Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Bảy - Phẩm Xá Lợi Phật
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BA
PHẨM BẢY
PHẨM XÁ LỢI PHẬT
Lúc bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Kiều Thi Ca! Giả sử đem Xá Lợi Phật khắp Châu Thiện Bộ này là một phần, Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm được viết chép là một phần.
Trong hai phần đó, ông lấy phần nào?
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con lấy bát nhã Ba la mật đa thậm thâm.
Vì sao?
Vì đối với Xá Lợi của Chư Phật, con luôn tin tưởng, sung sướng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Nhưng thân và Xá Lợi của Chư Phật đều nhờ Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm mà phát sanh, và đều do công đức thế lực bát nhã Ba la mật đa đã huân tu được, nên mới được tất cả thế gian, Trời, Người, A tu la v.v… cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Trời Đế Thích: Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật đa thậm thâm vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng, gọi là vô tướng.
Pháp vô tướng đã không thể giữ, ông làm sao lấy được?
Vì sao?
Kiều Thi Ca! Vì bát nhã Ba la mật đa thậm thâm không giữ, không bỏ, không tăng, không giảm, không họp, không tan, không ích, không tổn, không nhiễm, không tịnh, không cùng với pháp của Chư Phật, Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn, không bỏ pháp phàm phu ngu muội. Không cùng với cảnh giới vô vi, không lìa bỏ cảnh giới hữu vi. Không cùng với các không, không lìa bỏ các hữu.
Không cùng với bát nhã Ba la mật đa cho đến trí nhất thiết tướng, không lìa bỏ tất cả pháp tạp nhiễm?
Trời Đế Thích trả lời Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Thật đúng như lời ông nói.
Bạch Đại Đức! Nếu như thật biết bát nhã Ba la mật đa thậm thâm vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng, gọi là vô tướng, không giữ, không bỏ, cho đến không cùng với trí nhất thiết tướng, không lìa bỏ tất cả pháp tạp nhiễm, đó là chơn thật giữ bát nhã Ba la mật đa thậm thâm.
Cũng là chơn thật tu hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm.
Vì sao?
Vì bát nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật đa không thuộc hai hạnh, không thuộc hai tướng.
Lúc bấy giờ, Phật khen Trời Đế Thích: Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông nói. Bát nhã Ba la mật đa thậm thâm cho đến bố thí Ba la mật đa không thuộc hai hạnh, không thuộc hai tướng.
Kiều Thi Ca! Có người muốn làm cho bát nhã Ba la mật đa thậm thâm cho đến bố thí Ba la mật đa có hai tướng, đồng thời cũng muốn làm cho chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì có hai tướng.
Vì sao?
Kiều Thi Ca! Vì bát nhã Ba la mật đa thậm thâm cho đến bố thí Ba la mật đa, cùng với chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì đều không hai, không hai phần.
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với bát nhã Ba la mật đa thậm thâm thế gian, Trời, Người, A tu la v.v… đều phải chí thành lễ bái, nhiễu bên phải mà cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Vì sao?
Vì tất cả chúng Đại Bồ Tát đều tinh cần tu học bát nhã Ba la mật đa, nên chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Bạch Thế Tôn! Giống như khi con ngồi trên tòa Thiên Đế, trong điện Thiện Pháp tại cung Trời Ba Mươi Ba, vì các Thiên Chúng tuyên thuyết chánh pháp, có vô lượng các Thiên Tử v.v… đến chỗ con để lắng nghe lời giảng của con và cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, nhiễu quanh bên phải, chấp tay lễ bái rồi lui.
Nếu khi con không ngồi ở pháp tòa đó, các Thiên Tử v.v… cũng đến chỗ ấy, tuy không thấy con nhưng họ vẫn cúng dường, cung kính y như khi con đang hiện diện, hoặc nói: Chỗ này là tòa mà Trời Đế Thích đã thuyết pháp cho Chư Thiên v.v… nghe, chúng ta nên chấp tay, cúng dường, lễ bái, nhiễu quanh bên phải rồi lui như khi có Thiên chủ.
Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa như thế, nếu có người viết chép, thọ trì, đọc tụng, tuyên thuyết cùng khắp cho các hữu tình thì nên biết chỗ ấy thường có vô lượng, vô biên Trời, Rồng, Dược Xoa, A tu la v.v… ở cõi này và mười phương vô biên Thế Giới khác đều đến tập họp.
Nếu không có người thuyết pháp, nhưng Chư Thiên v.v… vì cung kính, tôn trọng pháp cũng đến chốn ấy mà cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, lễ bái rồi lui.
Vì sao?
Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Đại Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn, tất cả hữu tình được sự an lạc đầy đủ, đều nhờ bát nhã Ba la mật đa mà có. Xá Lợi Phật cũng nhờ công đức huân tu, thọ trì, cúng dường bát nhã Ba la mật đa.
Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa thậm thâm cùng với chư Đại Bồ Tát và sự chứng đắc trí nhất thiết trí làm nhân, làm duyên, làm chỗ y chỉ, làm sự hướng dẫn phát sanh. Cho nên con nói, giả sử Xá Lợi Phật khắp Cõi Châu Thiệm Bộ này là một phần, Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm được viết chép cũng là một phần, trong hai phần đó, con thà lấy bát nhã Ba la mật đa thậm thâm.
Bạch Thế Tôn! Nếu con đối với bát nhã Ba la mật đa thậm thâm này thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ chơn chánh, tâm hòa nhập với pháp nên hoàn toàn không thấy có các tướng hoảng hốt, sợ sệt.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật đa thậm thâm không tướng trạng, không ngôn từ, không thuyết giảng. Do bát nhã Ba la mật đa thậm thâm không tướng trạng, không ngôn từ, không thuyết giảng, nên tịnh lự v.v… năm Ba la mật đa, cho đến trí nhất thiết tướng cũng không tướng trạng, không ngôn từ, không thuyết giảng.
Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật đa có tướng trạng, có ngôn từ, có thuyết giảng, chẳng phải không tướng trạng và ngôn từ thuyết giảng, thì không phải Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết tất cả pháp không tướng trạng, không ngôn từ, không thuyết giảng, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, vì các hữu tình thuyết tất cả pháp không tướng trạng, không ngôn từ, không thuyết giảng.
Bạch Thế Tôn! Do bát nhã Ba la mật đa thậm thâm không tướng trạng, không ngôn từ, không thuyết giảng, chẳng phải có tướng trạng và ngôn từ, thuyết giảng, nên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết tất cả pháp không tướng trạng, không ngôn từ, không thuyết giảng, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, vì các hữu tình thuyết tất cả pháp không tướng trạng, không ngôn từ, không thuyết giảng.
Bạch Thế Tôn! Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm như thế, nên được tất cả thế gian Trời, Người, A tu la v.v… dùng vô lượng tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Bạch Thế Tôn! Nếu có người đối với bát nhã Ba la mật đa thậm thâm này mà chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, viết chép, giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền rộng rãi.
Lại dùng vô lượng tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thì nhất định người này không đọa vào các đường ác, không ở trong chốn biên địa hạ tiện, không rơi vào hàng Thanh Văn, Độc Giác v.v… chắc chắn hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thường thấy Chư Phật.
Luôn nghe chánh pháp, không xa lìa bạn tốt, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình. Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, dùng đầy đủ vô lượng vật cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Chư Phật Thế Tôn và chúng Đại Bồ Tát.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Giả sử Xá Lợi Phật khắp cả ba ngàn Thế Giới là một phần, Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm được viết chép là một phần. Trong hai phần đó, con sẽ lấy bát nhã Ba la mật đa thậm thâm.
Vì sao?
Vì Xá Lợi của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Xá Lợi Chư Phật ở ba ngàn Thế Giới đều phát sanh từ bát nhã Ba la mật đa.
Lại Xá Lợi Phật ở ba ngàn Thế Giới đều nhờ sự huân tu oai đức, thế lực của bát nhã Ba la mật đa, được các Trời, Người, A tu la v.v… cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Do nhân duyên này, nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Xá Lợi Phật, quyết định không rơi vào các đường hiểm nạn, thường sanh Cõi lành, hưởng thọ nhiều sự phú quí an vui, tùy theo tâm nguyện, ở pháp ba thừa, hoàn toàn chứng đắc Niết Bàn của ba thừa.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ v.v… nào nếu thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hoặc thấy Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm, thì hai công đức này bình đẳng không khác.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật đa thậm thâm cùng với chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác bình đẳng không hai, không hai phần.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ba lần chỉ dạy, hướng đạo vì các hữu tình tuyên thuyết chánh pháp, đó là Khế Kinh cho đến Luận nghị. Hoặc các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa thậm thâm thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng cho người, thì hai công đức này bình đẳng không khác.
Vì sao?
Vì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hoặc ba lần chỉ dạy, hướng đạo, sự tuyên thuyết mười hai phần giáo đều dựa vào bát nhã Ba la mật đa mà phát sanh.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu hằng hà sa Chư Phật Thế Tôn ở mười phương Thế Giới, ba lần chỉ dạy, hướng đạo, vì các hữu tình tuyên thuyết chánh pháp, đó là Khế Kinh cho đến Luận nghị.
Hoặc các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa thậm thâm thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng cho người khác thì hai công đức này bình đẳng không khác.
Vì sao?
Vì hằng hà sa Chư Phật Thế Tôn ở mười phương Thế Giới, ba lần chỉ dạy, hướng đạo, sự tuyên thuyết mười hai phần giáo đều dựa vào bát nhã Ba la mật đa mà phát sanh.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… dùng vô lượng tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen hằng hà sa Chư Phật Thế Tôn ở mười phương Thế Giới.
Cũng có các thiện nam tử, thiện nữ v.v… viết chép, thọ trì Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm, lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thì hai công đức này bình đẳng không khác.
Vì sao?
Vì Chư Phật Thế Tôn đều dựa vào bát nhã Ba la mật đa mà phát sanh.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa thậm thâm mà chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, viết chép, giảng giải, tuyên thuyết, lưu truyền rộng rãi, thì người đó không đọa vào cảnh giới địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, ở đời vị lai không rơi vào Thanh Văn và Độc Giác.
Vì sao?
Vì các thiện nam, thiện nữ v.v… này quyết định sẽ an trụ ở địa vị bất thối chuyển, xa lìa tất cả tai nạn, ngang trái bệnh tật, phiền não, hoảng hốt, sợ sệt. Giống như người mắc nợ, hoảng hốt, run sợ khi gặp chủ nợ, người ấy liền thân cận phụng thờ nhà Vua, dựa vào thế lực của Vua, thoát khỏi sự run sợ.
Vua là dụ cho bát nhã Ba la mật đa, người mắc nợ dụ cho các thiện nam, thiện nữ v.v… dựa vào bát nhã Ba la mật đa mà được xa lìa tất cả khổ não, hoảng hốt, sợ hãi.
Bạch Thế Tôn! Ví như có người dựa vào nhà Vua, được Vua bảo hộ, nên cũng được người ở thế gian cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Xá Lợi Phật cũng lại như thế, nhờ sự huân tu của bát nhã Ba la mật đa thậm thâm nên được các Trời, Người, A tu la v.v… cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Vua dụ cho bát nhã Ba la mật đa, Xá Lợi Phật dụ cho người dựa vào Vua.
Bạch Thế Tôn! Sự chứng đắc trí nhất thiết trí của Chư Phật cũng dựa vào bát nhã Ba la mật đa mà được thành tựu.
Cho nên con nói: Giả sử Xá Lợi Phật khắp ba ngàn Thế Giới này gom lại một phần, hoặc Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm được người viết chép gom lại thành một phần. Trong hai phần đó con xin chọn bát nhã Ba la mật đa.
Vì sao?
Vì Xá Lợi Phật vững chắc như kim cương, đầy đủ màu sắc, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp để trang nghiêm thân Như Lai mười phương, cho đến trí nhất thiết tướng đều nhờ bát nhã Ba la mật đa mà thành tựu. bố thí v.v… năm Ba la mật đa đều nhờ bát nhã Ba la mật đa, gọi là đáo bỉ ngạn.
Vì sao?
Vì nếu không có bát nhã Ba la mật đa thì bố thí v.v… thì không thể đáo bỉ ngạn được.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu đất nước, đô thị, thành phố, thôn ấp, tụ lạc ở ba ngàn đại thiên Thế Giới này hoặc Thế Giới khác, trong đó, nếu có người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng thuyết, cúng dường, cung kính bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, thì hữu tình nơi ấy không bị tất cả người chẳng phải người v.v… làm não hại, chỉ trừ ác nghiệp quyết định phải lãnh thọ.
Hữu tình trong đây lần lượt tu học chánh hạnh ba thừa, tùy theo sở nguyện của họ cho đến chứng đắc Niết Bàn của ba thừa.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa thậm thâm, đầy đủ đại thần lực, làm lợi ích lớn ở ba ngàn đại thiên Thế Giới. Dù ở chỗ nào cũng là có Phật, làm các Phật Sự, gọi là lợi ích an lạc tất cả hữu tình.
Bạch Thế Tôn! Ví như Đại bảo thần châu vô giá, đầy đủ vô lượng các oai đức thù thắng vi diệu, dù ở chỗ nào mà có thần châu này thì người và chẳng phải người không bao giờ làm não hại. Giả sử có người nam hoặc người nữ bị quỷ nhập, làm não hại thân tâm, có người đem thần châu này đến, nhờ oai lực của thần châu quỷ liền bỏ đi.
Còn có các bệnh sốt, hoặc gió, hoặc đàm, hoặc sốt, phong, đàm tập hợp làm bệnh, nếu đeo thần châu này để nơi thân, thì các bệnh như vậy sẽ được lành. Châu này ở chỗ tối thì làm cho sáng lên, nóng thì mát mẻ, lạnh thì ấm áp. Tùy theo chỗ nào có thần châu này thì thời tiết nơi ấy sẽ điều hòa, không lạnh, không nóng.
Chỗ nào có thần châu này thì rắn độc, bò cạp v.v… không dám núp ở. Nếu như có người nam hay người nữ nào bị trúng độc, đau đớn khó chịu, có người cầm thần châu đến cho xem. Nhờ oai lực của thần châu chất độc tự tiêu diệt.
Nếu các hữu tình nào thân bị bệnh hủi, mụt nhọt, ghẻ lở, mắt mù lòa v.v…, hoặc bệnh mắt, bệnh tai, bệnh mũi, bệnh lưỡi, bệnh yết hầu, bệnh thân, bệnh các lóng đốt, mà đeo thần châu này thì các bệnh đều lành.
Nếu các ao, hồ, sông, suối, giếng v.v… nước bị đục dơ, hoặc sắp khô cạn, đem thần châu này thả vào, nước liền tràn đầy, thơm tho, trong sạch, đủ tám công đức. Nếu đem các sắc phục thêu dệt đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng mà gói thần châu này thả xuống nước, nước sẽ theo sắc màu của y phục đổi thành nhiều màu.
Đại bảo thần châu vô giá như thế, oai đức vô biên, nói không hết được. Nếu đựng trong rương, đãy cũng làm cho vật kia thành tựu đầy đủ vô biên oai đức. Nếu rương, đãy trống không, nhưng nhờ đựng thần châu nên vật ấy cũng được nhiều người kính mến.
Cụ thọ Khánh Hỷ hỏi Trời Đế Thích: Thần châu như thế chỉ độc nhất ở Cõi Trời, còn cõi người có không?
Trời Đế Thích thưa: Trong cõi người và Cõi Trời đều có châu này. Nếu ở trong cõi người thì hình nó nhỏ mà nặng, còn ở Cõi Trời thì hình nó lớn mà nhẹ. Lại nữa, trong cõi người viên thần châu này khiếm khuyết, ở Cõi Trời thì viên thần châu tròn đầy. Thần châu trên Trời oai đức thù thắng hơn ở cõi người gấp vô lượng, vô số.
Khi ấy, Trời Đế Thích lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa thậm thâm cũng lại như vậy, vốn đầy đủ các oai đức, có thể diệt trừ vô lượng pháp ác bất thiện. Dù ở chỗ nào cũng làm cho các khổ não thân tâm của hữu tình đều được trừ diệt, người chẳng phải người v.v… không thể làm hại được.
Bạch Thế Tôn! Đại bảo thần châu vô giá mà con đã nói không những chỉ dụ cho bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, mà còn dụ cho trí nhất thiết trí của Như Lai. Cũng dụ cho tịnh lự cho đến bố thí Ba la mật đa.
Cũng dụ cho pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Cũng dụ cho Bốn Niệm Trụ cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng. Cũng dụ cho chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.
Cũng dụ cho pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Cũng dụ cho trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Cũng dụ cho tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa. Cũng dụ cho vô lượng, vô biên Phật Pháp.
Vì sao?
Vì công đức như thế đều do sự chỉ dẫn hiển thị của Đại Vương Thần Chú Bát Nhã Ba la mật đa, công đức ấy sâu rộng vô lượng, vô biên. Xá Lợi Phật là do sự huân tu các công đức nên sau khi Phật Niết Bàn, thọ nhận sự cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen của tất cả thế gian Trời, Người, A tu la v.v…
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Xá Lợi Phật là rất viên mãn, tối thắng, thanh tịnh, bát nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật đa, cho đến đoạn trừ hẳn sự tương tục của tập khí phiền não và làm chỗ nương tựa cho vô lượng, vô biên Phật Pháp khác. Cho nên sau khi Phật nhập Niết Bàn được thọ nhận sự cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen của tất cả thế gian Trời, Người, A tu la v.v…
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Xá Lợi Phật là rất viên mãn, tối thắng, thanh tịnh, đầy đủ công đức, trân bảo, là chỗ nương tựa Ba la mật đa. Xá Lợi Phật là rất viên mãn, tối thắng, thanh tịnh, không nhiễm, không tịnh, không sanh, không diệt, không nhập, không xuất, không tăng, không giảm, không đến, không đi, không động, không dừng, không này, không kia, là chỗ nương tựa Ba la mật đa.
Xá Lợi Phật là rất viên mãn, tối thắng, thanh tịnh, là chỗ nương tựa Ba la mật đa của thật tánh các pháp. Cho nên sau khi Phật Niết Bàn được thọ nhận sự cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen của tất cả thế gian Trời, Người, A tu la v.v…
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Xá Lợi Phật ở ba ngàn Thế Giới, giả sử đem hằng hà sa Xá Lợi Phật ở khắp mười phương gom lại thành một phần. Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm được viết chép cũng đem gom lại thành một phần. Trong hai phần đó, con sẽ lấy bát nhã Ba la mật đa.
Vì sao?
Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Xá Lợi đều do bát nhã Ba la mật đa mà phát sanh, đều do sự huân tu bát nhã Ba la mật đa, đều là chỗ nương tựa của bát nhã Ba La Mât Đa, nên được thọ nhận sự cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen của tất cả thế gian Trời, Người, A tu la v.v…
Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Xá Lợi Phật, thì được hưởng mọi điều an lạc, phú quý không cùng tận ở trong Cõi Trời và người. Trong cõi người thì thuộc về đại tộc Sát Đế Lợi cho đến đại tộc Cư Sĩ. Ở Cõi Trời thì được gọi là Trời Tứ Đại Thiên Vương cho đến Trời Tha Hóa Tự Tại. Tức là do thiện căn thù thắng dứt được khổ não đến cuối đời mình.
Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với bát nhã Ba la mật đa thậm thâm mà chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, viết chép, giảng giải, suy nghĩ đúng lý thì mau chóng được viên mãn bát nhã Ba la mật đa thậm thâm.
Được viên mãn bát nhã Ba la mật đa thậm thâm nên được viên mãn tịnh lự Ba la mật đa, cho đến bố thí Ba la mật đa và ba mươi bảy pháp phần Bồ Đề, cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.
Do đó nên có thể vượt lên Bậc Thanh Văn và Độc Giác, chứng nhập chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, đạt được thần thông thù thắng vi diệu của Bồ Tát. Dùng thần thông này qua lại các Cõi Phật, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Chư Phật Thế Tôn, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật.
Tự phát nguyện thọ các thân, vì muốn lợi ích các hữu tình nên làm Đại luân vương, hoặc Tiểu luân vương, hoặc Đại Quốc Vương, hoặc Tiểu Quốc Vương, hoặc Sát Đế Lợi, hoặc Bà La Môn, hoặc Tỳ Sa Môn, hoặc Trời Đế Thích, hoặc Phạm Vương, hoặc làm các loài khác chỉ để lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Vì vậy, bạch Thế Tôn! Con đối với Xá Lợi Phật thường tin tưởng an lạc, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Nhưng đối với Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen thì đạt được công đức nhiều hơn việc kia. Do nhân duyên này nên con sẵn sàng chọn giữ bát nhã Ba la mật đa thậm thâm.
Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen bát nhã Ba la mật đa thậm thâm thì tất cả Phật, Pháp được tăng trưởng. Cũng được hưởng thọ phú quý an lạc, tự tại ở thế gian và xuất thế gian. Như vậy là đã cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Xá Lợi Phật và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ha Lê - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Ba - Thiên Uẩn - Chương Hai - Tương ưng Radha - Phẩm Thân Cận
Phật Thuyết Kinh Lô Chí Trưởng Giả Nhân Duyên
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bảy Mươi - Phẩm Bất Khả động - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ma Cù
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Chín - Phẩm Nhân - Kinh Tưởng
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Hai - Phẩm Chư Bồ Tát Trụ Xứ