Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Mười Hai - Bản Sự

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI HAI

BẢN SỰ  

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Về thuở quá khứ, cách đây vô số kiếp không thể tính kể, không có giới hạn, có Đức Phật hiệu là Vô Lượng Quang Siêu Thù Vương đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Vào thời của Đức Phật ấy, chúng Thanh Văn không thể tính kể, các chúng hội không có giới hạn, chúng Bồ Tát không thể lường xét. Đức Phật ấy trụ thế trong một kiếp.

Cõi nước của Ngài đều do bảy báu làm thành, cây bằng bảy báu bao bọc chung quanh, tất cả các cây được trang hoàng bằng các loại báu, đẹp đẽ quý giá, khắp các nẻo đường đều có màn che, dưới các gốc cây đều có Tòa Sư Tử, trên các tòa ấy được trải những vải vóc mịn màng, tốt đẹp.

Hết thảy các chân của tòa ấy đều bằng lưu ly, dùng xích trân châu để trang hoàng các cây, có hương thơm tự nhiên, hợp thành lá, hoa luôn đua nhau nở rộ, ở trước các cây ấy có ao tắm tự nhiên, nước tám công đức, cát ở dưới đáy ao bằng pha lê, xa cừ, xích trân châu, ao tắm ấy được làm bằng ba loại báu, trong ao có hoa sen đủ màu sắc tự nhiên mọc lên.

Lại nữa, lan can của các ao nước ấy bằng bảy thứ báu, tất cả lan can và đất đều bằng phẳng như bàn tay.

Cõi nước của Đức Phật ấy thanh tịnh, không nhơ uế, có nhiều cây báu tốt tươi, như cây cổ thụ trú độ Trời Đao Lợi, được trang trí bằng ngọc minh nguyệt rực rỡ, có ức ngàn cây đầy khắp Cõi Phật ấy, ánh sáng của chúng tỏa chiếu, che lấp ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.

Các cây báu ấy có ngọc quý đan xen, phát ra âm thanh cực hay, những loai chim phượng và các ngọc nữ Cõi Trời ca múa hát xướng, đủ loại âm thanh êm tai như vậy vang khắp cả Cõi Phật ấy.

Cõi nước của Ngài không có ba đường ác, không phạm các điều ác, không giảng nói câu cú xen tạp cho chung sinh mà chỉ giảng nói về pháp giải thoát, đó là nói về tạng pháp của Bồ Tát để giáo hóa cho vô số người trong một ngày khiến họ phát tâm bồ đề, do phát tâm như vậy nên đã dốc tâm cầu đạo quả bồ đề vô thượng, liền đầy đủ các phẩm trợ đạo.

Thế nên, này Bồ Tát Trì Nhân! Đức Như Lai Vô Lượng Quang Siêu Thù Vương do nhân duyên dùng phương tiện để giáo hóa khiến vô lượng, vô số chúng sinh phát tâm cầu đạo bồ đề, nên hiện nay, Ngài đản sinh ở phương dưới của cõi này. Ở Cõi Phật ấy, Ngài đã thành tựu mọi hạnh Bồ Tát.

Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp tồn tại nửa kiếp, sau khi chánh pháp diệt hết, có một vị Bồ Tát tên là Ý Vô Hạn sinh vào coi nước của Đức Phật ấy. Cõi ấy cách đây mười cõi nước của Chư Phật.

Năm mười sáu tuổi, Bồ Tát Ý Vô Hạn liền xuất gia làm Sa Môn, ở chỗ Đức Phật Vô Lượng Quang Siêu Thù Vương để nghe nhận Kinh Điển. Khi pháp diệt hết, Bồ Tát ấy giảng nói về các ấm và phân tích rõ ý nghĩa của tất cả các nhập cho các Bồ Tát khác.

Nghe pháp xong, các vị ấy đều siêng năng tu hành. Nhờ dùng phương tiện thiện xảo để đạt đến giải thoát ở nơi pháp này và nhân duyên gieo trồng cội gốc công đức mà Bồ Tát ấy được Đức Phật kia thọ ký và được gặp vô số Chư Phật để nghe pháp này, sinh ở chỗ nào cũng biết được đời trước của mình, không lập gia đình, siêng tu phạm hạnh.

Luôn có tín tâm nên xuất gia làm Sa Môn lúc còn nhỏ tuổi, ở đâu cũng đạt được diệu lực của ý, thường phòng hộ thân, thành tựu công đức, đời sau cũng sẽ đạt được đạo quả bồ đề vô thượng, thành Bậc Tối Chánh Giác, hiệu là Vô Lượng Quang Châu Vương Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Bồ Tát nào muốn mau chóng thành Phật, đạt được nhất thiết trí, đầy đủ Phật Đạo, thì ở nơi đời năm trược, lúc pháp gần diệt hết nên siêng năng, chí thành kính nhận, giảng nói pháp này, lúc nào cũng ưa thích siêng năng tu tập.

Đến đời sau, những ai kính nhận Kinh Điển này, vun trồng vô lượng công đức, đọc tụng tu tập và giảng nói cho người khác thì phước của người ấy không thể ví dụ được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần