Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tâm ý - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TÂM Ý  

TẬP MỘT  

Khinh thường khó giữ

Bị dục chiếm đóng

Hàng tâm là tốt

Nhờ hàng nên yên.

Khinh thường khó giữ: Sở dĩ Như Lai xuất hiện ở đời chính là muốn hang phục tâm người, dứt bỏ mọi hành động nhơ bẩn. Như người tu hành thường tự suy nghĩ luận bàn với tâm, tâm đưa đến nhiều tai họa, làm cho người ta bị đọa vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Cho nên nói: Khinh thường khó giữ gìn.

Bị dục chiếm đóng: Người tu hành quán sát nguyên nhân sinh bệnh đều có nghiên cứu nguồn gốc tham dục thì chính là tâm ý.

Giống như kẻ trộm cướp nương náu nơi hiểm trở để đi ăn cướp, nếu không có nơi hiểm trở thì không do đâu mà sinh tai họa, tham dục cũng như vậy. Tâm là hang ổ, xoay vần rong ruổi nên trở thành tai họa.

Cho nên nói: Bị dục chiếm đóng.

Hàng tâm là tốt, nhờ hàng nên yên: Người hàng phục được tâm thì không màng đến cuộc sống, đi đến đâu cũng được kính trọng, sau khi chết phiền não dứt hết, tâm ý mở tỏ, được Niết Bàn.

Cho nên nói:

Hàng tâm là tốt,

Nhờ hàng nên yên.

Như cá trên đất khô

Bởi lìa khỏi vực sâu

Tâm thức rất hoảng sợ

Các ma dẫn rong ruổi.

Như cá trên đất khô, bởi lìa khỏi vực sâu: Như con cá nhảy khỏi vực sâu, oằn oại trên mặt đất. Khi tâm ý ta bị phiền não bực bội, không được tự tại cũng giống như vậy.

Cho nên nói: Như cá trên đất khô, bởi lìa khỏi vực sâu.

Tâm thức rất hoảng sợ, các ma dẫn rong ruổi: Giống như con cá trên bờ kia giẫy đành đạch, không được tự tại, tâm cũng như vậy, rong ruổi theo các kết sử, không thể tự dừng lại được, nên bị các thứ tà được dịp làm hại.

Cho nên nói:

Tâm thức rất hoảng sợ,

Các ma dẫn rong ruổi.

Tâm chạy, không một chỗ

Giống như ánh mặt trời

Bậc trí chế ngự được

Như móc ngăn voi dữ.

Tâm chạy, không một chỗ, giống như ánh mặt trời: Như mặt trời vừa mọc ánh sáng chiếu khắp bốn phương. Tâm cũng giống như vậy, rong ruổi theo sắc, thanh, hương, vị xúc, không thể tự kiềm chế làm cho không rong ruổi. Như con voi dữ hung bạo khó chế ngự kia, người ta dùng móc thép cứng chế ngự nó.

Cho nên nói:

Tâm chạy, không một chỗ,

Giống như ánh mặt trời,

Bậc trí chế ngự được,

Như móc ngăn voi dữ.

Nay, ta bàn tâm này

Không bền, không thể thấy

Nay ta muốn dạy răn

Cẩn thận, chớ sinh lỗi.

Nay ta bàn tâm này, không bền, không thể thấy: Người tu hành chuyên tâm một chỗ, cột tâm trước mặt, dùng nhiều phương tiện dạy bảo, trách sửa tâm. Tâm, chính mi mà từ vô số kiếp, ta phải trải qua sinh tử, bỏ thân này thọ thân khác nhiều, không kể hết, hoặc ở trong ba đường tám nạn, hoặc qua lại trong Cõi Trời, cõi người, nay ta được làm người, lại được gặp Thánh pháp phải lìa bỏ các ý tưởng đắm nhiễm xưa nay, dùng mọi cách dạy bảo, trách sửa tâm này.

Lại bảo tâm rằng: Ngươi là thứ mong manh không đáng nương cậy. Nhận xét như vậy. Cho nên phải dứt hết mọi ái kết sử.

Cho nên nói:

Nay ta bàn tâm này,

Không bền, không thể thấy,

Nay ta muốn dạy răn,

Cẩn thận, chớ sinh lỗi.

Tâm, ngươi chớ dạo đi

Theo ham hố buông lung

Ta gom trọn ngươi lại

Như chế ngự voi dữ.

Tâm, ngươi chớ dạo đi, theo ham hố buông lung: Tâm là một thứ do dự không đứng yên, nó dính vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, như khỉ vượn ham mê dưa trái, chúng buông cành này nắm bắt cành kia, ý không đứng một chỗ. Tâm cũng như vậy, muôn thứ sinh ra một cách ngang trái, tạo tác các tội, không thể xả bỏ.

Cho nên nói: Tâm, ngươi chớ dạo đi, theo ham hố buông lung.

Ta gom trọn ngươi lại, như chế ngự voi dữ: Ta sẽ dùng pháp quán bất tịnh gom nhiếp tâm ý, không cho rong ruổi. Như chế ngự voi dữ, không cho chạy lung tung.

Cho nên nói:

Ta gom trọn ngươi lại,

Như chế ngự voi dữ.

Sinh tử vô số lượng

Qua lại không đầu mối

Tìm người thợ cất nhà

Thường phải thọ bào thai.

Sinh tử vô số lượng, qua lại không đầu mối: Người ta sống chết trải qua nhiều kiếp không thể tính kể. Hoặc đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, trong đó chịu khổ không thể kể xiết.

Cho nên nói: Sinh tử vô số lượng, qua lại không đầu mối.

Tìm người thợ cất nhà, thường phải thọ bào thai: Bởi không diệt hết nghiệp nhân cho nên qua lại không dứt. Bị ràng buộc bởi thân tướng mập mạp trắng trẻo, tham đắm hình sắc nên thường vào bào thai.

Cho nên nói:

Tìm người thợ cất nhà,

Thường phải thọ bào thai.

Quán kỹ nhà này

Không còn cất nữa

Cột kèo gãy hết

Lâu đài tan hoang.

Quán kỹ nhà này: Nó mong manh, không bền chắc, chắn chắn phải hư hoại bởi nó là pháp bị hao mòn tiêu diệt, dù cho núi cao, biển cả rồi cũng tan hoang.

Không còn cất nữa: Vì sao?

Bởi biết nguồn gốc của bệnh, lại không muốn thọ thân, tạo ngôi nhà năm ấm.

Cho nên nói: Quán kỹ nhà này, không còn cất nữa.

Cột kèo gãy hết, lâu đài tan hoang: Sở dĩ nói về ý này là nói về cội gốc kết sử. Thân chết bốn đại tan lìa, vạn vật không hội hợp lâu. Ở đây nói về người thành đạo, sau khi chết thần thức ra đi vắng lặng trống không. Chi tiết thân thể mỗi thứ trở về cội gốc của chúng. Đất trở về với đất, nước trở về với nước, lửa trở về với lửa, gió trở về với gió. Thần thức đi vào vô vi, không còn lo sợ phải thọ thân khác.

Cho nên nói:

Cột kèo gãy hết,

Lâu đài tan hoang.

Tâm lìa tạo tác

Khoảng giữa đã diệt

Tâm luôn xáo động

Khó giữ gìn được.

Tâm lìa tạo tác: Tạo tác là đầu mối kết sử. Sở dĩ chúng sinh chìm đắm trong sinh tử, đều do tạo tác mà đưa đến những tai biến như vậy. Bậc Thánh ra đời tinh tấn, tự dứt bỏ cội gốc tạo tác, không cho sinh trở lại.

Cho nên nói: Tâm lìa tạo tác.

Khoảng giữa đã diệt: Pháp ba đời dứt hẳn không còn.

Cho nên nói: Khoảng giữa đã diệt.

Tâm luôn xáo động: Như trong Khế Kinh của Phật có nói: Nay ta nói về nguồn gốc của tâm, nó lao xao lăng xăng. Một ngày một đêm có chín trăm chín mươi chín ức niệm. Các niệm tưởng đều khác nhau, tạo nghiệp khác nhau.

Cho nên nói: Tâm luôn xáo động.

Khó giữ gìn được: Trong khoảnh khắc phát tâm làm thiện hay ác, nếu tâm nghĩ thiện thì có ảnh hưởng đến liền, không có gì ngăn ngại, còn như tâm nghĩ ác thì như vang theo tiếng, muốn giữ gìn cũng không thể được.

Như các loài thú dữ: Cọp, sói, rắn rít, bò cạp mà muốn chúng che chở nhau, khiến chúng không làm ác, thì điều ấy từ trước đến giờ chưa từng nghe.

Cho nên nói:

Khó giữ gìn được.

Người trí tự sửa mình

Như thợ vót tên thẳng

Có giận thì biết giận

Có giận biết có giận.

Người trí tự sửa mình, như thợ vót tên thẳng: Người tu hành trước phải sửa đổi bản thân mình, thường biết các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã. Dùng sáu hạnh suy niệm để tự răn mình, không để tà vạy. Như người thợ khéo tay, vót thẳng mũi tên, không để gút mắc, có công năng chế ngự địch, không có gì khó.

Cho nên nói: Người trí tự sửa mình, như thợ vót tên thẳng.

Có giận thì biết giận, có giận biết có giận: Oán oán càng thêm oán, dùng oán để dứt oán thì xưa nay chưa hề có. Vậy phải dứt oán diệt oán, sau đó mới biết là không còn oán.

Cho nên nói: 

Có giận thì biết giận,

Có giận biết có giận.

Chính ý mình tạo

Chẳng phải cha mẹ

Bỏ tà được định

Làm phước chớ lùi.

Ý làm các việc, vì thân mà gây họa. Ác này do tâm gây ra, không phải cha mẹ, anh em, họ hàng, tôi tớ gây ra. Xét rõ điều này mới biết rằng bởi tà kiến mà sinh ra trần lao này. Lại không giữ gìn làm cho tâm khỏi rối loạn.

Cho nên nói:

Chính ý mình tạo,

Chẳng phải cha mẹ,

Bỏ tà được định,

Làm phước chớ lùi.

Nhà lợp không kỹ

Trời mưa bị dột

Không sửa hạnh mình

Rịn dâm, nộ, si.

Như ở đời, người ta xây dựng cung điện, nhà cửa nếu lợp nóc không kỹ thì lúc trời mưa chỗ nào cũng bị dột. Người không sửa đổi việc làm của mình cho đúng thì tâm duyên theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bởi không suy nghĩ pháp quán bất tịnh nên nước tam độc chảy lan ra ngoài.

Cho nên nói: Nhà lợp không kỹ, trời mưa bị dột, không sửa hạnh mình, rịn dâm, nộ, si.

Đều ứng thành kệ, nói lược yếu nghĩa:

Ngu si cũng vậy,

Giận dữ cũng vậy,

Ganh tị cũng vậy,

Kiêu mạn cũng vậy,

Ái kết cũng vậy.

Nóc nhà lợp kỹ

Trời mưa không dột

Người biết sửa mình

Hết dâm, nộ, si.

Như người thợ khi xây cất cung điện, nhà cửa lợp rất kỹ lưỡng nên khi trời mưa không dột được. Người biết sửa mình, dứt bỏ dâm, nộ, si, không cho chúng chảy ra, các hoạn nạn đều dứt hết.

Đều ứng thành kệ, nói lược yếu nghĩa:

Ngu si cũng vậy,

Giận dữ cũng vậy,

Ganh tị cũng vậy,

Kiêu mạn cũng vậy,

Ái kết cũng vậy.

Tâm là gốc pháp

Tâm quý, tâm khiến

Tâm nghĩ điều ác

Vừa nói, làm ngay

Tội khổ theo mình

Như xe cán đường.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Từ nay trở đi, trước khi ăn phải đọc kệ khuyến thực.

Trong thành Xá Vệ có hai người ăn mày đã đến ăn xin khi Tăng chúng chưa nói kệ khuyến thực, trong đó có một người ăn mày tâm ganh tị lẫy lừng, bèn phát khởi tâm ác, ý nguyện thầm rằng: Nếu ngày sau được làm Vua, ta sẽ cho xe cán bể đầu các đạo nhân này.

Sau khi Chúng Tăng đọc kệ, người ăn mày được ban cho nhiều đồ ăn. Ra ngồi bên đường, anh ta ăn no nê rồi nằm ngủ say. Bỗng có mấy trăm chiếc xe chạy ngang qua đó, cán bể đầu anh này. Sau khi chết đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng.

Tâm là gốc pháp

Tâm quý, tâm khiến

Tâm nghĩ điều lành

Vừa nói, làm ngay

Phước vui tự theo

Như bóng theo hình.

Lúc ấy người ăn mày thứ hai trong tâm thầm nghĩ: Nếu sau này được giàu sang, làm vua, ta sẽ cúng dường cho Thánh Chúng này không hề thiếu thốn. Khi ấy, anh ăn mày này được nhiều đồ ăn vừa ý, anh liền ra ngoài rồi nằm ngủ dưới gốc cây, tinh thần yên tịnh, không có loạn tưởng.

Lúc bấy giờ, trong nước ấy, vua vừa qua đời, không có con nối dõi.

Các quan họp lại bàn: Nay trong nước không có chủ, lại không ai nối ngôi dễ khiến lòng dân chúng ly tán. Không bao lâu sẽ nhà tan nước mất.

Do vậy cần phải hỏi các Ngài: Ai có mưu kết gì khiến đất nước toàn vẹn, dân không đi nơi khác xin nói cho biết.

Trong đó, một vị quan trí tuệ sáng suốt bậc nhất báo dân chúng: Chúng ta mất chúa, không có người kế vị. Vậy nay cử sứ giả đi tuần trong nước nếu gặp được ai có tướng oai nghiêm phước lộc đầy đủ thì sẽ mời về nối ngôi vua.

Sứ giả liền đi xem xét, thấy dưới một gốc cây nọ, có một người nằm ngủ. Ánh nắng xế nghiêng nhưng bóng cây không dời.

Bóng cây vẫn che mát trên thân người ấy như một cái lọng, sứ giả thấy vậy liền dừng lại xem. Thật là một sự việc lạ lùng, trên đời này không ai hơn. Người này rất xứng đáng được nối ngôi vua.

Sứ giả đến đánh thức người ấy và mời lên xe đưa về triều làm vua. Mọi người tung hô vạn tuế. Từ đó đất nước thanh bình thịnh vượng.

Đức Thế Tôn quán xét hai ý nghĩa trên, liền nói bài kệ này:

Tâm là gốc pháp

Tâm quý, tâm khiến

Tâm nghĩ điều ác

Vừa nói, làm ngay

Tội khổ theo mình

Như xe cán đường.

Tâm là gốc pháp

Tâm quý, tâm khiến

Tâm nghĩ điều lành

Vừa nói, làm ngay

Phước vui theo mình

Như bóng theo hình.

Niệm không biết ngừng

Không dứt vô biên

Phước ngăn được ác

Giác là Bậc Hiền.

Niệm không biết ngừng, không dứt vô biên: Người tu hành buông thả tâm ý rong ruổi, không thể chuyên nhất, ngay trong khi nghe pháp cũng không chú tâm chuyên nhất. Không dứt vô biên là răn việc trộm cắp, thân tà vạy.

Cho nên nói: Niệm không biết ngừng, không dứt vô biên.

Phước ngăn được ác, giác là Bậc Hiền: Người tích chứa điều lành, dứt bỏ tâm dâm, nộ, si, kiêu mạn, người như thế tu đạo dễ dàng. Nhờ phước báu ấy dần dần đến Đạo Tràng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần