Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tự Tại Vương - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TỰ TẠI VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN SÁU  

Này Tự Tại Vương! Nếu có người hung ác, sân giận, nhưng khi thấy thân, khẩu, ý của Bồ Tát, không thể tăng thêm tâm ác, mà lại được tâm thiện tịnh.

Nếu có người làm não hại Bồ Tát thì Bồ Tát vẫn nhẫn chịu, chứ không báo thù và còn làm đối phương được thiện, quay về chánh pháp. Nếu có chúng sinh xâm hại Bồ Tát. Bồ Tát không để chúng sinh phải đọa vào đường ác.

Vì sao?

Vì từ xưa đến nay, Bồ Tát đầy đủ nguyện thiện tịnh bất cộng. Nếu có chúng sinh đem thân, khẩu, ý xâm hại Bồ Tát, không vì việc đó mà Bồ Tát để cho chúng sinh ấy đọa vào đường ác. Do Bồ Tát trì giới thanh tịnh, cho nên tùy nguyện đều được. Đây là pháp bất cộng thứ mười bốn của Bồ Tát.

Này Tự Tại Vương! Hoặc có chúng sinh tham lam, keo kiệt, không tin, không thấy hành nghiệp, không tin quả báo, không biết Phật, Pháp, Tăng. Đối với các Sa Môn, Bà La Môn tâm không thiện tịnh, không biết lễ kính, nghe đến những lời các vị nói, không hề sinh tôn trọng, không sinh ý tưởng hy hữu.

Nhưng khi thấy được thân, khẩu, ý và sự hành trì oai nghi, bàn luận giáo pháp của Bồ Tát này thì tâm liền được thanh tịnh, tùy thuận, tôn trọng kính lễ cho là hy hữu.

Vì sao?

Vì Bồ Tát được pháp bất cộng này. Đây là pháp bất cộng thứ mười lăm của Bồ Tát.

Này Tự Tại Vương! Nếu các bậc thầy của tất cả hàng Trời, Rồng, Thần, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Chư Tiên, Đại Nhân, Bà La Môn… khi thấy Bồ Tát này, liền sinh ý tưởng tôn sư.

Trong khi danh xưng của các người này rất tối thắng, lại là thầy của các hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Tiên, Nhân, Bà La Môn… mà đã đến gặp Bồ Tát, liền cúi đầu kính lễ, cúng dường và chịu sai bảo, các đệ tử của các thầy ấy cũng kính lễ tôn trọng nghênh đón, với tâm niệm tôn kính tối thắng. Đây là pháp bất cộng thứ mười sáu của Bồ Tát.

Này Tự Tại Vương! Bồ Tát ở trong nước hay làng xóm, thành ấp đều có thể tu pháp thiện và tránh xa pháp bất thiện. Có khả năng hóa độ chúng sinh, hộ trì chánh pháp. Nơi mà Bồ Tát sinh ra, thường được chánh kiến, còn nơi cha me sinh thường được Sư Trưởng lễ kính tôn trọng, chúng sinh trong nước khi mạng chung, không bị đọa đường ác.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đem pháp thiện giáo hóa chúng sinh khiến họ tạo phước, nên sau khi mạng chung, đều được sinh vào Cõi Trời hay cõi người. Đây là pháp bất cộng thứ mười bảy của Bồ Tát.

Này Tự Tại Vương! Bồ Tát tùy thuận tất cả pháp trợ đạo, đầy đủ các minh thần thông. Do đó, làm cho quân ma không được tiện lợi. Đây là pháp bất cộng thứ mười tám của Bồ Tát.

Này Tự Tại Vương! Sao gọi là pháp bất cộng?

Vì Bồ Tát luôn tùy thuận tất cả Pháp Phật. Pháp này đối với hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật mới phát tâm không thể có được huống gì hàng phàm phu.

Khi ấy, Bồ Tát Tự Tại Vương bạch Phật: Thật là hy hữu, thưa Thế Tôn! Hôm nay, Đức Thế Tôn đã ban đại trí pháp minh vô lượng pháp quang cho các Bồ Tát. Con đã hiểu được nghĩa lý Phật nói. Có những Bồ Tát thích nghe Kinh này, không thích các kinh khác.

Hoặc có người nghe Kinh này. Nghe rồi, thọ trì đọc tụng các Pháp Phật, hoặc có người đã thọ trì Kinh này, rồi vì người khác mà diễn nói, nghĩa là người này có khả năng đem chánh pháp của Phật để thành tựu chúng sinh.

Nếu người chân chánh huân tập Kinh này tức là chân chánh huân tập tất cả Pháp Phật. Nếu ai đạt được nhẫn từ nơi Kinh này thì gọi là thuận nhẫn, còn nếu ai thực hành những lời dạy trong Kinh này thì là tùy thuận tất cả pháp hành.

Thưa Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát không lìa kinh này thì nên biết người này đã được các minh thần thông, đã ngồi nơi Đạo Tràng.

Phật bảo: Theo như lời ông mới nói, nếu có người không lìa Kinh này thì nên biết người ấy được các minh thần thông và ngồi nơi Đạo Tràng.

Này Tự Tại Vương! Vào thời quá khứ, trước Phật Nhiên Đăng, trước Phật Oai Đức, Phật Đề Sa, Phật Phất Sa, Phật Quang Minh. Lại có Phật hiệu Thiên Vương Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Thế Giới của Đức Phật ấy trang nghiêm thanh tịnh, vui vẻ, phiồn thịnh, Trời, người đông đúc, đất đai bằng phẳng hoàn toàn bằng chất lưu ly, hoa sen bằng vàng Diêm Phù Đàn mọc khắp trên đất ấy, cánh hoa mềm mại, trơn láng cũng như thiên y. Người thời đó thân hình cao thấp, cuộc sống có những vườn rừng, ao tắm, vui chơi du ngoạn, tất cả đều giống như ở Cõi Trời Đâu Suất.

Hễ muốn ăn uống thì các thức ăn uống liền có, những món ăn uống đó không khác gì ở Chư Thiên, chỉ khác về tên gọi. Trong tam thiên Thế Giới đó thì Phật là vị Pháp Vương, thế nên hiệu của Đức Phật ấy là Thiên Vương. Như Chuyển Luân Vương ngồi nơi chánh tòa đem pháp giáo hóa dân chúng, không ai là không thuận theo.

Đức Thiên Vương Như Lai cũng lại như vậy, ngồi nơi tòa Sư tử diễn thuyết chánh pháp cho tất cả hàng Trời, người, đại chúng ngồi ở phương Đông, Tây tám vạn bốn ngàn do tuần, Nam Bắc cũng bốn vạn do tuần.

Lúc Đức Thiên Vương Như Lai thuyết pháp vang đến tam thiên đại thiên Thế Giới, các hàng Trời, người ấy hết lòng tôn trọng tán thán, hành pháp vô thượng, lấy pháp để cúng dường. Chúng sinh ở cõi ấy không thích pháp thấp, mà chỉ thích Pháp Phật, không có danh hiệu Thanh Văn, Bích Chi Phật, huống gì là người phát tâm thực hành, chỉ có Bồ Tát làm quyến thuộc.

Cõi ấy không có phụ nữ, cũng không nghe đến tên dâm dục, tất cả đều ngồi kiết già trong hoa sen tự nhiên hóa sinh và chỉ thích ba pháp: Một là thích muốn thấy Phật, hai là thích muốn nghe pháp, ba là thích quán các pháp và muốn lìa hành nghiệp.

Các chúng sinh ấy, siêng tu tập Kinh pháp, không buông lung, phước tuệ đầy đủ, sống đến vô lượng A tăng kỳ kiếp. Sau khi mạng chung sẽ được sinh thiên, hay đến cõi Phật khác.

Có Bồ Tát, lúc sắp nhập diệt, liền bay lên hư không, cao bằng bảy cây Đa La, lớn tiếng: Ta ở cõi này, nay sắp nhập diệt.

Lúc đó, các Bồ Tát nghe tiếng này rồi, liền cùng nhau hội hợp lại, để thử xem pháp nhẫn của vị Bồ Tát ấy hỏi: Những pháp nào diệt?

Những pháp nào sinh?

Giữa đại chúng, vị Bồ Tát này trả lời: Trong đó không có pháp nào diệt, không có pháp nào sinh. Như Lai chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, biết tất cả pháp không diệt không sinh.

Vì sao?

Vì sắc không diệt không sinh. Thọ, tưởng, hành, thức không diệt không sinh, lại không có pháp nào khác, mà nhất định có thể được, hoặc ngã, hoặc chúng sinh, hoặc thọ mạng.

Diệt là sinh vậy, Như Lai chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, biết tất cả pháp đều không, không tướng. Pháp không, không tướng đó thì không diệt không sinh. Các pháp đều ly tế, không tác tế, không khởi tế, không sinh tế, Phật chứng từ nơi ấy.

Như vậy, các tế cũng không diệt không sinh. Diệt gọi là chúng duyên ly. Sinh gọi là chúng duyên hợp. Mà chúng duyên đó cũng không sinh, không diệt.

Sau khi Bồ Tát nói pháp rồi, liền nhập diệt. Nhưng không thấy có tro, có khói, mà lại sinh đến một phương khác, hiện ra trước Phật Thiên Vương và các Bồ Tát này, không đắp Ca Sa, mà tất cả đều mặc áo thanh tịnh vi diệu của Chư Thiên, cũng không có kết giới, luôn tùy thuận với thế nhơn và đều được pháp nhẫn vô sinh.

Đức Phật ấy, tuy không vì chúng sinh rộng nói các pháp. Nhưng các căn của chúng sinh đó vẫn thông minh lanh lẹ, chỉ nói ít là ngộ ngay.

Nếu Phật Thiên Vương diễn nói pháp cho các Bồ Tát thì các hàng Trời, người kia đều biết. Hoặc có người được pháp nhẫn, hoặc có người đạt Đà La Ni, hoặc có người được nhạo thuyết vô ngại, hoặc được các tam muội.

Này Tự Tại Vương! Danh xưng của Phật Thiên Vương, vang khắp cả mười phương. Ở trong tất cả hàng Trời, người rộng giảng về kinh Bốn Tự Tại này.

Bảy vạn hai ngàn Bồ Tát được thọ ký thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, riêng Bồ Tát Tịnh Quang không được thọ ký liền nghĩ như vậy: Nay các Bồ Tát này đều được thọ ký. Nói về việc trì giới, hành oai nghi, hành đạo niệm tuệ, phương tiện thần lực, tam muội Đà La Ni thì không thể hơn ta.

Vậy thì vì duyên gì, đều được thọ ký, còn ta sao lại không được?

Biết được tâm niệm đó, Đức Phật Thiên Vương liền bảo Tịnh Quang: Này Thiện Nam! Đời vị lai có Phật ra đời hiệu là Nhiên Đăng, Đức Phật ấy sẽ thọ ký cho ông.

Nghe Phật dạy thế, Bồ Tát Tịnh Quang với tâm vui mừng, liền bay lên hư không, nói: Quá hằng hà sa kiếp sẽ có Phật Nhiên Đăng xuất hiện, nên biết, lúc đó ta được thọ ký thành Chánh Đẳng Giác.

Vì sao?

Vì lời của Chư Phật nói ra, không bao giờ hư dối, mà chỉ nói lời chân thật.

Này Tự Tại Vương! Ông có biết không?

Bồ Tát Tịnh Quang đâu phải người nào xa lạ, chính là ta đây. Từ đó đến nay, ta được gặp Phật Quang Minh và nghe pháp ấy từ nơi Đức Phật này, nghe rồi thọ trì đạt được tam muội Quang ấn.

Từ đó về sau, lại gặp Phật Phất Sa, ta nghe pháp này từ nơi Phật ấy, nghe rồi thọ trì và được tam muội chứng minh. Từ đó về sau, lại gặp Phật Đề Sa, ta nghe pháp này, từ nơi Đức Phật ấy. Nghe rồi thọ trì và được tam muội chiếu minh.

Từ đó về sau, lại gặp Phật Oai Đức, ta nghe pháp này từ nơi Phật ấy, nghe rồi thọ trì và được thuận với pháp nhẫn. Từ đó về sau, lại gặp Phật Nhiên Đăng và đạt pháp nhẫn vô sinh từ nơi Đức Phật ấy, cũng từ Đức Phật ấy, ta chứng bốn tự tại. Đó là giới tự tại, thần thông tự tại, trí tự tại và tuệ tự tại.

Này Tự Tại Vương! Do duyên đó, cho nên trong đời này, hay sau khi ta diệt độ. Nếu thiện nam, thiện nữ nào cầu Bồ Tát thừa, sẽ được nghe Kinh này, nghe rồi phải thọ trì, nên biết những người này, mau đạt được chân trí bồ đề và đạt bốn tự tại có khả năng chuyển pháp luân và được tuệ quang từ trong chánh pháp vô thượng của Phật.

Khi Phật nói Kinh này, có một vạn sáu ngàn Bồ Tát được pháp nhẫn vô sinh.

Một vạn hai ngàn người đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động sáu cách, trăm ngàn vạn Chư Thiên hoan hỷ và nói: Nơi nơi, chốn chốn, hễ có nói Kinh này thì nên biết nơi ấy chính là Phật. Nếu có chúng sinh nghe Kinh này, nên biết người ấy thiện căn rất sâu dày.

Khi ấy Tuệ mạng A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?

Và cách thọ trì ra sao?

Phật đáp: Kinh này tên là Thần Lực Bốn Tự Tại ông nên như vậy mà phụng trì.

Lúc Phật nói Kinh này rồi, Bồ Tát Tự Tại Vương, A Nan và tất cả Trời, người được nghe Phật dạy, đều hoan hỷ thọ trì.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần