Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý đức Vương Bồ Tát - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU

CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT  

PHẦN CHÍN  

Thế Tôn! Như thạch nữ vốn không con, dầu tốn nhiều công lực, nhiều nhân duyên vẫn không thể có con. Cũng vậy, tâm vốn không tham, dầu gây tạo nhiều duyên, cũng không do đâu sanh được tham.

Thế Tôn! Như dùi cây ướt không thể được lửa. Cũng vậy, dầu dùi tìm nơi tâm vẫn không thể có tham. Tại sao tham kiết hệ phược được tâm.

Thế Tôn! Ví như ép cát không thể có dầu. Cũng vậy, dầu ép nơi tâm vẫn không có tham. Phải biết rằng tham cùng tâm, lý nghĩa của hai thứ riêng khác nhau. Thiết sử có tham, đâu nhiễm ô được tâm.

Thế Tôn! Ví như đem nọc cắm giữa hư không trọn không thể đứng cứng được. Cũng vậy, đem tham cắm vào tâm, trọn không thể hệ phược được tâm, dầu dùng nhiều nhân duyên.

Thế Tôn! Nếu tâm vốn không tham mà lại gọi là giải thoát, thời chư Phật và Bồ Tát sao chẳng nhổ gai trong hư không?

Thế Tôn! Tâm quá khứ không gọi là giải thoát. Tâm vị lai cũng không giải thoát. Tâm hiện tại chẳng cùng chung với đạo.

Thế thời tâm nào gọi là được giải thoát?

Thế Tôn! Như ngọn đèn quá khứ không thể diệt tối. Ngọn đèn vị lai cũng không thể diệt tối. Ngọn đèn hiện tại lại không thể diệt tối. Vì sáng cùng tối, hai thứ ấy không đồng thời có.

Tâm cũng như vậy, sao lại nói rằng tâm được giải thoát?

Thế Tôn! Tham cũng là có. Nếu tham là không, thời lúc thấy người nữ lẽ ra chẳng sanh tham. Nếu do người nữ mà sanh tham, thời tham là có thật. Vì có tham nên đọa ba đường ác.

Thế Tôn! Như có kẻ thấy tượng vẽ người nữ cũng sanh tham, vì sanh tham nên thành có nhiều tội lỗi.

Nếu vốn không tham, tại sao thấy tướng vẽ lại sanh tham?

Nếu tâm không tham, tại sao Như Lai nói Bồ Tát tâm được giải thoát?

Nếu tâm có tham, sao lại phải chờ thấy người nữ rồi sau mới sanh.

Người không thấy thời không sanh?

Hiện tại tôi thấy có quả báo ác do tham gây ra, nên biết tham là có sân và si cũng như vậy.

Thế Tôn! Như chúng sanh có thân không ngã, mà phàm phu chấp có ngã. Dầu chấp có ngã nhưng không vì thế mà đọa ba ác đạo.

Tại sao người tham đối với không tướng nữ sanh tưởng là nữ mà phải đọa ba ác đạo?

Thế Tôn! Ví như dùi cây sanh lửa, nhưng tánh lửa này trong các duyên đều không có, cớ gì mà được sanh ra lửa?

Thế Tôn! Cũng vậy, trong sắc không có tham, trong thinh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều không có tham, tại sao nơi sắc v.v… lại sanh ra tham?

Nếu trong các duyên đều không có tham, tại sao riêng chúng sanh có tham, mà Chư Phật và Bồ Tát không sanh tham?

Thế Tôn! Tâm cũng là bất định. Nếu tâm là nhất định thời không có tham sân si.

Nếu tâm đã là bất định, sao lại nói rằng tâm được giải thoát?

Tham cũng là bất định, nếu đã là bất định, tại sao lại nhân nơi tham mà sanh ra ba ác đạo?

Kẻ tham cùng cảnh giới, cả hai đều bất định. Vì đồng chung duyên một cảnh sắc, hoặc sanh tham, hoặc sanh sân, hoặc sanh si.

Nếu cả hai đều bất định, tại sao Đức Như Lai nói rằng Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thời tâm được giải thoát?

Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Tâm cũng chẳng bị tham kiết hệ phược, cũng chẳng phải chẳng bị hệ phược. Chẳng phải giải thoát, cũng chẳng phải giải thoát. Chẳng phải có. Chẳng phải không. Chẳng phải hiện tại, chẳng phải quá khứ chẳng phải vị lai.

Vì tất cả pháp đều không tự tánh.

Này thiện nam tử! Có các nhà ngoại đạo cho rằng: Nhân duyên hòa hiệp thời có quả sanh ra. Nếu trong các duyên vốn không tánh sanh mà có thể sanh ra, thời hư không vốn chẳng sanh lẽ ra cũng sanh được quả. Nhưng hư không vẫn chẳng sanh vì chẳng phải là nhân.

Do vì trong các duyên vốn cá tánh của quả, nên hòa hiệp thời sanh được quả. Như người đời khi muốn xây vách thời dùng bùn đất khô dùng cọ màu, lúc muốn vẽ vời thời dùng cọ màu mà chẳng dùng cỏ cây, may áo thời dùng kim chỉ mà chẳng dùng cây bùn, cất nhà thời dùng bùn cây mà chẳng dùng kim chỉ.

Người dùng đến vật đó là vì nó có thể sanh ra quả, vì sanh được quả nên biết trong các nhân tất đã có tánh. Nếu là không tánh, thời trong một vật lẽ ra phải xuất sanh tất cả vật.

Nếu là đáng lấy, đáng làm, đáng đem ra, nên biết rằng trong đó tất cả trước có tánh của quả. Nếu là không có tánh của quả thời người chẳng lấy, chẳng làm, chẳng đem ra. Chỉ có hư không là chẳng lấy, chẳng làm nên có thể xuất sanh tất cả muôn vật, do vì có nhân.

Như hột Ni Câu Đà mọc lên cây Ni Câu Đà. Trong sửa có tánh chất Đề Hồ. Trong sợi chỉ có tánh của vải. Trong đất sét có tánh của cái bình.

Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu bị vô minh làm mù lòa nên bày ra định thuyết: Sắc có nghĩa tham luyến, tâm có tánh tham.

Họ lại cho rằng: Tâm phàm phu có tánh tham, cũng có tánh giải thoát gặp duyên tham thời tâm sanh tham, nếu gặp được duyên giải thoát thời tâm giải thoát.

Những thuyết này đều không đúng nghĩa.

Có hạng phàm phu lại cho rằng: Trong tất cả nhân đều không có quả.

Nhân có hai thứ: Vi tế và thô đại.

Tế thời là thường, thô thời vô thường. Từ nhân vi tế chuyển thành nhân thô, từ nhân thô này lại chuyển thành quả. Vì nhân thô vô thường nên quả cũng vô thường.

Có hạng phàm phu lại cho rằng: Tâm không có nhân, tham cũng không có nhân, do thời tiết thời sanh tâm tham. Vì không biết được tâm nhân duyên, nên những hạng này luân hồi trong sáu đường, chịu đủ mọi sự sanh tử.

Ví như con chó bị xiềng, trọn ngày đi quanh cột không thể thoát lìa. Cũng vậy, tất cả phàm phu bị xiềng vô minh cột vào cột sanh tử, cứ vòng quanh mãi ở hai mươi lăm cõi không thoát ly được.

Ví như có kẻ sa vào hầm xí, đã được ra khỏi rồi lại té vào hầm. Như người bệnh được lành trở lại làm nhân cho bệnh. Như người đi đường xa gặp chỗ hoang vắng, đã đi qua được rồi trở lại nữa. Như đã tắm rửa sạch sẽ trở lại lấy bùn đất trét vào.

Cũng vậy, tất cả phàm phu đã được thoát khỏi Cõi Vô Sở hữu, chỉ chưa thoát khỏi Cõi Phi Phi Tưởng, trở lại sa vào đến ba ác đạo. Vì tất cả phàm phu chỉ biết quán sát nơi quả, mà chẳng suy gẫm nhân duyên.

Như con chó đuổi theo cục đất chẳng chạy theo người. Cũng vậy, hạng phàm phu chỉ nhìn nơi quả mà chẳng nhìn nơi nhân duyên. Do chẳng thấy biết nhân duyên nên từ cõi Phi Phi Tưởng sa đến ba ác đạo.

Này thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát trọn không bảo nhất định rằng: Trong nhân có quả, trong nhân không quả, trong nhân cũng có cũng không quả, trong nhân chẳng phải có chẳng phải không quả.

Nếu kẻ nào cho rằng trong nhân quyết định có quả, không quả, cũng có cũng không quả, chẳng phải có chỗ phải không quả, nên biết rằng đây là bè lũ của ma, là thuộc về loài ma là người tham ái, chẳng thể dứt hẳn sự hệ phược của sanh tử, người này chẳng rõ biết tâm tướng và tham tướng.

Này thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát hiển bày lý trung đạo: Dầu nói các pháp là chẳng phải có, chẳng phải không, nhưng chẳng quyết định. Vì nhân nơi nhãn, sắc, minh, tâm và niệm mà có thức sanh ra. Thức này quyết định chẳng ở trong nhãn, chẳng ở trong sắc, chẳng ở trong minh, chẳng ở trong tâm, chẳng ở trong niệm, cũng chẳng ở chặn giữa, chẳng phải có chẳng phải không.

Vì từ các duyên sanh ra nên gọi là có. Vì không tự tánh nên gọi là không. Do đây nên Như Lai nói các pháp là chẳng phải có chẳng phải không.

Này thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát trọn không quyết định nói tâm có tánh thanh tịnh và tánh chẳng thanh tịnh, tánh tịnh cùng bất tịnh, vì tâm vốn vô trụ. Do từ nơi duyên sanh ra nên nói là chẳng phải không, lại vì vốn không có tánh tham nên nói là chẳng phải có.

Này thiện nam tử! Do từ nơi nhân duyên mà tâm sanh ra tham, do từ nơi nhân duyên mà tâm được giải thoát.

Nhân duyên có hai thứ: Một là theo sanh tử, hai là theo Đại Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Vì có nhân duyên mà tâm cùng với tham sanh ra, chung với tham cùng diệt, có nhân duyên tâm cùng với tham sanh mà chẳng chung với tham cùng diệt. Có nhân duyên tâm chẳng cùng với tham sanh mà chung với tham cùng diệt. Có nhân duyên tâm chẳng cùng với tham sanh cũng chẳng cùng với tham diệt.

Này thiện nam tử! Có hạng phàm phu chưa dứt tâm tham, huân tập tâm tham, những kẻ này, tâm của họ chung với tham cùng sanh cùng diệt.

Như chúng sanh Cõi Dục, tất cả đều có khí vị Sơ Thiền, hoặc tu hay chẳng tu, gặp nhân duyên thời bèn được. Nơi đây nói nhân duyên chính là cho hỏa tai. Cũng vậy, tất cả phàm phu hoặc huân tập hay không huân tập, tâm của họ chung với tham cùng sanh, chung với tham cùng diệt, vì họ chẳng dứt tham vậy.

Hàng Thanh Văn vì có nhân duyên nên sanh tâm tham, vì sợ tâm tham nên tu tập quán bạch cốt, đây gọi là tâm cùng tham sanh mà chẳng cùng tham diệt.

Lại hàng Thanh Văn chưa chứng quả A La Hán vì có nhân duyên nên sanh tâm tham, lúc đã chứng A La Hán thời tham liền diệt, đây cũng gọi là tâm cùng tham sanh mà chẳng chung với tham cùng diệt. Đại Bồ Tát lúc chứng bậc Bất Động cũng như vậy.

Thế nào là tâm chẳng cùng tham sanh mà chung với tham cùng diệt?

Đại Bồ Tát đã dứt tâm tham, vì độ chúng sanh mà thị hiện có tham, vì thị hiện nên có thể làm cho vô lượng chúng sanh học tập thành tựu pháp lành. Đây gọi là tâm chẳng cùng tham sanh mà với tham cùng diệt. A La Hán, Duyên Giác, Chư Phật, Chư Bồ Tát trừ Bất Động Địa, gọi là tâm chẳng chung với tham cùng sanh cùng diệt.

Do những nghĩa trên đây, nên chư Phật và Bồ Tát chẳng quyết định nói tâm tánh vốn thanh tịnh, tâm tánh vốn không thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Tâm này chẳng cùng với tham hòa hiệp, cũng chẳng cùng với sân, si hòa hiệp. Như mặt trời, mặt trăng, dầu bị khói bụi mây mù và La Hầu A Tu La che chướng, làm cho chúng sanh không thấy, nhưng tánh mặt trời, mặt trăng trọn chẳng cùng hòa hiệp với năm thứ ấy.

Cũng vậy, dầu do nhân duyên mà tâm sanh tham, nhưng thật ra tâm tánh chẳng cùng tham hòa hiệp. Nếu là tâm tham thời chính là tánh tham. Nếu là tâm chẳng tham thời chính là tánh chẳng tham. Tâm chẳng tham không thể làm tham. Tâm tham không thể chẳng tham.

Do nghĩa trên đây nên kiết sử tham dục không thể làm nhiễm ô được tâm. Chư Phật và Bồ Tát đã phá hẳn tham kiết, nên gọi là tâm được giải thoát. Tất cả chúng sanh vì do nhân duyên mà sanh tham kiết, vì do nhân duyên mà được giải thoát.

Này thiện nam tử! Như núi Tuyết, chỗ cao vót. Người cùng khỉ vượn đều không đi được, hoặc có chỗ vượn đi được mà người không đi được, hoặc có chỗ vượn cùng người đều đi được.

Chỗ mà người cùng vượn đều đi được đó, như thợ săn dùng keo nhựa bày trên bàn để bắt vượn. Vì ngu si, vượn đến lấy bàn tay rờ bóc, tay dính vào nhựa. Muốn gỡ tay, vượn dùng chân đạp, lại dính luôn chân.

Muốn gỡ chân, vượn dùng miệng cạp, lại dính cả miệng. Hai tay, hai chân cùng miệng của vượn đều dính khắn vào nhựa không thể thoát được. Bấy giờ thợ lấy gậy xỏ vượn mang về nhà.

Chỗ cao vót của núi Tuyết dùng dụ cho chánh đạo của Phật và Bồ Tát chứng. Khỉ vượn dụ cho phàm phu. Thợ săn dụ cho Ma Ba Tuần. Keo nhựa dụ cho tham dục.

Người cùng khỉ vượn đều không thể đi là dụ cho phàm phu và Ma Vương Ba Tuần đều không thể đi đến. Khỉ vượn đi được mà người thời không, dụ hàng ngoại đạo, có trí huệ, các ác ma dù có dùng ngũ dục cũng không hệ phược được họ.

Người cùng khỉ vượn đều đi được là dụ cho tất cả phàm phu cùng Ma Ba Tuần luôn ở trong sanh tử không thể tu hành. Hàng phàm phu bị ngũ dục hệ phược nên Ma Ba Tuần tha hồ mang đi. Như thợ săn kia bắt khỉ vượn mang về nhà.

Này thiện nam tử! Như Quốc Vương ở trong nước mình thời thân tâm an lạc, nếu qua đến nươc khác thời tất phải gặp nhiều sự khổ não. Cũng vậy, tất cả chúng sanh nếu có thể tự trụ nơi cảnh giới của mình thời được an lạc, nếu đến cảnh giới khác tất gặp ác ma bị những khổ não. Tự cảnh giới là chỉ tứ niệm xứ. Cảnh giới khác là nói ngũ dục.

Thế nào gọi là hệ thuộc nơi ma?

Có những chúng sanh nơi vô thường thấy là thường, nơi thường lại thấy là vô thường. Nơi khổ thấy là lạc, nơi lạc lại thấy là khổ. Nơi bất tịnh thấy là tịnh, nơi tịnh lại thấy là bất tịnh. Nơi vô ngã thấy là ngã, nơi ngã lại thấy là vô ngã.

Nơi chẳng phải giải thoát thấy là giải thoát nơi thiệt giải thoát lại thấy là chẳng giải thoát. Nơi chẳng phải thừa thấy là thừa, nơi thừa lại thấy là chẳng phải thừa. Những hạng này gọi là kẻ hệ thuộc nơi ma. Phàm kẻ hệ thuộc nơi ma thời tâm họ không thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Nếu thấy các pháp thiệt có tướng nhất định là tổng là biệt, nên biết rằng người này lúc thấy sắc liền chấp tướng sắc, nhẫn đến lúc thấy thức cũng chấp tướng thức.

Lúc thấy nam nữ, nhật, nguyệt, ấm, nhập, giới v.v…liền chấp tướng nam, tướng nữ nhẫn đến tướng nhập, tướng giới. Kẻ có kiến chấp này gọi là hệ thuộc nơi ma. Kẻ hệ thuộc nơi ma thời tâm họ không thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Nếu thấy ngã là sắc, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, sắc thuộc nơi ngã. Nhẫn đến thấy ngã là thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức, thức thuộc nơi ngã. Kiến chấp này hệ thuộc nơi ma, người này không phải đệ tử Phật.

Này thiện nam tử! Hàng Thanh Văn đệ tử của ta xa lìa mười hai Bộ Kinh của Như Lai, mà tu tập theo sách vở của những ngoại đạo, chẳng tu công hạnh tịch diệt xuất gia, thuần kinh doanh sự vụ tại gia thế tục.

Những gì là sự vụ tại gia thế tục?

Nhận chứa tất cả vật bất tịnh, tôi tớ, ruộng, nhà, voi, ngựa, xe cộ, đà, lừa, gà, chó, khỉ, vượn, heo, dê, các thứ lúa bắp. Xa lìa Sư Trưởng, chúng Tăng, gần gũi Cư Sĩ bạch y, trái phản Thánh Giáo.

Bảo hàng bạch y rằng: Đức Phật cho phép Tỳ Kheo nhận chứa những vật bất tịnh. Đây gọi là sự vụ tại gia.

Có các đệ tử chẳng vì Niết Bàn, chỉ vì lợi dưỡng mà nghe thọ mười hai Bộ Kinh, ăn dùng của thường trụn hư của riêng mình, tham tiếc nhà người cùng danh tiếng, gần gũi Quốc Vương và các Vương Tử, bói xủ lành dữ, suy tính đầy vơi, bài bạc, thân thiện Tỳ Kheo Ni cùng các xử nữ, chứa hai hạng Sa Di, thường đến nhà hàng thịt, thợ săn, quán rượu, và chỗ ở của Chiên Đà La, buôn bán các loại, tự tay làm đồ ăn, nhận đi xứ lân quốc, lãnh lệnh đi thơ.

Nên biết rằng người như trên đây là quyến thuộc của ma, không phải đệ tử Phật. Do nhân duyên này mà tâm cùng tham chung sanh, chung diệt. Sân và si cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Do đây nên tâm tánh chẳng phải tịnh, cũng chẳng phải bất tịnh. Vì thế nên ta nói rằng tâm được giải thoát. Nếu có người không nhận, không chứa tất cả vật bất tịnh, vì Đại Niết Bàn mà thọ trì đọc tụng mười hai Bộ Kinh, biên chép giải thuyết.

Nên biết rằng người này thật là đệ tử Phật. Người này không đi nơi cảnh giới của ác Ma Ba Tuần. Người này chính là tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Vì tu tập nên chẳng cùng tham mà sanh, cũng chẳng cùng với tham mà diệt. Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tám.

Thế nào là thành tựu đầy đủ phần công đức thứ chín?

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập Kinh Đại Niết Bàn, đầu tiên phát năm điều thời được thành tựu phần công đức này: Một là tín tâm.

Hai là trực tâm.

Ba là giới.

Bốn là gần gũi bạn lành.

Năm là học rộng nghe nhiều.

Thế nào là tín tâm?

Bồ Tát tin nơi Tam Bảo, bố thí cúng dường thời có quả báo. Tin nơi hai đế lý, đạo nhất thừa không có nẻo nào khác, vì muốn chúng sanh mau được giải thoát mà Chư Phật và Bồ Tát phân biệt làm ba thừa. Tin đế lý đệ nhất nghĩa.

Tin thiện phương tiện: Đây gọi là tin. Người có lòng tin như trên đây, không ai phá hoại được. Do đức tin này mà được tánh Thánh Nhân. Người này tu hành bố thí không luận ít nhiều đều được gần nơi Đại Niết Bàn, chẳng đọa nơi sanh tử.

Như bố thí, trì giới, đa văn và trí huệ cũng vậy. Dầu có tín tâm này nhưng cũng chẳng chấp. Đây là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thành tựu điều ban đầu.

Thế nào là trực tâm?

Đại Bồ Tát đối với chúng sanh, có lòng chất trực. Tất cả chúng sanh, nếu gặp nhân duyên thời móng lòng dua vạy. Bồ Tát thời không như vậy, vì hiểu rõ các pháp đều là nhân duyên.

Bồ Tát dầu thấy chúng sanh có những lỗi lầm, mà trọn không nói đến, vì sợ sanh phiền não, nếu sanh phiền não thời phải đọa ác thú. Bồ Tát này nếu thấy chúng sanh có chút ít điều lành liền tán thán đó.

Gì là lành?

Chính là Phật Tánh. Do Bồ Tát tán thán Phật Tánh nên chúng sanh phát tâm bồ đề.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn!

Như Đức Phật vừa nói: Bồ Tát tán thán Phật Tánh làm cho chúng sanh phát tâm bồ đề. Lời đây không đúng nghĩa.

Vì Đức Như Lai lúc mới khai Kinh Niết Bàn nói có ba hạng:

Một là nếu có người bệnh gặp được thầy giỏi thuốc hay, người khán bệnh khéo thời được lành mạnh, nếu không đuợc như trên thời bệnh không lành.

Hai là được gặp hay không được gặp đều không được lành.

Ba là được gặp hay không được gặp bệnh đều lành.

Tất cả chúng sanh cũng có ba hạng như vậy:

Một là hạng gặp bạn lành, gặp Phật, Bồ Tát, nghe nói diệu pháp thời được phát tâm bồ đề, nếu không gặp thời không phát, đây là chỉ cho các bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và Bích Chi Phật.

Hai là hạng dầu được gặp bạn lành, gặp Phật, Bồ Tát, được nghe diệu pháp cũng chẳng phát tâm bồ đề, đây là nói hạng Nhất Xiển Đề.

Ba là hạng hoặc gặp hay chẳng gặp, tất cả đều có thể phát tâm bồ đề, đây là nói Bồ Tát.

Nếu đã nói rằng gặp cùng chẳng gặp tất cả đều phát tâm vô thượng bồ đề, giờ đây tại sao Đức Như Lai lại nói: Do tán thán Phật Tánh làm cho chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề?

Thế Tôn! Nếu nói rằng gặp cùng chẳng gặp đều không thể phát tâm bồ đề cả, lời này cũng không đúng nghĩa, vì hạng này sẽ được vô thượng bồ đề. Hạng Nhất xiển đề do vì có Phật Tánh, nên hoặc được gặp hay không được gặp, cũng đều sẽ được vô thượng bồ đề.

Thế Tôn! Như Đức Phật định nghĩa Nhất xiển đề là dứt thiện căn, cũng không đúng. Vì hạng này không dứt Phật Tánh.

Cứ lý thời Phật Tánh không thể dứt, sao Đức Phật nói là dứt thiện căn?

Như trong mười hai Bộ Kinh của Phật nói ngày trước, có hai thứ thiện căn: Thường và vô thường. Thiện căn thường thời không dứt, còn vô thường thời dứt. Thiện căn vô thường có thể dứt nên đọa địa ngục.

Còn thường chẳng thể dứt, cớ sao Đức Phật chẳng có lời ngăn?

Chẳng dứt Phật Tánh chẳng phải nhất xiển đề, cớ sao Đức Phật lại nói là nhất xiển đề?

Thế Tôn! Nếu nhân Phật Tánh mà phát tâm vô thượng bồ đề, cớ sao Như Lai lại vì chúng sanh nói rộng mười hai Bộ Kinh?

Thế Tôn! Như bốn con sông lớn từ ao A Na Bà Đạp Đa chảy ra, nếu có Trời, người, cùng Chư Phật cũng không thể bảo rằng nước sông lớn này không chảy vào biển cả sẽ trở lại nguồn. Cũng vậy, người có Phật Tánh, không luận nghe pháp hay không nghe, có giới hay không giới, có bố thí hay không bố thí, có tu hay không tu, có trí hay không trí, tất cả lẽ ra đều được vô thượng bồ đề.

Thế Tôn! Như từ núi A Đà Diên, mặt trời mọc lên đến hướng chánh nam, không bao giờ mặt trời có thể nghĩ rằng ta không đến hướng Tây, ta trở lại phương Đông. Cũng vậy, đã có Phật Tánh không có lẽ chẳng được vô thượng bồ đề mặc dầu không nghe pháp, không trì giới, không bố thí, không tu, không trí huệ.

Thế Tôn! Như Lai nói tánh nhân quả là chẳng phải có chẳng phải không. Nghĩa này cũng chẳng đúng. Vì như trong sữa không có tánh của chất lạc, thời tất không có lạc. Như hột ni câu đà không có tánh cây năm trượng cao, thời tất không mọc lên cây cao năm trượng. Nếu trong Phật Tánh không có cội vô thượng bồ đề, sao lại có thể sanh cội bồ đề Vô Thượng.

Cứ như nghĩa này, thời làm sao hiệp với nghĩa nhân quả chẳng phải có chẳng phải không của Phật đã nói?

Đức Thế Tôn tán thán rằng: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử!

Trong đời có hai hạng người rất là hi hữu như hoa Ưu Đàm: Một là người không phạm tội ác. Hai là người có tội biết hối cải.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là làm ơn, hai là nhớ ơn.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là học hỏi điều mới, hai là ôn nhuần điều học cũ không quên.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là tạo ra mới, hai là tu sửa chỗ cũ.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là thích nghe pháp, hai là thích thuyết pháp.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là khéo gạn hỏi, hai là khéo giải đáp. Người khéo gạn hỏi chính là ông vậy. Người khéo giải đáp chính là Như Lai vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần