Phật Thuyết Kinh Bi Hoa - Phẩm Năm - Phẩm Bố Thí Ba La Mật - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT KINH BI HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM NĂM
PHẨM BỐ THÍ BA LA MẬT
PHẦN HAI
Thiện nam tử, pháp môn Thanh tịnh trợ bồ đề của Đại Bồ Tát là những gì?
Thiện nam tử, bố thí tức là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì giáo hóa chúng sinh.
Trì giới là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì đầy đủ nguyện lành.
Nhẫn nhục là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.
Tinh tấn là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì siêng năng giáo hóa các chúng sinh.
Thiền định là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì làm cho tâm được điều phục hoàn toàn.
Trí tuệ là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì có thể biết đầy đủ các thứ phiền não.
Đa văn là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì đầy đủ sự vô ngại đối với các pháp.
Nhất thiết công đức là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì làm cho tất cả chúng sinh được đầy đủ.
Trí nghiệp là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì được đầy đủ trí vô ngại.
Tu định là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì thành tựu được tất cả tâm nhu nhưyến, nhẹ nhàng.
Tuệ nghiệp là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì xa lìa tất cả các nghi hoặc.
Tâm từ là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì tâm vô ngại đối với các chúng sinh.
Tâm bi là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì diệt hết các khổ cho chúng sinh.
Tâm hỷ là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì ưa thích pháp.
Tâm xả là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì không còn yêu ghét.
Nghe pháp là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì đoạn trừ năm sự ngăn che.
Xuất thế là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì xả bỏ những gì mình có.
A Lan Nhã là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì lìa mọi thứ bận rộn.
Chuyên niệm là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì được Đà La Ni.
Ghi nhớ đúng là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì ý thức phân biệt.
Tư duy là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì đối với các pháp được hiểu rõ nghĩa.
Niệm xứ là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì phân biệt hiểu rõ thân, thọ, tâm, pháp.
Chánh cần là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì chấm dứt các pháp ác, tu tập các pháp thiện.
Như ý túc là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì thân tâm nhẹ nhàng.
Các căn là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì được đầy đủ căn lành của tất cả chúng sinh.
Các lực là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì có thể phá diệt hoàn toàn các phiền não.
Các giác chi là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì đối với cảc pháp hiểu biết đầy đủ tướng thật.
Chánh đạo là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì xa lìa tất cả các tà đạo.
Thánh đế là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì đoạn diệt tất cả các phiền não.
Bốn vô ngại biện là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì diệt trừ được các nghi hoặc cho chúng sinh.
Duyên niệm là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì được trí tuệ không do nghe từ nơi người khác.
Thiện hữu là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì giúp cho thành tựu tất cả công đức.
Phát tâm là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì thành tựu không dốì trá với các chúng sinh.
Dụng ý là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì phát xuất tất cả pháp.
Chuyên tâm là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì tăng thêm pháp lành.
Tư duy pháp lành là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì thành tựu được các pháp đã nghe.
Nhiếp thủ là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì thành tựu việc giáo hóa các chúng sinh.
Hộ trì chánh pháp là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì làm cho hạt giống Tam Bảo không bị chấm dứt.
Thiện nguyện là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì thành tựu Thế Giới Phật tươi đẹp, thanh tịnh.
Phương tiện là pháp hỗ trợ cho bồ đề vì mau được thành tựu nhất thiết trí.
Thiện nam tử, đây là tất cả các pháp môn thanh tịnh trợ bồ đề của Đại Bồ Tát.
Thiện nam tử, bấy giờ Đức Bảo Tạng Như Lai nhìn đại chúng Bồ Tát khắp bốn phía rồi bảo Đại Bi: Này Đại Bi, Bồ Tát dùng ngọc anh lạc vô sở úy trang nghiêm đầy đủ nơi pháp nhẫn như thế nào?
Thiện nam tử, Bồ Tát nào thấy rõ Đệ nhất nghĩa không còn si mê, nên tinh tấn không tham đắm nơi ba cõi. Không tham đắm nơi ba cõi là pháp tam muội vô úy của Sa Môn, như đưa tay giữa hư không, không bị vướng mắc. Lại quán sát các pháp không thấy có tướng. Đại Bi, đó gọi là Đại Bồ Tát trang nghiêm bằng ngọc anh lạc vô sở úy.
Thiện nam tử, thế nào gọi là Đại Bồ Tát đầy đủ nhẫn?
Khi Bồ Tát trụ vào pháp này, thấy được các tướng trạng của các pháp như vi trần và quán sát nghịch thuận về các pháp, hiểu rõ không có quả báo.
Tu tập về từ, không còn có ngã.
Tu tập về bi, không còn có chúng sinh.
Tu tập hỷ, không còn có thọ mạng.
Tu tập xả, không còn chấp có người.
Tuy làm việc bố thí mà không thấy có vật thí.
Tuy tu hành trì giới mà không thấy có tâm tịnh.
Tuy thực hành nhẫn nhục mà không thấy có chúng sinh.
Tuy hành tinh tấn mà không lìa tâm mong muốn.
Tuy hành thiền định mà không dứt trừ tâm ác.
Tuy hành trí tuệ mà tâm không có chỗ hành.
Tuy hành niệm xứ mà không thấy tư duy.
Tuy hành chánh cần mà không thấy sự sinh diệt của tâm.
Tuy hành như ý túc mà không thấy tâm vô lượng.
Tuy hành tín mà không thấy tâm không chướng ngại.
Tuy hành niệm mà không thấy tâm được tự tại.
Tuy hành định mà không thấy tâm nhập định.
Tuy hành tuệ mà không thấy tuệ căn.
Tuy hành các lực mà không có sự phá diệt.
Tuy hành các giác ý mà tâm không phân biệt.
Tuy hành chánh đạo mà không thấy các pháp.
Tuy hành định nghiệp mà không thấy chỗ tịch tĩnh của tâm.
Tuy hành tuệ nghiệp mà không thấy chỗ hành của tâm.
Tuy hành Thánh đế mà không thấy thông đạt pháp tướng.
Tuy tu niệm Phật mà không thấy vô lượng tâm hành.
Tuy tu niệm Pháp mà tâm đồng pháp giới.
Tuy tu niệm Tăng mà tâm không nơi trụ, giáo hóa chúng sinh mà tâm giữ được thanh tịnh.
Tuy giữ gìn chánh pháp mà đối với các pháp giới, tâm không phân biệt.
Tuy tu Tịnh Độ mà tâm bình đẳng giống như hư không.
Tuy tu tướng hảo mà tâm không có các tướng.
Tuy được nhẫn nhục mà tâm không sở hữu.
Tuy trụ nơi bất thối mà thường tự mình không thấy thối và bất thối.
Tuy hành Đạo Tràng mà hiểu rõ ba cõi không có tướng khác.
Tuy phá trừ các ma mà chính vì lợi ích cho vô lượng chúng sinh.
Tuy hành bồ đề mà quán các pháp không, không có tâm bồ đề.
Tuy chuyển pháp luân mà đối với tất cả pháp không chuyển, đi không trở lại.
Tuy thị hiện Đại Bát Niết Bàn, mà đối với sinh tử tâm luôn bình đẳng không khác.
Bồ Tát như vậy được gọi là đầy đủ nhẫn. Khi giảng thuyết pháp này có sáu mươi bốn ức Đại Bồ Tát từ mười phương đến núi Kỳ Xà Quật, chỗ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để nghe Kinh Bản Duyên Tam Muội Môn Thanh Tịnh Trợ bồ đề pháp này. Nghe xong, tất cả các vị ấy đều được vô sinh nhẫn.
Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo đại chúng:
Các ông nên biết: Trong đời quá khứ, khi Đức Bảo Tạng Như Lai thuyết giảng pháp này có bốn mươi tám hằng hà sa Đại Bồ Tát được Vô sinh nhẫn, Đại Bồ Tát nhiều như số vi trần trong bốn nơi thiên hạ đều trụ địa vị bất thối chuyển, một hằng hà sa Đại Bồ Tát lãnh hội được Kinh Bản Duyên Tam Muội Môn Trợ Bồ Đề Pháp.
Thiện nam tử, Bồ Tát Đại Bi nghe pháp này xong, tâm rất hoan hỷ, thân thể liền thay đổi, trẻ lại như người hai mươi tuổi, theo bên Như Lai như hình theo bóng.
Thiện nam tử, lúc ấy Chuyển Luân Thánh Vương và một ngàn người con, tám vạn bốn ngàn tiểu vương, chín mươi hai ức người đều cùng xuất gia, phụng hành giới cấm, tu học đa văn, tam muội nhẫn nhục, siêng năng tinh tấn.
Thiện nam tử, khi ấy Đại Bồ Tát Đại Bi dần dần theo Phật Học hỏi và lãnh thọ tám vạn bốn ngàn pháp tu của Thanh Văn, chín vạn pháp tu của Duyên Giác, thọ trì đọc tụng thông suốt.
Đối với pháp tạng Đại Thừa, mười vạn pháp tu trong thân niệm xứ, mười vạn pháp tu trong thọ niệm xứ, mười vạn pháp tu trong tâm niệm xứ, mười vạn pháp tu trong pháp niệm xứ đều được Bồ Tát Đại Bi thọ trì đọc tụng thông suốt.
Đối với mười vạn pháp tu trong mười tám giới, mười vạn pháp tu trong mười hai nhập, mười vạn pháp tu đoạn trừ tham dục, mười vạn pháp tu đoạn trừ sân hận, mười vạn pháp tu đoạn trừ si mê, mười vạn pháp tu tam muội giải thoát, mười vạn pháp tu các lực vô úy, các pháp Bất cộng, mười ức pháp tu… như vậy, Bồ Tát Đại Bi cũng đều thọ trì đọc tụng thông suốt tất cả.
Thiện nam tử, sau khi Đức Phật kia nhập Niết Bàn, bấy giờ Đại Bồ Tát Đại Bi đem vô lượng, vô biên, vô số các thứ hoa, hương bột, hương xoa, cờ phướn, lọng báu, châu ngọc, âm nhạc để cúng dường, chất vô số củi thơm làm giàn, hỏa táng thân Như Lai, thu Xá Lợi, dựng tháp bảy báu cao năm do tuần, chiều ngang và dọc đều bằng một do tuần.
Đem vô số vô lượng, vô biên hoa hương, âm nhạc, cờ phướn, lọng báu để cúng dường trong bảy ngày. Lại làm cho vô lượng, vô biên chúng sinh an trụ trong pháp tam thừa.
Thiện nam tử, qua bảy ngày, Bồ Tát Đại Bi cùng với tám vạn bốn ngàn người đồng xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc. Sau khi Phật Bảo Tạng Bát Niết Bàn, Bồ Tát Đại Bi đem tâm tùy thuận bình đẳng khiến cho chánh pháp rực rỡ suốt mười ngàn năm.
Lại làm cho vô lượng, vô biên, vô số chúng sinh tu tập theo pháp ba thừa, ba quy y, năm giới cấm, tám trai giới, mười giới Sa Di, tuần tự cho đến đầy đủ tịnh hạnh của bậc Đại Tăng.
Lại khuyến hóa vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh tu tập nơi bốn hạnh vô lượng, thần thông phương tiện, quán sát năm ấm giống như giặc thù, quán các nhập và xứ như xóm làng hoang vắng, quán các pháp hữu vi do nhân duyên sinh.
Khuyến hóa giúp cho chúng sinh đạt được tri kiến, quán tất cả pháp như ảnh phản chiếu trong gương, như vợn nắng, như trăng trong nước, đối với các pháp biết không có ngã, không sinh, không diệt, Niết Bàn là vi diệu tịch tĩnh đệ nhất.
Lại làm cho vô lượng, vô biên chúng sinh trụ yên trong tám Thánh Đạo. Sau khi thực hiện các Phật Sự lợi ích lớn như vậy xong, Tỳ Kheo Đại Bi Viên Tịch. Khi ấy, có vô lượng, vô biên trăm ngàn người đem vô số vật cúng dường để cúng dường Xá Lợi Tỳ Kheo Đại Bi.
Như pháp cúng dường Chuyển Luân Thánh Vương, đại chúng này cũng dùng vô số loại cúng dường như vậy để cúng dường Xá Lợi Tỳ Kheo Đại Bi. Trong ngày Tỳ Kheo Đại Bi Viên Tịch, chánh pháp của Bảo Tạng Như Lai cũng diệt hết.
Các Bồ Tát khác theo bản nguyện của mình nên sinh đến cảnh giới Phật, hoặc sinh nơi Cõi Trời Đâu Suất, sinh nơi loài Người, loài Rồng, Dạ Xoa hoặc A Tu La, hay sinh trong các loài súc sinh.
Thiện nam tử, sau khi Tỳ Kheo Đại Bi Viên Tịch, theo bản nguyện, ở phương Nam, cách đây mười ngàn Cõi Phật, có Thế Giới Phật tên là Hoan Hỷ, loài người trong đó sống tám mươi tuổi, tập trung tất cả các kẻ căn tánh bất thiện, ưa làm việc sát hại, sống theo các nghiệp ác, không có tâm từ bi với tất cả chúng sinh, bất hiếu với cha mẹ, cho đến không sợ quả báo ở đời sau.
Do bản nguyện, Tỳ Kheo Đại Bi sinh vào nhà Chiên Đà La của Thế Giới ấy, thân tướng cao lớn, tuấn tú, lực vững mạnh, oai phong, hùng dũng, chuyên cần học vấn, biện luận nhanh nhẹn, các việc như vậy đều hơn người.
Dùng uy lực vững mạnh của mình ra lệnh cho mọi người, Đại Bi nói thế này: Nếu ngươi có thể thọ giới không trộm cướp, cho đến xa lìa vô số tà kiến, thực hành chánh kiến, ta sẽ tha mạng cho ngươi, cung cấp cho ngươi đầy đủ đồ vật, tài sản cần dùng, không để thiếu thốn. Nếu không thọ giới, ta nhất định sẽ giết chết ngươi rồi mới ra đi.
Khi ấy, mọi người quỳ thẳng, chắp tay thưa: Nhân giả, ngài đã khiến cho chúng tôi hàng phục, theo lời Ngài dạy, chúng tôi xin thọ trì. Trọn đời không còn làm lại việc trộm cấp, cho đến chánh kiến cũng như vậy.
Khi ấy, Cường Lực Chiên Đà La đi đến gặp Vua, Đại Thần và thưa: Tôi đang cần các thứ vật dụng, tài sản như là: Thực phẩm, y phục, vật dùng để nằm, y dược, hương hoa, vàng bạc, tiền của, hàng hóa, trân châu, lưu ly, ngọc kha bối, ngọc bích, san hô, hổ phách, vật báu, giống như vật báu… nếu tôi được vô số vật này, sẽ đem bố thí cho chúng sinh. Quốc Vương, đại thần liền cho người này đầy đủ các vật cần dùng. Nhân làm việc bố thí ấy, Chiên Đà La đã giúp cho Vua và đại thần sống trong mười điều thiện.
Bấy giờ, tuổi thọ của loài người tăng thêm đủ năm trăm tuổi. Vua đó qua đời, các đại thần đưa Chiên Đà La lên kế vị ngôi Vua. Nhân đấy đặt danh hiệu là Công Đức Lực.
Thiện nam tử, bấy giờ làm Vua một Quốc Độ không bao lâu, lại nhờ có khả năng nên Vua Công Đức Lực lại làm Vua hai Quốc Độ.
Như vậy, không bao lâu, tuần tự nhà Vua được thành Chuyển Luân Thánh Vương, làm Vua Cõi Diêm Phù Đề, sau đó giáo hóa tất cả chúng sinh, khiến an trụ nơi giới bất sát, cho đến chánh kiến cũng như vậy. Tùy theo chỗ ưa thích của chúng sinh, Vua khuyến hóa cho họ tu tập theo ba thừa.
Khi Vua Công Đức Lực giáo hóa vô lượng chúng sinh trong Diêm Phù Đề sống theo mười điều thiện, tu tập theo ba thừa xong, thì lớn tiếng xướng lên trong khắp cõi Diêm Phù Đề: Nếu có ai cầu xin vật cần dùng, thực phẩm, cho đến muốn được các loại châu báu, đều đến nơi đây ta sẽ cấp cho. Khi nghe xướng như vậy, tất cả khất sĩ trong cõi Diêm Phù Đề đều đến tập hợp.
Bấy giờ, Vua Công Đức Lực cung cấp các vật dụng cần dùng cho họ đầy đủ theo ý muốn.
Lúc ấy, có một Ni Kiền Tử tên Khôi Âm, đi đến gặp Vua, thưa: Những hành động bố thí vĩ đại của nhà Vua đang làm là để cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Chân, Ngài nên cung cấp cho tôi những vật cần dùng được đầy đủ, đời vị lai Vua sẽ thắp sáng đèn pháp.
Vua hỏi: Khanh cần những gì?
Người kia đáp: Tôi tụng Trì Chú thuật, muốn gây chiến với A tu la, đánh dẹp làm cho chúng nó sợ.
Và để được thắng lợi, tôi xin thưa Vua: Vật tôi cần dùng là da và mắt của người chưa chết.
Nghe thưa như vậy, Đại Vương suy nghĩ: Ta đã được làm Chuyển Luân Thánh Vương với thế lực vô lượng như vậy rồi, đưa được vô lượng chúng sinh vào trong mười nẻo thiện và ba thừa, lại thực hiện vô lượng, vô biên việc bố thí lớn. Thiện tri thức này muốn giúp cho ta đem thân không bền chắc đổi lấy thân bền chắc.
Sau khi nghĩ vậy, Đại Vương liền bảo: Xin ông phát tâm hoan hỷ, ta sẽ đem mắt thịt phàm phu này bố thí cho ông. Nhờ sự việc ấy, khiến cho đời sau ta được huệ nhãn thanh tịnh. Với tâm hoan hỷ, ta lột da cho ông, nhờ sự việc này làm cho ta sau khi thành Chánh Giác được thân màu vàng ròng.
Thiện nam tử, bấy giờ Vua Công Đức Lực dùng tay phải móc lấy hai mắt bố thí cho Ni Kiền Tử, máu chảy khắp cả mặt, Vua nói: Chư Thiên, Long Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân… hoặc ở trong hư không, hoặc ở trên mặt đất, xin hãy cùng nghe ta nói: Sự bố thí của ta hôm nay đều vì đạo vô thượng bồ đề thanh tịnh Niết Bàn để cứu độ chúng sinh vượt bốn dòng nước dữ, khiến được an trụ vào Niết Bàn.
Lại bảo: Nếu ta chắc chắn thành Chánh Giác, tuy làm việc như thế này nhưng mạng sống hiện nay không thể bị hủy hoại, không mất chánh niệm, không hối hận, giúp cho các Chú thuật Ni Kiền Tử được thành tựu.
Lại bảo: Ông đã có thể đến lột lấy da của ta.
Thiện nam tử, khi ấy Ni Kiền Tử liền dùng dao bén lột lấy da Vua và bảy ngày sau hoàn thành được Chú thuật. Bấy giờ, trong bảy ngày, mạng sống của Vua vẫn còn, nhưng Vua không mất chánh niệm. Tuy chịu khổ cực như vậy nhưng Vua không có một ý niệm hối hận nào cả.
Thiện nam tử, ông nên biết, khi ấy Bồ Tát Đại Bi thời ấy đâu phải là người nào khác, mà chính là thân ta. Nơi đời quá khứ, bắt đầu phát tâm thành Chánh Giác ở chỗ Phật Bảo Tạng. Vừa mới phát tâm, ta đã khuyến hóa vô lượng, vô biên chúng sinh an trụ nơi Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Thiện nam tử, đấy là lần đầu tiên ta dốc sức tinh tấn. Khi ấy, ta nhờ diệu lực của bản nguyện nên qua đời, sinh vào nhà Chiên Đà La, nơi Thế Giới Hoan Hỷ, là lần thứ hai ta hết mực tinh tấn, mạnh mẽ.
Ta sinh trong gia đình Chiên Đà La, giáo hóa chúng sinh sống theo pháp thiện, dùng uy lực của mình cho đến sinh làm Chuyển Luân Thánh Vương, diệt trừ sự tranh giành, uế tạp ở cõi Diêm Phù Đề, khiến được thanh tịnh, tăng thêm tuổi thọ. Đây là lần đầu tiên ta xả bỏ thân, da và mắt.
Thiện nam tử, do bản nguyện nên ta qua đời ở Thế Giới kia và sinh trở lại nơi Thế Giới Hoan Hỷ, trong gia đình Chiên Đà La, cho đến được làm Chuyển Luân Thánh Vương, dùng uy lực lớn khiến chúng sinh sống trong pháp thiện. Nơi Thế Giới ấy, ta lại diệt trừ được các việc oán tặc, tranh chấp, câu uế, làm cho tuổi thọ của chúng sinh được tăng thêm.
Ngay khi ta vừa xả bỏ tai, lưỡi…, làm các việc lợi ích lớn như vậy nơi các cõi thiên hạ trong tam Thiên Đại Thiên Thế Giới xong, do nguyện lực nên ta trước sau luôn tinh tấn bền vững như vậy.
Lại ở những đời năm trược xấu ác nhiều như cát Sông Hằng, ta luôn tạo lợi ích lớn, an trụ chúng sinh trong pháp thiện và ba thừa, diệt trừ mọi thứ oán tặc, tranh giành, uế tạp.
Thiện nam tử, ngoài ra, Thế Giới thanh tịnh ở phương khác có Chư Phật với bản hạnh khi cầu thành Vô Thượng Chánh Giác là không nói lỗi người khác, không nói lời thô ác đối với người khác, không dùng thế lực để biểu hiện sự khủng bố, không khuyến hóa chúng sinh vào Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa.
Cho nên sau khi Chư Phật thành tựu viên mãn Chánh Giác, được Thế Giới tươi đẹp thanh tịnh này, không có các danh từ tội lỗi, không có thọ giới, tai không bao giờ nghe lời thô ác, không có tiếng bất thiện, thường nghe tiếng chánh pháp, xa lìa tất cả các tiếng không vừa ý, được tự tại đối với tất cả chúng sinh, không có các danh từ Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Thiện nam tử, trong hằng hà sa đại kiếp, ở hằng hà sa các Quốc Độ không có Phật, với đời năm trược xấu ác, ta dùng nhân duyên là lời thô ác, muốn giết chết để khiến cho chúng sinh sợ hãi và sau đó khuyến hóa giúp họ an trụ vào pháp thiện và trong ba thừa. Dư nghiệp của họ như vậy nên khiến ra có Thế Giới tệ ác như vậy.
Do dùng âm thanh bất thiện nêu bày khắp Thế Giới nên nay có chúng sinh bất thiện đầy khắp Thế Giới ấy. Bản nguyện của ta là thuyết giảng pháp ba thừa, nhận Thế Giới Phật, điều phục chúng sinh…, sự việc ấy là như vậy.
Như ta đã nói, luôn tinh tấn tu tập hành đạo Bồ Tát nên nay được chủng tử ban đầu giống như Thế Giới của Phật. Hiện tại bản nguyện của ta đã được như thế.
Thiện nam tử, nay ta sẽ nói sơ lược về việc bố thí Ba la mật của ta xưa kia. Khi ta thực hành bố thí Ba la mật, các Bồ Tát thời quá khứ khi hành đạo Bồ Tát cũng không thể làm được hạnh như vậy. Đời vị lai, người hành đạo Bồ Tát cũng không thể sánh kịp.
Ta là Bồ Tát mà khi thực hành bố thí Ba la mật chỉ trừ tám vị thiện trượng phu thời quá khứ: Bồ Tát thứ nhất tên Nhất Địa Đắc, tại cõi Nhất thiết quá hoạn ở phương Nam này thành Bậc Chánh Giác hiệu là Phá Phiền Não Quang Minh gồm đủ các tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phụ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Khi loài người thọ một trăm tuổi, Ngài ở đó thuyết pháp, sau bảy ngày nhập Bát Niết Bàn.
Bồ Tát thứ hai tên Tinh Tấn Thanh Tịnh, ở Quốc Độ Viêm xí, nơi phương Đông, thành Bậc Chánh Giác hiệu là Bách Công Đức gồm đủ các tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Khi loài người thọ một trăm tuổi, Ngài ở đó Thuyết Pháp.
Đức Phật ấy trải qua một hằng hà sa đại kiếp làm Phật Sự xong, nhập Niết Bàn Vô Thượng. Cho đến nay, ở nước không có Phật, Xá Lợi của Phật đó làm các Phật Sự giống như ta không khác.
Bồ Tát thứ ba tên Kiên Cố Hoa, siêng năng, tinh tấn tu tập các tam muội, dùng uy lực lớn làm việc bố thí. Vào đời vị lai, trải qua mười hằng hà sa đại kiếp, ở Thế Giới Hoan Lạc nơi phương Bắc, thành Bậc Chánh Giác hiệu là Đoạn Ái Vương gồm đủ các tôn hiệu Như Lai, Úng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Bồ Tát thứ tư tên Tuệ Xí Nhiếp Thủ Hoan Hỷ, trải qua một đại kiếp, ở Thế Giới Khả úy nơi phương Tây, khi loài người thọ trăm tuổi, Bồ Tát ấy thành Bậc Chánh Giác hiệu là Nhật Tạng Quang Minh Vô cấu Tôn Vương gồm đủ các tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Nay ở trước ta đang có hai Bồ Tát: Vị thứ nhất tên Nhật Quang, vị thứ hai tên Hỷ Tý. Vào đời vị lai, trải qua vô lượng, vô biên đại kiếp, ở Quốc Độ Khôi vụ thuộc phương Trên, kiếp tên Đại loạn, đời năm trược xấu ác, nhiều thứ phiền não, loài người thọ năm mươi tuổi.
Do bản nguyện nên Bồ Tát Nhật Quang ở trong đó thành Bậc Chánh Giác, hiệu là Bất Tư Nghị Nhật Quang Minh gồm đủ các tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Trong khoảng mười năm thực hiện đầy đủ mọi Phật Sự và Bát Niết Bàn, ngay ngày Niết Bàn, chánh pháp cũng diệt.
Sau đó, suốt mười năm không có Phật, tuổi thọ của loài người giảm dần xuống còn ba mươi tuổi, Bồ Tát Hỷ Tý do bản nguyện nên ở trong thời ấy được thành Bậc Chánh Giác hiệu là Thắng Nhật Quang Minh gồm đủ các tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Trì, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, cũng thực hiện đầy đủ mọi Phật Sự trong mười năm rồi Bát Niết Bàn. Bát Niết Bàn xong, do bản nguyện, chánh pháp trụ ở đời đủ bảy mươi năm.
Bấy giờ, ở trước Phật vừa được nghe thọ ký thành Chánh Giác nên hai Bồ Tát rất hoan hỷ, cúi đầu kính lễ.
Do hoan hỷ nên hai vị liền bay vút lên hư không cao bằng bảy cây Đa La, chắp tay hướng Phật, đồng thanh đọc kệ:
Ánh sáng Như Lai
Vượt hơn nhật nguyệt
Ngay trong đời ác
Thuyết trí tuệ lớn
Điều ngự bạch tịnh
Không còn cấu uế
Luận nghị vi diệu
Phá dẹp ngoại đạo.
Con vô lượng kiếp
Tu định vô tướng
Để cầu bồ đề
Thắng diệu vô thượng
Cúng dường Chư Phật
Nhiều như hằng sa.
Phật thời quá khứ
Chưa thọ ký con
Thế Tôn ly dục
Tâm được giải thoát
Nơi đời tối tăm
Giỏi làm Phật Sự
Giảng thuyết pháp cho
Chúng sinh lạc đường
Khiến thoát qua khỏi
Dòng nước sinh tử,
Nay nguyện của con
Tự tại nơi đây
Pháp Phật thanh tịnh
Xuất gia tu đạo
Tịnh giới giải thoát
Làm đúng như lời
Định tâm quán Phật
Như bóng theo hình
Không vì lợi dưỡng
Chỉ cầu chánh pháp
Được nghe pháp xong
Uống vị cam lộ
Cho nên Thế Tôn
Thọ ký cho con nơi đời vị lai
Đắc đạo vô thượng.
Thiện nam tử, ngoài hai người chưa phát tâm ra, những vị đã phát tâm là:
Nhật Quang.
Hỷ Tý.
Và trước đó có bốn vị:
Địa Đắc.
Tinh Tấn Tịnh.
Kiên Cố Hoa.
Tuệ Xí Nhiếp Thủ Hoan Hỷ.
Cộng lại, có tám người, trong đó có sáu Bồ Tát ban đầu đã được ta khuyến hóa làm cho phát tâm thành Chánh Giác.
Thiện nam tử, nay ông hãy lắng nghe nhân duyên của thời quá khứ, vô lượng A tăng kỳ kiếp về trước.
Bấy giờ Thế Giới này tên Vô cấu Tu Di, loài người thọ trăm tuổi, có Phật ra đời hiệu Hương Liên Hoa, sau khi Phật ấy Bát Niết Bàn, trong đời Tượng Pháp, lúc đó ta làm Chuyển Luân Thánh Vương Đại Cường Lực, hiệu Nan Thư Hoại, là Vua cõi Diêm Phù Đề, có ngàn người con được ta khuyến hóa, khiến đều phát tâm thành Bậc Chánh Giác Vô Thượng.
Sau đó, cũng trong đời Tượng Pháp, họ theo pháp của Phật Hương Liên Hoa xuất gia tu tập, phát huy rực rỡ giáo pháp của Phật để lại, chỉ trừ sáu người con không chịu phát tâm bồ đề, xuất gia học đạo.
Khi ấy, ta luôn luôn bảo: Các khanh nay muốn cầu gì?
Vì sao không phát tâm cầu đạo vô thượng, xuất gia tu hành?
Sáu người con thưa: Không nên xuất gia.
Vì sao?
Nếu ở thời gian cuối cùng của đời Tượng Pháp mà xuất gia thì không thể hộ trì và thành tựu giới tu, xa lìa bảy Thánh tài.
Do không hộ giới, khi qua đời sẽ bị rơi trong bùn nhơ sinh tử, đọa vào ba đường ác, không được sinh lên Cõi Trời, trong loài người.
Vì vậy, chúng con không thể xuất gia tu hành.
Thiện nam tử, lúc ấy ta lại hỏi: Vì sao các khanh không phát tâm cầu Đạo Vô Thượng?
Sáu người con đáp: Nếu có thể cho chúng con cõi Diêm Phù Đề, sau đó chúng con sẽ phát tâm thành Chánh Giác.
Thiện nam tử, nghe như vậy, ta rất vui mừng, suy nghĩ: Ta đã chỉ dạy người Cõi Diêm Phù Đề thọ trì ba quy y, giữ gìn tám trai giới, tu tập theo ba thừa. Nay ta sẽ phân cõi Diêm Phù Đề này ra làm sáu phần cho sáu người con khiến họ phát tâm cầu đạo vô thượng, sau đó, ta sẽ xuất gia tu hành.
Sau khi suy nghĩ như vậy, ta bèn phân cõi Diêm Phù Đề làm sáu phần cho các con, rồi đi xuất gia. Sáu vị Vua này lại chống đối nhau, không hòa thuận, cướp bóc, gây chiến tranh, tạo mọi gông cùm xiềng xích tác hại lẫn nhau.
Bấy giờ, khắp cả cõi Diêm Phù Đề lúa mạ không mọc, dân chúng khổ cực, mưa nắng không đúng mùa, cây cối không trổ hoa trái, cỏ thuốc không mọc. Muôn dân, các loài cầm thú thảy đều bị đói khát, thân như bị lửa cháy thiêu đốt.
Khi ấy, ta lại suy nghĩ: Lúc này ta nên từ bỏ thân thể, đem da và máu thịt của mình bố thí cho chúng sinh, giúp cho họ được no đủ. Nghĩ như vậy xong, từ chỗ ở nơi A Lan Nhã, ta đi đến Thế Giới của loài người.
Giữa đường có ngọn núi tên Thủy ái hộ, ta ở tại núi này nói kệ phát nguyện:
Như ta tự bỏ
Thân mạng của mình
Vì tâm Đại Bi
Không cầu quả báo
Chỉ vì lợi ích
Người và Chư Thiên
Nguyện làm núi thịt
Thí cho chúng sinh.
Nay ta đã bỏ
Thân tướng đoan nghiêm
Không cầu Đế Thích
Thiên Ma, Phạm Vương
Chỉ vì lợi ích
Trời, người vị lai
Đem thân máu thịt
Cho các chúng sinh.
Chư Thiên, Long, Thần
Nhân và Phi Nhân
Kẻ ở núi rừng
Hãy nghe ta nói
Vì các chúng sinh
Ta phát Đại Bi
Tự đem máu thịt
Cung cấp cho họ.
Thiện nam tử, ngay khi ta phát nguyện như vậy xong thì các Cõi Trời đều rúng động. Đại Địa, núi Tu Di, biển lớn, đều chấn động sáu cách. Trời, người, đại chúng thảy kêu gào thương xót.
Bấy giờ, ta ở núi Thủy Ái hộ tự gieo mình xuống, do nguyện lực nên thân liền hóa thành núi thịt cao một do tuần, chiều ngang và dọc đều bằng một do tuần.
Bấy giờ, thú chạy, chim bay, muôn dân… bắt đầu cùng nhau lần lượt uống máu, ăn thịt ta. Do bản nguyện của ta nên vào khoảng giữa đêm, thân càng thêm to lớn, cho đến cao tới một ngàn do tuần, ngang dọc cũng đều bằng một ngàn do tuần, tự nhiên ngay nơi thân mọc ra những đầu người đầy đủ tai, mắt, mũi, miệng, môi, lưỡi.
Mỗi cái đầu đều kêu lên thế này: Này các chúng sinh, mỗi người hãy tùy ý đến lấy mà dùng, uống máu, ăn thịt, lấy đầu, mắt, tai, mũi, môi, lưỡi, răng… sau đó đều phát tâm thành Chánh Giác, hoặc phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật. Các khanh nên biết, vật này thật là vô cùng tận, ăn vào dễ tiêu, sống lâu không chết yểu.
Người có trí sáng, uống máu, ăn thịt, lấy đầu, mắt, tai, mũi, lưỡi, thì hoặc phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật thừa, hoặc phát tâm thành Chánh Giác, hoặc cầu giàu vui trong loài người, trên Trời. Do bản nguyện nên đến vạn năm, thân ấy không tổn giảm.
Người và quỷ thần, chim bay, thú chạy trong cõi Diêm Phù Đề, tất cả đều được đầy đủ. Trong vạn năm, ta đã bố thí mắt như số cát một Sông Hằng, đã bố thí máu như nước bốn biển lớn, đã xả bỏ thịt như ngàn núi Tu Di, đã bỏ lưỡi như núi Đại Thiết Vi, đã bỏ tai như núi Thuần Đà La, bỏ mũi như núi Tỳ Phú La, bỏ răng như núi Kỳ Xà Quật. Bỏ thân, da như đất… trong ba ngàn đại thiên Thế Giới.
Thiện nam tử, ông nên biết, trong vạn năm xưa kia ta đã xả bỏ vô lượng, vô biên a tăng kỳ thân, trong từng mạng sống của mình đã dùng máu thịt cung cấp cho vô lượng, vô biên a tăng kỳ chúng sinh, khiến họ đều được no đủ mà không có một chút ý niệm hối hận nào.
Lúc ấy, ta lại nguyện: Nếu ta nhất định thành Chánh Giác, sở nguyện thành tựu, bản thân được lợi ích, ta ở cõi Diêm Phù Đề này trong một vạn năm, tự đem máu thịt cung cấp cho tất cả vô lượng chúng sinh. Như vậy, trong hằng hà sa vạn năm, ta làm núi máu thịt lớn như núi vô cấu Tu Di khắp cả ba ngàn Thế Giới.
Mỗi một thiên hạ trong vạn năm, ta tự đem máu thịt, đầu, mắt, tai… cung cấp cho chúng sinh. Cho nên Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Nhân và Phi Nhân, tất cả hàng súc sinh, dù ở hư không hay ở trên đất, cho đến loài ngạ quỷ cũng đều được no đủ.
Sau đó, ta khuyến hóa thảy đều tu tập theo pháp Tam Thừa, hoặc trong một Thế Giới Phật này, đã làm cho chúng sinh được đầy đủ xong, cho đến khắp mười phương Thế Giới năm trược xấu ác nhiều như cát Sông Hằng, ta lại xả máu thịt, đầu, mắt, tai, mũi… cung cấp cho chúng sinh đều được đầy đủ.
Như vậy, như trong một hằng hà sa đại kiếp, ta tự xả bỏ thân mạng để bố thí cho chúng sinh. Nếu nguyện ta không thành, bản thân ta không được lợi ích, tức là dối trá vô lượng, vô biên Chư Phật Thế Tôn trong mười phương, vì các chúng sinh mà chuyển pháp luân.
Ta chắc chắn không được thành Chánh Giác, bị ở mãi nơi sinh tử, hoàn toàn không được nghe tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tỳ Kheo Tăng, tiếng Ba la mật, tiếng vô sở úy, cho đến tất cả các tiếng nói về thiện căn. Nếu ta không thể thành tựu được việc xả thân bố thí đầy đủ cho chúng sinh thì thường đọa Địa Ngục A Tỳ.
Thiện nam tử, thuở xưa, những nguyện của ta phát ra như vậy, đều được thành tựu. Ở mỗi một cõi thiên hạ, ta xả thân máu thịt cung cấp cho chúng sinh, khiến được no đủ. Tuần tự, trong các Thế Giới Chư Phật nhiều như cát Sông Hằng khắp mười phương, ta đều xả thân máu thịt cung cấp cho chúng sinh, luôn khiến họ đều được đầy đủ.
Thiện nam tử, ông nên biết, ta lúc bấy giờ vì bố thí Ba la mật nên tuần tự xả thân bố thí như vậy. Nếu đem mắt đã bố thí gom lại thì đầy cả cõi Diêm Phù Đề và cao đến Trời Đao Lợi.
Thiện nam tử, đây gọi là Như Lai nói sơ lược sự việc xả thân bố thí Ba la mật. Lại nữa thiện nam tử, trải qua vô lượng, vô biên A tăng kỳ kiếp như thế, bấy giờ Thế Giới này chuyển tên là Nguyệt Điện, cũng ở đời năm trược xấu ác, thời ấy, ta làm Chuyển Luân Thánh Vương, là Vua cõi Diêm Phù Đề, hiệu là Đăng Quang Minh.
Ta cũng dạy vô lượng, vô biên a tăng kỳ người an trụ trong các pháp thiện như nói ở trên.
Làm việc này xong, dạo nơi vườn rừng xem đất đai, thấy có một người bị trói, ta liền hỏi: Người này phạm lỗi gì?
Đại thần tâu: Những người làm ruộng thâu được lúa mạch phải phân làm sáu và nộp quan một phần. Người này không tuân theo pháp Vua, không chịu đem nộp lúa cho nên bị trói. Lúc ấy, ta ra lệnh thả ra và từ nay về sau không cần bắt buộc nộp.
Đại Thần tâu: Thế trong dân chúng sẽ không có một người nào phát tâm hoan hỷ theo nghĩa vụ của mình mà đem nộp lúa cả. Như vậy, sự chi dụng, ăn mặc của các con Vua, quyến thuộc, quý nhân, thể nữ trong hậu cung, tất cả đều phải cố lấy từ những người bên cạnh, vì không có một người dân nào đem nộp với tâm thanh tịnh.
Ta nghe như vậy rất ưu sầu, tự suy nghĩ: Cõi Diêm Phù Đề này sẽ đem cho ai?
Ta có năm trăm người con, trước đã khiến chúng phát tâm cầu đạo vô thượng, sẽ phân đất này làm năm trăm phần chia đều cho các con. Ta sẽ xuất gia, đến chốn A Lan Nhã tu các pháp tiên, học phạm hạnh thanh tịnh.
Suy nghĩ xong, ta liền phân đất này làm năm trăm phần chia đều cho các con, rồi xuất gia nơi rừng cây Uất Đầu Ma ở bờ biển phía Nam, ăn các trái cây. Ta tu học lần lần đạt được năm thần thông.
Thiện nam tử, khi ấy ở cõi Diêm Phù Đề có năm trăm người buôn vào biển lớn muốn tìm châu báu. Có một thương chủ tên là Mãn Nguyệt, người này nhân có phước đức từ đời trước nên được như nguyện, đến nơi bãi lấy rất nhiều các thứ châu báu xong, muốn trở về cõi Diêm Phù Đề.
Lúc ấy, thần biển lớn tiếng khóc lóc, rất nhiều rồng nổi giận, muốn hại thương nhân, có một Long Vương tên Mã Kiên, là Đại Bồ Tát, do bản nguyện nên sinh trong loài rồng, phát tâm từ bi cứu hộ các thương gia, giúp họ được yên ổn vượt qua biển lớn, đến bờ bên kia. Sau đó, Long Vương trở về nơi bản xứ.
Bấy giờ lại có một La Sát đại ác đuổi theo thương nhân như bóng theo hình, muốn làm hại. La Sát ác này ngay trong ngày đó nổi gió bão lớn, khiến các thương nhân hoảng hốt nên bị lạc đường, hết sức sợ hãi, gào khóc thất thanh, kêu gọi Chư Thiên Ma Hê Thủ La, thần đất, thần nước, thần lửa, thần gió. Lại gọi cha mẹ, vợ con, quyến thuộc xin cứu giúp cho họ.
Thiện nam tử, ngay khi ấy dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe được âm thanh đó, ta liền đến nơi, dùng tiếng êm dịu vỗ về, an ủi họ: Chớ sợ hãi, ta sẽ chỉ đường giúp cho các ngươi trở về cõi Diêm Phù Đề được an ổn.
Thiện nam tử, ngay khi ấy ta dùng lụa trắng quấn cánh tay, đem dầu rưới lên đó, đốt để làm đuốc và phát lời nguyện chân thật: Ta trước kia nhờ ở rừng Uất Đầu Ma, trong ba mươi năm chuyên tinh tu hành tứ vô lượng tâm, vì các chúng sinh ăn trái cây, khuyến hóa tám vạn bốn ngàn các Rồng, Dạ Xoa, Thần… được Bất Thối Chuyển nơi đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Do căn lành này, nay ta đốt cánh tay để chỉ đường, giúp cho các thương gia trở về cõi Diêm Phù Đề được an ổn. Cánh tay cháy sáng đến bảy ngày bảy đêm nên các thương nhân được an ổn trở về cõi Diêm Phù Đề.
Thiện nam tử, khi ấy ta lại phát thiện nguyện: Nếu cõi Diêm Phù Đề không có các châu báu và nếu ta chắc chắn thành Chánh Giác, bản thân được lợi ích thì ta sẽ làm thương chủ trong mỗi thiên hạ có bảy lần mưa vật báu.
Ta lại vào biển lớn lấy ngọc như ý khiến cho nơi mỗi thiên hạ lại mưa vô số vật báu xen lẫn nhau, tuần tự như vậy khấp cả Thế Giới này, cho đến vô lượng, vô biên a tăng kỳ các Thế Giới trong mười phương cũng như vậy.
Thiện nam tử, thuở xưa các nguyện ta đã phát đều được thành tựu. Trong một hằng hà sa đại kiếp, ta làm thương chủ giàu có vô cùng. Nơi hằng hà sa đời năm trược xấu ác, trong một ngày có bảy lần mưa vô số châu báu, tạo lợi ích cho vô lượng chúng sinh như vậy. Sau khi giúp cho tất cả đều được đầy đủ châu báu, ta lại khuyến hóa họ tu học theo ba thừa.
Thiện nam tử, ông nên biết đó là Như Lai xả bỏ các châu báu để được nhân duyên thiện căn của các tướng. Lại nữa Thiện nam tử, trải qua vô lượng, vô biên A tăng kỳ kiếp như vậy, Thế Giới Phật này chuyển tên là Võng, kiếp tên Tri Cụ Túc, dân chúng nơi đời năm trược đó sống năm vạn tuổi.
Do bản nguyện, ta sinh xuống cõi Diêm Phù Đề, trong nhà Bà La Môn tên là Tu Hương, đọc tụng văn tự ngoại điển Xiển Đà. Khi ấy, chúng sinh phần nhiều chấp vào thường kiến nên xem nhau như giặc, luôn tranh giành nhau.
Ta dùng uy lực mạnh, vì các chúng sinh mà thuyết giảng năm thọ ấm giống như oan gia, nói rõ về thuyết mười hai nhập như xóm làng hoang vắng, thuyết tánh mười hai duyên luôn sinh diệt, chỉ dạy pháp sổ tức quán, làm cho họ tu học.
Ta lại bảo: Nay quý vị có thể phát tâm đem thiện căn đã làm mà hồi hướng thành Chánh Giác. Ngay khi ấy, ta tự nhiên được ngữ thông của bậc Thần Tiên có vô lượng, vô biên, vô số người thọ trì lời ta dạy nên đều được ngũ thông.
Lại có vô lượng, vô biên chúng sinh diệt trừ oán thù, xa lìa tranh giành và muốn xuất gia, ăn rau, trái cây, hạt cỏ, ngày đêm tu tập tứ vô lượng tâm.
Hết kiếp dục ấy, các vị đó, mỗi người đều phân tán đi khắp cõi Diêm Phù Đề giáo hóa chúng sinh, làm cho xa lìa mọi tranh chấp, diệt trừ oán hận, khiến đều được vắng lặng. Họ làm cho khắp nơi không còn bị hạn hán, bão tố, lụt lội… đất nơi đó được màu mỡ, lúa thóc được mùa, thức ăn uống ngon, nhiều. Sau khi kiếp dục hết, chúng sinh lại bị vô sô bệnh khổ bức bách.
Thiện nam tử, bấy giờ ta lại suy nghĩ: Nếu không thể trừ bệnh cho chúng sinh, ta chắc chắn không thành Chánh Giác. Vậy phải trừ diệt phiền não cho các chúng sinh.
Ta nên dùng những phương tiện gì để dứt trừ?
Chỉ có tập hợp tất cả đại chúng Chư Thiên ở các cõi Đao Lợi, Thích Thiên, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương… và các Thiên Tiên, Long Tiên, Nhân Tiên, hỏi về các phương thuốc, tập hợp các cỏ và vô số Chú thuật để chữa bệnh.
Suy nghĩ xong, ta liền dùng thần thông đến Thích Thiên, Phạm Thiên, Tứ Đại Vương Thiên và chỗ của các Trời, Thần, Rồng, Người, Tiên, nói: Xin các vị cùng đến tập họp ở núi Tỳ La. Nghe xong, đại chúng liền tập hợp và cùng nhau trì tụng Chú thuật Tỳ Đà. Chú này có năng lực xua đuổi tất cả quỷ thần ác, ủng hộ chúng sinh.
Ta dùng các phương thuốc để trị liệu những bệnh đàm ấm, phong hàn, nóng lạnh, khiến cho vô lượng, vô biên A tăng kỳ người được xa lìa các khổ não.
Thiện nam tử, khi ấy ta lại phát nguyện: Như ta đã làm cho vô lượng, vô biên chúng sinh trong một thiên hạ này được trí tuệ sáng, tu học theo pháp ba thừa, đóng ba cửa ác, mở đường nơi Cõi Trời, người, trừ các bệnh khổ, khiến được hoan hỷ.
Lại nữa, tuần tự ta làm cho vô lượng, vô biên, vô số người được trí tuệ sáng, cho đến được vui sướng.
Do duyên lành của quả báo ây, khiến nguyện của ta được thành tựu, bản thân mau đạt lợi ích. Như ta đã vì vô lượng, vô biên, vô số người trong một thiên hạ này mà đóng ba đường ác, mở đường nơi Cõi Trời, người, vì các người bệnh mà thỉnh các Trời, Rồng, Người, Thần, Tiên tập hợp ở núi Tỳ La tụng Chú Tỳ Đà, giúp cho vô lượng, vô biên, vô số người được hết bệnh, hưởng thọ An Lạc.
Như vậy, ta làm lợi ích cho tất cả vô lượng chúng sinh ở khắp nơi trong Thế Giới cũng tu học theo ba thừa, đóng ba đường ác, mở đường vào Cõi Trời, người.
Ta lại cũng vì những người bệnh trong Thế Giới này mà thỉnh Chư Thiên, Long, Thần, Tiên, Người tập hợp ở núi Tỳ la, tụng Chú Tỳ Đà, khiến vô lượng, vô biên, vô số người đều được hết bệnh, hưởng thọ An Lạc. Cho đến hằng hà sa các Thế Giới với đời năm trược xấu ác khắp mười phương cũng đều được ta cứu giúp như vậy.
Thiện nam tử, khi ấy ở Thế Giới Võng cho đến đời năm trược xấu ác nhiều như cát Sông Hằng trong mười phương, các nguyện mà ta đã phát đều được thành tựu.
Thiện nam tử, ông nên biết, khi Như Lai còn là Bồ Tát, luôn tăng trưởng trí tuệ, tu Bồ Tát đạo nên gọi là Như Lai bảo hộ chủng tử thiện căn của ba nghiệp thân, miệng, ý.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Võng - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh A Ma Trú
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Hai - Khuyến Thuyết
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Ba - Phẩm Xá Lê Tử Tương ưng - Kinh Thủy Dụ
BÀ LA MÔN CÚNG DƯỜNG PHÂN BIỆT
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Mười Bốn - đoạn Tận Luân Hồi sự Tụ Tập