Phật Thuyết Kinh A Na Luật Bát Niệm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Diệu, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH A NA LUẬT BÁT NIỆM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Diệu, Đời Hậu Hán
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở dưới cây Cầu Sư, núi Thệ Chi.
Hiền giả A Na Luật ngồi thiền bên bờ đầm vắng, tư duy:
Đạo pháp là thiểu dục.
Đa dục không phải là đạo pháp.
Đạo pháp là tri túc.
Không nhàm chán, không phải là đạo.
Ở ẩn là đạo pháp, ưa thích đồ chúng không phải là đạo.
Tinh tấn là đạo pháp, giải đãi không phải là đạo.
Kiềm chế tâm là đạo pháp, phóng đảng không phải là đạo pháp.
Định ý là đạo pháp, nghĩ nhiều không phải là đạo.
Trí tuệ là đạo pháp, ngu ám không phải là đạo.
Đức Phật dùng tâm Thánh biết rõ ý của Tôn Giả. Thí như lực sĩ co duỗi cánh tay, liền bay đến trước Tôn Giả khen rằng: Lành thay! Lành thay! Này A Na Luật.
Những điều mà ngươi suy niệm chính là điều mà bậc Đại Sĩ suy niệm. Hãy lắng nghe ta nói tám điều suy niệm của bậc Đại Sĩ, hãy khéo suy nghĩ mà thực hành. Hãy nên học Tứ Thiền, kiểm soát ý, quán sát, không bỏ nữa chừng, chắc chắn được đại lợi, không mất chí nguyện.
Sao gọi là Tứ Thiền?
Đó là xả bỏ pháp dục ác, bất thiện, ý được hoan hỷ là Nhất Thiền hạnh.
Nhờ xả niệm ác, chuyên tâm một cảnh, không cần hoan hỷ là Nhị Thiền hạnh.
Hoan hỷ đã chấm dứt, chỉ như pháp quán, rõ thấy khổ vui là Tam Thiền hạnh.
Đã bỏ khổ vui, lo mừng đều đoạn mà an trụ thanh tịnh là Tứ Thiền hạnh.
Đã học như vậy rồi, sau đó thực hành tám điều suy niệm của bậc Đại Nhân.
Tứ Thiền là phương pháp kiểm soát ý, ưa thấy nơi hành được lợi nguyện nhanh, không bỏ cuộc nữa chừng. Vả lại, người thiểu dục thí như Vua có cận thần, chủ các rương hòm chứa đầy y phục đẹp, nhưng vua lại thích mặc đồ cũ, thiểu dục tri túc, ở ẩn, tinh tấn, chí tâm, định ý, trí tuệ, bỏ gia đình, không vui chơi, ngạo mạn, không có sai lầm, chắc chắn đó là người an ổn, đi đến cửa Nê Hoàn.
Đó là tám điều suy nghĩ của bậc Đại Nhân. Nhưng Tứ Thiền để kiểm soát ý, quán sát, nghĩa của nó như nhà vua có cận thần trông coi việc nấu nướng, điều chế năm vị, nhưng vua lại ưa thích việc đi khất thực, mục đích để nuôi thân, không mong hưởng thụ.
Ý nghĩa của nó như nhà vua có lầu các để trông xem, nhưng tự vui thích núi đầm rừng cây, chỗ yên tịnh, tinh tấn vô dục đối với thế gian.
Ý nghĩa như nhà vua có cận thần, chủ các thứ thuốc hay và lạc, tô, đề hồ, thạch, mật, nhưng vua lúc có bệnh dùng nước tiểu tiện để được trừ bỏ khổ não.
Nhờ thực hành tám suy niệm, tư duy Tứ Thiền, tinh tấn không thiếu sót, tâm không sai lầm, chắc chắn tự mình an ổn, đi tới cửa Nê Hoàn.
Đức Phật nói như vậy xong, liền trở về Thệ Chi, bảo các đệ tử:
Đạo thì phải thiểu dục, không được đa dục. Đạo thì phải tri túc, không được chứa nhóm cho dư. Đạo thì phải ở chỗ yên tịnh, không nên ưa thích hội chúng. Đạo thì phải tinh tấn, không được giải đãi.
Đạo thì phải kiềm chế tâm, không được phóng dật. Đạo thì phải định ý, không được loạn ý. Đạo thì phải có trí tuệ, không được ngu ám.
Tỳ Kheo phải lấy sự thiểu dục làm vui thích. Đó là thân tự thiểu dục, nhưng đừng để người biết mình thiểu dục. Ý nghĩa như vậy mới đúng.
Tỳ Kheo tri túc đó là bình bát, y phục, giường chõng, thuốc men chửa bệnh, các thứ đủ dùng thì thôi, đừng nên chứa nhóm cho dư. Ý nghĩa như vậy mới đúng.
Tỳ Kheo ở ẩn, đó là tránh người thế gian, không nhập vào chúng hội, ở xa nơi núi đầm, hang đá, gốc cây. Như có tứ chúng hoặc vua, đại thần đến để hỏi đạo thì hãy nói pháp thanh tịnh cho họ nghe, xong rồi đi liền.
Thí như kẻ nghèo mắc nợ người giàu có, bị chủ lôi kéo, kẻ ấy muốn xa lìa, không thích ở ẩn xa lìa mọi người. Như vậy mới đúng nghĩa.
Tỳ Kheo tinh tấn là đoạn trừ điều phi pháp, siêng năng thực hành Kinh đạo, chưa hề giải đãi. Đầu đêm, nữa đêm, cuối đêm kinh hành, ngồi hay nằm, thường giác ngộ tâm ý, nhớ nghĩ điều thanh tịnh để trừ ngũ cái.
Như vậy mới đúng nghĩa. Tỳ Kheo kiềm chế tâm là bỏ dục, ác pháp, ngồi định ý, tư duy, quán tưởng để đoạn trừ khổ, lạc được Tứ Thiền hạnh. Như vậy là đúng nghĩa.
Tỳ Kheo định ý là thường nhất tâm quán thân, quán ý, không bị hành động sai khiến, nhiếp niệm theo đạo, bỏ tưởng ngu si não hại. Như vậy là đúng nghĩa.
Tỳ Kheo trí huệ đó là biết Tứ Đế: khổ, tập, tận, đạo.
Sao gọi là Khổ Đế?
Đó là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ưu bi não khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng tội khổ, sở dục bất đắc khổ. Tóm lại ngũ thạnh ấm là khổ.
Sinh khổ là con người tùy theo hành động dẫn dắt thọ vào bào thai mà thành sanh, có hình thể, hiện căn thân, có nhập có thọ mà lớn lên.
Già khổ là các căn con người đã chín mùi, hình thể đã thay đổi, tóc bạc, răng long, gân mỏi, da nhăn, lưng còng phải chống gậy mà đi.
Bệnh khổ là con người bị tội hành hạ đến nỗi bị ung thư, ghẻ mũ, kinh phong, điên cuồng… Bệnh có rất nhiều, hơn một trăm thứ.
Chết khổ là con người mạng chung, thân hình hư nát, hơi ấm không còn, tắt thở, hồn thần đã lìa. Những thứ ấy đều là khổ.
Sao gọi là Tập Đế?
Đó là không thọ, không nhập, ái đã hết sạch không còn nữa, sự trói buộc đã mở, người thấy bằng trí tuệ, không còn tất cả. Người thế gian không có ai thấy sự trói buộc của năm ấm.
Vị này không còn tái sanh nữa, đã mở hết các dây ái trói buộc, nhờ trí tuệ mà thấy phi thường, khổ, không, phi thân, nên đã đoạn trừ. Đó là Tập Đế.
Sao gọi là Đạo Đế?
Đó là tám trực đạo: chánh kiến, chánh tư, chánh ngôn, chánh hành, chánh trị, chánh mạng, chánh chí và chánh định.
Sao gọi là chánh kiến?
Chánh kiến có hai loại: Có tục có đạo, biết có nhân nghĩa, biết có cha mẹ, biết có Sa Môn, Phạm Chí, biết có kẻ đắc đạo, chân nhân, biết có đời này đời sau, biết có thiện ác tội phước. Từ đây đến bên kia nhờ thực hành mà chứng đạo. Đó là chánh kiến thế gian.
Nhờ hiểu Tứ đế: Khổ, tập, tận, đạo, đã được huệ kiến không, tịnh, phi thân. Đó là đạo chánh kiến.
Chánh tư cũng có hai. Suy tư về học vấn, suy tư về hòa kính, suy tư về giới, thận, suy tư về vô hại. Đó là thế gian chánh tư. Suy tư về xuất xứ, suy tư về nhẫn, im lặng, suy tư về sự diệt sạch hết ái trước. Đó là đạo chánh tư.
Chánh ngôn cũng có hai. Không nói hai lưỡi, không nói lời ác, mắng chửi, không nói dối, không nói lời thêu dệt. Đó là chánh ngôn của thế gian.
Lìa bốn lỗi của miệng, giảng thông lời đạo, tâm không tạo tác, sạch hết không còn tàn dư nữa. Đó là chánh ngôn của đạo.
Chánh hạnh cũng có hai. Thân làm điều thiện, miệng nói điều thiện, tâm nghĩ điều thiện. Đó là chánh hạnh của thế gian. Thân miệng tinh tấn, tâm niệm tịnh, tiêu diệt phóng đãng, chấp trước. Đó là chánh hạnh của đạo.
Chánh trị cũng có hai. Không sát không đạo, không dâm, không tự mình cống cao, tu đức tự phòng thủ. Đó là chánh trị của thế gian. Lìa bỏ ba điều ác của thân, trừ đoạn khổ tập, diệt ái cầu độ thoát. Đó là chánh trị của đạo.
Chánh mạng cũng có hai. Cầu tiền của theo đạo nghĩa, không tham của một cách bừa bãi, không dùng tâm dối trá với người. Đó là chánh mạng của thế gian. Đã xa lìa tà nghiệp, bỏ chức vị thế gian, không phạm sự ngăn cấm của đạo. Đó là chánh mạng của đạo.
Chánh trí cũng có hai. Không ganh tị, không giận hờn, không tà vạy. Đó là chánh trí của thế gian. Lìa ba điều ác của tâm, thực hành bốn điều đoan chánh của ý, thanh tịnh vô vi. Đó là chánh trí của đạo.
Chánh định cũng có hai. Thể tánh thuần thục, điều hòa theo điều lành, an tâm kiên cố, tâm không quanh co tà vạy. Đó là chánh định của thế gian. Được bốn ý chí, tưởng nhớ không, vô tưởng, không nguyện, thấy nguồn gốc của Nê Hoàn. Đó là chánh định của đạo. Đó là Đạo Đế.
Tỳ Kheo bỏ nhà, dứt bỏ ân ái, suy tư về đạo một cách an tịnh, không có luyến ái, hâm mộ, ý không chạy theo dục, thanh tịnh, không chướng ngại. Đó là nghĩa của đạo pháp, phải tuân theo như vậy. Hiền Giả A Na Luật nghe đức Phật nói Kinh, khai mở, dẫn dắt ý của Ngài.
Ngài thọ trì thực hành trong ba tháng thì lậu tận trừ, ý giải thoát, được ba trị, đã chứng đạo rồi, tự biết mình đã được A La Hán, liền nói bài kệ:
Không nhàm chán dục lạc
Vì dục lạc phóng tâm
Do đó phải chịu khổ
Làm ác nhiều trói buộc
Thiểu dục biết đạo hạnh
Biết thẹn không tự kiến
Pháp này được thanh tịnh
Xa ác, thoát thế gian
Ta dùng như không định
Các khổ được diệt trừ
Theo lời Đức Phật dạy
Giữ hạnh bỏ dục ác
Bỏ tai hoạn nơi thân
Được lợi theo vô vi
Từ đó được ba trị
Đã nhổ gốc ân ái
Ngay nơi xóm Duy Sa
Vườn trúc, Bát Nê Hoàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Ba - Nhẫn Nhục độ Vô Cực - Kinh Số Bốn Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Ba - Phẩm Ba Pháp - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bảy Mươi Mốt - Phẩm Thân Cận
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Ratthapala
Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Biện Tài Tán Dương