Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Mười Ba - Bồ Tát đẳng Mục Nói Về Long Vương Duyệt Lạc
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT ĐẲNG MỤC
HỎI VỀ TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI BA
BỒ TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ
LONG VƯƠNG DUYỆT LẠC
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như Long Vương Duyệt Lạc, ở nơi bề mặt của Kim Sơn, là kho chứa của bảy thứ châu báu, dùng bảy thứ châu báu ấy tạo nên chỗ ở, chu vi cũng làm bằng bảy thứ châu báu, dùng tuyết mà che phủ. Thân tướng của Long Vương Duyệt Lạc hết sức trắng và tươi sạch, như màu sắc của tuyết.
Sắc của vàng nơi núi có ánh sáng rực rỡ chẳng khác gì ánh sáng ban ngày, như màu trắng kỳ diệu dùng để trang sức và che phủ khắp nơi đó. Dùng các thứ châu báu làm các màn lưới thanh tịnh giăng mắc xen nhau phô bày ở bên trên, cũng là để che phủ khắp. Các thứ châu báu treo rũ xuống như các tua vòi sinh động.
Dùng bảy thứ hình thể ấy mà tạo dáng đứng, đó gọi là nơi chốn an lạc của sự nhu hòa mềm dịu, là hình tượng màu sắc của sự sạch sẽ, người xem thấy không hề biết chán, thanh tịnh không chút cáu bợn. Đó là thể tánh thuận hợp.
Lúc này Thiên Đế Thích, ở nơi Cõi Trời Đao Lợi đang có ý nghĩ muốn làm một kẻ ung dung, tức thì sắc của chất vàng nơi bề mặt ngọn núi được xem là kho chứa các thứ châu báu. Lúc đó, hốt nhiên chẳng hiện, mà thấy có nơi Cõi Trời Đao Lợi, ngay trước mặt Thiên Đế Thích.
Bấy giờ, Thiên Đế Thích liền cỡi Long Vương Duyệt Lạc, ngồi yên trên mình Long Vương ấy một cách thoải mái, còn Long Vương thì chỉ trong chốc lát đã biến hiện ra ba mươi ba đầu, nơi mỗi mỗi đầu đều hiện ra bảy cái ngà lớn. Nơi mỗi mỗi chiếc ngà lớn ấy lại hiện ra bảy cái ao tắm.
Nơi mỗi mỗi ao tắm ấy lại hiện ra bảy trăm đóa hoa sen. Nơi mỗi mỗi đóa hoa sen đó lại hiện ra bảy trăm ngọc nữ, tất cả đều cùng vui ca giống như những nghi lễ ở thiên cung, lời nhạc ứng hợp cùng hòa tấu âm vang lừng.
Lúc này, Đế Thích Thiên Vương ở nơi Cõi Trời cỡi voi chúa đi tới khu vườn Diệu Thọ, tâm hết mực vui thích, tùy ý đến chốn này chỗ nọ, xem xét thưởng ngoạn vui đùa, theo Long Vương Duyệt Lạc đi xuống khu vực có nhiều châu báu trang hoàng kỳ lạ cũng với các ngọc nữ ca hát, dạo đàn, vui thú thỏa ý.
Bấy giờ, Long Vương Duyệt Lạc hiện đủ uy thần, ở Cõi Trời Đao Lợi cho đến khắp khu vườn diệu thọ lại hóa làm một thân voi, cùng với đám ngọc nữ vây quanh vui đùa.
Lúc này, Long Vương Duyệt Lạc sau hồi vui đùa, liền cùng với Chư Thiên, người, thảy cùng nhau nối tiếp cuộc vui chơi tận hưởng mọi thanh sắc.
Long Vương Duyệt Lạc dùng thần lực hóa hiện đầy đủ các thứ y phục không khác với chư vị xung quanh, cho đến thân tướng, màu sắc hình tượng, vẻ sáng, cách trang sức nơi y phục, cả việc đứng lên ngồi xuống, tất cả giữa Long Vương Duyệt Lạc với Chư Thiên, người thảy giống nhau chứ không khác.
Mọi thứ của Long Vương Duyệt Lạc có thì Chư Thiên, người cũng đều có và ngược lại, những gì Chư Thiên và người có được thì Long Vương Duyệt Lạc cũng đầy đủ cả. Như vật dụng dùng để ăn uống của Chư Thiên người ở Cõi Trời Đao Lợi thì Long Vương Duyệt Lạc cũng đều có chẳng thiếu thứ gì.
Long Vương Duyệt Lạc thường chẳng hay hóa hiện, chỉ có màu sắc, hình tượng của thứ vàng ròng ở tại nơi kho chứa bảy loại châu báu.
Nay đến Cõi Trời Đao Lợi cũng hóa hiện để có đủ mọi thứ như Chư Thiên ở đây, là nhằm để cúng dường Đế Thích Thiên Vương, vui vẻ hết tâm mà cúng dường. Nhạc trời tự nhiên vang lên, mọi thứ có nơi Cõi Trời Đao Lợi thảy đều hóa hiện đủ, không khác, dùng các thứ đó mà tạo sự cảm hóa về đức.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Cũng như thế, Chư Bồ Tát Đại Sĩ, noi theo các hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền mà tu tập, tạo lập các thệ nguyện cùng thực hiện các pháp tam muội của Bồ Tát, đó chính là dùng các thứ châu báu để tự trang nghiêm thân.
Dùng kho chứa bảy thứ thể của châu báu đó mà làm chân đứng vững chắc, từ nơi thân tướng phóng ra các màn lưới ánh sáng rực rỡ, gióng lên tiếng chuông pháp để nêu rõ ngọn cờ chánh pháp.
Thảy hóa hiện thân tướng Na la diên, đạt được thệ nguyện tối tôn tối thượng, tạo ra bước đi của Sư Tử, dùng mọi ánh sáng trí tuệ soi khắp nẻo, khiến cho các màu sắc của đạo pháp được chỉnh đốn, an trụ nơi các kho báu chánh pháp.
Đối với Chư Bồ Tát đó chính là hạnh tối thượng, gồm đủ mọi hạnh, mà thực hiện tận cùng các thệ nguyện, hướng tới Đức Phật, tu tập thực hiện các thệ nguyện khiến cho pháp Phật không bị đoạn tuyệt.
Bồ Tát, vì muốn đạt đến ánh sáng của trí tuệ giác ngộ nên dốc theo các hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, tăng tiến tu tập rộng lớn, đem điều mình đã giác ngộ mà giác ngộ cho muôn loài.
Đối với các hạnh nguyện Bồ Tát, Bồ Tát không hề quay trở lại, không biến trễ, chậm chạp, không làm cho đứt đoạn, cũng không thoái chuyển. Bồ Tát cần gia tăng hơn nữa tâm đại bi vô lượng để thực hiện các hạnh nguyện Đại Thừa, quên mình vì tất cả, theo đúng nẻo thừa vô thượng của Bồ Tát Phổ Hiền, tinh tấn tu tập, vì sự nghiệp giáo hóa tất cả chúng sinh ở đời vị lai.
Bồ Tát tu tập, không khiến cho các đức hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền bị gián đoạn cũng không chấp vào thời điểm đạt đạo, vì đạo là cánh cửa của diệu lý vô đắc bất đắc. Đắc trong cái vô đắc, là cánh cửa của pháp chuyển biến. Đắc trong cái vô đắc, là cánh cửa của bản tánh muôn chủng muôn loại hành động.
Đắc trong cái vô đắc, là cánh cửa của sự cảm ứng, biến hóa thể hiện nơi khắp các loài chúng sinh, khắp các xứ sở, cõi nước.
Lại nữa, Bồ Tát dùng cái đắc trong vô đắc mà hội nhập vào khắp các cõi nước, xuất hiện ngay trong cuộc sống, cũng luôn thể hiện các hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền.
Bồ Tát dùng cái đắc trong vô đắc, vì các chúng Bồ Tát đông đúc vây quanh mà cùng tu tập. Bồ Tát dùng cái đắc trong vô đắc, đi tới đủ mọi nơi chốn, xứ sở, cho đến tất cả Cõi Phật trong mười phương, hóa hiện vô số các loại thân tướng, hình tượng.
Bồ Tát tu tập, kịp thời gian mà đạt đến Chánh Giác, chỉ trong khoảnh khắc mà đạt đến Chánh Giác, theo thời gian mà đạt đến Chánh Giác, dùng từng ngày, hàng tuần, tháng, năm, vô số năm, cho đến một kiếp, ở trong thời gian đó, lấy cái đắc của vô đắc, ở nơi các số lượng ấy mà đạt đến Chánh Giác.
Bồ Tát tu tập, được đến gần, thân cận Chư Như Lai, như thế thì cũng ví như là các cõi của Như Lai, đều cúi đầu quy ngưỡng, cung kính đảnh lễ, cúng dường, quan tâm đến các Phật Sự, ở nơi chốn huyễn hóa tạo thêm nhiều nẻo tăng tiến, dùng sự thanh tịnh để tu tập vô lượng hạnh thanh tịnh của Bồ Tát.
Bồ Tát dùng cái đắc của vô đắc, tu tập hạnh tuệ của Bồ Tát, thực hiện vô số sự cảm ứng lớn lao của Bồ Tát, vô số xứ sở, vô số ánh sáng trí tuệ dung thông, vô số các pháp vi diệu của Bồ Tát.
Tạo vô số thần túc theo ý vô lượng của Bồ Tát, vô số nơi chốn đạt đến, vô số sự cảm ứng biến hóa tạo nên mọi an vui, vô số pháp tu nhằm làm cho sáng tỏ, hiển bày ánh sáng giác ngộ, vô số hành hóa nơi sự dẫn dắt thuận hợp của Bồ Tát.
Bồ Tát thị hiện khắp mọi nơi chốn các hạnh nguyện của Bậc Bồ Tát, nhưng không làm mất cõi gốc của mình, tu tập theo hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, hóa độ hết thảy chúng sinh, nơi chốn có đủ các tình. Bồ Tát dùng cái đắc của vô đắc, tu hành thanh tịnh, nhằm dứt sạch mọi nẻo luân hồi sinh tử, dùng âm thanh để lãnh hội ngôn ngữ, đạt được thanh tịnh.
Bồ Tát dùng tai của Như Lai để nghe Chư Phật diễn nói pháp âm làm hưng khởi pháp Phật, thọ lãnh mà thực hành, theo đúng con đường vô nhị của ba thời Chư Phật đã đi qua, luôn nhớ nghĩ đến hạt giống của Chư Phật, luôn nhận rõ âm thanh nêu giảng pháp Phật của trí tuệ giác ngộ.
Bồ Tát trụ nơi các xứ sở mà là vô trụ xứ, là an trụ Pháp Thân Phật, luôn nhớ nghĩ đến điều ấy. Đối với hết thảy mọi hạnh của Bồ Tát, dùng âm thanh mà thọ nhận, thực hiện đầy đủ các hạnh ấy.
Bồ Tát đối với âm thanh của Bồ Tát Phổ Hiền, đem trí tuệ giác ngộ của Bậc Đẳng Chánh Giác soi sáng khắp nơi chốn.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Phải nên quán sát các hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, dùng cái hạnh không lười trễ, thiếu sót của Bồ Tát mà tu tập liên tục, tinh tấn, dùng ánh sáng của trí tuệ mà nhận thức về Chư Phật. Đối với các hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền luôn dốc chí tu tập không hề dừng nghỉ nhằm đạt đến cảnh giới của trí tuệ giác ngộ.
Như Long Vương Duyệt Lạc kia, là hạng chẳng có thể làm cho động được, lên Cõi Trời Đao Lợi, ở đấy mặc sức hưng khởi hóa hiện, làm cả công việc đội, chở, mà cùng nhận lấy sự vui thích, ăn uống theo cách sung sướng của Chư Thiên, nhưng vẫn giữ được cốt cách của loại giống mình, vui thích với đám thể nữ, thảy đều hiện đủ mọi biến hóa, cùng với Chư Thiên ở Cõi Trời Đao Lợi như là một loại.
Như thế đấy, này chư vị! Bồ Tát thực hiện các hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền mà không làm mất đi nơi chứa nhóm của Đại Thừa, không rời thệ nguyện.
Bồ Tát thọ nhận cảnh giới của Chư Phật, dùng trí tuệ giác ngộ để tự an lạc, thông tỏ các hạnh của Chư Phật, lãnh hội thông suốt nơi vô số, vô lượng, vô đắc. Nhưng đều tạo được thanh tịnh ở nơi các cõi nước, mà không chấp bám nơi các pháp của Phật, đạt vô ngã, vô tưởng niệm, cùng với pháp của Chư Phật không dấy khởi hai nẻo phân biệt, tỏ rõ mọi Cõi Phật.
Bồ Tát như vậy là xuất hiện cùng với Chư Phật và đã thực hiện các hạnh của Bậc Bồ Tát trong quá khứ hiện tại vị lai, khiến cho âm thanh chánh pháp không bị dứt đoạn. Như Long Vương Duyệt Lạc kia, đã từ nơi cảnh giới của chủng loại mình như thế mà hiện ra ở Cõi Trời, thọ nhận những vui thích hết mực.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Hình tượng ấy chính là pháp của đức lớn, là chỗ đứng của chí nguyện để thực hiện các hạnh của Đại Sĩ Phổ Hiền. Các hạnh ấy cũng chính là những thệ nguyện vô thượng của Bậc Bồ Tát, phải nên dốc chí tu tập tinh tấn, để làm thanh tịnh thể tánh mình.
Này chư vị! Đó gọi là pháp đại tam muội thứ mười tụ hội mọi sự rộng lớn, sáng tỏ, vô lượng các hạnh của Bồ Tát. Đạt được thể tánh thanh tịnh, quảng diễn các pháp đại thừa.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Đó chính là nội dung lớn trong mười pháp chánh định của Bồ Tát Phổ Hiền.
Đức Phật nói về pháp định thể hiện mười đức nơi đạo lớn của Bồ Tát Phổ Hiền, cũng là mười thứ yếu chỉ vô thượng của ánh sáng giác ngộ, nên khắp các cõi nước của Chư Phật trong mười phương thảy đều được tỏa sáng mênh mông, tự nhiên có sự cảm ứng lớn lao khắp các cõi. Chư Bồ Tát, Chư Thiên, người trong các cõi thảy đều noi theo đấy mà tự làm trang nghiêm trú xứ của mình.
Vô lượng thiên nhạc được hòa tấu vang lừng khắp các Cõi Trời, đều mang tính chất ca ngợi tán dương đức hạnh vô lượng của Bồ Tát Phổ Hiền. Các cõi đều được chiếu sáng, kể cả những chốn tối tăm không đâu là không được khai mở.
Ngay trong khoảng thời gian này, những nỗi thống khổ nơi cảnh địa ngục trong mười phương đều được dừng dứt. Các loài chúng sinh số lượng như vi trần khắp các cõi nước trong mười phương, ở tại xứ sở của mình, thảy đều phát tâm hướng về đạo vô thượng bồ đề, hàng trăm ngàn na thuật chúng sinh đều đạt pháp nhẫn vô sở tùng sinh.
Đức Phật giảng nói Kinh này xong, Đại Sĩ Phổ Hiền, Bồ Tát Đẳng Mục, hết thảy các vị Bồ Tát cùng tất cả chư vị trong chúng hội, Trời, Rồng, Quỷ Thần, A Tu Luân, Nhân và Phi Nhân, được nghe Phật giảng nói thảy đều hoan hỷ, cung kính đảnh lễ Phật và lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Bốn - Chương Kim Cang Tạng
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Chín Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Hai Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Ba Mươi - Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Ba