Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM HAI
PHẨM SINH TỬ
TẬP TÁM
Lại nữa, các màu sắc rực rỡ kia, nếu lấy màu trắng thì làm màu trắng, lấy màu đỏ làm màu đỏ, lấy màu vàng làm màu vàng, lấy màu bồ câu làm màu bồ câu, lấy màu đen làm màu đen. Tâm nghiệp nơi họa sĩ cũng như vậy. Duyên với trắng thì nắm lấy màu trắng, đối với cõi Trời, Người thì thành màu trắng.
Sao gọi là màu trắng?
Nghĩa là không bị các dục lậu cấu uế làm ô nhiễm nên gọi là màu trắng.
Lại nữa, tâm nghiệp nơi họa sĩ nắm lấy màu đỏ, đối với cõi Trời, Người có thể làm màu đỏ.
Sao gọi là màu đỏ?
Nghĩa là ái nhiễm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc mà vẽ và quan sát về bức tranh.
Lại nữa, tâm nghiệp nơi họa sĩ nắm lấy màu vàng, đối với hàng súc sinh có thể làm màu vàng.
Sao gọi là màu vàng?
Kia đây trái ngược nhau, ăn thịt uống máu lẫn nhau, tham dục, sân, si sát hại lẫn nhau. Cho nên gọi là màu vàng.
Lại nữa, tâm nghiệp nơi họa sĩ nắm lấy màu bồ câu, duyên dựa mà quan sát. Ở trong đường ngạ quỷ mà vẽ làm màu bồ câu.
Sao gọi là màu bồ câu?
Nghĩa là thân người kia giống như lửa đốt cây rừng, bị tất cả khổ não bức bách, đói khát dằn vặt. Tâm nghiệp nơi họa sĩ bị trói buộc do ganh tỵ, bị si ám che lấp.
Lại nữa, tâm nghiệp nơi họa sĩ nắm lấy màu đen. Ở trong địa ngục mà vẽ màu đen.
Sao gọi là màu đen?
Do nghiệp đen nên sinh trong địa ngục có tường sắt đen, bị thiêu, bị cột khiến cho thân trở thành màu đen, gây nên các loại bệnh, thân bị đói khát. Bị vô lượng khổ não bức bách đó đều do mình tạo nghiệp chứ chẳng phải người khác tạo.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát về bức tranh sinh tử đầy màu sắc của năm đường nơi tam giới. Trụ trong ba địa, đó là Dục Giới địa, Sắc địa và Vô sắc địa. Tâm nghiệp nơi họa sĩ huân tập gần dâm dục, duyên dựa theo Dục Giới mà vẽ nhiều màu sắc, duyên vào chỗ dựa của sắc mà chia ra có hai mươi loại.
Tứ Thiền ly dục làm cây bút vẽ, y vào mười sáu địa để làm chỗ vẽ, mà vẽ thành Sắc Giới. Xa lìa duyên Sắc Giới mà chứng Tam Ma Bạt Đề. Duyên vào Vô Sắc Giới mà vẽ là bốn xứ. Tâm nghiệp nơi họa sĩ vẽ rộng như vậy thành chiếc áo lớn về tam giới.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia quan sát tâm nghiệp nơi họa sĩ như vậy: Nếu lấy pháp khác vẽ thành chúng sinh.
Tâm giống như họa sĩ, thân như màu sắc và đồ vẽ, tham dục, sân, si cho là sự kiên cố, tâm duyên dựa giống như cái thang, căn như bút vẽ, các cảnh giới bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc giống như tất cả màu sắc, sinh tử như cái nền, trí như ánh sáng, siêng năng tinh tấn dũng mãnh như cái tay, chúng sinh như bức tranh, thần thông như vô lượng hình tướng của sắc phục kia, bị vô lượng các loại quả báo, nghiệp như bức tranh đã hoàn tất.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia dựa vào thiền mà quan sát tâm nghiệp nơi họa sĩ và các pháp khác. Nếu họa sĩ không bị mỏi mệt, khéo sửa lại các màu sắc để cho tất cả đều sáng sủa, thanh tịnh, khéo biết cây bút tốt để vẽ màu sắc cho đẹp.
Tâm nghiệp nơi họa sĩ cũng như vậy, không sinh mỏi mệt mà tu thiền định, khéo tu sửa lại màu thiền, duyên dựa với sự sáng suốt thanh tịnh như ánh sáng của màu sắc rực rỡ kia. Vị tu tập đạo giống như cây bút tốt đẹp. Biết thiền cao, thấp giống như khéo biết ý thức được cái nào giữ cái nào xả, không mỏi mệt như thiền định, tâm nghiệp nơi họa sĩ vẽ các tầng thiền giống như các màu sắc rực rỡ kia.
Tâm nghiệp nơi họa sĩ ấy nếu bị mỏi mệt thì vẽ chỗ bất thiện: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Cùng một nhân duyên của nghiệp như vậy: Chày sắt làm cây bút vẽ màu sắc bất thiện, vẽ không phải là vật dụng cho con người đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Những màu sắc như vậy không thể thành bức tranh tốt đẹp, nói rộng như trên.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia tuần tự quan sát cái tâm khỉ, vượn, như thấy con khỉ vượn. Con khỉ, vượn kia nhảy nhót lung tung, quấy phá không chịu đứng yên. Hết thảy cành, lá, hoa quả, rừng cây, những nơi hốc núi, hang sâu ngoằn nghèo nó đi đều không bị chướng ngại. Tâm khỉ, vượn cũng lại như vậy, đi nơi năm đường sai khác như các loại cây.
Các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh giống như rừng cây kia. Vô lượng chúng sinh như các cành. Ái như hoa lá. Phân biệt yêu mến sắc, thanh, hương, vị, xúc… cho là các quả, đi trong núi ba cõi, thân như hang sâu, đi không bị chướng ngại đó là tâm khỉ, vượn. Tâm khỉ, vượn ấy thường đi trong vùng đất sinh tử của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia dựa vào thiền mà quan sát ca kỹ của tâm, như thấy ca kỹ kia cầm các nhạc khí, diễn các trò chơi trên sân khấu. Ca kỹ của tâm cũng lại như vậy.
Sự thay đổi của nghiệp giống như thay đổi áo quần, sân khấu là nơi chốn của năm đường, hết thảy đồ trang sức là tất cả nhân duyên, các loại nhạc khí là cảnh giới, trò chơi của ca kỹ, là trò chơi nơi sinh tử. Tâm là ca kỹ. Do tạo tất cả những vui chơi mà từ vô thỷ vô chung mãi chạy dài trong sinh tử.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia dựa vào thiền mà quan sát tâm cá di nê, như thấy cá di nê. Ví như cá di nê ở dưới sông, nếu nước sông có sóng lớn, sâu và chảy xiết khó vượt qua, có thể cuốn trôi vô lượng cây cối, sức mạnh của nước sông dữ dội không thể nào ngăn chận.
Hoặc nước từ trong khe núi chảy cuồn cuộn ra suối sông, thế mà cá di nê có thể ra vào, bơi đi hoặc ở một chỗ an nhiên. Tâm cá di nê cũng lại như vậy. Ở trong sông Dục Giới sóng lớn dữ dội mà tâm có thể ra vào, đi ở mặc sức. Trong địa ngục có sông tên Tỳ Đa La Nê.
Sông ấy rất sâu, sóng lớn dữ dội dâng cao khủng khiếp, không lúc nào dừng, thật là đáng sợ chính là dòng nước chảy nhanh xoáy vòng. Nghiệp thiện, bất thiện tức là dòng nước khó có thể qua. Tất cả kẻ phàm phu ngu si trong thế gian không thể vượt qua.
Sông năm đường này thường cuốn trôi chúng sinh trong vô lượng kiếp, dòng nước chảy nhanh xiết của cảnh giới không gián đoạn, thế lực bạo ác khó có thể ngăn chận, liên tục không thường, bị thế lực của nó kéo lôi không thể cưỡng lại được. Sông ái dữ dội nhưng tâm cá di nê vẫn có thể ra vào, đi đứng mặc sức.
Đi ra là hàng Trời, Người, đi vào là các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ở trong sông ái, tâm cá di nê ra vào cũng lại như vậy.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Tỳ Kheo kia quan sát như vậy: Làm sao tu thiền niệm trụ để biết về pháp nghiệp báo, quan sát tâm của tất cả chúng sinh, thường hành động phóng túng, do tâm sai khiến, do tâm trói buộc.
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Tất cả tâm nghiệp của chúng sinh đều phóng túng, lại dựa vào tâm nghiệp mà hành động nên bị tâm sai khiến.
Người kia lại quan sát tiếp: Vì sao chúng sinh từ vô thỉ vô chung bị trói buộc xoay chuyển trong vô lượng kiếp theo vòng sinh tử?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Do tâm bị nhiễm dục nên chúng sinh bị trói buộc, do tâm thanh tịnh nên chúng sinh được giải thoát. Như vậy tâm có vô lượng tướng hoại của duyên dựa, tướng hoại của tự thể, tướng hoại của đồng nghiệp.
Tâm có năm thứ, tức là trong năm đường luôn bị giam cầm, hòa hợp tương ưng với tâm kết sử, thường ở trong sinh tử, lìa chỗ dựa bậc nhất là ba pháp vô vi như hư không… tướng hoại của năm căn đều có năm loại tâm là chỗ nương dựa của vô lượng vô biên tâm ái là tất cả tướng hoại.
Tóm lại, đây là phần nhiễm.
Vậy dùng phương pháp gì để lìa bỏ nhiễm thuộc ba phiền não căn bản?
Có ba cách đối trị. Tất cả Chư Phật Chánh Biến Tri ở quá khứ, vị lai đã giảng nói về chánh đạo như vậy. Tham lam dùng quán bất tịnh, sân dùng quán từ bi, si dùng quán nhân duyên.
Người kia quán dục trong thân như vậy: Tỳ Kheo duyên vào thân, hành quán từng phần trong thân từ móng chân… cho đến đỉnh đầu, quan sát từng phần.
Thân thô này có gì là ta, có gì là của ta?
Trong phần của tự thân móng chân là như thế. Lìa thân quan sát, móng chẳng phải là thân.
Ngón chân chẳng phải là thân, cái gì là thân?
Cái gì là ta?
Cái gì là của ta?
Tay chân chẳng phải là thân, tâm khởi lên chỗ nào mà nói là của ta?
Mắt cá này chẳng phải là thân của ta, gót chân chẳng phải là thân của ta, bắp chân chẳng phải là thân của ta, đầu gối chẳng phải là thân của ta, mặt chẳng phải là thân của ta, âm căn chẳng phải là thân của ta, cái đầu lâu này cũng chẳng phải là thân của ta, chỗ tiểu tiện chẳng phải là thân của ta, sau lưng có bốn mươi lăm đốt xương đều chẳng phải là thân của ta, đầu chẳng phải là thân của ta, xương mặt cũng chẳng phải là thân của ta, xương đầu chẳng phải là thân của ta.
Tỳ Kheo kia quan sát từng phần trong thân thể không có cái nào là thân của ta, trong mỗi mỗi phần đều không thấy có thân.
Từng phần như vậy đều không thấy thân, cũng lại không thấy phần phần như thế. Người kia lại quan sát nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều không thấy gì là thân. Lại quan sát trong ngã không có cái ta. Tất cả những vật kia chỉ là vi trần. Như vậy, người kia quan sát từng phần trong thân giống như hạt cải, cho đến nhỏ như vi trần.
Rồi người kia quan sát từng phần nơi các đại, cái gì là ngã?
Cái gì là địa giới?
Như vậy tuần tự cái gì là ngã?
Cái gì là thủy giới?
Cái gì là ngã?
Cái gì là hỏa giới?
Cái gì là ngã?
Cái gì là phong giới?
Người kia quan sát giới như vậy thì không có giới, không có ngã, không có ngã riêng biệt, không có giới riêng biệt, không có giới và ngã riêng biệt, ngoài ngã, giới không có vật. Tất cả như vậy đều là đệ nhất nghĩa đế. Ví như có vô lượng cây hòa hợp lại thì thấy một khu rừng. Cây không phải là rừng, ngoài cây ra thì không có rừng, đó là đệ nhất nghĩa đế. Như vậy, nếu ngoài cây ra thì không có gì riêng biệt là rừng.
Lại quán về cây: Nếu lìa gốc, thân, cành, lá của nó ra riêng biệt thì không phải là cây. Đó là Đệ nhất nghĩa đế. Như vậy là không có cây nhưng dựa vào thế đế mà có rừng, có cây. Thân này cũng như vậy, chân tay… hòa hợp lại chỉ là cái tên. Vì dựa vào thế đế mà nói có thân.
Tỳ Kheo kia biết pháp của thân rồi thì lìa bỏ được dục của thân, lìa bỏ dục nơi từng phần trong thân, lìa bỏ được tất cả dục của căn, thọ, giới. Đã lìa dục rồi thì hỷ, dục, ái không thể trói buộc được nữa. Như vậy phải siêng năng quán cách đối trị tâm dục.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia làm sao dốc sức quán cách đối trị tâm sân?
Người kia trú trong tâm từ, thường nỗ lực quan sát chúng sinh vì làm điều ác nên mãi sinh tử trong năm đường luôn luôn bị sợ hãi, giống như sợ chết không khác. Tỳ Kheo quán chúng sinh như mẹ thương con. Các chúng sinh kia bị khổ như vậy thì sao có thể sân giận họ?
Nếu ta sân giận họ thì như trên mụt nhọt lại thêm một mụt nhọt nữa. Bản tánh chúng sinh đã khổ não như thế thì không nên sân giận họ. Sân là đại phiền não thứ hai, phải siêng năng quán cách đối trị tâm sân.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia làm sao dốc sức quán cách đối trị đại phiền não thứ ba?
Chúng sinh vì si mê nên bị che lấp, thân tạo nghiệp bất thiện, khẩu tạo nghiệp bất thiện, ý tạo nghiệp bất thiện. Sau khi qua đời, bị đọa vào năm đường ác sinh trong địa ngục. Nếu người nào lìa bỏ ngu si, tu hành chánh kiến, thân làm điều lành, miệng nói điều lành, ý nghĩ điều lành, biết rõ pháp thiện và pháp bất thiện, biết rõ tâm đúng pháp và phi pháp thì diệt được đại phiền não thứ ba. Như vậy dốc sức quán về cách đối trị tâm si.
Lại nữa, Tỳ Kheo kia siêng năng quán ba loại phiền não, ba cách đối trị và ba loại phiền não ấy diệt rồi thì tất cả kết sử phiền não đều diệt luôn. Giống như gốc cây bị chặt thì tất cả các phần như vỏ, thân, cành, lá, hoa, quả đều khô héo. Như vậy, nếu chặt đứt ba loại phiền não này thì tất cả phiền não đều diệt luôn.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Tỳ Kheo kia làm sao ở trong địa thứ bảy, tu tập địa thứ tám đạt được địa thứ tám.
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Tỳ Kheo kia đầu tiên quán đúng như thật về nhãn.
Vì sao kẻ phàm phu ngu si trong thế gian khi mắt thấy sắc thì khởi lên tâm tham, sân, si?
Kẻ phàm phu kia thấy tri thức hoặc phụ nữ thì sinh tâm tham, nếu thấy khác thì sinh tâm sân. Thấy đầy đủ đối tượng thì bị tham sân che lấp. Do nhãn thức đối với sắc không như thật nên tâm bị che lấp. Kẻ phàm phu ngu si do phân biệt nên khi nhãn thấy sắc thì bị tham, sân, si che lấp. Người tham ái tự ý phân biệt. Đây là ta, đây là cái của ta. Ái dục cấu nhiễm giống như con chó gặm cục xương.
Do nước miếng, nước dãi chảy ra để mong ăn được chất tủy, mà con chó tham lam kia răng lợi bị chảy máu, rồi liếm mùi vị ấy, cho là trong cục xương. Nó không biết đó là máu của mình có mùi vị như vậy. Do tham đắm mùi vị nên nó không biết mình đã lần lượt cắn lưỡi của mình rồi lại tham đắm nơi mùi vị ấy. Do tham lam che lấp nên nó cho đó là mùi vị của nước trong xương.
Kẻ phàm phu ngu si kia cũng lại như vậy. Do hư vọng phân biệt nên khi nhãn thức thấy sắc thì tham đắm hỷ lạc. Suy nghĩ, phân biệt lấy xương khô là sắc, bỏ trong miệng là đắm nhiễm nơi mắt. Cảnh giới giống như răng cắn xé. Ý cấu nhiễm giống như nước miếng.
Máu ái chảy ra rồi lại tham đắm vào mùi vị của máu ái đó, cho sắc là ngon, được mùi vị của sắc, giống như con chó kia. Kẻ phàm phu ngu si khi nhãn thức thấy sắc, giống như sắc của cục xương, hư vọng phân biệt giống như con chó gặm cục xương.
Quán như vậy: Mắt thấy sắc giống như thấy xương khô. Tất cả kẻ phàm phu ngu si do bị mê lầm mà phân biệt hư vọng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Kẻ Chiến Sĩ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Một - Phẩm Tứ đế
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cù Sư La
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Năm - Năm Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Trưởng Lão - Phần Bảy - Giới
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bốn - Phẩm đà la Ni - Tập Hai