Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Nhất - Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ NHẤT

PHÁP HỘI TAM TỤ LUẬT NGHI  

PHẦN BA  

Sau khi Như Lai diệt độ, các Tỳ Kheo ở nơi Phật trồng căn lành sâu cũng đã nhập Niết Bàn, những chúng sanh đủ thắng ý lạc cũng qua đời cả.

Lúc thời kỳ chánh pháp dứt, năm trăm năm sau, sẽ có hàng Tỳ Kheo lòng đầy tham dục mê chấp, thích lời ly gián não hại người khác, nói năng cộc cằn hung ác, thường ở trong ba điều.

Nghề nghiệp thuốc men, buôn bán và gần phụ nữ. Do ở trong ba điều trên nên thối thất bốn điều. Mất giới hạnh, mất thiện đạo, mất quả chứng và mất như thật thấy Phật. Vì thối thất bốn điều trên nên sanh ra bốn điều hừng thạnh.

Tật đố hiềm ghét hừng thạnh, giận dữ ác tâm hừng thạnh, tham đắm giòng họ hừng thạnh, và tham đắm uống ăn chứa cất các thực phẩm, ưa thích y phục cất để đầy rương.

Vì bốn điều hừng thạnh trên đây nên họ không được pháp Sa Môn, cũng chẳng phát sanh quả chứng của Sa Môn. Họ nghe Kinh này sẽ sa vào bốn điều. Một là hủy báng chánh pháp, hai là những điều Phật không cho phép họ lại đem giảng nói, ba là riêng vì hàng phụ nữ mà nói pháp yếu, bốn là hủy báng giới biệt giải thoát của Như Lai.

Hàng Tỳ Kheo này nghe Kinh Điển đây càng thêm sanh lòng phá hoại chánh pháp, thêm lớn nghiệp ác.

Này Đại Ca Diếp! Như lấy mật đắng nhỏ vào mũi chó dữ, con chó đó sẽ thế nào, nó có hung dữ thêm chăng?

Bạch Thế Tôn! Chó dữ nó càng thêm hung dữ.

Này Đại Ca Diếp! Những người ác đã nói trên kia cũng như chó dữ cùng quỉ Tỳ Xá Xà. Họ thấy có Tỳ Kheo chân tu giới hạnh thanh tịnh, thọ trì Kinh Pháp này, giảng thuyết Kinh Pháp này, thiểu dục tri túc và ca ngợi thiểu dục tri túc, họ liền ganh ghét hờn giận cho là bị khinh hủy.

Do đây nên khi nghe nói Kinh Pháp này, họ liền hủy báng cho là không phải của Phật nói.

Này Đại Ca Diếp! Phật dùng nhiều từ ngữ đề tán thán người thiểu dục tri túc, là người dễ nuôi, người dễ đầy, người sạch sẽ, người có hạnh Đầu Đà, người rất đoan nghiêm. Phật cũng tán thán người ở a lan nhã, người phát tâm tinh tấn, người sanh hoạt thanh tịnh.

Các ông chớ nên chứa để nhiều rương nhiều tủ, mà phải tu tập hạnh thiểu dục. Các ông chớ nên như chụp chã đồng, chỉ luống có tiếng kêu, mà phải tùy thuận tu tập pháp của Như Lai dạy đây, cũng chẳng nên thêm lớn lòng sân hận cùng tham chấp sự vật, phải trụ nơi vô sự vô vật.

Các ông chớ trụ trước nơi chỗ ở, mà phải vô sở trụ. Các ông chớ tự khoe, chớ nuôi loài bò, lừa v.v...

Các ông chớ sanh lòng biếng nhác trễ lười, mà phải phát tâm tinh tấn xa lìa pháp ác, tu tập pháp lành.

Này Đại Ca Diếp! Phật thường khen ngợi sự tịch tịnh ở A Lan Nhã xa lìa ồn ào. Nay Phật nói rõ hạnh dứt trừ rất thanh tịnh. Những kẻ không thật hành hạnh dứt trừ rất thanh tịnh, kẻ nhiều tham dục, kẻ tạo tội ác, tất sẽ hủy báng người có hạnh dứt trừ rất thanh tịnh.

Này Đại Ca Diếp! Như kẻ ngu kia, giữa tháng tư uống chất tô sanh khát bèn đến người xin nước uống.

Người bảo: Anh vừa uống chất tô chớ uống nước, vì sẽ có thể nguy đến tánh mạng. Kẻ ngu giận dữ mắng nhiếc, không nghe lời khuyên của người, nó uống nước rồi chết.

Này Đại Ca Diếp! Cũng thế, đời vị lai, các Tỳ Kheo ưa chấp có, thích việc ác. Nếu có người thọ trì chánh pháp Bảo họ. Đây là việc nên làm, đây là việc chẳng nên làm. Họ sẽ giận dữ trách mắng, và hủy báng Kinh Điển này.

Hiện tại đây còn có nhiều người cạnh tranh với Như Lai, huống là đời vị lai!

Như Hiền Hộ Tỳ Kheo chẳng hạn. Phật chế giới khiến các Tỳ Kheo thọ pháp một lần ngồi ăn, Hiền Hộ giận hờn trọn ba tháng hạ không chịu đến chỗ Phật.

Này Đại Ca Diếp! Hiện nay ở trước Phật còn có người khinh hủy phạm hạnh, huống là sau khi Phật diệt độ, những kẻ tham ăn, tham mặc, thuốc men ngủ nghỉ, thêm nhiều giận hờn!

Những kẻ này nghe Kinh Pháp đây còn chẳng kính trọng Đức Như Lai Đại Sư, huống là đối với Tỳ Kheo trì giới!

Này Đại Ca Diếp! Những người ấy gọi là bất thiện, cũng gọi là rất ác. Pháp Bảo này sẽ ẩn mất. Trong đời ác trược sau này, thời kỳ mà người lành rất khó có, nếu Thiện Nam hay Thiện Nữ nào muốn được sự lợi ích lớn, tin giáo pháp của Phật, nghe Kinh Pháp rất sâu này rồi, nên vì người đúng lý, người có lòng tin mà giảng nói, chớ chẳng nói với người không đúng lý, không tin.

Hiện nay, Phật cũng chỉ giảng nói với những người đúng lý, với những người có lòng tin mà thôi.

Này Đại Ca Diếp! Như ngựa ác dở chẳng chịu mặc giáp, nếu bắt nó mặc giáp như ngựa hay, thời tất nó sẽ kinh sợ, huống là nghe tiếng loa, tiếng trống mà có thể chịu được.

Này Đại Ca Diếp! Tỳ Kheo phá giới không có lúc nào ưa thích pháp lành.

Nhẫn đến họ nghe nói các pháp không ngã chấp không ngã tưởng, họ liền sợ hãi bài bác, huống là nghe đến pháp lành! Nếu thật hành pháp lành thời có thể hàng phục trăm ức quân ma và trọn không có sự đấu tránh. 

Các thiện Tỳ Kheo nên mặc giáp tinh tấn, chẳng hư công đức đầu đà, dứt sạch căn bản tham sân si, không tật đố, ly dục, thích nhàn tịnh, thường thức tỉnh, nơi vật dụng không mong cầu, phát tâm bồ đề vô thượng.

Không chấp pháp, không chấp ngã, chúng sanh, thọ giả, hữu tình, không kiến chấp nam, nữ, địa, thủy, hỏa, phong, Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, trì giới, phá giới, tánh không v.v... tóm lại, không nên có tất cả chấp tất cả tưởng. Vì tất cả tưởng đều vô sở đắc.

Này Đại Ca Diếp! Nếu có tham, Tỳ Kheo phải biết rõ và liền dứt trừ tâm tham ái, chẳng phải cứ trụ một chỗ mà được vô trụ! Chỉ trừ kẻ vọng ngữ. Do đây nên Như Lai hiệu là đấng thật ngữ. Như Lai nói bao nhiêu tham ái đều là chẳng phải ngã. Các pháp như vậy là Sa Môn pháp. Các Sa Môn pháp đều vô sở đắc.

Nếu người nào còn có tưởng chấp lấy pháp, thời là chấp ngã, chúng sanh v.v... như núi Tu Di, mà thối thất Thánh Giáo. Nơi người này pháp Sa Môn không có được, cũng không thể trụ nơi Sa Môn pháp.

pháp quảng đại tối thắng này chẳng nên giảng nói với những kẻ ngu si kia, dầu chỉ một ít. Vì nếu họ chấp trước thời tất sẽ phải chịu khổ ở địa ngục trọn một kiếp.

Này Đại Ca Diếp! Ông xem các Tỳ Kheo! Câu Ca Lợi, Đề Bà Đạt Đa, Khiên Đồ Đạt La, Ca Lô Để Luân, Mẫu Đạt Đa La, A Thấp Phiền, Bố Na Bà Tô, Tô Khí Đát La, các Tỳ Kheo trên đây là những người thường ở gần bên Phật, nghe Phật Thuyết Pháp, thấy Phật Kinh hành.

Thấy Phật đoan tọa, thấy Phật hiện thần thông đi đứng trên không gian, thấy Phật hàng phục hàng ngàn ngoại đạo, giữa đại chúng thấy Phật trừ dẹp tà pháp, mà họ còn chẳng có lòng tin mến đối với Phật.

Vì họ luôn muốn hủy báng Phật nên càng ngày họ thêm lớn ác nghiệp. Nếu có người nghe Danh Hiệu Phật có lòng tin chắc là thật, thời mọi người nên đem hoa hương như núi Tu Di, phan lọng trùm cả Đại Thiên để cúng dường, vì người này tin Phật vậy.

Huống là người đã tin Phật rồi bỏ dục lạc xuất gia, không kiến chấp, tu các môn tịnh lự!

Này Đại Ca Diếp! Người nào tin ưa Kinh Pháp này thời đáng gọi là hi hữu. Người này có thể khéo hộ trì giới cấm của Phật chế, có thể rõ biết pháp Cam Lồ này.

Ví như trong đại chúng dùng da thúi cùng những vật hôi nhơ cùng nhau chế làm hình người, hoặc làm các thứ mặt nạ, rồi sơn vẽ trau tria rất mực xinh đẹp.

Có người lấy những thứ ấy mang lên mặt, hoặc gói lại xách đi. Như thế há lại vì tướng mạo mà gọi là tốt ư! Biết rõ là vật hôi nhơ thời sẽ nhàm bỏ.

Cũng vậy, với các ác Tỳ Kheo, phải dùng oai đức dung nghi của Như Lai để thẩm xét mới biết họ là cực ác. Do họ chấp ngã nhân mà sanh lòng tham ái.

Nếu người rõ biết ngã chấp không thật, thời khi nghe Kinh này tất ưa thích vui mừng. Nếu kẻ nào chấp trước thời là tà kiến. Đã có tà kiến thời không tin ưa lời dạy chân chánh nơi Kinh này. Vì người chấp ngã thời có giận hờn.

Nếu hàng tứ chúng nghe Kinh Pháp này mà giận ghét hủy báng thời không phải là Sa Môn. Dầu họ có Danh Hiệu Sa Môn, nhưng không phải đệ tử Phật. Ta cũng không phải thầy của họ. Vì đệ tử Phật thời không vọng ngữ. Phật không phải thầy của kẻ vọng ngữ.

Nên biết rằng Phật là đấng thật ngữ, có thể nói đúng thật tất cả pháp không.

Này Đại Ca Diếp! Nếu kẻ nào tranh cãi Như Lai thời gọi là ác ma. Như Lai không cho ma chúng xuất gia thọ giới Cụ Túc.

Ý ông nghĩ thế nào?

Như có người nói chim thanh tước đẻ rồng lớn.

Lời này có đáng tin và có đồng loại chăng?

Bạch Thế Tôn! Lời đó không đáng tin, cũng không phải đồng loại. Như có người nói Kim Xí Điểu đẻ loài phi điểu.

Ông nghĩ thế nào?

Bạch Thế Tôn! Lời đó không đáng tin, cũng không phải đồng loại. Như có người nói con đom đóm mang núi Tu Di bay lên không gian.

Ông nghĩ thế nào?

Bạch Thế Tôn! Lời đó không đáng tin, cũng không phải đồng loại.

Này Đại Ca Diếp! Những kẻ ác trên kia chấp ngã nhẫn đến chấp Niết Bàn kêu Phật bằng thầy lại càng chẳng phải đồng loại.

Này Đại Ca Diếp! Như có Đế Vương ở nước mình lãnh đạo nhơn dân an lạc vô cực. Cạnh Vua có các thị thần tuân hành chánh hóa của Vua. Lúc đó có người không ai quen biết, người này vì danh lợi mà học cách làm quan, không lãnh lệnh Vua, tự ý ở giữa bá quan dối tuyên lệnh Vua, bảo mọi người rằng các Ngài phải ở nơi đây, làm như vậy.

Cũng vậy, Đức Như Lai Pháp Vương quản trị cả Đại Thiên Thế Giới, nhiếp hóa tất cả tam thừa chúng sanh, đầy đủ mười trí lực, viên mãn tất cả công đức, thật hành Phật Sự vô biên an lạc.

Có một hạng người đại chúng chưa từng quen biết, vì sanh sống mà nói tướng ngã, chúng sanh v.v... nhẫn đến Niết Bàn, chẳng tuân theo Thánh Giáo vô ngã của Như Lai, vọng nói rằng Phật bảo việc này nên làm, việc này chẳng nên làm.

Trong đại chúng có những người tin thuận Phật Pháp, nghe lời nói trên đây nhận là bậc phước điền thanh tịnh, bèn đem của cải cung kính dâng cúng mãi trong thời gian chưa rõ họ là sái quấy!

Kẻ ác này đồng với kẻ dối lệnh Vua trong ví dụ kia. Sau khi ăn uống xong, họ ở chỗ đông người thường luận bàn việc Vua, việc giặc, việc ăn mặc, việc dâm dật, việc phụ nữ, việc thuốc men, việc rượu trà, việc nhật thực nguyệt thực, việc Nhà Vua đi về, việc dòng họ, việc ngày tốt xấu v.v...

Ngày đêm họ luôn suy tính luận bàn những việc như vậy, không có chánh niệm chánh huệ, hư mất oai nghi, ngủ mê lăn lộn miệng chảy nhớt dãi. Lúc thức tưởng nghĩ gì, lúc ngủ họ mơ thấy việc ấy. Đến lúc thức dậy, họ tụ nhau luận bàn chiêm bao tốt xấu.

Họ đi đứng hành động không khác người thế tục. Họ nói không nhằm lúc, tâm niệm buông lung, thích đến xóm đông, đến nhà giàu sang. Họ không giữ được giới cấm của Phật.

Họ riêng nói pháp cho phụ nữ. Lúc nói pháp họ sanh nhiễm tâm, được cúng dường nhiều, tham trước luyến ái, chẳng biết hối hận. Họ được cúng thí tốt thời ca ngợi, trái lại thời chê trách. Lúc họ gặp nhau bèn xem đồ được cúng của nhau.

Họ hỏi nhau hôm nay thí chủ cúng món chi?

Cho ai?

Tiền bạc đồ dùng nhiều hay ít?

Đây gọi là hạng chẳng tu hành, cũng gồm cả lỗi hủy báng chánh pháp.

Này Đại Ca Diếp! Với hạng người ngu ác trên đây, các ông phải có lòng xót thương họ. Vì họ sẽ phải bị quả báo rất khổ não.

Tôn Giả Đại Ca Diếp bạch rằng.

Thế Tôn! Rất lạ thay, những người ấy được nghe Kinh Pháp này, mà họ không có lòng yểm ly!

Này Đại Ca Diếp! Nếu là kẻ có bốn điều sau đây, thời dầu được nghe Kinh Pháp này, nhưng họ vẫn không yểm ly. Đây là bốn điều.

Nhiều phóng dật, không tin chắc nghiệp quả, không tin chắc đại địa ngục, không tin chắc mình sẽ chết. Lại có kẻ vì có bốn điều dưới đây nên không yểm ly. Lúc tráng niên khỏe mạnh tự cậy sức mạnh, mê say dục lạc, ham uống rượu, không suy gẫm quan sát để hiểu biết.

Nếu Tỳ Kheo có bốn điều dưới đây thời hủy báng vô thượng bồ đề. Ác nghiệp thành thục chẳng biết phát lồ chẳng rành nghiệp quả ác, làm uế dục với Tỳ Kheo Ni, cậy có Hòa Thượng A Xà Lê được nhiều người kính mến, theo thầy học tập vì tật đố mà khinh chê thầy là ít học.

Này Đại Ca Diếp! Nếu có người được một pháp sau đây thời trọn nên Bậc Sa Môn, Bà La Môn. đối với tất cả pháp, tâm vô sở trụ.

Này Đại Ca Diếp! Ví như có người rơi trên chót núi, bèn cho rằng không có mặt đất cây cối rừng rậm, chỉ tưởng trống không mà dứt hơi thở. Những kẻ chấp pháp cũng như vậy.

Nếu chấp có nhãn, nhĩ v.v... cùng chấp có tướng nhãn, nhĩ v.v... hoặc chấp sắc, thọ v.v... hoặc chấp trì giới, đa văn, tàm quý, tu hành, được bồ đề v.v...

Đây đều là không phải pháp của Sa Môn, Bà La Môn. Nếu có tưởng chấp thời bị làm hại.

Những gì làm hại?

Chính là tham, sân, si vậy.

Nếu chấp tướng nhãn, nhĩ v.v... thời thấy có sắc, thanh v.v... khả ái hay không khả ái, tất bị nhãn, nhĩ v.v... làm hại. Đã bị hại thời rất bị hại nơi trong vòng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhân và Thiên.

Do đâu mà bị hại?

Do tưởng chấp.

Sao gọi là tưởng chấp?

Chính là chấp ngã và ngã sở, chấp nam, nữ, địa, thủy, hỏa, phong, chấp thây chết xanh bầm, tan rã, xương trắng, chấp thắng giải thoát, chấp kia có phần ít giải thoát, đây không phần ít giải thoát, chấp hiện chứng, ta tùy niệm khác với quá khứ, khác với hiện tại, ta là quá khứ, ta là hiện tại, nhẫn đến chấp Niết Bàn, thấy ta được Niết Bàn, với các pháp sanh tưởng chấp.

Này Đại Ca Diếp! Tóm lại, kẻ chấp trước thời với chỗ nào cũng sanh niệm tưởng, nhẫn đến trong tánh không, họ vẫn có tất cả tưởng niệm. Đây đều chẳng phải pháp Sa Môn, Bà La Môn, đều chẳng phải hạnh Sa Môn, hạnh Bà La Môn.

Này Đại Ca Diếp! Như Lai nói pháp Sa Môn, Bà La Môn như hư không cùng với mặt đất. Vì hư không trọn không nghĩ rằng ta là Hư Không. Cũng vậy, bậc Sa Môn, Bà La Môn trọn không tự nói ta là Sa Môn, Bà La Môn. Các pháp cũng chẳng tự nói là pháp Sa Môn, Bà La Môn. Chẳng tạo tác chẳng trừ bỏ, đây gọi là Sa Môn, là Bà La Môn.

Này Đại Ca Diếp! Như có kẻ giữa đêm tối múa tay chân, động đầu mặt, rồi nói rằng ta đùa cợt thế gian!

Ta đùa cợt thế gian! Ý ông thế nào, họ đùa cợt ai?

Bạch Thế Tôn! Kẻ đó tự đùa cợt lấy họ, vì giữa đêm tối không có ai để họ đùa cợt cả.

Này Đại Ca Diếp! Cũng vậy, nếu có Tỳ Kheo đến A Lan Nhã, hoặc đến dưới tàng cây, nhà vắng, đất trống, quán tưởng rằng nhãn, nhĩ v.v... đều là vô thường, sắc, thinh v.v... cũng đều vô thường. Ta thẳng đến Niết Bàn.

Các Tỳ Kheo ấy tự luống khổ nhọc không phải thật hạnh của Sa Môn. Vì họ có rất nhiều tà chấp. Họ biết tướng nhãn, nhĩ v.v... rồi vì muốn diệt nhãn, nhĩ v.v... mà tu tập nhọc nhằn.

Nếu ở nơi căn, trần, thức, ba chỗ đó mà biết rành thời sanh niệm phân biệt đối với ba chỗ ấy. Nếu đã ở nơi chỗ thấy biết mà sanh niệm phân biệt thời làm thế nào được tâm nhất tánh cảnh.

Này Đại Ca Diếp! Thậm thâm bồ đề rất khó đến khó vào, khó có đủ tư lương.

Thế nào gọi là tâm nhất tánh cảnh?

Suy tìm cùng khắp nhẫn đến một pháp cũng là bất khả đắc. Nghĩa là nhãn, nhĩ v.v... đều chẳng thể có thật. Tất cả pháp đều chẳng có thật. Vì bổn tánh như vậy. Tâm tánh vốn bất sanh, tất cả các pháp đều không có thật nên tâm đó bất khả đắc. Vì nếu quá khứ, hiện, tại, vị lai là vô sở đắc thời là vô sở tác.

Thế nào gọi là vô sở tác?

Hoặc cũ hoặc mới đều chẳng thể tạo tác nên gọi là vô sở tác. Trong đây, quá khứ tâm không giải thoát, hiện tại tâm không giải thoát, vị lai tâm không giải thoát, tùy chỗ có tâm đều vô sở đắc, đây là tâm nhất tánh cảnh, chính đây gọi là nhập vào số của tâm vậy.

Này Đại Ca Diếp! Sẽ có hàng tứ chúng chấp cho rằng nhãn, nhĩ v.v... là diệt hoại. Đối với các uẩn chấp là vật có thật. Như Lai nói các uẩn dường như cảnh chiêm bao. Nhưng họ lại bảo chiêm bao là thật có, vì thế gian nói có chiêm bao. Nếu không chiêm bao, lẽ ra mọi người không có sự mộng tưởng để biểu thị.

Do đây chúng ta trong lúc ngủ mơ sanh mộng tưởng. Thật vậy, vì các uẩn có sở nhơn nên gọi là như chiêm bao.

Nếu uẩn đã không, thời chẳng nên nói các uẩn dường như cảnh chiêm bao! Những kẻ ngu si kia cho chiêm bao là thật có. Họ nghe Kinh Pháp này bèn hủy báng. Trong hạng này lại có Tỳ Kheo Ni đối với các nhà thí chủ, vọng xưng rằng ta là bậc A La Hán.

Hoặc vì y cứ nơi trí thô cạn, họ nói hiện chứng được. Hoặc có Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nghe kệ tụng trong Kinh Luật rồi nói tôi hiện chứng.

Này Đại Ca Diếp! Lúc đó, hoặc có Tỳ Kheo đã thường ở A Lan Nhã trải qua hai ba mươi năm tinh tấn tu tập, vì Phật Pháp mà họ đến nơi Ưu Bà Tắc mới có lòng tin vừa được một ngày, rồi chỉ dùng lời không mà xướng thuyết lẫn nhau. Họ bảo rằng vì không không nên ta biết khắp tất cả, ta biết khắp tất cả.

Hoặc có Tỳ Kheo nghe Kinh Pháp này rồi luận nói với nhau. Có người nghe sinh lòng hãi sợ, lại nói những người tại gia cùng xuất gia chẳng nên gần gũi các vị ấy, phải xa lìa, vì chẳng phải Giáo Sư. Hoặc có người giảng nói pháp lý thậm thâm lại bị hàng tại gia xuất gia khinh tiện bỏ rơi.

Hiện nay đây Phật nói phạm hạnh thắng diệu còn ít người biết, huống là đời vị lai đến cả người biết chút ít cũng đã qua đời. Lúc đó, một ngàn, hai ngàn vị Tỳ Kheo thuyết pháp khó có được một người hiểu biết đúng thật tin nhập diệu pháp. Trong hàng đó, hoặc có Tỳ Kheo hoặc đến đỗi không nói được suông câu huống là hiểu rõ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần