Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Hai - Trụ Ly Cấu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH DẦN ĐỦ TẤT CẢ TRÍ ĐỨC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI
TRỤ LY CẤU
Bồ Tát Kim Cang Tạng nói: Các Phật Tử! Là các Bồ Tát Đại Sĩ, đã hiểu được cảnh giới ban đầu của trụ thứ nhất thì hãy vui thích trụ thứ hai, hãy dốc tâm tin sâu, thừa hành tu tập mười việc.
Mười việc đó là gì?
1. Chí tánh nhân hòa không thô lậu.
2. Tu nghiệp chân chánh không suy nghĩ sai lệch.
3. Thực hành chất phác ngay thẳng, quyết không đua nịnh.
4. Tâm luôn điều phục nhân từ, không giận dữ.
5. Đạo hạnh vắng lặng, không tán loạn.
6. Ý tánh chân thật, không hư dối.
7. Hạnh ngay thật không tạp loạn.
8. Tới lui bình thản không tham đắm.
9. Làm điều tốt đẹp không làm việc thấp hèn.
10. Ý rộng rãi không hẹp hòi.
Đó là mười việc Bồ Tát nên dốc tâm tin sâu thực hành để thành tựu được trụ thứ nhất. Rồi mới tiến đến trụ thứ hai.
Bồ Tát Kim Cang Tạng lại bảo: Này các Phật Tử! Bồ Tát trụ địa ly cấu thứ hai thì phải trừ bỏ sát sinh, không cầm dao gậy, tâm biết hổ thẹn, thương yêu chúng sinh, luôn đem tâm từ bi cứu độ chúng sinh, không vọng tưởng, không nghĩ đến việc giết hại, không cầu phương tiện của người, không hại người, quên mình giải cứu hoạn nạn cho người, không có hai tâm, huống gì phạm phải.
Lại không trộm cướp, luôn thích bố thí, không tham của cải của người. Của cải của mình chỉ biết đủ, không ham nhiều. Không sinh tâm ganh ghét khi thấy người khác có quyền lợi và sự nghiệp giàu có được mọi người tôn kính.
Không lén lấy bất cứ vậy gì, dù là cỏ cây lúa gạo. Luôn nghĩ đến bố thí để cứu giúp người thiếu thốn, bớt phần của mình đem cho người nghèo khổ. Phải đem đến sự an vui cho mọi người, dù là loài côn trùng nhỏ nhất, sống ở dưới nước hay trên cạn.
Bỏ tà hạnh dâm dục không muốn làm theo, bằng tâm biết đủ với vợ con mình, khômg yêu thích vợ người. Tâm không nghĩ đến, không can phạm đến việc nhà người khác. Giữ hạnh thanh bạch, không làm ô uế, xem họ không khác gì như mẹ, chị, em, con, trong sạch tươi sáng không nhơ.
Không có hai tâm, huống gì sắc đó mà phạm sao?
Không nói dối, không ham thích việc nói dối, nói năng chân thật, lời lẽ đúng đắn, nói đúng lý, nói hợp thời, không dối trá.
Cho đến trong giấc mộng cũng không nên nói lời phi pháp huống gì ban ngày! Không nói lời sắc dục thì tâm ấy nghĩ làm gì?
Luôn nói đến Kinh Điển và chánh Phật Pháp, không nói lời thế tục, xa những việc làm vô ích. Không nói hai lưỡi, không làm cho người này người kia đấu đánh nhau, không làm cho cả hai hiểu lầm nhau, người nào chưa hiểu rõ gây gỗ nhau, thì khuyên họ không xâm phạm người khác.
Không đem lời nói xấu của người này, nói cho người kia nghe và ngược lại. Hòa giải sự tranh tụng, làm cho họ không oán giận, dùng pháp tu phước đức làm cho họ không gây ra tội lỗi. Giảng Kinh Pháp rõ ràng thứ lớp. Không mắng chửi, không nói lời thô ác, không tổn thương tâm người.
Người đời nói năng không nhân từ, làm hại đến kẻ khác, mình là người ở giữa, không lo sợ, luôn thực hành nhân từ hòa ái, không đến với người bằng tâm làm hại, không làm cho người khác ôm ấp họa hoạn sầu khổ thiêu đốt, nói năng bằng tâm dịu dàng từ hòa, làm cho người khác nghe an ổn, trong tâm vui vẻ ước muốn được gặp. Người xa kẻ gần, đều vui mừng, muốn gặp, rồi truyền tụng nhau.
Lại suy nghĩ về lời nói, không nói từ khó hiểu, không nói thêu dệt, không trau chuốt ngôn từ, không nói giúp lời xâm phạm đến người để bảo vệ thân khẩu, dứt khoát không nói đùa để người hiểu lầm, huống gì vì lợi dưỡng tài vật dâng hiến người trên, mà nói hư dối! Dù chết cũng không nói lời phi nghĩa, nói năng đúng việc làm.
Thân miệng phải tương xứng, không mất sự sáng suốt, không trái lời Phật dạy. Không ganh ghét tham lam keo kiệt. Tâm không mong cầu có đủ những của báu, những đức cao, dòng quý như người khác. Cũng không ngu si tham lợi vô nghĩa. Thấy người giàu sang quý phái đáng kính không ganh ghét. Tâm giữ đạo nghĩa như cá sống trong nước, không bỏ việc phải, không sân hận. Luôn giữ tâm từ bi, hòa nhã, an ổn, dịu dàng.
Luôn nghĩ đến việc cứu giúp cho tất cả, bảo hộ cho tất cả. Giả sử họ sân hận, chán ghét, không kềm chế được, bị nhơ uế hãm hại, thiêu đốt, thì tìm cách giúp họ dứt trừ tận gốc không cho phát triển. Giữ tâm nhân từ, hòa ái, bình thản. Sợ nó như sợ rắn độc thú dữ, thì tâm ác sẽ chấm dứt. Sẽ thành tựu nhân từ hòa ái.
Phải bỏ tà kiến, thực hành chánh kiến, không rơi vào học thuyết ngoại đạo, bỏ những việc tham lam hư ngụy tà thuật. Trọn ngày gặp điều lành, không lo đến thời tiết, không nghĩ đến địa vị quốc vương, dù gặp được Vua cũng không cho là quý, không dua nịnh, trong ngoài hợp nhau, tâm tánh từ hòa, phụng sự Phật Pháp Tăng không để mất Tam Bảo, thương chúng sinh trong ba cõi, luôn mong độ thoát cho họ. Đó là mười việc lành.
Phải luôn giữ gìn mười đức lành này, tâm suy xét và phụng hành như vậy. Nếu thấy chúng sinh tạo nghiệp ác tất sẽ đọa cõi ác, thì đem mười việc lành khai hóa chúng. Lại nữa, là hàng cầu học, chẳng những tự mình sống chánh kiến, phụng hành Đấng chí chân mà còn dạy người nhập vào trong hạnh chí chân.
Vì sao?
Vì tự bản thân không tu đức mà muốn dạy người tu thì không thể được.
Phải phân biệt phụng hành mười việc lành, không rơi vào ba cõi ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà sinh vào loài người, hoặc sinh lên Cõi Trời Đao Lợi.
Người thực hành mười việc lành, sẽ thành tựu trí tuệ lớn, suy xét nghĩa lý, lo sợ ba cõi, phát khởi tâm từ bi, không làm gì tổn hại, nghe theo lời của người khác, đạt được Thanh Văn rồi trong thời gian ấy chí thanh tịnh, không muốn gặp người, không nhận ở người, tự mình hiểu rõ, mong thành Chánh Giác, lập hạnh từ bi, không làm gì tổn hại ý chí đạt đến giải thoát, suy xét mười hai nhân duyên.
Rõ hết nguồn gốc, đạt quả Duyên Giác, tâm rộng rãi tối thượng, không thể giới hạn đo lường, thương xót chúng sinh, tìm phương tiện quyền xảo, lập thệ nguyện vững chắc, mặc áo giáp pháp rộng lớn, bình thản không dấu vết, cứu độ tất cả các loài chúng sinh, không bỏ ba cõi, thành tựu trí tuệ Phật không chướng ngại, làm cơ sở cho Bồ Tát thực hành đạo địa thanh tịnh, thành tựu được hạnh nghiệp không cùng.
Rồi dần dần đạt đến tối thượng, rốt ráo mọi việc, đạt mười lực, cho đến mười tám pháp bất cộng của Phật, đã nghe thì cố gắng học, học rồi thì tinh tấn tu tập, quán sát kỹ mười việc ác và những việc không lành, đều đưa đến quả báo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì vậy, nếu chúng ta sát sinh thì thì sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, dù sinh trong cõi người, cũng phải chịu hai quả báo xấu.
Hai quả báo xấu là gì?
Ở nơi sinh ra tuổi thọ ít, bệnh tật nhiều, bị chết yểu. Gia đình buồn khổ rất là đáng thương. Nếu thích trộm cướp cũng đọa vào ba quả báo khổ. Nếu sinh vào cõi người, cũng phải chịu hai quả báo xấu.
Hai quả báo xấu là gì?
Chịu nghiệp đói, bị giặc cướp sạch không còn gì. Làm cho người khác buồn khổ, xâm phạm vợ người cũng bị ba quả báo khổ.
Lại cũng có hai quả báo: Bà con không ngay thẳng thường đấu đánh nhau.
Dối trá cũng sẽ đọa vào ba đường ác, cũng có hai quả báo ác: Bị nhiều người phỉ báng, nói năng không ai nghe.
Nói hai lưỡi cũng sẽ đọa vào ba đường ác, cũng có hai quả báo xấu: Bà con ly tán, sinh vào dòng hạ tiện, kết bạn với kẻ thấp hèn.
Nói lời ác cũng sẽ đọa vào ba đường khổ, cũng có hai quả báo: Nghe lời khó nghe và bị mắng nhiếc.
Nói thêu dệt cũng sẽ đọa vào ba đường khổ, cũng có hai quả báo: Làm hại người khác, gặp việc gì không tự quyết định.
Tham tiếc cũng sẽ đọa vào ba đường ác, cũng có hai quả báo: Sản nghiệp nghèo nàn, nhiều bệnh tật.
Ganh ghét cũng sẽ đọa vào ba đường ác, cũng có hai quả báo: Sống trong cõi người thì rơi vào tà kiến, không biết đủ.
Sân hận ganh ghét cũng sẽ đọa vào ba đường ác, cũng có hai quả báo: Tự hại mình và hại người.
Tà kiến ganh ghét cũng sẽ đọa vào ba đường khổ, nếu sinh trong cõi người thì cũng có hai quả báo: Rơi vào trong sáu mươi hai tà kiến, sống dua nịnh, nhiều tai họa đưa đến khổ ấm, nên tạo ra nguồn gốc bất thiện.
Giả sử, nếu bỏ được mười việc ác, làm mười việc lành, khuyên bảo người sống trong mười việc lành, tăng thêm tâm nhân từ, luôn có tâm thương yêu, cứu giúp, điều hòa, bố thí, ủng hộ, phụng sự thầy, kính Chư Phật, tâm luôn tự nghĩ: Chúng sinh bị tà kiến trói buộc, tâm ý điên đảo, chí niệm phản nghịch, làm việc hư dối.
Ta nên làm cho họ sống trong đạo chân thật, tu hành đúng đắn, nói và làm tương ưng, tạo lập sự an ổn. Chúng sinh hủy hoại, tranh tụng, phỉ báng lẫn nhau, luôn sân hận, gây họa cho nhau. Ta nên phát tâm từ bi rộng lớn vô thượng, lập hạnh kiên cố làm cho họ không còn chấp trước hai bên!
Chúng sinh không sợ nạn trói buộc, hay ghen ghét sự nghiệp người khác, làm việc sai quấy, không thuận gốc đạo. Ta phải làm cho chúng sinh được thanh tịnh thân, khẩu, ý. Chúng sinh mê muội tạo tội phước, ngu si bị ba chướng ngại che lấp, vương trong lưới phiền não, hay tự hành hạ mình.
Ta phải dùng phương tiện khéo léo, cần cầu vững chắc, diệt trừ hoạn nạn, tạo lập cảnh sống an ổn cho chúng sinh. Chúng sinh sống trong ách ngu si, bị vô minh trói buộc, ở trong sáu chỗ tối tăm, tạo nghiệp đen tối. Ta nên khai hóa, sửa trị để không còn chướng ngại, dùng mắt tuệ thanh tịnh, làm cho tất cả sống đúng với pháp tự tại, nhờ được tự tại nên không mong nhờ vào người khác.
Chúng sinh dính mắc trong chỗ khổ nạn sinh tử: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trôi nổi trong sáu mươi hai tà kiến nghi lầm, bị nhốt trong lưới ngu si, mê hoặc trong đường tà, đi trong nẻo tối tăm, không gần được Thánh Hiền.
chẳng ai cứu hộ, những nẻo đến, thì không giải thoát được nghiệp, có kiếp làm giặc cướp, ma quỷ ở trong tâm, tâm Phật thì xa lìa, ta nên nuôi dưỡng, tìm cách đưa họ qua đồng trống sinh tử được an ổn, hiện tại được sống trong thành nhất thiết trí, không còn lo sợ gì!
Chúng sinh ở trong rừng lửa dữ của ba cõi: Dục, Sắc, Vô Sắc.
Trôi nổi trong ba vực sâu, chìm đắm trong dòng sinh tử, đọa trong sông ân ái, bị giam giữ trong đại nạn, ở mãi trong ngu si, tâm nghĩ tham dâm, chí suy nghĩ tổn hại, làm việc cướp giật, chỉ chấp thân này. Ví như ở trên bờ biển, bị quỷ dâm dục mê hoặc, buông thả chạy theo những dục vọng, tự đề cao mình, hay thay tâm đổi dạ, chưa giải thoát tưởng đã giải thoát, đi vào chỗ suy tàn hư hoại, xa phước đức.
Ta nên giáo hóa để chúng tập tu những phước lớn căn bản, dùng đạo lực mà cứu giúp, để chúng sinh được diệt độ, bỏ hết mọi tai ách lo sợ. Nhân đó làm cho chúng sinh được sống trong nhất thiết trí. Chúng sinh bị tham ái trói buộc, vô số khổ đau, áo não buồn lo, yêu mến đủ chỗ, thương ghét trói buộc, gặp gỡ rồi xa lìa lưu luyến nhau.
Ở trong ba cõi bị vô minh che lấp. Ta nên khai mở, chỉ cho con đường chánh, đưa đến chỗ không chướng ngại, thoát nạn ba cõi, làm cho chúng sinh sống trong đạo Vô vi. Chúng sinh đều nương vào ngã, ngã sở, năm ấm, các nhập không thể thay đổi được. Ở trong bốn điên đảo. Nương nhờ trong nhà sáu suy, bị giặc cướp đánh đập, chịu vô số khổ đau. Ta nên giáo hóa khiến trừ bỏ ách nạn, đưa chúng sinh đến chỗ vô vi.
Chúng sinh luôn tạo nghiệp thấp hèn, thiếu trí tuệ, tâm không tôn quý nhất thiết trí, không đúng theo đạo lý Trời người, chí luôn ở trong nỗi lo sợ các nạn sinh tử, ưa Thanh Văn, Duyên Giác. Ta nên giáo hóa, làm cho họ có được tâm rộng lớn vi diệu. Đó là chỗ thâm nhập của Bồ Tát.
Với giới lực này, Bồ Tát khuyến khích và giáo hóa kẻ nghèo thiếu, luôn mở tâm từ bi, dùng phương tiện khéo léo, trụ trong địa Vô cấu của Bồ Tát. Nhờ đó được gặp vô số trăm ngàn Đức Phật, để cúng dường y phục, cơm, nước, thuốc men, giường nệm, đem đến sự an ổn nơi thân. Nương tựa vào Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng, theo đó mà làm, không làm trái lại.
Dù trải qua vô số trăm ngàn kiếp thọ thân, nhưng cũng không tạo nghiệp tham lam, ganh ghét, phạm giới, nhơ uế, vô ích, thích thú việc bố thí, phụng trì tịnh giới. Ví như có người vừa sinh ra, thân hình xinh đẹp, nhưng bị rơi vào đất nhơ, phải đem tắm rửa sạch sẽ.
Bồ Tát cũng thế, trụ địa Bồ Tát Ly cấu này, trải qua vô số trăm ngàn vạn kiếp, thọ thân hình nhưng không tạo nghiệp tham lam, ganh ghét, phạm giới, nhơ uế, vô ích. Mà thực hành bốn ấn, đem yêu thương nhân ái ban bố, bình đẳng lợi người và lợi cho tất cả, cứu độ tất cả chúng sinh, dứt trừ nguy ách, tu mười Ba La Mật rộng lớn, siêng năng tu tập Giới Ba La Mật, đầy đủ không thiếu.
Lại nữa, Này Thiện Nam! Như vậy, Bồ Tát được trụ ở địa thứ nhất. Địa thứ hai là Ly Cấu, Bồ Tát trụ ở đây, sẽ được làm Vua Chuyển Luân, cai trị bằng chánh pháp, tự nhiên có đủ bảy báu.
Giả sử có chúng sinh nào tạo nghiệp ác và phạm mười giới, thì phải dùng phương tiện, khéo léo an lập họ, làm cho họ thực hành mười nghiệp lành, thích đem phước và tuệ bố thí cho mọi người, tạo đức nhân ái. Đó là thật nghĩa của việc làm có ích, đem lại nhiều lợi, nhất quyết không bỏ. Luôn Niệm Phật, thích chánh pháp, ý chí theo Chúng Tăng.
Nghiệp của Bồ Tát, hạnh của Bồ Tát là tu sáu Ba La Mật rộng lớn, tìm cội nguồn mười trụ, suy xét mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, thực hành đầy đủ Phật Pháp, luôn nghĩ nhất thiết trí, nên dùng phương tiện nào để giáo hóa chúng sinh, đạt đến chỗ chí tôn tối thượng, siêu việt, thù thắng.
Đạt ở bậc Vô thượng, rồi làm thầy của chúng sinh, khuyến hóa, nuôi dưỡng, dạy dỗ và bảo vệ để tất cả đạt nhất thiết trí. Phát tâm trong khoanh khắc đầu tiên là bỏ việc thế tục, ái dục tối tăm, tùy thuận giáo pháp của Như Lai, xuất gia làm Sa Môn, siêng năng tu tập, sớm đạt trăm nghìn Tam Muội, gặp vô số Phật.
Vừa gặp Phật, đã xây dựng đạo, làm chấn động trăm ngàn cõi nước, nguyện sinh về cõi đó, vượt qua các cõi trang nghiêm thanh tịnh, không giới hạn vô số Thế Giới, để khai hóa, độ thoát cho vô lượng chúng sinh, thâm nhập túc mạng trí, trải qua nhiều kiếp số luôn tìm cầu vô số các cửa đạo pháp, thấy được hình tượng của chúng sinh ở mười phương, quán sát vô số chúng Bồ Tát, từ lúc tu học đã thề nguyện giữ gìn chí nguyện thù thắng.
Dù trải qua trăm ngàn vô số kiếp, cũng không nói hết được.
Giảng trụ thứ hai xong, Bồ Tát Kim Cang Tạng Đại Sĩ nói kệ rằng:
Đại chúng tâm chất phác
Tu sửa tánh ý mình
Chí khí đã chân thật
Nhu thuận lại điều hòa
Đã bỏ hết tham dục
Mong cầu đạo tối thượng
Hạnh nghiệp rất rộng lớn
Dựa ở nghiệp thứ hai
Giữ đức trụ địa này
Tích lũy các công đức
Xa lánh việc sát sinh
Không nghĩ việc giết hại
Trừ bỏ tâm tham ganh
Không xâm phạm vợ người
Thành thật, không hai lưỡi
Chẳng nói ác, thêu dệt
Dứt trừ sự tham, sân
Luôn tu tâm từ bi
Nhập hạnh nghiệp chánh kiến
Không nịnh, hành chất phác.
Không tham ái ngạo mạn
Sửa tánh là quan trọng.
Hộ trì giáo Phật Pháp
Phải sống không buông thả
Khổ đau của địa ngục
Hay của loài súc sanh
Dùng ánh sáng Phật Pháp
Trừ diệt khổ ngạ quỷ
Bỏ hết mọi việc ác
Và tâm ý xấu xa
Cắt đứt sự tổn hại
Tâm trí tin Kinh Pháp
Tự răn ngừa tâm ý
Sinh đến chỗ tốt lành
Hoặc Cõi Trời Đao Lợi
Vắng lặng luôn an ổn
Giống như bậc Duyên Giác
Thanh Văn và Chánh Giác
Đều từ mười việc này
Và bạch pháp sinh ra
Thấy vậy nên quán sát
Luôn sống không buông thả
Giữ vững các giới cấm
Lại khuyên dạy người khác
Làm lớn tâm yêu thương
Chí tánh: Mặt trời hiền
Quán chúng sinh khổ não
Mà phát tâm thương tưởng
Vì tâm không tỏ ngộ
Rơi vào các tà kiến
Sân hận và độc hại
Tâm luôn thích đấu tranh
Không chán xa thân thuộc
Tham đắm trong cảnh giới
Ta sẽ độ thoát chúng
Vượt qua khỏi ba ách
Kẻ tâm tính ngu si
Luôn ở trong tăm tối
Rơi vào đường nguy hiểm
Ở trong lưới tà kiến
Xoay vần trong sinh tử
Hãy tìm phương cứu độ
Cứu thoát sáu hữu tình
Chân chánh hiểu năm ấm
Tiêu trừ các trần lao
Vượt qua bốn kết sử
Dứt sạch khổ ba cõi
Thiêu đốt tâm làm hại
Lìa hẳn thân tham đắm
Vọng tưởng ngã, ngã sở
Ta vì những hạng ấy
Mà tu hành độ thoát
Để tâm cao hơn hết
Tuệ vô thượng của Phật
Dắt dẫn thành thật tu
Bỏ tâm tưởng yếu kém
Lập chí nguyện rộng lớn
Đạo tuệ của Như Lai
Phải siêng năng vững chãi
Để đạt được Phật Đạo
Trụ công huân vắng lặng
Tích lũy mọi phước đức
Gặp vô số Đức Phật
Nguyện cúng dường tất cả
Hiểu rõ pháp thanh bạch
Trải qua trăm ngàn kiếp
Thân không bị chướng ngại
Tâm, miệng cũng như vậy
Phật Tử trụ địa này
Tùy thời chuyển pháp luân
Khai hóa các chúng sinh
Thực hành mười nghiệp lành
Những việc đã tích lũy
Là hạnh nghiệp trong sạch
Cứu hộ các chúng sinh
Làm giàu thêm mười lực
Nhân đó phát tâm ý
Bỏ nước, bỏ sản nghiệp
Xuất gia làm Sa Môn
Tu tập hạnh dũng mãnh
Đã thông suốt tinh tấn
Đạt tam muội cao quý
Gặp vô số Đức Phật
Tùy thời như Cõi Phật
Do vậy không thể kể
Hết những việc thay đổi
Vừa thấy các cảnh giới
Đều trụ trong đạo địa
Đã trụ vào nguyện ấy
Đạt diệu tuệ tối tôn
Làm nhiều việc biến hóa
Để giác ngộ chúng sinh
Đó là trụ thứ hai
Lời Chư Phật giảng dạy
Thương xót các chúng sinh
Bồ Tát là Tối thượng.
Nghe được cảnh giới thứ hai là pháp chân chánh cao tột, không thể nghĩ bàn của Bồ Tát.
Các Phật Tử vui mừng, cung kính, trụ trong hư không, làm mưa hoa trời, đồng thanh ca ngợi: Lành thay! Phước đức của Bồ Tát như núi chúa! Đã phân tách, giảng rõ nguồn gốc giới cấm, đã bày tỏ tâm thương xót chúng sinh. Thì xin Bồ Tát diễn thuyết hạnh thứ ba.
Lời Bồ Tát giảng chí thành, không sai khác. Hạnh Bồ Tát thật là vô thượng, làm cho khắp chúng sinh đều được an ổn. Với hạnh nguyện giảng thuyết diệu hạnh thứ nhất, đại chúng đều tuân thuận, Trời người đều cung kính.
Trụ địa Ly cấu thứ hai của Bồ Tát là phải trừ bỏ ái dục, siêng năng tu tập, xây dựng pháp tuệ lớn như là: Thực hành bố thí, giữ giới, thành Bậc Thánh Giả. Nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm vắng lặng, khéo tu trí tuệ, tâm từ thù thắng, thương yêu hành đạo, giúp đỡ, giảng thuyết hạnh thanh tịnh ví như Trăng sáng. Bồ Tát Kim Cang Tạng giảng diễn trụ thứ ba, ai nấy đều vui vẻ, phát tâm hành đạo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba