Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP HAI  

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán biệt xứ thứ năm trong địa ngục Hoạt tên là Ám minh, là quả báo của nghiệp kia.

Chúng sinh vì tạo nghiệp gì mà sinh vào chốn ấy?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Vì chúng sinh theo tà kiến nên bị nghiệp quả điên đảo.

Nghĩa là trong các buổi tế lễ, trai hội của ngoại đạo, họ bịt miệng mũi dê để giết, hoặc kẹp rùa giữa hai khối đá đè khiến nó chết. Người kia vì nhân duyên tạo nghiệp ác mà sau khi qua đời bị đọa vào chốn Ám minh thuộc địa ngục Hoạt, bị lửa dữ thiêu đốt.

Do nghiệp ác nên có gió dữ dội thổi, như núi kim cương hợp lại nghiền nát thân tội nhân vụn ra như rải cát, không bao giờ được chút vui. Tội nhân trong chốn ấy không hề thấy nhau, bị gió nóng bức thổi đến, như bị dao bén cắt khiến thân lìa từng phần.

Thân bị nóng bức, đói khát, hết sức kêu gào nhưng không sao phát ra tiếng, như miệng con dê bị nhét, con rùa bị đè, thường bị lửa lớn thiêu đốt, luôn bị đè nặng trải qua vô lượng trăm ngàn năm, thường ở chỗ tối tăm, cho đến không có chút ánh sáng nhỏ như lỗ hổng của đầu ngọn kim. Từ khắp lỗ chân lông trên thân, cùng một lúc lửa khắp thân phát ra trở lại thiêu đốt thân.

Thọ khổ như vậy cho tới khi nghiệp hết đều là do tâm khỉ vượn tạo ra. Tâm khỉ vượn kia đi trong núi kết sử. Núi kết sử là chỗ ẩn núp cao nhất của tâm kiêu mạn huyễn hoặc cho là bền chắc.

Núi ác tà kiến là chỗ nó hoạt động, chỗ đi lại của nó là trong rừng kiêu căng phóng dật. Trong hang núi sân là chỗ nó ở. Công đức của tâm ganh ghét cho là các quả, bị trôi nổi trong sông ái, bị nghiệp bất thiện nhận chìm, cho đến khi nghiệp ác bị hủy hoại, ly tán mới thoát khỏi chốn Ám minh của địa ngục ấy.

Nếu ở quá khứ từ đời trước lâu xa có nghiệp thiện thành thục thì không sinh vào hàng ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sinh trong loài người thì luôn bị trói buộc do nghiệp quả còn sót lại nên thân mạng hay bị chết yểu.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát biệt xứ thứ sáu của địa ngục Hoạt, gọi là Bất hỷ không vui là quả báo của nghiệp.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh vào nơi đó?

Tỳ Kheo ấy thấy, nghe, biết: Người làm ác, tâm thường nhớ nghĩ muốn giết hại chúng sinh.

Vì săn bắn để giết hại nên đi vào rừng, thổi kèn, đánh trống, dùng nhiều phương tiện tạo ra âm thanh rất xấu ác, âm thanh rất đáng sợ, để những chúng sinh trong rừng như các loại: Nai, chim, sư tử, hổ, báo, gấu, vượn, khỉ ra đi không sợ sệt.

Người tạo nghiệp ác, vì muốn giết hại nên bày ra âm thanh đáng sợ kia, vì muốn săn bắn để giết hại, nhằm cung phụng Vua, hoặc cung phụng những bậc ngang Vua nên đi vào rừng.

Người kia vì nhân duyên tạo tác nghiệp ác ấy, nên khi thân hoại mạng dứt, bị đọa vào địa ngục Hoạt, sinh nơi chốn Bất hỷ, chịu quả báo tương tợ như nghiệp nhân kia, giống như lúc tạo ra nghiệp khiến cho tâm của các chúng sinh khác không vui nên bị đọa ở địa ngục, vào chốn lửa cháy rực.

Có loài chim mỏ nóng, âm thanh rất đáng ghét, khiến đám cáo, quạ, thứu, chó, chồn, ăn tai tội nhân, khiến tâm không vui, loài ấy có âm thanh cực ác, không thể ưa thích, tâm không ưa nghe. Trong tất cả loại âm thanh, loại âm thanh này là đáng kinh sợ nhất. Lại có loài trùng miệng cứng như kim cương đi vào trong xương tội nhân quanh quẩn ở đấy rúc rỉa, ăn tai tội nhân.

Như vậy, cho đến khi nghiệp ác chưa hết, tâm mờ mịt như cá di nê lội trong sông ái, tâm sân đeo bám bị sóng lớn xô đẩy nổi trôi, thường dừng nghỉ trong núi sinh tử, dục, sân, si chi phối, tham chút ít vị dục, bị lưỡi câu móc kéo, mãi bơi lội trong chốn nước sâu tà kiến ở trong ba cõi, hoặc chết đi hoặc sinh ra, thân mạng nối tiếp thường khao khát sắc, thanh, hương, vị, xúc… nghiệp tạo tội như vậy, lúc làm thì vui cười, lúc chịu quả báo thì gào khóc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:

Tâm si cá di nê

Ở trong nhà ái dục

Lúc tạo nghiệp vui cười

Khi chịu khổ gào khóc.

Nếu các nghiệp ác đã tạo, ở chốn thứ sáu thuộc địa ngục Hoạt thọ nhận quả khổ hết khi ấy mới được ra khỏi, lại sinh trong loài ngạ quỷ, súc sinh.

Nếu đời trước về thời quá khứ lâu xa có ít nghiệp thiện, thì sinh trong loài người, thường ôm sầu khổ, bất cứ lúc nào cũng đều nghe tiếng không lành, tâm chẳng từng vui, nghĩa là từng nghe việc không lợi ích, vợ con chết mất, của cải tiêu tan, quyến thuộc bị tai ương, hoặc bị giết, hoặc bị trói, luôn mang nỗi lo phiền, tâm không chút vui. Những kẻ tạo nghiệp bất thiện kia, quả luôn theo nhân tương tợ.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát biệt xứ thứ bảy của địa ngục Hoạt, gọi là chốn Cực khổ.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi ấy?

Tỳ Kheo thấy, nghe, biết: Người tạo nghiệp ác, lúc làm nghiệp ác kết sử sâu dày, oán, ác quá nặng, giết nhiều chúng sinh, làm việc phóng dật, người kia vì nhân duyên của nghiệp ác ấy nên khi thân hoại mạng dứt, bị đọa vào địa ngục Hoạt, sinh nơi cực khổ, chịu lửa sắt nóng, khổ não khốc liệt, rơi xuống vực núi, móc sắt đốt tóc, chịu khổ như vậy, không khi nào nghỉ, ngày đêm không dừng.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết chắc nghiệp quả, cầu đến thành Niết Bàn, biết chắc khổ não nơi sinh tử ở thế gian, quan sát đại địa ngục Hắc Thằng, nơi đại địa ngục ấy còn có chốn nào khác?

Tỳ Kheo thấy, nghe, biết: địa ngục Hắc Thằng có chỗ gọi là Đẳng hoán thọ khổ, bị thiêu đốt khủng khiếp, chịu khổ không có thời gian dừng nghỉ.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh ở nơi ấy?

Tỳ Kheo thấy do nghe biết: Nếu người nói pháp, nương theo ác kiến mà bàn luận, dùng nhân thí dụ, tất cả đều không thực, không kể gì hết như đâm đầu vào sườn núi tự sát, không đúng với giới thiện. Người kia vì nhân duyên của nghiệp ác ấy, nên khi thân hoại mạng dứt, bị đọa vào đại địa ngục Hắc Thằng, sinh chốn Đẳng hoán, chịu đại khổ não.

Người kia chịu khổ quá sức, toàn chốn hiểm ác ấy rộng vô lượng do tuần, bị dây đen nóng trói buộc, sau đó xô tội nhân nằm trên nền nóng có dao sắt bén, bị chó răng sắt cắn ăn, tất cả các bộ phận trên thân, từng phần phân lìa, cất tiếng gào thét, không có ai giúp, không có người bảo vệ, không có chỗ quay về để cầu cứu, không có người an ủi để được vơi khổ.

Bị tâm mình lừa dối ở trong vòng sinh tử, thường lưu chuyển mau chóng, si ám mờ tối, thân bị thiêu khắp, giống như rừng bị cháy đen.

Cảnh giới địa ngục kia, thấy người của Diêm La Vương nói kệ thống thiết trách tội nhân:

Người tà kiến ngu si

Lưới si trói buộc người

Nay đọa địa ngục này

Ở trong biển khổ lớn.

Ác kiến thiêu hết phước

Sinh làm người xấu xí

Người sợ địa ngục trói

Đó là nhà của ngươi.

Nếu người theo tà kiến

Người đó chẳng phải trí

Lưu chuyển tất cả ngục

Tâm oan gia lừa dối.

Tâm là oán thứ nhất

Oán này rất là ác

Oán này hay trói người

Đưa đến chỗ Diêm La.

Tâm theo đuổi các cảnh

Chẳng từng hành đúng pháp

Mê lầm nẻo chánh pháp

Đưa vào địa ngục giết.

Tâm không thể điều phục

Còn hơn là lửa dữ

Chuyển mau khó chế ngự

Dẫn người đến địa ngục.

Tâm khó điều phục nhất

Lửa này hơn lửa thường

Khó điều, chuyển rất mau

Địa Ngục trong địa ngục.

Nếu người tâm buông lung

Thì vào nơi địa ngục

Nếu người điều phục tâm

Thì không chịu khổ não.

Dục là lửa thứ nhất

Si là tối tăm nhất

Sân là oán thứ nhất

Ba thứ nắm thế gian.

Đời trước, lúc làm ác

Tự tâm suy nghĩ làm

Người làm theo tâm si

Nay chịu ác báo này.

Tâm ưa lấy vật người

Lén hành dâm vợ người

Thường giết hại chúng sinh

Bị tâm mình lừa dối.

Như vậy nghiệp tự tạo

Đưa người đến nơi này

Là nghiệp ác của ngươi

Cớ gì lại than thở?

Nếu người làm ác rồi

Sau buồn khổ nên si

Họ không bị quả báo

Như gieo giống đất mặn.

Người ham muốn chút lợi

Chịu khổ báo rất nhiều

Người si, tham đắm dục

Như từ tối vào tối.

Người si tạo các ác

Vì lợi ích vợ con

Riêng chịu khổ địa ngục

Bị nghiệp mình lừa dối.

Nếu chỉ vì vợ con

Tạo ra các nghiệp ác

Thì đến địa ngục này

Nay chịu khổ não ấy.

Chẳng phải vợ, con, vật

Tri thức có thể cứu

Nơi người lúc sắp chết

Không ai cứu giúp được.

Nếu người tâm nhiễm dục

Bị ái dục dối lừa

Cùng theo đuổi bên nhau

Nay bị khổ như vậy.

Vốn bị hoàn cảnh ép

Đã bị ái dối lừa

Tự làm nghiệp ác ấy

Nay cớ sao kêu than?

Ở chốn kêu than chịu khổ não kia, chịu khổ như vậy, người Diêm Ma La trị tội như thế, kẻ ở địa ngục kia phải chịu khổ, trải qua vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ cùng cực như thế cho đến khi nghiệp ác lìa tan, hủy hoại tiêu hết, khi ấy họ mới được ra khỏi.

Nếu ở đời trước trong quá khứ lâu xa, có nghiệp thiện thành thục thì sinh trong loài người, không có nghiệp thiện thì sinh nơi biên địa, như nước Đà Tỳ La, nước Bà Bà La, chốn ven biển, chốn tân đầu, chốn hải đảo, bị người khác cướp giật ức hiếp, lấy hết tài vật, ở chỗ rất nghèo khổ, làm nô tỳ.

Nếu làm lính gác cửa thì thân gù, tàn tật, tất cả phần thân xấu xí không đầy đủ, bị đói khát thiêu đốt, lạnh nóng bức bách, như tên bắn vào ụ đất, chịu khổ cùng cực, thường bị vu oan, bị các trẻ nhỏ lấy cây đá gạch đánh ném, bị mọi người ghét bỏ, không vợ không con, so với mọi người thì làm người thấp hèn, chịu khổ cùng cực.

Quả báo của nghiệp ác còn lại cùng với nhân tương tợ, nhân duyên tương tợ giống như trước đã tạo nên sau phải chịu như vậy. Nếu Tỳ Kheo kia quan sát nghiệp ở địa ngục chịu tăm tối khổ não như thế, thì trong nẻo sinh tử lìa được sự trói buộc của dục.

Lại nữa, người tu hành quán như Tỳ Kheo kia, luôn siêng năng tinh tấn, thấy chắc nghiệp quả, khéo thực hành chánh hạnh, nhàm chán xa lìa tất cả sinh tử của thế gian, dứt hẳn sự trói buộc của ma trong lao ngục cứng chắc nhất, không chịu ở cảnh giới của ma, tại chốn phiền não chẳng ưa ở chung, tâm không ưa thích đắm nhiễm nơi ái dục cấu bẩn.

Dạ Xoa ở đất, thấy Tỳ Kheo kia có công đức tương ưng như vậy, chuyển lại cho Dạ Xoa ở trên hư không nghe, như trước đã nói, thứ lớp cho đến Cõi Trời Đại Phạm, rộng nêu như trên. Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát đại địa ngục Hắc Thằng, còn có chốn khác, Tỳ Kheo thấy có chốn tên là địa ngục Chiên đồ Hắc Thằng.

Do nghiệp gì chúng sinh sinh ở nơi kia?

Tỳ Kheo thấy có người nằm trên giường có trải đồ nằm, bệnh cần có thuốc, chẳng phải đòi hỏi cho mình nhiều thức ăn vật dùng. Người đời do ngu si che giấu nghiệp ác, hoặc tự mình giết dê, hoặc bảo người khác giết, như những điều lừa dối của Bà La Môn, ngoại đạo để cầu khẩn.

Người kia vì nhân duyên của nghiệp ác ấy, nên khi thân hoại mạng dứt, bị đọa vào nơi ác trong địa ngục Hắc Thằng, sinh vào chốn Chiên đồ chịu đại khổ não. Đó là chim ác, như quạ, như thứu, như heo ác… móc mắt của họ. Chủ địa ngục ấy, hoặc dùng chày đánh, hoặc dùng rìu lớn, hoặc dùng lửa dữ rất sân giận, đủ các thứ thống khổ bức bách.

Đã sinh vào địa ngục như thế, lại chịu tất cả khổ não dữ dội, đó là móc mắt, hoặc cắt lưỡi, tất cả thân hình bị cắt ra từng phần từng phần, uống nước đồng sôi, đủ thứ sắt nóng khác lạ đâm khắp vào thân, chặt đứt thân để quạ, chim ăn, tất cả bệnh tật dồn lại, khóc kêu gào thét, không chủ không bạn.

Người Diêm Ma La sân giận đánh đập, ở chốn địa ngục Hắc thằng cho đến vô lượng trăm ngàn năm như vậy, khi nghiệp ác tiêu tan, lúc ấy họ mới được ra khỏi.

Nếu đời trước, trong quá khứ lâu xa, nghiệp thiện chưa thành thục thì sinh trong ngạ quỷ, súc sinh, nếu sinh trong loài người thì lưng gù, mắt mù, mạng sống ngắn ngủi, làm người chết rồi lại rơi vào đường ác, nghiệp chúng sinh ràng buộc như vậy. Người làm việc thiện thì được quả báo thiện, người tạo nghiệp ác thì chịu quả báo ác, nghiệp quả trói buộc luôn ở trong sinh tử.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần