Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP BA MƯƠI BỐN
Thế nào là như thuyết tu hành?
Người như thuyết tu hành là người làm việc một cách khéo léo. Nếu có điều gì cần nói, họ biết cách nói ít mà có thể làm lợi ích. Họ biết lúc nào nên nói, chỗ nào nên nói, không sớm không muộn, dùng ít lời nhưng chứa nhiều nghĩa. Họ giải thích rất hay và tương ưng với chánh pháp, làm lợi ích cho cả mình lẫn người. Mỗi khi nói gì, họ đều làm như điều họ đã nói.
Thế nào là gần người làm đúng như lời nói?
Đó là người thường tu tập thân, khẩu, ý một cách chân chánh, ý nghĩ của họ sạch như vàng ròng. Người này tu hành y như lời Phật dạy.
Thế nào là người giữ vững việc làm đúng theo lời nói?
Người này nếu có làm gì thì đều là việc trong sạch. Họ luôn quan sát việc làm của thân, khẩu, ý. Khi nghiệp đã trong sạch rồi họ được sinh vào Cõi Trời, Người cho đến Niết Bàn. Người này hoặc tự suy nghĩ, hoặc nghe theo người khác. Niềm vui của nghiệp báo ấy là niềm vui chắc chắn, giữ được bền lâu. Người bạn ấy là hạng giữ vững.
Thế nào là đắc pháp kiên cố tư duy?
Đó là họ giữ gìn điều trong sạch một cách chắc chắn, làm lợi ích hai đời. Thấy như vậy rồi họ suy nghĩ một cách chắc chắn. Người có ý suy nghĩ chắc chắn như vậy hoặc là theo lời dạy của người khác mà chắc chắn được quả báo lành, hoặc là tự suy nghĩ, ưa thích chân đế. Đó là người bạn ưa thích chân đế.
Thế nào là hạng giữ vững ý?
Đó là nghe nhiều rồi nhưng ý không loạn nên gọi là trụ ý.
Thế nào là gần người có cùng nghiệp thiện?
Đó là thấy người khác đồng công đức với mình liền gần người ấy.
Thế nào là không nghe điều ác của người khác dạy bảo?
Đó là không bị lôi kéo do phi pháp giống như pháp thiện của người khác, thân cận với bảy hạng tri thức đầy đủ công đức. Thiện Nam ấy hoặc sinh trong nhân gian, hoặc sinh lên Trời. Đây là pháp đầu tiên.
Sáu pháp còn lại để thành tựu việc được sinh lên Trời ấy là gì?
Đó là sáu pháp sau: Đa văn, thâu giữ tu hành, không biếng trễ, nhớ nghĩ, không bức bách kẻ khác, không khi dối. Như đã nói, ai thành tựu được bảy loại pháp này khi chết sẽ sinh trong đường lành là Cõi Trời, ở trong bảy cung điện lớn, làm Vua hoặc đại thần, cỡi cung điện như vậy, đi đến chỗ vui chơi, nghe năm loại âm nhạc, ca múa vui đùa, được trang điểm bằng vòng hoa kỳ diệu. Nếu ai thành tựu bảy pháp như vậy sẽ đi đến Cõi Trời.
Thế nào gọi là Đa văn?
Đa văn là nghe pháp chân chánh, nghe rồi chế ngự tâm không cho kiêu mạn. Nếu như họ có nghe điều gì thì tăng thêm đa văn, không sống phóng dật, trí không tự mãn thường học hỏi người khác, không khoe công đức của mình với người khác, không ca tụng danh tiếng mình. Người đa văn này khi chết sẽ sinh nơi đường lành là Cõi Trời. Đây là pháp thứ nhì, theo đó tu hành sẽ được thành tựu.
Thế nào là pháp thứ ba: Thâu giữ tu hành?
Đó là nghe pháp rồi thì hộ trì tu hành. Nếu có người nghe pháp rồi, lại hộ trì tu tập theo những luật lệ phi pháp, nghe pháp rồi họ coi pháp là gánh nặng, không tu tập nên không nắm giữ được thành quả của pháp.
Nếu có người dùng móc câu trí tuệ để hàng phục tâm và trì giới. Nếu trí ấy không yên tĩnh thì người trì giới đó giống như ngọn đèn đốt vào ban ngày, không có ánh sáng, không có chắc thật. Nếu trong việc trì giới mà có trí tuệ xen vào người ấy sẽ giống như ánh sáng ngọn đèn, vừa bền lại vừa thật, được kết quả không hư dối.
Người nào tu tập theo chánh pháp thì được lời nói chắc thật, chẳng phải chỉ nói suông mà không làm. Người ấy có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp đều trong sạch. Khi chết, người ấy sẽ sinh vào đường lành là Cõi Trời. Đây là pháp thứ ba.
Thứ tư: Pháp không biếng trễ là gì?
Biếng trễ nghĩa là không làm. Không làm nghĩa là pháp phải làm, họ bày ra rồi không làm, không thể đạt đến kết quả. Pháp ấy như vậy, nếu siêng năng không dứt thì có thể đạt đến kết quả, nếu biếng nhác không siêng năng thì không thể đạt đến kết quả.
Chỉ làm một chút ban đầu thì không thể thực hành đầy đủ đối với pháp thế gian và xuất thế gian. Nếu là người biếng nhác thì tất cả việc làm đều yếu kém, bị mọi người khinh rẻ, chê bai, tự chịu đau khổ, khi chết bị đọa vào đường ác là địa ngục.
Người này bị biếng nhác phá hoại. Biếng nhác ghê gớm như vậy nên ta phải xả bỏ nó như xả bỏ lửa và dao, như bờ hiểm dễ rớt. Ai bị biếng nhác hủy hoại thì biếng nhác không có oai đức giống như con dê. Người ấy không có trí tuệ, không biết tất cả việc làm hoặc trí hoặc phi trí, hoặc pháp hoặc phi pháp, nên làm hay không nên làm, không biết gì cả.
Vì sao?
Do không đọc Kinh, không nghe pháp, do biếng nhác.
Nếu có người bàn luận để khai mở tâm ý về những điều hiểu biết bằng trí tuệ để biết tất cả hoặc pháp hoặc phi pháp, nên làm hay không nên làm, nên đi hay không nên đi, phải biết tất cả những pháp như vậy nhờ trí tuệ, nhờ tinh tấn mới biết được, còn biếng nhác thì không thể biết.
Những người biếng nhác không khác người mù, khi chết sẽ bị đọa vào đường ác là địa ngục.
Người này không thể nào ra khỏi thế gian và phải chịu khổ vô cùng, phải ăn xin ở nhà người khác, thường đứng dựa cổng nhà người khác cầu xin thức ăn, thường cầu cạnh người khác, dung mạo xấu xí, tóc che kín mắt, mắt khô, móng chân, da, tất cả đều khô cháy, phải đến xin ăn ở từng nhà khắp bốn phía xóm làng, cuộc sống rất cay đắng, bị tất cả khinh chê. Do nhân duyên này ta nên xả bỏ tất cả sự biếng nhác.
Ngược lại, người siêng năng thì thành tựu tất cả mọi việc kể cả Niết Bàn, huống gì là các pháp thế gian khác. Khi chết, người này sinh vào đường lành là Cõi Trời. Do vậy, hoặc Trời, hoặc người, tất cả đều nên xả bỏ biếng nhác và phải siêng năng.
Khi ấy Phật Tỳ Diệp Bà nói kệ:
Ý biếng nhác với huyễn
Hoặc mạn hoặc ác khẩu
Hoặc xả bỏ trí tuệ
Đó là sự thoái thất.
Gần gũi với bạn ác
Xa lánh những bạn lành
Hoặc là thấy sai lầm
Là nhân của thoái thất.
Không biết thiện và ác
Nói năng không đúng thời
Hoặc là tin phụ nữ
Là việc không lợi ích.
Gần gũi với người nào
Ăn uống ở nơi đâu
Thân không được lợi ích
Pháp này khiến người khinh.
Hèn nhát hoặc thất niệm
Hoặc là bị Vua ghét
Hoặc là tâm ngang ngược
Sẽ chết bất thình lình.
Không biết rõ nghiệp quả
Pháp cùng với phi pháp
Xa lìa người bạn lành
Liền đọa vào đường ác.
Biếng nhác hoặc ngủ nhiều
Hoặc tham đắm mùi vị
Sân hận và nói láo
Hoặc nói lời hung ác.
Tham lam hoặc kiêu mạn
Tâm động xả bỏ pháp
Nếu làm, gần dâm dục
Hoặc khen pháp dâm dục.
Như vậy có ba lỗi
Biếng nhác là gốc rễ
Người nào siêng tinh tấn
Thì không có các lỗi.
Ai siêng năng tinh tấn
Đều thành tựu kết quả
Kết cuộc của tinh tấn
Là thành quả tốt đẹp.
Ba loại nghiệp như vậy
Hay được ba loại quả
Ba nhóm ba nguồn gốc
Chắc chắn có ba đường.
Chữ viết trên vách nơi Tháp Phật Tỳ Diệp Bà đã nói bài kệ này chê trách việc biếng nhác.
Thiên Chúng xem rồi nói: Chúng ta quyết định xả bỏ biếng nhác. Từ biếng nhác này có các lỗi khác phát sinh.
Như Phật dạy, hoặc là Trời, hoặc là người mà biếng nhác thì tất cả việc làm đều sút kém trong tất cả các thời. Nếu vị Trời hoặc người nào mà không biếng nhác thì sẽ dần dần tiến đến Niết Bàn. Pháp thứ tư này có tác dụng lợi ích đối với Cõi Trời, Người.
Pháp thứ năm có nhiều tác dụng, có nhiều lợi ích là: Nhớ nghĩ. Cái có thể làm chướng ngại tất cả các pháp là biếng nhác. Như vậy trong tất cả pháp thế gian, nhớ nghĩ là cội gốc có thể dẫn chúng ta đến Niết Bàn. Người xuất gia hoặc người tại gia nghĩ đến không phóng dật nên không sống phóng dật thì tất cả việc làm đều thành tựu.
Người này thường tạo nghiệp như chánh pháp, siêng năng tinh tấn, tâm nhớ nghĩ hành động chân chánh theo chỗ mong cầu. Người này luôn hộ trì năm căn không cho trần cảnh xâm nhập, não hại, tâm không bị mê hoặc. Mắt thấy sắc rồi không có sinh dục nhiễm đối với sắc ấy, tâm không ưa thích, thấy như thật về sắc và biết nguồn gốc của nó.
Vị ấy thấy nhân duyên nguồn gốc của sắc này, biết nó do duyên gì sinh ra. Vị ấy thấy sắc như vậy rồi, tâm không vẩn đục rối loạn. Như vậy sắc ấy không thể lôi kéo người này vì người ấy đã thấy như thật về sắc đó. Người xuất gia, hoặc người tại gia hoặc là hàng Trời, Người, biết cái lỗi do sắc sẽ sinh, lỗi do sắc đã diệt. Họ biết tâm duyên sắc ấy ở nơi nào, xứ nào.
Mắt duyên với cảnh giới như vậy sinh ra thức. Do cảnh giới ấy nên sinh ra nỗi sợ của ta. Niệm trong sạch này có thể trừ được phiền não. Ta nhờ niệm này đã trừ được nỗi lo sợ về cảnh giới như vậy, vì sự sợ hãi ấy phát sinh ở các cảnh giới.
Điều mong mỏi nhất là nhờ tâm chánh niệm ta có thể trừ bỏ vô lượng nỗi lo sợ về cảnh giới sắc, đối với những cảnh giới sắc mà tâm niệm duyên theo thì ta có thể trừ bỏ dần dần ở trong từng niệm. Giống như người thợ rèn, lấy miếng đồng tốt đặt vào lửa rồi đem ra gò, cứ đưa vào lửa rồi đem ra gò.
Nhiều lần như vậy, chuyên cần không nghỉ, dần dần trừ bỏ được rỉ sét làm cho nó trở nên tinh luyện, cũng vậy, chánh niệm hoàn toàn sẽ trừ được tâm cấu uế dần dần cho đến khi được trong sạch.
Lại như người thợ đúc bình, do nhiều điều kiện và sự khéo tập hợp lại làm cho cục đất bùn trở thành bình, người này với tâm chuyên cần, chánh niệm, nhân duyên tu tập đó như là duyên sinh ra cái bình, chánh niệm quan sát ngay khi mặc áo, tuần tự từ hành động ban đầu, chánh niệm, cho đến khi hoàn tất.
Cần phát chánh niệm như vậy lần lượt cho đến khi hết sạch tất cả lỗi, được thấy chân đế, tâm được Thánh ấn ấn khả, lỗi của vị ấy đã hết. Do lỗi đã hết, mọi người đều biết như vậy.
Vì thế, nếu muốn được hoàn thiện thì phải luôn luôn chánh niệm trong tất cả các thời. Nếu mắt duyên với sắc liền dùng niệm giữ chặt tâm, không cho lay động như điều phục ngựa dữ, dùng chánh niệm giữ vững cảnh giới đã qua, ngăn cảnh giới đang hiện trước mặt, niệm chín mươi tám thứ phiền não.
Thế nào là niệm trụ?
Niệm trụ là khi tham dục phát sinh, hành giả không chạy theo nó, không cho tâm tán loạn. Niệm trụ này tư duy đúng như thật về sắc này, sắc kia, gồm có vô lượng loại, vô lượng hình tướng, quán bốn Thánh đế: Khổ, tập, diệt, đạo khiến cho tất cả dục nhiễm kia đều vắng lặng hoặc diệt hết, hoặc đều mỏng bớt.
Thế lực của pháp thiện này là gì?
Hệ niệm là nguồn gốc của nó. Tất cả pháp thiện đều dựa vào niệm trụ mà vận hành. Đó là niệm trong hiện tại.
Thế nào là niệm pháp ở đời vị lai?
Vị lai chưa có, chưa sinh, chưa thấy, vậy tướng của cảnh giới ấy làm sao mà niệm, nếu có cảnh giới mới có thể niệm, cảnh giới trong đời vị lai chưa có làm sao để niệm?
Điều cần niệm tuy chưa có nhưng thấy tướng trạng nhân duyên đưa đến nên có thể niệm được, như là thấy có người tu tập thân, khẩu, ý, thực hành nghiệp thiện, thấy rồi liền niệm người này chắc chắn sẽ sinh Thiên. Nếu thấy có vị Trời thực hành nghiệp ác liền niệm vị Trời này chắc chắn phải đọa vào địa ngục. Pháp niệm này là pháp thứ năm có nhiều tác dụng, nhiều lợi ích cho hàng Trời, Người.
Pháp thứ sáu có nhiều tác dụng, nhiều lợi ích cho hàng Trời, Người là không gây phiền não người khác.
Ai không làm não hại người thì tâm sẽ vắng lặng, không sinh phân biệt là người này có phạm hạnh, hay người này không phạm hạnh, không sinh ganh ghét khi thấy ngọa cụ, thuốc men của người, không nói thầm, cũng không nói ra: Tôi là người trì giới.
Nếu trì giới chút ít, tụng Kinh chút ít thì không được đem khoe nơi nhà Đàn việt, giữ tâm bình đẳng đối với kẻ oán người thân, thường nhớ nghĩ về Tam Bảo, không tự phá giới, không não loạn người trì giới, không đòi hỏi nhiều đồ dùng nơi các Đàn việt, tâm của người này đằm thắm, thường cầu xin sư trưởng nói pháp, thường ở chỗ vắng và luôn gần gũi người có phạm hạnh. Người tương ưng với công đức này không làm não hại người khác. Do không làm não hại người khác nên có nhiều tác dụng, có nhiều lợi ích.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba