Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Bốn - Phẩm Pháp Giới - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ SÁU  

PHẨM BỐN

PHẨM PHÁP GIỚI  

PHẦN HAI   

Bấy giờ, Tối Thắng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì độ hữu tình các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa thị hiện các tướng như thế nào?

Phật Bảo Tối Thắng: Thiên Vương nên biết! Tướng bát nhã Ba la mật đa sâu xa bất khả đắc. Vì cứu độ hữu tình nên các Ngài dùng oai lực phương tiện thiện xảo, thị hiện các tướng giáo hóa bằng cách nhập vào thai mẹ cho đến nhập Niết Bàn.

Vì sao?

Vì Chư Thiên chấp thường cho rằng không bị đọa lạc nên Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo thị hiện các tướng vào thai mẹ để phá sự chấp trước kia.

Do đó làm cho Chư Thiên phát sanh ý niệm vô thường, nghĩ: Bậc tối thắng, tối tôn ở trong thế gian chẳng ai sánh bằng, không nhiễm dục mà còn rơi đọa, huống nữa là Chư Thiên khác mà được thường ư?

Cho nên chúng ta chớ có buông lung cần phải tinh tấn, giữ niệm tu đạo. Như thấy mặt Trời còn có lúc lặn mất thì biết lửa đom đóm không thể tồn tại lâu dài.

Lại có Chư Thiên sống phóng dật say đắm dục lạc, không tu chánh pháp, mặc tình đùa giỡn.

Tuy cùng với Bồ Tát ở trong thiên cung nhưng không đến lễ bái, không thưa hỏi pháp mà đều nghĩ: Lúc này, ta hãy hưởng dục, đợi đến ngày mai sẽ đến Bồ Tát để thưa hỏi pháp.

Nghĩ vậy rồi bảo: Ta cùng với Bồ Tát thường ở nơi đây thì việc tu hành đâu có muộn màng gì?

Do đó, Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, siêng tu tinh tấn như cứu lửa cháy đầu để phá trừ hành động buông lung nên thị hiện đọa lạc.

Sự thị hiện này có hai nguyên nhân:

Làm cho Chư Thiên xa lìa sự buông lung.

 Làm cho hữu tình đều được trông thấy.

Vì trong thế gian cũng có hữu tình hèn kém, ít có thiện căn không thể thấy Phật thành Vô Thượng Giác, chuyển xe diệu pháp nên Bồ Tát phải thị hiện làm trẻ con chơi giỡn ở hậu cung. Nếu làm các tướng khác để thuyết pháp thì e rằng nữ nhân trong hậu cung khó tin được. Do đó, Bồ Tát thị hiện làm trẻ con.

Người có đức hạnh cao thượng hay rời bỏ thế tục thì Bồ Tát vì người kia mà thị hiện xuất gia.

Lại có Thiên Nhân suy nghĩ: Ngồi yên thọ lạc thì không đạt được Thánh Đạo. Bồ Tát vì người kia thị hiện khổ hạnh. Vì để hàng phục khổ hạnh của ngoại đạo, nên Bồ Tát thị hiện các khổ hạnh khó hành.

Lại có Thiên Nhân ngày đêm phát nguyện: Khi Bồ Tát đi đến tòa bồ đề thì Thiên Nhân chúng ta cung kính cúng dường. Bồ Tát vì họ nên đi đến tòa bồ đề. Vô lượng Thiên Nhân đã cúng dường rồi đều được nhân duyên bồ đề.

Lại có Thiên Nhân nghĩ: Ác ma ngoại đạo làm chướng ngại chánh pháp, nguyện các Bồ Tát ngồi tòa bồ đề điều phục ác ma và ngoại đạo để cho người có chánh tín đều được thấy pháp.

Sau khi Bồ Tát thành chánh giác, trong hư không khắp tam thiên đại thiên Thế Giới vang lên những âm thanh tán thán: Mặt trời Phật xuất hiện ở thế gian làm cho ánh sáng đom đóm lặn mất.

Chư Thiên v.v… nói: Nguyện cho tôi đời sau thành Vô Thượng Giác như sự chứng đắc bồ đề của Bồ Tát hôm nay, vì các hữu tình mà ngồi tòa bồ đề.

Lại có Thiên Nhân v.v… nói: Nguyện được thấy Đại Sư thành trí nhất thiết, trí nhất thiết tướng, trí vô sư, trí tự nhiên. Đó là các hữu tình không cầu xuất ly mà căn tánh đã thuần thục, thâm sâu chánh pháp. Bồ Tát vì các hữu tình này mà thị hiện ba chuyển, mười hai hành tướng vô thượng pháp luân.

Lại có Thiên Nhân muốn thấy viên tịch. Bồ Tát vì họ mà thị hiện viên tịch.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa có khả năng thị hiện các tướng biến hóa như vậy.

Thiên Vương nên biết: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa chắc chắn không sanh vào cảnh giới bất an.

Vì sao?

Vì người không phước đức, không nghe được danh tự bát nhã Ba la mật đa vậy.

Lại nữa, các Bồ Tát thường xa lìa các ác nghiệp, không hề hủy phạm giới Phật cấm chế. Tâm không ganh ghét. Thân, miệng không phạm lỗi. Vì đã gieo trồng nhiều căn lành với vô lượng Phật trong quá khứ, đầy đủ phước đức, trí tuệ, phương tiện thù thắng, thành tựu đại nguyện, tâm ưa tịch tịnh, siêng tu tinh tấn, bỏ sự biếng nhác.

Thiên Vương nên biết: Các Bồ Tát này không có ác nghiệp đọa vào địa ngục, vì luôn thực hành mười thiện nghiệp đạo. Các Bồ Tát này không có phá giới, thường hay hộ trì giới đã thọ, khỏi đọa vào loài bàng sanh. Các Bồ Tát này không có tâm ganh ghét, không đọa vào loài ngạ quĩ, không sanh vào nhà tà kiến, thường gặp bạn lành, xa lìa bạn ác.

Vì sao?

Vì đã trồng nhiều căn lành với vô lượng Phật trong thời quá khứ cho nên được sanh chỗ giàu sang, có quyền thế, đầy đủ chánh kiến. Các Bồ Tát này thọ thân đầy đủ các căn, thành tựu pháp khí của Phật.

Vì sao?

Vì vào thời quá khứ đã cúng dường Chư Phật, lắng nghe chánh pháp, kính lễ đại chúng cho nên sanh ở chỗ nào cũng đầy đủ các căn, hình tướng xinh đẹp, thành pháp khí của Phật. Các Bồ Tát này không sanh nơi biên địa, độn căn ngu si, không biết rõ thiện ác, lời nói và ý nghĩa chẳng hợp với pháp khí của Phật, không biết Sa Môn, Bà La Môn v.v…

Vì sao?

Vì Bồ Tát chắc chắn thọ sanh ở trung tâm của đất nước, các căn thông minh trí tuệ, nói năng lưu loát, biết rõ ý nghĩa về ngôn ngữ là pháp khí của Phật, biết rõ Sa Môn, Bà La Môn v.v…

Vì sao?

Vì đời trước Bồ Tát đầy đủ năng lực trí tuệ, phước đức thù thắng nên Bồ Tát không sanh vào Cõi Trời sống lâu, vì không lợi ích cho người, không được gặp Phật. Các Bồ Tát đa số sanh ở Dục Giới, thị hiện ở đời, lợi lạc hữu tình.

Vì sao?

Vì đầy đủ năng lực phương tiện thiện xảo tối thắng. Bồ Tát không sanh vào Thế Giới không có Phật, không người thuyết pháp, không nghe chánh pháp, không cúng dường Tăng.

Vì sao?

Vì sức nguyện mạnh mẽ đời trước nên Bồ Tát sanh chỗ nào cũng đầy đủ Tam Bảo. Các Bồ Tát này nghe pháp ác ở Thế Giới liền sanh tâm nhàm chán, xa lìa. Các Bồ Tát này tu hạnh tịch tịnh, tâm không lười biếng, tinh tấn dõng mãnh, dùng các pháp thiện diệt các pháp ác.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nhờ tất cả nhân duyên như thế nên chắc chắn không sanh vào nơi không thuận tiện.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dù cho trong mộng cũng không quên mất đại bồ đề tâm, huống chi lúc thức mà lại quên ư?

Vì sao?

Vì các thiện pháp đều được sanh ra ở tâm này, tức là tâm Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề. Nếu không có tâm này thì không có Phật. Nếu không có Phật thì không có giáo pháp, không có giáo pháp thì không có Tăng.

Do có tâm này nên có Tam Bảo và có Trời, người tu thiện, hưởng thọ an vui. Các Bồ Tát thường xa lìa nịnh hót, lừa dối. Tâm Bồ Tát thanh tịnh, chân thật nhu hòa, không do dự đối với Phật Pháp.

Nếu người muốn lắng nghe, thọ nhận thì Bồ Tát không giấu ý nghĩa sâu xa. Bồ Tát xa lìa sự ganh ghét và ác nghiệp tam đồ. Giai đoạn trước, giữa và sau không có tướng thay đổi, hành pháp Đại Thừa chẳng trái với lời nói, thấy người đồng học sanh tâm cung kính khuyên siêng tu tập, xưng tán Đại Thừa.

Ðối với Pháp Sư thường tưởng như Phật, thân gần bạn lành, xa lìa bạn ác. Đó là phương tiện thiện xảo của các Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên thành tựu tâm bồ đề như vậy, nương nơi tâm này đắc túc trụ trí.

Vì sao?

Vì đã từng cúng dường vô lượng Chư Phật, hộ trì chánh pháp, trì giới thanh tịnh, xa lìa ác nghiệp, hoàn toàn không còn chướng ngại, tâm thường hoan hỷ, tâm siêng tu học, tâm không tán loạn, tâm trí không hao mất.

Vì sao?

Vì tôn trọng chánh pháp nên các Bồ Tát này đã từng cúng dường vô lượng Chư Phật. Do tôn trọng chánh pháp nên đã vì người khác giảng thuyết sâu rộng, vì hộ chánh pháp nên chẳng tiếc thân mạng.

Thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp đều thanh tịnh. Do nghiệp thanh tịnh nên lìa các chướng ngại. Do lìa chướng ngại nên tâm thường hoan hỷ, do tâm hoan hỷ nên siêng năng tinh tấn. Tâm tánh chánh trực, niệm trí viên mãn.

Do niệm trí viên mãn nên biết đời sống quá khứ, một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, cho đến vô số kiếp, các Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, rõ biết như thật về các nơi sanh thời quá khứ, biết rõ đời trước gần gũi bạn lành nên đối với ba việc nghe, thấy, niệm về Chư Phật chẳng quên mất.

Thường ưa nghe pháp, cúng dường Tăng Bảo không lúc nào để thời gian trống rỗng trôi qua. Đối với việc cúng dường cung kính lễ bái Phật, Bồ Tát không bỏ qua lúc nào.

Đi đứng nằm ngồi luôn luôn học hỏi.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát nhờ trì tịnh giới nên thường được nghe danh tự công đức bát nhã Ba la mật đa, thường tu tập trợ bồ đề phần, không xa lìa ba môn giải thoát, thường xuyên tu tập bốn vô lượng tâm, thường nghe vô thượng trí nhất thiết.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa do đó gần gũi bạn lành.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dù cho trong mộng còn chưa gần bạn ác huống chi là lúc thức mà lại gần gũi ư?

Vì sao?

Vì Bồ Tát đối với kẻ phá giới, kẻ đắm trước tà kiến, hạng bất luật nghi, người hành tà mạng, người nói vô nghĩa, người lười biếng, người ưa sanh tử, người trái ngược bồ đề, người ưa việc thế tục, tuy thường thương xót họ nhưng không ở chung.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nhờ đó thường xa lìa bạn ác.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên được mười thân sai khác của Như Lai.

Mười thân đó là gì?

Thân bình đẳng.

Thân thanh tịnh.

Thân vô tận.

Thân tu tập viên mãn.

Thân pháp tánh.

Thân lìa tầm tứ.

Thân bất tư nghì.

Thân tịch tịnh.

Thân Hư Không.

Thân diệu trí.

Bấy giờ, Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa đến địa vị nào mới đạt được mười thân của Như Lai?

Phật Bảo Tối Thắng: Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa ở trong sơ địa được thân bình đẳng.

Vì sao?

Vì thông đạt pháp tánh xa lìa tà vạy, thấy tất cả đều bình đẳng.

Trong nhị địa được thân thanh tịnh.

Vì sao?

Vì xa lìa sự phạm giới, mất giới nên được thanh tịnh.

Ở trong địa thứ ba được thân vô tận.

Vì sao?

Vì lìa dục, tham, sân nên được thắng định.

Trong địa thứ tư được thân tu tập viên mãn.

Vì sao?

Vì thường siêng tu tập bồ đề phần.

Trong địa thứ năm được thân pháp tánh.

Vì sao?

Vì quán các đế chứng đạt pháp tánh.

Trong địa thứ sáu được thân ly tầm tứ.

Vì sao?

quán lý duyên khởi, xa lìa tầm tứ.

Trong địa thứ bảy được thân bất tư nghì.

Vì sao?

Vì thực hành đầy đủ trí phương tiện quyền xảo.

Trong địa thứ tám được thân tịch tịnh.

Vì sao?

Vì lìa các phiền não, hý luận.

Trong địa thứ chín được thân hư không.

Vì sao?

Vì thân tướng vô tận biến khắp tất cả.

Trong địa thứ mười được thân diệu trí.

Vì sao?

Vì tu tập viên mãn nhất thiết chủng trí.

Khi ấy, Tối Thắng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy thân Bồ Tát và thân Phật nào có sai khác?! 

Phật Bảo Tối Thắng: Tuy thân không sai khác nhưng công đức có sai khác, nghĩa ấy như thế nào?

Nghĩa là thân Phật và thân Bồ Tát không có sai khác?

Vì sao?

Vì tất cả pháp đồng một tánh tướng. Công đức sai khác là thân Như Lai đầy đủ công đức, còn thân Bồ Tát thì không được như vậy.

Ta sẽ nói thí dụ cho ông. Thí như bảo châu được trang sức hay không được trang sức thì bảo châu ấy vẫn như nhau. Thân Phật và thân Bồ Tát cũng lại như vậy. Tuy công đức có sai khác nhưng pháp tánh không sai khác.

Vì sao?

Vì công Đức Như Lai hoàn toàn viên mãn, cùng tận đến mười phương, biến khắp cõi hữu tình, thanh tịnh xa lìa dơ bẩn, không còn chướng ngại. Công đức của Bồ Tát chưa viên mãn nên vẫn còn chướng ngại. Ví như mặt trăng lúc khuyết, lúc tròn, nhưng tánh trăng vẫn không sai khác. Hai thân cũng vậy, đều kiên cố không thể phá hoại được giống như kim cương.

Vì sao?

Vì không bị ba độc phá hoại, vì không nhiễm pháp thế tục, vì không bị bức bách bởi các cảnh khổ ở cõi ác của Trời người, xa lìa hẳn sanh, lão, bệnh, tử, có khả năng chế phục ngoại đạo, vượt cảnh giới ma, chẳng hướng đến Độc Giác và Thanh Văn Thừa, do đó không bị phá hoại.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa khéo hướng dẫn thế gian, Trời, Người, A Tu La v.v… đều tin cậy. Thí như có người khéo dẫn đường được Quốc Vương hoặc hàng thân cận Vua v.v… hoặc Trưởng Giả, Cư Sĩ đều tin cậy.

Các Bồ Tát cũng lại như vậy, Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát Như Lai đều xứng đáng là người dẫn đường giỏi.

Thí như có người khéo dẫn đường thì Quốc Vương, Đại Thần, Bà La Môn v.v… đều tôn kính. Cũng vậy, các Đại Bồ Tát đều được Trời, Rồng, dạ xoa, A Tu La v.v… và Bậc hữu học, Bậc vô học cúng dường.

Như kẻ đi đường mệt mỏi giữa nơi hoang dã nguy hiểm gặp kẻ dẫn đường có thể được an ổn. Cũng vậy, các vị Đại Bồ Tát này dùng năng lực phương tiện hướng dẫn hữu tình ra khỏi sanh tử được an ổn.

Như người nghèo khó nương dựa vào Trưởng Giả giàu có mới thoát khỏi túng thiếu. Ngoại đạo, Bà La Môn nương Bồ Tát mới ra khỏi sanh tử. Như đại Trưởng Giả của cải vô lượng cho mọi người đều được sử dụng.

Cũng vậy, hữu tình sanh tử đều nương tựa vào các Đại Bồ Tát này. Như đại Trưởng Giả muốn vượt qua khỏi hiểm nạn phải nhờ nhiều bạn, đầy đủ vật thực ăn uống mới qua khỏi hiểm nạn được.

Cũng vậy, các Đại Bồ Tát này muốn ra khỏi hiểm nạn sanh tử chắc chắn phải nhờ phước tuệ bảo vệ các hữu tình, mới ra khỏi thế gian đến trí nhất thiết. Như người đi xa cần đem nhiều của báu mới được lợi.

Cũng vậy các Đại Bồ Tát từ biển sanh tử đến trí nhất thiết cần tu tập phước báu, phước tuệ thật nhiều mới mau chứng trí nhất thiết. Như người thế gian tham cầu của vật không hề nhàm chán. Cũng vậy, Bồ Tát ưa cầu thắng pháp tâm không nhàm chán.

Như người dẫn đường cần có bốn việc hơn người: giàu có, địa vị cao, tài giỏi, lời nói có uy tín. Cũng vậy, các Bồ Tát giàu có công đức, ở địa vị tôn quý, được pháp tự tại, lời nói chắc chắn. Như người biết cách dẫn đường đi đến thành lớn. Cũng vậy, các vị Bồ Tát hướng dẫn hữu tình đến trí nhất thiết.

Thiên Vương nên biết: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa biết rõ con đường nên đi, con đường không nên đi, nơi tà, nơi chánh, nơi cong, nơi ngay, nơi an ổn, nơi nguy hiểm, nơi có nước, nơi không có nước, hoặc nơi có nguy hiểm thì đều biết con đường thoát ra.

Các Đại Bồ Tát này biết rõ các con đường không hề nhầm lẫn, đã hướng dẫn thì không trái với căn cơ của chúng sanh, vì người cầu Đại Thừa nói đạo vô thượng chẳng nói đạo Độc Giác, Thanh Văn.

Vì người cầu Độc Giác nói đạo Độc Giác không nói đạo Bồ Tát, Thanh Văn. Vì người cầu Thanh Văn nói đạo Thanh Văn không nói đạo Bồ Tát, Độc Giác. Vì người chấp trước ngã nói đạo vô ngã. Vì người chấp trước pháp nói đạo pháp không. Vì người chấp hai bên nói trung đạo.

Vì người mê loạn nói đạo chỉ, quán để họ hết mê loạn. Vì người hý luận nói đạo chân như để họ hết hý luận. Vì người chấp trước sanh tử nói đạo Niết Bàn để họ ra khỏi thế gian. Vì người theo đường mê nói đạo chơn chánh để họ xa lìa đường tà vạy.

Này Thiên Vương! Đây là Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa biết rõ đường tà, đường chánh để hướng dẫn hữu tình đi ra thông suốt.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần