Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi bảy - Phẩm Như Lai Xuất Hiện - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG
QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM BA MƯƠI BẢY
PHẨM NHƯ LAI XUẤT HIỆN
PHẦN BỐN
Chư Phật Tử!
Lúc cây đại trí huệ của Như Lai mọc rễ thời làm cho tất cả Bồ Tát sanh rễ đại từ bi chẳng bỏ chúng sanh.
Lúc thân cây đại trí huệ này sanh lên thời làm cho tất cả Bồ Tát tăng trưởng thân cây thâm tâm tinh tấn kiên cố.
Lúc nhánh của đại trí huệ này sanh thời làm cho tất cả Bồ Tát tăng trưởng tất cả nhánh Ba la mật.
Lúc lá của đại trí huệ này sanh thời làm cho tất cả Bồ Tát sanh trưởng lá công đức tịnh giới đầu đà thiểu dục tri túc.
Lúc bông đại trí huệ này sanh thời làm cho tất cả Bồ Tát đầy đủ bông thiện căn tướng hảo trang nghiêm.
Lúc trái đại trí huệ này sanh thời làm cho tất cả Bồ Tát được trái vô sanh nhẫn cho đến quả Chư Phật quán đảnh nhẫn.
Trí huệ của Như Lai chỉ không thể làm cho hai chỗ được lợi ích sanh trưởng: Một là hàng Nhị Thừa sa vào hố sâu vô vi quảng đại, hai là những chúng sanh hư hoại thiện căn chìm trong nước đại tà kiến tham ái. Nhâng vẫn không hề nhàm bỏ hai chỗ đó.
Chư Phật Tử! Trí huệ của Đức Như Lai không tăng giảm, vì gốc rễ khéo an trụ sanh trưởng không thôi dứt. Ðây là tướng thứ bảy của tâm Như Lai, Chư Đại Bồ Tát phải biết như vậy.
Lại nữa, Chư Phật Tử! Ví như đại thiên Thế Giới, lúc kiếp hỏa khởi đốt cháy tất cả cây cỏ lùm rừng, nhẫn đến núi Thiết Vi, núi Ðại Thiết Vi đều cháy không thừa sót. Giả sử có người cầm cỏ khô ném vào trong lửa đó tất là phải cháy hết. Nhâng cũng cho là cỏ đó được chẳng cháy.
Chớ còn không thể nói rằng trí huệ của Đức Như Lai phân biệt không biết hết Tam Thế tất cả chúng sanh, tất cả Quốc Độ, tất cả kiếp số, tất cả các pháp. Vì trí huệ Như Lai bình đẳng thấu rõ tất cả. Ðây là tướng thứ tám của tâm Như Lai, Chư Đại Bồ Tát phải biết như vậy.
Lại nữa, Chư Phật Tử! Ví như phong tai lúc phá hoại Thế Giới, có gió lớn nổi lên tên là Tán Hoại, có thể phá hư đại thiên Thế Giới, núi Thiết Vi v.v… đều nát thành bụi.
Lại có gió lớn tên là Năng Chướng bao che xung quanh đại thiên Thế Giới, ngăn gió Tán Hoại không cho thổi đến những Thế Giới khác. Nếu không có gió Năng Chướng này thời thập phương Thế Giới sẽ tan hư cả.
Cũng vậy, Đức Như Lai Ðẳng Chánh Giác có đại trí phong tên là Năng Diệt, có thể diệt trừ tập khí phiền não của tất cả Chư Đại Bồ Tát. Có đại trí phong tên là Xảo Trì, khéo giữ gìn Chư Bồ Tát căn khí chưa thành thục chẳng cho đại trí phong Năng Diệt dứt tất cả tập khí phiền não.
Nếu không có đại trí phong Xảo Trì của Như Lai, thời vô lượng Bồ Tát sẽ sa vào bậc Thanh Văn, Bích Chi Phật. Do trí Xảo Trì này làm cho Chư Bồ Tát vượt khỏi bậc Nhị Thừa an trụ nơi bậc rốt ráo của Như Lai. Ðây là tướng thứ chín của tâm Như Lai, Chư Đại Bồ Tát phải biết như vậy.
Lại nữa, Chư Phật Tử! Trí huệ của Đức Như Lai không chỗ nào là chẳng đến. Vì không một chúng sanh nào mà chẳng có đủ Như Lai trí huệ, chỉ do vọng tưởng điên đảo chấp trước nên không chứng được. Nếu rời vọng tưởng thời nhất thiết trí, tự nhiên trí, vô ngại trí liền hiện tiền.
Ví như có quyển sách lớn bằng đại thiên Thế Giới biên chép hết cả những sự trong đại thiên Thế Giới. Những là biên chép hết những sự trong Ðại Thiết Vi Sơn thời lượng bằng núi Ðại Thiết Vi, biên chép những sự trong Đại Địa thời lượng bằng Đại Địa.
Biên chép những sự trong Trung Thiên Thế Giới thời lượng bằng Trung Thiên Thế Giới, biên chép những sự trong Tiểu Thiên Thế Giới thời lượng bằng Tiểu Thiên Thế Giới.
Như vậy nhẫn đến biên chép những sự trong bốn châu thiên hạ, trong đại hải, trong Tu Di Sơn, trong Cung Điện của Ðịa Cư Thiên, của Không Cư Thiên, của Sắc Giới Thiên, của Vô Sắc Giới Thiên, biên chép mỗi xứ thời lượng của sách cũng bằng như vậy.
Quyển sách lớn này dầu lượng bằng đại thiên Thế Giới mà toàn ở tại trong một vi trần. Như một vi trần, tất cả vi trần cũng đều như vậy.
Bấy giờ có một người trí huệ sáng suốt, thành tựu đầy đủ thiên nhãn thanh tịnh, thấy quyển sách này ở trong vi trần không chút lợi ích cho các chúng sanh, bèn nghĩ rằng tôi nên dùng sức tinh tấn phá vỡ vi trần đó để đem quyển sách lớn ra làm cho các chúng sanh được lợi ích.
Nghĩ xong, người này liền dùng phương tiện phá vỡ vi trần đem quyển sách lớn ra, làm cho các chúng sanh được lợi ích. Như nơi một vi trần, tất cả vi trần cũng đều như vậy.
Cũng vậy, trí huệ của Đức Như Lai vô lượng vô ngại có thể lợi ích khắp tất cả chúng sanh, đầy đủ ở trong thân chúng sanh. Chỉ vì hàng phàm phu vọng tưởng chấp trước nên chẳng biết chẳng hay, chẳng được lợi ích.
Bấy giờ Đức Như Lai do trí nhãn thanh tịnh vô ngại xem khắp pháp giới tất cả chúng sanh mà nói rằng: Lạ thay! Lạ thay! Tại sao các chúng sanh này có đủ trí huệ Như Lai, mà ngu si mê lầm chẳng hay chẳng thấy. Ta nên đem thánh đạo dạy cho họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước. Từ trong thân, họ thấy được trí huệ Như Lai quảng đại, như Phật không khác.
Nói xong, Đức Như Lai liền đem Thánh đạo dạy chúng sanh cho họ lìa vọng tưởng. Lìa vọng tưởng rồi thời chứng được Như Lai vô lượng trí huệ lợi ích an lạc tất cả chúng sanh. Ðây là tướng thứ mười của tâm Như Lai, Chư Đại Bồ Tát phải biết như vậy.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát phải dùng vô lượng vô ngại bất tư nghì tướng quảng đại như vậy để biết tâm của Đức Như Lai Ðẳng Chánh Giác.
Phổ Hiền Đại Bồ Tát muốn nói rõ lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
Muốn biết tâm Chư Phật
Nên quán trí huệ Phật
Phật trí không chỗ nương
Như hư không vô y
Chúng sanh mọi điều vui
Và những trí phương tiện
Ðều nương Phật trí huệ
Phật trí không y chỉ
Thanh Văn và Ðộc Giác
Cùng Chư Phật giải thoát
Ðều nương nơi pháp giới
Pháp giới không tăng giảm
Phật trí cũng như vậy
Xuất sanh nhất thiết trí
Không tăng cũng không giảm
Không sanh cũng không diệt
Như nước thường chảy ngầm
Ai đào đều được nước
Nước không niệm, vô tận
Công lực khắp mười phương
Phật trí cũng như vậy
Ở khắp tâm chúng sanh
Nếu ai siêng tu hành
Mau được trí Quang Minh
Như rồng có bốn châu
Xuất sanh tất cả báu
Cất châu chỗ thâm mật
Kẻ phàm chẳng thấy được
Phật bốn trí cũng vậy
Xuất sanh tất cả trí
Người khác không thấy được
Chỉ trừ Đại Bồ Tát
Như biển có bốn châu
Hay rút tất cả nước
Khiến biển chẳng tràn đầy
Cũng lại không thêm bớt
Trí Như Lai cũng vậy
Dứt sóng trừ pháp ái
Rộng lớn không ngằn mé
Hay sanh Phật Bồ Tát
Hạ phương đến Hữu Ðảnh
Dục, Sắc, Vô Sắc Giới
Tất cả nương hư không
Hư không chẳng phân biệt
Thanh Văn và Ðộc Giác
Bồ Tát các trí huệ
Ðều nương nơi Phật trí
Trí Phật vô phân biệt
Núi Tuyết có Dược Vương
Tên là Vô Tận Căn
Hay sanh tất cả cây
Gốc, thân, nhánh, bông, trái
Phật trí cũng như vậy
Sanh trong Như Lai chủng
Ðã được bồ đề rồi
Lại sanh Bồ Tát hạnh
Như người cầm cỏ khô
Ðể vào trong kiếp hỏa
Kim Cang còn cháy đỏ
Cỏ khô tất phải cháy
Tam Thế kiếp và cõi
Trong đó các chúng sanh
Cỏ khô cho chẳng cháy
Phật trí biết tất cả
Có gió tên Tán Hoại
Hay phá hoại đại thiên
Nếu không gió khác ngăn
Sẽ hoại vô lượng cõi
Gió đại trí cũng vậy
Diệt phiền não Bồ Tát
Lại có gió Thiện Xảo
Khiến trụ bậc Như Lai
Như có quyển sách lớn
Lượng bằng đại thiên giới
Ở trong một vi trần
Tất cả trần cũng vậy
Có một người thông minh
Tịnh nhãn đều thấy rõ
Phá trần đem sách ra
Lợi ích khắp chúng sanh
Phật trí cũng như vậy
Ở khắp tâm chúng sanh
Bị vọng tưởng buộc ràng
Chẳng hay cũng chẳng biết
Chư Phật đại từ bi
Khiến họ trừ vọng tưởng
Phật trí bèn xuất hiện
Lợi ích Chư Bồ Tát.
Phổ Hiền Đại Bồ Tát lại bảo Chư Bồ Tát: Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát phải biết cảnh giới của Đức Như Lai Ðẳng Chánh Giác như thế nào?
Ðại Bồ Tát dùng trí huệ vô ngại biết tất cả cảnh giới thế gian là cảnh giới Như Lai.
Biết tất cả Tam Thế cảnh giới, tất cả cõi cảnh giới, tất cả pháp cảnh giới, tất cả chúng sanh cảnh giới, chân như vô sai biệt cảnh giới, pháp giới vô chướng ngại cảnh giới, thiệt tế vô biên tế cảnh giới, hư không vô phần lượng cảnh giới, cảnh giới không cảnh giới, đều là Như Lai cảnh giới.
Chư Phật Tử! Như tất cả thế gian cảnh giới vô lượng, Như Lai cảnh giới cũng vô lượng. Như tất cả Tam Thế cảnh giới vô lượng, Như Lai cảnh giới cũng vô lượng. Nhẫn đến như cảnh giới không cảnh giới vô lượng, Như Lai cảnh giới cũng vô lượng. Như cảnh giới không cảnh giới tất cả xứ không có, Như Lai cảnh giới cũng vậy, tất cả xứ không có.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát phải biết tâm cảnh giới là Như Lai cảnh giới. Như tâm cảnh giới vô lượng vô biên vô phược vô thoát, Như Lai cảnh giới cũng vô lượng vô biên vô phược vô thoát. Vì do tư duy phân biệt như vậy như vậy, nên hiển hiện vô lượng như vậy như vậy.
Chư Phật Tử! Như đại Long Vương tùy tâm tuôn mưa, mưa đó chẳng từ trong ra, chẳng từ ngoài ra. Như Lai cảnh giới cũng như vậy. Tùy ở sự tư duy phân biệt như vậy thời có vô lượng hiển hiện như vậy, ở trong mười phương đều không chỗ đến.
Chư Phật Tử! Như nước đại hải đều từ tâm lực của Long Vương khởi ra. Biển nhất thiết trí của Chư Phật Như Lai cũng như vậy, đều từ đại nguyện thuở xưa của Như Lai mà sanh khởi.
Chư Phật Tử! Biển nhất thiết trí vô lượng vô biên bất tư nghì, chẳng thể ngôn thuyết. Nhâng nay tôi lược nói ví dụ, đại chúng nên lắng nghe.
Nam Diêm Phù Ðề này có hai ngàn năm trăm con sông chảy vào đại hải. Tây Câu Gia Ni có năm ngàn con sông chảy vào đại hải. Ðông Phất Bà Ðề có bảy ngàn năm trăm con sông chảy vào đại hải. Bắc Uất Ðơn Việt có một vạn con sông chảy vào đại hải. Bốn châu thiên hạ có hai vạn năm trăm con sông như vậy luôn nối tiếp chảy vào đại hải, nước sông đó đã rất nhiều.
Trong đại hải lại có Thập Quang Minh Long Vương mưa nước nhiều gấp bội nước sông. Lại có Bá Quang Minh Long Vương mưa nước nhiều gấp bội nước mưa trên.
Lại có Ðại Trang Nghiêm Long Vương, Ma Na Tư Long Vương, Lôi Chấn long Vương, Nan Ðà Long Vương, Bạt Nan Ðà Long Vương, Vô Lượng Quang Minh Long Vương, Liên Chú Bất Ðoạn Long Vương, Ðại Thắng Long Vương, Ðại Phấn Tấn Long Vương, có tám mươi ức đại Long Vương như vậy đều làm mưa xuống đại hải và đều tuần tự nhiều gấp bội.
Thái Tử của Ta Kiệt La Long Vương tên là Diêm Phù Tràng mưa xuống đại hải lại hơn gấp bội Long Vương trên. Nước trong Cung Ðiện của Thập Quang Minh Long Vương chảy vào đại hải gấp bội nước mưa trên. Nước trong Cung Điện của Bá Quang Minh Long Vương chảy vào đại hải lại gấp bội.
Nhẫn đến Cung Điện của tám mươi ức đại Long Vương đều riêng khác và đều có nước chảy vào đại hải tuần tự gấp bội nhau. Ta Liệt La Long Vương mưa vào đại hải nước nhiều hơn trên. Nước trong Cung Điện của Ta Kiệt La Long Vương chảy vào đại hải lại nhiều gấp bội. Nước này màu lưu ly xanh biếc, chảy ra có giờ, do đây nên nước triều của đại hải không lỗi giờ.
Chư Phật Tử! Như vậy đại hải: Nước vô lượng, châu báu vô lượng, chúng sanh vô lượng, Đại Địa nương dựa cũng vô lượng. Ðại hải vô lượng như vậy so với trí hải vô lượng của Đức Như Lai không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, nhẫn đến không bằng một phần Ưu ba ni sa đà. Chỉ tùy tâm chúng sanh mà lập ví dụ. Nhân Phật cảnh giới chẳng phải ví dụ đến được.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát phải biết trí hải của Như Lai vô lượng, vì từ sơ phát tâm tu Bồ Tát hạnh không dứt. Phải biết bảo tụ của Như Lai vô lượng vì tất cả Pháp bồ đề phần Tam Bảo chủng chẳng dứt. Phải biết chúng sanh trụ trong đó vô lượng, vì tất cả hàng hữu học vô học Thanh Văn, Duyên Giác thọ dụng. Phải biết trụ địa vô lượng, vì Chư Bồ Tát từ Sơ Hoan Hỷ địa đến bậc Cứu Cánh Vô Ngại địa ở nơi đó.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát vì nhập vô lượng trí huệ lợi ích tất cả chúng sanh, ở nơi cảnh giới của Đức Như Lai Ðẳng Chánh Giác phải biết như vậy.
Phổ Hiền Đại Bồ Tát muốn rõ lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
Như tâm cảnh giới vô biên lượng
Chư Phật cảnh giới cũng như vậy
Như tâm cảnh giới từ ý sanh
Phật cảnh như vậy phải quán sát
Như Long chẳng rời khỏi Cung Điện
Do tâm oai lực tuôn mưa lớn
Nước mưa dầu không chỗ đến đi
Tùy long tâm nên đều đầy đủ
Thập Lực Mâu Ni cũng như vậy
Không từ đâu đến chẳng đi đâu
Nếu có tịnh tâm thời hiện thân
Lượng bằng pháp giới vào lỗ lông
Như biển trân bảo vô biên lượng
Chúng sanh đại địa cũng như vậy
Thủy tánh một vị đồng không khác
Kẻ sanh trong đó đều được lợi
Như Lai trí hải cũng như vậy
Tất cả chỗ có đều vô lượng
Hữu học vô học trụ các địa
Ðều ở trong đó được lợi ích.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát phải biết hạnh của Đức Như Lai Ðẳng Chánh Giác như thế nào?
Ðại Bồ Tát phải biết vô ngại hạnh là Như Lai hạnh, phải biết chân như hạnh là Như Lai hạnh.
Chư Phật Tử! Như chân như: Tiền tế bất sanh, hậu tế bất động, hiện tại bất khởi.
Như Lai hạnh cũng vậy: Chẳng sanh, chẳng động, chẳng khởi.
Chư Phật Tử! Như pháp giới: Chẳng phải hữu lượng, chẳng phải vô lượng, vì vô hình. Cũng vậy, Như Lai hạnh chẳng phải hữu lượng, chẳng phải vô lượng, vì vô hình.
Chư Phật Tử! Như chim bay ngang hư không trải qua trăm năm, chỗ đã bay qua cùng chỗ chưa bay qua đều chẳng thể lường, vì hư không giới không biên tế.
Cũng vậy, Như Lai hạnh, giả sử có người trải qua trăm ngàn ức na do tha kiếp phân biệt diễn thuyết đã nói chưa nói đều chẳng thể lường, vì Như Lai hạnh không ngằn mé.
Chư Phật Tử! Ðức Như Lai Ðẳng Chánh Giác trụ hạnh vô ngại, không có chỗ trụ mà hay khắp vì tất cả chúng sanh thị hiện công hạnh. Làm cho họ thấy rồi được vượt hơn tất cả đạo chướng ngại.
Chư Phật Tử! Ví như Kim Sí Ðiểu Vương bay trên hư không, đảo liệng chẳng đi, dùng mắt thanh tịnh quán sát trong Cung Điện của Chư Long, phấn khởi sức mạnh lấy hai cánh quạt nước biển rẽ ra làm hai, bắt rồng mạng sắp chết để ăn.
Ðức Như Lai Ðẳng Chánh Giác cũng như vậy, an trụ hạnh vô ngại dùng Phật nhãn thanh tịnh quán sát pháp giới tất cả chúng sanh, nếu là hạng từng đã gieo thiện căn đã thành thục.
Dùng sức mạnh thập lực vỗ hai cánh chỉ quán quạt tách nước biển tham ái sanh tử ra làm hai mà bắt lấy họ vào trong Phật Pháp, cho họ dứt tất cả vọng tưởng hí luận, an trụ nơi hạnh vô ngại vô phân biệt của Như Lai.
Chư Phật Tử! Như mặt nhật mặt nguyệt không gì sánh, riêng đi vòng giữa hư không làm lợi ích chúng sanh, mà không tự nghĩ từ đâu đến và đi đến đâu.
Chư Phật Như Lai cũng như vậy, tánh vốn tịch diệt không phân biệt, thị hiện du hành khắp pháp giới, vì muốn làm lợi ích tất cả chúng sanh, mà làm Phật Sự không thôi nghỉ, vẫn không sanh hí luận phân biệt là ta từ đó đến rồi đi qua kia.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát phải dùng vô lượng phương tiện vô lượng tánh tướng như vậy, để thấy biết công hạnh của Đức Như Lai Ðẳng Chánh Giác.
Phổ Hiền Đại Bồ Tát muốn rõ lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
Ví như chân như chẳng sanh diệt
Không có nơi chỗ không thể thấy
Bậc Ðại Nhiêu Ích, hạnh như vậy
Vượt hơn Tam Thế chẳng lường được
Pháp giới: chẳng giới, chẳng không giới
Chẳng phải hữu lượng chẳng vô lượng
Ðấng đại công đức hạnh cũng vậy
Chẳng: lượng, vô lượng, vì vô thân
Như chim bay đi ức ngàn năm
Trước sau hư không chẳng không khác
Nhiều kiếp diễn thuyết hạnh Như Lai
Ðã nói chưa nói chẳng thể lường
Ðiễu Vương trên cao xem đại hải
Rẽ nước bắt lấy rồng để ăn
Thập Lực hay cứu người thiện căn
Khiến khỏi biển ải trừ phiền não
Ví như nhật nguyệt đi hư không
Chiếu đến tất cả chẳng phân biệt
Thế Tôn đi khắp cả pháp giới
Giáo hóa chúng sanh chẳng động niệm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật đại Giáo Vương - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Khiển Trừ Ma Ngoại
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bạch Pháp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Hưng Khởi Hạnh - Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Kiếp Trước Của Sự Khổ Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Vô Xan Phiền Não