Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BA MƯƠI NĂM  

Pháp thứ bảy có nhiều tác dụng, có nhiều lợi ích trong Cõi Trời, Người là không lừa dối, tự giấu công đức, trừ bỏ nghiệp ác, tâm ý ngay thẳng, biết đủ về y bát, thường xuyên khất thực, ở trong rừng cây, hang núi, ăn uống vừa đủ, giữ tâm bình đẳng không phân biệt cao thấp, khi có lý do mới đi du hành trong nhân gian.

Không đi ở nơi nghi là có trùng kiến, không phá hủy sông đầm, hồ nước… vì sợ giết trùng, không cầu khẩn mưa, đá, sấm sét… khiến rớt xuống giết hại chúng sinh, không nói chuyện trăng sao, nhật thực, nguyệt thực, điềm lành, điềm dữ để cầu sự cúng dường tài vật, đồ ăn uống nuôi thân mạng, không thường qua lại một nhà Đàn việt, cũng không vênh mặt, ngước đầu mà đi.

Không được động môi giả đang tụng niệm, không nói to tiếng, cũng không nói lén, không mang giày dép tạp nhạp, không lấy đủ loại dây để quấn quanh thân thể, không mang túi thơm và nhiều màu, không tích trữ ngọa cụ, không nương ở với đại chúng không có giới và công đức.

Không bảo người khác vào thành ấp, xóm làng, nói về việc trì giới của mình vì mong cầu lợi dưỡng, không đến những nơi làm loạn tâm ý, không tham cầu, không ở gần thôn xóm, không đường đột đến nhà bà con và bạn bè thân thiết để nhờ vả, không phơi bày việc xấu và che giấu đức tốt của người khác, khi thấy người thật có lỗi.

Không đem nói khi vắng mặt họ, né tránh phụ nữ như tránh rắn độc, không nói chuyện và đi chung với các phụ nữ, không tìm đến những cây có nhiều hoa, cũng không dạo chơi nơi vườn cây xinh đẹp vì sợ nghe tiếng hót của các loài chim đáng yêu sẽ làm cho tâm dục phát sinh, không ngồi thiền nơi sông suối có nhiều tiếng động vì sợ tâm loạn động khi nghe tiếng ấy.

Không ngồi thiền và đi kinh hành ở gần các loại hoa có nhiều hương thơm vì sợ mũi ngửi mùi thơm làm tâm ý loạn động, cũng không nhìn ngắm các loài chim, các loại chim màu, ngỗng, vịt, mạng mạng, chim sẻ… không nhìn ngắm và đi kinh hành gần các loại chim đa dục vì sợ động tâm, sợ thấy các con chim mái khiến tâm dục phát khởi.

Không ngồi thiền gần các rừng cây như là cây dừa, cây Ba na bà, cây mẫu thước, cây xoài, cây Tỳ La, cây Ca ty tha, cây Ba lưu sa, cây Khư thù la, vì sợ sinh tâm tham mùi vị của nó, lìa những cây ăn quả đến tọa thiền ở những rừng cây yên tĩnh, không có mùi vị đáng tham đắm, không có nhiều người, hoặc ở trong vườn an lạc hạnh, siêng năng tinh tấn.

Đối với sự oán ghét và chống đối, tâm thường không loạn, không nhận giữ những thứ để cất chùa và đất cày, người đoạn trừ tham ái này dùng dây ràng bát sắt mục nát lại để đựng đồ ăn thức uống, tâm không nghĩ đến bát đồng hay bạc. Họ không tích trữ đến ba cái chén, ca sa họ có vừa đủ, vào mùa hạ, trừ khi đại tiểu tiện, không đi lung tung cho đến một bước vì sợ giết trùng.

Ăn trái xa di, họ ăn trái còn tươi, không ăn trái thối. Khi ăn trái táo nhỏ, nếu không xem kỹ thì họ không ăn, ăn trái lê, trái khư thù la, trái táo, đậu oản, đậu mục… nếu không xem kỹ thì họ không ăn vì sợ bên trong có trùng.

Họ không bao giờ dẹp đuổi các con trùng sinh trên vách đất vì sợ làm tổn thương chúng, làm chúng chết. Họ ngồi yên một chỗ, không nhìn xem bát của người khác vì sợ tham thức ăn. Lúc đi đường người ấy không đi gần người khác vì sợ làm trở ngại. Họ không đại tiểu tiện nơi đất có nhiều trùng vì sợ làm tổn thương trùng và làm chết chúng. Lúc đi khất thực, họ nhìn xuống đất phía trước mặt cách chân một tầm để giữ tâm ngay thẳng.

Họ thường gần người có tâm chánh trực. Tỳ Kheo này không tích chứa các vật, không mong cầu vật gì, tâm không thích thấy vật hiếm có và siêng năng ngồi thiền. Tỳ Kheo hiền thiện này, không dối trá, trì giới thanh tịnh, không vi phạm. Mạng sống và nội tâm họ thanh tịnh như vậy.

Tỳ Kheo này giữ giới một cách chắc chắn, không bao giờ phạm học giới. Tỳ Kheo hiền thiện ấy sinh trong đường như vậy tùy theo tâm niệm. Do họ thường sống trong sạch nên có ý thiện phát sinh, những điều không vui ít sinh và họ nguyện sinh trong đường lành.

Khi ấy, Phật Tỳ diệp bà nói kệ:

Người nào sống trong sạch

Thân, khẩu, ý lặng lẽ

Ngồi thiền lìa tham ái

Cách Niết Bàn không xa.

Tinh tấn hạnh Đầu Đà

Ở gò mả rừng cây

Thường ở nơi như vậy

Cách Niết Bàn không xa.

Ai ngủ trên bụi đất

Giữ một bát hư bể

Ăn trái, rễ biết đủ

Người ấy sống an lạc.

Người muốn được giải thoát

Thường thích sự biết đủ

Người ý lành mạnh mẽ

Cách Niết Bàn không xa.

Không dua nịnh, lừa dối

Xa lìa các trần cấu

Tâm họ như hư không

Cách Niết Bàn không xa.

Vị Phật ấy khen ngợi Tỳ Kheo có hạnh lành không dua nịnh, lừa dối như vậy.

Người thành tựu bảy pháp như thế là Thiện Nam. Người nào sống theo dục lạc thì chìm trong biển sinh tử, không khác súc sinh, tuy mang hình người nhưng thật chẳng phải người.

Người nào có thể thành tựu bảy pháp ấy liền được các bậc thiện nhân khen ngợi, khi chết sẽ sinh vào đường lành là Cõi Trời. Thọ diệu lạc Cõi Trời xong, thoái đọa xuống sinh trong loài người liền được nhập Niết Bàn nhờ nghiệp còn sót lại. Họ là người hiền thiện nhất.

Bảy pháp này từ pháp đầu tiên là gần gũi thiện tri thức, kế đến là các pháp đa văn, giữ vững sự tu hành, chánh niệm không biếng nhác, không làm não hại người khác, không lừa dối… không phải là pháp hư dối, tà vạy vì bảy pháp này là nhân duyên của kho tàng báu khiến ta được sinh trong Cõi Trời.

Nếu ở Cõi Trời nghe pháp này rồi chớ có sống phóng dật, vì nếu phóng dật sẽ khiến phước đức tiêu hết và đến lúc thoái đọa sẽ rớt xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì vậy Chư Thiên chớ nên sống phóng dật để tự làm hỏng đời mình. Ở trong các cõi, không ai sống buông lung mà được an lạc. Con người thành tựu bảy pháp này sinh lên Trời.

Ba nguyên nhân khiến cho ở Cõi Trời khi bị thoái đọa sẽ rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là: Không nghe chánh pháp, gần tri thức ác và không tin nghiệp quả. Nếu không thành tựu bảy pháp này sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Bấy giờ, Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà bảo Thiên Chúng: Các ông đã nghe tất cả điều này. Đức Phật đó đã dùng tâm thương xót tạo lợi ích cho chúng sinh.

Khi Thiên Vương nói xong, tất cả Thiên Chúng đều bạch với Thiên Vương: Nay chúng con đã nghe Kinh do Như Lai thuyết giảng, vì thương xót thế gian mà Đức Phật đã tạo lợi ích cho chúng con, đã thuyết pháp như vậy để trừ bỏ phóng dật.

Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà bảo Thiên Chúng: Các ông nghe Kinh này xong chớ có phóng dật. Do phóng dật mà Chư Thiên sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Vì sao?

Vì các ông nhờ vật quý trọng có giá trị lớn nên mới được sinh vào Cõi Trời này, nay không nên phóng dật khiến cho nó hết sạch mà phải thâu giữ, hành động chân chánh, xả bỏ phóng dật như lời Phật dạy trong Kinh này.

Kinh thứ tư trong sáu Kinh, Phật Tỳ Diệp Bà đã nói xong.

Bấy giờ, Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà chỉ cho Thiên Chúng Kinh chép trong Tháp Phật. Sau khi khiến cho tâm của Thiên Chúng ấy được thuần thục rồi, Thiên Chủ lại chỉ rõ về sự khổ não của sinh tử. Nó có vô lượng lỗi lầm chất đầy trong đó.

Những nỗi khổ như là: Xa lìa những người mình thích, gần những người mình ghét, già chết, buồn rầu khóc lóc đều gồm đầy đủ. Sinh tử, thoái thất chứa đầy các việc khổ não.

Bấy giờ, thấy tâm của Thiên Chúng đã được điều phục tốt, Thiên Vương lại đem tâm thương xót tạo lợi ích cho chúng sinh, nói với họ: Thiên chúng các ông nên biết: Tất cả Chư Thiên ai sống phóng dật chắc chắn sẽ chịu khổ não.

Sau này đến giờ chết sẽ sinh tâm hối hận, hết sức nóng bức, khổ sở, mắc phải tai họa lớn. Lúc ấy, không thể dùng phương tiện gì mà thoát được, bị dây nghiệp trói buộc, dắt đi một mình không bè bạn. Hoặc người, hoặc rồng, hoặc địa ngục, khi sắp vào địa ngục bị dây trói của tử thần buộc, không có bạn đồng hành, chỉ có pháp thiện hoặc pháp bất thiện đi theo ở trong tất cả các biển chúng sinh.

Bấy giờ Thiên Chúng ấy lại bạch Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà: Thưa Thiên Chủ, đúng vậy! Vào lúc ấy sẽ không có một người bạn đồng hành, trừ pháp và phi pháp.

Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà bảo Thiên Chúng: Thiên chúng các ông nên biết như vậy và phải biết khi ấy không có bạn đồng hành.

Thiên Vương nói tiếp: Thiên chúng các ông nếu muốn hạt giống tín tâm tăng trưởng, muốn được an lạc, hết khổ hoàn toàn thì nay ở trong Cõi Trời này có Tháp báu bằng vàng Diêm phù na đà, lưới bằng ngọc quý giá trùm bên trên, được trang trí bằng bảy cây trụ báu, đủ loại bảo vật, đủ loại ánh sáng.

Đó là Tháp của Phật Ca Na Ca Mâu Ni. Ta đang cùng tất cả Thiên Chúng các ông đến viếng Tháp ấy. Đến Tháp rồi, sẽ lễ bái, cúng dường và vào trong Tháp. Vào Tháp rồi, sẽ xem hết tất cả các bài pháp có trong ấy. Xem rồi sẽ ghi nhớ, nhớ rồi sẽ tu hành để tự tạo lợi ích, ra khỏi sinh tử, tuần tự tiến đến Niết Bàn.

Khi ấy, sau khi nghe Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà nói như vậy, Thiên Chúng đều sinh tâm kính trọng, lìa bỏ tâm phóng dật, các căn được tịch tĩnh và cùng nhau hướng về Tháp Phật Ca Na Ca Mâu Ni, thấy ánh sáng của Tháp như đã nói ở trước. Bấy giờ, tất cả Thiên Chúng đều cùng Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà đến viếng Tháp Phật ấy.

Đến Tháp Phật rồi, Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà bảo Thiên Chúng: Vì thương xót chúng sinh, Đức Phật Ca Na Ca Mâu Ni nói: Tất cả các pháp đều vô thường. Để làm lợi ích cho thế gian, vì thương xót chúng sinh nên hóa hiện điều ấy trên vách Tháp Phật.

Này Thiên Chúng! Nếu người nào gặp pháp ấy liền sinh tâm chán lìa, thấy các pháp vô thường nên sinh tâm chán lìa. Những điều Đức Phật ấy dạy bảo, giáo hóa đều được hóa hiện trên vách Tháp Phật đó.

Nói như vậy rồi, Thiên Vương cùng Thiên Chúng vào trong Tháp Phật. Tháp ấy rộng mười do tuần. Bên trong Tháp cho thấy tất cả sinh tử đều vô thường, tất cả sự đầy đủ đều thoái thất, do nghiệp của mình dẫn dắt nên không được tự tại. Những cảnh giới khác nhau, sai biệt theo năm đường đều hóa hiện nơi vách Tháp Phật, tương tự như hiện trong gương. Màu sắc của nó rõ ràng, y như cảnh thật, nơi nơi đều phân biệt rõ ràng như một bức tranh đủ màu.

trong một gian nhà, nơi ấy ta thấy tám địa ngục là: Hắc thằng, Hợp, Kêu gào, Kêu gào lớn, Nóng, Rất nóng cho đến A tỳ… ta thấy Chư thiên bị đọa trong đó, bị gió nghiệp thổi làm đầu rơi xuống chân, toàn thân bốc cháy, màu lửa trên toàn thân giống như cây kim thư ca, bên trên cao đến Cõi Trời, dưới xuống đến địa ngục.

Họ lớn tiếng kêu gào và bị tự mình lừa dối. Do nghiệp thiện đã hết, lại bị phóng dật lừa dối, nên sau khi hưởng hết thú vui tột bậc ở Cõi Trời, họ liền bị đọa vào chỗ rất khổ não là địa ngục, chỉ có một mình, không bạn bè.

Họ lìa bỏ anh em và bè bạn thân thiết, đọa vào địa ngục không ai cứu được. Cảnh đầu tiên mà Thiên Chúng các ông thấy rõ ràng trên vách Tháp là cảnh Trời Tứ Thiên Vương bị đọa vào địa ngục. Trời Tứ Thiên Vương có lỗi sát sinh, có lỗi trộm cắp.

Trời Tứ Thiên Vương sát sinh thế nào?

Lúc Thiên Chúng đánh nhau với A Tu La, giết A Tu La, khi Chư Thiên thắng, A Tu La bại, Chư Thiên đoạt lấy mũ đội đầu, thiết đao và tất cả của cải của A Tu La, do nghiệp này hoặc nghiệp kia, nên họ bị đọa vào địa ngục. Do bị tâm lừa dối, họ tạo nghiệp như vậy ở trong Cõi Trời. Lúc bị thoái đọa, thân năm ấm diệt hết, họ theo thân trung ấm sinh trong địa ngục.

Lúc rời bỏ chỗ vui ấy để nhận thân trung ấm, họ rất đau khổ. Khi ở trong thân trung ấm như vậy, họ đã khổ não không chịu nỗi, huống gì là vào trong địa ngục chịu đủ loại khổ lớn. Đó là nghiệp lớn điều khiển các chúng sinh ấy. Trên Trời thoái đọa, sinh trong địa ngục, Thiên Chúng đều thấy sự biến hóa của Đức Thế Tôn ở trong Tháp Phật.

Lại nữa, ở nơi khác trong Tháp ấy, Thiên Chúng thấy Trời Tứ Thiên Vương khi thoái đọa ra khỏi Cõi Trời, bị sinh trong ngạ quỷ. Vị Thiên ấy khi đã hưởng hết phước rồi sinh nơi đồng trống, chịu sự đói khát, khổ não. Từ lâu vị ấy mặc thiên y, nay tóc trên đầu che mặt, che thân khiến vị ấy sống một cách tối tăm.

Thân của vị ấy như cây bị thiêu đốt, lõa lồ không có quần áo, hoặc có vị mặc áo lửa, ở chỗ hoang vắng bị đói khát hành hạ thân, kêu la inh ỏi. Họ không thể kiếm được một chút nước như giọt sương. Họ sinh trong ba mươi sáu cảnh giới ngạ quỷ.

Trên vách Tháp Phật, Thiên Chúng Trời Dạ Ma thấy chim quạ, chồn cáo mổ khoét mặt, hoặc mắt, hoặc miệng của những kẻ bị đọa. Họ thấy đất ở Cõi Trời ấy rất mềm dẻo, vui chơi rồi về sau lại sinh vào cảnh giới ngạ quỷ, đất cứng và nóng như lửa. Đất này do những bụi đất phiền não nóng bức hợp lại thành. Có những con trùng đen, mỏ bằng kim cương. Trong vách Tháp Phật, Thiên Chúng Trời Dạ Ma thấy các quỷ kêu la ấy từ Cõi Trời thoái đọa xuống.

Lại nữa, ở Cõi Trời họ được ngửi mùi hương thơm, hoặc là Mạn Đà La, hoặc là Cư Thế Xa và các loại hương thơm thù thắng khác, được ngửi hết thảy trăm ngàn loại hương. Về sau, họ phải sống ở nơi có phân và nước tiểu bất tịnh, hôi hám, hoặc là gò mả chứa tử thi thối rửa.

Ngạ Quỷ này phải ngửi vô lượng loại vật bất tịnh và không khí hôi hám uế tạp. Mũi họ có nhiều kiến lửa sinh sống đầy trong đó. Việc các ngạ quỷ ấy sinh trong cõi ngạ quỷ, ta có thể thấy trên vách trong Tháp Phật.

Lại nữa, trước kia khi sống ở Cõi Trời có vô lượng loại thức ăn thơm ngon, màu sắc và mùi vị đáng ưa, đầy đủ hương thơm, đến khi mang thân ngạ quỷ hý lộng thì chất bất tịnh nhất, khí hôi hám nhất và phân cũng khó có được. Trong một trăm năm, ngay cả phân, họ cũng chưa từng được ăn. Việc này được thấy trên vách ở một nơi trong Tháp Phật. Việc ăn phân cũng được thấy trên vách Tháp ấy.

Áo vị Trời ấy mặc trên thân rất mềm mại, rờ vào rất láng. Nó do vô lượng châu báu dệt thành như sở thích của Chư Thiên, rất đáng yêu. Ở Cõi Trời đã mặc áo như vậy, lại có gió Trời thổi mang đủ loại hoa phủ kín thân. Về sau, do nghiệp thiện hết, họ sinh trong ngạ quỷ, lõa hình không quần áo, thân mình sinh ra lông, lông rất nhiều, cứng và màu vàng che khắp.

Trên khắp thân có trăm ngàn con trùng đen rúc rỉa, lại có nhiều loại trùng lửa ăn thân thể ấy. Người sinh làm ngạ quỷ bị đói khát thiêu đốt thân, thường gầy ốm, mắt và mặt đều lở lói vì kêu khóc, chịu nỗi khổ của ngạ quỷ một cách lâu dài, do phóng dật lừa dối nên từ Trời thoái đọa xuống làm ngạ quỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần