Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BẢY

PHÁP HỘI MẶC GIÁP TRANG NGHIÊM  

PHẦN CHÍN  

Này Vô Biên Huệ! Lúc ở trước Đức Như Lai kia bạch như vậy, Tỳ Kheo Nhất Thiết Nghĩa Thành và quyến thuộc của ông chứng được vô sanh pháp nhẫn của Bồ Tát. Vì được vô sanh pháp nhẫn nên đều được bất thối chuyển.

Đức Chiên Đàn Hương Quang Minh Như Lai đều thọ ký cho họ, quá năm trăm A tăng kỳ kiếp tất cả đều chứng vô thượng bồ đề.

Họ nghe Đức Phật thọ ký vui mừng hớn hở bay vọt lên hư không cao bảy cây Đa La nói kệ ca ngợi Đức Phật:

Tiếng tăm lớn vô lượng

Vững vàng như Tu Di

Đức Phật nhất thiết trí

Hay diễn các công đức

Phật nhãn đều thấy rõ

Dường như Mặt Trời sáng

Tôn nghiêm giữa đại hội

Tôi lạy chân Thế Tôn

Vô lượng đức tư lương

Phật trí đã viên mãn

Chúng tôi cũng sẽ được

Thế Tôn vô thượng trí

Áng sáng lớn vô thượng

Chiếu khắp Cõi Trời người

Khai thị các pháp Tạng

Biển công đức vô biên

Trí huệ thường không mất

Chánh giác rời phiền não

Huệ quang đại tinh tiến

Tôi lễ công đức sâu

Đại long đại trang nghiêm

Tướng tốt để nghiêm thân

An trụ như Tu Di

Nhiếp chúng không ai sánh

Làm Đạo Sư cho đời

Chói che hàng Trời người

Diễn thuyết vô sở úy

Tôi lễ thắng trượng phu

Thế Tôn đại tịch mặc

Biển vô biên công đức

Khai pháp nhãn cho tôi

Khiến tôi mặc giáp trụ

Nhưng tôi tất cả lúc

Là người ngồi đại thừa

Thường ở nơi đạo này

Hướng đến không còn thừa

Đức Mưu Ni dũng mãnh

Biết rõ tất cả pháp

Trong đời không ai hơn

Chúng tôi đều quy mạng.

Này Vô Biên Huệ! Lúc đức Chiên Đàn Hương Quang Minh Như Lai nói pháp ấy thành thục vô lượng vô số chúng sanh. Từ đó về sau, Tỳ Kheo Nhất Thiết Nghĩa Thành và quyến thuộc cúng dường phụng thờ vô lượng vô số Chư Phật, quá năm trăm A tăng kỳ kiếp chứng vô thượng bồ đề hiệu là Siêu Vô Biên Cảnh Giới Vương Như Lai.

Quốc Độ của Đức Phật ấy, từ công đức đến rộng lớn đều đồng với Thế Giới Quang Minh của đức Chiên Đàn Hương Quang Minh Như Lai.

Chúng Thanh Văn cũng số vô lượng. Các Phu Nhân và các Vương Tử quyến thuộc cũng quá năm trăm A tăng kỳ kiếp chứng vô thượng bồ đề.

Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát mặc đại giáp trụ ngồi Đại Thừa ở trong đạo ấy cầm đuốc đại pháp, làm ánh sáng đại pháp, phóng tia sáng đại pháp, dựng tràng đại pháp, đánh trống đại pháp, ngồi thuyền đại pháp đễ nhiếp đại pháp mà hướng đến, đi chỗ đi của Đại Bồ Tát, tuôn pháp vũ để nhuần ướt chúng sanh đều làm cho vui mừng, dũng mãnh tinh tiến hướng đến vô thượng bồ đề.

Này Vô Biên Huệ! Lúc an trụ đạo ấy, Đại Bồ Tát được ánh sáng pháp. Do ánh sáng ấy nên thấy được duyên khởi của tất cả pháp tự tánh vốn không, tự tánh không có tướng, tự tánh không có khởi.

Chẳng ở trong sắc mà thấy có sắc, chẳng ở trong thọ tưởng hành thức mà thấy có thọ tuởng hành thức. Chẳng ở trong thức mà thấy có thức khác với duyên khởi của thức. Biết rõ tướng của thức, tự tánh vốn không, tự tánh không có tướng, tự tánh không có khởi chỉ thuộc các duyên, thấy duyên hòa hiệp, các duyên cũng là không, là vô tướng, là vô khởi.

Lúc thấy như vậy, chẳng ở trong nhãn căn mà thấy có nhãn căn, tỷ, thiệt, thân và ý căn cũng vậy. Chẳng ở trong ý căn thấy có ý căn khác với duyên khởi của ý căn. Biết rõ tướng của ý căn, tự tánh vốn không, tự tánh vô tướng, tự tánh vô khởi.

Nhẫn đến địa giới, hỏa giới, phong giới, không giới, Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới không có tác giả, không có thọ giả.

Chẳng ở chút pháp nào thấy có chút pháp khác với duyên mà sanh khởi. Đều thuộc các nhân duyên tự tánh không có tướng, tự tánh không có khởi. Tánh của nhân duyên cũng là không, là vô tướng, là vô khởi.

Này Vô Biên Huệ! Đó là lúc an trụ nơi đạo ấy, Chư Đại Bồ Tát quan sát duyên khởi. Quan sát như vậy rồi có thể dùng trí huệ ở trong duyên khởi chứng được chân thiệt tế.

Do nơi ánh sáng tất cả pháp ấy mà mười Phật trí lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi đại hỉ đại xả, nhẫn đến tất cả Phật Pháp đều được chóng viên mãn.

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Bồ Tát người vô úy

Hay an trụ như vậy

Làm ánh sáng đại pháp

Diệu trí để hướng đến

Dựng cao tràng đại pháp

Tràng này không có trên

Trong tất cả Phật Pháp

Chánh niệm để hướng đến

Trí huệ khéo du hí

Pháp thí cho chúng sanh

Tuôn trận mưa đại pháp

Vô úy để hướng đến

Đem pháp nhuần chúng sanh

Đều làm cho vui mừng

Do đây các Bồ Tát

Diệu thiện để hướng đến

Chư Bồ Tát như vậy

Được ánh sáng đại pháp

Hay ở trong chánh pháp

Dũng mãnh khéo an trụ

Do ánh sáng pháp này

Biết rõ tất cả pháp

Do các duyên sanh khởi

Tất cả không cứng chắc

Các pháp tự tánh không

Tự tánh không có tướng

Tự tánh không có sanh

Tự tánh không có thể

Các pháp do các duyên

Hòa hiệp mà chúng khởi

Vì các duyên hòa hiệp

Tự tánh vô sở hữu

Bồ Tát hay quan sát

Rõ các duyên cũng không

Các duyên tự tánh không

Tự tánh không có tướng

Cũng không có sanh khởi

Cũng chẳng có sở tác

Người quan sát như vậy

Siêng tu tập nơi pháp

Vì duyên khởi không thể

Các duyên chẳng phải duyên

Đúng lý quán như vậy

Hay biết tất cả pháp

Quán những sắc thọ tưởng

Hành thức cũng như vậy

Đều do các nhân duyên

Mà các uẩn sanh khởi

Các uẩn không có thiệt

Vì tánh bổn lai không

Tánh không nên không tướng

Tất cả không có khởi

Các uẩn xa rời tướng

Rời tướng thì vô sanh

Không sanh thì không diệt

Tướng các uẩn như vậy

Không tướng vọng có tướng

Tướng ấy từ đâu có

Vì các pháp không thể

Uẩn ấy cũng không tánh

Giới và xứ cũng vậy

Tất cả do duyên khởi

Tự tánh bổn lai không

Không tướng không có thể

Trong tất cả các pháp

Pháp thể bất khả đắc

Biết rõ tất cả pháp

Người tư duy danh nghĩa

Cõi Dục Sắc Vô Sắc

Tất cả do duyên khởi

Tự tánh bổn lai không

Không tướng cũng không thể

Xem trí năng quán ấy

Đâu biết được cảnh ấy

Trí ấy và cảnh ấy

Thường xa rời tự tánh

Sở khởi và các duyên

Hai thứ đều vô tác

Có thể biết như vậy

Đây là tướng chân thiệt

Không tướng đem tướng nói

Bồ Tát do đây chứng

Mà cũng chẳng phân biệt

Là tướng hay vô tướng

Người thiện trí như vậy

Thấy được tướng chân thiệt

Ở trong các pháp giới

Chẳng thấy chút pháp tướng

Các pháp và pháp giới

Cả hai đều vô tướng

Các pháp rời xa tướng

Gọi đó là pháp giới

Nói tên là pháp giới

Không giới không phi giới

Dầu gọi là pháp giới

Nhưng thiệt bất khả đắc

Lúc tư duy nghĩa ấy

Chẳng nhớ bất khả đắc

Vì rời các phân biệt

Được ánh sáng đại pháp

Vì các pháp không tánh

Ánh sáng cũng không tánh

Vì quán sát như vậy

Lại được ánh sáng pháp

Chẳng thấy trí năng quán

Thấy ấy cũng chẳng thấy

Vì thấy pháp hư vọng

Gọi đó là chánh quán

Ánh sáng bất tư nghị

Vô biên và vô lượng

Thấy các pháp đều không

Gọi là chẳng phân biệt

Nếu thấy pháp có tướng

Người thường không chứng nhập

Nghe tịnh pháp âm này

Phải sanh lòng vui mừng

Nếu thấy pháp không sanh

Người được không phân biệt

Nghe tịnh pháp âm này

Vắng lặng được an lạc

Nếu người thuở mạt thế

Được nghe pháp vô thượng

Nên biết chúng sanh ấy

Chứa công đức đã lâu

Người thuở mạt thế sau

Được nghe pháp vô thượng

Phải ở trong pháp ấy

Mau chóng để hướng đến.

Lại này Vô Biên Huệ! Lúc Chư Đại Bồ Tát quan sát tất cả pháp như vậy, thì ở nơi các pháp được ánh sáng pháp. Chẳng ở trong không mà thấy không, cũng chẳng rời ngoài không mà thấy không, chẳng thấy có chút pháp tương ưng với không.

Nếu đã chẳng tương ưng, thì chẳng đem không để không, chẳng thấy không cũng chẳng thấy chẳng không, cũng chẳng dùng thấy để quan sát tất cả pháp.

Lúc thấy như vậy, thì chẳng ở vô tướng mà thấy vô tướng, chẳng ngoài vô tướng mà thấy vô tướng, cũng không có chút pháp cùng vô tướng tương ưng hoặc chẳng tương ưng. Chẳng ở vô tướng dùng vô tướng để thấy.

Chẳng ở hữu tướng dùng hữu tướng để thấy. Chẳng phải hữu tướng để thấy, chẳng phải vô tướng để thấy. Vô sanh và vô tác cũng như vậy.

Chẳng ở trong tận mà thấy tận, cũng chẳng khác tận mà thấy tận. Chẳng thấy có chút pháp cùng với tận tương ưng hoặc chẳng tương ưng. Cũng chẳng ở nơi tận mà dùng tận để thấy. Cũng chẳng ở nơi tận mà dùng vô tận để thấy. Chẳng tận để thấy, chẳng phải vô tận để thấy.

Lúc quan sát như vậy, Chư Đại Bồ Tát không có chút pháp hoặc thấy được hoặc chẳng thấy được, hoặc hiển rõ được hoặc chẳng hiển rõ được, hoặc hướng đến được hoặc chẳng hướng đến được, hoặc biết rõ được hoặc chẳng biết rõ được.

Này Vô Biên Huệ! Đó là Đại Bồ Tát an trụ nơi ánh sáng đại pháp của đạo ấy. Vì ánh sáng đại pháp nên thấy tất cả pháp đều không có ngằn mé, đối với mé với giữa cung không có chấp kiến. Vì không chấp kiến nên ở trong Phật Pháp mà hướng đến vậy.

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Chẳng nơi không thấy không

Chẳng khác không thấy không

Người thấy được như vậy

Gọi đó là thấy không

Chẳng an trụ chút pháp

Cũng chẳng thấy chút pháp

Tương ưng với không ấy

Hoặc là chẳng tương ưng

Không do tự tánh không

Nơi không vô sở thủ

Do vì vô sở thủ

Biết được tất cả pháp

Nơi thấy vô sở thủ

Nơi quán vô sở thủ

Biết được thấy và quán

Cả hai đều chẳng thọ

Nơi thấy đều thanh tịnh

Nơi quán bất khả đắc

Quán các pháp như vậy

Rốt ráo vô sở chấp

Chẳng dùng vô tướng thấy

Chẳng dùng vô tường quán

Cũng chẳng ở vô tướng

Mà quán là vô tướng

Vô tướng vô sở hiển

Vô nguyện bất khả đắc

Không có chút pháp thể

Để mà tu tập được

Chẳng niệm nơi vô tướng

Cũng chẳng niệm vô nguyện

Vô phân biệt như vậy

Hiển rõ tướng vô tướng

Chẳng hướng đến vô tướng

Cũng chẳng vào vô tướng

Không đến không chỗ vào

Hiển rõ bình đẳng trụ

Người trí chẳng thấy tướng

Cũng chẳng thấy vô tướng

Chẳng thấy chẳng tư duy

Tất cả không hiển rõ

Nếu người thường tư duy

Không tư không hiển rõ

Nơi tư và hiển rõ

Mà an trụ bình đẳng

Như ở nơi vô tướng

Vô tác cũng như vậy

Dầu hiển không chỗ hiển

Vì tư duy biết rõ

Vô sanh cũng như vậy

Không có chút pháp sanh

Tự tánh vô sở hữu

Hiển rõ mà không thể

Hoặc sanh hoặc vô sanh

Hoặc tác hoặc vô tác

Cũng không chút chấp kiến

Người trí chẳng phân biệt

Niệm huệ không động lay

Hiển rõ không nghĩ chọn

Là có hay không thể

Bình đẳng rời các tánh

Chẳng nơi tận thấy tận

Cũng chẳng thấy vô tận

Hiển rõ không chỗ thấy

Tận trí không gì trên

Hoặc tận hoặc vô tận

Cả hai chẳng phân biệt

Do vì vô phân biệt

Trụ vô niệm bình đẳng

Nơi tận thấy vô tận

Cũng không thấy vô tận

Như vậy lúc thấy tận

Chẳng chấp tận vô tận

Nếu nơi tận vô tận

Tất cả không chỗ chấp

Do vì không chổ chấp

Nên tận trí thường tỏ

Cảnh giới của tận trí

Sở đắc của vô úy

Vì hiển rõ pháp ấy

Bồ Tát khéo an trụ.

Lúc ấy đại chúng lại có Đại Bồ Tát tên là Thắng Huệ từ chỗ ngồi đứng dậy trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất chắp tay hướng lên bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chư Đại Bồ Tát vì muốn nhiếp lấy nhất thiết trí mà khởi công tu hành. Vì khởi công tu hành nên được ánh sáng đại pháp. Ở nơi ánh sáng đại pháp không có chút pháp ấy được.

Vì ánh sáng pháp ấy nên biết rõ tất cả pháp, nào là hữu vi vô vi, thế gian xuất thế gian, hoặc thuận hoặc nghịch, hoặc hí luận hoặc không hí luận.

Bạch Đức Thế Tôn! Ánh sáng pháp ấy, đâu phải Chư Đại Bồ Tát chẳng tu hành mà sẽ được.

Đức Phật phán: Này Thắng Huệ! Chư Đại Bồ Tát không có chút tu hành, không có thắng tu hành, chẳng tùy tu hành, chẳng biến tu hành mà có thể được vô biên ánh sáng đại pháp.

Chư Đại Bồ Tát còn bất khả đắc, còn bất khả kiến thay, huống là Bồ Tát hạnh sẽ có được sẽ thấy được ư! Thế sao lại thấy bao nhiêu kiếp tu hành có thể được ánh sáng đại pháp.

Tất cả hành huệ của Đại Bồ Tát, sở hành thanh tịnh được ánh sáng pháp. Công hạnh của ánh sáng pháp chẳng phải công hạnh số lượng, chẳng phải công hạnh tùy tướng thì từ đâu thi thiết tất cả các công hạnh. Nhưng chỗ tu hành dầu chẳng phải thi thiết công hạnh mà cũng chẳng rời lìa.

Này Thắng Huệ! Lúc an trụ nơi hạnh ấy, Chư Đại Bồ Tát xả bỏ tất cả hạnh không chỗ chấp lấy. Người đủ công hạnh ấy, chẳng phải công hạnh số lượng, chẳng phải công hạnh tùy tướng, không có tướng không có hành mới có thể được ánh sáng đại pháp ấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần