Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Tám - Thọ Ký Năm Trăm đệ Tử - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM TÁM
THỌ KÝ NĂM TRĂM ĐỆ TỬ
PHẦN MỘT
Khi ấy Hiền giả Bân Nậu Văn Đà Ni Tử nghe Phật Thế Tôn diễn bày quyền biến, chỉ rõ phương tiện, thọ ký cho Thanh Văn sẽ được thành Phật, nhớ lại hạnh nguyện đã lập từ xưa, lại chiêm ngưỡng cảnh giới Chư Phật Như Lai.
DDược điều chưa từng có, vui mừng phấn chấn, không nghĩ đến việc ăn mặc, thân thể thoải mái an vui, chẳng thể tự kiềm chế, đối với chánh pháp buồn vui lẫn lộn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy.
Cúi đầu lễ dưới chân Phật, chí thành cất tiếng: Thế Tôn thật khó sánh kịp, an trú chưa từng có, Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã dùng phương tiện thật là sâu xa, chẳng nói hết được. Các Thế Giới này, có biết bao chủng tánh.
Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện quyền biến, tùy theo trình độ mà hiển bày tuệ nghĩa, thuận theo chúng sinh để giáo hóa, phân biệt chánh pháp rõ ràng. Thế Tôn đã vì họ nói rõ cội nguồn giải thoát và dùng Phương Tiện Độ thoát.
Thánh tuệ của Thế Tôn biết hết căn tánh, chí nguyện việc làm từ xưa đến nay của chúng con nên mới nêu lên thí dụ, nói việc đời trước và sự phát tâm từ thuở ban đầu.
Khi ấy Mãn Nguyện Tử cúi đầu lễ ngang chân Phật, đứng sang một bên, hướng về Thế Tôn, chiêm ngưỡng dung nhan sáng ngời, mắt không hề chớp.
Phật dạy: Lành thay, đúng như ông đã nói! Như Lai thấy suốt tất cả con đường tu tập đưa đến giác ngộ, theo căn tánh sâu, cạn mà thọ ký cho họ, như chỉ bày cho hàng Thanh Văn Tiểu Thừa hạ liệt dứt trừ dâm, nộ, si để được nghỉ ngơi. dẫn dắt cho Bồ Tát có trí tuệ cao tột.
Giống như thuở xưa có một vị Đạo Sư làm nhiều việc từ thiện, thương xót người nghèo khổ, áo cơm chẳng đủ, xin ăn không có, nghèo túng không có của cải, bèn vì họ mà đánh trống rao khắp nước là ai muốn vào biển tìm châu báu.
Mọi người đều tập trung, Đạo Sư lại nói rằng ai không tiếc thân mạng, không thương cha mẹ , chẳng đoái hoài vợ con thì nên cùng nhau vào biển tìm châu báu. Dân chúng nghe vậy phần nhiều bỏ về, chỉ những người nghèo, ăn xin, không áo che thân, không có của cải tự nuôi sống, muốn tìm châu báu thì còn do dự, chẳng thể tự quyết.
Vị Đạo Sư biết thế nên tập hợp tất cả lại bảo rằng, nếu muốn vào biển thì sẽ được cung cấp y phục, lương thực, chẳng để thiếu thốn. Những người nghèo vui mừng, liền nghe theo lời, cùng lúc lên thuyền, xem gió giương buồm, đi vào biển cả. Chẳng gặp cá lớn, chẳng đụng đá ngầm, quỷ dữ La Sát cũng chẳng quấy nhiễu, đến được Long Cung.
Liền theo Long Vương xin ngọc báu Như ý: Kẻ phàm tục nghèo khổ, chẳng tự kiếm sống thoải mái, xin được nhờ ân bố thí, để cứu tế khắp nơi.
Long vương nên ban cho theo nhu cầu. Nếu ai muốn thì cứ đến lấy.
Vị Đạo Sư ra lệnh, những người đi lấy thì ít, kẻ không đi lấy thì nhiều.
Vì sao?
Vì lòng họ còn sợ sệt là đến chỗ Long Vương e không trở về được.
Khi ấy vị Đạo Sư bảo các người đó rằng. Các ngươi tự do theo ý muốn. Bọn họ đều lấy được vàng bạc, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, xa cừ, mã não. Ai nấy đều lấy đầy thuyền.
Đạo Sư ra lệnh trở về Diêm Phù Lợi. Mọi người nghe theo lệnh, về đến chốn cũ.
Gia đình làng xóm đem đồ ăn uống, kỹ nhạc, ngựa xe ra đón rước, cùng, nhau vui chơi bảy ngày bảy đêm rồi mới trở về nhà.
Mọi người hỏi được châu báu gì. Người nghèo ăn xin kém trí chỉ được bảy báu. Những người bạn trí tuệ của Đạo Sư được ngọc Như ý.
Đạo Sư lên lầu cao, tay cầm ngọc báu, hướng khắp bốn phương, bốn hướng và trên dưới rồi nói.
Do phước đức của ngọc này sẽ khiến tuôn mưa bảy báu!
Đúng như lời nói lập tức mưa bảy báu tuôn xuống cùng khắp cả nước chỗ nào cũng tràn ngập. Ngoài ra những người bạn trí tuệ kia cũng phân bố đến các nước khác, khắp cùng bốn phương cũng tuôn mưa bảy báu.
Kẻ nghèo kém trí lại than thở: Ta cùng vào biển nhưng tiếc là không gặp thứ này.
Vị Đạo Sư bảo họ: Ta đã ra lệnh cho các ngươi, nhưng các ngươi không đến lấy, nay còn mong cầu gì nữa.
Mọi người vứt bỏ bảy báu, cùng tụ tập lại, trở lại biển để lấy ngọc báu, đi đến hỏi Long Vương cầu xin ngọc Như ý.
Tất cả họ đều được ngọc, trở về Diêm Phù Lợi, cũng làm mưa bảy báu.
Phật dạy: Phát đạo ý vô thượng chánh chân muốn độ thoát tất cả, thí như vị Đạo Sư đi vào biển cả. Thương xót những người nghèo túng nên đưa họ đi vào biển là nói vì tất cả chúng sinh mà giảng thuyết Kinh Pháp.
Xem gió giương buồm đi vào biển cả là ý nói học quyền trí. Ba nạn trên biển nghĩa là không, vô tướng, vô nguyện. Biển chỉ có sinh tử mà lại được ngọc Như ý. Nghĩa là đạt được Pháp Thân vô cực của Như Lai.
Những người đi theo lấy ngọc Như ý, đó là Thanh Văn, Bồ Tát phát tâm rộng lớn, đã đạt quả vô sinh. Người thấp kém nghèo hèn lượm bảy báu đầy thuyền, nghĩa là đắc bảy giác ý.
Trở về làng xóm, bà con ra nghênh đón, nghĩa là người ở mười phương đi đến thọ giáo. Lên lầu cao cầm ngọc hướng về tám phương và trên dưới, nghĩa là đắc Phật đạo độ thoát mười phương. Những người trí tuệ phân đến các nước làm mưa bảy báu, nghĩa là đi đến phương khác thành Bậc Tối Chánh Giác.
Những người nghèo hối tiếc, cùng trở lại biển, nghĩa là chư Thanh Văn nghe Phật dạy chỉ có một thừa không có hai thừa nên mới phát tâm cầu đạo vô thượng chánh chân, sau sẽ thành Phật, đều có một hiệu.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ tụng:
Tỳ Kheo lắng nghe
Dùng dụ giảng thuyết
Như có Đạo Sư
Thương người trong nước
Phần nhiều nghèo túng
Luôn luôn chịu khổ
Đánh trống lan truyền
Ai muốn vào biển
Mọi người tụ tập
Lại bảo họ rằng
Nếu chẳng tiếc mạng
Chẳng thương mẹ cha
Chẳng nhớ vợ con
Nên cùng vào biển
Trong biển có nạn
Không được hối hận.
Khi ấy người nghèo
Cũng có ý muốn
Sợ chẳng đến được
Phân vân chẳng quyết
Đạo Sư rộng lượng
Cấp cho cơm áo
Khi vào biển cả
Đều tìm bảy báu.
Khi ấy Đạo Sư
Đến cung Long Vương
Bảo hết mọi người
Tìm ngọc như ý
Bạn bè nghe lời
Lượm ngọc Như ý
Trở về chốn cũ
Già trẻ nghênh đón.
Khi ấy Đạo Sư
Lên trên lầu cao
Hướng về tám phương
Mưa trân báu khắp
Bè bạn phân ra
Đến các nước khác
Cũng mưa bảy báu
Khắp nơi nhờ ân.
Kẻ lượm bảy báu
Mới tự hối tiếc
Là cùng vào biển
Chẳng gặp loại này.
Đạo Sư bảo rằng
Trước ta đã bảo
Chẳng chịu tự lấy
Là lỗi các ngươi
Sao lại oán trách.
Họ trở vào biển
Tìm ngọc như ý
Tìm thì phải được.
Bồ Tát phát tâm
Đắc đạo chánh chân
Nhàm chán sinh tử
Rơi vào Thanh Văn
Phụng hành theo không,
Vô tướng, vô nguyện
Được thoát ba cõi
Đến cửa Niết Bàn
Thấy Phật Thế Tôn
Hàng phục chúng ma
Đạt đến vô thượng
Đạo quả chánh chân
Khai hóa tất cả
Xuất vạn ức âm
Mười phương chúng sinh
Đều được thọ giáo
Trời, Rồng, Quỷ Thần
Đều đến kính lễ
Phát tâm Bồ Tát
Đắc Vô tùng sinh,
Hoặc vì Thanh Văn
Đoạn ba cấu độc
Thấy khắp mười phương
Không gì chướng ngại.
Các vi La Hán
Bèn tự hối lỗi
Tu hành thế nào
Để được như vậy
Đứng dạy bước đi
Đau buồn tự trách
Sau đó, Như Lai
Thị hiện ba thừa
Thiện quyền phương tiện
Tùy thuận dẫn dắt
Đạo không có hai
Huống chi ba thừa
Các vị Thanh Văn
Bấy giờ vui sướng
Tâm họ sáng tỏ
Mây tan trời hiện
Phật đều thọ ký
Sẽ đạt Phật Quả
Cõi nước xứ sở
Đều có Danh Hiệu.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Các ông có thấy vị Thanh Văn Mãn Nguyện Tử này chăng?
Ở trong chúng Tỳ Kheo, vị ấy là người giảng pháp giỏi nhất, làm sáng tỏ, ngợi khen công đức của Chư Phật, diễn bày chánh pháp, tinh tấn khuyến trợ, nghe Phật thuyết pháp thì phúng tụng, thọ trì, tuyên thuyết, chỉ bày cặn kẽ cho người chưa nghe, không biếng lười bỏ bê.
Diễn rộng ý nghĩa, giải thông khúc mắc, ứng đáp cho bốn bộ chúng, chẳng hề mệt mỏi, làm sáng tỏ phạm hạnh, khiến tất cả đều hoan hỷ. Ngoài Như Lai và các Bồ Tát Đại Sĩ ra, không ai có tài biện giải nghi vấn bằng Mãn Nguyện Tử.
Này các Tỳ Kheo! Ý các ông nghĩ sao?
Vị Mãn Nguyện Tử này đâu phải chỉ vì ta mà làm Thanh Văn để thọ giáo pháp. Chớ nghĩ như vậy, vị ấy đã từng hầu cận chín mươi ức Đức Phật, theo chư Thế Tôn nhận lãnh tinh hoa của chánh pháp, ở trong chúng hội thường tuyên thuyết nghĩa kinh, phân biệt không tuệ, tâm không chấp trước.
Khi thuyết Kinh vị ấy không hề do dự. Thấu suốt tất cả, chưa từng bị trở ngại, luôn luôn tận tâm, có sức thần thông như Chư Phật Thế Tôn và chư Bồ Tát, suốt đời chỉ tu phạm hạnh. Chúng Thanh Văn đều tin tưởng vị ấy, vị ấy bèn dùng phương tiện khéo léo mà cứu giúp làm lợi ích cho họ.
Đối với vô số ức trăm ngàn loại chúng sinh, vị ấy đã khai hóa cho vô lượng, vô số người khiến họ đều phát tâm đạo vô thượng chánh chân. Những nơi vị ấy đến đều là thường dân, chỉ bày đạo lớn, khiến họ tin Phật vững chắc.
Vị ấy tu tập tất cả các hạnh luôn dùng thân mình làm thanh tịnh cõi nước của Chư Phật, việc làm thích hợp để khai hóa chúng sinh. Đối với các Bậc Chánh Giác đều thị hiện làm thị giả. Nay ở đời ta, vị ấy làm người giảng pháp giỏi nhất.
Mỗi khi thọ nhận chánh pháp, luận giảng khó người bì kịp. Trong hiền kiếp ở tương lai, khi ngàn Đức Phật ra đời vị ấy lại sẽ cúng dường các Đức Thế Tôn và cũng là người giảng pháp giỏi nhất, thường vì vô lượng vô biên các loài chúng sinh giảng giải soi sáng, khuyến hóa tất cả không hạn cuộc số người, khiến họ phát tâm đạo vô thượng chánh chân.
Khi đã tinh tấn tu tập đầy đủ Đạo Hạnh Bồ Tát, trong vô số kiếp về sau, vị ấy sẽ thành Phật, hiệu là pháp Chiếu Diệu Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, sẽ ở ngay tại quốc độ này thành Bậc Đại Thánh.
Bấy giờ hằng hà sa tam thiên đại thiên Thế Giới tạo thành một cõi Phật, đất bằng bảy báu, bằng phẳng như lòng bàn tay, không có núi, gò, khe hang, gai gốc, sỏi đá. Lầu gác, tinh xá bao quanh dày đặc, toàn bằng bảy báu, xa trông đẹp đẽ giống như cung điện của Chư Thiên.
Cõi trời nhìn thấy thế gian, thế gian trông thấy cõi đời. Chư Thiên và người thế gian qua lại, giao tiếp. Cõi ấy không có chin mươi sáu loại và sáu mươi hai kiến kiêu mạn bủa vây.
Tất cả đều hóa sinh, chẳng phải do người nữ sinh. Đều tịnh tu phạm hạnh, ai cũng có oai đức, dùng đại thần túc bay đi trên không. chí luôn tinh tấn, việc làm hoàn bị, trí tuệ thông đạt, dung nhan màu vàng tía hiện rõ ba mươi hai tướng của bậc Đại Nhân.
Cõi ấy nhân dân thường có hai thức ăn: Một là pháp thực, hai là Thiền duyệt thực. Có vô số trăm ngàn vạn vạn các chúng Bồ Tát đều đắc thần thông, phân biệt thấu đáo nghĩa lý khúc mắc. Thanh Văn trong cõi ấy đều đạt Thánh hạnh, hành tám môn giải thoát, phương tiện uyển chuyển kỳ đặc, danh đức sáng ngời, đã đến được bờ kia.
Kiếp ấy tên Bảo Minh, cõi nước tên Thiện Tịnh. Phật thọ vô lượng kiếp, chánh pháp còn trụ lâu hơn.
Sau khi Phật diệt độ, mọi người sẽ dựng tháp bằng bảy báu khắp cả nước. Chư Phật mười phương đều cùng nhau ca ngợi công đức của cõi nước ấy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Bảy - Thiền Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Một - Phẩm Hạnh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thánh Mặc Nhiên
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh Tần Bệ Sa La Vương Nghinh Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Thi Lợi Hành
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Mười Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Sáu - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Sáu