Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Giận Dữ - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM GIẬN DỮ  

TẬP MỘT  

Dứt giận, bỏ kiêu mạn

Vượt qua các kết sử

Không đắm mê danh sắc

Trừ hữu đâu còn gì?

Dứt giận, bỏ kiêu mạn: Ai giận dữ thì làm hư hại công đức lành của mình. Sở dĩ người ta tranh giành quyền lợi nhiều ít, tan nhà, mất nước, dòng họ tiêu tan cũng đều do giận dữ mà ra cả. Còn về kiêu mạn thì cần phải dứt bỏ, dù đã hay đang, vẫn tiếp tục dứt bỏ nó đi.

Cho nên nói: Dứt giận, bỏ kiêu mạn.

Vượt qua các kết sử: Giận dữ, kiêu mạn là gốc của mọi kết sử. Chặt gốc thì không còn cành lá.

Cho nên nói: Vượt qua các kết sử.

Không đắm mê danh sắc: Phải trừ bỏ cho hết, nếu còn danh sắc thì chúng sinh vẫn còn ý tưởng ham mê dục lạc.

Tất cả đều do danh sắc mà người ta bôi lọ, nói xấu nhau, như: Thể diện của ta có danh vọng, tiếng tăm hơn nó! Thể diện, danh vọng của nó thua ta!

Cho nên nói: Không đắm mê danh sắc.

Trừ hữu đâu còn gì: Hữu là tên của kết sử. Bởi chưa vượt qua hữu để đến vô nên cứ bị kết sử sai khiến, bị kết trói buộc, bị kết phược ràng buộc. Người tu hành lấy lắng yên để chỉ quán, dứt hẳn không còn sót, vượt qua hữu để đến vô.

Cho nên nói: Trừ hữu đâu còn gì.

Dứt giận chớ để khởi

Dục sinh phải ngăn dứt

Nhổ dần gốc vô minh

Tu đế vui bậc nhất.

Dứt giận chớ để khởi: Giận dữ như lửa phừng, phải nhớ là mau dập tắt ngay. Nếu để nó cháy lan thì gây nhiều thiệt hại. Giận dữ khởi lên thì họa đến. Như người cầm lửa đi ngược gió, thì lửa sẽ tự đốt cháy thân mình.

Cho nên nói: Dứt giận chớ để khởi.

Dục sinh phải ngăn dứt: Tâm tham dục vừa phát sinh thì tìm cách không cho nó sinh, như rắn độc muốn bò ra khỏi hang, cần phải chế ngự ngay, không cho nó cắn người bừa bãi. Tâm tham dục cũng như vậy, vừa sinh là phải dứt bỏ ngay, không cho dấy khởi.

Cho nên nói: Dục sinh phải ngăn dứt.

Nhổ dần gốc vô minh: Vô minh là bóng tối lớn nhất trên đời này. Nó phủ kín tâm thức, không mở ra được. Phải tìm phương cách và với tâm mạnh mẽ mà nhổ sạch gốc, không cho nó sống.

Cho nên nói: Nhổ dần gốc vô minh.

Tu đế vui bậc nhất: Sở dĩ người tu không mau chứng đạo là vì còn bị dâm, nộ, si nhiễm ô thân tâm. Ba kết sử này nhờ Tứ Đế mà dứt bỏ nhưng chưa đạt đến chân đế. Ai không dứt bỏ ba kết sử này thì từ vô số kiếp cho đến bây giờ, họ không hề được niềm vui vô vi. Khi đạt được Tứ Đế thì bấy giờ mới là vui.

Cho nên nói:

Tu Tứ Đế là vui bậc nhất.

Dứt giận được ngủ ngon

Giận hết không còn lo

Giận là gốc độc hại

Ngon ngọt là Tỳ Kheo.

Hiền Thánh dứt bỏ hết,

Dứt hết thì ngủ ngon.

Dứt giận được ngủ ngon: Hễ ai giận dữ thì ngày đêm không ngủ được, như bị rắn cắn, như bệnh trở cơn, như mất tiền của. Đó là tướng mạo của giận dữ. Ai không còn giận dữ thì không thấy những điều khổ não, được nằm yên ngủ say, không hay trời sáng, như uống nước cam lộ, tâm thức lặng lẽ.

Cho nên nói: Dứt giận được ngủ ngon.

Giận hết không còn lo: Người có tâm giận dữ thì ngay trong hiện tại đêm ngày lo buồn như có tang cha mẹ, như mất tài sản của báu. Giận dữ đã dứt thì không còn lo rầu khổ não nữa.

Cho nên nói: Giận hết không còn lo.

Giận là gốc độc hại: Gốc trong các độc hại thì không gì hơn giận dữ. Khi người đang nổi giận phừng phừng thì các công đức đều bị che kín không hiển lộ ra được.

Cho nên nói: Giận là gốc độc hại.

Ngon ngọt là Tỳ Kheo: Đã nhổ gốc rễ của độc hại và không trồng các thứ độc hại ấy nữa, cây thuốc quý mọc lên, như cam lộ kia, dứt trừ được các thứ dơ bẩn xấu xa.

Cho nên nói: Ngon ngọt là Tỳ Kheo.

Hiền Thánh dứt bỏ được, dứt hết thì ngủ ngon: Hiền Thánh là đệ tử của các Đức Phật, các điều ác đã dứt hết, các điều lành gom về. Họ đã diệt hết cội gốc sinh ra giận dữ và không gây ra những giận dữ mới. Ý không còn sinh khởi nhớ nghĩ về giận dữ, được ngủ ngon, không còn u sầu.

Cho nên nói:

Hiền Thánh dứt bỏ được,

Dứt hết thì ngủ ngon.

Người nổi giận dữ

Làm lành, chẳng lành

Sau dứt giận dữ

Nhớ lại chuyện cũ

Như lửa bừng cháy.

Người nổi giận dữ, làm lành, chẳng lành: Như người bị giận dữ ràng buộc thì tâm ý điên đảo sai lầm, không còn hiểu biết gì.

Giống như kẻ mù, không thấy núi cao đất bằng, kẻ giận dữ cũng giống như vậy, bị giận dữ ràng buộc thì không còn thấy cái gì lành, cái gì ác, cái gì tốt, cái gì xấu nữa.

Cho nên nói: Người nổi giận dữ, làm lành, chẳng lành.

Sau dứt giận dữ, nhớ lại chuyện cũ, như lửa bừng cháy: Như người lạc đường thì quan trọng là đổi ngay hướng đi. Người tức giận mau dứt bỏ là trên hết. Bên trong, thấy hổ thẹn nên tự ăn ăn, trách mình.

Giận dữ là một thứ luống dối, vì sao ta sinh tâm giận dữ làm gì?

Từng cơn tức giận nối nhau không bao giờ dứt giống như lửa bừng. Tâm ý đổi thay hối hận, hổ thẹn bởi bị cơn nóng giận sai khiến.

Cho nên nói:

Sau khi dứt giận dữ,

Nhớ lại chuyện cũ,

Như lửa bừng cháy.

Không biết hổ thẹn

Lại ưa nổi giận

Bị giận ràng buộc

Như tối mất đèn.

Không biết hổ thẹn: Người bị cơn giận bốc lên thì không còn biết cao thấp, không biết xấu hổ, như người điên khùng. Suốt ngày, mọi người bu quanh chế nhạo làm trò cười, không tự hay biết. Có những chuyện đáng giấu giếm lại nói toạc ra bằng lời điên cuồng, không gốc rễ.

Cho nên nói: Không biết hổ thẹn.

Lại ưa nổi giận: Việc làm của người ưa nổi quạu không trong sạch sáng tỏ là bởi tâm họ chứa đầy cặn cáu nhơ bẩn, không biết nhờ đâu để tu phạm hạnh.

Cho nên nói: Lại ưa nổi giận.

Bị giận ràng buộc, như tối mất đèn: Người nổi quạu bị cơn giận dữ nổ lên nên thấy ngày như đêm, Trời đất tối tăm, chẳng còn thấy gì. Chính mình đã không sáng suốt thì dù cả ngàn mặt trời chiếu sáng cũng vô ích.

Cho nên nói:

Bị giận ràng buộc,

Như tối mất đèn.

Đó không phải sức mạnh

Người lấy giận làm mạnh

Giận là pháp phàm phu

Không biết làm theo lành.

Đó không phải sức mạnh, người lấy giận làm mạnh: Sở dĩ nóng giận nổi lên là do việc phi nghĩa, trong tâm tự nghĩ: Chuyện ta làm là đúng, chuyện hắn làm là sai. Đến khi bị mọi người vặn hỏi thì anh này trốn trước, nên bị lũ trẻ chế nhạo, bấy giờ mới biết là mình sai trái. Điều quý là thắng bằng lý lẽ, bằng ngay thẳng.

Sức mạnh của cơn giận không thể nương cậy, cũng không vững chắc, nó chỉ làm bại hoại tánh lành của con người.

Cho nên nói: Sức mạnh đó không phải là sức mạnh, bởi đó là người lấy nóng giận làm sức mạnh.

Giận là pháp phàm phu, không biết làm theo lành: Mất hết gốc lành, nói ra thành lời độc ác. Không suy trước nghĩ sau, gặp chuyện là thốt ra mắng chửi bằng lời thô lỗ, lấy tức giận làm đầu.

Hễ người có đức hạnh thì xa gần ai cũng khen ngợi, vui mừng, chắc chắn có tiếng lành đồn xa. Nay nói về hạng người tức giận thì chỉ nghe tiếng xấu, không có tiếng tốt. Dù có bao nhiêu điều lành đi nữa, nhưng đều bị sự tức giận che lấp, không hiển bày ra được.

Cho nên nói:

Giận là pháp phàm phu,

Không biết làm điều lành.

Có sức gần binh

Không sức gần mềm

Nhẫn là trên hết

Phải thường nhẫn nhịn.

Có sức gần binh, không sức gần mềm: Tự cậy sức mạnh của mình, cho là bậc nhất, bị kẻ yếu coi khinh, vẫn nhẫn nhịn, không trả thù. Nếu bị đánh đập cũng không nổi giận. Người có sức mạnh chơi với nhau, kẻ yếu sức cùng đến với nhau, người có sức mạnh không bao giờ rắp tâm, trái lại kẻ yếu thế thì ý họ mong muốn có được sức mạnh.

Cho nên nói: Có sức thì gần binh, không có sức thì gần người mềm mỏng.

Nhẫn là trên hết, phải thường nhẫn nhịn: Nhẫn là không thấy lỗi người, không thấy phải trái, đó gọi là nhẫn. Không ỷ mình mạnh mà lấn hiếp kẻ yếu, vì nếu khinh thường kẻ yếu thì bị mọi người chê cười.

Cho nên nói:

Nhẫn là trên hết,

Phải thường nhẫn nhịn.

Bị chúng khinh thường,

Có sức nên nhẫn,

Nhẫn là trên hết,

Phải thường nhẫn nhịn.

Bị chúng khinh thường: Như có người bị đại chúng khinh thường, trong khi người có trí tuệ thì có khả năng nhẫn nhịn.

Vì sao?

Vì người kia yếu thế, cô đơn, không chỗ hướng về há để cho họ vì một người mà sinh tâm giận dữ hay sao?

Cho nên nói: Bị chúng khinh thường, người có sức mạnh nên nhẫn.

Nhẫn là trên hết, phải thường nhẫn nhịn: Nhẫn là sức mạnh bậc nhất, trên đời này không có thứ gì hơn nhẫn. Dù cho thần thong chiếu sáng, thành đạo tướng hảo, cũng đều là nhờ sức mạnh của nhẫn. Đạt được ba minh biết đời này đời sau, chiếu sáng vô cùng thì cũng bởi sức mạnh của nhẫn.

Cho nên nói:

Nhẫn là trên hết,

Phải thường nhẫn nhịn.

Tự mình và người kia

Đáng sợ, không thể cứu

Nếu biết họ nổi giận

Thì dứt lỗi trong ta.

Tự mình và người kia, đáng sợ, không thể cứu: Người suy nghĩ trước tự quán xét mình, rồi sau mới nhìn sắc mặt người kia thì sẽ phân biệt được tính của người này là xấu ác, tính của người kia là tốt lành. Thường tự cẩn thận, không làm những việc ác, sợ quả báo đời sau chịu khổ vô lượng. Từ đời này cho đến đời sau, không có giải thoát.

Cho nên nói: Tự mình và người kia, đáng sợ, không thể cứu.

Nếu biết họ nổi giận, thì dứt lỗi trong ta: Biết người kia nổi giận, sắc mặt hầm hầm thì ta liền im lặng trong tâm tự nghĩ: Nếu ta và người ấy tranh chấp nhau đó là điều không đúng, vậy bây giờ ta nên im lặng không tranh chấp với người ấy là đúng nhất.

Cho nên nói:

Nếu biết họ nổi giận,

Thì dứt lỗi trong ta.

Cả hai thực hành nghĩa

Ta và người cũng vậy

Nếu biết họ tức giận

Thì dứt lỗi trong ta.

Cả hai thực hành nghĩa, ta và người cũng vậy: Vừa vì mình mà cũng vì người khác, vừa tự giữ gìn cho mình mà cũng giữ gìn cho người khác.

Thường tự suy nghĩ để tránh hai việc là:

1. Sợ ngay trong đời này ta bị tai ương.

2. Sợ kiếp sau mang quả báo.

Cho nên nói: Cả hai thực hành nghĩa, ta và người cũng vậy.

Nếu biết họ tức giận, thì dứt lỗi trong ta: Chính mình thấy người ấy tức giận dữ dội, hoặc thấy người ấy cầm ngói đá định ném vào ta, ta cũng chuẩn bị ngói đá để chống cự. Nếu có một người tay cầm gậy trơn chạy đến muốn tranh chấp. Chiếc gậy mà người ấy cầm liền hóa thành con dao.

Người ấy thấy vậy liền ném con dao xuống đất. Khi ấy, có vị vua đang ngồi trên lầu cao, xa thấy người ấy ban đầu cầm bó cỏ, nhưng cỏ lại biến thành dao, người ấy vừa thấy dao cũng lại ném xuống đất.

Vua liền cho gọi người ấy đến để hỏi lý do vì sao trước người cầm bó cỏ, bó cỏ biến thành dao, rồi ngươi quăng dao xuống đất như thế?

Người ấy thưa: Thần có nghe trong Kinh Phật nói:

Đức Phật bảo thị giả: Ta sắp đi vào cõi vắng lặng vô vi. Sau đó, là thời ngũ đảnh phí thế ngũ trược ác thế chúng sinh tranh chấp nhau, gạch đá họ cầm trong tay liền hóa thành dao, kiếm. Từ lâu, hạ thần chứa nhóm điều lành, không dám làm ác.

Cho nên hạ thần quăng dao xuống đất. Nghe những lời ấy, vua rất cảm kích, khen là việc chưa từng có. Vua liền ban thưởng cho người ấy và cấp cho nhà ở.

Cho nên nói:

Nếu biết họ tức giận,

Thì dứt lỗi trong ta.

Cùng làm hai nghĩa

Ta sao người vậy

Ngu nói không sức

Quán pháp cũng thế.

Cùng làm hai nghĩa, ta sao người vậy: Thường giữ gìn than mình cũng là giữ gìn cho người ấy, như giữ gìn của báu. Trong tâm tự suy nghĩ, hàng phục tâm mình, không gây hại cho họ, cũng khiến cho người ấy không làm gì hại ta. Hai bên giữ gìn lẫn nhau, không để gây ra lỗi lầm.

Cho nên nói: Cùng làm hai nghĩa, ta sao người vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần