Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Mười Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐỘ THẾ PHẨM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN MƯỜI NĂM
Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi Bồ Tát Phổ Hiền:
Sao gọi là thân nghiệp?
Sao gọi là thể?
Sao gọi là ngôn từ?
Sao gọi là khẩu tịnh?
Sao gọi là khéo thanh tịnh?
Sao gọi là chỗ hộ trì khéo được thu giữ?
Sao gọi là chỗ tu tập giáo hóa của Bồ Tát thường khuyến hóa cõi chúng sinh?
Sao gọi là tâm bình đẳng của Bồ Tát?
Sao gọi là phát tâm ý?
Sao gọi là tâm hiện hữu khắp?
Sao gọi là các căn?
Sao gọi là chí tính?
Sao gọi là tính hòa?
Sao gọi là đúng thời?
Sao gọi là đáng tin?
Sao gọi là tin vào Thế Giới?
Sao gọi là tin vào cõi chúng sinh?
Sao gọi là dừng ở?
Sao gọi là hưng phát?
Sao gọi là phụng hành?
Sao gọi là thành tựu?
Sao gọi là làm mất đạo pháp Phật?
Sao gọi là vắng lặng?
Sao gọi là pháp cứu cánh?
Sao gọi là sinh nơi pháp Phật?
Sao gọi là chánh sĩ?
Sao gọi là đường?
Sao gọi là vô lượng đường?
Sao gọi là đạo nghiệp?
Sao gọi là hành đạo?
Sao gọi là tiến đạo?
Sao gọi là hạnh?
Sao gọi là tay?
Sao gọi là bụng?
Sao gọi là tạng?
Sao gọi là tâm nghiệp?
Sao gọi là áo giáp công đức?
Sao gọi là cây gậy?
Sao gọi là đầu?
Sao gọi là mắt?
Sao gọi là tai?
Sao gọi là mũi?
Sao gọi là lưỡi?
Sao gọi là thân thể?
Sao gọi là hỷ hạnh?
Sao gọi là bước đi?
Sao gọi là ở?
Sao gọi là ngồi?
Sao gọi là nằm ngủ?
Sao gọi là nhà?
Sao gọi là du hóa?
Bồ Tát Phổ Hiền đáp: Hay thay những câu hỏi ấy! Hãy lắng nghe và ghi nhận!
Bồ Tát Phổ Trí đáp: Thưa vâng!
Bồ Tát Phổ Hiền nói: Thân nghiệp của Bồ Tát có mười việc.
Những gì là mười?
1. Bồ Tát có thể dùng một thân mà hiện hữu khắp Cõi Phật nên gọi là thân nghiệp.
2. Bồ Tát thị hiện ở tất cả cõi chúng sinh cùng các chỗ sinh sống khác mà luôn an nghĩ.
3. Một mình bước đi trong mười phương giới.
4. Cũng đều đi đến các chúng hội thuyết pháp nơi Đạo Tràng Chư Phật.
5. Bồ Tát có thể dùng một tay che trùm tất cả tam thiên Thế Giới.
6. Dùng một tay nắm giữ các núi Đại Thiết Vi, các núi Kim Cang.
7. Hiển bày chúng sinh và tất cả Cõi Phật tập họp ở trong thân mình.
8. Lại có thể làm biến mất, đem cõi chúng sinh làm thành một thân giấu riêng một chỗ.
9. Lại thị hiện cho tất cả chúng sinh nhận biết tại thân của mình.
10. Đem sự thành tựu để trang nghiêm Cõi Phật thanh tịnh.
Đó là mười thân nghiệp. Bồ Tát an trụ ở đấy thì đạt đến đạo vô thượng, dạy bảo chúng sinh đều đến với đạo.
Thể Bồ Tát có mười việc.
Những gì là mười?
1. Thể phụng tu sáu độ vô cực của Bồ Tát.
2. Có thể hành bốn nhiếp pháp, tu bi rộng mở không xả bỏ chúng sinh.
3. Thân Bi, thay cho các chúng sinh đảm nhận cái khổ của năm ấm, tự thọ lấy những việc đó chẳng hề mệt mỏi.
4. Thân từ vô cực, hộ trì khắp tất cả, khiến mọi người được cứu giúp.
5. Dùng thân công đức khiến cho muôn dân đều tôn thờ kính ngưỡng, đạt được an ổn giải thoát.
6. Đem việc Thánh tuệ cùng với tất cả Chư Phật hợp chung một thể.
7. Để được thành tựu thì nên bỏ tất cả các pháp hưng, nguy.
8. Thân thiện quyền phương tiện của Pháp thân.
9. Tất cả hiện môn về thần túc biến hóa đều có thể hiển thị, tạo ra sự cảm ứng.
10. Thể của Bồ Tát là ở nơi đạo tự tại, liền thành tựu Chánh Giác.
Đó là mười thể. Bồ Tát trụ ở đấy thì liền có thể nhập vào đại tuệ vô thượng của Đức Như Lai Chí Chân.
Ngôn từ Bồ Tát có mười việc.
Những gì là mười?
1. Lời nói của Bồ Tát chính xác, rõ ràng, tức dùng lời dạy để đem lại yên ổn cho chúng sinh.
2. Dùng lời trong sáng, hòa nhã làm vui mọi tâm niệm của tất cả muôn dân.
3. Dùng lời nói không dối gạt, đã nói thì nói đúng như sự thật.
4. Bồ Tát nói ra lời chân thật, giả sử đang ở trong mộng, Bồ Tát cũng không có lời nói khác.
5. Chỗ nói thì tùy thuận, chẳng khi dối các vị Đế Thích, Phạm Thiên và bốn Vua Trời, thâm diệu không tổn hại.
6. Bồ Tát có thể thị hiện lời giáo huấn tự nhiên.
7. Điều đã nói ra thì bền vững, ban tuyên các pháp không có bờ cõi.
8. Bồ Tát diễn đạt, mọi việc được phơi bày, theo tất cả lời nói mà khai hóa.
9. Tùy chỗ tạo tác của từng người mà nói về báo ứng của họ, bày ra gốc ngọn sự việc ấy.
10. Bồ Tát quán sát tâm ý của chúng sinh rồi tùy theo chỗ thích ứng của họ mà dạy bảo.
Đó là Bồ Tát thông suốt mười ngôn từ.
Bồ Tát có mười việc là khéo thanh tịnh.
Những gì là mười?
1. Ưa thích được nghe âm thanh của Đức Như Lai, đó là tịnh.
2. Suy xét âm thanh của Bồ Tát đã từng nghe.
3. Bỏ đi những điều chúng sinh chẳng thích nghe, dứt sạch ác ngữ.
4. Không đem đến cho người khác chỗ đã nói từ xưa cùng bốn điều lỗi của miệng phải luôn xa lìa.
5. Bản tâm hoan hỷ gióng vang đại âm ca ngợi Đức Như Lai.
6. Tại chùa Phật, đền thờ… ngợi khen công đức của Phật.
7. Dùng tánh thanh tịnh hòa nhã vì các chúng sinh tuyên dương pháp thí.
8. Tại chùa, đền tôn nghiêm, tấu các kỹ nhạc, đánh đàn, thổi sáo, tạo sự ưa thích về tháp miếu của Phật.
9. Gần gũi diện kiến theo các Đức Phật Thế Tôn, lắng nghe Kinh Điển, tùy thuận phước Trời, theo các Bồ Tát.
10. Nếu vì Pháp sư được nghe Kinh Điển, đích thân phụng sự, tâm xả bỏ niềm vui Cõi Trời.
Đó là mười việc diễn dạy vì khéo thanh tịnh của Bồ Tát.
Chỗ hộ trì khéo được thu giữ của Bồ Tát có mười việc.
Những gì là mười?
1. Các Vua Trời hiện ra đều cùng ủng hộ.
2. Vua rồng, Vua Quỷ, Thần đều hiện ra để bảo vệ.
3. Các chúng Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân đều đến phụng kính.
4. Các chúng Ca Lưu La, Vua Kim Sí điểu đều đến tạo mọi an ổn.
5. Các hàng Chân Đà La, Ma Hưu Lặc đều quy ngưỡng.
6. Lại nữa, Trời Đế Thích, Chư Thiên theo hầu đều đến hộ trì.
7. Vua Phạm thiên đem các chúng Phạm thiên đến ở một bên mà tự quy y.
8. Các Bồ Tát đều cùng kính niệm.
9. Các vị không thoái chuyển, nhất sinh bổ xứ đều tạo sự thân cận.
10. Các Đức Như Lai hiện ở khắp mười phương, đều ra uy thần hộ trì.
Đó là mười việc khéo thu giữ ủng hộ Bồ Tát.
Bồ Tát có mười chương huấn là chỗ tu tập.
Những gì là mười?
1. Thường hoan hỷ ở cõi chúng sinh.
2. Cũng lại giáo hóa khắp cả ba ngàn cõi nước của Chư Phật.
3. Bồ Tát lại có thể hội nhập nơi tất cả các căn tánh.
4. Tùy theo căn cơ, hoàn cảnh của những chúng sinh thông lợi, kẻ trung bình, thấp kém để tạo sự nghiêm tịnh cho họ.
5. Khiến chúng sinh tiêu trừ tất cả ái dục, phiền não.
6. Xa lìa các thứ uế trược, từ bỏ cảnh giới cấu nhiễm.
7. Đều nhìn thấy chí tánh hiện tại.
8. Dần dần thêm lớn tính thanh hòa.
9. Đều thấu đạt khắp các pháp giới.
10. Vì vậy cho nên mau chóng gần với vô vi.
Đó là mười việc.
Tâm bình đẳng của Bồ Tát có mười việc.
Những gì là mười?
1. Tâm bình đẳng nơi các pháp Tổng trì, nắm lấy các chúng sinh, thu giữ các gốc đức, khiến họ chẳng thoái chuyển.
2. Tâm như sông biển không thể hạn lượng, thuận theo pháp của Chư Phật, nơi đạo tuệ vô cực.
3. Tâm như núi Tu Di, công đức ấy siêu việt và kiến lập tất cả gốc thiện của chúng sinh.
4. Tâm như ngọc sáng, trừ sạch các nhơ bẩn, ý niệm thanh tịnh.
5. Tâm như Kim Cương, hủy hoại tất cả các pháp uế tạp.
6. Tâm ấy kiên cố như núi Thiết vi, không gì có thể hủy hoại, tất cả chúng ma, các ngoại đạo, dị học không thể lay chuyển.
7. Tâm Bồ Tát giống như hoa sen, đi trong ba cõi mà vĩnh viễn không tham đắm.
8. Tâm Bồ Tát ấy lại như hoa Linh thụy, ở vô số kiếp khó được nghe, thấy.
9. Tâm như mặt trời, mặt trăng, du hành ở hư không, diệt trừ tất cả sự tối tăm, tệ ác, ngăn ngại, ngu si.
10. Tâm ấy như hư không, thương xót tất cả các loài. Đó là mười tâm Bồ Tát.
Bồ Tát phát tâm lại có mười việc.
Những gì là mười?
1. Bồ Tát phát tâm: Ta phải vui vẻ với muôn người phải diệt trừ các thứ phiền não, ái dục của chúng sinh, khiến cho họ vĩnh viễn dứt bặt.
2. Lại dấy lên ý nghĩ là cắt đứt các thứ tệ ác, ngăn ngại.
3. Ở nơi các pháp chẳng hề do dự, đạt đến chỗ vắng lặng.
4. Ta luôn an nhiên để thấy rõ tất cả chúng sinh bị năm ấm làm khổ.
5. Ta phải dứt bỏ tám nạn, đường ác.
6. Thường gặp đủ tất cả các Đức Như Lai, luôn ở bên cạnh các Ngài.
7. Thường phải tinh tấn tu học giới của Bồ Tát, thành tựu Phật Đạo.
8. Thấy khắp chúng sinh, thành tựu tất cả, khiến nhập vào nguồn đạo.
9. Khi Bồ Tát phát đạo ý, phải biết đã được trống Phật gióng lên vang khắp các Cõi Phật trong mười phương.
10. Thâu tóm hết cả chí tính và các căn của muôn người, khiến không ai là không được dẫn dắt.
Đó là mười việc phát tâm của Bồ Tát.
Tâm hiện hữu cùng khắp của Bồ Tát lại có mười việc.
Những gì là mười?
1. Tâm ấy rộng lớn biến khắp như hư không.
2. Tâm nhập vào tất cả pháp giới đều không lường.
3. Một lúc đều hiện khắp trong ba đời.
4. Sự hưng hiển của Chư Phật liền có thể gồm đủ: Đầu thai, sinh ra, bỏ nước, nhường ngôi, thành Tối Chánh Giác, hiện tại diệt độ.
5. Đều do Thánh tuệ nhập vào cõi chúng sinh.
6. Tính ý, chí nguyện ấy hiểu rõ các căn.
7. Tâm đem ánh sáng đến khắp tất cả cảnh, cõi của các pháp, cùng khắp không bờ cõi.
8. Các lưới huyễn hóa không chỗ sinh ra, đến với tự nhiên, không có điên đảo, không thể kể xiết.
9. Tâm mình không ngăn ngại khiến cho kẻ khác không bị ngăn che, trí tuệ ánh sáng mà được tự tại.
10. Khi các Đức Phật hưng khởi sự phát tâm thì thị hiện đạo quả Tối Chánh Giác.
Đó là mười việc nói về tâm hiện bày khắp của Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật đại Giáo Vương - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Khiển Trừ Ma Ngoại
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bạch Pháp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Hưng Khởi Hạnh - Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Kiếp Trước Của Sự Khổ Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Vô Xan Phiền Não