Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Phạm Chí - Tập Một
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI BA
PHẨM PHẠM CHÍ
TẬP MỘT
Gọi là Phạm Chí
Không chỉ khỏa thân
Ở hiểm, nằm gai
Mới gọi Phạm Chí.
Khi ấy, có một vị Tỳ Kheo đến chỗ Thế Tôn, trán lạy sát chân Ngài, bạch: Bạch Đức Thế Tôn, từ nay trở đi, xin Ngài cho phép các đệ tử đều khỏa thân, không mặc y phục.
Đức Thế Tôn dạy: Hãy thôi! Đó là chỗ sai trái của kẻ ngu, không đúng với pháp luật. Đó là pháp tu của Phạm Chí, không phải là sự tu hành của giáo pháp ta. Con người biết xấu hổ mới có tôn ti cao thấp, biết có cha mẹ, anh em.
Vì sao lại trần truồng đi khắp nơi?
Khi ấy, lại có một vị Tỳ Kheo khác đến chỗ Phật, trán lạy sát chân Ngài rồi bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, từ nay trở đi, xin Ngài cho phép các đạo nhân được để tóc.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo ấy: Hãy thôi! Đó là chỗ sai trái của kẻ ngu, không đúng với pháp luật. Đó là pháp tu của Phạm Chí, không phải là sự tu hành của giáo pháp ta.
Lại có Thầy Tỳ Kheo khác đến chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy sát chân Ngài rồi bạch Phật: Xin Ngài cho phép các đạo nhân được bôi tro trắng lên mình.
Lại có Tỳ Kheo khác bạch Phật: Từ nay về sau xin Thế Tôn cho phép các đạo nhân nuốt hơi khỏi phải ăn.
Lại có Tỳ Kheo bạch Phật: Từ nay trở đi xin Ngài cho phép các đạo nhân khỏa than nằm ngoài Trời.
Đức Phật bảo: Hãy thôi! Đó là chỗ sai trái của kẻ ngu.
Lại có Thầy Tỳ Kheo khác đến chỗ Phật, trán lạy sát chân.
Ngài rồi bạch Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn từ nay trở đi, xin Ngài cho phép các đạo nhân xuống ao tắm gội thanh tịnh.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo ấy: Không thể dùng cách ấy để tới đạo được.
Bỏ thân không nương
Không tụng lời lạ
Dứt bỏ cả hai
Đó gọi Phạm Chí.
Thuở xưa, Đức Phật ngự trong vườn nai, nơi của một vị Tiên thuộc nước Ba La Nại. Khi ấy Ngài hóa độ cho năm thầy Tỳ Kheo chưa bao lâu. Bấy giờ, nước Ba La Nại có vị trưởng giả tên là Dạ Du, là người thuộc giai cấp cao quý, tài sản vật báu rất nhiều, mặt mày khôi ngô, trên đời hiếm có ai bằng.
Một ngày nóng bức, ông quán sát hiểu lý vô thường, tự suy nghiệm kẻ nam, người nữ than thuộc trong nhà như những thây ma không có gì đáng để tâm cả, thấy thân mình giống như gò mả không khác.
Ông liền đứng dậy và nói rằng: Ta quá ngu, không biết mọi vật đều là ảo hóa cả.
Khi ấy trưởng giả liền tự lìa bỏ gia đình, chạy ra khỏi thành, ông cởi bỏ đôi giày lưu ly đáng giá một muôn đồng tiền, liền qua sông, đến chỗ Phật, trán lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một bên và bạch Phật: Việc đời nhiều thay đổi chẳng phải một muôn vật huyễn hóa không đáng nương cậy, nay con tự quy y muốn tìm nơi vô vi an vui.
Đức Phật bảo trưởng giả: Hay lắm! Hay lắm! Này người con nhà dòng dõi, thật là một việc rất lớn lao trong pháp Hiền Thánh! Đó chính là sự mong ước của ông.
Bấy giờ vị trưởng giả nghe Đức Phật dạy vui mừng hớn hở không kiềm chế được. Đức Thế Tôn dần dần nói pháp cho nghe.
Ngài nói về bố thí, giữ giới, sinh lên Cõi Trời. Dục là một ý tưởng không trong sạch, phiền não là tai họa lớn.
Trưởng giả nghe pháp rồi, ngay từ chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, chứng được mắt pháp thanh tịnh, vì đã thấy pháp, chứng pháp, đầy đủ các pháp.
Ông liền đứng dậy, lại tự quy mạng, trán mặt lạy sát chân Ngài, bạch: Cúi mong Bậc Trời trong các Trời cho phép con được xuất gia học đạo.
Đức Phật bảo: Hay lắm, Tỳ Kheo! Râu tóc vị ấy tự rơi rụng, tự nhiên thân mặc pháp phục, lại nghe nói pháp, chứng quả A La Hán.
Khi đó cha mẹ, anh trai, em trai, em gái của trưởng giả đang lên đường với xe voi, xe ngựa đuổi theo ông, để tìm cho được trưởng giả Dạ Du.
Đến bờ sông, thấy đôi giày lưu ly của ông bỏ lại, người cha thầm nghĩ: Có lẽ con ta đã qua sông không còn nghi ngờ gì nữa, sở dĩ ta biết như thế là vì hiện giờ đôi giày lưu ly đáng giá ức muôn con ta bỏ lại đây. Giờ đây ta qua sông tìm nó. Ông liền qua sông.
Từ xa thấy Đức Thế Tôn, ánh sáng rực rỡ, ông liền đến chỗ Phật, trán lạy sát chân Phật, rồi bạch Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn cho biết là Ngài có thấy chàng thanh niên Dạ Du đi ngang qua đây chăng?
Đức Phật dùng thần túc che khuất Tỳ Kheo Dạ Du để cha ông không thấy.
Ngài bảo trưởng giả: Ông đi tìm con không bằng chính mình tìm lại mình. Ông hãy mau ngồi xuống, ta sẽ nói pháp cho ông nghe.
Trưởng giả liền ngồi xuống, Đức Phật nói pháp, ngay tại chỗ ngồi, trưởng giả dứt sạch hết bụi trần, chứng được mắt pháp thanh tịnh.
Khi ấy Đức Thế Tôn liền xuất định khiến cha thấy con.
Người cha bảo con: Con hãy mau trở về nhà, mẹ con đang buồn khổ sợ con không trở về.
Đức Phật bảo trưởng giả: Hãy thôi! Này trưởng giả, ông đừng nói lời đó. Thế nào trưởng giả, như có người tu hành đang ở giai vị còn tu học, chưa hết ái dục, về sau đạt đến bậc vô học, không còn tu học nữa.
Giờ đây muốn cho người đã đạt vô học ấy trở về giai vị tu học như trước, ý trưởng giả nghĩ thế nào việc ấy có nên chăng?
Trưởng giả đáp: Bạch Đức Thế Tôn, không nên.
Đức Phật bảo trưởng giả: Con ông ngày nay đã không còn dính mắc, trụ ở giai vị vô học rồi.
Trưởng giả nên biết: Người không còn dính mắc thì làm sao còn trở về nhà để thọ hưởng năm thứ dục lạc cho được?
Trưởng giả nghe vậy trong lòng vui mừng hớn hở, liền đứng dậy, năm vóc gieo sát đất, tự quy y bậc Chân nhân hoàn toàn không còn dính mắc.
Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói cho trưởng giả nghe bài kệ:
Bỏ thân không nương
Không tụng lời lạ
Dứt bỏ cả hai
Đó gọi Phạm Chí.
Đời này hạnh sạch
Đời sau không nhơ
Không tu, không bỏ
Đó gọi Phạm Chí.
Ai chấp vào tà kiến thì đến chết họ vẫn không sửa đổi. Người chấp thường thì không tương ưng với người chấp đoạn diệt. Người chấp đoạn diệt thì không tương ưng với người chấp thường. Nếu bỏ được kiến chấp ấy mới không dính mắc vào ba cõi.
Cho nên nói:
Đời này hạnh sạch,
Đời sau không nhơ,
Không tu, không bỏ,
Đó gọi Phạm Chí.
Khổ dựa vào ái
Tâm không dính mắc
Đã bỏ đã chính
Là diệt hết khổ.
Người mới tu hành dù đã được vào đạo, nhưng chưa thể phân biệt suy nghĩ về đạo quả, phải rành rẽ từng thứ, không đánh mất đầu mối, pháp gì chưa đạt thì cố gắng đạt, pháp gì chưa có thì cố gắng có.
Cho nên nói:
Khổ dựa vào ái,
Tâm không dính mắc,
Đã bỏ, đã chính,
Là diệt hết khổ.
Những người không chỗ nương
Thường tu tập chánh kiến
Luôn nghĩ dứt hữu lậu
Đó gọi là Phạm Chí.
Như con voi to chui ra từ cửa nhỏ, muốn ra khỏi thành, nhưng nó chui không lọt cửa này, mọi người thấy vậy ngạc nhiên bèn bảo voi rằng: Ngươi đã chui ra từ lỗ nhỏ được, qua lại không khó, nhưng muốn ra khỏi thành thì lại không được!
Do vậy Bậc Thánh lấy đó làm thí dụ, nhiều người tuy được xuất gia tu tập đạo pháp, nhưng không thể dứt hết hữu lậu, đạt được vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát.
Cho nên nói:
Những người không chỗ nương,
Thường tu tập chánh kiến,
Luôn nghĩ dứt hữu lậu,
Đó gọi là Phạm Chí.
Kẻ ngu để râu tóc
Cùng giường ghế, đồ nằm
Trong lòng còn ham trược
Trau chuốt ngoài, tìm gì?
Kẻ ngu, không tự giác tỉnh nên để mái tóc dài. Cạo râu tóc nghĩa là cạo bỏ kết sử, chứ chẳng phải chỉ cạo bỏ râu tóc. Kẻ ngu để tóc dài để làm đẹp.
Theo pháp của Chư Phật nhiều như cát sông Hằng đời quá khứ truyền trao cho nhau là cạo bỏ râu tóc, pháp phục chỉnh tề. Việc ấy, từ xưa đã có, chứ chẳng phải ngày nay mới có.
Ngày nay, kẻ ngu tham đắm đồ nằm, nhưng trong pháp của ta thì chỉ được sử dụng ba pháp y, không chứa y dư, ở dưới gốc cây hay nơi gò mả là chuyện thường, nói rộng như trong giới bổn. Trong tâm tà kiến, khởi ý tham trược, trau chuốt bề ngoài cho là không vết nhơ, hãy xả bỏ mê lầm ấy mà về với đạo, pháp này không mê lầm.
Cho nên nói:
Kẻ ngu để râu tóc,
Cùng giường ghế, đồ nằm,
Trong lòng còn tham trược,
Trau chuốt ngoài, tìm gì?
Ăn mặc đơn sơ
Vâng giữ pháp hạnh
Chốn vắng suy nghĩ
Ấy là Phạm Chí.
Người tu hành ăn mặc y phục xấu xí, không tham đắm trau chuốt, suy nghĩ pháp hành, tâm không tham cầu. Ít nói năng, không tranh chấp kia đây.
Cho nên nói:
Ăn mặc đơn sơ,
Vâng giữ pháp lành,
Chốn vắng suy nghĩ,
Ấy là Phạm Chí.
Kiến chấp qua lại
Đọa vực chịu khổ
Riêng mình lên bờ
Không ưa lời người
Chỉ diệt không khởi
Đó gọi Phạm Chí.
Người chấp nhặt chỗ ngu si của mình, ý không khai ngộ thì không thể vượt thứ lớp chứng quả. Thường có tâm hiềm nghi bất tịnh, đó không phải là người tịnh hạnh. Ai dứt hết hữu lậu hoàn toàn không còn sót thì đó gọi là Phạm Chí.
Cho nên nói:
Kiến chấp qua lại,
Đọa vực chịu khổ,
Riêng mình lên bờ,
Không ưa lời người,
Chỉ diệt không khởi,
Đó gọi Phạm Chí.
Rẽ dòng vượt qua
Vô dục như Phạm Thiên
Dùng trí dứt hết
Đó gọi Phạm Chí.
Nếu dùng nước tắm gội thân thể mà được đạo, như vậy là nước được đạo chứ không phải tắm gội mà được đạo. Cho nên phải phân biệt các pháp thấu đáo ý nghĩa của nó, thanh tịnh không vết nhơ, dùng trí tuệ diệt hết kết sử, không còn sót.
Cho nên nói:
Rẽ dòng vượt qua,
Vô dục như Phạm,
Dùng trí dứt hết,
Đó gọi Phạm Chí.
Không bởi nước mà tịnh
Nhiều kẻ lo tắm gội
Hãy dứt các pháp ác
Đó gọi là Phạm Chí.
Người tắm gội không thể gội rửa được các thứ dơ trong bụng. Phải dứt bỏ hết pháp ác, không gây ra nữa. Đó gọi là Phạm Chí.
Cho nên nói:
Không bởi nước mà tịnh,
Nhiều kẻ lo tắm gội,
Hãy dứt các pháp ác,
Đó gọi là Phạm Chí.
Không phải cạo tóc: Sa Môn
Khen tặng thành Phạm Chí
Phải bỏ các điều ác
Đó gọi là đạo nhân.
Sa Môn chưa hẳn là những người cạo râu tóc mà là những ai bên trong có chánh hạnh tương ưng với luật pháp mới gọi là Sa Môn.
Còn nếu Phạm Chí cả ngày khen tốt mà được sinh lên Cõi Trời Phạm thì tất cả mọi người đều được sinh lên đó. Thật ra, muốn sinh lên đó chỉ có những ai có khả năng dứt bỏ các điều ác, tu phạm hạnh thanh tịnh.
Cho nên nói:
Không phải cạo tóc mà là Sa Môn,
Khen tặng mà thành Phạm Chí,
Phải bỏ các điều ác,
Mới gọi là đạo nhân.
Dứt bỏ hai điều
Thanh tịnh không vết
Bỏ các dục kết
Mới gọi Phạm Chí.
Bỏ hết tất cả pháp ác, trong mọi chốn ra vào tới lui giáp khắp, không nói những lời khiến giết hại tất cả chúng sinh, không gây tổn thương cho họ, thanh tịnh không tì vết, hoàn toàn không còn mọi trói buộc.
Cho nên nói:
Dứt bỏ hai điều,
Thanh tịnh không vết,
Bỏ các dục kết,
Mới gọi Phạm Chí.
Bỏ ác là Phạm Chí
Làm chánh là Sa Môn
Bỏ việc nhơ của mình
Đó gọi là xuất gia.
Việc làm của Phạm Chí là bỏ các pháp ác, trong ngoài thấu suốt, các cấu uế hết hẳn, không tâm trông mong, không cống cao với mọi người, tâm định không đổi dời, giác ngộ cội nguồn tất cả các pháp. Phạm hạnh đã lập, mọi việc đã làm xong, không còn thọ thân đời sau, tu hạnh thanh tịnh không có lỗi lầm.
Cho nên nói:
Bỏ ác là Phạm Chí,
Làm chánh là Sa Môn,
Bỏ việc nhơ của mình,
Đó gọi là xuất gia.
Người không tâm mê lầm
Không mạn, không ngu si
Không tham, không ngã tưởng
Đó gọi là Phạm Chí.
Người ta sống ở đời tâm không huyễn hoặc, các Phạm Chí tự nói rằng: Trong trăm kiếp một lần đi qua biển lớn tự nhiên có huyễn hoặc ăn nuốt người trong thiên hạ. Bỏ các kiêu mạn, không sinh khởi ý tưởng mê đắm, Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã dứt bỏ tám pháp thế gian, không đắm nhiễm thế gian nên cũng gọi là Tỳ Kheo, cũng gọi là Sa Môn, cũng gọi là Phật.
Cho nên nói: Người không tâm mê lầm, không mạn, không ngu si, không tham, không ngã tưởng, đó gọi là Phạm Chí.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Hai - Phẩm Diệu Thân Sinh - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Mười Hai - Phẩm Chúc Lụy
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Ba Mươi
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Mười Ba - Không Nói Lời ác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tỳ Da Ly
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bản Sinh Tâm địa Quán - Phẩm Sáu - Phẩm Ly Thế Gian
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ngũ Lực đương Thành Tựu
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Thập Thượng - Phần Hai - Một Pháp