, vẫn không khởi tâm hại.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba