Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Mười Một - Hiểu Rõ Thức ăn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI MỘT
HIỂU RÕ THỨC ĂN
Phật ở rừng Ba Chất
Thiên Đế dâng trăm vị
Lại ở thành Xá Vệ
Ba tư nặc cúng dường.
Tỳ Lan nhã thiết trai
Cơm tuy có vị ngon
Thọ với tâm bình đẳng
Kính lễ Đấng Vô Trước.
Tuy dùng cơm này rồi
Chẳng đắm, chẳng vì sắc
Cũng chẳng tạo kiêu mạn
Trừ bỏ mọi cao ngạo.
Thọ cúng dường nơi ấy
Như vượt đại lộ vắng
Chẳng vì cầu ngon ngọt
Vì vậy xin đảnh lễ.
Bấy giờ, người tu hành nên quán về thức ăn: Dù cho món ăn có trăm vị hay món ăn dở, thì khi vào trong bụng như nhau, không có gì khác.
Đưa thức ăn vào miệng nhai, cùng hòa với nước miếng và thứ nôn ra giống nhau. Nếu vào sinh tạng thì thân hỏa nung nấu, nước trong thân làm tan ra, gió thổi xoay vần, dần dần tiêu hóa, đưa vào thục tạng, chất cứng là phân, chất nước là nước tiểu, bọt là nước mũi, nước miếng.
Trong tạng, chất cần thiết thấm vào thành cơ thể, những chất cần thiết này chảy vào khắp các mạch, để rồi nuôi dưỡng tóc, lông, móng, răng, xương, tủy, máu, thịt, mỡ, tinh khí, đầu não.
Đó là bốn đại bên ngoài nuôi dưỡng năm căn bên trong. Các căn đắc lực nuôi lớn tâm pháp, khởi dâm, nộ, si. Muốn biết điều ấy thì phải suy gẫm về gốc rễ của sự ăn uống, do đó mà phát khởi.
Bài tụng rằng:
Đồ ngon, kể ra nhiều vô số
Vào trong bụng rồi khác gì đâu
Ở đó biến thành đồ bất tịnh
Cho nên người tu chẳng tham ăn.
Tuy cần ăn uống, nhưng chẳng cầu to béo, cốt là nuôi thân. Ví như viên quan lớn bắt các con chim, cắt het cánh rồi nhốt vào lồng.
Hằng ngày chọn con mập để cấp cho quan đầu bếp. Khi ấy các con chim ngày càng giảm dần.
Trong đó có một con nghĩ rằng: Con mập chết trước, nếu ta mập thì cũng chết như con trước, còn nếu không ăn thì sẽ chết đói. Nay nên tiết chế ăn uống để cho thân không mập, cũng đừng khiến quá ốm, khiến thân thể nhẹ nhàng, ra vào không ngại, chẳng bị viên quan thấy làm hại. Lông cánh có thể dần dần sinh trưởng. Nếu thoát ra lồng thì bay đi đến đâu tùy thích.
Người tu hành cũng nghĩ như thế: Ăn uống là cốt để an thân, khiến thân thể không nặng nề, ăn uống vừa phải, dễ tiêu, ngủ ít. Ngồi đứng kinh hành, thở ra vào đều an ổn, ít đại tiểu tiện. Đối với thân thì làm cạn mỏng dâm, nộ, si.
Người tu hành nên quán như thế này: Ta chẳng tham đắm thân, trừ bỏ các tình dục, thân này chẳng quan trọng, xương cốt dính liền chống đỡ nhau. Nay trong thân ấy chỉ chứa đồ bất tịnh, không có gì là kiên cố, ví như oan gia không bị giam hãm, thường mang giặc oan đến làm thương tổn thân hữu. Nên vận dụng nó mà cúng dường phụng sự.
Ví như nhà Vua, nên sử dụng thân như thế nào?
Tuân theo lời Phật dạy ngồi, đứng, Kinh hanh, khiến không có tai hoạn. Thường quán thức ăn như đồ uống tồi, biết đầy đủ các chất dơ bẩn trong đó, đem nuôi thân mạng, cốt để được hành đạo, như có thân thuộc chẳng thể vứt bỏ.
Thân cũng như vậy, tắm rửa, ăn uống, y phục che thân. Như thương yêu một đứa con, thường chăm sóc chẳng khiến nó khổ vì lạnh, nóng, đói khát, chẳng bị muỗi mòng, rận rệp đốt cắn.
Như có nghịch tặc bị bắt giam vào ngục, ngục tốt tra khảo trừng trị, biết bao cách trước, sau ăn cướp vật của ai?
Nhà ở đâu?
Ăn cướp rồi giấu ở đâu?
Đồng bọn gồm có ai?
Thủ lãnh của cả bọn là ai?
Dùng năm loại độc để trừng trị.
Chết đi sống lại, liền tự nghĩ: Dùng cách nào để thoát khỏi sự đánh đập?
Tâm liền khai mở, nói với người giữ ngục: Từ xa, ở nước nọ có một người con của đại trưởng giả, tên là Cấm Giới. Đồ ăn trộm được, xưa nay tôi đều gởi nơi đó. Ở tại nhà đó, chúng tôi cùng đi ăn trộm, nó là bạn tôi.
Chủ ngục nghe lời, bắt con của trưởng giả nhốt cùng với tên ăn trộm kia, trong một nhà lao, cột với nhau bằng dây sắt.
Khi ấy, người nhà của con trưởng giả có đem thức ăn đến, liền ăn một mình, chẳng chia cho tên ăn trộm, tên ăn trộm rất tức giận, trợn mắt nghiến răng, toát mồ hôi, than thở, muốn khởi ý ác, khiến con của trưởng giả chẳng tự che chở thân mạng mình, huống là ăn một mình.
Con của trưởng giả muốn đi tiểu tiện, chẳng thể ráng chịu trong khoảnh khắc, chẳng đi đây đó, chỉ muốn đến nhà sau, liền nói với tên ăn trộm: Cùng lên nhà xí với tôi.
Tên ăn trộm đáp: Chỗ mà anh đến, tôi không thể đến.
Con trưởng giả bị bức bách cùng cực, bảo tên ăn trộm: Tôi không có lỗi với anh, anh đưa tôi vào vòng lao lý. Nay tôi muốn đi tiểu, anh lại chẳng cùng đi với tôi. Nếu chẳng bị trói chung với anh, tôi chẳng bao giờ báo anh. Nếu tôi có điều gì xúc phạm anh thì cứ nói để cho tôi biết lỗi mà xin tạ lỗi.
Tên ăn trộm đáp: Anh thật chẳng có lỗi gì, nhưng tôi đưa anh vào đây vì anh có bà con đông, tôi thì muốn tự thoát khỏi tội, chẳng muốn bị khảo tra, mong được ăn uống, cho nên mới nói dối. Anh có người mang thức ăn, lại ăn một mình, chẳng chịu cho tôi, nên tôi không đi theo anh.
Con của trưởng giả đáp: Biết mối hận của anh rồi, từ nay về sau không bao giờ thất lễ nữa. Nếu có người mang thức ăn đến, tôi sẽ mời anh xơi trước, sau đó tôi mới ăn, để duy trì mạng sống thôi. Xin anh cùng đến nhà sau, khiến thân tôi được thư thái.
Tên ăn trộm mới đi theo.
Ngày hôm sau, cơm mang đến, liền sai nô tỳ: Hãy đưa cơm đến mời người bên cạnh trước, cơm còn dư lại mới đem cho ta.
Nô tỳ vâng lệnh làm theo lời người chủ. Khi về đến nhà, nô tỳ thưa lại đầy đủ với trưởng giả. Trưởng giả nghe nói, lòng nổi sân giận.
Ngày hôm sau, đi đến ngục, gọi đứa con bảo: Ngươi sinh vào dòng dõi giàu sang mà lại theo làm việc với bọn nghịch tặc, ác nhân, rồi cùng thân mật, gần gũi mà hoàn toàn chẳng hay biết. Điều ấy đã đưa ngươi vào vòng lao ngục.
Đứa con đáp: Lời cha dạy rất đúng! Con chẳng kính người này, cho là thân quen. Con biết rõ nó là tên trộm. Con muốn đi tiểu tiện, ép nó chẳng đi theo. Thân nặng, bụng trướng, mắt trợn, tai ù, đầu nhưc, lưng mỏi, xương sườn, ngực, như muốn bật ra, lồng ngực đầy hơi, hơi thở muốn đứt, tâm ý phiền loạn, mê man chẳng biết, chân tay rã rời, xương cốt đau nhức, mạng sống gần tàn.
Đối với tình trạng tồi tệ như trên, mồ hôi toát ra, hơi thở đứt đoạn, kẻ trộm cướp nói với con: Ngươi phải theo ta như người bệnh theo thầy thuốc, như vậy mới được. Trước hết cho ta ăn, rồi sau mới ăn, ta sẽ theo ngươi. Vì tham sống cho nên mới gần gũi.
Như con của trưởng giả, biết rõ kẻ trộm cướp này là oan gia, nhưng vì quá cùng quẫn nên bên ngoài tỏ vẻ như là thân mật, nhưng bên trong lại lạnh nhạt. Biết bốn đại là vật nương gởi, chẳng phải thường còn, bốn đại tăng, giảm, luôn chẳng an ổn, như rắn độc, như ảo ảnh dợn nắng, bóng trăng dưới nước, tiếng vang trong núi.
Hiểu thân như thế, người hành đạo cũng vậy, hiểu biết năm ấm toàn là oán tặc, dùng cơm áo là cốt để nuôi thân thể ấy, khiến chẳng nguy hại. Sớm tối chuyên cần tinh tấn như cứu lửa cháy đầu, chẳng phải do lười biếng bỏ bê mà được thành đạo, đạt đến vô vi, vượt khỏi họa hoạn đầu cuối của ba cõi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tứ Quả
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Một - Phẩm Tứ đế
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai - Phẩm Dục - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Năm - Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký - Phần Hai