Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Mười Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG
QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM BA MƯƠI TÁM
PHẨM LY THẾ GIAN
PHẦN MƯỜI NĂM
Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại trí nhân minh liễu pháp vô thượng của Đức Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp tu hành:
Cung kính tôn trọng chư thiện tri thức, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Thường được Chư Thiên giác ngộ, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Ðối với Chư Phật thường có lòng tàm quý, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Thương xót chúng sanh chẳng bỏ sanh tử, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Công việc tất làm đến rốt ráo tâm không biến động, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Chuyên niệm theo dõi chúng Bồ Tát phát tâm đại thừa tinh cần tu học, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Xa lìa tà kiến siêng cầu chánh đạo, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Dẹp phá chúng ma và nghiệp phiền não, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Biết các chúng sanh căn tánh thắng liệt mà vì họ thuyết pháp cho họ an trụ nơi Phật Địa, là pháp tu hành của Bồ Tát.
An trụ pháp giới quảng đại vô biên, diệt trừ phiền não cho thân thanh tịnh, là pháp tu hành của Bồ Tát.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được pháp tu hành vô thượng của Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ ma:
Ngũ uẩn ma, vì sanh các chấp thủ.
Phiền não ma, vì hằng tạp nhiễm.
Nghiệp ma, vì hay chướng ngại.
Tâm ma, vì khởi cao mạn.
Tử ma, vì bỏ chỗ sanh.
Thiên ma, vì tự kiêu căn phóng túng.
Thiện căn ma, vì hằng chấp thủ.
Tam Muội ma, vì từ lâu say đắm.
Thiện tri thức ma, vì phát khởi tâm chấp trước.
Bồ Đề pháp trí ma, vì chẳng nguyện xả lìa.
Ðại Bồ Tát phải dùng phương tiện mau cầu xa rời mười thứ ma này.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ ma nghiệp:
Quên mất bồ đề Tâm tu các thiện căn đây là ma nghiệp.
Ác tâm bố thí, sân tâm trì giới, bỏ người tánh ác, xa kẻ lười biếng, khinh mạn kẻ loạn ý, cơ hiềm người ác huệ, đây là ma nghiệp.
Nơi pháp thậm thâm tâm sanh xan lẫn, có người kham được hóa độ mà chẳng vì họ thuyết pháp. Nếu được tài lợi cung kính cúng dường, dầu chẳng phải pháp khí mà cũng gượng vì họ thuyết pháp. Ðây là ma nghiệp.
Chẳng thích lắng nghe các môn Ba la mật, giả sử nghe nói mà chẳng tu hành, dầu cũng tu hành mà phần nhiều lười biếng. Vì lười biếng nên chí ý hèn kém chẳng cầu pháp đại bồ đề vô thượng. Ðây là ma nghiệp.
Xa thiện tri thức, gần ác tri thức, thích cầu Nhị Thừa, chẳng thích thọ sanh, chỉ chuộng Niết Bàn ly dục tịch tịnh. Ðây là ma nghiệp.
Ở chỗ Bồ Tát, khởi tâm sân hận ác nhãn nhìn ngó tìm cầu tội hở để nói kể lỗi lầm, ngăn dứt tài lợi cúng dường. Ðây là ma nghiệp.
Phỉ báng chánh pháp chẳng thích lắng nghe, giả sử được nghe liền sanh lòng che thấy người thuyết pháp chẳng sanh lòng tôn trọng, cho lời mình nói là phải, lời của người là quấy. Ðây là ma nghiệp.
Thích học thế luận xảo thuật văn từ, khai xiển thâm pháp ẩn phú của Nhị Thừa, hoặc dùng diệu nghĩa truyền dạy cho người chẳng đáng dạy, xa rời bồ đề, trụ nơi tà đạo. Ðây là ma nghiệp.
Người đã được giải thoát đã được an ổn thời thường thích gần gũi mà cúng dường. Người chưa giải thoát chưa an ổn thời chẳng chịu thân cận, cũng chẳng giáo hoá. Ðây là m an ghiệp.
Thêm lớn ngã mạn không cung kính. Với các chúng sanh làm nhiều sự não hại, chẳng cầu chánh pháp trí huệ chân thật. Tâm ý tệ ác khó khai ngộ được. Ðây là ma nghiệp.
Chư Bồ Tát phải mau xa lìa mười ma nghiệp này mà siêng cầu Phật nghiệp.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều bỏ rời ma nghiệp:
Gần thiện tri thức cung kính cúng dường. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Chẳng tụ cao tự đại, chẳng tự khen ngợi. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Nơi thâm pháp của Phật tin hiểu chẳng chê. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Chưa từng quên mất tâm nhất thiết trí. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Siêng tu diệu hạnh hằng chẳng phóng dật. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Thường cầu tất cả pháp Bồ Tát tạng. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Hằng diễn thuyết chánh pháp tâm không mỏi nhọc. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Quy y tất cả Chư Phật mười phương, phát khởi tưởng niệm được cứu hộ. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Tin thọ ức niệm tất cả Chư Phật thần lực gia trì. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Cùng tất cả Bồ Tát đồng gieo căn lành bình đẳng không hai. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ mười pháp này thời có thể ra khỏi tất cả ma đạo.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười môn kiến Phật:
Vô trước kiến, đối với Phật thành Chánh Giác an trụ thế gian.
Xuất sanh kiến, đối với nguyện Phật.
Thâm tín kiến, đối với nghuệp báo Phật.
Tùy thuận kiến, đối với Trụ Trì Phật.
Thâm nhập kiến, đối với Niết Bàn Phật.
Phổ chí kiến, đối với pháp giới Phật.
An trụ kiến, đối với tâm Phật.
Vô lượng vô y kiến, đối với tam muội Phật.
Minh liễu kiến, đối với bổn tánh Phật.
Phổ thọ kiến, đối với tùy lạc Phật.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ mười môn kiến Phật này thời thường được thấy Đức Như Lai vô thượng.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười Phật nghiệp:
Tùy thời tiết để khai đạo, là Phật nghiệp, vì làm cho tu hành chánh pháp.
Trong chiêm bao khiến thấy, là Phật nghiệp, vì giác ngộ thiện căn thuở xưa.
Vì người mà diễn thuyết Kinh chưa được nghe, là Phật nghiệp, vì làm cho sanh trí dứt nghi.
Vì người ăn năn bị kiết sử triền phược mà nói pháp xuất ly, là Phật nghiệp, vì làm cho lìa tâm nghi.
Nếu có chúng sanh khởi tâm xan lẫn nhẫn đến khởi tâm ác huệ, tâm Nhị Thừa, tâm tổn hại, tâm nghi hoặc, tâm tán động, tâm kiêu mạn, Bồ Tát vì họ hiện thân tướng hảo trang nghiêm của Như Lai, là Phật nghiệp, vì sanh trưởng quá khứ hiện căn.
Lúc khó gặp chánh pháp, vì họ mà rộng thuyết pháp, làm cho họ nghe xong được trí Ðà La Ni, trí thần thông, khắp có thể lợi ích vô lượng chúng sanh, là Phật nghiệp, vì thắng giải thanh tịnh.
Nếu có ma sự khởi lên, có thể dùng phương tiện hiện tiếng khắp hư không giới thuyết pháp chẳng tổn não người khác, dùng đây để đối trị làm cho họ được khai ngộ. Chúng ma nghe xong, oai quang tắt mất. Ðây là Phật nghiệp, vì chí thích oai đức lớn thù thắng.
Tâm Bồ Tát không xen hở thường tự giữ gìn, chẳng cho chứng nhập chánh vị Nhị Thừa. Nếu có chúng sanh căn tánh chưa thành thục thời trọn chẳng vì họ mà nói cảnh giới giải thoát. Ðây là Phật nghiệp vì bổn nguyện mà làm.
Sanh tử kiết lậu tất cả đều lìa, tu hạnh Bồ Tát nối tiếp chẳng dứt, dùng tâm đại bi nhiếp thủ chúng sanh làm cho họ khởi hạnh rốt ráo giải thoát. Ðây là Phật nghiệp, vì chẳng dứt tu hành hạnh Bồ Tát.
Ðại Bồ Tát thấu rõ tự thân cùng với chúng sanh bổn lai tịch diệt, chẳng kinh sợ, mà siêng tu phước trí không nhàm đủ. Dẫu biết tất cả pháp không tạo ác mà cũng chẳng bỏ tự tướng của các pháp.
Dầu nơi các vảnh giới lìa hẳn tham dục, mà thường thích chiêm ngưỡng phụng thờ sắc thân của Chư Phật. Dầu biết ngộ nhập các pháp chẳng do nơi người, mà dùng nhiều phương tiện cầu nhất thiết trí.
Dầu biết các Quốc Độ đều như hư không mà thường thích trang nghiêm tất cả Cõi Phật. Dầu hằng quán sát vô nhân vô ngã, mà giáo hoá chúng sanh không có mỏi nhàm. Dầu ở pháp giới bổn lai bất động, mà dùng thần thông trí lục hiện những biến hoá.
Dầu đã thành tựu nhất thiết chủng trí, mà không ngớt tu hạnh Bồ Tát. Dầu biết các pháp bất khả ngôn thuyết, mà chuyển tịnh pháp luân làm cho đại chúng hoan hỷ. Dầu có thể thị hiện Chư Phật thần lực, mà chẳng nhàm bỏ thân Bồ Tát.
Dầu hiện nhập đại Niết Bàn, mà thị hiện thọ sanh tất cả xứ. Có thể thật hành pháp quyền thiệt song hành như vậy là Phật nghiệp.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong mười Phật nghiệp này, thời được nghiệp quảng đại vô thượng vô sư chẳng do người dạy.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười mạn nghiệp:
Ðối với Sư, Tăng, Cha, Mẹ, Sa Môn, Bà La Môn trụ nơi chánh đạo hoặc hướng chánh đạo, là những phước điền đáng tôn trọng, mà chẳng cung kính. Ðây là mạn nghiệp.
Hoặc có Pháp Sư được pháp tối thắng ngồi Ðại Thừa, biết đạo xuất yếu đắc Đà La Ni, diễn thuyết pháp quảng đại trong Khế Kinh không thôi nghỉ.
Mà đối với bậc ấy phát khởi tâm cao mạn và đối với pháp của bậc ấy giảng nói chẳng có lòng cung kính. Ðây là mạn nghiệp.
Ở trong chúng hội nghe thuyết diệu pháp chẳng chịu khen là hay cho người khác tin thọ. Ðây là mạn nghiệp.
Ưa sanh lòng quá mạn, tự cao ngạo lấn người, chẳng thấy mình lỗi, chẳng biết mình dở. Ðây là mạn nghiệp.
Ưa sanh lòng quá quá mạn. Thấy có Pháp Sư và người thuyết pháp, biết là pháp, là luật, là chân thật, là lời Phật, mà vì ghét người nên cũng ghét pháp, tự mình hủy báng cũng bảo người hủy báng. Ðây là mạn nghiệp.
Tự cầu tòa cao, tự xưng Pháp Sư, ưng thọ người cung cấp, chẳng ưng chấp sự. Thấy bậc kỳ cựu người tu hành lâu, chẳng chịu đứng dậy tiếp rước, chẳng chịu hầu hạ. Ðây là mạn nghiệp.
Thấy người có đức thời nhíu mày chẳng vui, nói lời thô lỗ tìm tòi lỗi lầm của bậc ấy. Ðây là mạn nghiệp.
Thấy có người thông minh biết chánh pháp, chẳng chịu gần gũi cung kính cúng dường, chẳng chịu hỏi han gì là thiện, gì là bất thiện, những gì nên làm, những gì chẳng nên làm, làm những công hạnh gì mà được mãi mãi lợi ích an lạc.
Là kẻ ngu si ngoan cố chìm trong ngã mạn, trọn không thấy được đạo xuất yếu. Ðây là mạn nghiệp.
Lại có chúng sanh tâm khinh mạn che đậy, Chư Phật xuất thế chẳng có thể thân cận cung kính cúng dường, thiện căn mới chẳng sanh, thiện căn cũ tiêu mất, chẳng nên nói lại nói, chẳng nên cãi lại cãi.
Ở vị lai tất cả phải đọa hầm sâu hiểm nạn trong trăm ngàn kiếp còn chẳng gặp Phật huống là được nghe pháp. Chỉ do từ trước đã từng phát bồ đề tâm nên trọn tự tỉnh ngộ. Ðây là mạn nghiệp.
Nếu Chư Bồ Tát lìa mười mạn nghiệp này thời được mười trí nghiệp.
Ðây là mười trí nghiệp: Tin hiểu nghiệp báo chẳng hoại nhân quả. Ðây là trí nghiệp.
Chẳng bỏ bồ đề tâm, thường niệm Chư Phật. Ðây là trí nghiệp.
Gần thiện tri thức cung kính cúng dường hết lòng tôn trọng, trọn không chán không lười. Ðây là trí nghiệp.
Thích pháp thích nghĩa không nhàm đủ, xa lìa tà niệm, siêng tu chánh niệm. Ðây là trí nghiệp.
Ðối với tất cả chúng sanh, lìa ngã mạn. Ðối với Chư Bồ Tát tưởng như Phật. Mến trọng chánh pháp chẳng tiếc thân mình. Tôn thờ Như Lai như hộ mạng mình. Với người tu hành tưởng là Phật. Ðây là trí nghiệp.
Ba nghiệp thân, khẩu và ý không có sự bất thiện, ca ngợi Bậc Hiền Thánh, tùy thuận bồ đề. Ðây là trí nghiệp.
Chẳng hoại duyên khởi, lìa những tà kiến phá si ám được sáng suốt chiếu rõ tất cả pháp. Ðây là trí nghiệp.
Mười môn hồi hướng tùy thuận tu hành. Nơi các môn Ba la mật tưởng là từ mẫu. Nơi thiện xảo phương tiện tưởng là từ phụ. Dùng tâm thâm tịnh nhập nhà bồ đề. Ðây là trí nghiệp.
Thí, giới, đa văn, chỉ, quán, phước và huệ, tất cả pháp trợ đạo như vậy thường siêng chứa nhóm không nhàm mỏi. Ðây là trí nghiệp.
Nếu có một nghiệp được Đức Phật khen ngợi có thể phá chúng ma trừ phiền não đấu tránh, có thể rời lìa tất cả chướng cái triền phược, có thể giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh, có thể tùy thuận trí huệ nhiếp thủ chánh pháp, có thể nghiêm tịnh Cõi Phật, có thể phát khởi thông minh thời đều chuyên cần tu tập không thối thất lười biếng. Ðây là trí nghiệp.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong mười trí nghiệp này thời được tất cả thiện xảo phương tiện đại trí nghiệp vô thượng của Đức Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều bị ma nhiếp trì:
Tâm lười biếng, bị ma nhiếp trì.
Trí nguyện hèn kém, bị ma nhiếp trì.
Nơi công hạnh chút ít cho là đủ, bị ma nhiếp trì.
Lãnh thọ một hạnh, từ chối những hạnh khác, bị ma nhiếp trì.
Chẳng phát đại nguyện, bị ma nhiếp trì.
Thích ở tịch diệt dứt trừ phiền não, bị ma nhiếp trì.
Dứt hẳn sanh tử, bị ma nhiếp trì.
Bỏ hạnh Bồ Tát, bị ma nhiếp trì.
Chẳng giáo hoá chúng sanh, bị ma nhiếp trì.
Nghi báng chánh pháp, bị ma nhiếp trì.
Nếu Chư Bồ Tát rời bỏ được mười điều bị ma nhiếp trì này thời được mười điều được Chư Phật nhiếp trì.
Ðây là mười điều được Phật nhiếp trì:
Ban sơ có thể phát tâm bồ đề, được Phật nhiếp trì.
Trong nhiều đời gìn giữ tâm bồ đề không để quên mất, được Phật nhiếp trì.
Rõ biết ma sự đều có thể xa lìa, được Phật nhiếp trì.
Nghe các môn Ba la mật, tu hành đúng pháp, được Phật nhiếp trì.
Biết khổ sanh tử mà chẳng nhàm ghét, được Phật nhiếp trì.
Quán pháp thậm thâm được vô lượng quả, được Phật nhiếp trì.
Vì chúng sanh diễn thuyết pháp nhị thừa mà chẳng chứng lấy quả giải thoát của nhị thừa, được Phật nhiếp trì.
Thích quán pháp vô vi mà chẳng trụ trong đó, đối với hữu vi vô vi không tưởng là hai, được Phật nhiếp trì.
Ðến chỗ vô sanh mà hiện thọ sanh, được Phật nhiếp trì.
Dầu chứng được nhất thiết trí mà khởi hạnh Bồ Tát chẳng dứt giống bồ đề, được Phật nhiếp trì.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong mười điều này thì được sức nhiếp trì vô thượng của Chư Phật.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều được pháp nhiếp trì:
Biết tất cả hành pháp là vô thường, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả hành pháp là khổ, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả hành pháp là vô ngã, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả pháp tịch diệt Niết Bàn, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả pháp theo duyên mà phát khởi, không có duyên thời không khởi, được pháp nhiếp trì.
Biết vì do tư duy chẳng chánh nên sanh khởi vô minh. Vì do có vô minh khởi nên nhẫn đến có lão tử phát khởi. Vì tư duy chẳng chánh diệt nên vô minh diệt. Vì vô minh diệt nên nhẫn đến lão tử diệt. Ðược pháp nhiếp trì.
Biết ba môn giải thoát xuất sanh Thanh Văn thừa, chứng pháp vô tránh xuất sanh Ðộc Giác thừa, được pháp nhiếp trì.
Biết pháp Lục Ba la mật, pháp tứ nhiếp xuất sanh đại thừa, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả cõi, tất cả pháp, tất cả chúng sanh, tất cả thế là cảnh giới của Phật trí, được pháp nhiếp trì.
Biết dứt tất cả niệm, bỏ tất cả thủ, rời tiền tế hậu tế, tùy thuận Niết Bàn, được pháp nhiếp trì.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong mười điều được pháp nhiếp trì này thời được pháp nhiếp trì vô thượng của tất cả Chư Phật.
Chư Phật Tử!
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung có mười công việc: Vì Chư Thiên Tử Cõi Dục mà nói pháp nhàm lìa. Bảo rằng tất cả tự tại đều là vô thường, tất cả khoái lạc đều sẽ suy mất, khuyên Chư Thiên Tử phát tâm bồ đề. Ðây là công việc thứ nhất.
Vì Chư Thiên Cõi Sắc mà nói nhập xuất các thiền tam muội giải thoát. Nếu ở trong đây mà sanh lòng ái trước thời nhân nơi ái lại phát khởi thân kiến, tà kiến, vô minh v. v… vì họ mà nói trí huệ như thiệt.
Nếu họ đối với những pháp sắc, phi sắc phát khởi tưởng điên đảo cho là thanh tịnh, thời vì họ mà nói bất tịnh đều là vô thường. Khuyên họ phát tâm bồ đề. Ðây là công việc thứ hai.
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung nhập tam muội tên là quang minh trang nghiêm. Thân phóng quang minh chiếu khắp đại thiên Thế Giới.
Tùy tâm chúng sanh mà dùng các thứ âm thanh để thuyết pháp. Chúng sanh nghe pháp xong, tín tâm thanh tịnh, sau khi chết sanh về cung Trời Ðâu Suất. Bồ Tát lại khuyên họ phát tâm bồ đề. Ðây là công việc thứ ba.
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung dùng vô ngại nhãn thấy khắp tất cả Bồ Tát trong Cung Trời Ðâu Suất ở mười phương. Chư Bồ Tát kia cũng đều thấy đây.
Ðã thấy nhau, Chư Bồ Tát cùng luận nói diệu pháp: Những là giáng thần, nhập thai, sơ sanh, xuất gia, qua đến Đạo Tràng, đủ đại trang nghiêm. Và lại thị hiện những công hạnh đã làm từ xưa đến nay.
Do công hạnh đó mà thành đại trí này và tất cả công đức. Chẳng rời bổn xứ mà có thể thị hiện những sự như vậy. Ðây là công việc thứ tư.
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung, chúng Bồ Tát ở tất cả cung Trời Ðâu Suất mười phương đều vân tập đến vây quanh cung kính.
Bấy giờ Ðại Bồ Tát muốn cho Chư Bồ Tát đó đều được thỏa mãn tâm nguyện sanh lòng hoan hỷ, nên tùy theo Chư Bồ Tát đáng ở bậc nào, tùy theo sở hành, sở đoạn, sở tu, sở chứng mà diễn thuyết pháp môn. Chư Bồ Tát đó nghe pháp xong đều rất hoan hỷ được chưa từng có đều trở về bổn độ. Ðây là công việc thứ năm.
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung. Bấy giờ chúa Cõi Dục, Thiên Ma Ba Tuần vì muốn phá hoại công nghiệp của Bồ Tát nên cùng quyến thuộc đến chỗ Bồ Tát.
Bồ Tát vì hàng phục ma quân nên trụ Kim Cang đạo nhiếp bát nhã Ba la mật phương tiện thiện xảo trí huệ môn, dùng hai lời nói nhu nhuyến và thô bạo mà thuyết pháp cho họ, làm cho Ma Vương Ba Tuần không hại được. Ma quân thấy oai lực tự tại của Bồ Tát nên đều phát tâm bồ đề vô thượng. Ðây là công việc thứ sáu.
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung biết Chư Thiên Tử Cõi Dục chẳng thích nghe pháp.
Bây giờ Bồ Tát phát tiếng to bảo họ rằng: Ngày nay Bồ Tát ở trong Thiên Cung sẽ hiện sự hy hữu, nếu muốn được thấy thời phải mau đến. Chư Thiên Tử nghe lời này xong đều vân tập đến Cung Ðâu Suất.
Bồ Tát vì họ mà hiện sự hy hữu. Chư Thiên Tử được thấy nghe đều rất hoan hỷ say sưa.
Trong âm nhạc lại có tiếng bảo rằng: Này các Ngài! Tất cả hành pháp đều vô thường, đều là khổ. Tất cả pháp đều vô ngã, là Niết Bàn tịch diệt.
Rồi lại bảo rằng: Các Ngài đều phải tu hạnh Bồ Tát, đều phải viên mãn nhất thiết chủng trí. Chư Thiên Tử nghe xong, lo buồn than thở đều sanh lòng yểm ly, tất cả đều phát tâm Vô Thượng bồ đề. Ðây là công việc thứ bảy.
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung, chẳng rời bỏ bổn xứ mà đều có thể qua đến mười phương vô lượng tất cả chỗ Chư Phật, thấy Chư Như Lai thân cận lễ bái cung kính nghe pháp.
Bấy giờ Chư Phật muốn cho Bồ Tát được pháp tối thượng quán đảnh nên nói Bồ Tát địa tên là nhất thiết thần thông, dùng một niệm tương ưng huệ đầy đủ tất cả công đức tối thắng nhập vị nhất thiết chủng trí. Ðây là công việc thứ tám.
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung vì muốn cúng dường Chư Phật Như Lai nên dùng đại thần lực hiện khởi những đồ cúng dường tên là thù thắng khả lạc, khắp tất cả Thế Giới trong pháp giới hư không Giới để cúng dường Chư Phật.
Trong các Thế Giới ấy, vô lượng chúng sanh thấy sự cúng dường này đều phát tâm vô thượng bồ đề. Ðây là công việc thứ chín.
Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung xuất sanh vô lượng vô biên như huyễn như ảnh pháp môn cùng khắp mười phương tất cả Thế Giới, thị hiện những sắc, những tướng, những hình thể, những oai nghi, những sự nghiệp, những phương tiện, những ví dụ, những ngôn thuyết, tùy tâm chúng sanh đều làm cho họ hoan hỷ. Ðây là công việc thứ mười.
Nếu Chư Bồ Tát thành tựu pháp này thời có thể sau này sanh xuống thế gian.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát ở Ðâu Suất Thiên Cung lúc sắp giáng sanh hiện ra mười sự: Ðại Bồ Tát từ Trời Ðâu Suất giáng sanh, từ dưới chân phóng đại quang minh tên là an lạc trang nghiêm, chiếu khắp Cõi đại thiên Thế Giới, tất cả ác đạo, những chúng sanh hoạn nạn được quang minh chạm nhầm mình thời đều khỏi khổ được an lạc.
Ðược an lạc rồi biết sắp có bậc đại nhân kỳ đặc xuất hiện thế gian. Ðây là sự thị hiện thứ nhất.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc giáng sanh, từ trong tướng bạch hào giữa chặng mày phóng đại quang minh tên là giác ngộ chiếu khắp đại thiên Thế Giới, soi đến thân của Chư Bồ Tát đồng hành với mình từ đời trước Chư Bồ Tát đó được quang minh chiếu đến, biết Đại Bồ Tát sắp giáng sanh, liền đem vô lượng đồ cúng dường đến chỗ Ðại Bồ Tát để cúng dường. Ðây là sự thị hiện thứ hai.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, ở trong bàn tay hữu phóng đại quang minh tên là thanh tịnh cảnh giới đều có thể trang nghiêm thanh tịnh tất cả đại thiên Thế Giới.
Trong đây nếu có hàng Bích Chi Phật chứng được vô lậu, thấy biết quang minh này thời liền xả thọ mạng. Nếu những vị không hay biết thời oai lực của quang minh dời họ đến trong những Thế Giới phương khác.
Tất cả những ma và các ngoại đạo, hàng chúng sanh có kiến chấp đều cũng dời đến Thế Giới phương khác, chỉ trừ những chúng sanh đáng được hoá độ do thần lực của Phật nhiếp trì. Ðây là sự thị hiện thứ ba.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh từ đầu gối phóng đại quang minh tên là Thanh tịnh trang nghiêm chiếu khắp cung điện của Chư Thiên, dưới chiếu đến trời Hộ Thế Tứ Thiên Vương, trên chiếu suốt Trời Tịnh Cư.
Chư Thiên trong tất cả Cõi Trời đều biết Đại Bồ Tát ở cung Ðâu Suất sắp giáng sanh, tất cả đồng có lòng luyến mộ buồn than lo rầu, cùng nhau đem những tràng hoa, y phục, hương bột, hương thoa, phan lọng, kỹ nhạc đến chỗ Bồ Tát để cung kính cúng dường, theo Bồ Tát Hạ Sanh nhẫn đến nhập Niết Bàn. Ðây là sự thị hiện thứ tư.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, trong tâm trạng Kim Cang trang nghiêm nơi tướng chữ Vạn phóng đại quang minh tên là Vô năng thắng tràng, chiếu khắp tất cả Thế Giới mười phương đến thân của tất cả Kim Cang lực sĩ.
Bấy giờ có trăm ức Kim Cang lực sĩ đều vân tập theo hầu hạ Đại Bồ Tát từ lúc giáng sanh nhẫn đến lúc nhập Niết Bàn. Ðây là sự thị hiện thứ năm.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, từ tất cả lỗ lông trên thân phóng đại quang minh tên là phân biệt chúng sanh, chiếu khắp đại thiên Thế Giới, chạm đến thân của tất cả Bồ Tát, lại chạm đến tất cả Chư Thiên và người đời.
Chư Bồ Tát đó đồng nghĩ rằng tôi phải ở lại đây để cúng dường Đức Như Lai giáo hóa chúng sanh. Ðây là sự thị hiện thứ sáu.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh từ trong Điện Đại Ma Ni Bảo Tạng phóng đại quang minh tên là Thiện Trụ quán sát chiếu đến chỗ của Bồ Tát này sẽ sanh.
Quang minh này đã chiếu xong, những Bồ Tát khác đều theo dõi xuống Diêm Phù Ðề, hoặc ở nơi nhà, hoặc ở tụ lạc, hoặc ở thành ấp mà hiện thọ sanh, vì muốn giáo hoá các chúng sanh. Ðây là sự thị hiện thứ bảy.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh từ cung điện Cõi Trời và trong những đồ trang nghiêm nơi đại lâu các phóng đại quang minh tên là nhất thiết cung điện thanh tịnh trang nghiêm chiếu đến bụng của mẹ sẽ thác sanh.
Quang minh chiếu xong, làm cho Thánh Mẫu an ổn vui vẻ, thành tựu đầy đủ tất cả công đức. Trong bụng Thánh Mẫu tự nhiên có lâu các quảng đại trang nghiêm với đại Ma Ni bảo, nơi đây là chỗ sẽ ở của thân đại Bồ Tát. Ðây là sự thị hiện thứ tám.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh, từ dưới hai chân phóng đại quang minh tên là Thiện Trụ.
Nếu Chư Thiên Tử và các Phạm Thiên sắp lâm chung được quang minh chạm đến thân thời đều được trụ thọ mạng cúng dường Đại Bồ Tát từ lúc mới Hạ Sanh nhẫn đến nhập Niết Bàn. Ðây là sự thị hiện thứ chín.
Ðại Bồ Tát ở Trời Ðâu Suất lúc sắp giáng sanh từ trong tùy hình hảo phóng đại quang minh tên là Nhật nguyệt trang nghiêm, thị hiện những công nghiệp củ Bồ Tát.
Bấy giờ người và trời hoặc thấy Bồ Tát ở cung Ðâu Suất, hoặc thấy nhập thai, hoặc thấy sơ sanh, hoặc thấy xuất gia, hoặc thấy thành đạo hoặc thấy hàng ma, hoặc thấy chuyển pháp luân, hoặc thấy nhập Niết Bàn. Ðây là sự thị hiện thứ mười.
Ðại Bồ Tát nơi thân, nơi tòa, nơi cung điện, trong lâu các phóng trăm muôn vô số đại quang minh như vậy đều hiển hiện những sự nghiệp của Đại Bồ Tát. Thị hiện sự nghiệp này rồi, vì đầy đủ tất cả công đức nên từ Cung Trời Ðâu Suất sanh xuống nhân gian.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát thị hiện ở thai mẹ có mười sự: Ðại Bồ Tát vì muốn thành tựu những chúng sanh tâm nhỏ hiểu kém, chẳng muốn cho họ nghĩ rằng: Nay đức Bồ Tát này tự nhiên hóa sanh trí huệ thiện căn đều tự được chẳng từ công phu tu tập. Vì cớ đây nên Bồ Tát thị hiện ở thai mẹ. Ðây là sự thứ nhất.
Ðại Bồ Tát vì thành thục phụ mẫu và các quyến thuộc, những chúng sanh đồng tu thiện căn từ đời trước nên thị hiện ở thai mẹ.
Tại sao vậy?
Vì những người này cần phải thấy Bồ Tát ở thai mẹ mới thành thục những thiện căn mà họ đã có. Ðây là sự thứ hai.
Ðại Bồ Tát lúc vào thai mẹ, luôn chánh niệm chánh tri không mê lầm. Ðã ở thai mẹ, tâm Bồ Tát hằng chánh niệm cũng không lầm loạn. Ðây là sự thứ ba.
Ðại Bồ Tát ở trong thai mẹ thường diễn thuyết pháp. Chư Đại Bồ Tát ở thập phương Thế Giới cùng Ðế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế Tứ Thiên Vương đều đến tập hội, đều làm cho được vô lượng thần lực, vô biên trí huệ.
Lúc ở trong thai mẹ, Đại Bồ Tát thành tựu biện tài công dụng thù thắng như vậy. Ðây là sự thứ tư.
Ðại Bồ Tát ở trong thai mẹ nhóm họp đại hội, dùng sức bổn nguyện giáo hoá tất cả chúng Bồ Tát. Ðây là sự thứ năm.
Ðại Bồ Tát thành Phật ở trong loài người thời phải đủ sự thọ sanh tối thắng. Do cớ này nên thị hiện ở thai mẹ. Ðây là sự thứ sáu.
Ðại Bồ Tát ở trong thai mẹ, chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều thấy Bồ Tát như thấy bóng mình hiện rõ trong gương.
Bấy giờ Chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân v.v… những hàng có đại tâm, đều đến chỗ Bồ Tát để cung kính cúng dường. Ðây là sự thứ bảy.
Ðại Bồ Tát ở trong thai mẹ, tất cả tối hậu sanh Bồ Tát ở thai mẹ trong mười phương đều đến cùng hội họp diễn thuyết pháp Môn đại tập tên là quảng đại trí huệ tạng. Ðây là sự thứ tám.
Ðại Bồ Tát ở trong lúc thai me nhập ly cấu tạng tam muội. Dùng sức tam muội ở trong thai mẹ hiện cung điện lớn trang nghiêm tốt đẹp. Thiên Cung Ðâu Suất không sánh kịp. Nhưng thân mẹ vẫn an ổn vô sự. Ðây là sự thứ chín.
Ðại Bồ Tát lúc ở thai mẹ dùng oai lực sắm đồ cúng dường tên là khai đại phước đức ly cấu tạng khắp đến tất cả Thế Giới mười phương để cúng dường tất cả Chư Phật Như Lai.
Chư Như Lai đó đều vì Đại Bồ Tát mà diễn nói vô biên Bồ Tát ở pháp giới tạng. Ðây là sự thứ mười.
Nếu Chư Bồ Tát rõ thấu mười sự thị hiện ở thai mẹ này, thời có thể thị hiện sự qua đến thậm thâm vi tế.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba