Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Mười Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẦN MƯỜI HAI  

Thiện nam! Vì nhân duyên gì Bồ Tát không keo kiệt đối với chánh pháp?

Vì chính bản thân Bồ Tát đã được pháp rồi, muốn cho chúng sinh cùng được tin hiểu. Không làm người thầy giỏi mà giấu cất không giảng nói. Trọn đời không bao giờ Bồ Tát đối với chúng sinh mà không khởi tâm thương xót. Nhưng đối với chúng sinh không thể làm bậc pháp khí thì Bồ Tát đành nhập tâm xả.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những chúng sinh như vậy, nếu không giảng nói cho họ thì giảng nói cho ai?

Đức Phật đáp: Ta nên nói cho người có tín tâm.

Người thiện căn thành thục có khả năng làm bậc pháp khí thì nên giảng nói cho họ.

Đối với Chư Phật quá khứ, người đã trồng các căn lành, tâm không tà nịnh, không dối trá, cũng không huyễn hoặc, không giả hiện oai nghi, không cầu danh lợi.

Người thường được tri thức thiện ủng hộ, gìn giữ.

Người có trí nghe pháp theo đó có khả năng tìm hiểu.

Người các căn lanh lợi.

Người nghe pháp có khả năng hành trì tinh tấn.

Người có khả năng tùy thuận lời dạy của Phật.

Nếu có những thiện nam, thiện nữ như vậy thì Chư Phật và Bồ Tát sẽ thuyết pháp cho họ.

Thiện nam! Đủ mười việc ấy gọi là Bồ Tát có khả năng thuyết pháp giỏi, làm cho chúng sinh tin thọ.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là bậc thầy thuyết pháp.

Đó là:

1. Tu tập pháp Phật.

2. Có khả năng thuyết pháp nhưng không thấy có pháp để tu tập.

3. Cũng không thấy có pháp có thể đoạn trừ kết sử mà thuyết pháp. Cũng không thấy có kết sử bị đoạn. Cũng không thấy có pháp chán ác. Cũng chẳng thủ đắc tướng lìa dục. Cũng chẳng thủ đắc tướng tịch diệt.

4. Đắc quả Tu Đà Hoàn mà thuyết pháp, không thấy có tướng Tu Đà Hoàn.

5. Đắc quả Tư Đà Hàm mà thuyết pháp, không thấy có tướng Tư Đà Hàm.

6. Đắc quả A Na Hàm mà thuyết pháp, không thấy có tướng A Na Hàm.

7. Đắc quả A La Hán mà thuyết pháp, không thấy có tướng A La Hán.

8. Đắc quả Bích Chi Phật mà thuyết pháp, không thấy có tướng Bích Chi Phật.

9. Đoạn trừ chấp trước nơi ngã mà thuyết pháp, cũng không thấy ngã, không thấy chấp trước.

10. Thấy quả báo của nghiệp mà thuyết pháp, cũng không thấy tướng nơi quả báo của nghiệp.

Vì sao?

Vì Bồ Tát quán tất cả các pháp đều giả danh nên hoàn toàn không nương vào pháp. Và vì trong danh không pháp, trong pháp không danh. Nhưng vì thế tục mà Bồ Tát giả bày danh tự để giảng giải, lưu hành nơi thế gian. Vì thế đế mà có giả danh, còn đối với đệ nhất nghĩa đế thì hoàn toàn là không, đều là hư vọng, dối hoặc phàm phu.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát làm bậc thầy thuyết pháp.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là đạt pháp kiên cố.

Đó là:

1. Đại Bồ Tát tuy quán sắc một cách chân thật, nhưng không hủy hoại tướng của sắc.

2. Quán thọ, tưởng, hành, thức một cách chân thật nhưng không hủy hoại tướng của thọ, tưởng, hành, thức.

3. Bồ Tát tuy quán Dục Giới một cách chân thật nhưng không hủy hoại tướng của Dục Giới.

4. Tuy quán Sắc Giới một cách chân thật nhưng không hủy hoại tướng của Sắc Giới.

5. Tuy quán Vô Sắc Giới một cách chân thật nhưng không hủy hoại tướng của Vô Sắc Giới.

6. Tuy quán các pháp một cách chân thật nhưng không hủy hoại tướng của các pháp.

7. Tuy quán các pháp một cách chân thật nhưng không hủy hoại giả danh nơi chúng sinh.

8. Tuy quán các pháp là rỗng lặng nhưng hoàn toàn không rơi vào đoạn kiến.

9. Tuy quán các pháp một cách chân thật nhưng không hủy hoại chánh đạo.

10. Bồ Tát dùng trí tuệ phương tiện thiện xảo thông hiểu pháp có, không mà không chấp giữ nơi tướng.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đạt pháp kiên cố.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp hiểu thông pháp giới.

Đó là:

1. Có trí tuệ.

2. Nương vào tri thức thiện.

3. Chuyên cần tinh tấn.

4. Xa lìa mọi ấm cái.

5. Thanh tịnh.

6. Cung kính.

7. Hằng tập không quán.

8. Trừ các kiến chấp.

9. Hướng về chánh đạo.

10. Thấy biết chân thật.

Thiện nam! Bồ Tát có trí tuệ nên gần gũi tri thức thiện. Thấy tri thức thiện, Bồ Tát sinh tâm ái kính vui vẻ.

Đối với tri thức thiện, Bồ Tát sinh tưởng như Thế Tôn, nương vào tri thức thiện mà sống. Nhờ tri thức thiện, Bồ Tát chuyên cần tinh tấn. Nhờ tri thức thiện, Bồ Tát có khả năng trừ sạch tất cả các pháp ác. Bồ Tát tuy đầy đủ hết thảy pháp thiện nhưng vẫn chuyên cần tinh tấn, không biếng trễ.

Bồ Tát trừ diệt những thứ ngăn che, gây chướng ngại, tuy chúng không còn nhưng vẫn chuyên cần tu đạo, được thân, khẩu, ý nghiệp thanh tịnh, trừ các tập ác. Do được thanh tịnh nên hay cung kính cúng dường. Do cung kính cúng dường nên được quán không. Do tu quán không nên trừ được các giả danh. Trừ các giả danh nên hay hướng về chánh đạo.

Hướng về chánh đạo nên thấy biết chân thật.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là thấy biết chân thật?

Đức Phật đáp: Thấy biết không sai lầm gọi là thấy biết chân thật.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là chân thật?

Đức Phật đáp: Pháp không hư vọng gọi là chân thật.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là không hư vọng?

Đức Phật đáp: Như thật, chẳng phải là không như thật, gọi là không hư vọng.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là như thật?

Đức Phật đáp: Pháp đây chỉ có tâm mới biết, khó dùng miệng nói, văn tự chẳng thể diễn bày, giải thích.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp tướng lìa văn tự?

Đức Phật đáp:

1. Cắt đứt con đường ngôn ngữ.

2. Vượt qua hết thảy ý niệm nơi các nẻo hành hóa của tâm.

3. Xa lìa các hý luận.

4. Không tạo không tác.

5. Cũng không đây, kia.

6. Chẳng thể trù lượng tính toán mà có thể vói kịp.

7. Cũng chẳng có tướng mạo.

8. Vượt qua mọi sự thấy biết của phàm phu.

9. Vượt qua cảnh giới của ma, vượt qua hết thảy xứ sở của kết sử, vượt qua tất cả mọi biểu thị của tâm ý thức.

10. Không trụ nơi xứ sở tịch diệt của Hiền Thánh, nhưng các Hiền Thánh tự chứng biết.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là rốt ráo như thật, là chỗ nêu bày của nhất thiết trí, là cảnh giới bất nhị, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Tướng như thật này làm sao chứng được?

Làm sao thấy được?

Phật dạy: Này thiện nam! Chỉ có trí xuất thế gian mới có thể chứng, mới có thể kiến, tự đạt được pháp ấy.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thể tánh của pháp ấy tuyệt đối thanh tịnh, chẳng phải là pháp nhiễm ô, là pháp trong lặng tịch tĩnh, là pháp vi diệu tối thắng, thường trụ, bất động, chẳng phải pháp hư hoại, có Phật hay không có Phật, pháp tánh vẫn thường như vậy.

Đại Bồ Tát tinh tấn tu hành hạnh khó, hạnh khổ, trải qua trăm ngàn vạn ức hạnh khó hạnh khổ mới đạt được pháp này, an lập cho chúng sinh.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như dùng văn tuệ nghe tên gọi ấy, dùng tư tuệ tư duy vấn đề ấy thì tự thân có thể chứng đắc pháp ấy không?

Phật đáp: Này thiện nam! Không thể được.

Vì sao?

Vì chỉ có dùng trí tuệ quán pháp một cách như thật, tự thân mới có thể chứng đắc.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không từ văn tuệ nghe, không từ tư tuệ tư duy vấn đề này, tự thân có thể chứng đắc không?

Phật đáp: Này thiện nam! Chẳng thể được. Không thể dùng văn tuệ, tư tuệ mà tự thân có thể chứng đắc.

Này thiện nam! Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói thí dụ.

Này thiện nam! Ví như vào cuối mùa Xuân, khí Trời nóng bức, giữa vùng đất hoang rộng lớn, có người từ hướng Đông đi về hướng Tây và có người từ hướng Tây đi về hướng Đông.

Người đi từ hướng Tây bị nóng bức bách, nói với người kia: Tôi nay bị nắng thiêu đốt, cổ khô khát nước, anh chỉ giúp cho gần đây nơi nào có ao nước trong mát có thể uống được?

Người đến từ phương Đông biết rõ đường đi, biết rõ ngõ ngách dẫn tới chỗ có nước, liền đáp: Giữa đường có ao nước ngọt trong mát, không bị mặn, không khó uống. Ở đó tôi đã tắm rửa, uống no mới đến được nơi đây.

Này anh bạn! Anh muốn tới chỗ đó, đường có rất nhiều ngả. Từ đây đi không bao xa, liền gặp hai con đường: Một đường là rẽ trái, một đường là rẽ phải. Anh nên đi con đường bên phải, bỏ con đường bên trái. Đi tiếp không lâu, anh sẽ thấy khu rừng có cây tươi tốt, mát mẻ. Trong khu rừng này có nhiều ao suối xinh đẹp, nước chảy mát ngọt, có thể tắm rửa, uống hết cơn khát.

Phật bảo: Này thiện nam! Người khát nước kia nghe nói đến nước liền tư duy: Vậy người ấy có được hết khát không?

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Không thể được, bạch Thế Tôn! Tuy được nghe nói đến nước mát ngọt nhưng người đó thân chưa chứng biết.

Phật bảo: Này thiện nam! Đây cũng như vậy, chẳng thể dùng văn tuệ, tư tuệ… mà có thể chứng biết tướng thật của pháp. Đồng trống rộng lớn là dụ cho cõi sinh tử. Người khát nước là dụ cho phàm phu bị vô số phiền não nóng bức trói buộc, nên sinh khát ái.

Người thành thạo đường đi là dụ cho Bồ Tát biết rõ con đường đi tới nhất thiết trí. Người uống được nước là dụ cho việc đạt được pháp vị. Tắm rửa mát mẻ là dụ cho thân chứng. Nước lắng trong mát không bị mặn là dụ cho pháp chân thật.

Này thiện nam! Nay ông lắng nghe, ta lại nói ví dụ: Giả sử Như Lai trụ ở Cõi Diêm Phù Đề, thọ mạng một kiếp, nói về mùi vị Tu Đà: Mùi hương thắng diệu, ngọt thơm thanh khiết, khi ăn cảm thấy diệu lạc, chắc chắn thảy đều khen mùi vị của nó không gì sánh bằng.

Giả sử có người tuy thấy sắc tướng của nó nhưng chưa ăn thì biết được mùi vị chăng?

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Không, bạch Thế Tôn!

Phật bảo: Này thiện nam! Nay ta vì ông lại nói thí dụ: Ví như có người đã từng ăn quả ngọt, mùi vị thơm phức. Đối trước người bạn chưa ăn quả ấy, người đó khen ngợi quả này đầy đủ sắc, hương, vị.

Khi nghe nói về quả ấy, người bạn kia biết được sắc, hương, vị của quả ấy chăng?

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Không, bạch Thế Tôn!

Phật bảo: Này thiện nam! Phàm phu ngu si cũng lại như vậy. Không dùng tuệ trong văn, tư mà cho là có thể chứng biết pháp tướng chân thật.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay vì con mà Ngài nói những thí dụ này. Nếu ai nghe được những thí dụ ấy thì không lâu cũng sẽ đạt được pháp lợi.

Vì sao?

Vì nếu nghe pháp này thì chắc chứng không thoái chuyển, sẽ đắc quả vị bồ đề vô thượng.

Phật đáp: Đúng như lời ông nói, ai nghe được pháp này chắc chắn chứng không thoái chuyển, sẽ đắc quả vị bồ đề vô thượng.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát thông hiểu pháp giới.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo trụ nơi không xứ.

Đó là:

1. Thông hiểu về lực không.

2. Thông hiểu về vô úy không.

3. Thông hiểu về bất cộng pháp không.

4. Thông hiểu về giới tụ không.

5. Thông hiểu về định tụ không.

6. Thông hiểu về tuệ tụ không.

7. Thông hiểu về giải thoát tụ không.

8. Thông hiểu về giải thoát tri kiến tụ không.

9. Thông hiểu về không không.

10. Thông hiểu về thật đế không.

Tuy biết rõ không mà chẳng chấp giữ nơi tướng không, chẳng tác kiến về không, chẳng y chỉ nơi không, chẳng vì tướng trạng nhân duyên của không ấy mà rơi vào đoạn kiến.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần